Một vinh dự trong cuộc đời (Nguyễn Thành Thống 60)

Một vinh dự
trong cuộc đời

Tôi có mơ cũng không thể nào được học ở một trường
danh tiếng và danh giá như Trường Thiên Hựu (Institut de
la Providence) Huế, nếu tôi không “đi chủng viện”. Nhưng
khi tôi đang học ở đó thì không hề cảm thấy vinh dự gì cả
vì quá bận “chúi mũi” vào việc học. Về sau khi lên Đại
Học tôi có nghe nói thầy này thầy nọ đã từng là học sinh
của Trường Thiên Hựu. Toàn là các giáo sư nổi tiếng lúc
bấy giờ: Dương Thiệu Tống, Bùi Xuân Bào, Lê Thanh
Minh Châu, Tôn Thất Thiện, Lý chánh Trung… Tôi còn
nghe nói Trịnh Công Sơn cũng là cựu học sinh Thiên Hựu
nữa. Sau 75 tôi lại nghe ông Tạ Quang Bửu từng dạy ở
Trường Thiên Hựu. Hai vị dạy ngôn ngữ học ở miền Bắc
khá nổi tiếng là Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo cũng “tự
hào” đã từng học ở Trường Thiên Hựu, tuy chỉ học một
hai năm đầu trung học mà thôi. Hai ông này “khoe” là đã
học tiếng Latinh và tiếng Hi Lạp ở trường này. Ông Phan
Ngọc rất hãnh diện vì đã được học hai cổ ngữ này ở
trường Thiên Hựu. Tôi không biết ông đã học được gì
trong thời gian ngắn ngủi này vì sau đó ông phải đi ra Bắc.
Ông Cao Xuân Hạo thì bảo rằng cái vốn tiếng Anh và
ngôn ngữ học của ông sở dĩ khá lên được là nhờ học ở
trường này, nhờ được học tiếng Anh và đọc sách ngôn ngữ
học bằng tiếng Anh trong khoảng thời gian học ở Trường
Thiên Hựu. Tôi chưa kịp hỏi ông vì sao chỉ mới học ở
những lớp đầu cấp mà tìm ra sách và đủ sức đọc sách ngôn
ngữ học bằng tiếng Anh như thế thì ông đã qui tiên mất

rồi. Nhưng dầu gì thì các vị đó cũng rất đề cao Trường
Thiên Hựu. Thế nhưng tôi không tìm đâu ra những tài liệu
viết về Trường Thiên Hựu Huế. Duy nhất chỉ có một bài
của cha Lefas đăng trong Bulletin des M.E.P. năm 1951.
Cả đến khi phương tiện vi tính khá thịnh hành ở Việt Nam
này, nghĩa là sau năm 2000, tôi cũng chỉ tìm được một bài
tương đối hoàn chỉnh viết về ngôi trường này, và thực tế
thì bài đó có trọng lượng nhờ bản dịch bài viết của cha
Lefas đính kèm sau đó. Đó là bài “Nhớ về Thiên-Hữu
Học-Đường” của Phạm Nguyên Hanh. Tôi có tìm trên
mạng ở Archives des MEP nhưng chỉ tìm được những
thông tin rời rạc về Institut de la Providence mà thôi. Gần
đây tôi có đọc được, rất tiếc, chỉ một vài trích đoạn bài
viết của anh Nguyễn Xuân Hồng, một cựu học sinh của
trường, về chuyến du hành của cha Lefas lần cuối cùng về
Việt Nam (10-25/5/2001). Và chỉ có thế. Có điều lạ là hiện
nay có rất nhiều blog, website viết về các ngôi trường cũ,
nhưng các cựu học sinh của ngôi trường nổi tiếng và kỳ
cựu Thiên Hựu thì vẫn im hơi lặng tiếng. Cũng may gần
đây tôi đã tìm được mailbox của một số bậc đàn anh cựu
học sinh Thiên Hựu và do đó có bài viết này. Quả thật
Trường Thiên Hựu không phải là “thùng rỗng” nên không
“kêu to”.

Thật ra con cái của một giáo làng nhà quê nhất nước như
tôi thì không thể nào có cơ hội được học ở một trường
danh giá như Thiên Hựu Học Đường nếu không “đi chủng
viện”. Nói ra thì thật rắc rối. Nhưng dù có thế nào thì tôi
cũng sẽ nói ra. Bố tôi ngày xưa có đi Tiểu Chủng Viện
Làng Sông Qui Nhơn đến hết lớp Cinquième thì “xuất”.
Theo lệ thường người Công Giáo Việt Nam thì nếu bố

