NGÀY XƯA, NGÀY NAY – Long Paul 63

NGÀY XƯA, NGÀY NAY.

 

Khi tôi tựu trường để đi tu ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang vào khoảng 5g chiều ngày 01/07/1963, lúc đó chưa có những anh em Sao Biển 67, nếu có chỉ là những tiềm năng tương lai hoặc chỉ là những chú “nhóc” đang tập tễnh bước vào trường tiểu học ở 6 hoặc 7 tuổi đầu, trải rộng trong các giáo xứ thuộc giáo phận Nha Trang thời đó. Đến khi các chú 67 vào tu ở Tiểu Chủng Viện, chúng tôi đã nhường lại từ lâu các vị trí cũ của mình như nhà ngủ, phòng học, sân chơi, các phòng tắm, hành lang và cầu thang mà biết bao kỷ niệm khi ngồi  nhớ lại rất xa lạ vào những ngày tháng đầu đời ở TCV.

Khoảng cách năm lớp thật quá lớn đã chia cắt chúng tôi bằng  một không gian rộng dưới mái trường xưa. Lớp 63 chúng tôi là Quatrième (thuộc lớp lớn), việc sinh hoạt, vui chơi, học hành hoàn toàn nằm trong khu biệt lập tận gần bờ biển, cạnh những hàng dừa thơ mộng. Lớp 67 là Huitième năm đó (thuộc lớp nhỏ), nằm cuối khu vực phía tây xa thẳm. Hình dung lại ngày xưa, cảm thấy mình sao quá nhỏ bé và xa lạ để tự thu hẹp khoãng cách đông tây bao la và linh thiêng đến thế! Nếu có gần gũi và giống nhau thì chỉ là những kỷ niệm ngây ngô của những thằng bé thời đó mới xa nhà, có tiếng cười xen lẫn tiếng khóc thầm về đêm vì nhớ nhà hoặc vì cuộc sống bất ngờ thay đổi lạ thường mà khi lớn lên ai đó mới nghĩ ra. Mất tất cả thật rồi sao? Từ nay im lặng nhiều hơn la hét hoặc rong chơi, cũng không còn đánh đấm như xưa. Nào ngủ trong thinh lặng trong khi mình vẫn còn muốn vui đùa hoặc nói chuyện, rồi nào là bây giờ chỉ biết ăn, học, đi lễ, đọc kinh, promenade, chơi, ngủ…

Riêng Long Paul, năm đầu tiên có một kỷ niệm khó quên, nếu kể ra có lẽ nhiều anh em sẽ ngạc nhiên và cười. Năm đó khi mới nhập học được nửa tháng, lòng mình thấy buồn vì nhớ nhà, nhìn thấy ai cũng xa lạ, rồi trông thấy mấy ông Cố Tây càng đáng sợ hơn vì mình chưa thấy bao giờ; ông nào cũng râu ria, nói tiếng kỳ lạ, to tê kinh quái, nói ít mà nhìn thì nhiều giống như các hung thần! Đã vậy không khí ở đây sao im lặng, buồn hiu hắt buồn! Long dám chắc một điều là ít nhất trong tuần đầu tiên khi mới vào, không một ai có thể ăn ngon ngủ yên bình thường được. Thế rồi, một buổi trưa nọ đang trong giờ ngủ, Long Paul rất im lặng như sắp thực hiện một mạo hiểm. Đang lúc mọi người ngon giấc, một mình rón rén xách va-li ra cửa nhà ngủ, sau khi đã thu xếp hành trang vào đêm trước, bước xuống cầu thang thật nhẹ. Đi hết chiều rộng hành lang rồi hướng về cổng chủng viện. Nhưng khi chân vừa chạm sân đất được vài bước, bất ngờ có tiếng gọi lớn đằng sau:

– ” Oh là là, chụ Lòng..đi đâu?”( Oh la la, chú Long đi đâu?).

Đã biết sợ rồi mà cũng không thoát được! Quay lại, đó là cố Lành       (Gervier). Ngài làm quản lý, phòng ở cuối cầu thang. Ngài hỏi tiếp:

-“Chụ Lòng đi đâu?”( Chú Long đi đâu?).

-Dạ con về nhà.

-Sảo vè? ( Sao về?)

-Dạ, ở đây buồn quá, con nhớ nhà.

