–Trích thơ bác Thống gửi bác Tôn
Tôn này,
Đáng lẽ ra tao phải trả lời mày ngay, nhưng vì lu bu ba cái chuyện trời ơi, nên mãi hôm nay tao mới viết cho mày đây. Mà hôm nay 28 Tết rồi sao lại viết? Chuyện là thế này.
Sáng hôm kia check mail, tao thấy anh em tụ họp tại cái “chòi” của mày; gọi cái “chòi” để “giả dạng thường dân” đó thôi vì trông mày ăn mặc vẫn là Việt kiều lắm. Cái “chòi” của mày giống resort hơn! Tao thấy lớp 60 tụi mình, ngoài mày ra còn có thằng Khanh Kẹo Kéo và thằng Tộ Cái Tô. Tao thấy trên bàn có Heineken. Bia thì tao chỉ uống được thứ này. Đám viết lách, làm sách làm báo ở Sàigòn, tao quen, gọi tao là thằng thầy tu vì không thấy tao uống rượu bia. Có một lần tất niên, trên bàn có Heineken, tao làm tì tì mấy chai, bà con vỗ tay hoan hô quá trời. Hóa ra là kén! Sáng hôm qua thì đàn em Cao Kỳ Hương 64-65 gọi hỏi tao có đi chúc Tết các “ân sư” không. Tao nói để xem đã. Đến đúng 12 giờ trưa thì lớp SB74 đến nhà chúc Tết tao. Bọn này có hiếu lắm, năm nào cũng đến chúc Tết tao, năm nay lại đem cho tao hai chai Vang Đàlạt, một trắng một đỏ. Không hiểu sao bọn đó biết tao mê Vang. Thật ra món tao khoái nhất là Rượu Lễ, cái món chiết từ thùng tonneau bên Tây gửi về ấy. Trước đây khi cha Ngọc còn làm cha quản lý địa phận tao vẫn thường đến dụ khị cha kiếm chai “rượu cặn” về gọi là để chữa đau bụng. Cha quản lý biết tỏng tao mê món đó nên thường tao vẫn có rượu xịn, chả cặn chút nào, để uống. Không có Rượu Lễ thì uống tạm Vang trắng cũng được, nhưng phải xịn mới được. Nay thì Vang Đàlạt, thôi thế cũng được. “Của một đồng công một nén” mà. Quà của học trò thì mình cần phải trân trọng hơn nữa. Phải không mày? Tao xem vậy chớ trần tục lắm. “Có thực mới vực được đạo.” Trước 75 chính xác tao có dạy ở TCV Sao Biển bốn lớp, một lớp lớn nhất, hai lớp trung trung và một lớp út ít, nhưng chỉ có bọn 74 này là thường lui tới tao. Tao trần tục là như thế. Tao lạc đề hơi xa. Quay trở lại! Hôm qua sau khi khen bọn 74 tao bèn moral bọn này, bảo là “cần nhân rộng hình thức hiếu thảo này, bọn trẻ con độ này bất hiếu lắm, không những bọn trẻ con mà cả bọn trẻ lớn nữa, không để ý gì đến các thầy, một chữ cũng thầy hai chữ cũng thầy chớ”. Thế rồi chiều ngồi với hai chai Vang Đàlạt tao mới chợt nghĩ: “Chết cha rồi! Mình khuyên học trò thì giỏi, còn các thầy của mình thì sao?” Thế nên sáng nay tao mới gọi cho Cao Kỳ Hương báo là tao sẽ cùng anh em Sao Biển sang nhà hưu dưỡng để chúc Tết các cha giáo. Tao còn gọi ngay Nguyễn Chí Cần rủ qua thăm các cha giáo. Cần nói đang quá bận việc ở nhà thờ. Tao tin là Cần nói thật. Thế rồi tao gọi cho thằng Thơm Bê Thui nói nó alô ngay cho thằng Tiên và thằng Lợi-u. Chưa bao giờ tao thấy nhớ mấy thằng lớp mình đến thế. Rốt cuộc đứa nào cũng bận cả. Chắc mày biết bên nhà hưu dưỡng hiện còn có Đức Ông Sách, Cha Phú, Cha Trãi là những thầy trực tiếp dạy bọn 60 tụi mình. Tao đặc biệt chú ý đến Thầy surveillant đầu tiên b của bọn mình. Mầy biết, Trương Trãi là một linh mục “cá tính” nổi tiếng ở Nha Trang. Tao thích những người “cá tính”. Mày mở to mắt nhìn cho kỹ hình Thắng 72 đưa lên mailboxCSB nhé. Trương Trãi đang nắm chặt tay thằng Thơm và tay của tao đó nhen. Tự ý cha nắm tay bọn tao đó nhen. Cha nắm chặt lắm. Mày không tin thì hỏi thằng Thơm đi. Tình cảm lắm lắm! Ai bảo rằng Trương Trãi cộc và khô như ngói? Lầm to! Giả vờ đó thôi. Một nhân vật Nha Trang tầm cỡ đó. “Mai danh ẩn tích” thôi. Tao có hỏi cha: “Cha có nhớ cha làm surveillant bọn con năm nào không?” -“Sao lại không nhớ. 60.” Y chốc! Mày thấy chưa?
Lý do thứ hai bây giờ mới viết, mới viết lại thì đúng hơn, sau một khoảng thời gian dài chỉ đọc mà không viết, là mấy ngày gần đây tao theo dõi anh em chơi trò đố vui, tao đặc biệt chú ý đến cái hình chụp bên trong nhà nguyện TCVSB. Tao không quan tâm lắm chuyện ai ngồi đánh đờn nhưng rất xúc động khi thấy cảnh trong nhà nguyện. Tao cứ cố nhớ lại mình đang quỳ ở chỗ nào. Từ đó tao nhớ đến anh em, nhớ đến các cha, các thầy, các dì, cả ông Cảnh dọn bàn cho các cha nữa. Và đặc biệt tao nhớ đến lớp 60 bọn mình, nhớ từng đứa một: Cảnh, Cần, Châu, Đại, Đạt, Đin, Đức, Đường, Hân, Hiệu, Hoàng, Hoàng, Hứa, Kêu, Khanh, Lợi, Lừng, Nhơn, Nhật, Pho, Phước, Quang, Sang, Tiên, Tộ, Tôn, Tư, Thông, Thống, Thơm, Thuận, Trinh. Về sau thêm thằng Cường Ximông nhảy lớp nữa. Trong đám này có lẽ tao thương nhất là thằng Tôn Lò có ngón tay quẹo và thằng Hoàng Antôn bạn nối khố của tao vì hai thằng này mang tiếng phá giới. Tao tổ ghét thằng nào nói như vậy. Chuyện nhỏ như con tép có gì mà ầm ĩ. Thế đấy!. Tao thuộc type vừa nerveux vừa sentimental. Thế mà mấy ông thầy bói coi chỉ tay bảo tao là dạng mystique! Mày biết không, sau năm 1992, khi đã mua nhà ở hẳn Nha Trang, có nhiều buổi chiều tao đưa vợ tao đến nằm ngoài bờ rào Tiểu Chủng Viện để nghe sóng vỗ và nhớ về quá khứ. Tao chỉ còn nghe tiếng chuông Dòng Kín, không còn nghe được tiếng chuông chủng viện nữa. Buồn thúi ruột! Đến giờ phút này tao vẫn tiếc về việc chúng ta đã bị mất Tiểu Chủng Viện Sao Biển. Ngày xưa Cố Gervier đã từng chỉ mặt tao bảo: “Tu es un rêveur.” Cố Lành quả thật có lý phải không mày?
Dài dòng như thế này để mà làm gì? Chỉ để nói lên một điều: Tiểu Chủng Viện Sao Biển chẳng bao giờ nhạt nhòa trong tâm trí tao. Nếu tao có im lặng thì đó chẳng qua là tao đang bận bịu chuyện gì đó. Mà mày biết ở đời này có nhiều chuyện tào lao làm mình phải bận bịu lắm. Mày có nhớ Chúa Giêsu giũa Matta, chị của Maria, như thế nào không? -“Martha, Martha, sollicita es et turbaris erga plurima, porro unum est necessarium; Maria enim optimam partem elegit, quae non auferetur ab ea”. (Luc. 10:41-42). Mày đừng nói tao chảnh. Học trò trường latinh thì phải xài tiếng latinh chớ. Tao hảnh diện nhất về Tiểu chủng viện Stella Maris của tao là vì món latinh này đó. Bọn mình học tràng latinh cả mà. Hì. Hì.
Petrus Paulus Thống.
3/2/2012 Thân mẫu cha Giuse Trần Đình Hòa 69-70 từ trần
Vào lúc 16 giờ chiều ngày 3 tháng 2 năm 2012, một số anh em CSB 59, 60, 63, 67, 68, 69-70, 74, đại diện cho Ban Đại Diện và toàn thể anh em CSB vùng Nha Trang đến tại tư gia của cha Giuse Trần Đình Hòa, CSB 69-70 tại Cây Vông để phúng điếu đọc kinh cầu nguyện cho cụ bà Lucia Nguyễn Thị Đời, thân mẫu của cha Giuse Trần Đình Hòa 69-70 và Trần Thái 61 (Texas), vừa mới qua đời vào lúc 22 g 55 ngày 2/2/2012, hưởng thọ 90 tuổi.
Thánh Lễ an táng do Đức Giám Mục Nha Trang chủ tế cùng với các linh mục đồng tế diễn ra vào lúc 14 giờ ngày thứ bảy 3/2/2012 tại Thánh Đường giáo xứ Cây Vông cũng đã có nhiều anh em CSB đến tham dự.
