Hai Thượng Hội Đồng, một có Thật và một trong Truyền thông

Hai Thượng Hội Đồng, một có Thật và một trong Truyền thông

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350726?eng=y

 

Thượng hội đồng sắp tới bàn về gia đình đã được định dạng do cùng một hiện tượng từng ảnh hưởng lên Công Đồng Vatican đệ Nhị. Nhưng lần này việc lập lại xem ra do chủ ý, với mọi rủi ro đi kèm.

 

ROME, ngày 26 tháng Hai năm 2014 – Trong mật nghị hội đầu tiên triều giáo hoàng mình, đức Jorge Mario Bergoglio đã không hiền dịu với giới hồng y.

Vào lúc khai mạc cuộc họp, ngài nặng lời cho các ngài là “cạnh tranh, ghen tương, bè phái.” Và trong bài giảng kết thúc, là “có mưu đồ, đồn nhảm, kết bè, thiên vị, và ưu đãi trong đối xử.”

Vậy mà cũng chính hồng y đoàn đáng trọng vọng này mà đức Phanxicô đã trao cho việc bàn luận về đề tài quan trọng hàng đầu, đề tài về gia đình, của thượng hội đồng giám mục sắp tới, vào một thời điểm, như thời hiện tại này – đức giáo hoàng nói- mà gia đình “bị khinh rẻ, bị ngược đãi.

Thượng hội đồng về gia đình là tiêu điểm các cuộc họp tại Vatican trong những ngày này. Trọn hồng y đoàn dành hai ngày, ngày 20 và 21 tháng Hai, để bàn về đề tài ấy. Và hai ngày sau đó, ngày 24 và 25, đó là chương trình nghị sự của ủy ban thư ký thượng hội đồng. Ủy ban này được ví như giới ưu tuyển thượng lưu của hàng giáo phẩm Công giáo trên toàn thế giới.

Cả hai cuộc họp đều kín. Việc đó, tự nó không có gì gây ngạc nhiên. Nhưng thoáng nhìn qua những gì xảy ra trong thời gian chuẩn bị cho thượng hội đồng, người ta dễ nắm bắt được những canh tân và những ẩn số của đức giáo hoàng Phanxicô muốn đưa ra.

 

*

 

Cuộc bàn luận của các hồng y được dẫn nhập bằng bài nói chuyện lâu hai tiếng của hồng y Walter Kasper. Trong khi ủy ban thượng hội đồng khảo sát các câu trả lời Vatican nhận được từ bảng câu hỏi đã gởi cho mọi hội đồng giám mục vào tháng Mười.

Bài nói chuyện của hồng y Kasper không được công bố, chỉ được cha Federico Lombardi tóm kết rất cô đọng cho báo giới.

Quyết định của đức giáo hoàng Bergoglio đặt tin tưởng vào bài dẫn nhập của Kasper đã được cắt nghĩa như một tín hiệu báo trước sự thay đổi khả dĩ trong tập tục mục vụ của Giáo hội về một điểm gây nhức nhối, đó là việc cấm đoán chuyện rước lễ của người ly dị và tái hôn.

Quả vậy, vào thập niên 1990, Kasper đã tự tách bạch mình như một người ủng hộ thay đổi, cùng với các hồng y và giám mục người Đức khác. Người đã ngăn chặn tất cả chuyện đó là vị bộ trưởng bộ giáo lý đức tin lúc bấy giờ, đức Joseph Ratzinger.

Lần này – theo cha Lombardi – Kasper không minh nhiên đề nghị thay đổi, nhưng ngài đặt cao vọng rằng thay đổi sẽ xảy ra, đặc biệt khi ngài cho rằng “con đường bí tích thống hối có thể là đường lối hợp luật mang lại giải pháp cho vấn đề.

Xem chừng trong số sáu mươi chín vị hồng y lên tiếng sau bài phát biểu của ngài, một số đã công khai yêu cầu nên thay đổi trong điểm này, như nhiều hồng y và giám mục đã từng làm thế trong các cuôc phỏng vấn và phát biểu mấy tháng vừa qua.

