Thú tiêu khiển Sao Biển (Xuân Độ)

Thú tiêu khiển

 SAO BIỂN

 

“Câu còng”

Hồi tưởng những năm tháng êm đềm của tuổi thơ Sao Biển cách nay nửa thế kỷ, xin kể lại chuyện “câu còng”. Đây không phải là một trò chơi (game)  nên tạm gọi là thú tiêu khiển (hobby)

Môi trường thiên nhiên thuở ấy của TCVSB còn khá nguyên sơ, mộc mạc như chính tâm hồn của những chàng thiếu niên “chưa tới tuổi nhổ giò” chúng tôi.

Vào những năm đầu thập niên 60, cơ sở TCV gồm dãy nhà chính một lầu, tận cùng phía đông là Nhà Nguyện sát bờ biển, nhà chơi (préau)  chú lớn. Phía Tây là Nhà Bếp, Nội Vi của các Dì và nhà chơi chú nhỏ. Các sân thể thao đều nền đất và đất trống còn lại là đất tự nhiên vùng ven biển: cát và cỏ dại. Sinh vật hoang dã chủ yếu là con còng, tạm gọi là còng khô, để phân biệt với còng ướt nhỏ hơn sống sát mép nước biển. Còng khô sống trong những hang sâu tự đào, đi kiếm ăn chung quanh và để lại dấu chân rất rõ trên cát. Nhìn dấu chân mới ở miệng lỗ hoặc bắt gặp chú còng vừa chạy trốn, ta biết chắc có còng dưới lỗ để khởi sự buông câu.

Dụng cụ câu còng, hoặc gọi là cần câu, cho bài bản, làm bằng một cọng cồi lá dừa lữa, ̣̣đủ lớn, dài và chắc chắn. Sau khi cạo chuốt sạch sẽ, cọng cồi dừa được cắt bớt phần ngọn, gắn chặt vào đó một vòng dây cỡ lọt ngón tay cái. Loại dây tốt nhất là dây bao xi măng, quét thêm một lớp hồ keo để dây không quá mềm khi đưa xuống lỗ. Đầu lớn của cồi dừa là cán điều khiển. Anh nào có được một cần câu tốt, với óc thông minh nhạy bén và một bàn tay khéo léo tinh tế thì xứng đáng là cao thủ câu còng.

Ngồi bệt xuống bên lỗ còng, nhẹ nhàng đưa cần câu xuống, khéo léo như khi ngoáy tai vậy. Khi bị chạm, còng sẽ đưa chiếc càng kẹp lớn ra để tự vệ. Nếu còng kẹp đúng vào vòng dây thì may mắn đã mỉm cười !́ Người câu sẽ nhanh chóng xoắn cần câu để vòng dây thắt chặt vào càng con còng. Khi kéo lên, thấy hơi nặng tay tức là còng đã dính câu. Niềm vui dâng cao theo từng nhịp kéo, nhưng không mạnh tay quá kẻo làm sút dây hoặc gãy càng còng. Hồi hộp, thích thú hoặc hụt hẫng vì đôi khi trúng con còng quá lớn hay quá mạnh nên nó trụ lại và chịu hy sinh chiếc càng.

Câu được con còng càng lớn càng hãnh diện, đem vào nuôi trong hộc bàn phòng học (Etude) để thỉnh thoảng mở ra ngắm một tí tìm vui. Đôi khi bỏ quên lâu ngày, còng chết, bốc mùi khai khai mới tá hoả. Hoặc nghịch ngợm hơn, có chú dán lên lưng còng một lời nhắn, một thông điệp hay một câu chọc ghẹo rồi thả cho bò lang thang khắp phòng. Thấy giám thi ̣không biết của ai nên cũng phải cười trừ !

Thời đó, trong chúng tôi chẳng ai ăn thịt còng cả, cho dù khi nướng lên thì thơm phức và con còng là con vật khá sạch, thịt có lẽ ngon không thua thịt cua.

