Cha bề trên của chúng tôi: Cố Jeanningros (Nguyễn Kim Ngân 59)

Cha bề trên của chúng tôi :
Cố Jeanningros

(Kính dâng bài viết này lên hương hồn cha cựu bề trên kiêm
cha giáo Pierre Jeanningros với tất cả lòng biết ơn vô hạn của
một người học trò cũ)

Cách đây đúng 5 năm, vào ngày 2 tháng 9 năm 2006, tại nhà hưu
dưỡng dành cho các linh mục MEP tại Lauris, một thành phố tại
miền nam nước Pháp, trái tim chan hòa yêu thương dân tộc VN
của một linh mục Pháp 94 tuổi đã ngừng đập. Vị linh mục ấy chính
là cha Jeanningros hay còn được các giáo dân địa phận Nha Trang
gọi một cách thân thương là Cố Vị. Cha chính là một vị tông đồ vĩ
đại của Giáo Hội Việt Nam, của địa phận Qui Nhơn và sau đó là
Nha Trang. Chúng ta cần nghiên cứu cuộc đời của ngài để đánh giá
được phần nào công lao to lớn của ngài đối với Giáo Hội Việt Nam
nói chung và gia đình CSB nói riêng.
Những bước chân không mệt mỏi
Ngài chào đời vào ngày 31 tháng 5 năm 1912 tại Longechaux
(Besancon). Ngài gia nhập Hội MEP lúc 20 tuổi và thụ phong linh
mục lúc 25 tuổi. (4/7/1937) Chỉ 2 tháng sau khi thụ phong linh
mục, cha đã có mặt tại VN (14/91937) và để rồi từ đó cha đã dành
hết 54 năm trong 69 năm làm linh mục của cha để cống hiến đời
mình cho giáo dân VN: 38 năm tại địa phận Qui Nhơn rồi Nha
Trang, 16 năm tại các giáo xứ VN ở Nouvelle Caledonie. Mười
lăm năm còn lại, cha trở về quê hương của cha để an dưỡng tuổi
già.
Trong 38 năm của thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, cha lặn lội ngược
xuôi không ngơi nghỉ hầu như khắp dải đất miền trung Việt Nam,
từ cực nam đến cực bắc của địa phận Qui Nhơn rồi Nha Trang.
Cha học tiếng Việt từ Láng Mun, Rừng Lai (5/1938-7/1939) để rồi
ra tận Qui Nhơn làm giáo sư Đại chủng viện Đại An (3/1940),
giáo sư Tiểu Chủng Viện Làng Sông (1940-45). rồi cha đặt chân

