Thân thế và sự nghiệp của linh mục Jean Dominique HIRIGOYEN -Nguyễn Kim Ngân

Thân thế và s nghip ca linh mc

Jean Dominique HIRIGOYEN (1933-2001)

Thưa các bậc đàn anh và đàn em

Nhờ cha Vinh 61 giới thiệu trang Web của Hội MEP qua danh sách các cha giáo và anh em CSB qua đời, tôi đã vào trang này và đã đọc được bài viết về tiểu sử cha Hirigoyen, thần tượng của lớp chúng tôi năm xưa. Cha đã từng dạy lớp 59 chúng tôi vào năm lớp troisième, năm thi lấy bằng BEPC. Cha dạy các môn Francais, Histoire, Geographie và Sciences Naturelles cho lớp troisième (1964-1965). Lần đầu tiên trong TCV Sao Biển, lớp troisième chúng tôi (12 anh em) đậu bằng BEPC 100%. Công lao này phần lớn thuộc về các cha giáo  trong đó đáng kể nhất là cha Hirigoyen.

Nhằm tri ân và tưởng nhớ đến một người thầy có tài năng sư phạm tuyệt vời nhân dịp kỷ niệm 10 năm cha qua đời (2001-2011), chúng tôi xin san sẻ với anh em nhất là các anh em đàn em sau năm 1968 bài viết này để hiểu hơn về cha Hirigoyen, cha giáo Chủng viện Sao Biển từ 1962 đến 1968. Nhan đề và các tiểu mục trong bài là do người dịch đặt để anh em tiện việc theo dõi.

Kim Ngân 59

 

Từ Hasparren đến Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang (27/3/1933- 9/1968)

Dominique Jean HIRIGOYEN là con trai của ông Baptiste và bà Anna ETCHEGARAY, giáo viên tại trường công lập Celhay, thị trấn Hasparren. Cha Jean chào đời vào ngày 27 tháng Ba năm 1933, tại Hasparren, tỉnh Pyrénées Atlantiques, và được rửa tội vào ngày 30 tháng Ba năm 1933, trong nhà thờ giáo xứ Hasparren, địa phận Bayonne. Gia đình gồm có ba người con, hai trai và một gái.

Sau khi học xong tiểu học, tháng 10 năm 1944, cha vào học tại trường trung học thánh Giuse tại Hasparren ( Collège St. Joseph) cho đến tháng Sáu năm 1946, rồi vào tháng Mười cùng năm đó, cha gia nhập tiểu chủng viện thánh Phanxicô Xavie ở Ustaritz, tại đây cha tiếp tục học hết cấp ba và nhận được bằng tú tài phần 1 vào tháng Sáu năm 1950, rồi tú tài triết năm sau.

Ngày 2 tháng Sáu, năm 1951, trong khi kết thúc năm triết thứ nhất, ở Ustaritz và ước ao ” “từ niên học tới trở thành nhà truyền giáo tương lai của chủng viện Bièvres”, thầy Hirigoyen gửi cho Đức Cha Bề Trên tổng quyền của Hội Truyền Giáo Paris (MEP) đơn xin gia nhập và ngày 17 tháng Chín 1951, thầy đến  Bièvres. Tại đây, từ 1951 đến tháng Sáu 1953, thầy trải qua giai đoạn một của việc đào tạo truyền giáo, và kết thúc khóa học với bằng tú tài triết. Năm 1953-54, thầy bắt đầu theo học giai đoạn 2 gồm các môn học của Giáo Hội tại Paris, sau đó thầy lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự tại Maroc từ năm 1954 đến năm 1957, và giải ngũ với một chứng chỉ y tá được cấp vào năm 1955.

Trở lại chủng viện Paris, vào tháng Chín năm 1957, được kết nạp tạm thời vào Hội Truyền Giáo, ngày 30 tháng mười một 1957, thầy chịu phép cắt tóc ngày 1 tháng mười hai năm 1957, tiếp theo là hai chức nhỏ thứ nhất ngày 3 tháng mười hai năm 1957,  và hai chức nhỏ thứ hai, ngày 2 tháng hai 1958. Trở thành thành viên chính thức của Hội Truyền Giáo, ngày 28 tháng sáu 1958, thầy được thụ phong phó trợ tế, ngày 6 tháng bảy 1958, ở Saint Etienne de Baïgorry (Pyrénées Atlantiques). Ngày 25 tháng mười một 1958, thầy nhận bài sai phục vụ giáo phận Nhatrang, giáo phận vừa mới được thành lập vào tháng bảy năm 1957, với đất đai chạy dài 400 km dọc theo biển Đông. Thầy được thụ phong Phó tế ngày 21 tháng mười hai 1958, và linh mục do Đức Cha Charles Lemaire, ngày 2 tháng hai 1959. Cha mới vừa được 26 tuổi. Chỉ 4 tháng sau, ngày 16 tháng sáu năm 1959, cha lên tàu thủy tại Marseille trực chỉ “Cam bốt” để thi hành sứ mạng truyền giáo.

