Một thời Sao Biển (Nguyễn Văn Độ)

Một thời Sao Biển

N hớ về dĩ vãng , tôi xin ghi lại như một hồi ký tạp lục, về cộng đoàn Sao Biển kính yêu (gồm các vị ân sư, các dì, các người giúp việc và tất nhiên vai chính: các thế hệ tiểu chủng sinh chúng ta, cụ thể là từ năm 1961 đến 1967 mà người viết này có mặt)  trong bối cảnh sinh hoạt thường ngày cùng  một vài biến cố, sự kiện lớn, nhỏ, vui, buồn khó quên. Với một chủ đích đơn giản là ôn lại chuyện xưa, để cảm tạ và tri ân tình Chúa, tình Mẹ và tình người. Chúng ta, kẻ ít người nhiều, chỉ trải nghiệm một giai đoạn nào đó trong lịch sử 18 năm tồn tại của TCVSB (hoặc 22 năm nếu tính đến ngày bức tử: Tháng 6/1979). Hơn nữa, trí nhớ cũng rất vội vã từ biệt chúng ta ! Do đó, lẽ tất nhiên, bài viết này sẽ không tránh khỏi nhiều sai sót và nội dung lủng củng, theo kiểu nhớ gì viết nấy, mong được anh em thông cảm và sửa sai, bổ túc.

Như người anh của chúng ta, anh Jos Ngô mạnh Điệp SB59, đã từng chia sẻ: “Thế hệ Sao Biển sẽ qua đi khi những người cuối cùng nằm xuống!”. Cuộc chơi nào rồi cũng kết thúc, không thể níu kéo được. Chi bằng hãy tìm về với nhau qua ký ức, kỷ niệm của một thời trai trẻ, khi mà chính lý tưởng cao quý nhất đã gắn kết chúng ta bên Mẹ, dọc theo dòng thời gian nhiễu nhương của thời cuộc. Những kỷ niệm ấy, dù tốt xấu thế nào dưới con mắt khách quan, thì thiết nghĩ đối với chúng ta là thân thương, quý giá. Bởi chúng là chất kết dính chúng ta lại với nhau, dù trong khác biệt, xa cách và không làm được gì nhiều, thì tình thương yêu đùm bọc nhau như con của cùng một Mẹ đã là điều đáng mơ ước. Trong tinh thần đó, tôi mạnh dạn xin phép gợi lại chuyện” Một thời Sao Biển”. Và rất trân trọng gửi đến anh em trong những ngày chuẩn bị Đại hội 55 năm SB.

Vào năm 1961, khi lớp chúng tôi tựu trường, đoạn đường QL1 từ cầu Hàra tới cầu Xóm Bóng chưa có căn nhà nào cả. Hai bên đường toàn là đầm lầy và cỏ lác. Cầu Xóm Bóng vẫn còn là cây cầu từ thời Pháp thuộc, lưu thông  một chiều. Từ Cầu Xóm Bóng tới Đồng Đế, hai bên đường nhà cửa khá thưa thớt. Dễ nhớ nhất là ngã ba lên Thánh Kinh Thần Học viện Tin Lành và Hòn chồng, rồi đến Nghĩa trang Phật giáo ờ chân Núi Sạn, nơi mà không khi nào lặng tiếng đục đá lóc cóc. Bên phải là Cô Nhi viện Tin lành rộng rãi, ngăn nắp và rợp mát bóng dừa. Đi tiếp là Nghĩa trang Bắc Việt, không rộng lớn, nhưng khá tươm tất với những ngôi mộ xây cất hoàn chỉnh. Không rõ nghĩa trang này thuộc những dòng họ nào từ Bắc vào định cư khá sớm tại Nha Trang, có lẽ trước phong trào di cư 1954-1955. Đi tiếp vài trăm mét, về phía tay phải, du khách  cần tinh mắt một chút để nhận ra tấm bảng chỉ dẫn đúc bằng xi măng, đầu đường Nam Thông: Tiểu chủng viện Sao Biển 1 Km. Phía trái QL là một sân đá banh khá tốt, nơi mà đội banh SB đã nhiều lần được nể phục…

Phương tiện giao thông thời trước 1963: Từ Phan Thiết, Bình Tuy các chú tiểu chúng tôi thường dùng xe lửa, tuy chậm nhưng rất thanh bình và thơ mộng, từ Ga Phan Thiết xuống đổi tàu tại ga Mường Mán. Chúng tôi thoải mái đi lại, không say xe, ngắm cảnh đẹp quê hương, nói chuyện vui đùa và thưởng thức nhiều món ăn hàng rong các miền. Hoặc có thể đi xe đò dọc theo con đường Cái Quan QL1 trên những chuyến xe tên nghe đã quen một thời: Phi Long, Tiến Lực.v.v. Từ Phan rang, Ba Ngòi ra, có thể dùng xe đò loại Renault, Peugeot của Pháp. Đường hẹp nhưng vẫn th́ú vị và an toàn, ít tai nạn. Từ Diên Khánh-Thành có xe ngựa và xe lam. Từ Vạn Giã, Ninh Hoà đi vào có xe Renault Ninh Hoà, lúc nào cũng lủng lẳng người đứng trên bậc lên xuống, tay giữ chặt vào vành sắt trên mui xe. Khi lên đèo Rù Rì, tưởng chừng như xe có thể chổng ngược vì trọng lượng phía sau. Trong nội thành Nha trang và đi về Đồng Đế hoặc Cầu Đá-Chụt, có xích lô đạp, xe ngựa và  xe lam.  Phương tiện giao thông cá nhân: ngoài một số người khá giả có xe hơi của Pháp hiệu Peugeot, Citroen… Đa số mọi người dùng xe đạp, sang hơn thì có Mobylette, Velo Solex, xe gắn máy của Đức, chưa có Honda của Nhật. Thỉnh thoảng bắt gặp vài chiếc Vespa của Ý́.

Đang nói về xe cộ, tiện nhắc luôn: Cha BT Jeanningros có chiếc xe Deux chevaux, cha Mai Khắc Cảnh có chiếc xe “con cóc” khá mới (mấy năm sau ngài đã bị  giết ở Mêpu Bình Tuy, cũng trên chiếc xe này!) Còn các cha giáo khác dùng Mobylette hoặc xe Goebel, Sachs của Đức. Cố Pouclet nặng nề thế nhưng lại thích Solex. Vài năm sau, cha Nédelec cũng dùng một chiếc Deux Chevaux như cha BT. Riêng cha Clause (Cố Hồng) gắn bó suốt đời với chiếc xe đạp đen của Pháp, vững chắc như Đức Tin và lòng nhiệt thành của ngài. Thời đó xe hai bánh của các cha, nhất là các cố MEP, luôn luôn có hai cái cặp hai bên porte-bagage, như chúng ta thấy trong tấm hình có cha Huệ trên đường Độc lập 50 năm trước.

Con đường đất Nam Thông chạy qua thôn Thanh Hài, Quận Vĩnh Xương. Hai bên đường, nhà cửa không sang trọng, nhưng sạch sẽ tươm tất, nấp dưới những rặng dừa mát rượi. Ngôi nhà thờ nhỏ bé, khá cổ kính vì có lẽ được xây dựng sớm khi giáo xứ mới  hình thành. Điểm nổi bật của Thanh Hải là những vườn rau xanh quanh nhà, tươi mát bốn mùa. Vì chưa có máy bơm, người trồng rau phải dùng quang gánh hai thùng múc nước dưới ao, chạy theo luống rau để tướỉ. Tuy gần sát bãi biển nhưng đào chỗ nào khoảng ba bốn mét cũng có nước ngọt dồi dào quanh năm. Nhớ cái giếng dành riêng để uống của TCV phía trước, cạnh con đường vào phòng Cha Bề trên lúc nào cũng ngọt lịm và hai cái giếng tắm giặt của chú lớn chú nhỏ dùng cho hơn trăm người không khi nào cạn, để có thể kéo gàu cần cẩu liên tục.

