Những khúc mắc của mục tử Phanxicô

Những khúc mắc của mục tử Phanxicô

 

Ngài là người đã du nhập lòng sùng kính Đức Mẹ “tháo gỡ các khúc mắc” từ Đức vào Achentina. Thay vì học vấn, ngài thích chăm lo các linh hồn hơn. Ngày nay ngài cũng hành động tương tự: ngài trao cho kẻ khác lo việc diễn đạt giáo lý. Như trong vấn đề việc rước lễ của người ly dị và tái hôn.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350632?eng=y

 

ROME, ngày 29 tháng Mười năm 2013 – Từ khi được bầu lên làm giáo hoàng, ngài Jorge Mario Bergoglio luôn nằm trong tầm soi mói của thế giới. Người ta chăm chú từng cử chỉ và từng lời ăn tiếng nói của ngài.

Nhưng lý lịch trước kia của ngài lại chưa được biết đến tường tận.

Cuốn sách do Nell Scavo viết, “La lista di Bergoglio- Danh sách Bergoglio” đã vén màn cho người ta biết về vai trò của vị tu sĩ trẻ dòng Tên trong suốt thời gian Cuộc Chiến Bẩn Thỉu dưới thời cai trị độc tài của quân đội:

 

> The Jesuit Who Humiliated the Generals
Vị tu sĩ Dòng Tên làm các ông Tướng bẽ mặt.

 

Nhưng người ta vẫn còn biết quá ít về thời gian sáu năm đức Bergoglio làm bề trên dòng Tên Miền Achentina, từ năm 1973 đến năm 1979, và về động lực đích thực khiến ngài sau đó bị loại ra ngoài lề, cho đến lúc ngài bị đẩy ra rìa, tại tu viện dòng Tên tại Cordoba, để chỉ giữ một vai đơn giản là linh hướng.

Chính trong những năm khốn khó này mà đức Bergoglio sang Đức “để hoàn tất luận án tiến sĩ,” theo như bản tiểu sử chính thức của ngài ghi lại súc tích trên trang mạng Vatican.

Lúc đó là tháng Ba năm 1986.  Đức Bergoglio sẽ tròn 50 tuổi vào tháng Chạp năm ấy. Về đề tài luận án tiến sĩ, ngài đã chọn Romano Guardini, nhà thần học nổi tiếng người Đức, vốn là giáo sư dạy cả hai vị giáo hoàng tương lai, Phaolô đệ Lục và Biển Đức XVI. Guardini có hai cuốn sách mà đức Bergoglio đã đọc và khâm phục hơn hết: cuốn “The Lord –  vị Thiên Chúa,” nói về con người Chúa Giêsu, và cuốn “Der Gegensatz –  Phản đề” được phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha với đề tựa “Contrasteidad,” phê bình gay gắt biện chứng pháp của Hegel và Marx.

Nhưng qua cách thuyên chuyển ngài sang Đức và rồi lại bị gián đoạn sau chỉ một vài tháng, với sự việc ngài bỏ việc soạn luận án tiến sĩ, ta có thể suy đoán rằng đức Bergoglio phải thực hiện chuyến đi theo lệnh của bề trên trong dòng Tên hơn là tự ý mình ngẫu hứng.

Trong cuộc phỏng vấn về tiểu sử của ngài trên tờ “El Jesuita,” đức Bergoglio sau này kể lại rằng lúc còn ở bên Đức, mỗi lần ngài thấy một chiếc máy bay cất cánh, ngài mơ mình đang ở trên chiếc máy bay đó, bay trở về Achentina. Đó là nỗi ao ước của Ngài mong được trở về quê hương.

Văn khố giữ các tác phẩm của Romano Guardini nằm tại Munich, trong khi phân khoa thần học nơi đức Bergoglio sẽ phải bảo vệ luận án tiến sĩ, là Sankt Georgen, tại Frankfurt.

Nhưng ngài không chỉ hạn chế mình đi  đi lại lại giữa hai thành phố này. Từ Munich người ta có thể đáp xe lửa nhanh chóng tới Augsburg.

Và chính tại Augsburg này mà việc thuyên chuyển  ngài đến Đức đã hoàn toàn thay đổi tính chất.

 

*
Tại Augsburg, trong nhà thờ của Dòng Tên, dâng kính thánh Phêrô, có một bức ảnh Mẹ Maria rất được sùng kính: “Đức Mẹ tháo gỡ các khúc mắc.”

