Tôi nhìn tôi trên vách (Nguyễn Hữu Hoàng)

Tôi nhìn tôi trên vách

       Phàm con người xác thịt, ai ai cũng đều có cái hữu hạn. Chính vì thế họ luôn luôn mơ ước về một CHÂN,THIỆN, MỸ, một sự hoàn hảo, một cái gì đó Tuyệt đối để vượt thắng chính mình.Tuy  nhiên thật khó để thành đạt vì con người lúc nào cũng ‘nhân vô thập toàn’, luôn luôn có những khuyết điểm, những tật xấu cố hữu mà mình không thể nào vượt qua được. ‘Bá nhân bá tánh’, mỗi người được Trời phú cho một cái ‘tánh’ hầu như không thể nào thay đổi được. ‘Cha mẹ sinh con,Trời sinh tánh’là như thế! Ở đây xin mạo muội đưa ra một vài ý nghĩ về con người CSB mà lâu nay  tôi vẫn thường hay tự hào.

          DANH XƯNG CSB, MỘT TỰ HÀO LỚN

  Không ai trong chúng ta phủ nhận trường học hay đúng hơn chủng viện mà nơi đó chúng ta được giáo dục, được đào tạo.Tuy chịu ảnh hưởng một nền giáo dực cổ điển, nghiêm khắc, giáo điều thậm chí có tính cách ‘vọng ngoại’ do các vị Thừa sai Paris dạy dỗ (Notre pays est la Gaule..), nhưng tôi vẫn ý thức được rằng tôi đã được đào tạo một cách căn bản: Từ những giờ étude đến những tiết học  classes đều có sự khác biệt với những gì ở nơi các trường học khác đương thời.

Nói như thế không phải ‘mèo khen mèo dài đuôi’, có thể có những học viện và tu viện khác cũng có những phương pháp giảng dạy và giáo dục giống như hoặc thậm chí có khi còn hoàn hảo hơn  chủng viện, nơi tôi được đào tạo; chẳng hạn như Dòng Lasan, Dòng Giuse hay Phanxicô. Có lẽ vì Thiên Chức Linh Mục mà tôi được đào tạo một cách đặc biệt hơn chăng, mặc dù ở Tiểu Chủng Viện, ơn gọi làm Linh Mục chưa được Thiên Chúa mạc khải cho tôi một cách rõ ràng: Tôi chỉ là một cậu bé mười một, mười hai tuổi, hĩ mũi chưa sạch. Tôi chỉ biết học các môn của bậc Trung Học và một nền đạo đức căn bản.Tôi phải chuyên cần, chăm chỉ học và có đạo đức tối thiểu để khỏi bị đứt đuôi. Điều này chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận. Mỗi lớp có sĩ số ban đầu từ ba mươi đến năm mươi, sáu mươi chủng sinh, nhưng con số anh em làm Linh Mục chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí chưa đến con số mười cho mỗi lớp. Chúa gọi thì nhiều, nhưng chọn thì ít’. Cái quan niệm này từ xưa đến nay ai ai cũng chấp nhận, kể cả những vị đứng đầu trong giáo phận và những Đấng nằm trong Ban Giảng dạy và đào tạo.

Là người được  ở trong một môi trường như thế, tôi tự hào là phải. Được chọn trong số các học sinh xuất sắc bậc Tiểu học hay năm đầu bậc Trung học, tôi được gởi đi thi vào Chủng viện.Thuộc thành phần ‘élites’ trong giới trẻ lúc bấy giờ, tôi hãnh diện lắm chứ! Về địa phương được ưu đãi cách đặc biệt, được gọi bằng một cái tên hết sức vinh dự ‘ các chú nhà trường La tanh’, được ngồi vào chỗ riêng gần cung thánh, được tham gia vào các sinh hoạt phụng vụ như đọc Sách Thánh, giúp lễ, được giao trách nhiệm coi trẻ trong Thánh Đường v..v..Nói chung, từ cha xứ đến giáo dân, ai ai cũng yêu thương và tôn trọng ‘các chú nhà trường’ này. Chính vì lý do đó, tôi tự hào, tôi hãnh diện.Và cũng chính vì cái danh xưng đó, rủi khi tôi ‘xuất tu’ vì cớ này hay cớ nọ, tôi bị bẽ mặt, xấu hổ tự ti trong một thời gian, thậm chí phải thay đổi chổ ở, ‘tìm nơi vắng vẻ’ không ai quen biết để tránh dư luận búa rìu của ‘thế gian’.Điều này phần lớn anh em chúng ta đều có cảm nhận ít nhiều.