Trước khi ra tới bờ biển, tại ngã tư cuối cùng trên con đường Nam Thông đất đỏ, nay là đường Bắc sơn, nơi góc Đông Bắc, thời đó có một dãy nhà trệt gọi là Trường Tiểu học Nam Thông. Hầu hết các bác xích lô và xe lam quen biết tên trường Nam Thông hơn là chủng viện SB, nên chúng tôi vẫn xin cho xuống trường Nam Thông. Một vài năm sau, ngôi trường này bị phá bỏ (có lẽ vì trường Trinh Vương của các dì MTG Quy Nhơn đã bắt đầu hoạt động) và trên miếng đất ấy chúng tôi thấy một thầy già dòng Phanxicô trồng rau, bầu bí một thời gian.

Đi tiếp khoảng 200 mét, dọc theo một bờ tường đúc bằng xi măng, qua chiếc cổng sơn màu đỏ sẩm phía phải là toà nhà chủng viện nấp dưới những hàng dừa và phi lao rì rào gió biển. Nếu chưa muốn vào CV, đi tiếp sẽ gặp phía trái là con đường dẫn vào Dòng Kín. Năm 1961, các chú TCV được tham dự lễ khánh thành nhà dòng. Được cho phép đi khắp nơi trong khuôn viên dòng, cảm nghiệm bẩu khí đạo đức thánh thiện và trên tay cầm bông hồng có hình Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Dòng Kín không nằm sát biển, vì còn cách nhà của ông Võ Sĩ. Ông là nhà thầu ̣rất được Đức cha Piquet tin tưởng,  giao cho việc xây dựng TCV, Dòng Kín Carmelo và Dòng Khiết Tâm Bình Cang, nên cả ba cơ sở này có kiểu kiến trúc giống nhau.

Cây cối của vùng cát này chủ yếu là dừa, mọc rất tốt. Ngoài ra còn thấy người ta trồng một ít cây Na (măng cầu) và nhãn nhưng không thích hợp lắm. Riêng CV, trong khu Bếp của các dì, có một cây Me khá cổ thụ, có lẽ có trước khi xây CV. Hiện nay cây me này chắc chắn đã bị đốn rồi.

Phía bắc, dòng Kín giáp sân vận động của trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, nên các chị cũng được chia sẻ tiếng hô luyện tập thao trường và tiếng đạn mã tử (tức đạn giả) đì đùng, để các chị biết rằng chiến tranh trên quê hương một ngày một ác liệt hơn và không ngừng cầu nguyện cho hoà bình. Tiếng chuông Truyền Tin ngày ba lần, từ tháp chuông dòng Kín vẫn nhắc nhở mọi người hướng lòng lên cùng Chúa, không khi nào thiếu vắng. Mỗi sáng sớm, cha Lagrange tuyên úy Dòng, đầu đội mũ béret đen (ngài bị hói cao, dễ dị ứng thời tiết), từ CV băng qua chiếc cổng nhỏ để sang dâng Thánh lễ cho nhà Dòng. Vào khoảng cuối thập niên 60, CV xây thêm một nhà khách lợp ngói đỏ sát cổng nhỏ này vì phòng Parloir, kề bên cầu thang, nhỏ quá không đủ dùng.

 

Đi ra sát bờ biển, du khách sẽ thấy phía sau Nhà Nguyện của TCV với lối kiến trúc tổ ong, xoè ra như hình nan quạt. Đó là những ô bàn thờ phụ của thời tiền Công Đồng Vatican II , vi thời đó chưa có lễ đồng tế. Mỗi lớp giúp lễ cho một cha giáo. Nhớ năm 61-62, lớp Huitième chúng tôi giúp lễ cha Mai khắc Cảnh. Các chú đọc tiếng latinh đã nhanh mà vẫn còn thua ngài: Kinh Cáo mình, chúng tôi chỉ cần xịp xịp,ngắc ra ngắc vào và đấm ngực ba cái là Amen! Cũng nhớ chuyện cha Mollard Lễ là cha quản lý của CV, khoảng năm 1962, ngài về Pháp dưỡng bệnh và không trở lại nữa- Ngài là cha giáo duy nhất mặc áo chùng mà bên trong luôn luôn là quần soọc. Một hôm ngài tập giúp lễ cho các chú nhỏ, anh Hoàng Pierre lớp 7 thực tập. Lúc truyền phép, theo phụng vụ tiền CĐ Vatican II, anh quỳ phía sau, nắm áo chùng của cha giơ cao lên lòi cả quần soọc, làm ngài thẹn đỏ mặt còn các chú cười ngã nghiêng.

Xin mời du khách đi trở lại để vào thăm CV. Qua chiếc cổng gỗ màu huyết dụ, là căn nhà ngó́i nho nhỏ của ông Ba, người có nụ cười rất dễ mến. Ông giúp bàn ăn các cha một thời gian khá dài. Về sau không biết ông sống và mất ở đâu. Phị́a cực Nam của CV là hai căn nhà ngói nhỏ dành cho các gia đình người giúp việc trong CV. Nhớ Bác Quý ở căn nhà góc sân banh này. Vào năm 1969, 1970 tôi gặp và biết giạ đình bác vào định cư tại giáo xứ Hoà Nghĩa, cùng với dân đồng hương của bác từ Quãng Ngãi vào, theo cha Võ ngọc Nhã. Bác làm sở Mỹ và mất tại đây. Còn Bác Thiện cũng giúp víệc cho TCV một thời gian. Bác có người con trai cùng tuổi chúng tôi, bị bệnh tâm thần bẩm sinh, gặp ai cũng cười, nhất là thích cười với các chú. Chúng tôi gọi là”người hạnh phúc nhất thế gian” vì chằng bao giờ thấy anh ta buồn phiền cả. Không thể quên được Bác Hiển, Ba của Hòa và Thuận là vị ân nhân đặc biệ́t của TCV trong nhiều năm. Ngoài việc lái xe Peugeot mỗi ngày, bác còn là người tháo vát lo hầu hết mọi chuyện lớn nhỏ, kề cả việc bảo trì trong CV. Vào thời cha Nguyễn công Phú làm quản lý, CV có cái cổng bằng sắt sơn xanh, đẹp hơn và nằm ngay chính giữa tòa nhà  với hàng chữ lã lướt: Tiểu chủng viện Sao Biển. Đi qua cổng chính, nếu không rẽ theo con đường đất hình chữ U vuông góc dẫn tới phòng cha Bề trên ở phía trái, hoặc tới phòng cha Quản lý bên cánh phải, thì chúng ta bước vào khuôn viên Mẹ Sao Biển hình tròn, nằm ngay chính giữa tòa nhà CV. Núi Đức Mẹ ghép bằng đá san hô và nền công viên rãi sạn san hô trắng. Bức tượng thạch cao trắng cao khoảng 1m20 ̣được đặt mua từ Pháp, được design có góc cạnh, theo một mẫu mã độc đáo, khó bắt gặp một nơi nào khác ở Việt nam thời đó. Nên con cái SB vẫn tự hào về nét đặc trưng này của tượng Mẹ Sao Biển. Công viên này được xây dựng vào khoảng năm 1964 và cùng với cổng chính, tồn tại tới  khi TCVSB bị bức tử. Bức tượng Mẹ Sao Biển của chúng ta, sau khi được “di tản” về Hà Dửa theo cha BT, tức Đức cha phó Phêrô, vào tháng Sáu  năm 1979, an vị trong hy vọng và đợi chờ, hiện nay ngự trị tại ĐCVSB Nhatrang như một khẳng định cho sự che chở của Mẹ trên các thế hệ con cái Sao Biển.

