Chuyện về hai lão tướng (Nguyễn Hoàng 57)

Chuyện về hai lão tướng

Được tin một vị đàn anh Sao-Biển, LM Lê văn Thanh,
sắp về nhà hưu dưỡng bên Thanh-Hải. Thế là từ nay Đ.Ô.
Sách và Cha Trãi có thêm người để bầu bạn! Hôm trước
được tin báo của chú ĐVH, tôi có ghi mấy hàng về vụ
bóng bàn mà tôi là nạn nhân. Chuyện xưa mà! Chẳng có gì
phải hận cả! Chỉ là nói lại để khơi lại một ký ức vui buồn
với nhau thôi. Những anh em lớp nhỏ chắc không biết
nhiều đến ngài lúc ngài còn ở chủng viện đâu. Tôi cũng đã
giới thiệu về một vị đàn anh khác cùng lớp với ngài, LM
Trần văn Láng. Tại sao tôi phải nêu hai ngài chung với
nhau? Có lẽ có nhiều anh em thắc mắc. Sao không là Cha
Thạnh hoặc Cha Thượng, mà chỉ có hai cha Thanh và Cha
Láng? Xin thưa trước rằng hai người này rất gần gũi với
tôi vì những kỷ niệm khó quên. Chỉ vậy thôi.
Phải nói rằng hai vị đàn anh này là một cặp bài trùng, kỳ
phùng địch thủ với nhau, kỳ phùng địch thủ trong rất
nhiều vấn đề, không những là trong các bản vị thứ,
passable, lúc trên lúc dưới, nhưng lúc nào cũng sát kề bên
nhau, không như cặp Thạnh-Thượng kia thuộc mention từ
‘assez-bien’ cho đến ‘bien’! Hai ngài còn kỳ phùng địch
thủ trong những vấn đề khác nữa. Về tính tình thì xưa
cũng vậy và nay cũng vậy, hai ngài là hai thái cực, Thanh
lúc nào cũng nghiêm nghị ít nói, nhưng nóng tánh, trái ý
ngài dễ ăn tát tai như chơi, còn nhẹ hơn là cú đầu; đổi lại
Láng thì tính tình xuề xòa, hay bông đùa với đàn em,
nhưng cũng hay thích cú đầu thiên hạ để tỏ ra thân thiện
với đàn em. Nhưng nói chung thì hai vị đàn anh này đều
rất tốt bụng và hiền lành. Những anh em nào đi giúp bàn
chung với hai anh em đó đều biết rằng họ rất thảo ăn với
bọn đàn em, không biết đó có phải là để trả công cho
những vụ đi lượm bóng cho các anh không nữa.

Nhưng như vậy cũng không phải lúc nào anh Thanh cũng
làm nghiêm cả. Anh cũng biết giỡn ngầm nữa. Anh em
mình có ai biết câu muối không nhỉ? Câu muối khác với
câu cá. Câu cá cần đến nước, còn câu muối chỉ có nước
câu trên nhà ngủ thôi. Câu gì cũng được, cần nhất là phải
có cần, có dây và có mồi. Khoái nhất là câu cá trắng, vì
mình thấy cá, mình thả mồi xuống nhìn mấy con cá lượn
chung quanh mồi, há miệng ra nhép nhép rúc rỉa. Câu
muối cũng vậy, nhưng mồi lại là hột muối! Anh Thanh nhà
mình lại thích cái nghề câu này, và cá của anh chính là anh
Quới cùng lớp.
Nhắc tới anh Quới, những ai trong lớp tôi chắc không
quên sáu cái cục u nổi trên bụng của anh. Anh rất hảnh
diện vì là người duy nhất trong lớp anh có được sáu cái
cục đó. Anh trông khá rắn chắc, không như người em của
anh, anh Trọng, cũng học cùng lớp với anh, cao như cây
sậy, nhưng ốm như cò ma! Đầu giường của anh Quới lúc
nào cũng có hai cái tạ con cầm tay để anh tập luyện, nhất
là ban đêm trước khi anh đi ngủ. Anh cũng là người rất dễ
ngủ. Trưa mới lên giường là anh đã vội đắp cái khăn
ngang mắt và thăng chỉ trong vài phút, miệng mở toang ra,
ngáy rền nhà! Bên kia giường, anh Thanh cũng đâu có ngủ
được. Thế là anh mở va-li lấy đồ nghề ra, một que tre nhỏ
làm cần câu, một sợi dây nhợ thay cho dây cước và một
lon muối hột có lẽ đã xin được của mấy dì bếp. Anh cẩn
thận lựa lấy một hột muối thật to cột vào đầu dây và bắt
đầu câu. Dĩ nhiên, ngoại trừ những anh em đã ngủ hoặc
thầy Huệ ở đầu phòng, những ai còn thức đều phải bụm
miệng cười vì cái miệng của anh Quới cứ nhép nhép theo
nhịp câu của anh Thanh!
Nói đến anh Thanh mà không nói đến anh Láng thì sợ anh
Thanh sẽ khiếu nại vì cái thằng Hoàng không công bình.
Thật ra thì anh Láng cũng có cái đam mê của anh. Bây giờ
cứ mỗi lần giảng, anh em mình chắc phải mỉm cười vì
những bài ca ngắn lại được lồng vào trong đó. Anh cũng