Bức tranh vẽ  Mẹ Maria đang tháo những cái gút thắt trên một giải băng thiên thần đưa cho Mẹ, còn một thiên thần khác nhận lại giải băng không còn bị thắt gút nữa. Ý nghĩa quá rõ ràng. Những gút thắt là tất cả những gì khiến cho cuộc đời thêm rắc rối, khó khăn và thêm tội lỗi. Và Mẹ Maria là người giúp để tháo gỡ các khúc mắc đó.

Đức Bergoglio đã có cảm xúc sâu xa bởi bức hình Mẹ Maria này. Khi Ngài trở về Achentina vài tháng sau đó, ngài mang về theo mình nhiều bản kinh có hình “Đức Mẹ tháo gỡ các khúc mắc.”

Luận án tiến sĩ của Ngài đã bị bỏ ngay từ lúc phát sinh, và cả ý tưởng về Romano Guardini cũng không hề để lại một dấu ấn lâu dài nào trên Bergoglio. Trong cuộc phỏng vấn với giáo hoàng Phanxicô trên tờ “La Civiltà Cattolica,” trong đó ngài dành rộng rãi nhiều chỗ để nói về các tác giả ngài ưa trích dẫn, Guardini không có trong số đó. Ngài cũng chẳng hề trích dẫn các bài viết hay diễn từ nào khác của Guardini.

Nhưng bù lại, nhờ thời gian ở tại Đức năm 1986, đức Bergoglio đã vô tình khai sinh một lòng sùng kính mới dành cho Mẹ Maria tại Achentina.

Một hoạ sĩ được ngài tặng cho môt bản kinh mang về từ Augsburg, đã vẽ lại bức hình và đem tặng cho một giáo xứ khu lao động Barrio de Agronomía, thuộc trung tâm thành phố Buenos Aires.

Khi được trưng bày trong nhà thờ, bức hình Mẹ Maria “desatuanudos – tháo gỡ các khúc mắc” đã lôi cuốn được một số càng ngày càng đông người sùng kính, những tội nhân trở lại, và đã đánh dấu môt sự gia tăng bất ngờ các tập tục đạo đức. Đến độ sau một vài năm sau, đã có môt truyền thống hành hương đến viếng bức hình  từ khắp nơi thành phố Buenos Aires tuốn về, và cả từ xa hơn nữa, vào ngày mồng Tám mỗi tháng.

Tôi chưa hề bao giờ cảm thấy mình là một dụng cụ trong tay Chúa như thế.” đức Bergoglio đã thố lộ như thế với môt tu sĩ bạn cùng dòng Tên, nay là đồ đệ của mình, linh mục Fernando Albistur, hiện là một giáo sư Kinh Thánh tại đại học  thánh Micae ở Buenos Aires.

Cha Albistur kể lại việc này trong cuốn sách mới phát hành do Alejandro Bermúdez biên soạn, có các cuộc phỏng vấn với mười tu sĩ dòng Tên và mười giáo dân bạn bè thâm niên với đức Bergoglio.

Mà không chỉ có một mình ngài. Trong cùng cuốn sách, linh mục Juyan Carlos Scannone, nhà thần học có thẩm quyền nhất của Achentina, và là cựu giáo sư của vị tu sĩ trẻ Bergoglio, cũng kể lại giai thoại này .

Theo nhận xét của Scannone, sự việc Đức Mẹ “tháo gỡ các khúc mắc” giúp chúng ta hiêu sâu xa hơn về khía cạnh “mục vụ” của giáo hoàng Phanxicô và sự chú tâm đặc biệt của ngài dành cho “dân chúng.”

*

 

Đức Bergoglio chưa bao giờ là nhà thần học, lại càng không là nhà hàn lâm. Trong số các thần học gia, ngài cho biết ngài thích Henri De Lubac và Michel de Certeau. Nhưng không phải vì ngài đã thấu triệt quan điểm tổng quát của hai vị này, vốn rất khác biệt nhau. Hầu như ngài chỉ trích dẫn một trong các cuốn sách của De Lubac, “Meditations on the Church – Suy niệm về Giáo Hội” và gần như luôn luôn chỉ trích dẫn một đoạn của sách này mà thôi: đoạn phê phán các “tính chất thế tục” trong Giáo hội.