“xuất” thì con trai lại tiếp tục “nhập” chủng viện. Vì thế
tôi có mặt ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển (Petit Séminaire
Stella Maris) thuộc Giáo phận Nha Trang từ năm 1960.
(Nhưng tôi lại “xuất” năm 1969 mà con tôi thì không thể
nào “nhập” được vì là “nữ nhi”. Vì thế qui trình “xuất
nhập” kia bị gián đoạn.) Truyền thống của TCV Sao Biển
Nha Trang là theo chương trình Trung học của Pháp, ngắn
gọn thường gọi là “chương trình Pháp”. Mà quả thật phải
như thế vì đa số các giáo sư của TCV này là các linh mục
người Pháp thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris
(M.E.P.). Thế nhưng ở đây thường thì các chủng sinh chỉ
học đến thi xong Brevet, tức từ lớp Huitième đến hết lớp
Troisième, sau đó thì được gửi “du học” ở những trường
khác có dạy chương trình Pháp ở trong nước cho đến hết
lớp Terminale, tức thi xong Baccalauréat. Trước 1975 thì
có nhiều trường nhưng vào thời chúng tôi, ở trong Nam
này chỉ còn các trường, Marie Curie Saigon, Yersin Dalat,
Adran Dalat, Providence Huế là còn dạy chương trình
Pháp ở deuxième cycle, tức từ Seconde đến hết Terminale.
Tôi được “du học” ở Providence. Trước chúng tôi, vào
những năm năm mươi, Giáo phận Nha Trang cũng đã từng
gửi các chủng sinh ra học ở Trường Thiên Hựu Huế rồi, và
một số chủng sinh ngày xưa ấy nay đã trở thành những
linh mục “sáng giá” của Giáo phận Nha Trang. Thật ra thì
đã có nhiều linh mục thuộc hai Giáo phận Huế và Nha
Trang đã từng học ở Trường Thiên Hựu. Đối với tôi, việc
được học ở Trường Thiên Hựu, nói theo ngôn ngữ “nhà
đạo” bây giờ, thì đây là Sự Quan Phòng (Providence). Vì
rất coi trọng điều này, và có thể nói là coi trọng nhất, cho
nên tôi mới lấy bút danh là Thiên Hựu. Thế là đầu năm
học 1966-1967 tôi được diện kiến các cha: Georges Lefas

Modeste Duval, Jean Oxarango, Mary Cressonnier, và
thầy Lâm Toại. Tôi có thấy cha Henri Petitjean ở đó nhưng
tôi không được học với ngài vì ngài chỉ dạy lớp Troisième.
Trong ban giáo sư còn có hai cha người Pháp của Giáo
phận Nha Trang gửi ra là các cha: Joseph Larroque và
René Gantier. Lúc bấy giờ cha Nguyễn văn Trong làm
hiệu trưởng và cha Nguyễn văn Phước làm quản lý. Bên
chương trình Việt tôi còn thấy có cha tiến sĩ Nguyễn Tiến
Huynh và cha sử gia Nguyễn Phương, nhưng tôi không
được học với các vị này. Khi nói đến hay nghĩ đến Trường
Thiên Hựu thì tôi nghĩ ngay đến các cha, Lefas, Duval,
Oxarango, Cressonnier, Larroque, và thầy Lâm Toại, vì
các ngài trực tiếp dạy tôi và gây ấn tượng nhiều nhất.
Cha Georges Lefas được chính Đức Cha Lemasle đặt cho
tên tiếng Việt là Phước, người Việt thường gọi cha là Cố
Phước. Cha tiếp xúc với chúng tôi nhiều nhất vì ngài dạy
ba môn, Littérature, Histoire và Géographie. Nói về cha
Lefas thì có nhiều chuyện để nói lắm, không đủ chỗ để
viết ở đây, đành chỉ nói một vài điều thôi. Bạn bè tôi có
chế ra một từ mà chắc chắn trong Larousse không hề có.
Đó là từ Lefasisme. Ngài nói dài lắm. “Nói có dây có
nhợ”. Ngài đi dạy Littérature thường “rinh” theo cái
tourne-disque to đùng từ phòng của ngài ở tầng 2 dãy nhà
chính leo lên tầng 2 dãy phòng classe. Và ngài chỉ cho
chúng tôi nghe không quá 5 phút vào cuối giờ một đoạn
kịch, một đoạn văn, hoặc bài hát nào đó. Rất nhiều lần
ngài nói đến quên mất giờ giấc, có khi ngài vừa để kim
chạm đến đĩa thì có tiếng chuông báo hết giờ, và ngài chỉ
thở ra: “C’est dommage!” Và chấm dứt. Ngài chấm dứt thì
lúc nào cũng đúng giờ! Giáo án của ngài là một tờ giấy to
đã ngã màu vàng có dán chồng chất nối tiếp những mảnh

giấy nhỏ bổ sung. Chúng tôi nghĩ rằng các đại huynh của
chúng tôi ngày xưa đã từng thấy tờ giấy này, vì chắc là
ngài đã dùng giáo án này từ thời các đại huynh của chúng
tôi. Phương pháp analyse littéraire của ngài là “en trois
colonnes”…

Các trận đánh của Napoléon đều có ghi giờ giấc chính xác
từng phút! Vùng nào sản xuất thứ gì rõ ràng đâu ra đó.
Ngài có một thói quen “rất ư là dễ thương” là khi viết
bảng sai chữ nào ngài không dùng chiffon mà dùng nước
miếng để xóa đi rồi viết lại. Khi có bạn bụm miệng cười
ngài lỡ nghe được, ngài ngơ ngác quay lại: “Mais quoi
cà?” Tôi có người bạn cùng lớp đứng sau tôi mỗi lần chào
cờ buổi sáng thứ hai cứ hát nho nhỏ câu: “Père Lefas a la
barbe rousse…” trong khi lúc đó hàm râu của cha đã muối

tiêu chứ không đỏ. Thỉnh thoảng cha lại cào cào trên chòm
râu mắt nheo nheo sau đôi kính trắng trông ngồ ngộ. Cha
đã “sống chết” với trường Thiên Hựu (1937-1975). Có thể
nói, nói đến Trường Thiên Hựu là nói đến cha Lefas. Tôi
có nghe nói cha dạy thì dài dòng cặn kẽ như thế nhưng cha
thường nhắm vào trọng tâm để các học sinh của cha “trúng
tủ” trong các kỳ thi.
 Thực hư thế nào thì tôi không biết vì