Năm 2008, tôi có dịp đi qua trường xưa, dừng xe trên đường PVĐ, đảo mắt nhìn qua cổng chính của trường VHNT và khoé mắt cay cay, thấy mọi sự đã hoàn toàn đổi thay oan ghiệt. Chỗ nào cũng là bê tông và nhựa đường cả. Bãi cát và các chú còng yêu dấu đã biến mất, hầu như tuyệt chủng. Quay lại bờ biển, cũng không còn nữa, dây rau muống biển, lá xanh như ngọc và hoa tím mượt mà của ngày xưa cũng chẳng thấy đâu bông hoa cỏ ngựa lồm xồm chia chỉa mà thời ấy chúng tôi thường thả lăn theo gió để đuổi bắt, dọc bờ cát dài trắng ngần của khu Bãi  Dương Thanh Hải.

Vĩnh biệt không gian kỷ niệm một thời thơ ̣ấu!!!

      Nuôi quy

 

     Không biết từ bao giờ và chấm dứt khi nào, phong trào “Nuôi Quy” du nhập vào TCVSB mang theo nhiều kỷ niệm buồn vui và cả những hương vị êm đềm quá đổi hồn nhiên của một thời thơ ấu khó quên! Hồi tưởng những năm đầu thập niên 60,  xin lấy NK61-62 của lớp chúng tôi làm điển hình, vì có lẽ  đó là cao điểm của thú tiêu khiển này.

Trước khi nhắc lại phong trào nuôi quy, thiết tưởng cũng nên ôn lại vài chi tiết về hoàn cảnh sinh hoạt thường ngày cũng như môi trường tâm sinh lý của các chú tiểu thời đó vì có sự liên hệ mật thiết với con quy.

Ngày tựu trường NK 61-62 là 24 tháng 7 năm 1961.

Bốn mươi mốt chú tiểu, lính mới tò te từ nhiều miền tựu về TCV như những chú chim non vừa rời tổ của mẹ, khép nép và ngơ ngác, rụt rè trước những lớp đàn anh trông sao mà to lớn dạn dĩ quá! Sau một khoảng thời gian làm quen với cuộc sống mới, chúng tôi vẫn chưa vượt qua được nỗi buồn nhớ nhà da diết. Thậm chí có anh đang ngồi học bài bỗng dưng khóc oà lên, làm anh khác cũng muốn khóc theo!

Mỗi người rồi cũng phải làm quen với thế giới riêng nhỏ bé của mình: chiếc giường gỗ và giàn để vali phía dưới, hộc bàn riêng ở phòng Etude có nắp giở lên giở xuống chứa cả đồ để học và để chơi, chỗ quỳ trong Nhà Nguyện có hộc để sách kinh, sách lễ, sách hát như thầy tu chính hiệu, và chỗ ngồi trong nhà cơm có hộc kín phía dưới để dấu cái ca, xiên muỗng và chiếc khăn ăn không mấy khi sạch sẽ thơm tho! Tội nghiệp mấy anh có tên mang vần cuối lớp Tám, khi có ai nằm nhà bệnh, lại phải ôm đồ nghề ̣đi ngồi ăn ké! Xin lỗi hơi dài dòng vì…quá nhiều chuyện để nhớ.

Sau cơm trưa, on fait la sieste. Trong cái tĩnh lặng mệt mỏi và không khí oi bức của trưa hè cùng với tiếng cửa sổ kẻo kẹt nghe não nề và khung trời xa xa hiện qua dãy cửa, nỗi buồn nhớ nhà bộc phát mãnh liệt nhất. Chính lúc này, những con quy nhỏ bé trong cái hộp nho nhỏ là những người bạn tri kỷ.

Nghe truyền rằng: nuôi quy rất có lợi vì cứt quy chữa được nhiều thứ bệnh. Trong chúng tôi, chẳng ai biết cứt quy chữa bệnh gì, cũng chẳng bao giờ dám nếm thử cứt quy. Vậy mà anh nào có được bầy quy lớn, nhiều cứt thì hãnh diện lắm! Mơ một ngày “cứu nhân độ thế” không xa. Anh nào muốn xin giống để nuôi thì chỉ cần xúc cho một ít đủ thứ trong đó là tha hồ.