Để đón tiếp vị thừa sai mới, lúc xuống tàu tại bến cảng Saïgon, Đức Giám mục Piquet, giám mục địa phận Nhatrang, đã ủy thác cha cho cha Gérard Moussay, người đồng nghiệp trẻ nhất của Hội Truyền Giáo. Cả hai đi gặp gỡ các cha đồng nghiệp ở miền nam Việt Nam và thăm viếng nhiều giáo xứ tại đây. Đôi tai thính và miệng lưỡi hoạt bát của chàng trai mới xuống tàu đã nhanh chóng nắm bắt và phát âm rất chuẩn một vài từ tiếng Việt. Nhưng để được hoàn thiện, nhà truyền giáo trẻ tuổi được gửi đến trường dạy ngôn ngữ ở Banam, Cam-bốt, vào tháng 8 năm 1959. Tại đây đã có một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam quan trọng và nhà mẹ của các sư huynh Việt Nam dòng Thánh Gia Thất do cha  Joseph Vulliez điều hành. Dưới sự lãnh đạo của cha Joseph, cha Jean Hirigoyen dành thời gian vào việc học tiếng Việt có hệ thống hơn. Cha bắt đầu kết bạn với các anh em linh mục trẻ khác trong giai đoạn huấn luyện truyền giáo đầu tiên. Vào dịp cuối tuần, cha đem thực hành những kiến thức vừa học được tại các cộng đoàn Công Giáo xung quanh.Tháng sáu 1961, trường dạy ngôn ngữ không còn sinh viên theo học : một bài sai tạm thời vừa được trao cho một người trong số họ để phục vụ trên lãnh thổ Cam bốt, vì thế cha Jean Hirigoyen được gửi đến làm phụ tá cho cha Yves Choimet, cha sở Kompong –Cham, ngài gửi cha đến Chihe, một cộng đoàn Công Giáo nằm trên sông Mékong, cách đó nửa giờ đi thuyền, trong miền hạ lưu Kompong-Cham. Sau đó, trong một vài thời gian, cha thay thế cho cha sở Kompong-Cham, khi cha Yves Choimet đi nghỉ dưỡng. Khóa học và thực hành tại trường ngôn ngữ Banam kết thúc vào tháng tám 1961. Sau khi nhận được giấy nhập cảnh vào Việt Nam, Cha Jean Hirigoyen lên đường đến giáo phận Nhatrang.

Vào năm 1960, hàng giáo phẩm đã được thiết lập ở Việt nam. Đức Cha Marcel Piquet, trở thành giám mục tiên khởi của địa phận Nha trang; vào tháng chín 1961, Đức Cha Piquet gửi cha Jean Hirigoyen đi thực tập trong tỉnh Bình-Tuy, bên cạnh cha Gérard Moussay. Bình Tuy là một tỉnh mới thành lập và đang trên đà phát triển mạnh. Cha Moussay vừa đưa vào Hiệp-Nghĩa, nằm dưới chân một ngọn đồi, và Tân-Lý, cách giáo xứ Lagi chừng hai mươi cây số , hơn 1.200 giáo dân từ mọi miền của xứ sở truyền giáo; một nhà nguyện đang được xây dựng tại đây; ngoài ra, trong vùng, những khu tập trung dân cư khác, những thành phố nông thôn (“agrovilles”) cũng đang trên đường hình thành. Hơn nữa, dân cư ngoài Công Giáo cũng tỏ ra rất hiếu khách ; vì vậy một địa bàn phát triển rộng lớn thuận lợi cho việc truyền giáo đang mở ra cho các nhà truyền giáo trẻ.

Tháng tám 1962, sau một khóa bồi dưỡng ngắn ngủi về mục vụ tại Dalat, dưới sự hướng dẫn của cha Gérard Gagnon, linh mục dòng Chúa Cứu Thế người Gia Nã Đại, Cha Jean Hirigoyen được Đức giám mục Nha Trang gọi về phục vụ cho Tiểu chủng viện “Sao-Biển” của giáo phận. Lúc này, cha Hirigoyen được 29 tuổi, cha trở thành vị giáo sư trẻ nhất của chủng viện Sao Biển. Tiểu chủng viện đã được Đức Cha Piquet xây dựng vào năm 1958, nằm cách thành phố Nha Trang 3 km về phía bắc, trên một vùng đất rộng đến ba hécta, trên bờ biển Hòn Chồng. Cơ sở vừa được mở rộng này thu nhận đến 148 chủng sinh trong năm 1962. Lúc bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của cha Pierre Jeanningros, nhiều linh mục Việt Nam và năm linh mục anh em của Hội MEP phụ trách các lớp theo chương trình chính thức của ngành giáo dục cấp hai của Pháp. Chủng viện cũng quan tâm đến những đòi hỏi của chương trình giáo dục Việt Nam, nhằm giúp các chủng sinh được tham gia vào các kỳ thi chính thức của quốc gia. Niên khóa 1964-65, số chủng sinh của tiểu chủng viện, từ lớp huitième đến lớp première  lên đến 180 em. Thành công của mười hai chủng sinh lớp troisième vào kỳ thi trung học đệ nhất cấp theo chương trình Pháp là sự động viên to lớn đối với các chủng sinh và ban giảng huấn.