4/2/2012 Nhạc mẫu anh Văn Thôn 60 và Văn Thạnh 64 từ trần
Chưa đầy một ngày sau khi đến Cây Vông kính viếng mẹ cha Hòa, anh em một lần nữa lại tập trung tại Đại Điền để kính viếng cụ bà Luxia Nguyễn Thị Lụa, sinh năm 1928 và từ trần vào lúc 18 giờ 30 ngày 4/2/2012 hưởng thọ 84 tuổi. Cụ bà là nhạc mẫu của Văn Thôn 60 và Văn Thạnh 64.
Mười lăm anh em CSB các lớp đã tập trung phúng điếu vào lúc 16 giờ ngày 5/2. Sự hiện diện đông đảo của anh em cũng làm cho tang gia cảm thấy ấm lòng và cảm nhận được mối quan hệ giữa anh em con nhà Sao Biển thật gắn bó.
Sau khi kính viếng cụ bà, anh em đã đến thăm gia đình Thuận 73 và hàn huyên tâm sự rất lâu trước khi từ giã giáo xứ Đại Điền.
9/2/2012: Thánh Lễ cầu bình an cho Nguyễn Đức Hạnh 74
Hơn 15 anh em trong Ban đại diện vùng Nha Trang và đại diện cho lớp 74 tại Nha Trang đã tham dự Thánh Lễ cầu bình an cho bạn Đức Hạnh 74 tại nhà thờ Phước Hải vào lúc 17 giờ 30. Được biết bạn Đức Hạnh 74 sắp phải mổ khối u trong đầu tại bệnh viện Saint Luke ở Houston (Texas) vào 9 giờ sáng thứ năm (9/2 giờ Houston). Bạn là ân nhân lớn của anh em CSB vùng Nha Trang. Rất mừng là sức khỏe của bạn rất khả quan sau cuộc giải phẩu.
Sau Thánh Lễ, anh em dùng cơm tối tại nhà gia đình Phước 74, tức Phước đậu nành. Rất vui. Một vài anh em được gia chủ tặng món chao rất ngon do vợ chồng bạn tự làm.
22/2/2012 Thân phụ anh Trần Văn Tín 65 từ trần
Lúc 16 giờ chiều, Ban đại diện và một số anh em CSB vùng Nha Trang đã đến phúng điếu, cầu nguyện và chia buồn cùng bạn Trần Văn Tín 65 nhân dịp thân phụ của bạn là cụ Tôma Trần Bối đã về cùng Chúa vào lúc 13 giờ 45 ngày 21/2/2012, hưởng thọ 86 tuổi.
Chiều nay, trời cũng chìu lòng người, Sau ba ngày trời u ám, lạnh và mưa lác đác, trời chiều hôm nay nắng đẹp lạ lùng.
Hầu hết anh em trong phái đoàn đi phúng điếu chiều nay đến từ các giáo xứ Hà Dừa, Cây Vông, Đại Điền và hầu như có đủ đại điện các lớp như lớp 59 (Kim Ngân), lớp 60 (Văn Thôn), lớp 64 (Văn Phước), lớp 65 (Văn Phẩm), lớp 66 (Văn Hiên), lớp 67 (Huy Tài), lớp 71 (Văn An), lớp 72 (Thái Sơn), lớp 74 (Văn Nhậm).
Sau khi đặt vòng hoa tươi bên linh cửu cụ Tôma, tất cả anh em đã cùng đốt nén nhang kính viếng và đọc kinh, cầu nguyện cho linh hồn Tôma mong được Chúa đoái thương đón về nước Chúa. Buổi cầu nguyện diễn ra trong tinh thần sốt sắng, mặc dù bên ngoài nhà, tiếng xe chạy ồn ào không ngớt.
Sau buổi cầu nguyện, thay mặt cho anh em CSB vùng Nha Trang, anh trưởng ban đại diện san sẻ niềm thương tiếc về sự mất mát lớn lao với anh Trần Văn Tín và tang quyến. Tiếp theo, anh em đã ngồi lại để uống ly nước trà. Cuộc chuyện trò xoay quanh chủ đề về ngày lễ Tro. Mọi người rồi cũng sẽ có ngày ra đi không sớm thì muộn vậy điều quan trọng là mỗi người chúng ta nên : Memento, homo, quia pulvis es et in pulverem reverteris (Này người, hãy nhớ, ngươi là bụi tro, ngươi cũng sẽ trở về bụi tro).
Từ đầu năm đến nay, anh em CSB vùng Nha Trang đã gặp gỡ nhau ba lần tại gia đình các anh em thọ tang. Anh em đã kính viếng hai cụ bà ở Cây Vông, Đại Điền và lần này là cụ ông Tôma tại Hà Dừa.
Cụ Tôma Trần Bối, nguyên ủy viên trong Ban Hành Giáo Hà Dừa, là một trong số 39 cụ ông cụ bà của họ Hà Dừa trên 80 tuổi. Đây là những cụ ông cụ bà luôn sống cuộc đời trung thành với Chúa và luôn là tấm gương sáng cho con cháu Hà Dừa noi theo. Nhân dịp lễ Minh Niên 2012, như mọi năm, giáo xứ Hà Dừa đã chúc Tết, tặng quà mừng xuân cho các cụ trong tâm tình biết ơn. Điều đáng nhớ năm nay là một cụ bà đã ra đi trước Giao thừa một giờ, một cụ ông ra đi vào tối mùng 2 Tết và đến nay là đến phiên cụ Tôma. Hiện số cụ ông cụ bà ở Hà Dừa còn lại là 36 người.
Cụ Tôma Trần Bối đã sống một cuộc đời thánh thiện, hiền lành, vui vẻ nên chiếm được nhiều thiện cảm của bà con giáo xứ Hà Dừa. Trước khi về cùng Chúa, trên tay cụ vẫn còn cầm tràng hạt Mân Côi vì cụ chưa kết thúc việc lần hạt. Sau khi cụ bà ra đi cách đây vài năm, cụ đã hết sức quan tâm săn sóc về mặt tinh thần cho con cháu. Ông bà đã có 9 người con, gồm 6 trai và 3 gái, trong đó có 3 trai đã qua đời lúc tuổi còn chưa được nửa thế kỷ. Bạn Trần Văn Tín, con trai đầu của ông bà, là cựu Sao Biển 65 đồng thời cũng là cựu Lâm Bích.
Vì là ngày chay tịnh của thứ tư lễ Tro, nên anh em ra về sớm vào lúc 17 giờ 30.
4/3/2012 bạn Nguyễn Duy Quy 68 từ trần
Gioan Baotixita Nguyễn Duy Quy 68 tức Quy Rùa, mất vào lúc 1 gg 30’ sau khi bị tai nạn vào ngày 29 tháng 2/2012 và đã được đưa vào bệnh viện Chợ Rẩy, Sài gòn, nhưng vì vết thương quá nặng, nên không qua khỏi. Thánh Lễ an táng diễn ra tại Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương vào ngày 9/3/2012.
Nguyện xin Chúa đoái thương đón rước linh hồn Gioan Baotixita về Nước Chúa.
Trần An Tịnh 68 viết:
11g đêm ngày…tháng…năm….nhận được điện thoại của Ngọc Hân (giờ này mà điện thoại thì chắc là tin dữ) báo tin Duy Quy bị tai nạn đã hôn mê từ hai ngày nay! Nguy rồi! Đêm hôm sau, vừa thức giấc thì nhận được tin Quy đã vĩnh viễn ra đi. Trong số những anh em lớp 68 còn liên hệ được thì Quy là người thứ tư từ giã cõi đời này sau Tuấn, Tấn, Trực, Đình Phương. Một sự ra đi không chỉ là đột ngột mà còn thật đau thương nếu được nghe kể lại về vụ tai nạn mà Quy gặp phải.
Trong ba năm gần kề, lớp 68 luôn gặp phải những đại tang bất ngờ. Lẽ ra cuộc hội ngộ của lớp 68 vào hè 2010 được tổ chức tại Phước Thiện, thì trước đó vợ của Lý Ngọc Hân từ trần vì một tai nạn không đâu. Hè 2011 thì anh em phải dắt díu nhau đến chia sẻ sự mất mát của má Thái Huy 68 cũng bởi một cơn bệnh bất ngờ…Duy Quy có dự định mời anh em cùng lớp về Bình Dương dự lễ cưới của con mình, nhưng không hiểu sao…..? Giờ thì lớp 68 lại phải họp mặt bất đắc dĩ tại Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương.
Có lẽ nhiều Anh em CSB (nhất là các anh lớp lớn) ít được biết hoặc chưa biết gì nhiều về Duy Quy. Khi còn là chủng sinh Sao Biển, chàng trai Phước Thiện này tuy nước da hơi ngăm đen một chút, nhưng bù lại có đôi mắt bồ câu và rất khéo tay cũng như hay mày mò sáng tạo. Cuộc “trốn chạy bất đắc dĩ” vào năm 1981 đã đưa gia đình Duy Quy vào tận vùng kinh tế mới Lai Uyên. Với những khó khăn ban đầu, Quy đã làm rất nhiều nghề và cũng là một trong những người đầu tiên đóng góp rất nhiều công sức trong việc xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ Lai Uyên ngày nay. Bởi thế, anh em chúng ta sẽ không thắc mắc khi thấy Thánh lễ an táng đồng tế..