Con quy là côn trùng thuộc bộ cánh cứng (beetles) hình dáng giống con đôm đốm bay đêm nhưng màu trắng nhạt hơn. Sinh sản qua các giai đoạn biến hóa (metamorphosis) từ trứng qua ấu trùng và trưởng thành. Chính các giai đoạn biến hóa kỳ diệu này làm cho các chú tiều chúng tôi say mê ngắm và quên đi nỗi nhớ nhà. Cũng  nhờ đó mà mấy năm sau, khi học Sciences Naturelles với cha Nédelec, chúng tôi không lạ gì đời sống côn trùng.

Muốn nuôi quy trước hết cần một cái hộp, có nắp đậy, càng đẹp càng quý. Đôi khi phải xin Ba mẹ hay anh chị tìm ở nhà mang vào cho. Vì thời đó tìm được cái hộp vừa ý không phải là dễ.

Thức ăn cho quy chủ yếu là bánh mì khô. Thỉnh thoảng mới có bánh mì trong nhà cơm, nhưng chúng tôi vẫn không quên dành phần cho quy. Nhớ Dì Mười thường hay ngồi ăn trầu vừa lần chuỗi vừa chơi với chó, nơi góc nhà, giáp nhà cơm và nhà Bếp, đôi khi ngoắt tay laị cho miếng bánh mì khô ̣để nuôi quy, thật quý hóa và thương Dì lắm lắm. Cũng nhớ Dì Khiết, người chuyên trồng hoa huệ trắng cho hai Nhà nguyện và phụ trách ̣đúc in bánh lễ. Dì rất hiền hoà dễ mến và thương các chú như con. Thỉnh thoảng Dì cho một ít “thèo lèo” bánh lễ để nuôi quy thì cả người nuôi và cả bầy quy đều thích thú. Xin Chúa thương các dì vì các dì đã thương chúng con!

Tuổi trẻ mau thích rồi cũng mau chán. Không biết phong trào nuôi quy suy thoái khi nào, nhưng chắc chắn các chú quy tội nghiệp ̣đã được trả vể với thiên nhiên sau khi chằng chữa bệnh được cho ai cả. Một điều hiển nhiên là những con quy ấy đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui thật trong trắng đơn sơ. Chỉ tội nghiệp những chú lỡ dại mang hộp quy vào nhà Étude, để lén ngắm nghía, đã bị điểm chuyên cần kém (Cha Bề trên xướng là Médiocre!!!).

Chơi Tem.

Buổi sáng cuối tuần, thong thả dùng bữa điểm tâm với hai lát bánh mì và chút bơ đầu bò. Trước khi đứng dậy để ném cái hộp tròn vào thùng rác, tôi chợt dừng lại mân mê chiếc hộp và bỗng một loạt ký ức quá khứ hiện về̉: Đúng cái hộp này với Con bò cười toe toét và hai bông tai lũng lẵng của 50 năm về trước. Chỉ khác là dòng chữ The laughing Cow -mua ở Costco, thay vì La Vache qui rit nhập từ Nước Pháp xa xôi thuở ấy.

Bò ơi, mày vẫn cười tươi và trẻ trung như xưa, còn tao….! Nhưng không thể quên ơn mày đã mang đến một niềm vui rất nhẹ nhàng, êm đềm cho một thời tuổi thơ:

Thật sự là chúng tôi đã chơi tem theo đúng nghĩa đen: Jouer avec des timbres. Vì không ai trong chúng tôi là nhà sưu tầm tem chuyên nghiệp cả. Chúng tôi bắt đầu gom góp ít con tem, khởi sự đựng trong một chiếc hộp, tốt nhất là hộp bơ Con Bò Cười mà ông Ba, người giúp bàn ăn các cha giáo, cách vài hôm lại ném ra nhà chơi một cái cho các chú lấy đựng tem. Thích lắm!