tôi chỉ học với cha trong hai năm Seconde và Première mà
thôi, nghĩa là những năm không có thi, vì vào lúc ấy bên
chương trình Pháp bỏ thi Bac I rồi, chỉ thi Bac II ở cuối
lớp Terminale mà thôi. Có điều tôi cảm nhận được là tuy
cha nói dài nhưng chúng tôi vẫn chú ý lắng nghe và những
kiến thức chúng tôi nhận được trong những giờ dạy của
cha thì chắc chắn, chính xác, rõ ràng, và không thể nào
quên được. Thỉnh thoảng cha cũng có những cử chỉ, động

tác hay lời nói gây cười. Tôi nghĩ tính hài hước là một
trong những đặc tính của một hướng đạo sinh. Cha Lefas
là một huynh trưởng hướng đạo kỳ cựu mà. Tôi có nghe
nói cha có huy chương về giáo dục dưới thời Bộ trưởng
Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh. Tôi nghĩ cha Lefas của chúng ta
xứng đáng hơn nhiều, nói chi đến một huân chương. Ai đã
từng đọc bài viết “Une expérience scolaire au Vietnam.
L’institut de la Providence de Hué” đăng ở tờ Bulletin des
M.E.P. số năm 1951 từ trang 315 đến trang 323 mới thấy
cha Lefas quả là một nhà giáo dục có tầm nhìn chiến lược.
Nếu Đức Cha Allys là người đưa ra sáng kiến thành lập
Trường Thiên Hựu, hai Đức Cha Chabanon và Lemasle là
những người cố công thực hiện sáng kiến này với sự trợ
giúp của hai cha Dancette và Doucet thì cha Lefas có thể
được xem là linh hồn của Trường Thiên Hựu. Cha đã sống
với Trường Thiên Hựu cho đến ngày Trường Thiên Hựu bị
xóa tên để rồi sau đó mang tên là Trường Đại Học Khoa
Học Huế. Ngày 19/5/2001 Cha Lefas đã có dịp nhìn lại
căn phòng của cha ngày xưa, cạnh thư viện của Trường,
bây giờ đã trở thành phòng của các giáo sư. Cha đã nhận
ra ngay và đã chụp hình làm kỷ niệm. Thật là cảm động!
Một cha giáo sư khác không thể không nhắc đến mỗi khi
nghĩ hoặc nói đến Trường Thiên Hựu là cha Modeste
Duval. Hiện tại nếu nhắm mắt lại tôi vẫn có thể thấy hình
ảnh của cha. Một linh mục người Pháp cao lớn, mặc áo
dòng đen, tóc bạc, mang kính, chân đi sandale, tay cầm
cuốn sách Mathématiques của C.Bréard, đang giảng một
bài toán. Cha cầm sách nhưng không nhìn vào sách vì cha
đã thuộc lòng cả rồi, và cứ thế cha nói và viết các phương
trình lên bảng. Cha rất hài lòng đối với một bạn học của
tôi là Nguyễn văn Tiến, con của giáo sư toán học Nguyễn

văn Hai, khoa trưởng Đại học Khoa học Huế lúc bấy giờ,
vì mỗi lần được gọi lên bảng Tiến bao giờ cũng giải ngay,
nhanh, xuất sắc bài toán. Con nhà nòi mà. Như thể anh ta
đã được học trước với bố ở nhà vậy. Cha Duval quả là một
hiện tượng lạ đối với tôi. Cha rất nghiêm nhưng hiền. Tôi
chỉ thấy cha nổi giận một lần trên lớp. Hôm đó một thằng
bạn không giỏi toán của tôi bị gọi lên bảng, nó chẳng làm
được gì, cha giảng giải xong buông thõng một câu:
“Fichez moi le camp!” Chỉ có thế. Cha không bao giờ cười
khi đang giảng bài trong lớp. Nhưng ngoài lớp thì tôi thấy
cha cười rất tươi, nhất là mỗi khi cha làm xong chìa khóa
valise cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi báo mất chìa khóa.
Biết thế có nhiều đứa bạn của tôi giả bộ mất chìa khóa đến
báo với cha, thế là cha đến ngay nhà ngủ, đeo kính một
mắt của thợ đồng hồ vào, nhìn vào ổ khóa, rồi cha phát ra
tiếng cười kha kha. Ngày hôm sau “khổ chủ” có ngay một
chiếc chìa khóa, khi thì hình khẩu súng rouleau, lúc thì
hình con dao cái kiếm, hay một thứ gì đó. Cha rất khéo
tay. Tôi thấy cha Duval cười duy chỉ một lần trong giờ lớp.
Hôm đó cha đang giảng bài thì thằng bạn ngồi bên cạnh
muốn nhảy mũi. Nó sợ quá nên cố bụm mũi miệng lại.
“Sức người có hạn”. Và một âm thanh lạ phát ra. Cha
Duval đứng trên bục nhìn xuống thấy được, cha nở một nụ
cười rất tươi đầy thông cảm. Đó là nụ cười duy nhất. Tôi
gọi đó là “nụ cười hai niên khóa”, vì tôi chỉ được học toán
với cha ở hai lớp Seconde và Première mà thôi. Sau Biến
cố Tết Mậu Thân 68 chúng tôi phải rời khỏi Trường Thiên
Hựu. Tôi luôn tiếc không được học toán lớp Terminale với
cha Duval. Vì tôi luôn nghĩ rằng cha là một nhà toán học
rất cừ. Có lần tôi mò vào phòng cha để xem cha làm chìa
khóa. Đúng là nhà bác học! Đồ đạc trong phòng bề bộn

