“Nhân đức …trơ tráo”!!! (Nguyễn Văn Nghệ)

“Nhân đức …trơ tráo” !!!

Ông bà ta nói : SÁNG NGHIỆP NAN, THỦ THÀNH BẤT DỊ (mở đầu sự nghiệp đã khó, giữ thành quả chẳng phải dễ tí nào!).Tạo nên cái địa điểm cà phê  Piano để mỗi sáng Chúa nhật anh em CSB gặp nhau tâm sự đã là khó rồi, nhưng để địa điểm ấy tồn tại cho đến khi nơi ấy không còn hành nghề bán cà phê nữa lại là một chuyện không dễ tí nào. Do vậy cha Vinh nói với anh em nửa đùa nửa thật:

Khi nào có anh em CSB nào ở nước ngoài về ghé thăm địa điểm cà phê Piano thì anh em mạnh dạn ngửa tay xin đóng góp ít nhất là 100USD để kéo dài tuổi thọ địa điểm này trong sự hoan lạc. Đã có vài anh CSB từ nước ngoài về ghé thăm địa điểm cà phê Piano và hàn huyên tâm sự với anh em nhưng trong anh em chẳng ai CAN ĐẢM gợi ý để người anh em đó để lại tí gì gọi là quà.

Sáng hôm qua (20/05/2012) tại cà phê Piano, cha Vinh gợi ý với anh em là muốn có món quà ấy, anh em phải có “NHÂN ĐỨC ” TRƠ TRÁO!!!

TRƠ TRÁO mà cũng có mặt trong hàng NHÂN ĐỨC sao? Củ Nghệ lần giở  Tự điển tiếng Việt của Ban Tu thư Khai Trí xem họ giải thích thế nào về NHÂN ĐỨC, về TRƠ TRÁO:

NHÂN ĐỨC: Đức tốt của con người , lòng thiện

TRƠ :Không biết xấu hổ. Mày trơ mặt đá

TRƠ TRÁO : Không biết xấu hổ

Nói đến XẤU HỔ chắc ai là không biết xấu hổ (ngoại trừ những người bệnh tâm thần).Trong tiếng Hán xấu hổ gọi là SỈ, TU, Ố SỈ: xấu hổ, lấy làm xấu hổ, hổ thẹn.

TU: Thẹn, thẹn thùng, xấu hổ, ngượng ngùng. TU SỈ: Nhục, xấu hổ, thẹn mặt. BẤT TRI TU SỈ: Không biết xấu hổ. TU Ố: Thẹn mặt ( bởi điều xấu của mình hoặc kẻ khác)

NHƠN CHI SƠ TÍNH BỔN THIỆN, cho nên ai cũng biết TU SỈ, TU Ố. Sách Quản tử ghi :LỄ, NGHĨA, LIÊM, SỈ THỊ VI TỨ DUY (Lễ,  Nghĩa, Liêm, Sỉ là 4 giềng mối quan trọng. Đến trường công việc đầu tiên là TIÊN HỌC LỄ, đã biết LỄ tất phải biết NGHĨA, LIÊM, SỈ. Riêng LIÊM, SỈ là đức tính rất hay. Vì người không có LIÊM  thì đụng cái gì cũng lấy.

( Ngày xưa triều đình có đặt ra TIỀN DƯỠNG LIÊM để nâng đỡ các quan  luôn sống  thanh liêm), không SỈ thì việc gì cũng làm. Hạng người như vậy là người bỏ đi. Mạnh tử nói : VÔ TU Ố CHI TÂM, PHI NHÂN DÃ

(Người chẳng có lòng hổ thẹn chẳng phải là con người vậy). TU Ố là một trong Tứ đoan thuyết của Mạnh tử )

( TRẮC ẨN –  TU Ố – TỪ NHƯỢNG- THỊ PHI)

Đem so sánh giữa LIÊM và SỈ thì SỈ cần hơn LIÊM. Người không LIÊM làm những việc BẤT NGHĨA, căn nguyên cũng ở VÔ SỈ mà ra. Những kẻ mất hết LIÊM SỈ, chỉ biết chăm chăm xu thời, nịnh nọt mà thôi. Nói đến hạng VÔ LIÊM SỈ ai cũng ghét. Thế mà lạ thay, ở đời có lắm kẻ hoặc ham mê danh lợi, hoặc quen thói tôi đòi, chôn hết cả liêm sỉ, chịu hết mọi nỗi nhục nhằn đè nén, không bút nào tả cho xiết được, mà vẫn hớn hở như không.

Cần phải giáo dục và học tập tính LIÊM SỈ một cách lâu dài và rộng khắp (không trừ ai, người có chức có quyền cần học tập gấp bội): ” Vì LIÊM SỈ là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có SỈ thì HIẾU, ĐỂ, TRUNG, TÍN, LỄ NGHĨA, LIÊM còn được, chớ LIÊM SỈ đã mất, nhất là SỈ, thì còn là gì luân thường đạo lý và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đến VÔ SỈ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì kiêng nể mà không dám làm.

Để anh em CSB tập luyện được “NHÂN ĐỨC “TRƠ TRÁO không phải là chuyện dễ. Bởi vì lâu nay anh em chưa hề biết đến “NHÂN ĐỨC” ấy. Do vậy phải có một vị cao thủ từng lăn lộn với “NHÂN ĐỨC ” ấy đến địa điểm cà phê Piano truyền cho anh em ít chiêu. Nhưng chưa chắc truyền mà đã có người “thọ giới ” đâu! Bởi vì TRƠ TRÁO để ai hưởng đây? TRƠ TRÁO cho bản thân, cho gia đình lúc đầu còn rón rén thực hành, chứ cho tập thể thì chẳng ai dám rón rén thực hành. “Sao Biển người Mẹ yêu xưa ôm từng đứa con, dạy cho con nên người chiến sĩ..”‘Kẻ thù của CHIẾN BINH SAO BIỂN là ‘NHÂN ĐỨC ‘TRƠ TRÁO, là VÔ LIÊM SỈ, gặp nó bất kỳ dù đang trứng nước cũng phải  tiêu diệt ngay. Còn nếu không biết xấu hổ thì ta học gương tiên tri Isaia:” Vì chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không hổ thẹn.

Địa điểm cà phê Piano có TRƯỜNG THỌ, chúng ta tạ ơn Chúa . Nếu nó YỂU MỆNH chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì đó cũng là thánh ý Ngài. Chúa nói XIN THÌ SẼ CHO. Nhưng trong từ ngữ Việt có hai từ ĐẦY TRÀN. Vậy anh em CSB ở nước ngoài về và có dịp ghé thăm cà phê Piano khi thấy mình ĐẦY thì nhớ TRÀN cho anh em (đừng tràn những nơi vô bổ) để địa điểm cà phê Piano thêm tuổi thọ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai giúp đỡ chúng con dù chỉ một chén nước lã.

Ng.v.Nghệ 74