Chính cá nhân đức giáo hoàng Phanxicô đã phát ra tín hiệu theo chiều hướng này, khi, trên chuyến bay trở về từ Ba Tây tháng Bẩy vừa rồi, đích thân Ngài đã phát biểu qua những lời kín đáo như sau:

Nhưng – xin mở một dấu ngoặc – người Chính Thống có một tập tính khác. Họ theo một nền thần học mà họ gọi là ‘oikonomia- nhiệm cục Cứu rỗi’, và họ cho một cơ hội thứ hai [để kết hôn]. Nhưng tôi tin rằng vấn đề này – và đến đây tôi đóng dấu ngoặc – phải được tìm hiểu trong bối cảnh của mục vụ hôn nhân.

Sau đó đức giáo hoàng lại ủng hộ việc công bố một thông báo của đương kim bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, Gerhard L. Müller, kiên định lập lại việc không thể vi phạm đến tính bất khả phân ly của hôn nhân.

Nhưng bây giờ, một lần nữa, đức Phanxicô lại đưa ra những dấu hiệu cho thấy cởi mở với việc thay đổi, tin tưởng trao cho Kasper công tác giới thiệu cuộc bàn luận với các hồng y, và nồng nhiệt khen ngợi ngài lúc kết thúc.

 

*

 

Việc huỷ bỏ luật cấm rước lễ dành cho người ly dị và tái hôn cũng còn được ủng hộ – gần như là đồng lòng – qua các câu trả lời cho bảng câu hỏi do thượng hội đồng đưa ra trước khi nhóm họp, đã được công bố cho đến nay.

Kết quả được các hội đồng giám mục Đức, Áo và Thụy Sĩ công bố, như thế đã phá vỡ ấn tín bí mật từng được yêu cầu, và đã bị vị tổng thư ký của thượng hội đồng, tân hồng y Lorenzo Baldisseri khiển trách nhẹ nhàng.

Xét về phương diện kỹ thuật mà nói, chính bản câu hỏi không thể chuyển đạt thành thống kê đáng tin cậy. Ai cũng có thể trả lời, và trả lời dưới dạng nào cũng được. Và hiển nhiên là những người được vận động để trả lời và công bố các câu trả lời của mình, hầu hết là những người ủng hộ thay đổi, xét cả về phương diện cá nhân lẫn tập đoàn.

Khi giới thiệu bảng câu hỏi cho báo chí hôm mồng 5 tháng Mười Một, vị thư ký đặc biệt của thượng hội đồng, tổng giám mục Bruno Forte, nói rằng thượng hội đồng “không nên quyết định theo đa số hay theo ý kiến công chúng.” nhưng ngài cũng thêm rằng “sẽ là điều sai lầm nếu làm ngơ không để ý rằng một vài khía cạnh trong ý kiến công chúng cũng đáng kỳ vọng.”

Tuy nhiên, những người ủng hộ cho kỳ vọng của “đám dân thường” lại dành sự ủng hộ cho hai kiểu nói thường được lập lại trong các bài giảng của đức giáo hoàng Phanxicô.

Kiểu nói đầu tiên là các mục tử của Giáo hội phải có “cái mùi của đoàn chiên.”

Kiểu nói thứ hai, rõ ràng hơn, là các mục tử phải có thể bước đi không chỉ đàng trước, và ở gữa đoàn chiên, mà còn ở phía sau, “vì chính đàn chiên có cái mũi thính tìm ra được lối đi.”

 

*

 

Tất cả những chuyện ấy chứng minh rằng có những hoài bão đang lớn dần trong quan điểm công chúng, cả trong và ngoài Giáo hội. Hoài bão thay đổi nơi giáo huấn và nơi tập tục Công giáo, không chỉ trong vấn đề người ly dị và tái hôn, mà còn trong nhiều mục khác của lịch trình công tác như hôn nhân đồng tính, ý nghĩa của việc sinh con hay nhận nuôi con, vân vân…

Có thể tiên báo rằng những hoài bão trong quan điểm công chúng này càng ngày càng trở nên mãnh liệt hơn và thúc bách hơn vào lúc thượng hội đồng nhóm họp buổi đầu tiên vào tháng Mười, với công tác duy nhất là thu thập các đề nghị, vì công thức diễn đạt các biện pháp cụ thể trình bày lên đức giáo hoàng chờ quyết định tối hậu đã được dời lui lại vào kỳ họp thứ hai vào năm 2015.

Vì thế đã xảy ra cho thượng hội đồng này, y hệt như là do chủ ý lựa chọn của đức giáo hoàng và của hàng giáo phẩm, một việc đã bất ngờ xảy ra cho Công Đồng Vaticanô đệ Nhị: Nảy sinh một một công đồng khác “bên ngoài,” rất sôi nổi trong giới truyền thông, đáp ứng cho một tiêu chuẩn khác , nhưng có khả năng ảnh hưởng lên quyết định của công đồng thực.