lắm. Trên bàn viết một mớ hổ lốn giấy tờ sách vở! Giường
ngủ? Ôi thôi! Hình như cha bận đến người khác nhiều hơn
là bận đến con người của cha. Có lúc tôi lại thấy cha đang
khom lưng sửa xe cho ai đó ở trước trường. Cha Duval
luôn là thần tượng toán học đối với tôi. Và có lẽ tôi mê
toán cũng vì cha Duval. Ngày nay các học sinh ít có được
các thầy thần tượng và ít chọn các thầy cô làm thần tượng
của mình mà thường chọn các diễn viên, ca sĩ, người mẫu;
lý tưởng hơn thì chọn nhà doanh nghiệp, nhà chính trị.
Tình hình này có nguyên do hai chiều.
Nhân vật thứ ba nổi tiếng ở Trường Thiên Hựu là cha Jean
Oxarango. Cha là một giáo sư kỳ cựu hai mươi năm
(1948-1968) ở Trường Thiên Hựu. Tôi chỉ được học với
cha trong một thời gian ngắn vì hai môn Physique, Chimie
về sau được giao lại cho một cha chi viện của Giáo phận
Nha Trang, cha Joseph Larroque, một cha người breton
cao lớn có cử nhân physique-chimie hẳn hoi. Có lẽ cha
Oxarango nổi tiếng vì sự kỳ cựu của cha và vì chuyện
chiếu phim hàng tuần của cha. Trong hai năm học ở Thiên
Hựu tôi đã có dịp xem như toàn bộ các phim Charlot. Cha
Oxarango cũng rất rành về máy móc và kỹ thuật. Trong
Biến cố Tết Mậu Thân 68 nghe nói cha đã quay phim được
nhiều cảnh tượng và phim ảnh quay được đó cùng với máy
móc đã bị tịch thu. Kể cũng tiếc lắm thay. Tôi không biết
các bậc đàn anh của tôi đã học môn gì với cha, nhưng các
chủng sinh trên tôi một lớp học ở Thiên Hựu thì học môn
Latinh với cha, lớp của tôi thì không. Lớp của tôi học môn
Latinh với cha Cressonnier.
Cha Mary Cressonnier từng là một giáo sư nhiều kinh
nghiệm ở Tiểu Chủng Viện. Cuối năm 1965 cha được gọi
về Huế để dạy Latinh cho các chủng sinh đang học ở

Trường Thiên Hựu, đồng thời phụ trách trong coi một
“nhà tập thể” ở gần Nhà Đèn, cách không xa Trường
Thiên Hựu. Cứ đến giờ lên lớp thì chúng tôi thấy cha đến
dạy. Vì cha không ở trong trường nên chúng tôi không biết
rõ về cha lắm. Trong Biến cố Mậu Thân 68 cha đã bị bắn
chết ở Phú Cam trên đường trở về nhà sau khi đến thăm
một dì phước đang bị thương, và phải 12 ngày sau người
ta mới nhận được xác của cha. Cha Cressonnier là mẫu
người điềm đạm hiền từ nhưng rất giỏi tiếng Latinh. Tôi
đã được học tiếng Latinh chính khóa từ lớp Sixième đến
hết lớp Troisième tại Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha
Trang với một cha rất rất giỏi Latinh là Cố Hồng
(J.V.Clause) và khi ra Trường Thiên Hựu lại tiếp tục học
Latinh với cha Cressonnier. Các học sinh khác không phải
chủng sinh thì học Anh văn, tôi không biết là với thầy nào.
Vì không có thì giờ nữa, nên việc học Anh văn của chúng
tôi phải tạm gián đoạn trong hai năm học ở Trường Thiên
Hựu. Tôi rất lấy làm tiếc về việc gián đoạn này, vì trước
đó ở TCV Sao Biển Nha Trang từ lớp Sixième cho đến hết
lớp Troisième chúng tôi đã học tiếng Anh chính khóa với
một vị tiến sĩ văn chương Anh, cha Hoàng Kim Đạt. Việc
học Anh văn này sẽ lại được tiếp tục sau Biến cố Mậu
Thân 68, khi tôi về học lớp Terminale ở Collège d’Adran
Dalat. Sở dĩ tôi nhấn mạnh những chuyện này vì cũng may
cha Cressonnier rất giỏi Latinh cho nên việc học của tôi
cũng đỡ buồn. Đối với tôi môn Latinh không phải là khó
lắm nhưng phải “trường kỳ” và hiếm có vị giáo sư nào dạy
hay môn Latinh lắm.
Như đã thấy hai năm học ở Trường Thiên Hựu chúng tôi
không theo một ban (série) nào cả; môn nào cũng chính
cả. Nếu nói về littérature thì quả thật chúng tôi theo série

