Bergoglio, vị tướng muốn chiến thắng không cần đánh.

Bergoglio, vị tướng muốn chiến thắng không cần đánh.

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350737?eng=y

 

“Tôi chẳng bao giờ hiểu cách nói ‘các giá trị bất khả thương lượng,’” ngài đã phát biểu thế trong cuộc phỏng vấn mới nhất. Và trong một cuốn sách, cộng sự viên thân cận nhất của ngài cắt nghĩa tại sao đức giáo hoàng Phanxicô lại cẩn thận tránh cuộc đối đầu trực diện với nền văn hoá đương thống lĩnh.

 

ROME, ngày 10 tháng Ba năm 2014- Víctor Manuel Fernández , là người Achentina đầu tiên được đức Jorge Mario Bergoglio tấn phong giám mục, hai tháng sau khi Ngài được bầu làm giáo hoàng.

Vị này đã và vẫn tiếp tục làm viện trưởng đại học công giáo Achentina, một vai trò ngài đã nhận lãnh sau khi vị hồi-đó-là-tổng-giám-mục Buenos Aires khắc phục được sự thù địch của một nhóm chống đối quan trọng cả từ bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội.

Nhưng từ lâu, ngài cũng là cộng tác viên đức Bergoglio tín nhiệm nhất trong việc soạn thảo các tài liệu quan trọng, từ tài liệu Aparecida năm 2007 cho đến tông huấn “Evangelii Gaudium” năm 2013, chương trình hoạt động của triều giáo hoàng đương thời.

Cuộc phỏng vấn được in thành sách “Il progetto di Francesco. Dove vuole portare la Chiesa – Kế hoạch của đức Phanxicô. Ngài muốn dẫn Giáo hội đi về đâu?” mới được phát hành bằng tiếng Ý. Trong sách này Fernandéz giải thích và nhận định về kế hoạch của đức giáo hoàng. Vì thế cuốn này là một hướng dẫn tốt để hiểu kế hoạch này cặn kẽ hơn.

 

*

 

Trong sách có một đoạn Fernandéz nhắc đến cuộc biến đổi đức Bergoglio đã trải qua trước và sau khi được bầu làm giáo hoàng:

Khi còn là tổng giám mục, ngài từ từ rút lui, và không thích xuất hiện nhiều trước công chúng nữa. Hơn nữa, có quá nhiều chiến dịch bách hại được một vài nhóm rất bảo thủ trong Giáo hội phối trí. Và tôi tin rằng việc này khiến ngài bận tâm nhiều. Nay ngài đã là giáo hoàng, với ân sủng mới Chúa Thánh Thần ban trên ngài, ngài không còn sợ nữa và đã để cho các nét đặc biệt nhất của ngài nổi bật lên. Điều này đổi mới sự phấn chấn và năng lực của ngài.

Trong một đoạn khác, Fernandéz giải thích sự dè dặt của vị hồi-đó-là-tổng-giám-mục Buenos Aires:

Có những phần hành nhấn mạnh đến sự chắc chắn tín lý, đến danh dự cuả Giáo hội và đến bản năng tồn sinh của mình, và người ta cảm nhận rằng họ được đại diện bởi một vài thẩm quyền trong giáo hội. Còn những phần hành có những chương trình chỉ hơi khác một chút với các vị có thẩm quyền này, như hồng y Bergoglio và nhiều người khác, thì rất nể vì các chọn lựa ấy, và ít nhất, cũng chỉ im lặng mà đón nhận.”

Fernandéz không nói gì thêm. Nhưng để tìm hiểu thêm về giai đoạn sóng gió này trong đời của đức Bergoglio, có một cuốn sách nữa, phát hành cách đây ít tháng tại Achentina và Ý, do cô Elisabetta Piqué, chuyên gia về Vatican, người có nhiều thông tin nhất và là người viết tiểu sử đáng tin cậy nhất của đức giáo hoàng đương nhiệm: “Francesco, vita e rivoluzione- Đức Phanxicô, cuộc đời và cách mạng“.

Ở về phía đối nghịch với Bergoglio là các hồng y nổi danh của Vatican, Angelo Sodano và Leonardo Sandri. Vị sau này có quốc tịch Achentina. Trong khi tại Buenos Aires, cánh đối lập được dẫn đầu bởi khâm sứ Adriano Bernadino, tại chức từ năm 2003 đến năm 2011, cùng với nhiều giám mục, ngài đã xoay sở để tấn phong, hầu như luôn luôn đi ngược lại với những hướng dẫn và mong đợi của vị hồi- đó-là-hồng-y của Buenos Aires.