lên đất Quảng Nam để thi hành vai trò cha xứ tại Đà Nẳng hai lần
(1946-48 và 1953-1955), rồi cha xứ Trà Kiệu (1949-1953).
Sau đó, bước chân cha lại quay ngược về phía nam lãnh nhận
nhiệm vụ cha xứ Cây Vông (1955-1956) để rồi trở về nơi xuất phát
đầu tiên của cha ở VN, đó là Rừng Lai (1956-59). Thời cha làm
chính xứ, năm 1957, Rừng Lai được đổi tên thành Phước Thiện.
Tưởng đâu cha vẫn tiếp tục công việc mục tử tại các giáo xứ,
nhưng 1959, Chúa lại gọi cha quay ra bắc trở lại với vai trò đào tạo
linh mục cho giới trẻ ưu tú của địa phận Nha Trang. Cha nhậm
chức bề trên Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang vào tháng 7
năm 1959. Lúc này cha đã 47 tuổi. Cha đã trải qua 5 niên khóa để
chăm lo đào tạo cho các linh mục tương lai của giáo phận trong vai
trò cha bề trên kiêm cha giáo Tiểu Chủng Viện. Năm năm chăm lo
cho hơn 200 chàng trai đang ở tuổi quậy phá thật là một công tác
nặng nề dành cho cha và các cha giáo.
Ở tuổi 52, một lần nữa, cha phải vâng lời Đức Cha để khăn gói ra
đi nhậm chức cha sở tại giáo xứ Hà Dừa. Giáo dân Hà Dừa được
vinh dự lớn lao sống với vị mục tử nhân lành trong một thời gian
lâu nhất kể từ khi cha đến VN : 9 năm (1964-1973). Chín năm với
biết bao công lao, biết bao yêu thương quan tâm lo lắng dành cho
bà con giáo dân Hà Dừa. Nhưng Chúa không muốn bước chân cha
dừng lại tại nơi đây, mặc dù lúc này cha đã ở vào tuổi 61.
Một lần nữa, bà con giáo dân Hà Dừa đành gạt nước mắt để tiễn
bước chân vị tông đồ nhiệt thành lên đường ra Bắc một lần nữa.
Lần này cha xin tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho những
người phung cùi tại Qui Hòa (1973-75) Nếu không vì thời cuộc, có
lẽ cha muốn mãi mãi dành phần đời còn lại cho những con người
bất hạnh, mặc cảm, bị người đời xa lánh.
Ở tuổi 63, cha lại ra đi một lần nữa, lần này cha mãi mãi rời khỏi
VN để không bao giờ trở lại. Cha lại trở về với những người VN
lưu vong tại các xứ đạo VN ở Nouvelle Caledonie: La Foa (1977-
80), Thio (81-87),Nouméa (87-91).

Với 54 năm hoạt động tông đồ, những bước chân của cha không hề
mỏi mệt. Cha xuôi ngược từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc xuống Nam, từ
vùng duyên hải lên miền nông thôn và miền núi. Cha đến với
những giáo dân luôn tất bật nơi thành phố, (hai lần ở Đà Nẳng),
nơi vùng nông thôn (Hà Dừa, Cây Vông, Phước Thiện hai lần).
Cha đến với lớp trẻ đầy nhiệt huyết của giáo phận (ĐCV và TCV
Qui Nhơn, TCV Sao Biển Nha Trang). Cha đồng cam cộng khổ
với những người bất hạnh đang sống trong mặc cảm và thất vọng
(Qui Hòa), với những người VN xa xứ luôn mong nhớ về quê cha
đất tổ, và với những thổ dân ít học nhưng giàu tình cảm (Nouvelle
Caledonie). Cha là người mục tử đúng nghĩa của Tin Mừng. Cha
đến với tất cả mọi người, chấp nhận tất cả mọi thành phần. Điều
đặc biệt nhất, những thành phần đó, những con người đó hầu hết
đều là người Việt Nam máu đỏ da vàng.Cuộc đời linh mục của cha
chỉ dành cho Giáo Hội Việt Nam, đúng như nội dung trên bia mộ
của cha tại Lauris : Jeanningros Pierre- Besancon. Việt Nam-
Nouvelle Caledonie- 1912-2006.

Cha bề trên kiêm cha giáo Tiểu Chủng Viện Sao Biển
Nha Trang

Tháng 7 năm 1959, Cha Jeanningros vâng lời Đức Giám Mục
Marcello Piquet giã từ Phước Thiện để đến Thanh Hải nhận nhiệm
vụ nặng nề và khó khăn là đào tạo các linh mục tương lai cho giáo
phận Nha Trang. Cha lúc này đã 47 tuổi, với gương mặt phúc hậu,
đôi mắt hiền từ. Với khoảng thời gian kéo dài 5 niên khóa (1959-
1964), cha đã nổ lực đem hết tài năng, đức hạnh, kiến thức, và lòng
nhiệt tình để cùng với một số linh mục Việt- Pháp đào tạo nguồn
linh mục cho giáo phận.
Công lao của cha trong 5 năm ngắn ngủi này thật to lớn. Linh mục
Nguyễn Quang Vinh, CSB 61 có đánh giá như sau: “Nous n’avons
jamais oublié de belles années de la vie d’un petit seminariste
bénéficiant des bienfaits et labeurs de votre noble mission. Vous

(Pères professeurs) nous accompagnez presque partout….pour
conduire ces petits galopins et plus tard adolescents droit aux buts
finaux: être un prêtre véritablement intellectuel, authentiquement
catholique et enfin orthodoxement prêtre, si ce serait la volonté de
Dieu tout puissant.” (Lettre de mon jardin).