A (littérature-philosophie). Về Mathématiques thì chúng
tôi theo série C (mathématiques élémentaires); chúng tôi
dùng sách của C. Bréard, một tác giả thiên về tân toán học
và vecteur. Về Physique-Chimie thì chúng tôi theo série D
(Sciences naturelles). Về Latinh thì đúng là Latin pur. Về
Việt văn thì chúng tôi theo đúng chương trình Việt văn lớp
11 và lớp 12 chương trình Việt. Và người đã “phá luật”
dạy Việt văn đúng chương trình Việt đó là thầy Lâm Toại.
Thầy cũng là một huynh trưởng hướng đạo kỳ cựu cho nên
ngoài Việt văn ra chúng tôi cũng được nghe nói về hướng
đạo rất nhiều. Và chúng tôi cũng bắt đầu “chơi hướng
đạo” từ lúc đó. Chuyện này chắc cha Lefas biết và bằng
lòng. Việc thầy Lâm Toại dạy Việt văn đúng chương trình
Việt đã tạo cơ hội tốt để tôi thi Tú Tài I và Tú Tài II bên
chương trình Việt. Và kết quả là cuối năm lớp Première tôi
đã có bằng Tú Tài II ban C của chương trình Việt, với
hạng Bình Thứ; số người đậu thứ hạng này ở ban C thuộc
Hội đồng thi Nha Trang năm 68 đó chỉ có 4 người. Tôi kể
lại chuyện này cốt yếu chỉ muốn nói đến sự thức thời của
thầy Lâm Toại cùng với hiệu quả dạy dỗ của các giáo sư
của Trường Thiên Hựu, tuy việc thi Tú Tài chương trình
Việt của tôi chỉ là một dạng mà bạn bè tôi gọi là “thi chơi”
mà thôi.
Chúng ta chỉ mới đề cập đến các giáo sư chương trình
Pháp của Trường Thiên Hựu trong hai niên khóa 1966-
1967 và 1967-1968. Đây quả là một ban giảng huấn chất
lượng cao, đầy kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết. Còn môi
trường học tập thì như thế nào?
Năm 1966, khi ra đến nơi thì tôi sửng sốt đứng trước một
dãy nhà dài khoảng trăm mét, gồm một trệt hai lầu, có
dáng dấp tây phương hơi xa lạ với môi trường chung

quanh, cuối dãy là một nhà nguyện nhỏ xinh xắn nằm bên
trên một hậu trường. Tôi nghe nói dãy nhà chính dài và đồ
sộ kia là đồ án của kiến trúc sư-thầu khoán Đinh Doãn
Sắc, và ngôi nhà nguyện là bản vẽ của André Duthoit, một
kiến trúc sư thân quen của cha Lefas. Trong dãy nhà chính
này ở tầng trệt có phòng étude dành cho học sinh nội trú.
Ở tầng một có các phòng của các cha giáo sư, và thư viện
đồ sộ của trường. Ở tầng hai có phòng ngủ của các học
sinh nội trú. Bên trên là sân thượng rộng thoáng, từ đó có
thể nhìn thấy bao quát chung quanh; có thể trông thấy Núi
Ngự Bình trước mặt. Phía sau, thẳng góc với dãy nhà
chính là ba dãy nhà dài khác, ở đầu phía tây là một dãy
nhà gồm một trệt một lầu, bên dưới gồm hai phòng classe,
một phòng ăn, một nhà bếp, trên lầu có những phòng
classe và phòng cha quản lý. Cuối dãy này là nhà của các
soeurs lo việc y tế, ẩm thực. Song song với dãy nhà này,
sau khi ngang qua một sân bóng rỗ là một nhà chơi (préau)
dài có mái che, ở đây có đặt hai bàn bóng bàn. Sau khi
ngang qua một sân rộng khác có cột cờ là một dãy nhà dài
khác, gồm một trệt và hai lầu dùng làm các phòng classe.
Song song với dãy nhà chính là một sân bóng đá khép
cạnh tạo thành một hình chữ nhật to lớn. Rõ ràng học sinh
Thiên Hựu được giáo dục toàn diện, cả trí tuệ, tâm hồn và
thể xác. “Mens sana in corpore sano.” Đội bóng đá của
chúng tôi đã từng gây sóng gió ở các sân Quốc Học và
Hàm Nghi. Và chúng tôi luôn được các soeurs chăm sóc
kỹ lưỡng về y tế và ẩm thực. Vào lúc ấy tình hình kinh tế
không sáng sủa gì nên chúng tôi thường xuyên đối mặt với
những món ăn “truyền thống” của một trường trung học
nội trú xứ Huế là mắm ruốc, vả và thịt trâu. Có “gian khổ”
đó, nhưng tất cả chúng tôi đều khỏe. Cả một khoảng đất

rộng này trước đây vốn là đồng ruộng đầm lầy và phải mất
đến 6 năm (1933-1938) mới hoàn tất toàn bộ công trình
này. Có biết rằng cơ sở đồ sộ này chỉ là một trường trung
học và đã xây xong từ năm 1938 trong một hoàn cảnh cực
kỳ khó khăn thiếu thốn đủ điều thì mới thấy được các nhà
hoạch định và thực hiện dự án đã quyết tâm ra sao và coi
trọng việc giáo dục đến thế nào. Việc nhà nước, sau năm
1975, đã lấy cơ sở này làm một trường Đại học cho thấy
các Đức Giám Mục Allys, Chabanon, Lemasle đã thống
nhất lập trường và có tầm nhìn chiến lược đáng nể phục.
Trong hai niên khóa 1966-1967 và 1967-1968 tôi đã được
vinh dự ăn ở học tập trong môi trường như thế. Là học
sinh nội trú của Trường Thiên Hựu, chúng tôi phải tuân
thủ nội quy kỷ luật phải nói là rất “spartiate”. Giờ ngủ, giờ
dậy, giờ ăn, giờ học, giờ chơi đâu ra đó; chẳng khác nào
trong tu viện. Mỗi tuần chúng tôi chỉ được đi ra ngoài
(sortie) một lần từ 9 giờ đến 11 giờ nếu trong tuần không
vi phạm kỷ luật. Nếu về trễ tuần sau sẽ bị cấm túc ngay.
Có hai thầy giám thị kiểm tra bất cứ lúc nào. Tôi đã mất
hẳn thói quen ngủ trưa từ khi học ở Trường Thiên Hựu, vì
sau cơm trưa nhà trường chỉ cho học sinh lên phòng ngủ
đúng 15 phút, không phải để ngủ trưa nhưng để lấy đồ đạc
vật dụng mà thôi. Cũng may tôi đã quá quen cái dạng nội
qui này vì trước đó tôi đã sống ở Tiểu Chủng Viện Sao
Biển Nha Trang sáu năm (1960-1966) rồi. Nhưng rõ ràng
năm sáu mươi học sinh nội trú, trong đó chỉ có khoảng
mươi người là chủng sinh, vẫn chấp hành nghiêm chỉnh
nội qui của nhà trường. Riêng bản thân tôi thì nghĩ rằng
ngày nay tôi được như thế này một phần là do khi còn ở
tuổi học sinh tôi đã áp dụng quy tắc giờ nào việc nấy, tiếng
Latinh gọi là “age quod agis”. Thật ra số học sinh nội trú