Hôm 22 tháng Hai năm 2011, ngày lễ kính Toà thánh Phêrô, Bernadini đã giảng một bài hầu hết mọi người cắt nghĩa cho đấy là lời hiệu triệu bảo vệ cho đức Biển Đức XVI, nhưng thực ra, đó là một tấn công phối hợp nhắm vào đức Bergoglio.

Vị khâm sứ đã kết án các linh mục, các tu sĩ và nhất là các giám mục đang giữ một cách ứng xử “low-profile – kín đáo” bỏ mặc dân chúng một mình trong cuộc đấu tranh công khai bảo vệ sự thật.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng,” ngài nói “trải qua năm tháng, trong số các thần học gia và tu sĩ, trong số các nữ tu và giám mục, có một nhóm người xác tín rằng sự kiện thuộc về Giáo hội không đòi phải công nhận và gắn bó với một giáo lý khách quan.

Vì chính điều đó là cái lỗi bị lên án nơi đức Bergoglio: là đã không chống lại cuộc tấn công của thế tục, đã không bảo vệ giáo huấn của Giáo hội về những nguyên tắc “bất khả thương lượng.”

Và đến một chừng mực nào đó, đây cũng là trường hợp. Vị hồi-đó-là-tổng-giám-mục Buenos Aires đã không chịu đựng được cái “tính cứng nhắc đầy ám ảnh” nơi một vài phẩm trật trong Giáo hội trong vấn đề luân lý tính dục. “Ngài xác tín rằng,” cô Elisabetta Piqué viết, “điều tệ hại nhất có lẽ là cứ nhấn mạnh và cứ tìm kiếm đối nghịch trong những vấn đề này.

Có một giai thoại làm ví dụ cho cách tiếp cận của đức Bergoglio:

Vào năm 2010, lúc cuộc tranh đấu của các giám mục tại Achentina đạt cao điểm nhằm ngăn chặn việc hợp thức hóa hôn nhân giữa những người đồng tính, nảy sinh ý tưởng tổ chức một đêm canh thức cầu nguyện [trước quốc hội]. Esteban Pittaro, thuộc viện đại học Università Australe of Opus Dei, gửi ra một điện thư cho toà tổng giám mục ở Buenos Aires, thông báo cho biết về biến cố này. Ngày hôm sau, ông thấy mình đã hụt một cú phone, và ông phát giác ra đó là số phone của toà tổng gtiám mục. Esteban gọi lại, và đích thân đức Bergoglio trả lời. ‘Có lẽ đối với tôi, điều tuyệt vời là ông cầu nguyện. Nhưng chuyện ông ở suốt đêm tại công trường…Mà trời thì lạnh. Thôi về đi, về cầu nguyện ở nhà, như một gia đình!” vị hồng y đã nói với ông như thế. ‘Ngài ủng hộ cuộc vận động, nhưng ngài có lý khi can ngăn đêm canh thức, vì ngày hôm sau, có cuộc biểu tình ủng hộ hôn nhân đồng tính. Và ngài muốn tránh cuộc đụng độ,’ Pittaro kể lại.

 

*

 

Nếu đây là những tiền lệ, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu đức Bergoglio, khi đã là giáo hoàng, cũng sẽ áp dụng lối hành xử như thế cho toàn Giáo hội.

Đó là lối xử sự “Evangelii Gaudium” đã lột trần cho thế giới biết, và cuộc phỏng vấn in thành sách của giám mục Fernández càng làm cho rõ ràng hơn, với sự tự tin mang tính phô trương của kẻ đã chứng minh mình hiểu cặn kẽ lối suy nghĩ của đức giáo hoàng.

Ví dụ trong những điểm sau đây.