Về chuyện xây dựng, không thể̀ không nhắc đến một ông nhà thầu ở Nha Trang. Ông được cha Gervier khá tin tưởng, đặt làm cột bóng rổ và các công trình ống dẫn nước (Plumbing). Ông có chiếc xe van khá cũ kỹ và biết nói tiếng Pháp, đủ dùng cho nghề nghiệp. Chúng tôi gọi đùa ông là “Monsieur Par-ci par-là làbas ici” và đoán mò hồi xưa ông là lính Tây hoặc làm đồn điền Cao su! Chỉ tiếc rằng sau hai sân bóng rổ khá tốt, đến cái thứ ba, cạnh nhà nguyện sát bờ biển, hai bảng bị xéo, không chịu nhìn nhau mà cái này quay  lệch sang đông, cái kia nhìn méo sang tây! Thành ra cái sân ấy cũng bị các chú thất sủng nhiều.

 

Dọc theo bờ biển, có trồng nhiều cây dừa đã khá cao và nhiều trái , bên trong một hàng rào cột đúc ximăng kéo kẽm gai chạy dài suốt chiều dài khu đất của CV. Về sau cả dừa và hàng rào bị sóng biển triều cường đánh sập nên CV xây một bờ kè bằng đá chẻ và hàng rào cọc sắt khá tốn kém và trồng lại dừa phía trong bờ kè (có lẽ thời cha Ngọc làm QL) nhưng vào thời cuối của TCV, các cọc sắt cũng bị gỉ sét, đứt chân và đổ ngã.

**

Trở lại với con người Sao Biển đầu thập niên 60, trước hết xin nói đến quần áo và phác họa chương trình sinh hoạt của một ngày thường: Bản hướng dẫn nhập học ghi rõ: các chú phải có một hoặc hai bộ áo dài đen, hiểu là có cả quần bà ba trắng,vài tháng sau là thành quần cháo lòng ngay, một mũ cối trắng: có anh thì dùng mũ nhựa trắng dễ lau chùi, có anh thì sắm mũ trắng vải nên thỉnh thoảng phải đánh trắng bằng bột phấn, nhất là khi sắp về nghỉ hè, có chú sắm mũ bêrê đen đội lệch oai và văn minh hơn. Một bộ sơmi trắng quần tây xanh ̣bắt buộc để mặc khi đi dạo hoặc đi ra ngoài. Một đôi sandal bằng da hoặc nhựa cứng, thời đó gọi là sandal rọ vì có ô giống rọ bắt heo, một đôi dép đi thường ngày, có dép Lào là hách lắm và quần áo mặc để học như quần áo bà ba sơmi. Vài cặp quần đùi, áo maillot để chơi thể thao, tắm biển…Thau, ca rửa mặt, thau giặt đồ, khăn lau, bót kem đánh răng, thời đó thịnh hành là Hynos  anh Chà Và, Perlon, Crest và Leyna có gân trắng gân đỏ… Gia sản cá nhân ít ỏi thế mà nhiều anh vẫn làm biếng: quần đùi áo maillot rớt tá lã dưới giây phơi chẳng thèm lượm, để thỉnh thoảng cha quản lý bực mình đem cho người nghèo. Có anh ngâm đồ trong thau ba bốn ngày, ham chơi quên không giặt, lên men chua lè!

Thử bắt đầu từ lúc thức dậy: Một hồi chuông kéo ̣đánh thức tất cả mọi người. Thầy gịám thị bật đèn sáng trưng và xướng: Benedicamus Domino. Mọi người, mắt còn lim dim ngái ngủ, cất tiếng đáp: Deo Gratias, rồi ra khỏi giường xếp gọn mùng mền và ̣đi rửa mặt theo một dãy robinets dọc theo hàng cửa sổ. Tội nghiếp cho những chú ̣thèm ngủ quá, đang nướng thêm bằng cách ăn bớt giờ rửa mặt. Nhưng coi chừng thầy giám thị phải đích thân tới kéo dậy nhiều lần là không khá rồi. Đã xảy ra sự cố sau đây vài ba lần: một chú chuột lỡ bước, rơi tõm vào hồ chứa nước trên cao mà không ai biết. Sau ba bốn ngày, mọi người trong nhà, cả cha cả con mới phát giác ra mùi thum thủm khi súc miệng rửa mặt. Thế là có rùng mình thì cũng đã trể. Một chú trèo lên vớt chuột và xả cả hồ nước. Ch́úa thương con cái của Ngài nên không ai bệnh tật gì cả! Sau khi thức dậy khoảng 15 phút, mọi người khoác áo dài chỉnh tề, đi xuống sắp hàng vào Nhà Nguyện xem lễ. Tất nhiên là phụng vụ tiền Công Đồng: Mỗi tuần một cha giáo làm lễ, bàn thờ quay lên và toàn dùng tiếng latinh. Cộng đoàn dùng sách Kinh Địa phận Quy Nhơn, gọi là sách Mục lục (không hiểu vì sao gọi là sách Mục lục) để đọc kinh và theo dõi Thánh Lễ.

Sau Thánh lễ sáng, các chú lớn, chú nhỏ riêng biệt đi theo hàng ra con đường đất để tập thể dục. Một anh lớp trên được đề cử làm hướng dẫn viên để mọi người làm theo. Du khách tò mò từ bờ biển nhìn vào, có thể tưởng lầm là một môn phái Thiếu Lâm đang luyện chưởng vì những tà áo đen phất phới trong gió biền. Sau 10-15 phút, vào phòng học để nguyện gẫm: Một chú đọc sách gẫm Phaolồ Quy cho tất cả suy niệm, hoặc một tuần một lần, Cố Hồng đi lên đi xuống giảng bài nguyện ngắm. Ngày nào cũng có một “cây bông thiêng liêng” để các chú nhớ mà đi theo đàng nhân đức. Số các chú “siêu thoát” khi nguyện gẫm không phải là ít, vì đang  tuổi ăn tuổi ngủ. Ngày nay, thỉnh thoảnh nhắc lại vài câu văn Phaolô Quy vẫn thấy hay hay để nhớ từ ngữ nhà đạo.

Bộ đồng phục áo dài đen chính thức dùng cho những giờ phụng vụ trong Nhà nguyện, trong những giờ huấn đức, hội họp chung và cả trong nhà cơm. Nhiều chu ́it khi giặt áo dài, hoặc vì chỉ có một cái, và vì có mặc khi ăn, thậm chí mặc khi đá banh 15 phút sau bữa ăn sáng và chơi rượt nhau 30 phút sau cơm tối, nên nói đến chuyện sạch sẽ của áo dài là chuyện thừa! Mùa hè nóng thế mà cả Thầy giám thị của chúng tôi cũng dắt áo chùng lên hai bên hông để cùng đá banh vui vẻ. Ôi, một màu đen tiện lợi tuyệt vời! Nhưng xin chớ lại gần! Đôi khi mồ hôi đóng muối trắng như vẽ bản đồ trên áo dài! Trong phòng Étude, dọc hai bên tường có nhiều móc để treo áo dài và đủ thứ áo khác. Giờ học ăn mặc khá tự do, ngoài trừ áo “ba lỗ”. Cha Huệ nhiều lần phàn nàn về những chú mặc áo ba lỗ này và ngài hỏi:”con đang học hay con đang đá banh?”