của Trường Thiên Hựu chỉ là thiểu số, đa số vẫn là ngoại
trú, cho nên sự thành công của trường chủ yếu là do chất
lượng giảng dạy trong đó vai trò của các giáo sư cũng như
nội dung chương trình là cực kỳ quan trọng.
Một điều rất hệ trọng chúng ta cần nhấn mạnh ở đây là sự
quan tâm lo lắng, có thể nói là hàng đầu, của cấp lãnh đạo
Công Giáo cao nhất của Giáo phận Huế đối với Trường
Thiên Hựu ngay từ những ngày đầu thành lập Trường.
Chúng ta chỉ cần đọc đoạn văn sau đây trích từ “Rapport
annuel des évêques” năm 1933 do Đức Giám mục
Chabanon viết thì sẽ thấy ngay điều này:
La construction la plus importante de l’année, et qui n’a
pas à redouter la dent des termites, c’est notre
établissement d’enseignement secondaire. Nous l’avons
appelé le collège de la Providence . C’est la divine
Providence, en effet, qui a tout conduit ; et c’est sur elle
uniquement que nous devons compter pour tout mener à
bonne fin. Les débuts d’ailleurs sont pleins de promesses.
Les candidats se sont présentés nombreux, si nombreux,
que nous avons dû par un concours en éliminer une
soixantaine. Il était entendu qu’on n’ouvrirait, cette année,
qu’une classe, la sixième, pour commencer l’étude du
latin, et les petits cours préparatoires à la sixième. Nous
avons pris cette mesure, d’abord pour nous donner le
temps de respirer, car nous sommes à bout de souffle, et
aussi parce qu’il convient de commencer par le
commencement ; garder longtemps les mêmes élèves est le
seul moyen de leur donner l’instruction et surtout la
formation morale qu’eux et leurs parents attendent de
nous. Le Collège s’enrichira ainsi, chaque année, d’un
cours jusqu’à la rhétorique et la philosophie. Les élèves
admis sont au nombre de 130, dont près de 80 pour la
seule classe de sixième, qui a été forcément divisée en
deux sections. Fils de familles influentes : ministres,

mandarins de tout grade, fonctionnaires des diverses
administrations, ils feront plus tard partie de la classe
dirigeante du pays. L’œuvre semble donc appelée à faire
beaucoup de bien ; elle a été accueillie dans tous les
milieux avec une sympathie visible. On peut, du reste, lui
faire confiance, car elle est en bonnes mains. La touchante
abnégation avec laquelle M. Lemasle, mon Provicaire, le
P. Thuc, MM. Dancette et Massiot en ont accepté la
charge, le zèle intelligent avec lequel ils s’acquittent de
leurs nouvelles fonctions, leurs qualités d’esprit et de
cœur, son de sûrs garants du success
.
« Ce succès prévu, et dont ils sont les premiers à se
réjouir, n’est pas sans causer quelque souci au Supérieur
de l’établissement et au Vicaire Apostolique. Où trouver
de nouveaux maîtres ? comment combler, ne serait-ce
qu’en partie, le vide creusé dans nos finances par cette
entreprise ? où se procurer des ressources pour les
constructions nouvelles qui ne tarderont pas à s’imposer…
? Mais ne regardons pas trop loin dans l’avenir.
Rappelons-nous le passé, et disons de tout cœur : Deo
Gratias ! Oui, grâces à Dieu, et à tous ceux qui ont été
pour sa gloire et le bien des âmes, ses généreux
instruments. »
( đại ý: Việc xây dựng trường Thiên Hựu dành cho ngành
giáo dục đệ nhị cấp là vấn đề quan trọng nhất trong năm.
Mọi sự là nhờ Chúa Quan Phòng. Các tuyển sinh quá
đông nên chỉ thi lấy có 130 và loại hết 60. Trường chỉ mở
có một lớp 6 để bắt đầu học tiếng latinh và các lớp dự bị
vào lớp 6. Lớp 6 có 80 em được chia làm hai khối,. Đa số
các em là con cái của các gia đình danh giá thuộc thành
phần lãnh đạo xứ sở như bộ trưởng, quan lại, các viên
chức thuộc đủ các ngành. Công việc này được mọi giới
hoan hỉ đón nhận, vì nhà trường quan tâm đến việc giáo
dục kiến thức và đạo đức, cũng như những người đứng ra