 

NHỮNG NGUYÊN TẮC “BẤT KHẢ THƯƠNG LƯỢNG”

 

Đức giáo hoàng Phanxicô không ngây thơ. Ngài yêu cầu chúng ta đắm mình vào ngữ cảnh của nền văn hoá ngày nay một cách rất thực tế. Ngài mời gọi chúng ta nhìn nhận sự chóng vánh của thông tin, và việc lọc lựa nội dung được giới truyền thông truyền đi đặt ra một thách thức mới cho chúng ta. […] Khi Giáo hội bàn quá nhiều về các vấn đề triết học hay về các lề luật tự nhiên, người ta giả thiết rằng Giáo hội làm thế để có thể đối thoại với một thế giới vô tín về các vấn đề luân lý. Tuy nhiên, khi làm thế, một mặt chúng ta không thể thuyết phục được ai bằng các lý luận triết học của thời xưa, và mặt khác, chúng ta mất đi cơ hội công bố vẻ đẹp của Chúa Giêsu Kytô, khiến cho “lòng cháy bừng lên.” Vậy, các lý luận triết học không thay đổi được cuộc đời của ai cả. Ngược lại, nếu chúng ta có thể làm sao để khiến cho lòng người ta cháy bừng lên, hay ít ra trình bày cho thấy trong Phúc Âm điều nào là hấp dẫn, người ta có thể ham muốn đối thoại hơn và suy tư đến cách đáp ứng liên quan đến luân lý. […]

Ví dụ, không tốt đẹp mấy nếu cứ lên tiếng chống lại hôn nhân đồng tính, bởi vì người ta sẽ coi chúng ta như là chúng ta đầy thù ghét, tàn nhẫn, là những người có ít cảm tình, thậm chí quá đáng. Sự thể sẽ khác đi nếu chúng ta cứ nói về nét đẹp của hôn nhân, và về sự hài hoà tạo ra do sự khác biệt trong khế ước giữa một người nam và một người nữ, và trong bối cảnh tích cực này, sẽ nảy sinh, mà không cần phải nói ra, chuyện làm sao mà sử dụng cùng một từ để gọi việc kết hợp giữa hai người đồng tính là ‘hôn nhân’ được. […]

Có hai yếu tố khiến đức giáo hoàng yêu cầu chúng ta đừng “lúc nào cũng” và “chỉ” nói về một vài nguyên tắc luân lý: để đừng làm người khác kiệt sức, khiến họ quá sức chịu đựng để rồi chỉ nhận được sự bác bỏ, và trên hết, để đừng phá đi nét hài hoà trong sứ điệp của chúng ta.

 

ĐỘC THÂN GIÁO SĨ

 

Chúng ta nhấn mạnh đến sự kiện nhiều người có gia đình là những kẻ ấu dâm. Tuy nhiên dù chúng ta có cắt nghĩa chuyện này bao nhiêu chăng nữa, xã hội vẫn không tin. Có một xác tín được tổng quát hoá cho rằng việc độc thân bắt buộc và khung cảnh sống của các linh mục chỉ toàn nam giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho việc đồng tính phát triển mà còn cho cả việc lạm dụng. Vậy cho dù lối lý luận này không thuyết phục, tôi tin rằng chúng ta nên lắng nghe Dân Chuá nhiều hơn, và trong chừng mực có thể được, nên mở một cuộc bàn cãi về sự độc thân bắc buộc. […]

Trong thực tế, tôi nghĩ các tập tục có ảnh hưởng lớn nhất trên các xác tín, bởi vì sự độc thân không luôn luôn phải đi đôi với chức linh mục, và có những linh mục Công giáo bên Đông phương sống đời gia đình cách hạnh phúc. Tuy vậy, với mọi chuyện ấy trong đầu, đức giáo hoàng đã phát biểu đôi điều rất thú vị và mất ổn định đáng được nhắc lại ở đây: “Trong cuộc phân định hiện thời, Giáo hội có thể nhận ra môt vài tập tục không trực tiếp gắn liền với trọng tâm của Phúc Âm, cho dù một vài tập tục có gốc gác lịch sử lâu đời, đến nay không còn được hiểu và được trân quý cách đúng đắn nữa. Một vài tập tục này có thể là rất đẹp, nhưng không còn được sử dụng như phương tiện truyền bá Phúc Âm. Chúng ta không nên sợ hãi tái thẩm định chúng.” […] Vậy chúng ta phải tự hỏi các lý do đưa ra để chấp nhận các linh mục có gia đình bên Đông phương, ngày nay, có áp dụng cho Tây Phương được không.