chẳng có sữa đổi cái đam mê âm nhạc của mình chút nào!
Lúc còn ở chủng viện cũng vậy, chỗ nào có anh là có tiếng
từng tứng tưng ở đó. Anh nhập tâm đến nỗi anh cũng cứ
từng tứng tưng và nhịp cho cái giường anh rung lên từng
hồi ngay trong giấc ngủ! Cái thằng Hoàng ngủ không được
cứ phải lại rung giường hoặc nắm chân anh kéo để anh trả
lại sự yên tĩnh cho phòng ngủ! “Cám ơn nghen Hoàng!”
Thằng nhỏ cảm thấy hãnh diện vì được cám ơn như thế vì
đã làm ơn cho một chú lớp lớn!
Ngoài chuyện đó ra thì thằng Hoàng phải mệt với hai anh
khi nói đến chuyện chơi của hai anh. Lúc nào hai anh cũng
kéo thằng Hoàng đi theo coi tài nghệ của hai anh cả. Nhỏ
nhất lớp nên dễ sai mà! Thật ra, không phải là đi xem tài
nghệ của hai anh như lời hai anh nói đâu. Đó là “đứng đó
để chờ sai lượm banh đó.
Trước nhất phải nói đến bóng bàn! Không như bên Thanh
Hải sau này có nhiều thứ để chơi, bên 22 Duy-Tân chỉ có
hai thứ để chơi: pingpong và volley! Cả mấy lớp chỉ có
một cái bàn pingpong thì làm sao mà mấy lớp nhỏ chen
chân vào được. Mặc dù ai cũng cố gắng lên phòng cố
Lagrange tậu cho mình một trái pingpong hiệu triumph,
nhưng được đánh pingpong cũng không phải là dễ. Thầy
Huệ biết được sự khó khăn này nên đã lập một thời khóa
biểu trong những ngày nghỉ để các lớp có cơ hội rờ tới ra
két. Khổ nỗi, ra-két và lưới đều do mấy anh lớp ba giữ nên
khi các anh không hứng thì bọn nhỏ cũng đành chịu thua!
Ngoài những giờ chia ra, thì lúc nào hai anh Láng-Thanh
cũng đứng bàn cả. Mấy anh lớn đứng bàn thì mấy chú nhỏ
nên kiếm chỗ dzọt đi chơi xa kẻo lãnh đạn.
Lãnh đạn ở đây là chuyện đi lượm bóng cho hai anh. Cả
lớp ba, chẳng có ai khoái đánh bóng bàn bằng hai anh. Có
lẽ hai anh là người chơi bóng bàn giỏi nhất chăng? Có lẽ
vậy, vì ít khi thấy những anh khác giành bàn với hai anh!
Không như anh chàng Luận SB58 sau này thích chèo,
hoặc như anh Lo SB 57 thích chặt rầm trên bàn pingpong