tổ chức có nhiều tài năng và tâm huyết. Điều khó khăn mà
cha giám đốc và phó giám mục tông tòa ưu tư là tìm kiếm
thầy dạy, tài chính và nguồn lực xây dựng trong tương lai.
Nhưng đừng nghĩ ngợi xa xôi, trước hết hãy cám ơn Chúa
và những người hào phóng vì danh Chúa và phần rỗi các
linh hồn. -KN59)
Năm 1938 trong “Rapport annuel des évêques” vị Giám
mục kế nhiệm, Đức cha Lemasle lại tiếp tục bày tỏ sự
quan tâm này: « De tous nos établissements d’éducation,
celui de la Providence m’a causé le plus de soucis. La
nomination de Mgr Thuc, le rappel en France de M.
Massiot et le départ d’un professeur laïc m’ont mis dans
un grand embarras, malgré l’arrivée de M. Quéguiner de la
Mission de Mysore. Je veux exprimer ici toute ma
reconnaissance à S. E. Mgr Despatures qui a bien voulu
nous céder un de ses missionnaires. Dans le courant du
mois d’août, un mois avant la rentrée, nous n’avions pas le
nombre de professeurs requis pour la nouvelle année
scolaire. Quelques confrères étaient d’avis de supprimer
certains cours, d’autres de fermer purement et simplement
le collège. Grâce à la divine Providence et à sainte Thérèse
de l’Enfant Jésus à laquelle j’ai confié la maison d’une
façon spéciale, les professeurs qui manquaient ont pu être
trouvés. Nos suppliques adressées à NN. SS. le Délégué
Apostolique en Indochine et les Vicaires Apostoliques de
Thanh Hoa et Hung Hoa ainsi qu’au très cher Frère
Visiteur des Ecoles Chrétiennes, ne sont pas restées sans
réponse. Mgr Drapier nous a donné l’un de ses secrétaires,
le R. P. Trémau ; Mgr De Cooman, M. Clauzier ; Mgr
Vandaele, M. Mazé et le Très Cher Frère Donatien-Jules,
le Cher Frère Xavier, liencié ès sciences. De plus, le R. P.
Larouche, Supérieur du Juvénat rédemptoriste, fait au
collège les cours d’instruction religieuse. A tous j’adresse
mes respectueux et bien sincères remerciements. La
marche régulière de la maison semble donc assurée pour la
nouvelle année scolaire, mais ce n’est encore que du

provisoire. Plaise à Dieu que les démarches faites en
Europe pour avoir un personnel stable réussissent enfin.
Malgré tout, je termine ce compte rendu en faisant pleine
et entière confiance à la divine Providence qui
n’abandonne jamais les siens.
(Đại ý: ĐC Lemasle ưu tư lo lắng đối với trường Thiên
Hựu do việc thiếu người lãnh đạo cũng như các giáo sư
cho năm học mới. Vài người có ý kiến bỏ bớt một số môn,
hoặc đóng cửa trường. Nhưng nhờ Chúa Quan Phòng và
Thánh Nữ Tê rê xa Hài Đồng Giê su cầu bầu, trường đã
có một đội ngũ giáo sư đầy đủ cho năm học mới như giám
mục De Cooman, Giám mục Vandaele, Cha Tremau, cha
Larouche, các sư huynh Donatien-Jules, Xavier…vv.Đức
Cha hy vọng vào những cuộc vận động bên Châu Âu về
nhân sự cho trường và trông cậy vào Chúa Quan Phòng,
Đấng không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài- KN59)
Chưa hết, cả những lúc khó khăn nhất, Đức Giám mục
Lemasle cũng dành ưu tiên cho Trường Thiên Hựu:
Vì sao Trường Thiên Hựu lại là mối ưu tư hàng đầu như
vậy? Vì những vị sáng lập Trường Thiên Hựu nhắm ba
mục tiêu sau đây. Hãy đọc những gì mà vị được xem là
linh hồn của Trường Thiên Hựu, cha Georges Lefas, viết:
“1- On voulait avant tout entrer en contact au moyen de
l’enseignement secondaire avec les familles, nombreuses à
Hué, des anciens Lettrés. Celles-ci désiraient, en effet,
donner à leurs enfants une sérieuse culture moderne, et des
principes de vie morale capables d’étayer les traditions
familiales assez entamées par la civilisation
contemporaine.( Đại ý: nhờ công cuộc giáo dục ở đệ nhị
cấp, trường có thể tiếp xúc với gia đình của tầng lớp trí
thức đông đảo ở Huế. Họ muốn con em họ tiếp thu một
nền văn hóa hiện đại đứng đắn và những nguyên tắc của