-Oh là là…là là! Đì lên ngù! (Oh là là…! Đi lên ngủ).Cha sẽ nói chù Luẩn.( Cha sẽ nói chú Luân). Chú Luân là anh ruột của Long Paul, cùng lớp Seconde với nhiều anh Sb57 như cha Kinh, anh Hoan, anh Xin, Anh Minh, anh Tiên…Ba ngày sau, Long Paul bị người anh khiển trách và dọa dẫm: “nếu…”

Thất bại lần này, nhưng nếu ra cổng được, không biết tôi có về được đến nhà ở Lạc An, Ninh hòa hay không? hay đi bụi đời hồi nào rồi! Khoảng cách từ TCV về giáo họ Hòa Huỳnh, Lạc an Ninh Hòa tuy chỉ cách xa 45km, nhưng vào lúc đó đối với tôi thật xa xăm vì chưa một lần tự khám phá và phiêu lưu. Cũng vậy, ngày xưa đoạn đường từ quốc lộ 1 (nay là đường 2 tháng 4), đến chủng viện bằng  đường đất, nay vẫn còn mang tên con đường Bắc Sơn, chỉ non 1km, vậy mà ở tuổi 11 như tôi thời đó sao hình dung  thăm thẳm mịt mù.

Sau sự cố trên, thời gian ở TCV Sao Biển tiếp tục trôi đi êm đềm, tôi đã đi qua một chặng đường khá dài. Năm 1969, những  anh em cùng lớp  tôi đã rời xa mái trường  để đi Đà Lạt tiếp tục học cho hết chương trình Pháp. Hình ảnh những anh em 67 hoàn toàn không để lại trong tôi một dấu vết nào.Tiếp đến sự kiên Hội Ngộ 2008 cũng không mang theo chút hình ảnh nào của những đứa em 67.

Năm 2011, cơ hội hiếm có đến với chúng tôi: Cà Phê Piano và những cuộc họp mặt hằng tháng tại Nha Trang đã đưa chúng tôi gặp lại nhau, vậy mà đã 44 năm qua rồi! Nơi đây, dần dần chúng tôi tìm ra Tài, Đạt, Tăng, Nghi, Điệp, Hương, Năng, Thương. Từ đó, lớp 67 đã tìm ra hướng đi cho mình và đã có ngày 18/06/2012, ngày Hội Ngộ 45 năm của lớp 67.

Ngày 18/06/2012, hai mươi hai người bạn cùng lớp là 22 người con của mẹ Sao Biển hẹn nhau về đất tổ để gặp gỡ yêu thương, sẵn sàng bỏ lại phía sau những lo âu, nhọc nhằn trong cuộc sống đời thường. Đây cũng là dịp để mỗi người lắng đọng tâm hồn, hồi tâm lại hay đúng hơn là “tĩnh tâm” để rồi nghe rõ tiếng Chúa và Mẹ mời gọi, nhắn nhủ:” Con đã làm gì và sẽ làm gì?”

Nhìn thấy những người em quây quần bên nhau lòng mình thấy vui lây vì được cùng chia sẻ niềm vui hội ngộ, được biết thêm nhiều anh em từ xa về đây mà có thể mình chưa một lần gặp mặt, cho dù ngày xưa vẫn sống bên cạnh dưới mái nhà chung. Bây giờ chúng tôi gặp lại nhau, trong góc nhìn yêu thương, tự cảm thấy rất bình đẳng, không còn biên giới như xưa về lớn nhỏ, về lớp trên lớp dưới, nhưng vẫn mang đậm nét  riêng của Sao Biển trong giao tiếp, gặp gỡ. Rất tiếc bây giờ chúng tôi mới hiểu ra…

Chạnh lòng, tôi nhớ về lớp của mình, lớp 63 đã chưa một lần may mắn hội ngộ. Một tia sáng lóe lên trong đầu về ngày ấy sắp tới, kỷ niệm 50 năm đi tu, năm 2013.

Dòng người đi kẻ trước người sau và đã đi về cùng một hướng: trước mặt tôi chỉ thấy toàn những bờ vai lặng lẽ bước đi. Còn lại sau lưng, có những người vẫn cùng tôi bước theo mà mình không hề hay biết họ là ai, nối tiếp nhau đến tận cuối đường. Xin được một lần dừng chân lại để gặp mặt, cùng tìm ra nét lạ hay quen, để cùng thấy bóng mình như đang in  trên từng khuôn mặt và từng con người: hóa ra tất cả đều là anh em mình.Tại sao vậy?

Long Paul 63.

 

__._,_.___