hoặc bỏ nhỏ như Hoành SB58 Tân Hội, hai anh Láng và
Thanh chỉ thích những cú bóng đường dài. Hai anh cứ thi
nhau mà vuốt mà đập mà rờ ve. Dĩ nhiên bóng rất mau bễ.
Nhưng các anh không ngại vì lúc nào ai lại chẳng có vài
ba trái xơ-cua. Sân thì nhỏ, đập và vuốt thì nhiều nên banh
cứ lọt ra ngoài đất hoài, nên phải có tà lọt đi lượm banh
cho hai anh chơi. Thằng Hoàng có trốn góc nào cũng bị
hai anh tìm ra bắt đứng đó chờ đi lượm bóng! Không chịu
đi thì chịu cú đầu, muốn cái gì thì muốn! Thôi thì đành
vậy!
Hai anh không những giỏi pingpong không thôi, hai anh
còn giỏi cả volley nữa, tuy phải nói rằng về môn này hai
anh không giỏi bằng anh Thượng và anh Đông, sau này
còn có anh Cầu nữa lúc sang Thanh Hải. Đó là những tay
đập thủng lưới của các anh lớp ba. Anh Láng và anh
Thanh tuy không đập dữ dằn như những anh kia, nhưng
hai anh đoán banh đập của đối phương rất hay nên hay cứu
phe nhà bằng những cú đỡ những trái banh nặng như trời
giáng của đối phương! Ngoài ra kỹ thuật nâng banh lúc đó
không ai bằng hai anh cả. Dĩ nhiên lại có Hoan và Hoàng
đi lượm banh! Nhưng thà như vậy đi, vì còn có vẻ xơ muối
được chút đỉnh.
Nhưng phải nói đến lúc ra sân bóng đá mới thấy hết cái tài
của hai anh. Hai anh là hai viên dũng tướng của chủng
viện Sao-Biển lúc đối địch với đội cầu của trường Hạ sĩ
quan Đồng Đế. Họ có tay thủ môn rất cừ tên Bông. Anh
này hình như có nhu đạo hay sao ấy nên nhào lộn bắt bóng
rất đẹp mắt. Họ cũng có những kiện tướng dễ nể nên dân
Sao-Biển rất khó thắng. Nói như thế không phải bên ta
không có người. Trước nhất phải nói đến tay Nước Hộ
Diêm với sức khỏe thiên phú. Nước đá banh rất hiền,
không vẽ vời lung tung như tay Luận Gò-Đền, hoặc tay
Nghi Bình Cang, nhưng Nước giống như xe tăng đi càng.
Chỗ nào có banh là có Nước. Anh xông xáo như xe tăng
vậy, không ai cản nổi anh nếu không muốn trật bánh chè!

Hàng tiền đạo còn có Cầu và Láng đi góc và Thanh đi
giữa. Láng và Cầu lùa rất hay mà làm bàn cũng giỏi!
Nhưng còn anh Thanh?
Anh Thanh nhà mình cũng đặc biệt lắm. Đó là ông thần
tốc lực của đội Sao Biển. Lúc nào đi đá với Trường Hạ Sĩ
Quan, anh cũng có một đoạn băng để cột chân để khỏi bị
trật khớp. Banh đến chân là anh phóng như ngựa, dùng
ngón tống banh đi và rượt theo banh, tóc dựng ngược có
khác gì anh chàng gì ở Bình Định năm xưa thời Pháp
thuộc đâu. Thủ môn Bông rất ngán anh vì anh có thể xỉa
banh vào bất cứ gốc nào, trên hoặc dưới.
Thôi thì chuyện của hai anh tôi chỉ nhớ chừng đó, xin gửi
Văn Thôn để làm quà cho quyển Dấu Chân Sao Biển mà
chú ấy có công đóng góp! Hy vọng anh Thanh và anh
Láng nhà mình đừng xem rồi nổi giận và chờ khi nào
thằng Hoàng về mà đè cổ ký đầu đấy nhá.

TN 28/7/20 Phê-Rô Nguyễn-Hoàng57