Các cha đồng tế ấy không ai khác hơn là cha sở và cha phó cùng với một cha khách mà trước đó khi còn là Thầy Sáu đã từng làm việc với Duy Quy trong nhiều năm khi giúp xứ tại Lai Uyên. Và những công lao của Duy Quy cũng đã được khẳng định một cách cụ thể trong bài phát biểu của Ông cựu Chủ Tịch HĐGX trước Thánh lễ. Duy Quy có 4 người con trai, hai cháu lớn đã có gia đình (xem hình thì sẽ thấy 2 cô con dâu ôm hoa bên cạnh di ảnh).
Bến Cát là một huyện cuối của tỉnh Bình Dương nằm giáp ranh với tỉnh Bình Phước. Nếu những ai chưa một lần đến hoặc dân Miền Trung đi vào thì chắc là cảm thấy lạ lẫm. Chuyến xe của anh em 68 dù được hướng dẫn rẽ đi Bình Dương từ ngã ba Tân Biên – Biên Hòa, nhưng cũng phải đến 8g tối mới đến được nhà Duy Quy. Vừa đi vừa hỏi đường…và cũng thật bất ngờ có những người sống ở đó nhưng cũng không xác định được còn bao nhiêu cấy số nữa mới tới Lai Uyên. Kẻ thì bảo còn 20 km nữa….đi mãi chẳng thấy đâu thì người khác lại chỉ tiếp còn 25 cây số nữa dù không bị lạc đường. Một anh thanh niên bán những bó hoa cuối cùng của ngày 8 tháng 3 khi được anh em hỏi thăm về địa chỉ Lai Uyên thì đã mau mắn hỏi có phải đến nhà Thầy Quy không? Còn 25 cây số nữa, các chú đi đường này. Một bà lão khi thấy xe dừng, dù chưa hỏi thì đã bật hỏi trước là các chú tìm nhà thờ Lai Uyên phải không? Buồn nhưng thấy trong lòng cũng có chút gì đó tự hào về người anh em của mình!
Hai anh em cùng lớp 68 ở Sài Gòn là Hữu Thiện và Đình Truyền, vì có những trở ngại riêng, nên đã đến chia buồn trước với gia đình bạn mình. Từ miền sông nước Trà nóc, Cần Thơ, bạn Nguyễn Thanh Kỳ CSB68 đã một mình lặn lội đến Lai Uyên. Xa nhau 41 năm rồi, và người bạn mình đã nhắm mắt, chẳng ai biết đến mình….nên phải tự giới thiệu với tang quyến và đành…nóng lòng ngồi chờ anh em cùng lớp đến.
Vâng, không thể nói hết được những tình cảm bạn bè anh em và nhất là những anh em cùng một Mẹ Sao Biển đã cùng chia sẻ nỗi đau thương mất mát của người anh em lớp 68 bằng lời cầu nguyện, chia buồn, phúng điếu và dâng thánh lễ an táng cho đến giây phút cuối cùng tại nghĩa trang.
Chia tay gia đình người bạn bằng lời bài hát Je vous salue trước bàn thờ và di ảnh, chưa biết khi nào mới có dịp gặp lại nhau! Đúng 10g, xe chuyển bánh….Anh em Nha Trang về đến nhà đã là 22g.
Cầu mong Chúa luôn gìn giữ mỗi người anh em chúng ta biết trân trọng và gìn giữ mối liên hệ thân thương ấy cũng như sẵn sàng phục vụ với hết khả năng mà Chúa đã ban cho từ môi trường chủng viện.
Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua lời bầu cử của Mẹ Sao Biển, và lời cầu xin của Người Tôi Tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xavie, cho người anh em chúng con là Gioan Baotixita Nguyễn Duy Quy sớm hưởng dung nhan Thiên Chúa.
Hồng Bảo 72 viết:
Sau này, khi nhắc đến anh Quy, nhiều anh em thường đề cập đến tài “phong thủy” của anh chứ ít ai nhắc đến bàn tay tài hoa của anh khi ở TCV. Nhắc lại, chắc những anh em lớp nhỏ sau này đều đồng ý rằng anh Quy là tay “tông đơ” sáng giá nhất TCV trong nhiều năm liền. Thằng em khi mới chân ướt chân ráo vào TCV là được ông anh Châu Tuấn dẫn đến giới thiệu với anh Quy ngay: “Đây là thằng em của em!” Và quay sang dặn thằng em: “Mày có hớt tóc thì đến anh Quy đây nghe chưa? Đừng nghe mấy anh khác dụ dỗ mà… lãnh đủ!” Nhờ thế mà thằng em mới có vinh dự được anh Quy hớt cho, ngoài ra thì chỉ từ lớp 70 trở lên mới… có phần, vì “khách” của anh quá đông! Sau này, anh Tuấn cũng thụ giáo anh Quy và hớt cũng… khá đẹp. Thằng em có “thợ nhà” nhưng thỉnh thoảng vẫn “nhảy dù” qua anh Quy… một chuyến. Hình như anh sở hữu một bộ tông – đơ riêng nên không khi nào bị “cắn tóc. Rồi cái cách anh vuốt mái tóc ép sát đầu sau khi hớt xong cũng rất… ấn tượng!
Nay nhắc lại chuỵện cũ, nhớ đến bàn tay tài hoa một thời như một nén hương tiễn đàn anh lên đường về nhà Cha.
Thân kính,
HQÁnh SB69-70 viết:
Xin cám ơn các anh em và anh Tịch đã đưa tin về đám tang, và Bảo đã nhắc đến tay “tông đơ” sáng giá nhất SB, vì Ánh cũng là một “khách” thân quen của anh Quy, thường bị anh Quy chê là “tóc cứng như rễ tre, mòn tông đơ” của anh…
Nói thật cùng quý anh em: cả tuần nay, từ lúc được tin anh Quy bị tai nạn và mất hai ngày sau, Ánh rất là bần thần và bàng hòang. Chuyện xưa chợt về thật đầy… May mà Ánh đang thất nghiệp ở nhà, nếu không chắc khó đi làm được… Từ lúc vào phòng học trung năm 73, anh Duy Quy, anh Ngọc Hân và anh Phùng Dũng (lớp 68) đã là những người anh quý mến và che chở cho Ánh thật nhiều. Nếu không chắc bị đuổi khỏi SB rồi…
Nhưng những kỷ niệm sâu xa nhất lại là những ngày tháng ở Vinh Sơn sau năm 75. Tự dưng Ánh nhớ thật nhiều những AE Sao Biển và Lâm Bích cùng sống trong những ngày tháng đau thương và khó khăn đó. Cùng đi học ở trường Lý Tự Trọng (Võ Tánh cũ), làm vườn rau, hái mãng cầu, hái dừa; nhớ cây khế và cây chùm ruột gần giếng nước nhà ngủ. Nhớ những buổi học chiều bị Cha Thục chê “nói tiếng Tây như người Tây Nguyên”. Nhớ những người AE nay ở nơi
xứ người hay quê nhà: người làm cha giáo ĐCV, người làm lớn trong các xí nghiệp, người tự mình thành công, người vẫn khó khăn trong cuộc sống… Nhớ đến các anh và những người bạn cùng lớp… Kể ra cũng không hết tên…
Chưa ai nói đến anh Quy cũng là một nhạc sĩ tài ba. Anh đã viết nhiều nhạc khúc trong khỏang thời gian ở Vinh Sơn. Có ai nhớ những bài ấy không??? Ánh chỉ mường tượng nhớ một bài: “Trời chiều nhiều sắc úa, rơi rơi cánh phượng hồng. Chuyện xưa thôi đã hết, chấm dứt một đọan tình. Ta bỏ người ra đi, dòng sông chia đôi nhánh, còi tàu chợt xé đôi…” Ngọc Khánh và Đăng Ngôn còn nhớ không??? Ai có thể viết lại những bài nhạc này không???
Năm 2008, ở HNSB 50 năm, Ánh có hỏi anh Ngọc Hân về anh Quy. Anh Hân cho biết anh Quy ở Bình Dương. Năm ngoái 2011, Ánh về VN có nhờ người quen biết làm điện lực ở BD nhưng không tìm được anh Quy. Sau đó lu bu quá nên quên mất. Bây giờ có muốn gặp cũng không được…
Xin lỗi anh em nếu Ánh đã làm phiền vì những dòng tâm sự này…
Vĩnh biệt anh Quy Rùa…
Tuấn 74 viết:
* Món quà”Đặc Biệt”:
Hôm tối Chủ nhật ngày 4/3/2012, gia đình đi viếng linh cửu Anh Quy,có gặp Chị Đến (vợ anh Quy) kể lại trong nghẹn ngào: Vài hôm trước, anh Quy có hứa với Chị là mồng 8/3 năm nay sẽ tặng cho Chị một món quà”Đặc Biệt”. Quả là đúng như thế! Quá ư là “Đặc Biệt”.
* Hẹn Một Lần”Gặp Gỡ”:
Tháng 7/2011 vừa qua,vài a/e CSB có đi thăm Mẹ của anh Quy đau nặng, nằm BV Bưu Điện SG.Sau đó,a/e lai rai…Anh có nói với Tuấn: Nếu có dịp nào tốt, Anh nhờ Tuấn mời a/e CSB lên nhà Anh chơi cho biết nhà.
Nhân dịp này, nếu a/e nào có thời gian rãnh, xin đến tại: xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (nhà đối diện nhà thờ Lai Uyên).
