Cố Mollard và cái chén nhựa (Nguyễn Hoàng 57)

Cố Mollard và cái chén nhựa

 

Lâu rồi chẳng thấy anh em nào viết bài gì về Tiểu Chủng Viện của mình cả, cái thời thơ mộng nhất của anh em chúng ta. Chúng ta chẳng lo gì cả về chuyện chính chị chính em, chỉ lo đi học, đi chơi và rồi đi phá phách, từ trên rẩy của người ta cho đến cái nhà bếp của các dì. Hay là tại tôi không vào trang web của Sao Biển mình mà tìm. Có những anh em chỉ thích viết ở trong đó thôi. Nghe đâu hình như nhóm Nha -Trang có viết một số bài hay lắm và có đăng trong trang web ấy nữa. Khổ nỗi tôi lại không có thì giờ đi lục tùm lum như thế. Nếu nói về cái tính làm biếng, thì xưa cũng vậy, nay cũng thế, nếu tôi không đổ thủ khoa thì cũng bảng nhãn.

Không biết có ai đã viết về đề tài này chưa? Thôi kệ, biết đâu họ đã viết rồi mà còn là rất hay nữa, đâu có như tôi chuyên viết tào lao, viết toàn những chuyện chọc thiên hạ chửi thôi. Vậy mà viết những chuyện như thế tôi lại có rất nhiều ý, còn viết đàng hoàng thì một chữ tôi nghĩ cũng không ra. Nhưng nếu tôi không viết hôm nay thì sẽ chẳng có bao giờ tôi lại viết nữa. Tôi có quá nhiều việc phải làm, những chuyện tôi nên làm, vì nghĩ rằng có ích cho một số người. Và như thế tôi sẽ không có thì giờ nào trống nữa. Nên dù có nghĩ rằng mình chỉ đi sau anh em thôi, tôi cũng vẫn cứ viết, hy vọng rằng anh em vẫn chưa có ai viết.

Tôi có cái tật là không bao giờ muốn ăn cơm bằng chén nhựa. Cái tật đó có lẽ có từ thời tôi còn ở chủng viện thì phải. Tôi đi Tiểu Chủng Viện Làng Sông từ năm 56. Ở đó tuy không phải ăn muỗng nĩa như khi về lại Nha-Trang, nhưng chén cũng chén sành đàng hoàng, chỉ có điều cứ phải ăn đũa hai đầu, một lối ăn nghe đâu của đám Vixi thời chín năm kháng chiến gì đó truyền lại. Và cứ mỗi lần tôi ăn không được là tôi lại đem bọn Vixi ra chửi đông đổng trong lúc mấy anh em chúng bạn hoặc bụm miệng cười hoặc nháy nhỏ: Hè, tai vách mạch rừng đó nghe mày, mày nói coi chừng tụi nó nghe là chết nghe con! Nói thật mỗi lần tôi thấy bọn nó xem Vixi như là ông kẹ, tôi bắt tức cười. Thời quốc gia rồi mà. Mấy ông kẹ Vixi giờ chỉ còn có trốn kỹ trong rừng thôi, đâu có dám thò mặt ra nữa đâu mà sợ. Vậy mà bọn nó vẫn cứ sợ, vẫn cứ lắm lét mới chết chứ. Và tôi có ác cảm với Vixi kể từ đó. Họ chẳng làm gì tôi cả, nhưng không hiểu sao tôi lại chẳng ưa Vixi chút nào cả.

Đúng là ghét của nào trời trao của ấy. Không biết mbt của tôi nghe ai, có một dạo mua về một loạt toàn là chén nhựa và xỉ nhựa. Tôi cực lực phản đối nhưng chẳng ăn thua gì. Ẻn nói chén nhựa lỡ có rớt cũng chẳng sao. Nhưng tôi cứ giữ vững lập trường, nghĩa là tới bữa thì ẻn muốn ăn bằng gì thì ăn, còn tôi thì cứ chén sứ xỉ sứ, không bao giờ chịu ăn chén nhựa cả. Và kết quả là tôi còn được vài ba chén sứ để lựa, nhưng về xỉ sứ tôi chỉ còn có một cái thôi để làm của.