Cũng như với hộp nuôi quy, chúng tôi cất hộp tem ở nhà ngủ hoặc kín đáo dấu trong hộc bàn phòng Étude, để thỉnh thoảng mở ra đếm đi đếm lại, ngặ́m nghía, mân mê những con tem ít ỏi ban đầu, đôi khi còn soi bằng kính lúp cho có vẻ bác học và khóai trá bình luận với bạn bên cạnh nữa, -Đó chính là chơi tem theo nghĩa đen, do đó thú tiêu khiển này cũng làm hại điểm chuyên cần của nhiều chú tiều chúng tôi. Nhưng trên hết, những con tem vô tri này đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui, ước mơ hồn nhiên trong sáng.

Tuổi trẻ không bao giờ thiếu ước mơ, nhất là khi khởi sự theo đuổi một việc gì. Chúng tôi đã nghe đàn anh SB kể lại và truyền tụng cho nhau rằng: Có người chơi tem trên thế giới trở thành triệu phú vì sở hữu ̉một con tem cổ quý hiếm không ai có. Do đó, đôi khi trong hộp tem của mình có một con tem màu vàng khè, cũ kỹ, chúng tôi đã thả hồn tưởng tượng biết đâu có ngày mình sẽ giàu to!

 

Trước khi vào TCV, chúng tôi đâu có khái niệm gì về thú chơi tem. Bởi vậy, trong kỳ nghỉ hè đầu tiên tại quê nhà, mấy đứa bạn học cùng lớp trường làng đã ngạc nhiên trầm trồ về thú vui mới của tôi mà chúng nghĩ là của “dân Tây học”. Bởi năm trước đó, chúng tôi vẫn còn chơi các loại trò chơi để ăn “nắp keeng” (nắp bia hoặc nước ngọt đập bẹt ra) và ăn dây thun. Quả thật, những người đầu tiên khai hoá thú chơi tem cho chúng tôi, ngoài bạn bè, đàn anh và các thầy giám thị, phải nhắc đến trước tiên là cha Mollard Lễ, cha quản lý thời đó. Ngài khôn khéo dùng tem làm phần thưởng để khuyến khích các chú học. Sau khi có kết quả bài thi hằng tuần (gọi là composition) vào sáng thứ Tư, những chú nhất, nhì, ba sẽ vào phòng ngài nhận phần thưởng mấy con tem. Có lẽ cha Mollard đã khéo gom góp tem thư từ nhiều linh mục MEP trong CV cũng như từ nhiều nước trên thế giới vì chúng tôi thấy ngài có nhiều loại tem và luôn luôn là tem chưa gỡ khỏi giấy bì thư. Vào khoảng năm 1962, 1963 cha Mollard vể Pháp dưỡng bệnh, bằng tàu thủy của hãng MM từ Saigon sang Marseilles và ngài không trở lại nữa. TCV vắng bóng ngài từ thuở ấy. Nhưng chúng tôi, mỗi khi ngắm con tem ngài cho, vẫn nhớ hình bóng ngài một cách sâu đậm với nhiều mến thương.

Chúng tôi làm giàu kho tàng tem của mình bằng nhiều cách: lãnh phần thưởng, gom từ thư từ riêng, xin, hoặc trao đổi với các bạn mỗi khi mình có hai con tem giống nhau và còn dặn gia ̣đình ở nhà hễ có tem thì cất giữ cho. Thỉnh thoảng các chú được ban cho một ngày ̣đi ra ngoài chơi tự do gọi là sortie libre. Chúng tôi thường sang Nha trang, mặc dù trong túi đâu có nhiều tiền (theo quy định thì đầu năm các chú phải gửi tiền cho cha QL giữ giùm, và để mua đồ linh tinh nơi Boutique do anh Hoan phụ trách) chủ yếu là đi xem phố xá hoặc dạo phố ̣đúng nghĩa. Vào Nhà sách Nguyễn Lê ở đầu đường Phan bội Châu ̣để ngắm nghía những bộ tem tuyệt vời của nhiều nước theo séries: chim, cá, hoa lá….một cách say mê. Ai có tiền thì mua, không có tiền thì ngắm rồi đi ra cũng thích.