Sau kỳ nghỉ hè ở Pháp, từ ngày 9 tháng tư đến ngày 8 tháng bảy 1965, cha Jean Hirigoyen vẫn tiếp tục chức vụ của cha trong ban giáo sư của Tiểu chủng viện Sao Biển Nhatrang. Ngày 11 tháng bảy 1966, Đức Cha Marcel Piquet từ trần tại bệnh viện Thánh Phaolô ở Saïgon nơi ngài đã được chuyển vào một tháng trước đó. Để kế vị ngài, Đức Thánh Cha Phaolô đệ VI đã bổ nhiệm vào ngày 13 tháng tư năm 1967, cha Phanxicô Xavie Nguyễn-Văn-Thuận, linh mục tổng đại diện kiêm bề trên Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện của tổng giáo phận Huế. Từ niên khóa 1966-67, các chủng sinh lớp seconde và lớp première của Tiểu chủng viện Sao Biển Nhatrang được gửi đi học tại trường Thiên Hựu (Collège de la Providence) ở Huế để tiếp tục việc học tập cho đến lớp terminales. Tại Nhatrang, số tiểu chủng sinh lên đến 175 em. Tháng ba 1967, ngoài chức vụ giáo sư, cha Jean Hirigoyen còn kiêm thêm chức vụ bề trên sở tại của cộng đoàn thừa sai MEP đang hoạt động trong giáo phận.

Văn Phòng Thông Tin Truyền Giáo Paris (9/1968- 6/1975)

Đại Hội của Hội Truyền Giáo được nhóm họp tại Bièvres từ ngày 17 tháng bảy đến ngày 12 tháng chín 1968, -đây là Đại Hội lần đầu tiên sau công đồng Vatican II,- đại hội bàn về tông thư “l’aggiornamento” nhằm sửa đổi hoàn toàn các  “Hiến pháp” của Hội Truyền Giáo, và quan tâm đến những định hướng mới do cộng đồng vừa đề xuất. Nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến những biến cố gần đây đang làm rung chuyển cả nước Pháp vào tháng năm 1968; những biến cố này đánh dấu một giai đoạn mới trong sự chuyển mình của đất nước, của thế hệ trẻ, và sẽ đặt ra một vài vấn đề khó khăn cho Giáo Hội, cho tương lai của Giáo Hội qua sự kiện mà chúng ta gọi là “cuộc khủng hoảng ơn gọi”. Cuộc khủng hoảng này tác động đến toàn bộ các chủng viện của giáo phận và các Viện truyền giáo tại Pháp. Một thế giới cũ kỷ với một vài giá trị đạo đức và tinh thần truyền thống của nó hình như đang mất dần..

Chính trong bối cảnh này mà vào tháng chín 1968, cha Jean Hirigoyen nhận nhiệm vụ Phụ trách văn phòng thông tin truyền giáo của Hội. Văn phòng này đã từng hoạt động dưới một tên gọi khác. Vì vậy, theo mô hình của nhiều học viện tôn giáo khác qua nhiều thập niên, các anh em được gọi là “những người tuyển chọn” thường xuyên đi thăm các chủng viện, giáo xứ, trường học nhằm đánh thức các ơn gọi truyền giáo cho Á Châu, trong khuôn khổ của Hội Truyền Giáo. Công cuộc truyền giáo ở nước ngoài bấy giờ là công việc của các Viện truyền giáo, điều hoàn toàn bình thường là mỗi viện đều quan tâm “tìm kiếm các ơn gọi”. Mặc dù có sự ganh đua nhất định giữa các viện truyền giáo, sứ vụ và công việc khó khăn của những anh em này vẫn mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Nhưng từ những năm sáu mươi, dần dần người ta ít quan tâm đến nhu cầu thay đổi và canh tân để đưa vào cách thức tuyển chọn. Vì vậy, việc sút giảm tinh thần ki tô giáo và việc sống đạo trong các gia đình và giáo xứ khai sinh một hình ảnh mới về linh mục và sự dấn thân của linh mục ; một quan niệm khác hẵn về ơn gọi linh mục đang hình thành. Việc gia tăng đông đảo các viện đại học, các chức danh đại học do quốc gia đòi hỏi đối với các hiệu trưởng và các giảng viên, việc thiếu thốn nhân sự có khả năng, những chương trình mới mẽ và ngoài ra còn có những biến đổi khác nhau trong xã hội hiện hành, tất cả những điều đó dần dần đưa đến việc cáo chung của các tiểu chủng viện cổ điển và việc biến chúng thành những “hội quán “. Vì thế, vào tháng chín 1961, do số chủng sinh quá ít, Hội Truyền Giáo buộc phải đóng cửa Tiểu chủng viện Beaupréau, rồi tiếp theo là chủng viện Ménil-Flin, năm 1966.