Hôm nay, không hiểu ẻn nghĩ sao bèn nấu phở ở nhà. Dù rằng mắc công đi lục nhưng tôi thà bị nghe cái giọng super tenor của ẻn chứ nhất định phải tìm cho bằng được cái xỉ sứ độc nhất còn lại của tôi và cái tô sứ, mặc dù cái tô đó lớn quá khổ. Ôi cái thời ăn to nổi tiếng của tôi qua rồi, hết cái màn đi một lần hai ba tiệm phở mới no rồi! Và chẳng hiểu sao bỗng dưng tôi lại nghĩ đến mấy cái chén nhựa mà có lần tôi đã phải dùng nó để ăn cơm suốt gần hơn 8 năm tù đày. Tôi có cái tật bê bối lộn xộn. Cứ mỗi lần như thế mẹ tôi bảo: “trước sau gì mày cũng vào tù mà ngồi vì làm mất giấy tờ cho coi!” Và tôi đã ở tù thật! Không phải như lời mẹ tôi mắng lúc xưa, mà chỉ vì cái tội làm chiến sĩ VNCH! Và rồi tôi lại nghĩ đến cố Mollard, cha quản lý của TCV Sao Biển năm 1958.

Thời 56, 57 là cái thời đồ nhựa được thình hành nhất. Tôi đã  gặp những đồ nhựa cùng khắp thành phố. Lên xe buýt, xe lửa gì cũng gặp những tay quảng cáo đồ nhựa cả, nào là kẹp là cài cho các bà các cô. Nhiều nhất và bán chạy nhất vẫn là lược. Đủ cỡ, lớn nhỏ, đủ thứ màu sắc. Tuy là những thứ đó lúc đó khá đắt, nhưng rất bền.  Mà bền là tốt rồi, ít ra không phải xách tiền mua hoài! Ở nhà tôi, mẹ tôi cũng mua một cái lược bằng nhựa thật dẻo. Mẹ tôi quý cái lược ấy lắm vì từ nay sẽ không còn có chuyện gãy lược nữa. Nhưng tôi thì rất ghét đồ nhựa, nhất là mấy cái chén nhựa mà mẹ tôi bắt tôi ăn. Tôi cứ khiếu nại mãi, cuối cùng mới được toại nguyện. Nhưng cũng chẳng phải dễ dàng gì, phải hứa là phải cẩn thận không làm bể chén mới được!

Vậy mà cả phong trào đồ nhựa đó vẫn không tha cái tiểu chủng viện của chúng tôi. Chúng tôi ở xa thị thành, nơi hẻo lánh ít người lui tới, vậy mà cái phong trào ấy cũng cứ xâm nhập vào làm anh em chúng tôi một dạo phải xôn xao vì nó. Tất cả chỉ vỉ Cố Mollard thông minh tuyệt đỉnh cả, làm cho tất cả anh em chúng tôi từ người lớn biến thành những em nhỏ.

Cố Mollard lấy tên Việt Nam là Lễ. Ngài rất thân với cố Lagrange với một cái tên rất là Việt Nam, Lê Quang. Thường thường sau bữa cơm chiều các ngài không khi nào về phòng riêng ngay cả. Các ngài  hay dừng lại ở chân cầu thang các chú nhỏ chuyện vãn. Phòng của Cố Lagrange trên lầu, nhưng phòng của cố Mollard, vì là cha quản lý, nên ở tầng dưới cách nhà cơm không xa. Cứ mỗi lần như thế, tôi thường hay lân la với hai ngài. Tất nhiên là để kiếm kẹo Tây rồi. Hai ngài nhất là Cố Mollard có những bánh champagne Pháp và những loại kẹo Pháp rất ngon. Tất nhiên là thỉnh thoảng tôi mới được các ngài cho một viên. Như thế cũng là ăn tiền rồi. Đủ để nhem nhem với anh em trong lớp. Cố Mollard thường hay trỗi giọng chọc ghẹo tôi mỗi khi tôi đến chào: “Tiens, voilà Mr. l’Empereur.” Và đó là tên cúng cơm đầu tiên của tôi. Tôi cũng chẳng hiểu là do ai đặt nhưng chắc chắn là một trong hai ngài.

Tôi rất thích ngắm cái sẹo sau cổ của cố Mollard, một món quà do địch quân tặng cho ngài lúc ngài tham dự đệ nhị thế chiến, một cái sẹo rất dài vắt ngang phía sau cổ, không ai là không thấy. Cũng như Cố Gervier Lành sau này, cố Mollard rất tận tụy với công việc quản lý của ngài. Và vì quá tận tụy nên ngài đã nghĩ ra một trò mới làm cho các chú, nhất là các chú lớn rất bất mãn: cho các chú ăn chén nhựa thay vì chén sành như trước.