 DANH XƯNG CSB, MỘT KIÊU HÃNH    KHÔNG NHỎ

 Tôi hãnh diện, tôi tự hào. Đúng là như vậy và điều đó hoàn toàn hợp lý thôi.Tuy nhiên, cái tự hào đó, cái hãnh diện đó dễ biến tôi trở thành cao ngạo, làm cho tôi trở nên tự phụ. Một chữ ‘NHẪN’, một chữ ‘NHỊN’ trong con người của tôi dường như không có chỗ đứng, hoặc nếu có, chúng chỉ nằm trong quan niệm, trong lý thuyết và chỉ ở trên môi miệng.Tôi tự kiêu, tự đại, xem cái ‘NGÃ’ trong tôi là trên hết.Tôi luôn bị cái ‘ego-centrisme’chi phối.Việc gì tôi làm, ý nào tôi nghĩ, tôi đều cho mình là đúng. Chính vì cái lý lẽ này mà tôi thường cho mình là phải và xem các ý tưởng của người khác là sai, là không đúng.Tôi luôn chủ quan trong mọi vấn đề, có khi coi thường những lời góp ý của anh em.Tôi tự hào mình giỏi về sinh ngữ, mình thạo việc xây dựng, có tài trong việc kinh doanh kiếm tiền, chuyên môn khoa khảo cổ, làm thơ hay….Từ đó tôi quên mất câu người ta thường nói : ‘Cao nhân tất hữu cao nhân  trị’.Tôi giỏi nhưng cũng sẽ có người giỏi hơn tôi.Từ đó tôi thường hay phê bình, chỉ trích người khác thay vì tự biết mình.

‘Connais-toi, toi même’, câu này tôi đã học nơi một triết gia, nhưng tôi lại lờ đi và chạy theo tính ích kỷ và lòng tự ái của mình. ‘Cái xà’ trong mắt tôi, tôi không bao giờ nhìn thấy rõ, trong khi ‘cọng rác’ nơi mắt người anh em, tôi luôn luôn cho đó là to.Tôi chỉ trích, phê bình thay vì có cái nhìn khách quan, ôn hòa và khoan dung hơn. Phải chăng tôi ‘thông luật’ hơn các nhà thông luật, ‘biệt phái hơn những người biệt phái’. Suy đi nghĩ lại, chính lòng kiêu ngạo đã khiến tôi bỏ nghiệp, làm mất lòng nhiều người. Căn bệnh di căn của Tổ Tông Adam và Evà đã len lõi tận tim can con người của tôi- bản tính của nhân loại muốn trở thành Thượng Đế -, muốn cho mình phải hơn người khác cho dù tôi chỉ là một hạt cát trong đại dương mênh mông!.Tôi cho rằng tôi biết tất cả, nhưng sự thật tôi chẳng biết tí gì cả! Có được cái ‘mác’ CSB, tôi cho mình là hơn người, tôi cho mình là cao vượt, đặt mình làm trung tâm vũ trụ. Một sự nhân từ, một lòng khoan dung-những điều mà tôi đã học nơi Đức Kytô-, tôi đã không đem ra thực thi trong cuộc sống của tôi. Có ai đó lỗi luật đạo, sống chưa gương mẫu, tôi quyết liệt lên án và phán xét.Tôi đâu có biết họ có những ý nghĩ, cách sống riêng của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thượng Đế. Đối với Ngài, Ngài luôn bao dung, chờ đợi, không mảy may lên án ai.’Ai cảm thấy mình không có tội, hãy ném đá người này trước đi’.

Tôi cảm thấy tôi luôn đề cao ‘cái tôi’ ở trong tôi. Tôi theo chủ thuyết ‘égo-centrisme’ mặc dù tôi biết rất rõ, nếu như thế tôi hoàn toàn chủ quan trong mọi vấn đề, trong lý thuyết cũng như trong thực hành.Tôi biết tính ‘tự ái’ của tôi sẽ không được nhiều người đồng tình, nhưng tôi không dứt bỏ được.