(Tạm dịch: Chúng con không bao giờ quên những năm tháng tươi
đẹp trong cuộc đời của một tiểu chủng sinh được thừa hưởng
những ân huệ và công lao từ sứ mạng cao cả của quý cha. Quý cha
đã đồng hành với chúng con hầu như ở khắp nơi…để dẫn dắt
những chú bé tinh quái rồi thiếu niên tiến đến những mục đích
cuối cùng: trở thành linh mục trí thức thật sự, linh mục Công Giáo
một cách đích thực và chính thống, nếu như đó là ý muốn của
Thiên Chúa toàn năng)
Với chức vụ bề trên TCV Sao Biển, cha đã nổ lực chăm lo giáo
dục cho chủng viện về mọi mặt từ kiến thức học vấn, tu đức đến
thể dục, lao động tay chân, lối sống, phương pháp học tập. Các
chủng sinh được học theo chương trình Pháp từ lớp huitième đến
terminale. Từ lớp huitième, chủng sinh xem như bắt đầu chuyển
tiếp từ chương trình Việt qua chương trình Pháp. Ngoài môn tiếng
Việt, hầu hết các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Ngoài tiếng Pháp, tiếng Việt, các chủng sinh còn được học tiếng
Anh, tiếng Latinh. Sách giáo khoa, dụng cụ thí nghiệm hết sức đầy
đủ.
Để việc học tập tu đức đạt được kết quả tốt, TCV cho thi tuyển đầu
vào với các môn Văn, Toán và Oral kinh tiếng Latinh dùng trong
Thánh Lễ và lấy chỉ tiêu 30 hoặc 40 chú vào đầu năm học. Hàng
tuần, chủng sinh đều phải thi một môn học và được xếp vị thứ trên
bảng danh dự. Hàng tháng xếp loại từng chủng sinh qua việc hạnh
kiểm, đạo đức, chuyên cần, học tập trước toàn thể chủng sinh và
các các cha giáo. TCV còn tưởng thưởng các chú có thành tích tốt
và có hình phạt hoặc gởi trả về nhà đối với các chủng sinh không
tiến bộ. Ngoài giờ học trên lớp, các chủng sinh có nhiều thì giờ gọi
là etude để học bài, làm bài, chuẩn bị nghiên cứu bài. Những chú