 

Tôi không nhớ rõ là chiếc áo dài SB biến mất năm nào, chỉ nhớ rằng vào khoảng năm 1964-1965  cha Phú làm quản lý sau khi du học Pháp về, ngài đã làm một cuộc “cách mạng” khi mời thợ may Nha trang sang cắt đo may cho mỗi chú một bộ đồ Tây màu trắng sang trọng để mặc vào Chúa Nhật và mổi khi đi ra ngoài “sánh vai cùng thiên hạ”. Cha Phú làm quản lý sau cha Gervier và ngài cũng đã mang lại cho TCV nhiều điều mới lạ hơn: Cho các chú nghe qua máy Magnétophone “kỳ diệu” của ngài một số bài hát tiếng Việt và cho các chú hát thu băng nghe lại…Cái máy chiếu projecteur cho các chú chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan ở Châu Âu và Thánh địa…Trong nhà cơm, ngài cũng thay một số đồ dùng sáng sủa hơn.v.v. Cuộc “cách mạng” này nhờ vào một luồng gió “Việt Nam hóa” khi TCV có cha BT Nguyễn công Nghị, cha QL Nguyễn công Phú và cả cha giáo thi sĩ Xuân ly Băng. Ngài ̣̣đưa các chú quay về với chữ Nho và đạo đức “Minh tâm bảo giám” cùng với “Phúc âm diễn ca” của ngài. Kể cả bài vè nổi tiếng ̣:” Các con ơi hãy nhớ, chớ phô trương việc lành, trước mặt người thế gian, cho người ta xem thấy, để người ta nhìn thấy…” mà nhiều lớp được học và rất thuộc. Được biết anh Nhị Ninh hoà rất thích bài vè này! Ngoài ra, ngài còn là nhà thể dục thể thao mô phạm với các bài diễn tập tập thể trong lời ca khí thế:  “Jeunesse, jeunesse…”, Ngài rất tâm đắc thực hiện chủ trương: “Mens sana in corpore sano” cho các chủng sinh. Trên hết, ngài là cha giáo rất đạo đức và là gương mẫu đời sống nội tâm cho chúng tôi. Một vài lần, trước khi dẫn các chú đi dạo vào chiều thứ Tư, ngài cũng cho đọc kinh đã. Tri ân và cảm mến cha giáo kính yêu.

 

Trở lại với thời khóa biểu ngày thường: Sau giờ nguyện gẫm trong phòng Étude, một hồi chuông ngắn báo hiệu giờ ăn sáng.  Vào nhà cơm theo hai hướng, các chú lớn, chú nhỏ yên lặng đi vào chỗ của mình. Đã có tiếng rì rào đâu đó về thức ăn: “lại Tám mối phúc thật….” – Món cá mối kho đấy, do phải ăn hoài nên phàn nàn. Một thầy giám thị bắt kinh, mọi người lót dạ khoảng một chén cơm…Sau giờ ăn sáng là 15 phút tự do để mọi người lo việc cá nhân. Tiếp đến là giờ học bài, chuẩn bị cho hai tiết học buổi sáng.

Xin dừng lại để nói về chức”giữ giờ”mà chúng tôi gọi gọn là “chú giật chuông” Cứ đầu năm học, không rõ là cha giáo nào có thể là cả hội đồng  đã chọn sẵn một chú lớn làm nhiệm vụ giữ chuông. Có những tiêu chuẩn”bất thành văn” để chọn chú giữ chuông mà chúng tôi ngầm hiểu: có đồng hồ đeo tay (không dể gì để có được một chiếc đồng hồ đeo tay vào thuở ấy, có bố làm nghề sửa đồng hồ thì may ra) hiền lành, siêng năng, tất nhiên là ít ngủ nướng và…ít chơi các môn thể thao mạnh như đá banh, bóng chuyền, bóng rổ…vì rất dễ quên giờ. Năm 61-62, có anh Luân Ninh Hoà, và năm sau có anh An Ba làng là những chú rất đạt tiêu chuẩn. Dưới con mắt của các chú tiểu chúng tôi, thì các anh lớn giữ chuông này vừa được nể phục, vừa được ưa, vừa được ghét: nể vì các anh hiền lành, chịu khó nhất là thức dậy trước mọi người để can đảm xuống kéo chuông. Được ưa khi thấy bóng các anh xuất hiện để báo hết giờ học. Ghét, vì đang chơi hào hứng quá mà laị hết giờ. Có chuyện xảy ra: ngày nọ một chú nghịch ngợm, muốn chọc anh giữ chuông, đã âm thầm lấy mộ̣t xếp giấy, leo lên bọc cái “dái chuông” lạí. Làm khổ anh giữ chuông kéo chuông mà sao nghe bịch bịch, giật mình nhìn ̣lên mới tá hỏa, vừa bực mình vừa tức cười. Không biết thủ phạm là ai, đành chịu thua. Loay hoay tìm ghế leo lên gỡ thì các chú cũng đã kiếm thêm được mười phút! Một đôi lần, chú giữ chuông ngủ quên, hoặc do các bạn chơi nghịch, vặn lùi đồng hồ đánh thức, đồng hồ này do cha quản lý giao, làm cho cả nhà được ngủ thêm giờ, để rồi chính cha Bề trên hoặc cha Quản lý, phòng ở tầng trệt phải ra giật chuông thay.

Sau giờ ôn bài trong Étude khoảng 30-45 phút là tiếng chuông báo hai tiết học bắt đầu. Mọi người ôm sách vở đi về phòng classe của mình. Nhiều tâm trạng vui, buồn, lo âu lẫn lộn: sẽ được phát bài làm với hy vọng điểm tốt, tiu nghỉu vì điểm xấu, bị chép phạt và nhất là trống ngực đánh thình thình vì sao bài hôm nay học mãi không thuộc. Trong số các cha giáo, thầy giáo trả bài, chúng tôi sợ nhất là cha Ban với cái roi cá đuối, và hồi hộp nhất là cây bút chì của cha Lagrange: Ngài thả cây bút từ trên cao rớt xuống, mũi bút chỉ vào tên ai trong cuốn sổ điểm của ngài thì chú đó phải đứng lên trả bài. Trò này của ngài làm chúng tôi nín thở, thót tim.

Có cha giáo giảng bài hăng say quá, không để ý cha khác đã chờ lâu ngoài cửa. Có cha hay hút thuốc, cầm cục phấn trắng giảng bài, đưa lên miệng ngậm vì tưởng là điếu thuốc ngon lành! Vào thời đó chẳng ai phải quan tâm đến vấn đề thuốc lá có haị cho sức khoẻ, cũng chẳng có ý niệm gì về second-hand smokers. Cha Clause, cha Gervier và Cha BT Jeanningros hút ống vố (pipe) các cha khác hút Bastos xanh hoặc Bastos Quân tiếp vụ. Cũng có nhiều cha giáo không bao giờ hút thuốc như cha Huệ, cha Nédelec, cha Mollard, cha Phú, cha Hoa…Trong số các thầy giám thị, chúng tôi thấy hình như chỉ có thầy Huy, người thấp bé, dạy vào khoảng năm 63-64. Thầy Huy cũng là một nhạc sĩ sáng tác, hình như là Thanh Chương, có xài điếu cày. Các chú trong Nam rất lấy làm lạ, goị đó là súng Bazoka hay Mortier- vì thầy chính hiệu là dân xứ Nghệ (không biết nay thầy ở đâu, còn hay mất). Mùi thuốc lá của Cố Hồng đặc biệt đến nỗi ngài ít khi bắt gặp được các chú nói chuyện, không học bài, những lúc ngài đi ngang hành lang phòng học để vào nhà nguyện viếng Mình thánh Chúa hoặc đánh đàn, vì mùi thuốc đã báo trước cho các chú từ rất xa. Cũng như con chó berger của cha Gervier luôn lon ton chạy trước báo cho chúng tôi biết chủ nó sắp tới ! Nếu bắt gặp chú nào phạm lỗi, cha Gervier sẽ nói:”Oh lala, quá sức đi”.

Hút thuốc là vấn đề muôn thuở. Hồi đó ở TCV chỉ một số it́ chú lớn có hút thuốc, tất nhiên là hút lén, hoặc hút khi  đi dạo chiều thứ Tư. Sau này tại CV Chúa chiên lành, cha Đạt cấm hút thuốc nhưng cũng không tuyệt đối được. Lên ĐCV (chẳng hạn ĐCVXB-Huế), vấn đề cũng chỉ dừng lại ở mức lời khuyên, và các thầy còn được mang theo cả điếu cày để có thể tụm năm tụm ba bắn vui vẻ sau giờ cơm tối!