 

VIỆC RƯỚC LỄ CỦA NGƯỜI LY DỊ VÀ TÁI HÔN

 

Đây là một vấn đề sẽ được bàn cãi vào dịp thượng hội đồng sắp tới, và đức giáo hoàng sẽ lắng nghe các ý kiến khác nhau. […] Chắc chắn, trong “Evangelii Gaudium,” ngài đã đưa ra cho chúng ta một đường hướng quan trọng để suy nghĩ, chúng ta không nên coi thường bỏ qua không xét đến. Ngài đã đi đến chổ nói rằng “các cánh cửa của bí tích [không nên] đóng lại vì bất cứ lý do gì” và rằng bí tích Thánh Thể “không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là một liều thuốc mạnh và thực phẩm nuôi kẻ yếu đuối.” Ngài thúc đẩy chúng ta không ngừng đọc lại lời thánh Ambrôsiô và thánh Cyrilô, được trích lại trong chú thích số 51 ở cuối trang. Các ngài mời gọi chúng ta không nên quá cứng ngắc trong việc ban phát Thánh Thể. Cũng như chúng ta không nên làm ngơ bỏ ngoài tai lời ngài kêu gọi phải cẩn trọng nhưng cũng phải táo bạo đối diện với các vấn đề này, và lời ngài khuyến dụ chúng ta không nên có thái độ như “người toàn quyền ban phát ân sủng.”

 

 

_________

 

Trong chú thích số 51, ở cuối trang, của “Evangelii Gaudium” có những trích đoạn từ hai Giáo phụ, mà đức Phanxicô áp dụng vào việc rước lễ của người ly dị và tái hôn:

Thánh Ambrôsiô, trong tác phẩm “De Sacramentis – Bàn về các Bí Tích”: “Tôi phải luôn luôn rước lễ, hầu việc ấy có thể tha tội cho tôi. Nếu tôi cứ tiếp tục phạm tội, tôi cần phải có một phương thuốc chữa lành.” Và lại nữa: “Những người ăn manna đã chết, còn ai ăn thân thể này sẽ được tha thứ tội lỗi mình.”

Thánh Cyrillô thành Alexandria, trong chú giải Phúc Âm theo thánh Gioan: “Tôi xét mình và tôi thấy mình bất xứng. Với những ai nói vậy, tôi sẽ nói : khi nào anh em mới xứng đáng? Cuối cùng, khi nào anh em mới trình diện mình trước Chúa Kytô? Và nếu tội của anh em ngăn cản anh em tới gần Thiên Chúa, và anh em không ngừng sa ngã – vì như Thánh vịnh đã nói, “Ai là người biết được tội lỗi mình”? – chẳng anh em lại không tham dự vào việc thánh hóa ban cho anh em sự sống đời đời?

 

_________

 

Các cuốn sách:

Víctor Manuel Fernández in dialogo con Paolo Rodari, “Il progetto di Francesco. Dove vuole portare la Chiesa”, EMI, Bologna, 2014.

Elisabetta Piqué, “Francesco. Vita e rivoluzione”, Lindau, Torino, 2013.

__________

 

Chương trình hành động của triều giáo hoàng Phanxicô:

> “Evangelii gaudium”
__________

 

 

CUỘC PHỎNG VẤN BỘC BẠCH

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ “Corriere della Sera” được công bố hôm mồng 5 tháng Ba, đồng thời trên tờ “La Nación,” tại Achentina, đức giáo hoàng Phanxicô thú nhận rằng ngài “không bao giờ hiểu kiểu nói ‘các giá trị bất khả thương lượng.’

Qua việc đó, ngài khẳng định điều Fernández đã nói trong cuốn sách trích dẫn ở trên: đó là sự “khác biệt” thực sự trong tư tưởng và hành động đã tách biệt đức Bergoglio xa khỏi đức Biển Đức XVI – tác giả của công thức nói trên – trong thời gian ngài làm tổng giám mục Buenos Aires và “không thích xuất hiện nhiều trước công chúng cho lắm.”

Trong buổi phỏng vấn ấy đức giáo hoàng đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ và quyết đoán để bác bỏ những cáo buộc Giáo hội về chuyện bạo hành trẻ em. Và BBC cũng như các tập đoàn truyền thông khác coi đó như một phản ứng chống lại bản báo cáo của ủy ban LHQ hồi cuối tháng Giêng. Hơn nữa bản báo cáo còn ra lệnh cho Giáo hội phải thay đổi giáo huấn của mình về việc phá thai và đồng tính:

Tôi muốn nói hai chuyện. Các trường hợp lạm dụng rất kinh khủng, vì chúng lưu lại những vết thương sâu đậm. Đức Biển Đức XVI rất can đảm và đã mở ra một con đường. Giáo hội đã làm rất nhiều trong đường hướng này. Có lẽ còn nhiều hơn bất cứ ai khác. Các thống kê về hiện tượng bạo lực trẻ em gây choáng váng, nhưng chúng cũng chứng minh rõ ràng phần lớn các cuộc bạo hành xảy ra trong môi trường gia đinh và hàng xóm. Có lẽ Giáo hội Công giáo là cơ chế công cộng duy nhất đã tiến tới trước trong minh bạch và trách nhiệm. Không một cơ chế nào đã làm được hơn thế. Vậy mà chỉ có Giáo hội là cơ chế duy nhất bị tấn công.”