Từ khi nhậm chức, và ở mức độ của mình, cha Jean Hirigoyen muốn xác định tình hình ; trong thời kỳ hậu công đồng được đánh dấu bằng nhiều sự phản kháng, nhưng cũng khao khát về mối quan tâm sâu xa đến sự canh tân, cha nổ lực tìm kiếm những hướng đi mới trong văn phòng của cha . Vì thế… “Ngày 24 và 25 tháng mười 1968, theo bản báo cáo của Hội năm 1969 ghi nhận, sáu anh em đồng nghiệp mep, các đại biểu ơn gọi…và hai đại biểu ơn gọi của Viện Saint- Jacques…nhóm họp tại phố du Bac, bên cạnh cha. Cuny, Phụ tá, và các cộng tác viên của cha ở văn phòng thông tin. Được mời tham dự hội nghị này, có cha. Ladougne, cha tổng đại diện thứ hai, người đã trình bày những phương hướng lớn của đại hội M.E.P., các cha Sylvestre và Elhorga, cũng như hai nữ tu  m.e của ban thông tin truyền giáo thuộc học viện của họ. Trong cuộc hội nghị này, hai quyết định quan trọng được các tham dự viên nhất trí thông qua:

1.  Các anh em “Đại biểu ơn gọi” –Délégués aux vocations” -(D.A.V.), trở thành những “Đại biểu thông tin và cổ vũ truyền giáo” –Délégués à l’Information et à l’Animation Missionnaires”– (D.I.A.M), đánh dấu việc họ mong muốn dấn thân thật sự vào các giáo xứ, trong phạm vi rộng lớn hơn phạm vi mục vụ về các ơn gọi truyền giáo; họ sẽ dấn thân phục vụ cho Đại biểu giám mục về hợp tác truyền giáo ( D.E.C.M.) , qua việc đón nhận những chỉ thị của vị này và cộng tác với tất cả các lực lượng truyền giáo của giáo phận. Chương trình của họ : Thông tin, Làm chứng, Cổ vũ mục vụ truyền giáo toàn diện trong giáo phận, Giúp đỡ thế hệ trẻ tìm kiếm ơn gọi. Từ năm 1969, các nhóm “D.I.A.M. liên viện”, đại diện cho các giáo hội của nhiều châu lục, gặp nhau ở Quimper,  Nancy, nơi mà từ năm 1970, họ đã triển khai một hoạt động đáng chú ý.

2.  Hội nghị cũng đã quyết định, với sự thỏa thuận của các vị Bề trên vùng, có thể kêu gọi sự cộng tác của các anh em đồng nghiệp đang truyền giáo đi nghỉ dưỡng; những người này có thể gọi là những “D.I.A.M. tạm thời” được mời hoạt động tại các tỉnh, nhất là trong địa phận gốc của họ. Kinh nghiệm này tỏ ra có hiệu quả tích cực.

Các hoạt động của Văn phòng thông tin  và cổ vũ  truyền giáo do cha Jean Hirigoyen điều hành trở nên phong phú và đa dạng hơn ở Paris cũng như ở các tỉnh. Sau đây chúng tôi chỉ nêu lên một vài hoạt động chính, danh mục này chưa hoàn toàn đầy đủ : trước tiên ở Paris, bảo đảm một văn phòng thường trực, sẵn sàng đón tiếp các đồng nghiệp đang đi nghỉ hè, các hội viên “DIAM” đang làm việc tại các tỉnh, lắng nghe họ, cung cấp tài liệu và trang thiết bị cho họ để tổ chức các cuộc hội thảo, tổ chức những thời gian tĩnh tâm, những đợt cắm trại dành cho giới trẻ, những ngày và tuần lễ truyền giáo trong các giáo xứ, trong các trường học, những cuộc triển lãm về truyền giáo trong nhiều thành phố lớn của Pháp, đổi mới việc triển lãm ở Lourdes năm 1971, tham dự các khóa họp, những cuộc hội ngộ, liên lạc với báo chí, với các giám đốc của các tạp chí, với mục đích làm cho mọi người biết đến Á châu, những vấn đề, nền văn hóa, công cuộc truyền giáo tại châu lục này, Hội truyền giáo, và đáp ứng những yêu cầu ngày càng phát triển của truyền thông về phía các nhà báo, các chuyên viên về những vấn đề của Châu Á và đảo Madagascar, nhưng cũng không quên cung cấp những bài viết cho tạp chí vừa chào đời “Peuples du Monde” và những nhật báo và tạp chí khác nữa…

