Cám ơn anh em CSB (Kim Ngân 59)

Cám ơn anh em CSB

Từ ngày 20/8 đến ngày 6/9/2010, tôi đã có dịp đi thăm
các bạn bè CSB tại tiểu bang Texas, và Virginia, Hoa Kỳ. Đó
là một thời gian khó quên, vì đây là lần đầu tiên tôi đến thăm
các anh em CSB tại các tiểu bang này. Đi đến bất cứ nơi nào,
tôi cũng được anh em sở tại đón tiếp thật chân tình và nồng
hậu. Xin ghi nhận tấm lòng quý báu của tất cả các anh em.
Trong tâm trạng nôn nao bồi hồi khó tả khi nhớ lại những lần
gặp gỡ đó, tôi cố ghi lại những dòng này để nói lên lòng biết
ơn chân thành và sâu xa nhất của tôi đến các bạn.

Trước nhất, xin cám ơn em Lê Thành 70 và gia đình đã tài
trợ chuyến đi round trip từ phi trường Cincinnati ( Ohio) đến
phi trường Dallas- Fort Worth, (Texas) cũng như tạo điều kiện
vật chất và tinh thần cho tôi được sống những ngày đầm ấm
trong không khí gia đình tại Arlington. Biết bao xúc động bồi
hồi khi gặp lại người học trò cũ sau hơn 40 năm xa rời giáo xứ
Võ Đắt, nhiệm sở giúp xứ của tôi thuở xa xưa. Tôi rất sung
sướng vì được sống trong một gia đình hạnh phúc với các
cháu ngoan hiền, lễ phép. Mọi thành viên trong gia đình đã
vui vẻ đón nhận tôi như là một thành viên của gia đình. Tôi đã
học được sự kiên trì của gia đình vươn lên từ hoàn cảnh khó
khăn trong quá khứ đến cuộc sống đáng mong ước trong hiện
tại. Tôi đã học được tấm lòng thương yêu, quan tâm lo lắng
giúp đỡ của gia đình đến bà con, bạn bè, và nhân viên làm
việc cho gia đình. Trong những ngày ở Arlington, gia đình đã
tạo điều kiện cho tôi được thăm viếng người thân của gia đình
đang cơn hấp hối cũng như tham dự thánh lễ an táng tại Quichitas

Falls… Cám ơn gia đình đã chuẩn bị

sắp sẵn đâu ra đó bữa ăn trưa thật thịnh soạn để chiêu đãi anh
em chúng tôi trong không khí thắm tình bè bạn và gia đình.

Cả một buổi chiều ăm ắp những kỉ niệm khó quên của một
thời xa xưa khiến cho chúng tôi tôi cảm thấy lòng mình như
trẻ lại. Với kiến thức sâu rộng và trí nhớ tuyệt vời, người bạn
già 59 đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu nhiều điều về
tình hình cuộc sống xã hội cũng như của anh em CSB tại tiểu
bang Texas. Chúc cho gia đình bạn luôn sống hạnh phúc,
không ngừng nâng khăn sửa túi cho nhau trong cái tuổi không
còn lo lắng về job nữa.

Xin cám ơn gia đình chú em Trần Thái 61 đã tận tình đón
tiếp chúng tôi bằng những lời chào hỏi thân tình, bằng những
đĩa thịt dê béo ngậy và ngon lành tại tư gia ở Fort Worth.
Cuộc hội ngộ giữa Lê Thành, vợ chồng Trần Thái và tôi đã
kéo dài từ 5 giờ đến 10 giờ đêm mới kết thúc. Thật thâm tình
biết bao giữa những con người sau 40 năm mới gặp lại, và
giữa những người anh em CSB chưa hề biết mặt nhau. Chúc
mừng cho chú em Cây Vông, anh ruột của cha Hòa 70, cháu

của thầy Chốn, cựu giám thị TCV/SB, hiện nay đã nối kết lại
được tình xưa nghĩa cũ với anh em CSB tại Dallas cũng như
Texas.Chúc cho gia đình chú Thái luôn dồi dào sức khỏe.