Vào lúc: 6h00 ngày 9/3/2012
Để cho biết nhà của anh và đưa Anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Vĩnh Biệt người Anh thân thương!!!
15/3/2012 Mừng bổn mạng Đức Cha Giuse
Chiều thứ năm vào lúc 14g ngày 15/03/12, bốn anh em CSB vùng Nha Trang gồm có: Kim Ngân 59, Văn Thôn 60, Long Paul 63, Ngọc Xinh 68 đã có mặt tại TGM để mừng thánh bổn mạng của Đức Cha Giu-Se Võ Đức Minh.
Cánh cửa nhà khách của TGM vừa mở, bốn anh em được cha J.B. Ngô Đình Tiến 70 hướng dẫn vào tiếp kiến đức cha. Ngài ra tận ngoài thềm nhà đưa tay tiếp từng anh em với khuôn mặt nhân từ, mừng vui rồi mời anh em chúng tôi vào bên trong phòng lễ tân. Mở đầu câu chuyện, anh Ngân chúc mừng ngày thánh bổn mạng của Ngài, nguyện xin thánh cả Giu-Se ban nhiều ơn lành hồn xác để Đức Cha làm tròn sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa đã giao là chăn dắt và nhân rộng đàn chiên của giáo phận. Câu chuyện giữa Đức Cha và bốn anh em CSB diễn ra thật đầm ấm cởi mở và chân tình.
Mãi mê tâm sự, đồng hồ đã gần 14g30, anh em cám ơn và tạm biệt Đức Cha trong tâm trạng vui tươi, cởi mở đầy tâm tình, bên ngoài đông đảo các chức sắc của các HĐGX trong giáo phận Nha Trang đang chờ đến lượt vào tiếp kiến vị chủ chăn.
17/3/2012 Họp mặt tháng ba tại Nha Trang mừng Thánh Giuse
Tại nhà hàng Đức Phát, số 55 Lê Thành Phương, Nha Trang, anh em CSB vùng Nha Trang gặp nhau trong căn phòng trang trọng, không gian riêng biệt tiện nghi, ấm áp tình anh em với những khuôn mặt từ những lớp đầu đàn như anh Nhị Bói 58, anh Ngân 59 trưởng vùng NT, anh Tiên 60 đến những người em lớp 72 như Đức Thắng, Dung, 73 như Thọ thủ quỹ vùng, 74 như Hải trưởng lớp, Hoan cùng phu nhân Loan, Phước, Nghệ. Đếm được tổng số 19 người.
Sau nghi thức khai mạc bằng bài hát” Giu-Se trong xóm nhỏ điêu tàn”,anh em có lời chúc mừng đến những anh em mang tên thánh Cả Giu-Se, khoảng 8 người: một tràng pháo tay vang lên. Mọi khuôn mặt rạng rỡ trong ánh đèn đủ sáng huyền ảo..
Tiếp đến anh Ngân phổ biến những thông tin cần biết của vùng như việc đóng niên liễm 2012, những mục chi tiêu gần đây, thành lập email của vùng, chuẩn bị cho tờ Nội San Dấu Chân Sao Biển 2012 phát hành vào tháng 9 tới, đại hội thường niên tổng kết tình hình, hội ngộ tháng 4 tại nhà anh Phòng 63 tại Chợ Mới.
Cuộc hội ngộ kết thúc vào lúc 9 giờ tối.
21/3/2012 Anh em CSB đi phúng điếu nhạc mẫu của bạn Hiệp 73
Vào lúc 17 giờ 30, 12 anh em đại diện cho anh em CSB vùng Nha Trang đã đến phúng điếu nhạc mẫu của Hiệp 73. Cụ bà Nguyễn Thị Nhơn sinh năm 1925, tín đồ Phật giáo, đã từ trần vào lúc 16 ngày 19/3 thọ 87 tuổi.
31/3/2012 : Ban đại diện vùng Nha Trang đi thăm gia đình anh Phẩm 65
Vào lúc 9 giờ sáng, thay mặt cho ban đại diện vùng, anh Ngân 59 và Long Paul 63 đã đến thăm chia sẻ nỗi khó khăn của gia đình và trao quà của một ân nhân CSB tặng cho gia đình khó khăn của vùng. Vợ bạn Phẩm đã sống đời sống thực vật hơn một năm nay.
11/04/2012 Họp mặt tháng tư tại nhà anh Phòng 63
Mười chín anh em các lớp vùng Nha Trang đã họp mặt tháng tại nhà anh Phòng 63. Gia đình Phòng 63 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sức khỏe của mẹ già và phu nhân không được khả quan. Nhờ bà già cho đất, bạn cũng vừa mới cất được căn nhà mới và mời cha Vinh đến làm phép nhân dịp cha về thăm gần đây. Trong nhà ngoài một tủ chứa cả một collection rượu ngâm từ sâm đến tắc kè, anh còn trân trọng treo trên vách bài thơ cha Vinh 61 tặng .
Bài thơ như sau :
Ngày anh chị dọn vào nhà mới
Chút tình quê mến gửi đôi lời
Trước là cảm tạ Chúa Trời
Đỡ nâng bao bọc đường đời thuận xưa
Và thân chúc buồn vui tươi mãi
Tiếng hát vang rộn mái nhà yêu
Bình an trong hết mọi điều
Xác hồn khỏe mạnh sáng chiều thành thơi
Bạn bè đến đón mời đằm thắm
Rồi lại mang hơi ấm đi xa
Tinh thần mãi mãi khắc ghi
Ngày đêm quyến luyến, kẻ đi rộn ràng.
Mẹ Sao Biển thương đàn con cái
Xin dũ tình mãi mãi ngự đây
Gia đình đầm ấm sum vầy
Cơm ăn áo mặc hàng ngày Chúa ban.
P. Nguyễn Quang Vinh
14/4/2012 Lễ bàn giao giữa tân và cựu quản xứ tại Giáo xứ Ngọc Thủy
Vào lúc 9 giờ sáng, nhận lời mời của cha Mai Tính 59, một số anh em trong ban đại diện vùng NT (Ngân, Long Paul, Thắng, Hạnh, Sự, Ngạn…) đã đến tham dự lễ bàn giao giữa tân linh mục quản xứ P. Mai Tính 59 và cựu quản xứ Hồ Mạnh Tín 64 tại nhà thờ Ngọc Thủy. Lễ bàn giao diễn ra trọng thể với đầy đủ nghi thức trong Thánh Lễ tạ ơn dưới sự chủ tế của ĐC địa phận và với hơn 20 linh mục đồng tế. Cuộc tiếp đón và đưa tiển hai vị linh mục quản xứ cũ và mới diễn ra với nhiều giây phút bùi ngùi xúc động khó quên, nhiều dòng lệ chợt dâng trào cho kẻ ở người đi. Mọi nghi thức bàn giao từ mở đóng cửa, kéo chuông…v.v. đều được thực hiện theo truyền thống xưa nay ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Buổi lễ bàn giao kết thúc sau bữa cơm trưa thân mật quy tụ nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân của nhiều giáo xứ quanh vùng NT tại khuôn viên nhà xứ Ngọc Thủy. Rất mong người anh em Mai Tính 59, tức nhạc sĩ Mi Trầm, một linh mục xuất thân từ miền sông nước Cồn Sẻ Quãng Bình, sẽ dễ dàng thích ứng nhanh chóng với môi trường mới của miền sông nước Ngọc Thủy thơ mộng.
21/4/2012 Đám cưới ái nữ của anh Nguyễn Kim Ngân 59
Vào lúc 17 giờ 30, tại nhà hàng Âu lạc Thịnh, 75 A Nguyễn Thị Minh Khai, TP Nha Trang, gần 40 anh em đại diện cho CSB vùng Nha Trang đã tập trung về đây để tham dự lễ cưới của con gái anh chị Ngân 59 là Maria Nguyễn Đỗ Anh Thư thành hôn cùng Gioankim Nguyễn Đinh Hoàng Thịnh, Phước Hải, Nha Trang.
Lễ thành hôn của hai cháu đã diễn ra vào ngày 19 tháng 4 năm 2012 tại nhà thờ Phước Hải do cha Nguyễn Bình An 58 chủ tế với gần hai mươi anh em CSB đến tham dự và cầu nguyện.
Tiệc cưới diễn ra trong không khí ấm tình Sao Biển với 3 bàn dành riêng cho anh em bên cạnh các bàn của hai họ.Cha Bình An và cha Phó Phước Hải cũng đến tham dự tiệc cưới này. Trong tiệc cưới, hòa với niềm vui của hai họ và bạn bè gần xa, hơn hai phần ba anh em CSB đã lên sân khấu giúp vui với bài hát Sao Biển người Mẹ yêu. Được biết số khách mời rất đông trên 400 người, phần đông là những bạn bè ngoài Công giáo thuộc cơ quan nơi hai cháu làm việc. Cảm động nhất có các bạn lớp Sao Biển 59 đến từ miền Tây Nguyên xa xôi như Ban Mê Thuột (Văn Tánh 59) hay từ Phan Rang nắng cháy da người (Bùi Minh 59, Bá Thiện 59) cũng đến chung vui ly rượu mừng. Đúng là tình cảm dạt dào sâu đậm của những người bạn già đã từng chia ngọt xẻ bùi hơn nửa thế kỷ Sao Biển.
27/4/2012 Đám cưới con trai anh Nguyễn Văn Tánh 59 tại Ban Mê Thuột.