Và trong vai trò giáo hoàng , trên hết mọi sự, ngài là người hoạt động, hoạt động mục vụ. Những ai quen biết rõ ngài, và là bạn thâm niên với ngài – như hai mươi vị được phỏng vấn trong sách của Alejandro Bermúdez – đều thấy ngài có những phẩm chất ngoại hạng về chỉ huy và các khả năng chiến luợc đáng ghi nhận. Không một hành động nào, không một lời nói nào của ngài lại mang tính cầu may. Ưu tiên ngài chú trọng là việc chăm sóc mục vụ cho “dân chúng” được giao phó cho ngài. Đám dân chúng này, từ khi ngài làm giáo hoàng đã được nới rộng thành toàn thể thế giới.

Việc giảng của ngài cũng cố ý được chỉnh cho thích hợp với mục đích này. Trước tiên việc giảng của ngài nhắm đến đám dân chúng thông thường, những người yếu kém trong đức tin, các tội nhân, những người xa cách giáo hội. Không nhắm đến toàn thể, nhưng y hệt như giáo hoàng muốn nói chuyện diện đối diện với từng người một.

Y hệt như trong Tin Mừng, Chúa Giêsu rất khắc khe trong các mệnh lệnh nhưng lòng đầy nhân từ quay mặt lại với các tội nhân,  đức giáo hoàng Phanxicô cũng muốn như thế.

Về các đề tài đang gây tranh luận, về chuyện sinh, chuyện tử, việc truyền giống, ngài theo giáo lý chính thống không cần bàn cãi: “Ai cũng biết quan điểm của Giáo hội và tôi là một người con của Giáo Hội,” ngài đã thẳng thừng phát biểu như thế trong cuộc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica.”

Nhưng ngài lại để việc diễn đạt giáo lý cho người khác, và dành cho mình cái cách thức nhân hậu trong việc chăm sóc các linh hồn.

Ví dụ nổi bật nhất cho hành động song hành như thế mới xảy ra vài ngày trước đây, khi giáo hoàng Phanxicô giao cho vị bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, Gerhard Ludwig Müller, giải quyết vấn đề đang được bàn cãi về chuyện rước lễ của người Công Giáo đã ly dị và tái hôn. Trong một bài báo dài trên tờ “L’Osservatore Romano,” Müller đã lập lại từ đầu đến cuối các lý do “không được” rước lễ:

 

> Divorced and Remarried. Müller Writes, Francis Dictates
Tổng giám mục Müller là một trong số ít những vị lãnh đạo trong giáo triều được đức Phanxicô khẳng định vai trò của mình. Nghĩa là một người được ngài hoàn toàn tin tưởng. Là người ngài đã không ngần ngại giao cho trọng trách – trong cùng bài báo – đánh tan mọi hàm hồ trong lối giải thích phát sinh từ một vài công thức liênquan đến các từ “thương xót” và “lương tâm” đã được chính đức giáo hoàng dùng trong các cuộc nói chuyện nơi công cộng .

Việc khánh thành bảng niêm yết thông tin hai mặt này – trong trường hợp này, của đức giáo hoàng và của người bảo vệ giáo lý của ngài – hầu như thoát được sự ghi nhận của giới truyền thông, lúc này đang phấn chấn với tính cách được cho là “cởi mở” của đức giáo hoàng. Nhưng chuyện này dường như sẽ còn được lập lại trong các vấn đề khác nữa.

Và có lẽ việc này sẽ cho phép tháo gỡ một khúc mắc cắt nghĩa về triều giáo hoàng đương kim: đó là cái khúc mắc về sự tách biệt rõ ràng của  giáo hoàng Bergoglio so với các vị tiền nhiệm của ngài trong việc đương đầu với “thách đố nhân loại học.”

 

__________

 

Đức giáo hoàng Phanxicô đã minh nhiên nhắc đến Đức Mẹ “tháo gỡ các khúc mắc” trong phần đầu của bài suy niệm ngài chia sẻ hôm 12 tháng Mười tại quảng trường Thánh Phêrô, trong ngày Mẹ Maria trong năm đức tin, trước sự hiện diện của bức tượng còn nổi tiếng hơn nữa, tượng Mẹ Fatima:
> “Mary’s faith unties the knot of sin…”

__________

Cuốn sách:

Alejandro Bermúdez (edit.), “Pope Francis. Our Brother, Our Friend”, Ignatius Press, San Francisco, 2013.

__________
 

 

 

Nguyễn đức Khang chuyển ngữ