Năm 1969, với sự giúp đỡ của các anh em đồng nghiệp, cha Jean Hirigoyen đã bố trí trong căn phòng tĩnh tâm cũ ở Paris, một loạt những pa-nô nghệ thuật để nhắc cho các du khách nhớ lại ý nghĩa của việc truyền giáo toàn diện. Là thành viên của ban thông tin về phương pháp nghe nhìn, và nhờ sự đóng góp các tài liệu và sự cộng tác của các anh em đồng nghiệp, cha đã tổ chức một phòng thí nghiệm để dựng các bộ phim dương bản kèm theo lời bình và âm thanh về các đề tài truyền giáo và một phòng chiếu phim để đón tiếp các nhóm trẻ.

Năm 1969, được cha Hardy, tổng thư ký của C.E.M.E (Ủy ban Giám Mục về truyền giáo hải ngoại) khuyến khích, cha trở thành cố vấn của ngài về Á Châu và các Viện truyền giáo, bên trong C.E.M.E.; Cha Joseph Pierron yêu cầu cha tham gia vào nhóm biên tập cho tạp chí của MEP “Epiphanie“, cha Ageneau cũng yêu cầu cha cộng tác cho tạp chí “Spiritus” với cương vị giám đốc.

Là phát ngôn viên của các “D.I.A.M” về các thẩm cấp quốc gia cổ vũ truyền giáo, cha Jean Hirigoyen trình bày báo cáo về những hoạt động của ban này tại Đại Hội năm 1974. Cha công bố một phần công việc cá nhân của cha trong sáu năm: “Tôi đã cộng tác vào việc nghiên cứu và tham gia vào những công việc và quyết định của các cơ quan sau đây:

Ủy Ban Giám Mục về truyền giáo hải ngoại, (khu vực Á Châu), Ủy Ban cổ vũ truyền giáo liên viện, Ủy Ban Mục Vụ về các ơn gọi tu sĩ và truyền giáo, Trung tâm ơn gọi quốc gia, Ủy Ban nghe nhìn các công trình Giám Mục về truyền giáo, Văn phòng thông tin truyền giáo quốc gia, Gặp gỡ hằng quý của Đại biểu Giám Mục về hợp tác truyền giáo , Cơ quan giáo dân, cộng tác viên truyền giáo, Phái đoàn Công Giáo về hợp tác (khu vực Á Châu)…”

Cha tham gia vào việc chuẩn bị cho Đại Hội Giám Mục của Hội diễn ra tại Hồng Kông từ ngày 8 đến 27 tháng mười một 1971, với cương vị thành viên của ban phụ trách thiết kế chương trình đại hội, đồng thời đóng góp những kinh nghiệm của cha cho giới trẻ trong một bài báo kèm theo tài liệu đăng trong “Synode de HongKong” Tập II trang 40.. “Les Jeunes aujourd’hui en France et la Mission : Perspectives d’Avenir”.(Giới trẻ hiện nay tại Pháp và Việc Truyền Giáo : Những Viễn Ảnh Tương Lai). Cha tham gia vào cuộc gặp gở quan trọng này. Trong Đại Hội, cha trình bày cho các thành viên tham dự những thông tin về các hoạt động của văn phòng của cha ở Paris. Vào dịp này, các tham dự viên của đại hội đã nhất trí tán thành đề nghị sau đây : ” Đại Hội Giám Mục yêu cầu cha Bề trên tổng quyền nên tiếp tục những nổ lực dành cho ngành thông tin truyền giáo tại Pháp và quan hệ với hội đồng giám mục và các đại biểu giám mục về hợp tác truyền giáo. Rất mong văn phòng thông tin hoạt động có hiệu quả và đón tiếp khách tham quan tích cực hơn nữa.”