Nhưng cũng là điều nói lên rõ nét phong cách của đức Phanxicô: ngài đã để cả tháng trôi qua trước khi trả lời các cáo buộc ấy, và rồi lại để cho giới truyền thông cắt nghĩa nó như thế.

Tiêu biểu hơn về phong cách của ngài: cách ngài tránh mọi tuyên bố về phá thai trong buổi phỏng vấn. Ngài chỉ giới hạn mình trong một lần nhắc: “Điều tôi cần nói về vấn đề sự sống, tôi đã viết trong tông huấn Evangelii Gaudium.’ ” Đúng vậy, trong tài liệu này, có những lời lẽ rất mạnh nói chống lại việc phá thai. Tuy nhiên, chúng gần như bị giới truyền thông nhất tề không để ý tới.

Mà tiêu biểu hơn nữa về phong cách của ngài là ngài không hề đưa ra quan điểm của mình về hai cuộc tranh luận đang nằm ở trọng tâm các cuộc tranh cãi chính trị gay gắt tại nhiều quốc gia, kể cả nước Ý.

Hôn nhân dân sự nhằm chỉnh đốn các tình trạng khác nhau trong việc sống chung, kể cả giữa những người đồng phái:

Đây là vấn đề khế ước của nhiều kiểu cách chung sống, nhiều hình thức tôi không thể nêu hết ra. Các trường hợp khác nhau phải được xem xét và lượng giá khác nhau.

Việc kéo dài nhân tạo sự sống trong tình trạng thực vật:

Tôi không phải nhà chuyên môn về các đề tài luân lý sinh học. […] Trong những trường hợp đặc biệt hơn, tốt nhất nên nhờ đến, nếu cần, ý kiến của các chuyên gia.”

Theo cách đó, đức Phanxicô không trệch xa khỏi mọi giáo huấn cổ truyền của Giáo hội. Ngược lại, ngài lập đi lập lại rằng giáo huấn này vẫn luôn luôn đúng. Nhưng ngài chú mục vào những “tình huống cụ thể,” hay đúng hơn vào việc “giải nố lương tâm” mà ngài thường xuyên nhắm vào để chỉ trích, khi ngài thấy nó trở thành “giả hình.”

Đoạn phỏng vấn giải thích tốt nhất lập trường của đức giáo hoàng, là đoạn ngài tán dương một cách nồng nhiệt hiếm hoi thông điệp gây nhiều tranh cãi của đức Phaolô đệ Lục “Humanae Vitae,” và đồng thời lại kêu gọi đến “lòng nhân từ” của các cha giải tội:

Tất cả tùy thuộc vào cách giải thích thông điệp ‘Humanae Vitae.’ Chính đức Phaolô đệ Lục, cuối cùng, cũng thúc bách các cha giải tội phải rất nhân từ và chú trọng đến các trường hợp cụ thể. Nhưng kỳ tài của ngài mang tính tiên tri. Ngài đã có can đảm đứng lên ngược lại với đa số, để bảo vệ kỷ luật luân lý, để thực hiện một kiềm chế về văn hóa, để chống lại chủ nghĩa tân- Malthus hiện nay và trong tương lai. Vấn đề không phải là thay đổi giáo lý, nhưng là đào sâu, và bảo đảm sao cho việc chăm sóc mục vụ lưu tâm đến các tình huống và những gì con người có thể làm được.

 

 

Nguyên văn cuộc phỏng vấn đức giáo hoàng Phanxicô trong tờ “Corriere della Sera”:

> “Un anno è trascorso…”
Và bản tiếng Tây Ban Nha tại Achentina trên tờ “La Nación”:

> I – “Un año ha transcurrido…”

> II – “La verdad es que non siento nostalgia de la Argentina…”
 

Trọn vẹn cuộc phỏng vấn in trên tờ “L’Osservatore Romano” số ngày 6 tháng Ba năm 2014.

> “Sono un uomo normale…”