Một năm trước đây, trong một trong những bài diễn văn cuối cùng với tư cách giáo hoàng, sau khi đã tuyên bố từ nhiệm, đức Biển Đức XVI đã nhắc đến hai công đồng song đôi, đích thân ngài đã từng cảm nghiệm, qua những lời lẽ rõ ràng đến kinh ngạc sau đây:

Ngoài những điều khác, ngài nói:

Có Công Đồng của các nghị phụ – cái Công Đồng thật – nhưng cũng có cái Công Đồng của truyền thông. Tự mình, nó gần như là một công đồng, và thế giới cảm nhận Công Đồng đích thức qua cái công đồng này, qua truyền thông.

Vì thế cái công đồng trực tiếp và thực sự đến với dân chúng, là cái công đồng của truyền thông, chứ không phải là cái Công Đồng của các nghị phụ.

Cái công đồng của các nhà báo, dĩ nhiên, đã không được thực hiện trong đức tin, nhưng trong các phạm trù của giới truyền thông ngày nay, nghĩa là bên ngoài đức tin, với một lối chú giải khác.

Đây là một lối chú giải có tính cách chính trị. Đối với truyền thông, công đồng là một cuộc đấu tranh chính trị, một cuộc tranh giành quyền lực giữa các xu hướng khác nhau trong Giáo hội. Rõ ràng, giới truyền thông đã đứng về bên những người có nhiều điểm chung nhất với thế giới của mình.

Chúng ta biết mọi người đã tiếp xúc được với cái công đồng của truyền thông này như thế nào. Vì thế, đấy là cái công đồng đã thống trị, đã có tác dụng nhất, và đã gây ra quá nhiều tai hoạ, quá nhiều vấn đề, quá nhiều bi đát: các chủng viện đóng cửa, các tu viện đóng cửa, phụng vụ bị tầm thường hóa … Còn Công Đồng đích thực lại gặp khó khăn để trở thành cụ thể, để tự thành toàn mình. Cái công đồng ảo lại mạnh hơn cái Công đồng thực.

 

*

 

Y hệt như cái khuôn mẫu “bên ngoài” này, được tạo ra cho thế giới và qua tác dụng của thế giới, đã trở thành khuôn mẫu thiết kế thực sự cho viêc tái cấu trúc và cắt nghĩa Công Đồng Vaticanô đệ Nhị, điều tương tự đang có nguy cơ xảy ra cho thượng hội đồng về gia đình được đức giáo hoàng Phanxicô công bố.

Đó là cái khuôn mẫu cũng đang làm thay đổi sự hiện diện của Giáo Hội trên bình diện công cộng, chính nơi bình diện này, gia đình đang chịu đựng những thách thức quyết định nhất.

Một dấu hiệu của tình hình này chính là bài báo công bố trên số mới nhất của tờ “La Civiltà Cattolica,” tạp chí của Dòng Tên tại Roma. Với vị giáo hoàng Dòng Tên, người ta thấy tờ báo này bành trướng vai trò mình như là phát ngôn viên gần-như-là-chính-thức của giới lãnh đạo Giáo hội.

Tác giả của bài báo, cha GianPaolo Salvini – cựu giám đốc tờ báo và bạn thân của hồng y quá cố Carlo Maria Martini – moi ra được một tài liệu năm ngoái của một ủy ban của hội đồng giám mục Pháp, và trình bày nó như khuôn mẫu cho sự hiện diện ăn nhịp với thời đại, của Giáo hội trên bình diện công cộng.

Dĩ nhiên quan điểm Kytô giáo về hôn nhân không đồng nhất với quan điểm hôn nhân ngày nay đang thắng thế tại nhiều xứ sở. Nhưng với tờ “La Civiltà Cattolica,” điều này không nên tạo cho Giáo hôi một dịp để “tranh luận nóng bỏng” hay để lên án:

Chúng ta không nên hãi sợ vì có đường lối sống nghịch lại với quy phạm đang thịnh hành trong xã hội ngày nay. Điều quan trọng là chứng tá của chúng ta không nên xuất hiện như là lời phê phán người khác, nhưng phải là nét nhất quán giữa đức tin và hành động của chúng ta. Như thế, mới có thể đóng góp tích cực cho tất cả xã hội.