TÔI NHÌN TÔI:

    TÔI CHỈ LÀ MỘT CÁI BÓNG TRÊN VÁCH

 Khi tôi nhìn tôi, khi tôi tự kiểm, tôi chỉ nhìn được cái bóng của tôi trên vách, chứ không nhìn rõ được tôi: một bản sao chép có tính cách chủ quan hơn là con người thật của tôi. Đành rằng ‘Cha mẹ sinh con,Trời sinh tánh’, nhưng con người có ý chí, có tinh thần cầu tiến, thế tại sao tôi không biết khắc phục, dẫu cho một cách tiệm tiến, từ từ? Tôi cũng chỉ là đứa trẻ con một chinh phụ, tối tối cứ nhìn lên vách, thấy bóng mình cứ luôn tưởng là cha của mình, do mẹ bảo như thế.Và tôi cứ khăng khăng giữ lấy lập trường này suốt cả cuộc đời mình.Suy cho cùng, cái học muôn vàn, tri thức vô hạn, càng học càng thấy mình càng ngu dốt, càng biết nhiều càng thấy mình chẳng  biết được bao nhiêu.Cũng như chú ếch ngồi dưới đáy giếng, chỉ biết khung trời là cái vòng tròn ở trên, đến khi nhảy ra khỏi miệng giếng mới thấy khung trời thật mênh mông. Nói đúng hơn, ở dưới giếng chú chưa được ‘mạc khải’, chưa được ‘vén màn’ để được nhìn thấy trời bể bao la. Có một chút tài năng, có một tí hiểu biết, tôi cho mình hơn kẻ khác, tôi cho mình là ‘cái rốn’ vũ trụ rồi bắt mọi người phải lụy phục, phải nghe theo.Tôi đâu nhớ rằng mình là một thụ tạo hữu hạn bất toàn. Chính vì thế, cuộc đời của tôi lúc nào cũng phải tranh đấu, tranh đấu để có tiền, tranh đấu để có danh. Nói chung, tranh đấu để có sự nể phục nơi người khác.Lại con ếch, nhỏ con nhưng kêu to.Tôi cũng thế, giống như cái “thùng rỗng kêu to” không hơn không kém!. Giá như tôi giỏi, giá như tôi có tài, tôi sẽ là ông này, ông nọ. Đằng này tôi chỉ là một con người như trăm ngàn con người tầm thường khác.Tôi không phải là một ‘nhà bác học’, thông biết mọi sự. Tôi chỉ là tôi, với cái vỏ bọc, có khi cũng hơn  người đôi chút, nhưng số người giỏi hơn tôi chắc chắn sẽ là nhiều hơn tôi gấp bội.

Cái bóng đi theo tôi mỗi ngày khi trời nắng. Nhưng cái bóng vẫn là cái bóng. Nó không phải là tôi. Cái bóng nào cũng giống như cái bóng nào. Chúng chỉ khác nhau ở hình dáng: cao, thấp, mập ốm, to nhỏ mà thôi. Nó không bao giờ nói lên được cái ‘NGÃ’ ở trong tôi. Dáng đi cử chỉ, chỉ giúp người ta đoán được người đó đang vui hay buồn, giận dữ hay hiền hòa, suy nghĩ hay vô tư chứ không  làm cho người ta biết được cụ thể ý nghĩ bên trong.

Để kết luận, xin mượn lời Đức Khổng Tử dạy: “Tu thân, Tề gia, Trị Quốc, Bình thiên hạ”. Tu thân là bước đầu tiên, là bước cơ bản.Thế nhưng, bước này tôi chưa thể nào bước qua được thì làm sao tôi có thể bước những bước tiếp theo đây? Ý chí và sự kiên nhẫn chăng? Có lẽ câu trả lời hãy để lại cho tôi suy nghĩ và tìm ra giải pháp thực hiện câu ‘Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân’.

Hoàng Châu  ( H.Hoàng 60)

(Sài Gòn một ngày mưa )