Mặc dù ở tận miền Tây Nguyên xa xôi cách trở, bạn Nguyễn Văn Tánh 59 có nhiều mối quan hệ bạn bè khắng khít với nhiều anh em vùng Nha Trang. Những lần hội ngộ, họp tháng, tham gia thực hiện nội san, của anh em vùng Nha Trang đều có sự hiện diện và đóng góp tích cực của bạn. Tình cảm nồng nàn đó được anh em CSB vùng Nha Trang đáp lại bằng chuyến đi thăm gia đình anh tại Ban Mê Thuột vào dịp đám cưới con trai anh vào ngày 27 tháng 4/2012.
Con trai của anh Tánh 59 là Giuse Nguyễn Trần Thái Hưng thành hôn với Maria Huỳnh Thị Thùy Trang tại nhà thờ Thánh Tâm, BMT vào sáng ngày 27/4, đó cũng là ngày 15 anh em NT lên đường đi BMT.
Khởi hành từ NT vào lúc 7 giờ 30, anh em đã đến thành phố BMT vào lúc 12 giờ và được gia đình Tánh-Hạnh tiếp đón nồng hậu, khi hai họ đàng trai và đàng gái đã ra về. Có anh em bảo anh em NT ăn hai lần một đám cưới. Tại BMT, một hình ảnh đầy tình nghĩa bạn bè, đó là hình ảnh hai bạn lớp 59 ( Minh 59 và Thiện 59) từ miền Phan Rang nắng cháy đèo nhau trên xe Honda lặn lội vượt trên 200 cây số đường đồng bằng và đường đèo để đến với người bạn già 59. Hai bạn già đã nhập vào đoàn sinh hoạt với anh em NT chúng tôi và ở lại đêm và sáng hôm sau đèo honda về lại Phan Rang. Một hình ảnh khó tưởng tượng được của tình sao biển.
Sau khi tắm rửa nghỉ ngơi tại nhà nghỉ tại thành phố chừng 2 tiếng, chúng tôi lên xe đến thăm ĐC Vinh Sơn Giám mục địa phận BMT (Cựu Giáo Sư ĐCV Sao Biển Nha Trang) và Tòa giám mục BMT. Trời mưa nặng hạt xóa tan cái nóng oi bức của mùa hè. Thật là hồng ân của Chúa. Đức Cha vui vẻ tiếp đón anh em khi biết chúng tôi là CSB từ NT lên, mặc dù Ngài chẳng quen ai trong chúng tôi. Đức Cha thật bình dân, ngài quan tâm thăm hỏi chúng tôi cứ như những giáo dân trong giáo phận của cha. Mặc dù chuẩn bị đi Sài gòn, ngài vẫn sẵn sàng dành thời gian thật lâu tiếp chúng tôi rất thân tình cởi mở như thánh Vinh Sơn Phao Lô. Đúng là vị mục tử tốt lành của Giáo Hội. Tòa Giám mục quá đẹp, kiến trúc thật đặc trưng của nền văn hóa của dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Sau đó, chúng tôi lên đường trực chỉ phía nam đến thăm gia đình nhạc sĩ ViNam 65 ở Trung Hòa thuộc huyện Cư Kuin, nằm cách BMT 17 km. Tìm bét mắt mới thấy tấm bảng ghi hàng chữ lớp nhạc Vinam.
Sau hàng chục lần tìm nơi đất lành chim đậu, nhạc sĩ đã xin chọn nơi này làm quê hương. Mặc dù đã 5 con vừa trai vừa gái cũng đều là ca nhạc sĩ, đờn sĩ nhưng cũng mỗi đứa mỗi nơi, chỉ còn lại hai vợ chồng nhạc sĩ ngày ngày nâng khăn sửa túi cho nhau và gỏ tay (chứ không dám gỏ đầu) làm bạn với hơn cả trăm chuẩn đờn sĩ bé con. Nghe đâu bác còn làm quan to trong ban Thánh ca của giáo phận BMT nữa: thật là công đức cao dày nói sao cho xiết đặng mà chớ..
Lần đầu tiên gặp bác, anh em NT không ngờ nhạc sĩ tỏ ra quá dạt dào tình cảm, bởi vì ngay khi bước vào nhà chúng tôi đã thấy trên cả những bàn dài nào bánh ít, nào hạt dưa, nào mận Ấn Độ, nào nhãn, nào chôm chôm, nào trứng cút đầy dĩa, nào hạt dưa, nào rượu Remy Martin, nào cả thùng bia lon 33 ướp lạnh tự bao giờ, nào cà-phê bột, nào cà phê có cái nồi ngồi trên cái cốc, nào trà líp tơn…Những hình ảnh này cũng đủ nói lên tấm lòng của ông bà chủ nhân đối với bạn bè lai láng bao la như thế nào! Đúng là tình anh em Sao Biển đậm đà khó quên. Nhưng mà thời gian sao lại quá ngắn ngủi, anh em phải về lại BMT để dự đám cưới.
Đúng 17 giờ 30, anh em lại có mặt trước cửa nhà hàng WeddingPalace tại trung tâm thị xã BMT. Ở VN hiện nay, theo ngôn ngữ báo chí, cái gì sang trọng, long trọng, cả thể, bề thể, vĩ đại, thiên hạ gọi là hoành tráng. Đám cưới ở cái thành phố Tây Nguyên mà ngày xưa thiên hạ gọi là Buồn Muôn Thuở này bây giờ phải nói là hoành tráng. Phố xá, nhà cửa, biệt thự, xe siêu sang còn hơn cả Nha Trang nữa. Nhiều xe của các hảng Nhật ở NT phải lên tận đây mới có linh kiện thay thế. Cà phê Tây Nguyên đã biến đổi cả bộ mặt Tây Nguyên.
Anh em CSB cũng giúp vui với bài hát Sao Biển người Mẹ yêu cùng với tiếng ca trầm ấm của nhạc sĩ ViNam trong đám cưới. Đám cưới con nhà Sao Biển ở nơi đâu, dù duyên hải lộng gió, dù miền non ngàn heo hút, vẫn luôn ấm tình Sao Biển.
Anh em về lại Nha Trang ngay trong đêm vào lúc 8 giờ tối. Mưa rơi nhè nhẹ. Xin tạm biệt nhé Tây Nguyên.
14/5/2012 Thân phụ linh mục Ngô Đình Tiến từ trần.
Thân phụ linh mục G.B. Ngô Đình Tiến 66, thư ký Tòa Giám Mục và của nữ tu Maria Mai Linh, Dòng Khiết Tâm Bình Cang, là Inhaxiô Ngô Quang Như sinh năm 1921 từ trần vào lúc 13 giờ 30 thứ hai tại tư gia thuộc giáo xứ Cần Xây (Long Xuyên). Hưởng thọ 92 tuổi.
Thánh lễ an táng diễn ra tại nhà thờ Cần Xây vào ngày thứ sáu 18/5. Một số anh em CSB 69-70 thay mặt cho anh em CSB vùng Nha Trang đã vào Cần Xây để thăm viếng và dự lễ an táng cho ông cố.
Nguyện xin Chúa đoái thương đón nhận linh hồn Inhaxio vào nước Chúa.
21/5/2012 Họp mặt tháng 5 tại nhà Võ Hạnh 69-70
Đây là cuộc họp mặt hàng tháng theo thông lệ của anh em vùng Nha Trang, đặc biệt có sự hiện diện của cha Phêrô Nguyễn Quang Vinh từ Mỹ về thăm quê hương và hiện còn ở tại Vĩnh Phước.
Sĩ số anh em đến dự họp hôm nay là 23 anh em, trong đó có hai phu nhân CSB là phu nhân của Hoan 74 và phu nhân Võ Hạnh 70. Cuộc họp diễn ra như thường lệ vào lúc 6 giờ chiều, sau những màn nhọc công chỉ đường cho anh em đến khổ, vì nhà Võ Hạnh nằm giữa thiên la địa võng của những con đường to nhỏ ở Thanh Hải.
Đây là cuộc họp để mừng Chúa Thăng Thiên, đồng thời anh em cũng có dịp để bàn tính chuyện thực hiện tờ Dấu Chân Sao Biển 2 (2012). Vấn đề kinh phí tài chính và số lượng ấn bản cũng như kêu gọi anh em tham gia viết báo. Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là bàn bạc việc tổ chức, kinh phí, số lượng anh em tham gia đi dự đám cưới con trai anh Hoàng tại Bà Rịa. Kết quả trước mắt: Tổ chức chuyến đi vào thứ Bảy 2/6, đến Phan Thiết sáng 3/6 , đi Bà Rịa dự đám cưới trưa 3/6 sau khi đi thăm nhà mồ các vị tử đạo Bà Rịa và nhà thờ chính tòa, về ngày vào buổi chiều. Kinh phí 400 ngàn mỗi người. Đăng ký xe 15 chỗ. Cha Vinh và anh Tiên 60 tài trợ mỗi người một triệu, anh Tôn 60 tài trợ ăn tối, ăn sáng, ngủ đêm. Quá phấn khởi.
30/5/2012 Anh em CSB Sinh hoạt tại đảo Hòn Tranh Nha Trang.
Sáng 30 tháng 5, vào lúc 7 giờ 30, hơn 50 anh em và một số phu nhân và các sao biển con đã đi dã ngoại ra tắm biển và vui chơi tại biển đảo Hòn Tranh. Đây là món quà của cha Vinh 61 chiêu đãi cho thân mẫu, anh chị em trong gia đình cha và anh em CSB.