Sau hai tiết học là giờ ra chơi ngắn 30 phút. Có chú tranh thủ giặt quần áo, đa số chơi các trò chơi trong nhà như pingpong, đá cầu, đá kiện, bắn bi. Mạnh hơn thì có “lùa heo, ném banh…” và cũng không ít chú không ngại nắng hè hay mồ hôi đầm đìa để lao vào chơi đá banh, bóng chuyền, bóng rổ… hoặc lang thang bắt dế, câu còng, bắt chuồn chuồn, bướm, châu chấu, cào cào…Một số khác khá đông, đến phòng cha Gervier QL, ngồi khắp hành lang, để đọc truyện tranh Les aventures de Tintin et Milou của Hergé. Chúng tôi say mê thích thú với các nhân vật như Tintin, chó Milou, Tournesol, Captain Haddock…..và chu du khắp thế giới, học được nhiều điều hay.

Xin phép dừng lại đây, để nói lên lòng tri ân, ngưỡng mộ đối với các cha giáo MEP, như cha BT Jeanningros, cha Gervier, cha Hirigoyen đã rất quan tâm tạo cơ hội, mặc dù thời đó rất khó khăn để cho các chú được xem những bộ phim kinh điển tại Rạp Tân Quang cũng như tại TCV: Mười điều răn, Ben Hur, La Toison d’or (tại rạp), Voleur de bicyclette, Le train sifflera trois fois.v.v… ( tại CV). Cao hơn mục đích giải trí, những bộ phim này đã giúp chúng tôi có khái niệm về Điện ảnh và để lại dấu ấn tốt đẹp trong tâm hồn non trẻ của chúng tôi. Xin Chúa thương các ngài.

Một hồi chuông báo, các chú sắp hàng vào Étude để làm bài. Bầu khí yên lặng, pha chút căng thẳng vì ai cũng lo làm bài. Thỉnh thoảng chỉ nghe vài tiếng quạt tay phạch phạch của ai đó vì nóng quá và tất nhiên không thiếu mùi mồ hôi thoang thoảng rất quen thuộc. Chiếc đồng hồ quả lắc trước mặt nhắc chúng tôi làm bài cho kịp, và nhắc anh trưởng lớp đi thu bài khi còn 5 phút cuối, để lên phòng cha giáo nộp bài. Thỉnh thoảng cha QL vào phòng Étude bắc ghế lên dây thiều cót két cho ̣đồng hồ. Chiếc đồng hồ này, cùng với tiếng đổ giờ thanh thót đã thật sự gắn liền với cuộc sống của chúng tôi hằng ngày. Đến nỗi sau này khi cha XLB cho chúng tôi tập làm thơ lục bát, đã có anh “xuất khẩu” như sau:

“Đồng hồ ti tách đổ dài,

Mười hai tiếng đúng không sai tiếng nào”

Luật bằng trắc, gieo vần không chê vào đâu được! Nhà thơ tiềm năng ấy nay ở đâu nhỉ?

12 giờ trưa, bụng đã đói cả rồi. Tiếng chuông nhắc mọi người đứng lên. Một chú bắt kinh:”A Rất Thánh Mẫu Maria…” Sau đó cùng với tiếng chuông Truyền Tin, thầy giám thị xướng kinh latinh: Angelus Domini nunciavit Mariae….” Vào trưa Chúa Nhật thì trước giờ cơm này, các chú còn được nghe bản xét mình, hồi đó do anh Mai Hứa đọc rất trong trẻo rõ ràng:” Xét về sự phải làm khi….”. Ôi con đường nhân đức quả là phong phú!

Các chú mặc áo dài vào, theo hàng tiến về nhà cơm. Cho tới khoảng năm 1963,1964 bàn ăn của các cha còn chung với các chú, sau này mới tách ra phòng bên cạnh về phía đông. Cha BT xướng kinh, mọi người ngồi xuống bắt đầu ăn. Tiếng muỗng nĩa, bát dĩa lào xào gần như át mất tíếng của chú đọc sách thiêng liêng trên bục cao. Vào thời đó, tôi còn nhớ, được nghe say mê cuốn “Một tâm hồn” về thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu. Khoảng 10 phút sau, cha BT bấm chuông nhỏ và xướng Deo Gratias, mọi người nói chuyện như ̣đàn ong vỡ tổ. Nếu là một ngaỳ lễ hoặc có  vị khách hay biến cố gì đặc biệt thì cha BT xướng Deo Gratias ngay từ đầu, và tiếng hò reo còn lớn hơn.

Cơm trưa là bữa chính và cả bữa tối, các chú được cung cấp đầy đủ. Các ông giúp việc tiếp tế cơm cho các bàn. Các ngày lễ lớn thì thịnh soạn hơn. Riêng thứ sáu kiêng thịt nên thường được ăn trứng vịt hoặc thịt ba ba biển hay con vít, trông giống thịt bò. Các dì rất khéo nấu bằng cách dùng nhiều rau mùi, dứa (thơm), cà chua để át đi mùi tanh của loại rùa biển này. Chuối là món tráng miệng hằng ngày và bổ dưỡng nhất. Nó cũng được dùng để cá cược cho thể thao, thi đấu giữa cá nhân, đôi khi để tỉ thí với nhau trong những chuyện ngớ ngẩn nhất, chẳng hạn: anh X có cái thẹo trên má trái hay má phải. Có anh mất một hai ngày chuối, có anh chơi bạo mất tuốt một tuần! Khi có chú nào nằm nhà bệnh nhất là vào mùa cảm cúm, và không loại trừ bệnh nhân giả ! chỗ ngồi trong nhà cơm bị trừ đi, và các chú có vần cuối của lớp Tám phải mang đồ nghề đi ngồi ké. Tội nghiệp đứa em bé bỏng khi phải ngồi bên ông anh hay bắt nạt. Sau khi ăn xong, các chú tự động rửa xiên muỗng, cùng cái ca uống nước và chiếc khăn ăn (thường không được sạch lắm vì it khi giặt) của riêng mình và đem cất vào ô kín dưới bàn. Trong ô kín này, ta còn bắt gặp nhiều thực phẩm riêng như: xì dầu, muối mè, hoặc sang hơn: thịt chà bông, hoặc trái chuối, miếng bánh mì cất dành chưa ăn. Trong giờ cơm trưa, cơm tối, cha BT phát thư cho các chú tận tay vì ngài cũng muốn học tên các chú mới. Thư được mở sẵn, mang đến cho người nhận một niềm vui, và càng sung sướng hơn khi trong thư có tờ mandat (một cách chuyển tiền qua bưu điện thời đó).

Sau cơm trưa, nghỉ 15 phút, trước khi lên ngù trưa. Không gian tư bề yên lặng, mệt mỏi và oi bức…Sau giờ nghỉ trưa, các chú xuống nhà học chuẩn bị cho một hoặc hai tiết học buổi chiểu. Nếu là thứ Tư, thì vào nhà nguyện lần một chuỗi năm mươi, rồi ra nhà cơm ăn gouter và ra ngoài đi dạo (promenade) đá banh, tắm biền…cho tới cơm tối.

Sau tiết học chiều là giờ chơi chính để chơi các môn thể thao lớn và đi tắm. Vào thời đầu, các chú không được ra tắm biển hằng ngày, về sau thì phép rộng hơn. Hai cái giếng và cần cẩu kéo là nguổn nước tắm chính. Các chú phải tự ra luật “đến trước được trước” với nhau khi xử dụng gàu kéo này. Cao điểm là sau khi tắm biển về. Khi cha Gervier làm QL, ngài cho xây và lắp hệ thống máy bơm, vòi sen cho các phòng tắm, phòng vệ sinh hiện đại hơn. Trước đó, nếu không kéo gàu, chỉ có cái bơm lắc của Pháp mà các chú nghịch ngợm chỉ dùng để xịt nước nhau mà thôi.