học giỏi còn được đặc cách nhảy qua một lớp, đây là điều mới lạ
và táo bạo ở VN, nhưng hầu hết các chú nhảy lớp đều vẫn tiếp tục
giữ vững danh hiệu cũ của họ.
Để hổ trợ cho công tác đào tạo linh mục, các chủng sinh tự mình
làm lấy mọi việc trong sinh hoạt cá nhân để sau này dễ sống tự lập;
các chủng sinh còn được tham gia đầy đủ các môn thể thao như đá
banh, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, tham gia các công việc lao
động tay chân, học nhạc, học đàn, đi dạo hàng tuần, tham quan
thắng cảnh hàng năm, được xem các bộ phim có tính cách giáo dục
trong hoặc ngoài TCV. Tất cả các hoạt động đều tuân theo một
thời khóa biểu sít sao, giờ nào việc nấy. Không có giờ nào dành
cho sự ở không nhưng.
Ngoài công tác bề trên giám đốc TCV, cha còn phụ trách dạy môn
tiếng Pháp, Giáo Lý…v.v.Chúng tôi được học tiếng Pháp với cha
từ năm lớp septième. Cha rất chú trọng đến việc cho viết dictée
(chính tả) và analyse logique và analyse grammaticale. Có lẽ nhờ
vậy mà chúng tôi hiện nay có thể nắm vững ngữ pháp tiếng Pháp
cũng như viết được tiếng Việt có câu cú đàng hoàng.
Khi được hỏi về những năm học tập tại TCV vào thời gian này,
nhiều học trò cũ của cha nay tuổi đời đã trên hoặc dưới 60 đã luôn
nhắc đến thời gian này với lòng cảm kích và biết ơn. Nhà Chàm
học Nguyễn Thành Thống, CSB 60, luôn nhắc đến thời gian này
với lòng biết ơn vô hạn đối với các cha giáo, nhất là cha
Jeanningros. Anh nói anh đã học được từ nơi đây phương pháp tự
học và giờ nào việc nấy (age quod agis). Có thể nhờ cái nôi đào tạo
này, anh đã say mê nghiên cứu các môn khó nuốt như thiên văn
học và cổ ngữ Do Thái, Phạn, Chàm..vv(Tự Thuật). Riêng tôi, kẻ
viết bài này, tôi thành thật biết ơn cha rất nhiều, vì cha là một trong
các cha giáo đã giúp cho tôi cũng như nhiều anh em có được
phương pháp tự học, có được công cụ ngoại ngữ để bước vào rừng
kiến thức của nhân loại hiện nay. Cha đã làm cho tôi, một học trò
nhà quê, biết thế nào là cảm thụ văn học Pháp từ lúc học lớp
septième ở chủng viện. Tôi mê nhà văn Alphonse Daudet từ khi
được học bài “La Chèvre de Monsieur Seguin” do cha dạy.

Năm 1962, toàn thể TCV có may mắn cùng chung vui với cha
nhân kỷ niệm 25 năm làm linh mục của cha (1937-1962). Bài hát:
Vivat, vivat semper, semper in aeternum…vang vọng khắp không
gian chủng viện và hình như vẫn còn vang vọng mãi trong tâm trí
của mỗi người chúng tôi hiện nay.
Với 5 niên khóa, số học trò được cha dìu dắt suýt soát ở vào con số
trên 200, trong số đó, hiện nay có hơn 27 linh mục và một giám
mục, một phó tế vĩnh viễn và hầu hết các CSB đã thành đạt trên
đường đời và trở thành những người chủ gia đình gương mẫu luôn
trung thành phục vụ Giáo Hội và đất nước.
Riêng về sự tận tụy, thái độ của các cha giáo đối với các chủng
sinh thời đó, Chúng ta hãy nghe linh mục Nguyễn Quang Vinh
viết: “Vous nous traitiez tendrement et amicalement sans aucune
reserve ni étiquette. Vous étiez patients envers notre paresse dans
l’étude, nos espiègleries de la jeunesse.”(Lettre de mon jardin).
(Tạm dich: Quý cha đối xử với chúng con thật dịu dàng và thân
hữu không hề giữ kẻ hoặc xã giao bề ngoài. Quý cha đã kiên trì
nhẫn nại đối với sự lười biếng của chúng con trong học tập, đối
với những trò tinh nghich thời trai trẻ của chúng con)
Rồi cha Vinh đâm ra thắc mắc tự hỏi: Tại sao các cha lại hy sinh
tuổi trẻ, gia đình, tiện nghi của một đất nước tiên tiến để phiêu lưu
đến một nơi xa lạ bên kia bờ đại dương để dạy cho chúng con yêu
mến Chúa và mọi người nhiều hơn? Chỉ có lòng mến, sự hy sinh
quên mình vì Chúa Kitô mới giải thích được điều này.
Công lao của cha Jeanningros và các cha giáo thật vô bờ, người
viết bài này không thể nào viết hết ra đây được. Để kết luận, chúng
ta hãy đọc những dòng tâm sự sau đây của Nguyễn Đức Khang,
CSB 63: “Với chừng ấy công nghiệp, một đời hy sinh cho Giáo
Hội VN và cho công việc đào tạo linh mục, không những ngài để
lại tấm gương tông đồ nhiệt thành mà thiết nghĩ ngài và cố Clause
Hồng còn để lại cả một truyền thống, “truyền thống Sao Biển” ,
cho chúng ta đắp bồi và phát huy. (Tri ân)