Sau Đại Hội, cha Hirigoyen tận dụng thời gian lưu lại Á Châu để đi thăm các cơ sở truyền giáo của Hội. Trở về Paris ngày 27 tháng giêng 1972, cha tâm sự với tạp chí mep “Les Echos“, về chuyến đi dành cho cha và văn phòng thông tin do cha phụ trách như sau:

” Cuộc đón tiếp nồng hậu mà nhiều anh em đồng nghiệp đã dành cho tôi và những trao đổi của tôi với đa số những anh em đó làm cho chuyến du hành tại Á Châu đạt kết quả rất thuận lợi cho công việc truyền thông của tôi. Chuyến quá cảnh của tôi tại Thái lan, Việt nam, Đại Hàn và Đài Loan, thời gian lưu trú lâu hơn ở Nhật Bản đã giúp tôi hiểu hơn về công việc truyền giáo của các bạn đồng nghiệp bởi vì tôi đã gặp họ ngay tại nơi họ sống. Những thông tin dồi dào mà tôi đã có thể thu lượm tại chỗ đã soi sáng những nghiên cứu của chúng tôi, chúng có liên quan một cách đặc biệt đến giới trẻ nướcPháp và những khả năng có thể dấn thân vào công cuộc truyền giáo. Ngoài ra, chuyến đi này còn củng cố sự cộng tác sẵn có với các đồng nghiệp thuộc nhiều quốc gia, từ ba năm nay, chính họ đã cung cấp cho tôi những chứng từ, tài liệu, hình ảnh và sách báo minh họa….và biết bao công cụ lao động cho phép chúng tôi đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi ngày càng gia tăng của xã hội. Chính nhờ những sự trao đổi với các anh em đồng nghiệp truyền giáo mà văn phòng tại Paris và các D.I.A.M. mới có thể thực hiện công cuộc cổ vũ truyền giáo tại Pháp. Xin cám ơn tất cả vì những cuộc gặp gở đầy thông cảm và thân thiện tại khắp nơi.”

Khoảng tháng mười một 1973, nhờ tài năng và sự tận tụy của các cha Jean Ahadoberry và Jean Hirigoyen, các tủ kính của “Phòng Bảo Tàng” được sắp xếp, đổi mới và chiếu sáng theo sở thích cho phép giới thiệu tốt hơn cho các du khách nhiều hiện vật nghệ thuật và những tài liệu viết tay rất có giá trị do cha Henri Prouvost sưu tập. Cha Henri Prouvost là người sáng lập bảo tàng này ở chủng viện của Hội Truyền Giáo.

Các thành viên của Đại Hội Hồng kông, trong phiên họp vào buổi chiều ngày 26 tháng mười một 1971 đã bàn bạc về việc chuẩn bị cho Đại Hội 1974 và chương trình của cha. Trong thư chung số 109, đề ngày 15 tháng bảy 1972, Cha Bề trên tổng quyền của Hội đã ấn định việc khai mạc đại hội ở Bièvres, vào thứ hai ngày 15 tháng bảy 1974, và cha thông báo việc thành lập một ủy ban trù bị gồm bảy thành viên để ấn định chương trình và các thể thức. Cha Jean Hirigoyen là một trong số bảy thành viên này.

Tháng bảy 1974, trên danh nghĩa là người phụ trách văn phòng của Hội, cha Hirigoyen trình bày cho các tham dự viên của Đại Hội họp tại Bièvres một bản “báo cáo dài và đáng chú ý tổng kết sáu năm hoạt động (1968-1974) tại Văn phòng thông tin truyền giáo của MEP”. Trên thực tế, trong một thời kỳ và một bối cảnh mới, công việc kiên trì và âm thầm của toàn nhóm được “một xếp nhỏ” năng động lãnh đạo và cổ vũ. Các bạn bè đã thân mật gọi đùa cha như thế. Cha đã có cơ hội thông tin, giải thích và làm sáng tỏ công việc của cha và của nhóm, một công việc nói chung không mấy quen thuộc với các thành viên của hội nghị.

“Vào giờ tổng kết, cha nói, câu hỏi căn bản mà các anh em đồng nghiệp tự đặt ra cho chính họ và cho chúng tôi là như sau : “Nhưng rồi điều gì đang diễn ra ? Tại sao không còn các ơn gọi nữa, tại sao chủng viện Bièvres hầu như trống vắng ? Các anh em đã làm gì đối với việc tuyển chọn trong 6 năm ?..”Sau khi nhắc lại tại Pháp, từ năm 1963 đến 1973, số chủng sinh vào các chủng viện đã giảm đến 83% , cha không mấy ngạc nhiên bởi vì cũng trong khoảng thời gian đó, con số những người muốn vào chủng viện hiện diện ở Bièvres sụt giảm từ 74 xuống còn 7 người. Cha giải thích những “người tuyển chọn” xưa kia, rồi Đại biểu ơn gọi (D.A.V.) rồi trở thành ” Đại biểu thông tin và cổ vũ truyền giáo” (D.I.A.M.), thậm chí nói rộng hơn, những “D.I.A.M của liên viện truyền giáo” như thế nào và vì sao. Cha giới thiệu nhân sự, sứ vụ và các hoạt động của toàn nhóm của cha. Cha nói đến những giới hạn và những khó khăn về hoạt động của họ, về công việc được thực hiện tại Paris và các tỉnh, về vị trí dành cho giới báo chí, cho tạp chí “Peuple du Monde“, cho ban nghe nhìn. Rồi hướng về tương lai, cha nói những định hướng nào sẽ có thể thực hiện được trong văn phòng của cha với những phương tiện sẵn có trong tay, đồng thời cha hy vọng và mong đợi một sự hợp tác chặt chẽ hơn với những người Châu Á trong văn phòng thông tin truyền giáo. Cha kết luận : ..”Nếu Giáo Hội và Hội MEP  biết đến thử thách về một tình trạng tan rã nhất định, nếu tương lại vẫn còn nặng trĩu những câu hỏi, chúng tôi muốn san sẻ với nhiều khả năng tiên đoán về thế hệ trẻ, chúng tôi muốn luôn quan tâm đến “sự nảy mầm chậm chạp của các hạt giống ” hơn là tiếng ồn ào của những” vạt tường đang sụp đổ…” bởi vì cuối cùng, tương lai và thế hệ trẻ chỉ là một.”

