Cây bông huệ (Nguyễn Hoàng)

Cây bông huệ

Thế là nhà tôi đã có bông huệ trắng để dâng cho thánh cả Giuse. Chậu bông huệ không những cho ra một cây mà có tới hai cây. Trước cửa nhà chúng tôi có một bức tượng Thánh Cả Giuse. Tuy cả hai chúng tôi không hề nói, nhưng bức tượng luôn nhắc nhở cho chúng tôi đến ngày lể Thánh Gia Thất cách đây 30 năm, ngày chúng tôi cũng quỳ trước bàn thờ cùng khấn hứa trọn đời chung thân. Quả thật, 30 năm qua, gia đình chúng tôi có không ít nhũng vụ rắc rối, nhưng có lẽ cũng nhờ sự bao bọc của thánh Gia Thất nên những cơn phong ba ấy cuối cùng cũng qua đi. Rồi chẳng bao lâu sau ngày mua được một ngôi nhà, vợ tôi đi mua ngay về hai bức tượng, một của Thánh Giuse, một của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tượng thánh Giuse đặt ngay trước nhà, và tượng Thánh Tâm ngày vườn phía sau nhà. Ngay trong nhà tôi, trên bàn thờ ngoài ảnh Chuộc Tội như trong mọi gia đình Công Giáo, chúng tôi còn  có tượng Thánh Tâm đứng giữa, Đức Mẹ bên phải và Thánh Giuse bên trái. Rõ ràng là chúng tôi muốn được thánh Gia Thất bảo bọc lấy gia đình bé nhỏ của chúng tôi.

Tuy vậy, mỗi lần nhìn bức tượng thánh Giuse trước nhà tôi vẫn thấy có gì đó thiếu thiếu. Vẫn thiếu một cây bông huệ trắng của ngài, cây gậy đã trổ hoa, dấu chỉ của Thiên chúa đã chọn ngài để bảo bọc thánh Gia Thất của Thiên Chúa. Do vậy, tôi đã cố đi tìm xem có giống huệ trắng nào giống như cây bông huệ tôi đã từng thấy nơi tay của ngài. Tôi đã khổ công đi tìm khắp nơi. Giống huệ trắng này chỉ có ở VN. Tôi có thấy một số huệ trắng, huệ đỏ ở Mỹ, nhưng tôi thất vọng vì những loại huệ đó rất khác xa với cây huệ mà tôi định tìm.

Đúng vào lúc tôi hoàn toàn thất vọng, bỗng một hôm nhân đến nhà một người bạn cùng quê với tôi, tôi thấy trên bàn nhà họ có chưng một cây huệ trắng, đúng là loại huệ tôi đã đi tìm từ lâu. Hỏi ra, mới biết đây là giống anh bạn tôi đã gây được từ VN. Tôi bèn xin giống. Tôi đem về đêm ngày chăm sóc, nhưng lâu rồi mà nó vẫn chỉ có lá. Và rồi mùa đông đến. Phải đem nó vô nhà, nếu không nó sẽ chết mất tiêu! Ôi sao mà khó khổ đến thế! Khó như cây bông huệ mà tôi đã trồng năm nào, những năm tôi còn là một chú tiểu chủng sinh của Tiểu Chủng Viện Sao Biển.

Có lẽ có một số bạn thắc mắc tại sao tôi lại chỉ thích có loại huệ trắng này, vì chưng trước tượng thánh Giuse hoa nào mà chẳng được? Xin thưa rằng bông huệ nó gắn bó với tôi từ rất lâu, từ thưở tấm bé. Mồ côi cha quá sớm, tôi chỉ còn có một người mẹ để thương yêu. Thế rồi có một biến cố đã làm tôi xa cách mẹ tôi. Tôi buộc lòng phải sống giữa đám cô nhi trên cô nhi viện Đà-Lạt. Đà Lạt có rất nhiều bông huệ. Sau nhà ngủ có một đồi thông có rất nhiều củ huệ. Chúng tôi thường dùng củ huệ để làm bánh xe lăn xuống dốc. Nhưng dưới gối của tôi, tôi vẫn cứ giữ lấy một củ huệ thật to thật đẹp. Hằng đêm tôi vẫn ngủ với nó, vì nó nhắc cho tôi rằng tôi vẫn còn một người mẹ mang tên của nó, và tôi vẫn mang hy vọng một ngày nào đó, củ huệ đó sẽ nở ra cho tôi người mẹ thân yêu của tôi.