Hơn 60 tham dự viên lên hai chiếc tàu du lịch loại nhỏ rời bến Cầu đá tiến ra Hòn tranh. Hai con tàu đã an toàn cặp đảo, sau chừng 30 phút lướt sóng. Biển yên sóng lặng. Thời tiết nắng đẹp. Chẳng ai say sóng. Ngoài anh em NT, còn có vợ chồng nhạc sĩ Vi Nam 65 BMT. Phóng viên ảnh Võ Hạnh 70 đi trễ phải ké chuyến tàu sau khiến một số hình ảnh lúc đầu không ghi lại được.
Sau Thánh Lễ tạ ơn và cầu nguyện tưởng nhớ đến các cha giáo anh em còn sống và đã qua đời ngay tại lều tranh trên bãi biển, anh em sống hòa mình cùng thiên nhiên biển cả, tâm sự biết bao chuyện vui chuyện buồn và tắm biển. Cuộc sống chung cả một ngay làm cho anh em gắn bó nhau hơn thông cảm nhau hơn.
Buổi chiều toàn bộ anh em đứng quay vòng sinh hoạt chung. Rồi những bài hát vang lên, những màn giới thiệu từng gia đình, những hình ảnh được ghi, những tiếng cười giòn, tất cả khiến cho du khách nước ngoài đến du lịch trên đảo tò mò dừng lại hỏi han. Một lần nữa, bài hát Sao biển người Mẹ yêu lại vang lên giữa vùng biển đảo, giữa những ánh mắt của những con người ngoại đạo.
Một nét đẹp của anh em Sao Biển trong chuyến dã ngoại: các nhân viên dọn vệ sinh của căn chòi tỏ ra từ ngạc nhiên đến hài lòng, bởi vì anh em CSB đã dọn sạch sẽ không còn cọng rác nào theo tinh thần hướng đạo: khi ta đến cắm trại nơi nào và khi ta rời đi, nơi đó sẽ sạch hơn trước.
Trước lúc ra về, nghe tin mẹ cha Phi, cha Hùng vừa mới qua đời, toàn thể anh em dừng lại ngay trên bãi biển dâng lên những lời kinh cầu nguyện cho linh hồn Anna, trước khi bước lên tàu trở về đất liền.
30/5/2012 Thân mẫu cha Phêrô Phạm Ngọc Phi và Phêrô Phạm Ngọc Lê từ trần.
Thân mẫu của cha Phi 58 và cha Hùng 66 là bà Anna Trương Thị Lan, sinh tại Cầu Ké, Nha Trang năm 1919 đã về cùng Chúa vào lúc 14 giờ 15 tại tư gia giáo xứ Gò Muồng, thọ 94 tuổi.
Thánh lễ an táng vào lúc 8 giờ 30 ngày 1/6/2012 diễn ra tại Gò Muồng dưới sự chủ tế của các Đức Giám Mục của ba địa phận Nha Trang, Qui Nhơn và Ban Mê Thuột, với hơn 120 linh mục đồng tế. Đây là một thánh lễ an táng trọng thể với số giám mục, linh mục và giáo dân đông nhất từ trước đến nay đối với tang lễ của một giáo dân trong giáo phận.
Nhiều bà con giáo dân, đại diện HĐGX, Hội đoàn của các giáo xứ Hà Dừa, Chợ Mới, Ba Làng, (nhiệm sở cũ, mới nơi cha Phi, cha Hùng từng phục vụ) rất đông các nam nữ tu sĩ các dòng tu và các chủng sinh của giáo phận cũng về dự. Số anh em CSB tại Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Sài gòn… đều đến tham dự rất đông.
Nguyện xin Chúa đoái thương đón nhận tôi tớ Chúa là linh hồn Anna về cùng Chúa.
1/6/2012 Thân mẫu của bạn Nguyễn Thanh Hải 68 (Hải Kèn, Hà Dừa) từ trần)
Lúc 0 g 30, thân mẫu bạn Nguyễn Thanh Hải 68 là bà Maria Nguyễn Thị Thiệt, sinh năm 1927 tại Bình Cang, qua đời tại tư gia Hà Dừa hưởng thọ 86 tuổi.
Anh em CSB lớp 68 đã đến phúng điếu vào sáng ngày 2/6 và chiều 2/6 vào lúc 2 giờ 30, mười hai anh em CSB vùng Nha Trang trước khi lên đường đi dự tiệc cưới con anh Hoàng tại Bà Rịa đã lên tận Hà Dừa để phúng điếu cầu nguyện cho linh hồn Maria.
Thánh lễ an táng do một số linh mục bạn bè thân hữu từng có thời gian phục vụ tại Hà Dừa đồng tế vào lúc 14 giờ ngày thứ hai ngày 4/6/2012. Bà Maria Nguyễn Thị Thiệt, người gốc Bình Cang, là chị họ của Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Nho. Khi sinh tiền, ông bà Hương-Thiệt, song thân của Hải 68, là một trong số những người đóng góp vào việc phát triển giáo xứ Hà Dừa. Hầu hết các con trai, dâu rễ của hai ông bà đều nằm trong đội kèn gia đình ở Hà Dừa. Ngoài chuyện thổi kèn cho các đám tang, đám tiệc theo lời mời, đội kèn gia đình đã luôn hiện diện trong những ngày lễ lớn, những dịp lễ kỷ niệm của giáo xứ Hà Dừa. Trong khi linh cửu của bà Maria còn quàn tại tư gia, có linh mục Trần Bá Ninh 63 đến cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình và nhiều bà con tham dự.
Đám tang được rất đông bà con thân nhân và bạn bè thân hữu đưa tiễn đến nhà hỏa táng Rù Rì sau khi đi qua quê hương của bà Maria tại Bình Cang.
Nguyện xin Chúa đoái thương đón rước linh hồn tôi tớ Chúa là linh hồn Maria về với Chúa.
03/6/2012 Đám cưới con anh Hoàng 60 tại Bà Rịa
Nhận lời mời của anh Hoàng 60 vào dự tiệc cưới của con trai anh tại tư gia Bà Rịa Vũng Tàu, anh em vùng Nha Trang đã cùng nhau tổ chức một chuyến xe 15 chỗ đi Bà Rịa vào ngày thứ bảy 2/6.
Chuyến xe đi Bà Rịa khởi hành vào lúc 1 giờ 30 trưa thứ bảy tại Nha Trang chở theo 10 người. Trên đường đi theo lịch trình, xe sẽ ghé lên nhà thờ Hà Dừa để đón một số anh em tại đây. Tuy nhiên, vì thân mẫu của Hải kèn qua đời vào sáng 1/6, nên anh em ghé Hà Dừa để thăm viếng phúng điếu mẹ anh Hải để rồi tiếp tục lên đường. Do gia đình có tang, Hải kèn không thể tham gia, còn Giáo rạ bị sốt liệt giường không thể lên đường cùng với anh em, vì vậy là chuyến đi chỉ còn có 12 người.
Sau khi thăm viếng chia buồn cùng tang gia Hải kèn 68, anh em tiếp tục cuộc hành trình xuôi nam. Mưa bay lất phất. Xe mới toanh nên chạy rất êm, tài xế cẩn thận lái xe an toàn đến Phan Thiết lúc 7 giờ 30 tối. Chủ chòi Trọng Tôn 60 niềm nở tiếp đón anh em, điều khiến cho một số anh em mới vào lần đầu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chẳng hiểu sao tình cảm Sao Biển của người đàn anh mà lớp đàn em chỉ biết tên nhưng chưa hề gặp mặt sao lại nồng nàn đến thế.
Bữa cơm tối chẳng khác gì một bữa tiệc cưới. Gia chủ đã dặn nhà bếp nấu một nồi cơm to đầy đến 20 lon gạo. Còn thì nào cá, nào mực, nào lẫu, rồi lại món bê thui của Văn Thôn 60 mang từ Đại Điền vào nữa. Cứ xem đó thì biết tình Sao Biển đậm đà là nhường nào, nào ai nói cho xiết đặng mà chớ! Cứ theo cái đà này, cứ mỗi lần có dịp xuôi nam, chắc anh em phải ghé bác Tôn dài dài quá đi mất.
4 giờ 30 sáng Chúa Nhật, anh em đã réo nhau thức dậy để đi lễ Chúa Nhật tại nhà thờ Thanh Hải.
. Đây là một ngôi nhà thờ khá lớn, với tiền đường khá rộng. Hang đá Đức Mẹ chạy dài với tranh phù điêu vĩ đại, phía trước có đặt nhiều tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ của các tín hữu. Thánh lễ sáng nay dành cho các bà mẹ Công giáo, nên hầu hết các bà đều mặc đồng phục áo dài trắng và chiếm chỗ nhất gần bàn chủ tế. Giáo dân đọc kinh và cha đọc kinh nguyện Thánh Lễ rất chậm so với tất cả mọi nhà thờ ở nơi khác. Lễ xong, chúng tôi phải chụp vội mấy tấm hình kỷ niệm và vội vã lên đường đi Bà Rịa cho kịp giờ.
Gần 8 giờ, xe đi Bà Rịa mới bắt đầu xuất phát. Trên xe lúc này có thêm bác Tôn 60, đức chú Khánh 67, (em ĐC Linh, Thanh Hóa) và Xuân Lan, phu nhân của Duy Anh 69-70. Chúng tôi yêu cầu Xuân Lan làm hướng dẫn viên du lịch để đi theo con đường biển Phan Thiết-Bà Rịa để anh em có thể ngắm biển.