 

Hết giờ chơi và tắm rửa buổi chiều là giờ cơm tối. Cũng như bữa trưa, phần đầu yên lặng nghe đọc sách rổi mới nói chuyện. Đôi khi có chú bị phạt quỳ nhà cơm trong khi mọi người ăn, và phải ăn sau một mình. Đây là một hình phạt khá nặng dành cho những lỗi nghiêm trọng. Những khi cúp điện là chúng tôi khoái nhất, đến nỗi reo lên. Thời đó, điện còn do “ông Tây nhà đèn” cung cấp và cũng thường có sự cố. Trước mắt là không phải học bài, chỉ ngồi chơi nến: chúng tôi dùng nến vụn với mẫu phấn nhỏ làm tim, đựng trong một cái nắp sắt hay sành ̣để đốt mà chơi hơn là để học! Nếu có điện lại thì đem cất cho lần sau.

Cơm tối xong, ra chơi 30 phút, các chú thường tụ tập quanh các thầy để nghe kể chuyện ma, trinh thám hoặc chuyện kiếm hiệp Tàu. Các thầy có tài kể chuyện, đa số là chuyện phịa, chắp ghép và các chú tiểu chúng tôi say mê theo dõi không biết chán. Một số bạn thích chơi trò đánh giặc, dùng hai vạt áo dài trước sau để che mặt mũi và bắn dây thun, đạn giấy, vô cùng hào hứng quyết liệt.

Chấm dứt giờ giải lao, các chú lớn tập trung về phía trước nhà CV, các chú nhỏ phía sau, xếp hai hàng đi đi lại lại lần chuỗi. Luôn luôn các chú nhỏ con đi đầu hàng, như đầu rấn bò tới bò lui, trong tiếng kinh rộn rã Ave Maria, gratias plena…nhưng gẫm thì theo sách mục lục. Tối thứ bảy gẫm Bảy sự thương khó Đức Bà. Sau lần chuỗi, mọi người vào nhà nguyện đọc kinh tối. Tiếp đến, vào nhà Étude dọn bài cho ngày mai khoảng 30 phút trước khi lên phòng ngủ để kết thúc một ngày khi đôi mắt đã nặng trĩu như thể đeo chì! Vẫn còn một kinh đọc tập thể nữa để phó dâng mọi sự cho Chúa trước khi được đo giường.

Kể chuyện Sao Biển xưa mà không nhắc chuyện trộm dừa thì chẳng khác nào ăn ốc mà thiếu chén nước mắm gừng! Vậy xin mời:

Khi mới xây TCV, ngoài những cây dừa bung, dừa lửa, hầu hết trồng theo chu vi khu đất Chủng Viện, các đấng còn nghĩ nên trồng thêm dừa xiêm gần nhà và dọc theo các con đường, cho mát mẻ, thơ mộng, vừa để làm nước giải khát đặc sản vừa không nguy hiểm cho các chú khi trời gió to. Kết quả là không có trái nào mà ăn cả!

Vì dừa xiêm nằm ngay tầm tay, dễ hái nhanh như chớp và chỉ cần đập mạnh một phát xuống là có nước uống ngay, đôi khi còn chua lè vì non quá. Món nghề này thì phải xin đà̀n anh truỵền cho, chứ đàn em lính mới thì còn nhát lắm. Cha Quản Lý thời nào cũng bán dừa lớn già, theo hợp đồng, cho một cơ sở nấu dầu dừa, xà phòng ở Nha Trang. Họ leo dừa, hái, tróc vỏ, đập dừa vô cùng chuyên nghiệp. Các chú xem và học bắ́t chước. Vỏ dừa, lá dừa còn là nguồn củi đốt bổ̉ túc quan trọng cho nhà bếp. Hái trộm dừa lớn mới xứng là “chiến tích”.

Hái trộm dừa lớn, tạm gọi là trộm đã, xin phép bàn sau, là một chiến tích thật sự, vì không phải chú nào cũng làm được. Nếu chỉ biết hái dừa xiêm thì mớ́i là tay mơ thôi. Tấ́t nhiên không dám đề cập tới những chú “tốt lành” hoặc không thích ăn dừa. Phải lên kế hoạch thật tỉ mỉ: chọn cây nào, giờ nào, ai hợp tác, mang đi đâu, bổ chỗ nào, lúc nào.v.v. Cái khó không phải là hái mà là bổ̉ vỏ dừ̀a làm sao với dụng cụ tự chế rất đơn sơ, thậm chí có anh dùng một cục đá, y chang người cổ đại của thời kỳ đồ đá. Có anh kiếm được một lưỡi dao phay cất kỹ, hoặc chế được một cây sắt làm đồ nghề riêng, ai mượn thì ph̉ải biết điều chia chác. Vào giờ hành sự, không sợ các cha giáo, các thầy GT, vì đã nghiên cứu kỹ, nhưng sợ nhất vì không lường trước được, là con chó berger của cố Lành.

Giờ đây, sau 50 năm dòng đời trôi nổi, xin phép lạm bàn khía cạnh đạo đức của chuyện hái dừa mà bản thân tôi gọi là một “thói quen không đẹp” của thời tuổi trẻ đáng yêu và tội nghiệp. Tội nghiệp vì giữa cao điểm của tuổi ăn tuổi lớn, nhu cầu ăn vặt là lẽ thường tình. Có gì để nhấm nháp thêm ngoài dừa. Những chú quê ở xa thì có gì để̉ ăn. Đi dạo vào quán mua gì thì cũng là lỗi luật nếu bị thầy GT bắt gặp. Vả lại, trong túi chắc gì đã có tiền. Nhớ các chú quê Cây Vông, thỉnh thoảng chia cho chút “ường en” để ăn với cùi dừa già là khoái khẩu nhất. Bởi vậy, hầu hết các cha giáo đề̀u thông cảm, tha thứ và trong  thâm tâm, rất thương hại các chú hái dừa. Nhìn lại hôm nay, chúng ta và nhất là con cháu ta đâu có chịu nhịn những đồ ăn vặt bán đầy đường, hay ở cổng trường. Trên bàn học hay bàn làm việc lúc nào chẳng có sẵn snacks, chips, nuts…Xin Chúa tha tội và cám ơn những ai đã tha thứ cho chúng con.

 

Xin phép kể thêm một chuyện nhỏ có thật của TCV Quy nhơn, do họ thuật lại -chỉ với một mục đích  cho chúng ta thấy cái “tệ nạn” này là rấ́t phổ biến-: Một chú lỡ dại hái chuối của các dì nhà bếp. Cha BT phạt ba ngày liên tiếp, chú ấy phải đeo sau lưng cái quày chuối nhỏ trong giờ chơi 15 phút buổi sáng. Trời nóng nên chuối rất mau chín. Các bạn đi theo sau cứ rứt từng trái một để ăn. Đến cuối ngày thứ ba thì chỉ còn lại cái cùi trơ trụi. Chú “tội nhân” lễ mễ mang cái cùi chuối  vào trình cha BT:”Thưa cha, các bạn rứt hết chuối rồi ạ”. Cha BT nhìn cái cùi chuối muốn phì cười, nhưng khi thấy ánh mắt u buồn và hối hận của đứa con bé bỏng tội nghiêp, ngài âu yếm xoa đầu bảo:”Khi nào con thèm gì cứ nói cho cha biết, thôi con đi học bài đi”.