đời sống đạo đức có thể củng cố những truyền thống gia
đình bị tổn thương do nền văn minh đương thời)
2- En même temps, il s’agissait de proposer le message
chrétien á tous ces jeunes gens, afin de préparer, dans leur
milieu social, une mentalité de compréhension et de
rapprochement vis-à-vis de l’Église catholique. .(Đại ý:
đưa ra một thông điệp ki tô giáo cho các bạn trẻ, để chuẩn
bị cho họ một tinh thần cảm thông và xích lại gần Giáo
Hội Công Giáo)
3- Enfin, on avait songé, pour plus tard, à greffer sur le
cycle secondaire certaines branches de l’enseignement
supérieur, à la manière des Facultés catholiques de France
ou du Canada; c’est à quoi respondait en partie la
desnomination d”’Institut de la Providence.” .”( Đại ý:
Ghép vào trung học đệ nhị cấp một vài ngành học cao
cấp, theo mô hình các đại học Công Giáo ở Pháp và
Canada, vì vậy cách gọi tên “Viện Thiên Hựu” có thể đáp
ứng phần nào mục tiêu đó) (Une expérience scolaire au
Vietnam. L’Institut de la Providence de Hué. Bulletin
M.E.P. 1941, pp. 315-323).
(Và hãy nghe một người trong cuộc, một cựu học sinh của
Trường Thiên Hựu, một trí thức thành đạt và nổi tiếng,
ông Tôn Thất Thiện, nhận định:
“… Cũng như những năm đi hướng đạo, thời gian học
trường “Providence” góp một phần rất lớn trong sự tạo
điều kiện cho tôi tiến dễ dàng trên đường đời sau này.
Trường Providence là một “trường Tây” (dạy tiếng Pháp,
theo chương trình tú tài Pháp) thành lập năm 1933. Tầm
nhìn của những người sáng lập rất rộng, nên ảnh hưởng
của trường sau này cũng rất lớn. Trường của Giáo hội
Công Giáo và là trường Pháp, tất nhiên cũng có hậu ý gây
ảnh hưởng cho Công giáo và Pháp. Nhưng, nếu có, thì họ

cũng rất kín đáo và nhẹ nhàng, không trắng trợn và gây
khó chịu cho người khác. Suốt mấy năm học ở đó (1936-
1937 dến 1943-1944) tôi không hề trực tiếp hoặc gián tiếp
bị thúc dục “rửa tội” hay “theo Tây”.
Trường rất lớn, tiện nghi dồi dào, ban giáo huấn khả kính,
lại là trường trung học tư bề thế ở miền Trung. Do đó,
trường thu hút học trò không những của toàn miền Trung,
mà cả miền Nam, nhất là con em các gia đình Công giáo.
Tuy trường thâu nhận cả học sinh Pháp lẫn Việt, tôi không
hề cảm thấy có phân biệt “Tây Nam”. Các giáo sư và các
cha đối xử học sinh Pháp và Việt rất đồng đều. Có bề bênh
học sinh Việt là khác.
. . . Điều thứ hai tôi thấy cần ghi nhận về trường
Providence là ở đó tôi được giáo huấn rất kỹ lưỡng, đặc
biết về sinh ngữ – Pháp và Anh – Các thầy giáo Pháp cũng
như Việt, vừa nhiều khả năng, vừa dạy rất tận tâm chu
đáo, vừa nghiêm túc, đòi hỏi nhiều ở học sinh sự cố gắng.
Nhờ đó sau này tôi dự thi và theo học các trường đại học
lớn của Anh (như London School of Economics), cũng như
của Thụy sĩ dễ dàng. . .”
Điều rất thú vị đối với tôi là hiện tôi vẫn còn giữ được Thẻ
Học Sinh của Trường Tư Thục Thiên Hựu và một tờ
Thành Tích Biểu cuối cùng của ngôi trường thân yêu cùng
với nét chữ ngay ngắn đẹp đẽ của cha Lefas. Chính cha đã
trực tiếp ghi trên tờ giấy ấy, vì lúc ấy cha là giám học các
lớp chương trình Pháp, và cha đã trực tiếp phát cho tôi.
Tôi không biết do đâu mình còn giữ được những kỷ vật
này, vì sau Biến cố Tết Mậu Thân 68, coi như tôi đã mất
gần hết các đồ đạc tùy thân, có lẽ đó là những gì còn sót
lại tôi đã thu tóm bỏ vào một xách tay khi rời khỏi Trường
Thiên Hựu, sau 22 ngày sống với một đại đội chính qui

Bắc Việt đóng trong Trường, cùng với cả ngàn người tỵ
nạn. Mãi đến năm 2000 tôi mới có dịp trở lại Huế và thăm
ngôi trường cũ. Tôi đã được Lãnh đạo Trường Đại Học
Khoa Học Huế (lúc bấy giờ) cho phép vào trong thăm
Trường và chụp ảnh nhiều cảnh cũ trường xưa. Cầu thang,
hành lang, sân chơi, phòng học… Cảnh cũ không thay đổi
gì nhiều sau chừng ấy năm (32 năm). Chỉ con người là
thay đổi thôi. Tôi đã lưu giữ những hình ảnh đó cùng với
hai kỷ vật này trong album. Và thế là bao kỷ niệm xưa lại
về trong ký ức của tôi và luôn sống trong tôi.
Ngày nay cứ nhìn vào số cựu học sinh Trường Thiên Hựu
thành đạt cũng như những đóng góp của những người này
cho xã hội nói chung và cho Việt Nam nói riêng cùng tâm
trạng của rất nhiều người lấy làm vinh dự vì đã từng học
hành dưới mái trường này cũng thấy được rằng các vị sáng
lập và ban giảng huấn của Trường Thiên Hựu đã thành
công. Và các ngài quả có một tầm nhìn chiến lược về đào
tạo và giáo dục con người. Ngoài ra Trường Thiên Hựu
còn là một bằng chứng cụ thể về sự đóng góp của Giáo
Hội Công giáo Việt Nam cho giáo dục nói riêng và văn
hóa Việt Nam nói chung.
Nha Trang, ngày 19 tháng 5 năm2011.
(10 năm sau ngày Cha G.Lefas
về thăm Trường Thiên Hựu lần cuối.)

Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống