Chọn lựa kiểu liên bang của Giám mục Roma.
Bài của Sandro Magister
Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350679?eng=y
Dành nhiều quyền tự trị hơn cho các hội đồng giám mục quốc gia. Và nhiều chỗ cho các nền văn hóa khác nhau. Hai điểm tông huấn “Evangelii Gaudium” tách biệt ra xa nhất khỏi huấn quyền của các giáo hoàng tiền nhiệm.
ROMA – ngày 3 tháng Mười Hai năm 2013 – Trong tông huấn đồ sộ “Evangelii Gaudium” công bố cách nay một tuần, giáo hoàng Phanxicô đã cho mọi người biết ngài muốn tự phân biệt mình khác các giáo hoàng tiền nhiệm ít là trong hai điểm.
Điểm đầu tiên trong các điểm này cũng là điểm đã tác động mạnh trên giới truyền thông. Và nó vừa liên quan đến cách hành xử tối thượng quyền của đức giáo hoàng đồng thời liên quan đến các năng quyền của các hội đồng giám mục.
Điểm thứ hai liên hệ đến tương quan giữa Kytô giáo và các nền văn hoá.
1- VỀ NGÔI GIÁO HOÀNG VÀ CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
Trong vai trò giáo hoàng, đức Jorge Mario Bergoglio đã vinh danh công trạng của đức Gioan Phaolô đệ Nhị đã đặt nền móng cho một hình thức hành xử mới của tối thượng quyền. Nhưng ngài phàn nàn rằng “chúng ta mới có chút ít tiến bộ về mặt này” và hứa rằng ngài có ý định sẽ tiến mạnh mẽ hơn đến một hình thức ngôi giáo hoàng “đúng với ý nghĩa Chúa Giêsu Kytô từng muốn gán cho nó và đúng với nhu cầu hiện tại của việc phúc âm hóa.”
Nhưng hơn cả vấn đề vai trò của giáo hoàng – trong vấn đề này, đức Phanxicô vẫn còn mơ hồ, và cho đến nay, ngài mới hành xử bằng cách hầu như tự mình quyết định – chính vấn đề năng quyền của các hội đồng giám mục mà tông huấn “Evangelii Gaudium” mới gióng lên những thay đổi quan trọng.
Đức giáo hoàng viết trong đoạn 32 của tài liệu này như sau:
“Công đồng Vaticanô đệ Nhị nói rằng, tương tự như các Giáo hội của các Thượng phụ thời xưa, các hội đồng giám mục nằm ở một vị thế có thể ‘đóng góp nhiều cách khác nhau có hiệu quả vào việc hiện thực hóa cách cụ thể tinh thần Giám mục đoàn’. Tuy nhiên, ước muốn này chưa từng được thực hiện cách trọn vẹn, vì tình trạng pháp nhân của các hội đồng giám mục, lẽ ra phải xem các giám mục như là chủ thể có những năng quyền chuyên biệt, kể cả thẩm quyền giáo lý chân thực, chưa hề được khai triển đầy đủ. Tình trạng trung ương tập quyền quá mức, thay vì giúp ích, lại khiến cho sức sống và nỗ lực vươn ra truyền giáo của Hội Thánh thêm phức tạp.”
Trong một ghi chú, đức Phanxicô nhắc tới một tự sắc vào năm 1988 của đức Gioan Phaolô đệ Nhị, liên quan đến “bản chất thần học và pháp nhân của các hội đồng giám mục”.
Nhưng nếu đọc tài liệu này, người ta sẽ khám phá ra rằng tài liệu này gán cho các hội đồng giám mục quốc gia một chức năng hoàn toàn thưc tiễn, mang tính cộng tác, của một bộ phận đơn giản là phụ thuộc, nằm trung gian giữa một bên là giám mục đoàn trên khắp thế giới cùng với đức giáo hoàng – một “cộng đoàn” duy nhất được tuyên bố có nền tảng Thần học – và bên kia là cá nhân giám mục với thẩm quyền trên giáo phận mình.
Trên hết mọi sự, tự sắc “Apostolos Suos” giới hạn chặt chẽ “thẩm quyền đích thực về tín lý” mà đức giáo hoàng Phanxicô nói ngài có ý định ban cho các hội đồng giám mục. Tự sắc ấn định rằng nếu quả thực cần phải ban hành những tuyên bố về giáo lý, việc tuyên bố này phải được toàn thể đồng thuận và trong sự hiệp nhất với đức giáo hoàng và toàn thể Giáo hội, hoặc ít nhất “với một đa số đáng kể” sau khi được Toà Thánh duyệt xét và chuẩn thuận.
Tự sắc “Apostolos Suos” còn nêu cảnh giác về nguy hiểm các hội đồng giám mục có thể đưa ra những tuyên bố giáo lý đi ngược lại với nhau và với huấn quyền hoàn vũ của Giáo hội.
Một nguy cơ khác tự sắc muốn ngăn cản là nguy cơ tạo ra chia rẽ và đối kháng giữa các giáo hội quốc gia địa phương và Rôma, như đã từng xảy ra trong quá khứ tại Pháp với “Gallicanism – Chủ nghĩa Giáo hội Pháp độc lập” và như đã từng xảy ra trong Giáo hội Chính thống với một vài giáo hội quốc gia địa phương tự trị.
Tự sắc này mang ấn ký của đức Gioan Phaolô đệ Nhị, nhưng cái sườn của tự sắc có được là nhờ vị tổng trưởng giáo lý đức tin mà ngài rất nể trọng, hồng y Joseph Ratzinger.
Và ngài Ratzinger – như người ta biết – đã từng rất nghiêm túc về các siêu quyền lực một vài hội đồng giám mục tự gán cho mình, đặc biệt nơi một vài quốc gia, trong đó có nước Đức, quê hương Ngài.
Trong cuộc phỏng vấn gây chấn động vào năm 1985, được công bố với đề tựa “The Ratzinger Report – Phóng sự về đức Ratzinger,” ngài quyết liệt chống đối ý tưởng Giáo hội Công Giáo trở thành “một thứ liên bang các Giáo hội quốc gia.”
Thay vì “nhấn mạnh lại một cách quyết định về vai trò của các giám mục” như Công Đồng Vaticanô đệ Nhị từng ao ước, các hội đồng giám mục quốc gia – ngài lên tiếng kết án – đã “bóp nghẹt” các giám mục bằng các cơ cấu quan liêu nặng nề.
Và:
“Chung nhau cùng quyết định là điều tuyệt vời,” nhưng “sự thật không thể được tạo ra do lá phiếu,” vừa bởi vì “cái tinh thần của nhóm và có lẽ cả nỗi mong muốn sống một đời thầm lặng, an bình hoặc tính an phận đã khiến đa số chấp nhận các quan điểm của các nhóm tuy thiểu số mà lại tích cực đang ao ước theo đuổi các mục tiêu rõ rệt” và vừa bởi vì “việc tìm kiếm một thoả thuận giữa các xu hướng khác nhau và nỗ lực làm trung gian thường cho ra những tài liệu nhạt nhẽo, trong đó các lập trường mang tính quyết định (ở những điểm cần thiết) đã bị làm cho yếu đi.”
Đức Gioan Phaolô đệ Nhị, và sau ngài là đức Biển Đức XVI, đã lượng giá về phẩm chất trung bình của các giám mục trên thế giới, và của hầu hết các hội đồng giám mục, chỉ là khiêm tốn. Và vì thế hai vị đã hành động cách tương ứng. Biến các giám mục thành các nhà lãnh đạo và các mẫu mực, và trong một vài trường hợp – như tại nước Ý – hai vị quả quyết can thiệp để thay đổi cách lãnh đạo và thúc giục các giám mục tiến tới.
Còn với đức Phanxicô, các hội đồng giám mục có thể nhận được một sự độc lập rộng rãi hơn. Với những hệ quả có thể tiên liệu được, như thí dụ mới đây tại Đức, nơi các giám mục và các hồng y lỗi lạc đã công khai bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau, từ các tiêu chuẩn quản trị giáo phận cho đến việc rước lễ của các người ly dị rồi tái hôn. Và trong vấn đề sau, các ngài đã đưa ra trước và áp đặt các giải pháp, mà cả hai thượng hội đồng giám mục, vào năm 2014 và 2015, được triệu tập để bàn cãi và quyết định.
2- VỀ KYTÔ GIÁO VÀ CÁC NỀN VĂN HÓA
Về việc gặp gỡ giữa Kytô giáo và các nền văn hóa, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rất nhiều, trong các số 115-118 tông huấn “Evangelii Gaudium,” về ý tưởng cho rằng “Kytô giáo không có lấy một cách biểu hiện mang sắc thái văn hóa,” tuy vậy, ngay từ khởi thủy “Kytô giáo đã nhập thể vào các dân tộc trên thế giới, mỗi sắc dân với một nền văn hóa riêng biệt.”
Nói cách khác:
“Ân sủng giả thiết văn hoá, và quà tặng Thiên Chúa ban trở thành xác thịt trong văn hoá những ai đón nhận quà tặng ấy.”