Kể chuyện “xấu” của kẻ khác mà giấu kín chuyện mình thì quả thật không Fair Play chút nào. Vậy xin kể chuyện của tôi: Năm 1965 tôi học Cinquième, một anh lớp Quatrième (tạm gọi anh X vì không xin phép được để nêu tên) không biết ưng tôi điểm gì mà bí mật mời tôi tham gia một phi vụ hái dừa vào đêm khuya, tôi nhận lời làm “trợ tá” vì chẳng biết gì về kế hoạch cả.: Khoảng 11, 12 giờ đêm, X đánh thức tôi dậy, hai đứa rón rén đi xuống cầu thang, X rút ra một que sắt mỏng, gạt cái chốt cửa sắt lên và nhẹ nhàng đẩy cửa sắt vừa đủ để chui ra (không cần chìa khóa, từ trong ta có thể mở bằng cách này, bên ngoài thì không thể) rồi khép hờ không khóa. Hai đứa xuống cầu thang, cẩn thận nhìn dọc hành lang về phia trái để xem “Bà” Berger có nằm phía xa không. Để tránh tầm nhìn của “bà”, hai đứa xuống đất đi về phía Nhà Nguyện, vòng ra sau phòng thánh, tiến về cây dừa lửa gần nhà ông Võ Sĩ. Anh X leo lên khéo léo, nhanh nhẹn đạp rớt ba trái. Tôi ngồi dưới sợ hãi vì tiếng động, tự nhủ tại sao mình lại liều lĩnh thế. Lượm ba trái dừa khá nặng, ì ạch mang về kẻ hở giữa hai ô bạn thờ phụ phía sau Nhà Nguyện, kín đáo và an toàn để ngồi lột dừa. X có mang theo một lưỡi rựa gãy, tuy khó khăn nhưng cuối cùng cũng thành công, không quên cẩn thận vứt vỏ vào đám cỏ tranh. Mang dừa đã lột và đã đập bể, chúng tôi lên cầu thang, chui vào giường ngủ ngon lành. Hôm sau, các bạn nghe biết chuyện, vì tưởng chúng tôi leo máng xối lên, xuống, tỏ ra vô cùng thán phục. Tôi thầm nghĩ trong bụng: chắc các bạn nghĩ chúng tôi giỏi không kém hai con chuột leo lên chuồng gà ăn cắp trứng và mang về tổ được! Xin Chúa tha tội.

 

Vào năm 1967 thời cha Vĩnh làm QL, có xãy ra chuyện kẻ trộm leo lên nhà ngủ chú lớn khiêng vali của Ánh 62 xuống, tìm chẳng có gì đáng của, đáng công, bèn vứt lại. Chúng tôi bày chuyện xin phép thầy GT cho thức canh trộm. Thế mà một hôm chúng tôi cũng bắt được một anh “trộm dừa” chính hiệu. Anh bị bắt quả tang đang ngồi trên cây dừa kề phòng cha Pouclet, sát hàng rào, dưới đất có khoảng chục trái. Anh thanh niên tỏ ra hối hận và lo sợ. Chúng tôi vâng lời cha QL cho anh ra về, cảm thấy mình dường như đã thực hiện được một điều gì tốt lành tương tự trong phim Les Misérables (GM Myriel tha thứ và che chở cho Jean Valjean).  Đến đây xin phép chấm dứt chuyện hái dừa.

Dù sống trong TCVSB lâu hay mau, chúng ta đều cảm nhận được sự bình an về mọi phương diện. Chắc chắn đó là do sự che chở của Mẹ SB. Trước hết xin nói về bệnh tật và tai nạn.

Năm 1961 khi lớp chúng tôi vừa nhập học được mấy tháng thì Dì Tiềm qua đời. Các chú không biết rõ và cũng không đưa đám tang. Nhưng nghe đâu dì mắc bệnh nan y đã lâu. Ngoài ra, trong suốt 18 năm tồn tại không có trường hợp tử vong nào ngay trong TCV, dù các chú đang thời tuổi trẻ rất hiếu động, lại tắm biển thường xuyên, đi dạo xa ,leo núi, vượt đồi và súng đạn mỗi ngày một nhiều hơn theo cuộc chiến. Địa thế của TCV thật lý tưởng, an toàn trong chiến tranh.

Nói về bệnh tật thì cũng lạ: Hầu như ai cũng chỉ mắc bệnh thời tiết xoàng xĩnh. Các cha giáo phụ trách y tế rất tận tâm, nhưng các ngài thật ra cũng làm thầy thuốc kiểu passe-partout. Dì Nữ có tham gia chích thuốc, nhưng tay nghề có lẽ cũng ngang y tá làng! Cha Nédelec phụ trách y tế lâu nhất, nghe đâu Bố của ngài là Bác sĩ.

 

Các bệnh thời tiết hoặc theo mùa như cảm cúm, đau mắt đỏ.v.v.tất nhiên dễ bùng phát trong cuộc sống nội trú. Có những năm số các chú nằm nhà bệnh khá cao, ảnh hưởng sinh hoạt chung và các cha pḥu trách y tế cũng vất vả nhiều. Xui xẻo đôi khi nhà bếp cho các chú ăn món gì hơi “nhột bụng” làm Tào tháo rượt chạy cả đêm. Toilet trên lầu lại không nhiều nên gây ra nạn “kẹt xe” dở khóc dở cười. Các cha giáo ở gần cầu thang cũng chịu cực hình, không ngủ được vì tiếng động liên tục trong đêm. Cha Lagrange đã từng than phiền:”Ils tiraient la flotte toute la nuit!”.

Có khi đi dạo chiều thứ Tư, leo núi Sạn, Núi Trại Cùi hoặc xa hơn,vòng ra đường xe lửa phía cầu sắt Chợ mới quay về Tháp Bà, các chú hái trái rừng gọi là trái mắm, bú dù…ăn về đau bụng bị cha Ban vừa cho thuốc vừa mắng cho, chừa luôn.

Tìm địa điểm đi dạo chiều thứ Tư là sáng kiến của mỗi thầy GT. Ngoài những chuyến leo núi vừa kể trên, người dân vùng Thanh Hải, Đồng đế đã quá quen mắt với cảnh một hàng dài các chú TCV áo trắng đóng thùng quần xanh lao xao, hôm thì đi về phía này, bữa thì đi về hướng khác. Những địa điểm quen thuộc nhất là Hòn chồng, Tháp Bà, Sân bắn trường HSQ, Đường đệ, nơi có “dây kinh dị, dây tử thần” có bãi tập bắn của các khóa sinh HSQ mà các chú được tiếp cận khá gần gũi. Hoặc với chủ đích là đá banh hay thi đấu, sẽ hướng về hai sân bóng: sân  Lasan nằm dưới chân đồi của Thánh kinh Thần học viện Tin lành hay sân công cộng của Huyện Vĩnh xương nằm bên kia QL1. Cuối buổi đi dạo là ra tắm biển, trừ mùa đông nước lạnh và trời mau tối. Như thế, khi ra đi dạo thì chú nào cũng áo quần tươm tất, khi ra về từ sân banh hoặc bãi biển thì áo quần đã giắt vai chỉ còn lại chiếc quần đùi như bác nông dân “Hai lúa” thoái mái và vô tư.

Nhớ riêng lớp 61 chúng tôi có hai tai nạn gãy chân: Bạn Đạt SG trượt chân trên Núi Sạn và Huờn (Hòn Thiên) đá banh bị chèn giữa hai chàng Goliat của lớp trên là anh Sang và anh Kêu- người Bana, Kontum.

Trong thời gian chữa gãy xương cho hai anh bạn này, chúng tôi được lần đầu nghe tiếng Ông Ba Thăm Hà Dừa và cũng là Bố của Hải SB̉68. Hai anh này tuy gãy chân nhưng lại nhanh chân hơn các bạn để sớm về chầu Chúa. RIP.

Xin nói thêm về các AE người Bana cựu SB: Năm 1960, 1961 Đức cha Seitz ĐP Kontum gửi xuống TCVSB các anh Đin, Kêu, Pho (60) và Lơ, Hlan (61) để học chương trình Pháp. Các anh là những người rất dễ mến, đơn sơ, hồn nhiên, vui tính, thích đá banh và đá cũng khá. Các cha, các thầy rất nâng đỡ. Bạn cùng lớp sống hoà đồng yêu thương. Bỗng đột ngột vào khoảng năm 1963 cả năm anh ra đi không trở lại nữa và biệt tin từ đó. Có lẽ các anh đi theo tiếng gọi của Núi Rừng. Ngẫm lại từ trước cho tận bây giờ, ươm trồng được một ơn gọi cho người thiểu số Tây nguyên thật là khó và quý hiếm. Những năm 1971-1974 tại ĐCVXB Huế, có Thầy Réné Đường rất hiền lành dễ thương. Ai cũng hy vọng, nhưng rồi đùng một cái, thầy xin về lại “Sóc Bombo” giã gạo vui hơn!