Mười lần làm chủ chăn tại các giáo xứ
Trong 69 năm làm linh mục, cha chỉ có 15 năm để an dưỡng tuổi
già tại nơi cha chào đời, 54 năm còn lại đều dành trọn vẹn cho
những người VN. Trong 54 năm này, cha đã phục vụ tại các giáo
xứ tổng cọng là 42 năm với 10 lần ở cương vị cha sở. Thời gian
cha làm cha sở lâu nhất là 9 năm, đó là 9 năm làm cha sở tại giáo
xứ Hà Dừa. Cha đã có lúc làm cha xứ 2 lần tại một nơi như Đà
nẳng và Phước Thiện. Nhưng mỗi nơi cọng lại cũng không bằng
thời gian ở tại Hà Dừa. Với 42 năm này, nếu như chúng ta lục lại
các tài liệu tại các nơi ấy, chúng ta sẽ thấy cha đã từng cử hành biết
bao bí tích cho giáo dân. Công lao của cha thật là mênh mông lai
láng. Người viết bài này không đủ tư liệu để ghi hết thành tích của
cha tại những nơi này. Chỉ xin trích một đoạn trong Kỷ yếu giáo
phận Nha Trang, trong bài viết về giáo xứ Hà Dừa, để chúng ta
hiểu về việc làm của một vị cha xứ tại đây từ 1964-1973:
“Từ năm 1964, Chúa Quan Phòng cho giáo xứ một thợ gặt đầy
năng lực và nhiệt huyết là cố Vị (P. Jeanningros). Nhờ nổ lực của
ngài, thánh đường được nới rộng, thêm phòng thánh, lợp lại mái
nhà xứ, xây nhà ở cho các nữ tu, thiết kế hệ thống ánh sáng bằng
máy phát điện. Về phương diện tinh thần, ngài cải tổ Hội Đồng
Giáo Xứ, củng cố các hội đoàn, thành lập hội Hùng Tâm Dũng
Chí, phong trào Công Lý Hòa Bình, Cursillos, hội bảo trợ tu sĩ.
Đặc biệt, trong thời gian này, số lượng chủng sinh, tu sĩ, đệ tử các
dòng nam nữ đã gia tăng rõ rệt.” (Sách đã dẫn tr.197)
Những gì được viết trên đây là đúng sự thật, vì kẻ viết bài này là
giáo dân của giáo xứ Hà Dừa và cũng đã từng chứng kiến những
công việc mà cha xứ đã làm vào thời kỳ đó. Nhà các xơ, phòng
thánh hiện nay vẫn còn đó. Chính cha là người đã làm mới cung
thánh và làm rộng nhà thờ nhờ xây cất mới phòng thánh ra phía
sau nhà thờ. Cây thánh giá cao chót vót trên tháp chuông nhà thờ
được thắp sáng với đèn neon vào những ngày lễ trọng là công trình
của cha để lại. Tranh mười bốn chặng đàng Thánh Giá của nhà thờ
hiện nay là do cha mang từ bên Pháp về trong thời gian đó. Cha
còn là người đầu tiên trồng nho trên đất Hà Dừa.