Thế rồi tôi được trở về nhà, và về quê nội. Họ Bình Cang có một cha sở rất khó, cha Nguyễn văn Tới. Cha thường lên tòa giảng tìm cách sửa đổi những lề lối mà cha cho rằng cần phải dẹp bỏ. Cha cũng chẳng ngại ngùng gì mà đem cả tên của họ Bình Cang ra chiết giảng thành một bài giảng: “bình là bằng, cang là gan! Tức nhiên người giáo dân Bình Cang phải là những người trung can nghĩa đảm, những người có con tim bằng gan bằng thép. Thế mà….” Hoặc mang ngay cả tên của ngài ra để chỉ rõ lập trường của ngài: “Tôi là Nguyễn văn Tới chớ không phải Nguyễn Văn Lui, nghĩa là tôi sẽ làm tới bất chấp bao trở ngại đang chờ…”

Họ của chúng tôi là một họ đạo nhà quê. Nhưng do ảnh hưởng của thị thành vào thập niên 50 nên một số học sinh cứ tìm cách sửa lại những chữ mà các cô các cậu thời ấy cho là quê mùa. Thông thường những chữ bắt đầu bằng âm “h” người dân hay đọc trại thành “w”. Do đó các cô các cậu thời đó, để chứng tỏ mình là người có học, đã cố tập nói chữ “h” theo đúng âm giọng của nó. Khổ nỗi, vì mới tập nên giọng các cô các cậu trở nên ngọng nghiệu trông thật buồn cười. Và dĩ nhiên những chuyện đó làm sao lọt qua khỏi mắt đại bàng. Và thế là chúng tôi lại được một bài giảng về cách làm người văn minh. Cha xứ không mang chữ nào ra để ngài chơi chữ mà lại nhằm ngay cái chữ “hoa huệ” ra mà làm bộ bắt chước. “Các cô các cậu thời nay văn minh thật. Wa wệ nghe không hay sao mà phải hooa huuệ mới là văn minh…” Ai thì tôi không biết, chứ bài giảng đó tôi nhớ mãi vì đó là tên của mẹ tôi, và tôi rất hãnh diện với cái tên đó.

Tao ngộ với cây bông huệ không dừng lại lúc tôi đi chủng viện. Năm 57, chúng tôi tựu trường lần đầu tiên tại số 22 duy Tân, tòa giám mục Nha-Trang sau này. Đây là năm học đầu tiên của Tiểu chủng viện Sao Biển tạm thời trong lúc chờ đợi cơ sở bên Thanh Hải xây xong. Chúng tôi có ba lớp, lớp 3 của các chú lớn (lớp của các cha Thanh, Thạnh, Thượng, Láng), lớp 7 của tôi và lớp 8 của những anh em mới nhập học. Dĩ nhiên chúng tôi không thích chơi với những anh lớp ba, vì họ quá lớn so với tuổi của chúng tôi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Trường ốc thì quá bé nhỏ; trong sân trường chỉ có một sân bóng chuyền, trong nhà chơi chỉ có một bàn Ping-Pong. Chúng tôi đã phải nhượng sân bóng chuyền cho các chú lớn. Gọi là nhường cho nó oai chứ nói đúng ra là bị đuổi như đuổi tà! Bóng bàn cũng đụng với mấy anh lớn. Nếu không gặp những anh hay bắt nạt như các anh Láng, Thanh và Thượng (những anh này không những đã giành bàn, còn bắt các chú nhỏ đứng đó để lượm banh), anh em còn phải đối phó với những anh em trong lớp lớn con như anh Thể, biệt danh Thể Ba Tàu (vì anh này đi đâu cũng mang giày ba ta như Ba Tàu chính hiệu) và nhất là Ba Lo (Nguyễn Văn Lo) quê Phan Thiết. Thật ra Ba Lo cũng chẳng có to con gì, chỉ là anh ta thích gây gổ với bất cứ ai đụng vào cái bàn Ping-Pong của anh. Cứ nhìn cặp tay cán giá của anh thủ sẵn cái ‘ra kết’ và cái miệng toe toét của anh là anh em tự bảo nhau: “Thôi mình kiểm chỗ khác chơi là hơn!”

Các anh em lớp nhỏ chỉ còn có nước đi tìm những thú vui khác. Đó là những lần anh em được đi dạo lên khu máy nước của ga xe lửa. Đó là sân banh duy nhất mà “các chú có thể chơi”. Thật ra, sân banh này là của nhân viên hỏa xa. Một tuần một lần, những người anh em này nhượng sân cho các chủng sinh Sao Biển. Hình như đó là những ngày thứ tư, nếu tôi nhớ không lầm. Một lần nữa, chúng tôi lại phải ngồi xem các chú lớn chơi banh và đi lượm banh đá bổng lên không một cú cho đã ghiền. Chúng tôi tỏa ra đi hái nho rừng nhai để giết thì giờ và hái những loài hoa dại mọc ở đâu đó đem về trồng. Phần nhiều đó là bông 10 giờ.