Xin cám ơn chú em Đông 72, một chú em người Ba Làng
tôi chưa hề biết tên quen mặt. Dù chỉ biết tôi qua những bài
viết trên meo đàn, chú Đông 72 đã mời anh em chúng tôi hội
ngộ hai lần tại hai nhà hàng khác nhau ở Arlington. Chẳng có
chút xa lạ nào trong hai lần gặp gỡ này, vì chúng tôi cùng có
nhiều bạn bè ở lớp 72. Tôi đã được học tập rất nhiều về tấm
gương phấn đấu vươn lên của người anh em 72 qua những giờ
hàn huyên tâm sự hết sức cởi mở và chân tình. Chúc sức khỏe
gia đình chú Đông.

Xin cám ơn bác Hồ Trí Thức và em Lê Thành, những
người đã thay phiên nhau làm tài xế và hướng dẫn viên du
lịch cao cấp với tư cách là những thổ địa lâu năm để giúp tôi
đi thăm Đ.Ô Thượng và anh em CSB tại thành phố Houston.
Sau khi tham dự thánh lễ trưa tại nhà thờ thánh Anna, ba anh
em chúng tôi đã lên xe chạy vun vút với tốc độ 70 đến 80
miles/ giờ. Chúng tôi phải mất 4 tiếng đồng hồ để đi từ Dallas
đến Houston. Chặng đường dài hơn đoạn đường Nha Trang đi
Sài gòn, nhưng rất êm ái, không có bất cứ một cái ổ gà nào.
Chúng tôi đã đi qua Dallas, Austin, Huntville, Centerville và
nhiều thị trấn khác.

Đến 5 giờ chiều, xe chúng tôi đã đến thành phố Houston,

thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas. Nhờ công cuộc khai 

thác dầu lửa, thành phố Houston trở nên rộng lớn bề thế với
hệ thống xa lộ tuyệt vời không thể tưởng tượng được. Trước
khi vào nhà gia đình chú Hạnh 74, chúng tôi đã vào thăm
viếng nhà thờ Đức Mẹ La Vang rộng lớn và được xây dựng
theo lối kiến trúc VN. Sáng hôm sau, bác Thức còn dẫn chúng
tôi đi dạo trong khu Hong Kong gồm nhiều cửa tiệm sang
trọng của người VN, ăn cơm tấm trong quán ăn VN, ngao du
trên đại lộ Bellair dài dằng dặc với nhiều cửa hàng của người
Việt, thăm nhà thờ chính tòa Thánh Tâm đồ sộ, chiêm ngưỡng
khu Downtown của Houston cũng như của Dallas. Thổ địa Hồ
Trí Thức chỉ vẻ đường đi nước bước thật tận tình chu đáo
không chê vào đâu được.

Xin chân thành cám ơn vợ chồng chú Hạnh 74 đã nhiệt
tình đón tiếp chúng tôi tại ngôi biệt thự dáng dấp kiến trúc
Châu Âu gần thành phố Houston. Mặc dù chương trình đến
nhà vợ chồng chú Hạnh có thay đổi sớm hơn một ngày, nhưng
hai vợ chồng đã chuẩn bị đón tiếp chúng tôi hết sức chu đáo.
Bữa ăn tối thịnh soạn tại nhà là do vợ chồng chú phu xướng
phụ tùy làm đạo diễn. Cuộc hội ngộ Houston vào buổi tối thứ
tư 25/ 8 qui tụ được hai bạn già 59 gồm bác Thức và tôi, một
bạn 63 là Nguyễn Đức Khang, một bạn 65 là Hoàng Xuân Lý,
một thủ quỹ không thể thay thế được, một bạn 70 là Lê Thành
và vợ chồng Hạnh 74 Cuộc ngộ Houston lần này diễn ra thật
rôm rả đầy ấn tượng, vì lần đầu tiên tôi được gặp ba anh em
CSB ở Houston. Nhiều đề tài về con cái, gia đình, cuộc sống
đạo đời được anh em mổ xẻ sôi nổi đến tận 12 giờ khuya mới

tạm chấm dứt để anh em còn nghỉ ngơi lấy sức đi cày vào
ngày hôm sau. Thật là tình nghĩa đậm đà khi gia chủ lo chỗ ăn
chỗ ngủ hết sức tươm tất cho ba anh em chúng tôi tại lâu đài
và tâm sự với chúng tôi gần hết một buổi sang hôm sau. Chúc
hai vợ chồng chú Hạnh luôn mạnh khỏe để sáng tác nhiều bài
thánh ca hơn nữa.