Văn phòng “Trao Đổi Pháp-Á Châu”, “Hội Quán Sinh Viên Châu Á” và “Cư Xá Babylone”(6/1975-2/7/2001)

Sau Đại Hội năm 1974, trong đó ngày 12 tháng tám 1974, cha Léon Roncin đã được bầu làm Bề trên tổng quyền của Hội, một vài cải tổ được sắp xếp trong cơ cấu tổ chức tại nhà mẹ trên phố du Bac. Vì vậy, tháng sáu 1975, Văn phòng thông tin  và cổ vũ truyền giáo, trở thành văn phòng “Trao Đổi Pháp-Á Châu”. Văn phòng thông tin của MEP”, do cha Jean Hirgoyen lãnh đạo, phải rời bỏ những phòng ốc ở tầng bốn, để thiết lập tại số 26, đường Babylone, trong căn hộ của bà chủ tịch Hội từ thiện của những người Lên Đường. Việc chuyển đổi được mọi người mong mỏi và yêu cầu từ lâu này đã làm gia tăng đáng kể những cuộc tiếp xúc với bên ngoài. Các du khách trở nên đông đảo hơn, các lý do thăm viếng của họ đa dạng hơn; trao đổi với họ, sẵn dịp mời họ san sẻ ý kiến tại bàn ăn từ nay về sau sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Năm 1975, việc trở về của những anh em đồng nghiệp bị trục xuất khỏi Cam bốt, Lào và Việt Nam cho phép cha phụ trách văn phòng “Trao Đổi Pháp-Á Châu” trở thành người trung gian giữa họ và giới báo chí, những tạp chí đề cập đến những biến cố đã diễn ra tại Á Châu, và diễn biến của chúng. Cũng nhờ kênh thông tin này, nhiều anh em đồng nghiệp đã san sẻ ý kiến trên truyền thanh và truyền hình, chương trình phát sóng “Jour du Seigneur.” Văn phòng “Trao Đổi Pháp-Á Châu” đã phổ biến những tài liệu thông tin rất có giá trị. Qua những cuộc triển lãm về truyền giáo, những sở thích nghệ thuật của cha trong việc dựng phim nghe-nhìn theo đề tài, những khả năng sáng tạo các mối quan hệ, những năng khiếu giao tiếp, sự tiếp xúc nồng nhiệt, mối quan tâm hàng đầu của cha Jean Hirigoyen và nhóm do cha khuyến khích cho đến năm 1983, – thời gian cha giao quyền lại để nghỉ ngơi một năm – vẫn nhằm mục đích đánh thức các ơn gọi bằng truyền thông. Cha cũng nổ lực hợp tác với văn phòng Mục Vụ về các ơn gọi được thành lập vào năm 1979.

Chủng viện Bièvres được bán vào năm 1984, một hội quán dành cho các “sinh viên Châu Á” được xây dựng ở Paris, số 28, đường Babylone. Hội quán này mở cửa vào năm nhập học đại học 1985. Trong số nhiều đơn ghi tên gia nhập, 14 đơn được tiếp nhận cho năm đầu tiên. Trong  hội quán này, chung sống thành cộng đoàn các sinh viên Châu Á giáo dân, ki tô giáo hoặc ngoài ki tô giáo, từ nhiều quốc tịch khác nhau : Miến Điện, Trung Quốc, Triều Tiên, Pháp, Ấn Độ, Nam Dương, Nhật Bản, Pakistan, Thái Lan. Họ đang theo học những ngành nghề rất khác nhau, chẳng hạn như giáo sư, ngoại giao, nghiên cứu khoa học, nhà báo, và thậm chí nghề làm bánh ngọt. Việc điều hành hội quán sinh viên Châu Á ngoài Công giáo được giao phó cho cha Jean Hirigoyen, hội quán hoạt động cho đến tháng tám 1996.