Một điều đáng nói nữa là cha rất quan tâm đến ơn gọi tu sĩ nam
nữ. Chẳng hạn như cha rất quan tâm đến anh em chủng sinh Hà
Dừa. Cha thăm hỏi chúng tôi thật lâu mỗi khi vào thăm cha dịp về
nghỉ hè. Tôi nhớ có lần cha ra tận sân bay để tiển anh em chúng tôi
ra Huế nhập học. Sau năm 75, Hà Dừa có thêm 6 linh mục, còn số
nam nữ tu sĩ cũng gia tăng đáng kể. Những ơn gọi này có được
không thể không nhắc đến người ươm mầm, người đó không ai
khác ngoài cha xứ thân yêu của chúng tôi: cố Jeanningros.
Cha yêu thương quan tâm lo lắng cho giáo dân Hà Dừa như một
mục tử tốt lành đối với đàn chiên của mình. Nhiều người hiện nay
vẫn còn nhắc đến cha với niềm yêu thương vô bờ. Anh Huỳnh
Công Tác, hiện nay là chủ tịch HĐGX Hà Dừa, người đã từng
thường tiếp xúc với cha trong thời gian 1964-1973, tâm sự với
người viết bài này như sau: “Cố Jeanningros là người có công rất
lớn đối với giáo xứ Hà Dừa. Thỉnh thoảng cha về Pháp để vận
động bà con bên Pháp giúp cho các công trình của giáo xứ. Cha
sống khiêm tốn, vui vẻ, xuề xòa, đơn giản và hòa đồng với mọi
người. Cha siêng năng chịu khó soạn bài giảng thánh lễ hàng ngày.
Ngoài ra, cha đi thăm hầu hết các gia đình giáo dân trong giáo xứ.”
Tôi xin kể sau đây một việc làm mà gia đình tôi vẫn còn mang ơn
cha. Khoảng năm 72, chị ruột tôi có một đứa con gái mới lên hai bị
mắc bệnh khó thở lâm nguy đến tính mạng, xe cộ lúc đó rất hiếm,
nếu không đến bệnh viện cấp cứu, cái chết là điều chắc chắn sẽ xảy
ra. Trong cơn nguy cấp, chị tôi vội chạy vào nhà xứ cầu cứu với
cha. Không cần hỏi han nhiều, cha vội vàng tức tốc đưa chiếc xe
La Dalat của cha chở cháu đến bệnh viện Nha Trang. Nhờ tài lái xe
thật nhanh, cha đã đưa cháu đến nơi an toàn. Các bác sĩ bệnh viện
đã kịp thời cứu cho cháu còn sống đến ngày nay.Nếu không có
lòng yêu thương của cha, có lẽ đứa con của chị tôi đã ra đi từ lâu
rồi. Cháu hiện nay đã có chồng tại Cây Vông và được 4 mặt con.
Vì vậy, gia đình chị tôi luôn cảm thấy mắc nợ cha rất nhiều.

Tưởng niệm 5 năm ngày cha từ trần (2/9/2006-2/9/2011) là dịp để
giáo dân và anh em CSB địa phận Nha Trang nhớ lại một cha bề

trên, một cha giáo hiền lành, phúc hậu và đáng kính, một cha xứ
năng nổ nhiệt tình, nhớ lại công lao to lớn của cha đối với anh em
CSB hiện nay, đối với các giáo dân của những giáo xứ cha từng
phục vụ, và đối với địa phận Nha Trang nói riêng và Giáo Hội VN
nói chung. Xin Chúa tưởng thưởng cho tôi tớ trung thành của
Chúa, vị bề trên và cha giáo kính yêu của chúng con.

Nguyễn Kim Ngân 59
Hà Dừa, tháng 8/2011

Tài liệu Tham khảo:
-Trang csbnt.net: các bài viết: Lettre de mon Jardin (LM. Nguyễn
Quang Vinh 61;
– Tâm tư Sao Biển 2007 (Nội san của CSB/SG và PC): Nhớ về cố
bề trên Jeanningros Vị (Hồ Trí Thức 59);
-Trang csbnt.net : bài viết: Tri ân (Nguyễn Đức Khang 63)-
-Trang Tâm Tư Sao Biển : bài viết :Tự thuật: Nguyễn Thành
Thống 60-
– Nửa thế kỷ Sao Biển qua ảnh (CSB SG&PC)