Cám ơn Đức ông Lê Xuân Thượng đã bỏ ra nhiều giờ đón
tiếp ba anh em chúng con tại nhà xứ, cho chúng con biết tình
hình giáo xứ Ngôi Lời và đưa chúng con đi tham quan nhà thờ
do Đức Ông làm quản xứ. Đây là ngôi nhà thờ VN có khuôn
viên rộng lớn nhất tại thành phố Houston. Giáo xứ có hơn
5000 giáo dân VN. Đặc biệt trong ngôi nhà thờ này, các ghế
dài được đóng cong cong như vòng cung để các bàn ghế xoay
tròn thành nữa vòng tròn trước bàn thờ chính, nhưng vẫn chừa
ba lối đi ở giữa và hai bên. Mặc dù sức khỏe có phần hạn chế,
nhưng Đức Ông vẫn vui vẻ tiếp chuyện với ba anh em thật
lâu, thật cởi mở thân tình và không hề biết mệt là gì. Cầu xin
Chúa cho Đức Ông khỏe luôn.

Lại một lần nữa, xin cám ơn gia đình Lê Thành đã chủ
động tổ chức mời anh em CSB họp mặt tại gia đình ở
Arlington vào ngày Chúa Nhật 29/8. Cám ơn các bạn đã
không ngại đường xá xa xôi, không ngại một địa chỉ xa lạ, lái
xe theo GPS hướng dẫn để đến nơi gặp gỡ đúng giờ. Tại cuộc
hội ngộ Arlington, ngoài vợ chông con cái của Lê Thành 70,
vợ chồng bác Thức, vợ chồng chú Đông 72, Trần Thái 61, lần
đầu tiên tôi gặp chú Đỗ Vy Hạ, Admin của meo đàn CSB, còn

Trần Thái 51 gặp các anh em khác cũng lần đầu tiên. Cám ơn
chú Đỗ Vy Hạ rất nhiều về công trình vĩ đại của chú là meo
đàn CSB, vì nó đã giúp cho anh em CSB bốn biển tìm lại
nhau, cụ thể là cuộc gặp ngày hôm nay. Cuộc gặp gỡ
Arlington rất thâm trầm và sâu lắng. Đúng là một cuộc gặp có
tính cách lịch sử giống như cuộc gặp gỡ Houston. Gặp gỡ
Arlington không thể kéo dài, vì diễn ra tối Chúa Nhật và ngày
mai anh em lại phải đi làm. Món thịt ba bê kiu cuốn bánh
tráng, món tôm nướng do ông bà chủ chiêu đãi ngon ơi là
ngon. Rượu nho của Trần Thái cúng dường cũng cạn hết veo.

Ngồi trên phi cơ của hảng hàng không American Airlines
trở về lại Ohio, tôi vẫn miên man hình dung lại những hình
ảnh thân thương của từng khuôn mặt anh em vừa gặp trong
những ngày sống tại Texas và suy nghĩ không biết bao giờ sẽ
gặp lại nhỉ.
****
Xin cám ơn gia đình chú Cường 72 đã tài trợ chuyến
bay round trip từ Dayton đến Baltimore cũng như mọi điều
kiện vật chất và tinh thần cho tôi trong 5 ngày tại tiểu bang
Virginia. Tôi đã đến phi trường Baltimore vào lúc 5 giờ
chiều ngày 2/9 và đã được chú Cường đón tiếp tận nhà ga
sân bay. Virginia trông mát mẻ và xanh tươi hơn Texas
nhiều.Tiết trời ở Texas rất nóng, nhưng Virginia thì lại mát
mẻ giống như Đà Lạt, nhưng cây cối nhiều hơn. Mặc dù
công việc làm ăn bận rộn, nhưng chú Cường và gia đình đã
dành cho tôi nhiều sự ưu ái trong việc sắp xếp nơi ăn chốn