Thật ra, ăn chén sành cũng chẳng có ngon lành gì. Không có mấy cái còn nguyên vẹn. Cái nào cũng mẻ trên vành, không mẻ to thì cũng mẻ nhỏ. Các chú cứ thỉnh thoảng làm bể một cái. Nào phải là do vô ý đâu, vì chén rớt bể nhưng lại toàn là chén không cả. Có ai dại gì làm bể chén có cơm có cá thịt đâu. Mỗi lần như thế là khổ cho các dì và một số người giúp các dì dọn dẹp. Thiếu chén thì các dì phải lên phòng quản lý xin cố Mollard cho thêm tiền để mua chén. Và vì thế cố Mollard đi phố nghiên cứu và kết quả là cha đã tìm ra chén nhựa, một khám phá mà cha cảm thấy rất hãnh diện như là một nhà khoa học tìm ra được một công thức mới: công thức không làm bể chén của ngài.

Vào một buổi sáng Chúa Nhật trong giờ học étude libre, bỗng cố Mollard xuất với hiện một chồng chén nhựa đủ màu trên tay tại phòng học chung của các chú nhỏ. Lúc đó trường chỉ mới có lớp 8 mới vào là đông thôi, nên các chú lớp lớn hơn cũng tập trung ở đây vì số lượng ít hơn. Nếu nói cho đúng thì chỉ có ba cái, vàng – xanh – đỏ. Chúng tôi im lặng nhìn cố Mollard lên lớp: “Các chú ăn cơm hay làm bể chén quá, và các dì cứ lên xin tiền để mua chén mới, mà các chú biết đó, địa phận nghèo đâu có nhiều tiền, nên cha phải nghĩ cách tiết kiệm bớt tiền cho địa phận. Cha đã đi tìm và bây giờ cha đã tìm được một loại chén rất đẹp đủ màu cho các chú thích. Bóp cũng không sao, và liệng xuống đất cũng không sao.” Nói rồi cha để chồng chén lên bàn giám thị, rồi lấy một cái chén ra bóp méo. Xong cha chìa ra cho tất cả các chú xem rằng nó đã trở về lại dạng bình thường. Kế đến, cha lại thả nó rơi lóc cóc xuống nền xi măng. Và cha tuyên bố: “kể từ trưa nay trở đi, các chú sẽ được ăn chén mới!” Và thế là point final. Cha ra đi với một nụ cười hãnh diện trên môi trong sự ngỡ ngàng của tất cả các chú trong phòng.

Thật ra chuyện ăn chén nhựa cũng chẳng sao, chỉ có điều nó đã để lại cho các chú một ấn tượng không mấy tốt. Dù sao thì các chú cũng đã là người lớn, đã được lựa lọc kỹ. Những lời của cố Mollard vô tình đã đánh thức cái tôi trong lòng các chú. Lúc nhỏ ở nhà các chú đã từng được cha mẹ cho ăn chén nhựa để khỏi bể chén rồi. Và bây giờ, các chú đã lớn, nên không còn có ai phải ăn chén nhựa cả. Về nhà các chú được bà con trong làng trọng vọng. Đi lễ cũng được cha sở cho một bàn quỳ riêng để làm gương trong họ. Cho nên dù có láu táu như tôi cũng đâu có dám hó hé khi quỳ ở bàn quỳ đó vì không biết có bao nhiêu con mắt đang nhìn mình! Về nhà thì không chừng lại được cha mẹ cho ăn chén đĩa theo kiểu Tây nữa đó!

Đừng nói chi ai, tôi cũng đã gặp một trường hợp tương tự. Vừa được cha sở báo tin là trường Làng Sông đã nhận, tôi đã được thăng cấp ngay. Từ việc phải ngồi ăn với những đứa em khác trong nhà, tôi được đưa lên ăn chung nơi bàn tròn với mấy người lớn trong nhà. Và còn đặc biệt hơn nữa là tôi lại được ăn bằng đĩa bàn và muỗng nĩa, y như chú 9 của tôi. Trên bàn ăn từ ông nội tôi xuống đến cô tôi và chú thím tôi, ai cũng ăn  bằng chén đũa cả. Duy nhất chỉ có chú 9 tôi là ăn bằng đĩa bàn và muỗng nĩa. Tôi đã thường ao ước được ăn như thế và đó cũng là một trong những động lực khiến tôi gật đầu khi tôi được ông nội tôi cho đi tu. Dỡm quá phải không các anh em. Cho nên tôi xuất cũng chẳng lạ gì cả, vì từ đầu đến cuối tôi toàn là thuộc người thế tục. Và bây giờ tôi đã đạt được nguyện vọng làm một người đặc biệt trong nhà ông nội tôi, người thứ hai được ăn cơm bằng đĩa và muỗng nĩa.