Chúng tôi phải học cách gỡ tem: ngâm trong nước vài giờ, gỡ nhẹ, nâng niu con tem, lau sạch lớp keo sau lưng, ̣đặt lên tờ giấy thấm chờ cho khô mới đem cất. Có bạn còn chuyên nghiệp hơn: không bao giờ dùng ngón tay đề cầm tem mà dùng một cái kẹp để gắp tem. Bạn nào hấp tấp thọc tay vào con tem sẽ bị “nhà sưu tầm tem chuyên nghiệp” mắng cho ngay!

Sau khi đã gom được khá nhiều tem vào hộp đã đầy, chúng tôi dùng album tem. Nói là album tem cho oai, chứ thật ra là một cuốn vở loại hơi đặc biệt một chút để dán tem theo từng quốc gia khác nhau. Trên thị trường có những cuốn album tem rất đẹp, không dán tem mà chỉ gắn vào từng hàng, nhưng khá́ đắt, anh nào có tiền mới mua. Đa số chúng tôi dùng vở để dán tem. Nhưng rất cẩn thận dùng một chút giấy bóng làm chân phía sau lưng tem chứ không dán hồ thẳng vào con tem. Có anh còn chịu khó hơn, làm những góc vuông nhỏ để giữ con tem như giữ hình chụp vậy. Thế mới biết là bao công sức và cả thì giờ…của Nhà Đức Chúa Trời đã được dành cho thú tiêu khiển này. Ôi tuổi thơ vô tội!

Trong CV thời đó, chúng tôi được biết một nhà sưu tầm tem chuyên nghiệp đúng nghĩa là cha Pouclet. Chỉ có một số chú được tận mắt chiêm ngưỡng kho tàng tem đồ sộ của ngài. Vì bề ngoài trông ngài có vẽ nghiêm khắc- chắc vì hàng lông mày của ngài có vẽ Trương Phi- nhưng ngài là một cha giáo rất dễ mến, có tính nghệ sĩ, khi chơi đàn phong cầm thì lắc lư như xuất thần. Ngài dạy Sciences Naturelles rất hay và chúng tôi đếm cứ hết ba điếu Bastos là hết giờ. Bụng ngài hơi lớn nên tàn thuốc làm lủng áo chùng của ngài nhiều lỗ! Nhớ cha Pouclet trong suốt thời gian ở TCV, vẫn dùng căn phòng mát mẽ nhất, phòng trệt trông ra biển của dãy nhà mới, vì không ai muốn ngài phải lên xuống cầu thang.

Trong bộ sưu tầm tem của chúng tôi, tất nhiên nhiều nhất là tem Việt Nam. Có cả vài con tem Miền Bắc in hình Hồ chí Minh nhưng giấy rất thô và màu vàng. Anh em chúng tôi có được nhiều bộ tem thời đầu của Việt Nam Cọng Hòa, như tem TT Ngô Đình Diệm, Dinh Diền, Khu trù Mật, Ấp chiến lược, Ngày Phụ Nữ, Hồng thập tự .v.v Giả sử còn giữ được tới nay thì cũng rất quý.

Nhưng, vì là thú tiêu khiển, hoàn toàn có tính tài tử (amateur) và gắn liền với một khoảng thời thơ ấu, nên thú chơi tem của chúng tôi tàn lụi lúc nào chẳng ai hay, khi mà chương trình học càng ngày càng nặng hơn, thú vui cá nhân thay đổi theo đà tiến triển tâm sinh lý…Chỉ đoán rằng có thể mỗi người trong chúng tôi, vào một ngày nào đó, đã tự nguyện đem cả  gia tài tem của mình để biếu tặng m̉ột chú đàn em nào đó của lớp dưới, như ý nghĩa thâm trầm của một bài văn tuyển mà thầy Đào trí Cầu cho lớp chúng tôi học khi sắp mãn lớp Huitième để lên Septième: “Trao lại tuổi thơ”: Anh trao cho em bụi  chuối sau hè…..anh trao cho em……

Xuân Độ  SB61