ở, di chuyển, liên lạc, cũng như bày binh bố trận sắp xếp
chương trình tham quan các nơi. Tôi còn được cái may mắn
là đến tiểu bang này đúng vào dịp cuối tuần và nhằm vào
ngày lễ Labor Day của Hoa Kỳ. Có một điều đáng tiếc là
thời gian lưu lại quá ít nên tôi không thể thăm viếng biết
bao công trình kiến trúc, nghệ thuật đáng xem ở
Washington D.C. Nếu muốn đi thăm cho hết khu The
National Mall mênh mông bát ngát tại thủ đô Hoa Kỳ này,
có lẽ tôi phải để ra cả tháng trời mới thỏa mãn phần nào.
Nhờ sự nhiệt tình năng nổ hy sinh quên mình của chú
Cường, tôi đã được vừa đi xe vừa cuốc bộ ròng rã trong hai
ngày tại thủ đô Hoa Kỳ. Đây có thể nói là chuyến đi bộ dài
nhất trong cuộc đời của tôi. Hai anh em chúng tôi hòa vào
cùng dòng người đông đảo gồm nhiều sắc dân trên thế giới
đến chiêm ngưỡng Washington Monument (Cây Bút Chì),
Reflecting Pool, Lincoln Memorial, Korean War Veterans
Memorial, World War II Memorial, Vietnam Veterans
Memorial, Franklin Delano Roosevelt Memorial, National
Gallery Of Art, Tiding Basin, National Air and Space
Museum. Ngoài ra chúng tôi không quên vào thăm Basilica
of the National Shrine of the Immaculate Conception.Trong
crypte phía dưới thánh đường đồ sộ này, có bố trí nhiều
hình ảnh lớn với chú thích tiếng Anh nói về cuộc đời của
Mẹ Tê rê xa Can cút ta. Chú Cường đọc tiểu sử của Mẹ Tê
rê xa Can cút ta đến mê mẩn quên cả thời gian và chú không
quên bình luận: “Việc Chúa làm thật là kỳ diệu. Một phụ nữ
yếu đuối đã làm những công việc thật vĩ đại”. Chuyến viếng
thăm thánh đường này diễn ra vào ngày 4/9 và không nằm

trong chương trình, nhưng chỉ là ngẩu hứng của chú Cường.
Ngày 5/9 là ngày mất của Mẹ Tê rê xa. Anh em nghĩ có lạ
lùng hay không. Anh em chúng tôi còn chứng kiến cuộc
rước kiệu kính Đức Mẹ Vailankanni (Our Lady of Good
Health) của cộng đoàn Công giáo Ấn Độ tại đây. Đây là
cuộc hành hương hàng năm lần thứ mười ba của họ. Thật là
một cuộc viếng thăm bổ ích và đáng nhớ .
Chúc sức khỏe gia đình Cường-Chi. Chúc hai cháu Denny
và Trisha học giỏi và ngoan hiền.
Xin cám ơn chú Sương 62, người bạn tôi vừa gặp lại sau
hơn 40 năm xa cách. Chú Sương đã vì tình nghĩa bạn bè xin
nghỉ vacation một ngày để đón tôi lúc trời còn mờ hơi
sương vào sáng sớm và đưa tôi qua tiểu bang Maryland
hành hương núi Đức Mẹ Lộ Đức, thăm trường đại học
Mountains St Mary’ s University, nhà nguyện thánh
Antoine. Đây là mảnh đất của Đức Mẹ, nên việc thiết lập
một nơi hành hương dành cho Đức Mẹ, một đại học mang
tên của Mẹ thật là điều xứng đáng và hợp lý. Tại đây hang
đá và tượng Đức Mẹ mô phỏng hoàn toàn giống như hang
đá và tượng Đức Mẹ tại Lộ Đức (Pháp). Ở đây giáo phận sở
tại cũng dành một nơi xứng đáng để đặt bàn thờ và tượng
Đức Mẹ La Vang. Khu kính viếng này do một gia đình
người VN dâng cúng xây dựng. Cảnh trí tại đây rất yên tĩnh
thơ mộng vì nằm ở lưng chừng sườn đồi và ẩn nấp dưới
rừng cây thông và cây ôn đới với nhiều chim muông tự do
vui hót líu lo chuyền cành. Đúng là một nơi lý tưởng để cầu
nguyện, suy niệm và nâng tâm hồn lên cùng Chúa và tạm xa
lánh cuộc sống bon chen xô bồ cơm cá gạo tiền nơi trần thế.