Sau những tháng phải ăn những chén nhựa xanh vàng đỏ như các em bé ở nhà, các chú cuối cùng cũng nghĩ ra được cách khỏi ăn chén nhựa. Tế nhị lắm, nếu không thế nào cũng bị quỳ nhà cơm như chơi nếu bị phát giác. Tế nhị như lúc trộm nước dừa mà không bị ai phát giác! Dừa thì vẫn ở trên cây nhưng tất cả đều bị thủng đít! Tất nhiên phong trào đục đít chén nhựa được khởi xướng từ các chú lớn như bất cứ phong trào phá phách nào. Chẳng bao lâu phong trào lây sang các chú nhỏ và ô hô, số chén lũng đít càng ngày càng nhiều và không còn ai có thể ăn canh nữa cả. Cố Mollard rất giận vì cứ phải đi mua thêm chén nhựa để thay thế cho các chén lũng lỗ. Ngài cố rình để bắt một chú làm gương. Nhưng đã gian thì phải ngoan! Các chú lém lắm nên cố chẳng bắt được tay nào cả.

Tuy không bắt được tội phạm, nhưng cuối cùng Cố Gervier Lành, người thay cho Cố Mollard làm quản lý khi ngài ở luôn bên Pháp không trở qua nữa, cũng tìm ra một biện pháp để trừng phạt các chú về tội phá hoại của nhà chung này. Sau này, các chú lớp nhỏ phải đóng tiền để mua chén riêng cho mình. Chắc các chú không bao giờ ngờ rằng trước đó đã có một trận chiến giữa cha quản lý và các chú trong một cuộc chiến gọi là “chiến tranh chén nhựa”! Và phần thua thiệt về phần các chú!

 

Nashville, TN 24/7/2013

Petrus Nguyễn Hoàng SB 57

___________________________

Nhân dịp anh Hoàng kể chuyện các chú ăn cơm “chén nhựa” do Cha Mollard khởi xướng, xin được kể một giai thoại còn nhớ được về cố Mollard.

Năm 61, khi chúng tôi nhập huitieme thì thầy Đào trí Cầu (RIP) làm giám thị các chú nhỏ, cha Mollard làm quản lý và đặc trách thêm việc huấn luyện các chú lính mới tò te phải biết giúp lễ và đọc các kinh tiếng latinh cho đúng. Hôm ấy trong buổi tập giúp lễ tại phòng etude chung các chú nhỏ, cha bắt chúng tôi phải ôn lại mấy kinh khó nuốt như Confiteor, Suscipiat, v.v… mặc dù khi thi vào chủng viện, các cha cũng đã khảo hạch mấy kinh đó rồi.

 Sau phần lý thuyết, đến phần thực tập. Cả lớp chăm chú theo dõi và phải thực tập y chang như cha đang làm lễ thật. Xin nhớ là thời trước Công Đồng Vat II, linh mục còn làm lễ “quay lên”, và sau phần truyền phép, chủ tế tiếp tục dâng Mình Máu Thánh lên cao để giáo dân phía sau cúi đầu tôn kính, và trong lúc đó thì các chú giúp lễ phải cầm cái đuôi áo lễ phía sau lưng chủ tế và cùng nâng lên theo nhịp của chủ tế.

Tôi không nhớ bữa đó tới phiên hai bạn nào thủ vai chú giúp lễ.  Khi cha dâng cao Mình Máu Thánh, hai chú tập sự thay vì cầm áo lễ thiệt, lại cầm cái mép áo dòng đen của Cha giơ lên theo đúng quy cách cha mới dậy.  Khổ nỗi là bữa đó cha không mặc quần dài (pantalons) bên trong, mà chỉ chơi mỗi một cái “culotte” mà thôi. Oh lala…không biết hai bạn giúp lễ lúc đó thấy gì rõ nhất (?), nhưng cả lớp phiá dưới được mục kỉnh cặp giò trắng bạch của cha quản lý Mollard, và đã được một trận cười bể bụng.

Định 61

______________________

Tiếp lời anh Định 61 kể:”Cái anh chàng giúp lễ cố Mollard bữa đó (1961) là Pierre Nguyễn Đường Hoàng SB60, gốc Vinh Phú, nghe đâu đã qua đời rồi: rất dơ, rất làm biếng, nhưng học rất giỏi và rất dễ thương tuy mang tiếng là “Trâu cui!”.

Có lần anh chàng này nhờ Vinh 61 lấy một cái que dài cạo giùm cái lưng đầy mồ hôi và bụi bậm vì không có giờ …tắm! Hễ vào giờ học (étude) là ngủ nhưng bài làm thì luôn có điểm cao! RIP Pierre Hoàng.”

Vinh 61