Sau khi đi qua giáo xứ Vinh Thủy, xe men theo quốc lộ 55 chạy dọc duyên hải. Hết những bãi cát hoang sơ với những hàng dương, những nhà nghĩ mát xây cất dỡ dang, nhưng đống rác vĩ đại trên bãi biển, rối đến những vườn trồng thanh long trông khá đẹp mắt, ngay ngắn. Xe chúng tôi vượt qua hàng loạt các giáo xứ với những ngôi nhà thờ với tháp chuông cao vút như nhà thờ Hiệp An, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Bình An. Sau khi qua chợ Lagi, chúng tôi đi ngang qua giáo xứ Vinh Thanh, Cù Mi và đến huyện Đất Đỏ. Một chiếc xe chở hàng loại trung nhào dưới ruộng lật bốn bánh lên trời.
Mục tiêu sắp tới là Nhà Mồ các vị tử đạo tại Bà Rịa. Tài xế cũng như anh em chẳng ai biết đường biết sá, nhưng các vị tử đạo đã hướng dẫn anh em đến nơi không mấy khó khăn, dù Thanh 60, đại diện của bác Hoàng chưa kịp ra đón. Anh em vào nhà nguyện của nhà Mồ để cầu nguyện và chụp hình nơi mộ bằng đá cẩm thạch lưu giữ tro cốt của 444 vị tử đạo dưới thời nhà Nguyễn chống quân Pháp. Sau đó, anh em lên xe đến thăm nhà thờ chính tòa Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 2007 và được cung hiến vào ngày 14/4/2010. Toàn bộ sân nền, tường nhà thờ đều được ốp đá hoa cương nên trông bề thế chắc chắn và rất đẹp.
Đúng 11 giờ, anh em đến tư gia của vợ chồng bác Hoàng 60 và dự tiệc cưới cùng với rất đông anh em CSB Sài gòn và Đồng Nai. Nhiều anh em trong đoàn đã gặp lại bạn bè ngày xưa, nên tỏ ra rất vui, rất phấn khởi. Nói chuyện rôm rả quên cả ăn uống luôn. Anh em cũng lên sân khấu giúp vui với bài Sao Biển ca. Anh em lên đường trở về NT lúc 13 giờ.
Chuyến đi mặc dù tốn kém, nhưng anh em đã học hỏi thêm được nhiều điều mới lạ bổ ích, sưởi ấm và thắt chặt lại những mối quan hệ bè bạn với các anh em CSB vùng Sài Gòn và Phụ Cận.
Cám ơn bác Tôn 60, bác Tiên 60, bác Thôn 60, cha Vinh 61, những người đã nhiệt tình tài trợ cho chuyến đi xuôi nam xa xôi, ấm cúng nhưng bổ ích này.
18/6/2012 Hội ngộ 45 năm lớp 67 tại Phù Sa
Hôm qua, thứ hai ngày 18/6/2012, vào lúc 8 giờ sáng tại giáo xứ Phù Sa, anh em CSB lớp 67 đã tổ chức một cuộc hội ngộ để kỷ niệm 45 năm ngày đầu tiên các anh em trở thành chủng sinh Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang.
Đây là một cuộc hội ngộ nhằm tổng diễn tập cho hội ngộ 50 năm trong tương lai. Cuộc hội ngộ Phù Sa 2012 lần này quy tụ gần một nửa lớp (22/48) cựu chủng sinh 67 hiện nay sống rải rác từ xứ sở kangourou đến Việt Nam. Từ Ôx- trây- lia có linh mục CSB 67 Nguyễn Khoa Toàn, một trong số hai linh mục của lớp 67. Linh mục thứ hai là cha Joseph Nguyễn Văn Hiên không thể về dự vì bận công tác. Số 21 anh em về tham dự hội ngộ lần này, chúng tôi nhận thấy có đủ các anh em từ Sài gòn đến Vạn giã. Sài gòn có Công Khanh, biên tập báo SGTT; Võ Đắt có Văn Hóa; Phan Thiết có Viết Lung; Công Khuê, Thanh Khiêm, Cao Sơn, Quốc Khánh; Phan Rang có Ngọc Điệp, Trọng Hương, nhạc sĩ Bá Lân, Lục Khoa; Nha Trang có Ngọc Sơn, Nguyễn Hải, vợ chồng Đức Tăng và ái nữ; Cây Vông có Huy Tài, Văn Chấn, Đình Nghi; Chợ mới có Cao Thành Đạt; Bình Cang có Trung Thương; Vạn Giã, Gò Muồng có Toàn Năng, Đặng Bình.
Về phía khách mời CSB, chúng tôi nhận thấy có các linh mục Sao Biển như cha Hải 64, cha quản xứ Phù Sa, cha Minh 66, cha quản xứ Vạn Giã, cha Đình Tiến 70 thư ký Tòa Giám mục, các anh em CSB vùng Nha Trang: Ngân 59, Thơm 60, Ngạn 62, Long Paul 63, Văn Tánh 63, Duy Tân 66, Văn Nguộc 66,Võ Hạnh 70, Đình Thọ 73,. Ngoài ra chúng tôi còn nhận thấy có 4 phu nhân CSB.
Sau màn gặp gỡ bắt tay chào mừng, phỏng vấn lý lịch anh em chưa từng gặp nhau, thăm hỏi sức khỏe, gia cảnh vợ con, tình duyên gia đạo của tất cả các anh em CSB, toàn thể anh em CSB đã vào nhà thờ tham dự Thánh Lễ do 4 anh em linh mục thuộc bốn thế hệ khác nhau đồng tế. Trước Thánh lễ, cha Toàn nêu bật ý nghĩa của ngày họp mặt 67. Cha nói lên niềm cảm xúc về việc gặp gỡ của anh em 67 sau 45 năm hình thành lớp. Cha cảm tạ Thiên Chúa đã gìn giữ tất cả anh em trong niềm thương yêu của Ngài đồng thời cha cũng không quên tri ân các cha giáo còn sống và đã qua đời, cha cũng tưởng nhớ dến hai anh em 67 đã sớm về với Chúa.
Thánh Lễ diễn ra hết sức sốt sắng nghiêm trang trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Sao Biển. Trong bài giảng , cha Toàn nêu bật vai trò của từng ơn gọi nơi tất cả các anh em. Ngoài số anh em linh mục hiếm hoi trong mỗi lớp, tuyệt đại đa số anh em CSB nên ý thức ơn gọi của mình là làm chứng tá đức tin cho Chúa Kitô trong xã hội hiện nay. Chúa trao ban cho mỗi người một công việc để làm sáng danh Chúa. Bổn phận tiên quyết của mỗi chúng ta, như Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vie đã nói, là chọn Chúa chứ không phải chọn công việc của Chúa.
Sau Thánh Lễ, toàn thể anh em 67 và các lớp khác tập trung trước Thánh Đường Phù Sa để chụp hình lưu niệm ghi lại một khoảnh khắc đẹp đẽ của Hội Ngộ Phù Sa 2012 của lớp 67. Sau đó, anh em lên xe thẳng tiến đến nhà Huy Lợi 73 để dùng cơm trưa. Ngôi nhà ở trên bờ sông luôn có gió mát lồng lộng thổi. Trước nhà là một khu vườn cây cảnh giáp bờ sông Cái Nha Trang. Ngay trên bờ sông xum xuê hai cây duối cổ thụ thọ cả trăm năm với vòm lá xanh đen huyền bí. Thật là nơi lý tưởng dành cho các cuộc hội ngộ bạn bè.
Bài ca, tiếng hát, tiếng cười, tiếng đàn ghi ta hòa vào niềm vui rộn rã tràn trề bừng dậy trên cả một khúc sông thanh vắng lâu nay. Bữa tiệc ngồi với bốn bàn không bao lâu trở thành bữa tiệc đứng và người dự tiệc không ngừng di động, có lẽ vì sợ thời gian qua nhanh, vì thời gian không thương xót sẽ làm cho mỗi người trong anh em chưa kịp khắc ghi hình ảnh dấu yêu của người anh em vừa mới gặp nhau. Đúng là một bữa tiệc chu đáo được phục vụ tận tình theo phong cách của nhà hàng 4 sao rưỡi.
Cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn. Sau lời cám ơn của đại diện anh em khách mời, ban tổ chức lớp 67 cũng cám ơn đáp lễ. Cha Minh thay mặt cho các cha Sao Biển hứa hẹn với anh em (lời hứa có thị thực của công chứng và camera của Khuê 67 ghi lại để làm bằng chứng trước tòa sau này), rằng các anh em linh mục Sao Biển theo Chúa đúng 20 năm tính tới năm 2013 sẽ liên minh tổ chức một cuộc hội ngộ anh em như thế này. Đó là các anh em được thụ phong năm 1993: cha Toàn 67, cha Minh 66, cha Hùng 66, cha Đắc 69-70, cha Tiến 69-70. Vậy anh em CSB cố gắng sống hòa thuận, vui vẽ, bồi dưỡng sức khỏe chu đáo đầy đủ để sống đến năm 2013 mà mừng cho 5 anh em sẽ trải qua 20 năm cuộc đời linh mục nhé.
Bữa tiệc kết thúc lúc 13 giờ cũng ngày với quá nhiều bịn rịn và nuối tiếc. Xin cám ơn cha Toàn, gia đình Huy Lợi 73 và toàn thể anh em lớp 67. Cầu chúc cho lớp 67 luôn đoàn kết và có được nhiều anh em đồng môn tung cánh chim tìm về tổ ấm càng ngày càng đông.