Tất nhiên không ít những anh em SB, còn tu hay đã xuất, sau thời gian sống trong TCVSB đã mắc bệnh nan y, bị tai nạn, bị thương hoặc từ trần vì chiến tranh hay do nhiều nguyên nhân khác trong những hoàn cảnh nhiều ẩn khuất!

Hoặc như thầy GT đầu tiên của chúng tôi, thầy Đào trí Cầu quê quán Kim Ngọc, Phan thiết, sau khi xuất tu, thầy vào trường SQ Thủ Đức, ra chiến trường sôi động và hy sinh tại Quận Thiện Giáo vào khoảng năm 1964. Thầy có nhiều tài, Việt văn khá, đá banh giỏi, hơi nóng tính, nhưng thật sự thầy để lại trong ký ức non nớt của chúng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp khó phai, kể cả câu tiếng Pháp thầy buộc chúng tôi phải nói khi xin phép đi ra ngoài làm vệ sinh cá nhân: “Monsieur le surveillant, donnez moi, s’il vous plait, la permission d’aller au cabinet”.

ĐHSB 55 năm sẽ nhớ đến tất cả những người thân yêu đã sớm “bỏ cuộc chơi” để ra đi trước chúng ta.

Cuộc sống của TCVSB tương ̣đối bình an với địa điểm lý tưởng, nhưng không tránh khỏi những tác động của thời sự nhiễu nhương trên đất nước. Tháng 11/1963 các chú được thông tin khá đầy đủ về cuộc đảo chánh và cái chết của hai anh em TT Diệm, hồi đó có cái radio là văn minh lắm. Cha Ban là người quan tâm và lo lắng, đau buồn nhất. Vì khi ấy ngài đã là LM tuyên úy Trường HSQ với ba mai vàng chói sáng và bộ quân phục lúc nào cũng láng cóng, làm cho ngài thêm đẹp trai, oai vệ. “Thần tượng” của ngài là tướng Tôn thất Đính. Chúng tôi thì chẳng hiểu gì, chỉ thấy ngài buồn khi thần tượng sụp đổ: Tướng Đính theo CM lật TT Diệm, người đã tin tưởng ông! Thời đó chúng tôi thấy cha Ban cùng Thầy Sơn (anh của Đức ông Phong) và Nhạc sĩ  Anh Linh (Thanh Hải) thường cùng đi với nhau trên chiếc xe Jeep, ra vào TCV và đi làm lễ đây đó. Thỉnh thoàng TCV cần xe chở các chú đi xa, cha Ban có thể mượn được xe GMC của trường HSQ. Thế là các chú mừng lắm.

 

Cuối năm 1963, Công đồng Vatican II khai mạc. Khi Đức GM Piquet từ Rôma về, ngài nói chuyện cho các chú nghe. Sau đó Cha BT cũng mời một cha dòng Phanxicô dạy về Công Đồng. Chúng tôi nghe quen tai những từ như Hiến chế Lumen Gentium, Sắc lệnh v.v. Tuy nghe như “vịt nghe sấm”, ch́úng tôi biết rằng có điều gì mới mẻ lắm đang diễn ra trong Giáo Hội. Rõ ràng nhất là sau đó các cha làm lễ quay mặt xuống, dùng tiếng Việt và không còn sử dụng những ngăn bàn thờ riêng cuối Nhà Nguyện nữa.

Chính trường Việt nam đi vào giai đoạn rối ren, chiến tranh ngày một khốc liệt hơn, và thời thanh bình đã trôi vào dĩ vãng, chúng tôi chẳng thèm theo dõi nữa, nhưng không thể tránh khỏi hệ lụy. Năm 1965,1966 bãi tắm Đồi dương êm ả của chúng tôi phải chứng kiến những cuộc “đổ bộ” của lính Mỹ và Đại Hàn. Tò mò đứng xem trong tâm trạng ngao ngán, chúng tôi thấy hoàn toàn khác cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào Normandie tháng 6 năm 1944 mà chúng tôi học trong môn lịch sử. Khoảng năm 1967, các chú cũng được BCH quân đội Đại Hàn mời lên núi gần đèo Rù Rì thăm doanh trại của họ. Chỗ ấy sau này là nhà máy Dệt Nha Trang.

 

Một buổi sáng mùa Thu năm 1965, trong giờ chơi ngắn, chúng tôi đang đứng ở hàng rào bờ biển, thấy hai chiếc máy bay B57 bay thấp về phía biển Nha trang. Một loạt đạn từ chiếc này bắn vào chiếc kia. Máy bay bị nạn bị gió thổi ngược vào, sau khi phi công nhảy dù ra, rớt xuống ngay trước Rạp Tân Tân, làm chết nhiều người trên phố. Trong số đó có hai người con gái của ông lãnh sự Pháp tại NT. Tai họa này làm các cha giáo MEP đau buồn, chê trách hai phi công Mỹ. Vài tuần sau, khi đi dạo phía sau Tháp Bà, gần Hòn Đá Lớn, chúng tôi thấy hai ngôi mộ mới, một bia có tên là Juliette. Chúng tôi biết đó là nạn nhân của vụ rơi máy bay thảm khốc.

Năm 1966 ĐGM Marcel Piquet qua đời, một cái tang lớn cho GP. Các chú tham dự tang lễ được tổ chức long trọng và ngài được chôn cất tại chân  Nhà Thờ Núi NT  . Sang năm 1967 mọi người hoan hỉ đón chờ ĐC FX Nguyễn văn Thuận từ Huế vào nhậm chức GM Nha trang, trong khi  lớp 60, 61 chuẩn bị theo cha Phú, cha Larroque ra trường Thiên Hựu học Seconde, Première.

Mức độ ác liệt của cuộc chiến thể hiện rõ trong hành trình về quê và tựu trường của các chú ở xa như Phan thiết, Bình Tuy. Không còn xe lửa nữa, chúng tôi phải đi xe đò, thuê vào tận CV đón các chú. Trên đường đi gặp nhiều cảnh đổ nát, đào bới, đắp mô và bị chặn xét hỏi nhưng nhờ là học sinh còn trẻ nên được cho đi. Vào khoảng năm 1966, xe đò chỉ còn đi được đến Phan Rí. Lần đầu tiên chúng tôi gồm khoảng ba chục người, vào tới Phan Rí Cửa, vì tới tối thuỷ triều lên, ghe mới ra cửa được, nên ghé vào Nhà thờ Phan Rí tá túc. Cha Hỉ tiếp các chú với tất cả tình thương yêu cha con. Ngài dâng lễ và cho dọn bữa cơm tối để các chú ăn trước khi xuống thuyền. Không bao giờ quên được vị linh mục nhân từ ấy. Thời gian đầu, ghe thuyền còn nhỏ, về sau thì có thuyền lớn hơn ̣để kinh doanh có tổ chức. Thuyền mới xuất bến thì anh nào cũng hí hửng, vài giờ sau thì ói ra cả mật xanh mật vàng, nằm la liệt như người sắp chết. Tới gần sáng, khi nhìn thấy ́anh điện xa xa của cây cầu Phan Thiết mới biết là sắp tới bến. Nghĩ lại, nếu chằng may thuyền đắm, thì chắc chắn chúng tôi chẳng còn ai sống sót.

Mẹ ơi, Mẹ đã che chở chúng con qua biết bao nguy biến, để hôm nay, sau trên dưới 50 năm cuộc đời truân chuyên, trôi nổi, kẻ mất người còn, chúng con còn có được diễm phúc, rủ nhau CÙNG VỀ BÊN MẸ, hòa chung lời ca Ave Maria cảm tạ Mẹ, Mẹ Sao Biển kính yêu.

Viết mừng Hội ngộ 55 năm Sao Biển

Sacramento, Tháng 7-2013

NVĐộ sb61