Ngoài phòng ngủ các chú nhỏ, chúng tôi đã có sẵn một thau nước để rửa mặt lúc sáng sớm trước khi đi lễ. Phía bên dưới chúng tôi mỗi đứa có một đám hoa 10 giờ. Chúng tôi ra sức chăm sóc chúng những lúc ra chơi hoặc những lúc rảnh rỗi. Chăm sóc hoa bỗng nhiên trở thành một thú vui trong đám chủng sinh bé nhỏ chúng tôi. Phong trào trồng hoa như một căn bệnh lây lan chẳng mấy chốc trở thành một phong trào sâu rộng. Ngay cả các chú lớn cũng đã bắt chước trồng hoa. Mỗi chú đều có ngay đầu giường của mình một chậu hoa tí hon. Gọi là chậu cho oai, chứ thật ra đó chỉ là những cái lon không lớn nhỏ đủ cở để các chú trồng hoa theo sở thích. Dĩ nhiên là các chú lớn ít có người trồng hoa 10 giờ. Họ thích trồng những hoa đẹp hơn như bông mặt trời, bông móng tay. Thậm chí có những người chẳng thèm trồng hoa gì cả, mà lại trồng ngay một dây sắn nước như anh bạn Thể Ba Tàu nhà tôi chẳng hạn.

Tôi cũng có một đám bông 10 giờ ngay đám đất phía dưới thau rửa mặt của tôi. Không biết làm sao, một hôm nhân lúc đi dạo nơi khu máy nước tôi bỗng bắt gặp một củ bông huệ. Tôi biết ngay là một củ bông huệ vì tôi đã quá quen thuộc với nó. Tôi mang nó về trồng ngay giữa đám bông 10 giờ của tôi. Bạn bè của tôi đều cười tôi, nói rằng: “Mày trồng bông huệ biết bao giờ mới có bông đây?” Cứ mỗi lần bị chê bai như thế, tôi đều mỉm cười. Có ai biết cây bông huệ có nghĩa gì với tôi đâu mà cười!

Sau bao ngày cố gắng, cuối cùng củ huệ cũng nẩy mầm cho ra một cây huệ xinh xắn, và khi mùa hè sắp đến, nó đã trổ ngồng. Từ lúc nó trổ ngồng tôi càng ra sức chăm sóc nó đặc biệt hơn. Tôi đã kiếm một thanh tre rắn chắc để cột nó vào. Cuối cùng nó đã lên khá cao và cho ra những nụ hoa. Tôi rất hãnh diện về cây bông của tôi. Tôi dự định sẽ xin Cố Lagrange “đi phố” một ngày chúa Nhật nào đó, giả vờ xin mua một đôi dép để mang cây bông huệ của tôi về nhà khoe với mẹ tôi.

Nhưng tôi không có được cái dịp may ấy. Một đêm kia, tôi nghe tiếng mèo kêu và rồi tiếng sủa của con chó Black của cố Lagrange dưới lầu. Tôi biết con chó này thính tai lắm. Đã có lần nghe nói nó bắt được cả ăn trộm vào định ăn trộm đồ của các chú. Tôi nghe tiếng chó rượt và tiếng xịt của con mèo. Sáng sớm hôm sau, ngay khi cầu thang vừa được mở, tôi chạy ngay xuống xem mảnh vườn hoa tí hon của tôi. Ôi thôi, nó đã biến thành một bãi chiến trường của mèo và chó đêm qua. Cả đám bông hoa 10 giờ bị cào lật lên lung tung. Riêng cây bông huệ của tôi lại còn tồi tệ hơn. Củ huệ đã bị đào xới lên và cây bông yêu quý của tôi đã bị cắn đứt lìa. Thế là kế hoạch về thăm mẹ của tôi bị tan thành mây khói. Tôi giận không thể tả, thề rằng từ nay về sau mèo sẽ là kẻ thù của tôi.

Bây giờ cây bông huệ của tôi đã trổ hoa. Không có còn gì có thể làm hại nó được nữa. Tôi cũng muốn mang nó về dâng cho mẹ tôi lắm. Nhưng mẹ tôi lại ở quá xa, không nào trông thấy cây hoa của tôi được. Đêm nay tôi ngủ không được, bật đèn lên, ra ngồi trước nhà ngắm nghía chậu bông của tôi với ly cà-phê trên tay. Mùi hương tỏa ra thật ngào ngạt. Mùi hoa lại cọng với mùi hoa huệ của tôi. Tôi bỗng nghe mình hát nho nhỏ:

Chốn ba đào nhiều phen nguy biến

Quanh chúng con quỷ ma chực liên

Hỡi Mẹ lành nhìn con giao chiến

Đem sức thiêng ủi an hộ phù.

Nashville, ngày 15/7/13

Một đêm không ngủ được

Petrus Nguyễn Hoàng SB 57