Trong một thời gian ngắn, hội đồng giám mục Pháp, thời đức tổng giám mục Paris André Vingt-Trois làm chủ tịch, đã cật lực phản đối chống lại cuộc cách mạng tính dục được tổng thống François Hollande hậu thuẫn. Và đức Biển Đức XVI đã hết sức hỗ trợ các ngài, qua bài diễn văn trước Giáng Sinh cuối cùng, ngỏ lời với giáo triều Roma ngày 21 tháng Mười Hai năm 2012.

Nhưng rồi, một khi hôn nhân đồng tính đã trở thành luật, các giám mục Pháp đã rút lui khỏi bình diện công cộng, bất chấp sự kiện các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục rầm rộ với người Công giáo, Do thái, Hồi giáo và cả người theo thuyết vô tri, để chống lại luật này và các luật lệ tương tự.

Các giám mục Pháp đã thay thế tinh thần của nhóm thiểu số sáng tạo và chiến đấu bằng cái tinh thần của một thiểu số thuần tuý làm chứng tá, bằng lòng với “những tích cực mờ nhạt trong các lý lẽ của người khác” và xa lạ với việc kết án: “Tôi là ai mà phán xét?

Và vì điều này mà các ngài nhận được lời ca tụng của nhóm dòng Tên tại Roma. Họ đã chọn các ngài làm mẫu mực cho một Giáo hội toàn cầu, với sự chuẩn thuận của thẩm quyền tại Vatican, và nhất định của cả giáo hoàng.

Với rủi ro là, khi gắn bó với cái kiểu mẫu này, Giáo hội có thể nhận ra chính mình đang vướng vào một tương quan, không phải là đối thoại, nhưng là lụy phục các thế lực trần tục, như các “dhimmi – công dân ngoại giáo” trong một xã hội Hồi Giáo.

 

 

__________

 

Trọn vẹn tài liệu làm việc của thượng hội đồng về gia đình, và bảng câu hỏi:

> “Pastoral challenges…”

Ủy ban tổng thư ký của thượng hội đồng hiện nay gồm có các hồng y Christoph Schönborn, Wilfried F. Napier, Peter Appiah Turkson, George Pell, Peter Erdö, Oswald Gracias, Odilo P. Scherer, Laurent Monsengwo Pasinya, Donald W. Wuerl, Timothy M. Dolan, và Luis Antonio G. Tagle, ngài đáng kính Sviatoslav Shevchuk, và các giám mục Bruno Forte, Salvatore Fisichella, và Santiago J. Silva Retamales.

Trong số này các vị Pell, Gracias và Monsengwo Pasinya cũng là thành viên hội đồng tám vị hồng y phụ tá đức giáo hoàng Phanxicô trong việc cai quản Giáo hội và canh tân giáo triều Roma.

Tổng thư ký của thượng hội đồng là hồng y Lorenzo Baldisseri.

Thư ký đặc biệt của phiên họp bất thường từ ngày 5 đến 19 tháng Mười năm 2014 là tổng giám mục Bruno Forte.

Người báo cáo tổng quát của phiên họp là hồng y Peter Erdö.

Các vị chủ tịch được uỷ nhiệm là các hồng y André Vingt-Trois, Raymundo Damasceno Assis, và Luis Antonio G. Tagle.

 

__________

Nguyên bản diễn văn của đức Biển Đức XVI, hôm 14 tháng Hai năm 2013, đề cập đến hai công đồng, một thực và một của truyền thông:

> “For me it is a particular gift of Providence…”

Và một cuôc tái dựng tương tự Công đồng Vaticanô đệ Nhị, do giáo sư Pietro De Marco:

> The Council and its external paradigm

 

__________

Tài liệu tháng Năm năm 2013 của ủy ban về gia đình và xã hội của hội đồng giám mục Pháp mà tờ “La Civiltà Cattolica” số ngày 15 tháng Hai năm 2014 đã đề nghị đưa ra làm khuôn mẫu cho tương quan lý tưởng giữa Giáo Hội và xã hội thế tục:

> Poursuivons le dialogue!
Và bài nói chuyện về cùng một đề tài, nhưng với một sắc thái hoàn toàn khác biệt của đức Biển Đức XVI, hôm 21 tháng Mười Hai năm 2012:

> The Pope and the Rabbi Against the Philosophy of “Gender”

__________