Với hệ luận này :
“Mặc dầu quả thật một vài nền văn hóa liên quan chặt chẽ với việc rao giảng Phúc Âm, và sự phát triển của tư tưởng Kytô giáo, nhưng sứ điệp được mạc khải không hề đồng nhất với bất cứ nền văn hóa nào; nội dung của nó siêu vượt trên văn hóa.”
Khi giữ vững lập trường này, xem chừng giáo hoàng Bergoglio vươn đến với những người chủ trương rằng việc công bố Phúc Âm tự nó có một nét tinh tuyền nguyên thuỷ riêng biệt, không lây nhiễm bất cứ nền văn hóa nào. Một nét tinh tuyền cần được phục hồi, mục đích chính là để giải thoát nó khỏi những bẫy sập của Tây phương trong quá khứ và hiện tại, cho phép nó được tự mình “hội nhập vào các nền văn hoá” khác, mỗi lần với một tổng hợp mới.
Nhưng diễn tả qua cách diễn đạt như thế, cái tương quan giữa Kytô giáo và các nền văn hóa này đã không chú ý tới cái quan hệ vô hình giữa đức tin và lý trí, giữa mạc khải Kinh Thánh và văn hóa Hy Lạp, giữa Giêrusalem và Athens, cái tương quan mà đức Gioan Phaolô đệ Nhị đã dành cả một thông điệp “Fides et Ratio – Đức Tin và Lý Trí”, và đức Biển Đức đã chú mục trong bài diễn văn đá ng ghi nhớ tại Regensburg ngày Mười Hai tháng Chín năm 2006 :
> Faith, Reason and the University
Đối với đức giáo hoàng Ratzinger, mối liên kết giữa đức tin Kinh Thánh và triết lý Hy lạp là một “sự cần thiết tự bản chất“ được diễn tả không chỉ ở câu mở đầu rực rỡ của Phúc Âm theo Thánh Gioan “Từ nguyên thuỷ đã có Logos – Lời,” nhưng đã từng diễn tả trong Cựu Ước, trong câu bí hiểm “I am – Ta Là” Thiên Chúa nói trong bụi gai rực lửa: “một thách đố đối với khái niệm huyền thoại, mà nỗ lực của Socrates để chiến thắng và siêu vươt trên huyền thoại mới có thể được coi là một so sánh tương tự.”
Cuôc gặp gỡ giữa “tinh thần Hy Lạp và tinh thần Kytô giáo” – đức Biển Đức XVI tiếp tục vững lập trường– diễn ra “cách thiết yếu cho việc phát sinh và truyền bá Kytô giáo.”
Đức giáo hoàng Biển Đức sau đó lý luận tiếp: Và phải bảo vệ sự tổng hợp này chống lại mọi cuộc tấn công qua các thế kỷ cho đến tận ngày nay, nhằm để phá vỡ nó, nhân danh việc “giải phóng Kytô giáo khỏi ảnh hưởng Hy lạp.”
Đức Ratzinger đã nêu nhận xét tại Regensburg: Trong thời chúng ta, cuộc tấn công như thế “được tạo ra dưới ánh sáng của kinh nghiệm chúng ta có với chủ trương đa văn hóa”:
“Ngày nay, người ta thường nói rằng việc tổng hợp với văn hóa Hy Lạp, thực hiện vào thời sơ khai Kytô giáo, là một tiến trình hội nhập văn hóa đầu tiên không nên lập lại với các nền văn hóa khác. Người ta cho rằng Giáo hội có quyền trở về với sứ điệp đơn thuần của Tân Ước trước khi xảy ra việc hội nhập văn hóa, hầu có thể hội nhập cách mới mẻ vào môi trường văn hóa đặc biệt riêng mình. Luận điểm này không những sai lầm; nó còn thô thiển và thiếu chính xác. […] Thực vậy, có những yếu tố tiến hóa trong Giáo Hội sơ khai không cần phải hội nhập vào tất cả mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, những quyết định căn bản liên quan đến liên hệ giữa đức tin và việc sử dụng lý trí chính là một phần của đức tin; chúng là những phát triển hài hoà với chính bản chất của đức tin.”
Trong đề mục chính yếu này, “Evangelii Gaudium” không nhất thiết đi ngược lại với huấn quyền của đức Gioan Phalô đệ Nhị và đức Biển Đức XVI.
Nhưng chắc chắn đã tách rời xa hai vị.
Ở đây cũng vậy, với một hảo cảm rõ ràng dành cho chủ trương nhiều dạng thức Giáo hội, được xây dựng theo mô hình của các văn hoá địa phương.
__________
Nguyên văn tông huấn của đức giáo hoành Phanxicô:
Nguyễn đức Khang chuyển ngữ