Nhân sắp đến ngày lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ, hai anh em
chúng tôi cũng không quên vào thắp hai cây nến để cầu
nguyện cho gia đình và anh em CSB khắp nơi.
Sau đó chúng tôi đến Gettysburg, thành phố lịch sử của tiểu
bang Pennsylvania. Thành phố này là nơi xưa kia đã diễn ra
những trận đánh lớn kéo dài trong ba ngày, tức ngày 1,2,3
tháng 7 năm 1863 giữa quân đội Nam-Bắc trong cuộc nội
chiến Hoa Kỳ. Chúng tôi đã cùng tham gia tour du lịch vòng
quanh thành phố cổ này bằng xe buýt trong gần hai tiếng
đồng hồ ngang qua tất cả các địa điểm đáng nhớ của ba
ngày đẩm máu. Ấn tượng nhất có lẽ là Thung lũng Tử Thần
nơi có hàng ngàn quân lính hai phe đã ngã gục. Rất tiếc một
điều là chúng tôi chỉ nghe được lõm bõm tiếng Mỹ, nên
không thể hiểu chi tiết trận đánh, mặc dù trên xe hai chúng
tôi là những người giỏi tiếng Việt nhất.Tại Gettysburg, có
rất nhiều nhà cổ, nhiều viện bảo tàng lịch sử và nhiều cửa
hàng bán đồ lưu niệm chuyên bán tất cả những hiện vật có
liên quan đến tổng thống Abraham Lincoln và cuộc chiến
giải phóng dân nô lệ da đen tại Hoa Kỳ như bưu thiếp, ảnh
tượng, sách, đồng xu, mô hình quân lính, súng ống và đủ
thứ đồ dùng in hình tổng thống Abraham Lincoln…v.v.
Chúc sức khỏe gia đình Sương-Tươi.
Xin cám ơn gia đình chú Định 61 đã tiếp đón tôi và gia đình
chú Cường bằng một bữa cơm thân mật đầm ấm tại biệt thự
của gia đình tại Fairfax. Tôi và chú Định gặp lại lần đầu tiên
sau bốn mươi năm xa cách. Long Định của chúng ta vẫn
chan hòa tình cảm như thuở nào, chỉ có mái tóc của chú
không còn đen như ngày xưa, có lẽ lo lắng nhiều cho thời

cuộc. Vì hai con học ở xa, nên biệt thự rộng mênh mông bát
ngát chỉ còn hai vợ chồng già nâng khăn sửa túi cho nhau,
sớm tối tắt đèn có nhau. Để đáp lại cuộc hội ngộ tại Fairfax,
gia đình Cường-Chi cũng đã tổ chức bữa cơm chiêu đãi tại
gia đình vào ngày hôm sau. Hai cuộc hội ngộ giữa tôi và hai
gia đình CSB thuộc các thế hệ khác nhau đọng lại trong tôi
những kỷ niệm đẹp đẽ khó quên của tình bạn bè trên vùng
đất xa cách VN nửa vòng trái đất. Chúc sức khỏe gia đình
chú Định.
Xin tạm biệt tất cả các anh em CSB tại hai tiểu bang
Texas và Virginia, Xin các bạn đón nhận tấm lòng biết ơn
sâu sắc của tôi dành cho tất cả các bạn. Cầu chúc cho gia
đình các bạn mãi mãi hạnh phúc trên quê hương thứ hai của
mình.

West Chester (Ohio) 9/9/2010
Kim Ngân 59