Năm 1995, hơn ba mươi sinh viên linh mục Châu Á đến  Paris để hoàn tất việc đào tạo tri thức và tinh thần cư ngụ tại nhà của Hội Truyền Giáo, trên đường du Bac. Các linh mục sinh viên khác được đón tiếp trong các giáo xứ của vùng Paris hoặc tại các tu viện. Ngày càng có nhiều giám mục Châu Á yêu cầu Hội cộng tác vào việc đào tạo một số linh mục để sau này chăm lo việc giáo dục cho các chủng viện giáo phận của họ. Sau khi đắn đo suy nghĩ, và với một vài sự hối tiếc, quyết định xây dựng cơ sở của “Hội quán sinh viên Châu Á” tại số 28 đường Babylone đã được thực hiện, nhằm đón tiếp các linh mục sinh viên Châu Á trong thời gian lưu học ở Pháp. Vào năm khai giảng đại học 1996, Hội quán sinh viên Châu Á nhận được tên gọi “Cư Xá Babylone” ( “Résidence Babylone”). Cha Jean Hirigoyen được bổ nhiệm phụ trách cư xá này và cha thi hành trọng trách này cho đến khi từ trần đột ngột vào ngày thứ hai, 2 tháng bảy 2001.

Trong buổi sáng ngày hôm đó, cha được đưa khẩn cấp vào trung tâm phẫu thuật Marie Lannelongue ở Plessis-Robinson nơi cha trút hơi thở cuối cùng vào buổi xế cùng ngày, do  vỡ mạch máu não (rupture d’anévrisme). Ngày 5 tháng bảy 2001, tang lễ của ngài được cử hành trọng thể trong nhà nguyện chủng viện của Hội Truyền Giáo, tại đây, trong tang lễ theo phụng vụ, diện mạo linh mục của ngài đang tìm kiếm Thiên Chúa , những năng khiếu nghệ sĩ và  sứ vụ của ngài đã được nhắc nhớ:..

” Đối với tất cả những người tin vào Ngài, lạy Chúa, cuộc sống không bị hủy hoại: nó được biến đổi”.Cha Jean Hirigoyen đã từng sống trong niềm hy vọng này và luôn tìm kiếm Thiên Chúa. Chỉ cần nhìn tủ sách mà cha đã bố trí trong phòng của cha, toàn bộ đều là những quyển sách triết học, thần học và tâm linh. Chắc chắn cha thích làm phong phú hóa kiến thức của cha để có thể đáp ứng lại sự mong đợi của nhiều sinh viên cầu xin cha giúp đỡ, cho dù đó là những sinh viên thế tục của hội quán do cha phụ trách trong suốt 12 năm trời, dù là các linh mục cư ngụ chính nơi này mới đây. Nhưng sự khao khát đào sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng xuất phát từ nhu cầu cá nhân là tìm hiểu hơn Đấng mà cha đã tận hiến cả cuộc đời trong thiên chức linh mục. Sự tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống ….đó là điều hết sức đặc biệt trong lãnh vực nghệ thuật mà cha đã tìm kiếm . Chú ý đến tất cả những gì…phản ánh sự cao cả của Thiên Chúa và vẻ đẹp của sự sáng tạo, cha không ngừng trau dồi những kiến thức nghệ thuật trong suốt nhiều năm và đem ra thực hành từ đầu cuộc đời truyền giáo của cha, cho dù trong ba năm trải qua ở Cam Bốt học tiếng Việt hoặc 6 năm ở Việt Nam, xứ sở truyền giáo của cha, dù là ở Pháp trong 15 năm phục vụ tại văn phòng thông tin truyền giáo của Hội, đặc biệt qua việc xây dựng những thước phim đáng giá nhằm cổ vũ công cuộc truyền giáo ….hoặc qua những cuộc triển lãm được cha dành nhiều thời gian chăm chút rất kỷ. ….Chúng ta cũng không quên trong ba năm cuối đời , cha đã đầu tư một cách kiên trì và hữu hiệu vào việc thực hiện phòng trưng bày tương lai dành cho các vị tử đạo, thư viện Á Châu và và hầm mộ cải tiến….Mối quan tâm và tài năng của cha đối với nghệ thuật đã đưa cha đến việc….thắt chặt các mối quan hệ sâu sắc và bền vững với nhiều nghệ sĩ và những người phụ trách các trung tâm nghệ thuật …Nghệ thuật là cách cha hát lên những lời ca khen chúc tụng Thiên Chúa  và công bố với tất cả mọi người về Thiên Chúa tình yêu và thương xót .”

Thi hài cha được an táng tại Hasparren, nơi sinh quán của cha.

Nguồn: trang Web của Hội Truyền Giáo Paris

 Chuyển ngữ: Nguyễn Kim Ngân, csb59

(Hà Dừa tháng 11 năm 2011)