19/6/2012 Lễ Kim Khánh cha Alexis Nguyễn Thạch Ngọc
Vào lúc 8 giờ 30 tại Thánh Đường giáo xứ Chợ Mới đã diễn ra Thánh Lễ Kim Khánh của cha Alexis Nguyễn Thạch Ngọc, nguyên cha giáo, kiêm cha quản lý và cha phụ trách phòng bệnh của Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Sau Thánh Lễ, toàn thể cựu chủng sinh Sao Biển Nha Trang đã tổ chức bữa tiệc chiêu đãi chúc mừng cha giáo trong tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban xuống cho cha trong 50 năm cuộc đời linh mục và tri ân cha theo truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Xin giới thiệu Lễ Kim Khánh qua những con số và sự kiện.
Lễ Kim Khánh: Những con số và sự kiện.
*Số anh em CSB tham dự: Tổng cọng là 65 người (kể cả tăng và tục). Nếu tính luôn phu nhân Sao Biển, Sao Biển Con, Bạn Bè Sao Biển, số tham dự viên sẽ là 73 người.
*Tổng số linh mục Sao Biển đồng tế: 15 linh mục: Cha Phi và cha An (lớp 58), cha Tính (59), cha Cần, cha Hứa (60), cha Phúc (62), cha Ninh (63), cha Tín , cha Hải (64), cha Hùng (Lê), cha Minh (66), cha Đắc, cha Hòa, cha Tiến, cha Vĩnh (69-70).
*Lớp tham dự đông nhất: lớp 69-70 : 16 anh em (cha Đắc, Đức, Hải, Hạnh, cha Hòa, Văn Hoàng, Phúc Hoàng, Huân, Huệ, Khanh, Ngôn, Quang, Thành, cha Tiến, Thiện, Trong.)
*Lớp có 7 anh em tham dự: lớp 60 (Cha Cần, Châu, cha Hứa, Tiên, Thôn, Thống, Tôn).
*Lớp có 6 anh em tham dự: lớp 72 (Dương, Định, Lộc, Minh, Sơn, Thắng), lớp 73 (Hiệp, Linh, Nhân, Phong,Thọ, cha Vĩnh).
*Lớp có 5 anh em tham dự: lớp 68 (Dũng, Hải Kèn, Tịch, Trí, Xinh), lớp 62 (Ánh, Ngạn, cha Phúc, Quang, Thưởng).
*Lớp có từ 1 đến 4 anh em tham dự: lớp 58 (Cha An, cha Phi); lớp 59 (cha Tính, Ngân); lớp 63 (Cả, Mẫn, cha Ninh, Tánh); lớp 64 (cha Hải, Phước); lớp 65 (Tuyết Hộ Diêm); lớp 66 (Cha Lê, cha Minh, Tân); lớp 67 (Đạt, Tài),lớp 71 (Giáo); lớp 74 (Sơn Hà, Hoan, Tuấn gà, Nghệ).
*Số phu nhân Cựu Sao Biển tham dự: 4 người (phu nhân Hoàng Ngọc Quang 62, phu nhân Võ Duy Anh 69-70, Phu nhân Hồ Đình Huân 69-70, Phu nhân Lê Thanh Hóa 69-70).
*Số Sao Biển Con tham dự : 3 cháu (con trai của Quang 62, con gái rượu của Trung Cả 63, con trai của Linh 73).
* Số bạn bè Sao Biển tham dự : 2 người.
Một người là Sử Văn Ngọc, người chăm, bạn của Nguyễn Thành Thống 60. Sử Văn Ngọc là nhà nghiên cứu văn hóa Chàm mới vừa gia nhập Công Giáo vào dịp lễ Phục Sinh 2012. Việc trở lại của một nhà trí thức chăm là biến cố quan trọng trong công cuộc truyền giáo đối với dân tộc chăm hiện nay.Hiện Sử Văn Ngọc cùng với Thành Thống đang tiến hành dịch Kinh Thánh ra tiếng chăm.
Một bạn thứ hai là em ruột của Lê Thành 69-70, chủ nhân kiêm tài xế của chuyến xe khứ hồi chở anh em CSB từ Bà Rịa đến Nha Trang. Người em còn ở lại VN có nhiệm vụ lo cho mẹ già.
*Số anh em CSB mang quốc tịch nước ngoài tham dự : 3 anh em
Bác Nguyễn Trọng Tôn 60, chòi trưởng chòi Sao Biển ở Phan Thiết, nơi dừng chân của anh em CSB trên đường về Nam ra Bắc.
Bác Lê Ánh 62, ở Florida, hiện tạm trú tại Ngọc Thủy. Sau khi đưa hài cốt của cố phu nhân về Nha Trang, bác dành nhiều thời gian ở VN hơn ở Mỹ.
Bạn Lê Thành 69-70, ở Arlington (Texas) hiện đang du lịch tại VN và ở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Chuyến du lịch ở VN kéo dài trong ba tuần, bạn đã dành một ngày không nằm trong kế hoạch cho cha giáo và anh em Sao Biển.
Lễ Kim khánh: những con số về tài chính.
*Số tiền mỗi tham dự viên đóng góp: 150 ngàn VNĐ
Do lễ Kim Khánh có tổ chức bữa tiệc chiêu đãi cha giáo nên mỗi anh em tỏ lòng tri ân cha bằng việc làm nhỏ này. Khác với các lần hội ngộ lớn khác qua đó anh em tự ý bỏ mũ tùy lòng hảo tâm. Tuy nhiên, một số anh em CSB tăng và tục đã đóng góp vượt chỉ tiêu qui định này rất nhiều. Tất cả cũng vì tấm lòng đối với cha giáo.
*Tổng cộng số tiền do anh em đóng góp:
13. 850. 000 VNĐ
Ban tổ chức chi hết số tiền này qua hai mục: bữa tiệc mừng và quà cho cha Alexis. Chi phí cho bữa tiệc mừng : 10 triệu. Ngoài ra còn có phần quà mừng dành cho cha giáo của một số cá nhân anh em, và của một vài lớp CSB. Tất cả thể hiện tấm lòng của anh em đối với cha giáo.
Lễ Kim Khánh : nguyên nhân thành công và bài học kinh nghiệm
Lễ Kim Khánh mừng 50 năm linh mục của cha Alexis Nguyễn Thạch Ngọc thành công tốt đẹp là nhờ:
* Tấm lòng của cha chánh xứ Chợ Mới đối với cha giáo qua việc tự nguyện lãnh lấy trách nhiệm cao cả để tổ chức buổi lễ Kim Khánh này. Chính cha đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho công tác này. Thánh lễ và bữa tiệc đã diễn ra một cách tốt đẹp.
*Sự tham gia tích cực của tất cả các anh em CSB, nhất là những anh em ở xa từ Sài gòn, Bà Rịa, La gi, Phan Thiết, Phan rang. Các bạn đã không quản ngại tuổi tác, đường xá xa xôi, gác lại công ăn việc làm dành nhiều thời gian quý hiếm để đến tận Chợ Mới tham gia cùng với mọi người trong tâm tình cảm tạ và tri ân.
* Sự nhiệt tình năng nổ hy sinh của các anh em được phân công. Tất cả các nhiệm vụ ( phụng vụ, tiếp tân, ẩm thực, thủ quỹ, sinh hoạt..) được thực hiện một cách sáng tạo trên tinh thần tự nguyện cao độ.
*Sự tham gia tích cực, đóng góp hào phóng vui vẻ của rất đông các anh em linh mục Sao Biển.
* Sự đóng góp tích cực của một số anh em mạnh thường quân. Nếu không có sự tiếp tay của số anh em này, thì khó có thể có được hai chuyến xe chuyên chở anh em từ các vùng miền phía nam xa xôi đến Chợ Mới. Đây là việc làm tốt đẹp quen thuộc của anh em CSB đối với công việc chung từ trước đến nay (ví dụ: Hội ngộ 2008, chuyến đi Ban Mê Thuột, chuyến đi Bà Rịa của anh em CSB vùng Nha Trang…vv.). Xin nêu một vài tấm gương (xin mạn phép giấu tên vì sợ xúc phạm đến đức khiêm tốn của các anh em):
Có anh em đang đưa phu nhân vào SG khám bệnh, rồi để phu nhân tự xoay xở đi về sau và bản thân lại bay về Chợ Mới và thực hiện nhiệm vụ một cách tốt đẹp. Nhiệm vụ của anh em đó khó có ai thay thế được.
Có anh em lại có kế hoạch bất ngờ dành một ngày lo phương tiện di chuyển cho anh em và đích thân cùng anh em bay ra Chợ Mới, và để gia đình ở lại nhà trong thời gian du lịch xuyên lục địa.
Có anh em quên mang theo pin xơ cua cho máy ảnh đành hối hả chạy mấy cây số về nhà lấy pin nhằm ghi lại những hình ảnh thật đẹp san sẻ với anh em khắp nơi.
Có anh em tự nguyện đóng góp thêm tiền, cũng chỉ vì muốn làm tròn trịa cho một con số chưa được chẳn khó coi.
Và còn nhiều hình ảnh thật đẹp đẽ nữa của tinh thần Sao Biển. Tất cả những hình ảnh đó cho thấy trong trái tim của các anh em đó, chắc chắn có một ngăn đáng kể dành cho cha giáo và anh em CSB.
Xin hoan nghênh tấm lòng tri ân quảng đại của các tất cả các anh em đối với cha giáo nhân dịp Kim Khánh linh mục của ngài.