Một cái ôm, trăm mối rẽ chia.
Bài của Sandro Magister
Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350804?eng=y
Cuộc gặp gỡ giữa đức Phanxicô và đức Barthôlômêô tại vương cung thánh đường Mộ Thánh. Nhưng chia rẽ vẫn còn giữa các thượng phụ Chính thống Hy Lạp tại Giêrusalem và Antioch. Và còn có xung khắc giữa Constantinople và Moscow về vấn đề tối thượng quyền. Cảm xúc chống đối giáo hoàng nơi các Kytô hữu Đông Phương.
ROME, ngày 26 tháng Năm năm 2014 – Các hình ảnh đức giáo hoàng Phanxicô đứng trước bức tường phía Tây đền thờ Giêrusalem, cũng như những bức hình ngày hôm trước ngài đứng im, yên lặng trước bức tường phân chia tại Bethlehem đã quy tụ sự chú ý của truyền thông trên toàn thế giới.
Nhưng chính một bức tường khác đã phát sinh chuyến đi của đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đến Đất Thánh.
Đó là bức tường chia rẽ giữa các Kytô hữu.
Đúng năm mươi năm trước, vào ngày 5 tháng Giêng năm 1964, cái ôm tại Giêrusalem giữa đức Phaolô đệ Lục và đức thượng phụ Athenagoras của Constantinople đã đánh dấu việc khởi đầu cuộc hành trình tìm về hiệp nhất giữa Giáo hội Roma và các Giáo hội Chính thống Đông Phương.
Cũng như điều lúc ấy đức Athenagoras đã đề nghị với đức giáo hoàng, lần này cũng thế, chính vị kế nhiệm của ngài là đức Barthôlômêô đã đề nghị với đức Phanxicô tái thực hiện cuộc gặp gỡ ấy tại Giêrusalem.
Ngay lập tức đức giáo hoàng đã chấp nhận lời đề nghị. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc viếng thăm của đức giáo hoàng đã được trù liệu có sự đồng thuận của toà thượng phụ Constantinople, trong phần liên quan đến hai Giáo hội.
Với hai điều canh tân quan trọng liên quan đến cuộc gặp gỡ 50 năm trước giữa đức Phaolô đệ Lục và đức Athenagoras:
– trong biến cố này, có sự góp mặt của đại diện các Giáo hội Kytô khác và các tôn giáo khác, không chỉ bên Đông Phương, mà còn thuộc về truyền thống của phong trào Cải Cách Tin Lành,
– và địa điểm cuộc gặp gỡ, vương cung thánh đường Mộ Thánh, tại Giêrusalem, với viên đá của thánh giá, và viên đá bị lăn đi trong biến cố Phục Sinh, nền tảng đức tin của tất các các Kytô hữu.
Cả hai điều canh tân này đánh dấu tiến bộ thực hiện được hơn nữa thế kỷ qua trong cuộc hành trình đại kết giữa các Giáo hội Kytô.
Nhưng cả hai cũng mang chứng tích nói lên cuộc hành trình này gian khổ biết bao, và vẫn còn có nhiều trở ngại chồng chất.
*
Vương cung thánh đường Mộ Thánh là một chứng tích sống động nói lên tầm rộng lớn mà cuộc chia rẽ giữa các Giáo hội đã gây thêm phức tạp cho việc chung sống giữa các Giáo Hội, và đôi khi còn dẫn đến xung đột. Dựa trên căn bản ”status quo – giữ nguyên hiện trạng” có từ năm 1753, và dưới thời đế quốc Ottoman, quyền sở hữu vương cung thánh đường được giao cho toà Thượng phụ Chính Thống Hy Lạp tại Giêrusalem, các tu sĩ Phanxicô Gìn Giữ Đất Thánh, và toà thượng phụ Tông toà Armenian. Nhưng việc sử dụng vương cung thánh đường này cũng được ban cho các Kytô hữu Coptic, Syriac và Ethiopian. Đối với tất cả mọi người, với một bản phân chia thời gian và địa điểm tỉ mỉ, việc không tuân thủ thường gây nên những cuộc xung đột, không phải là hiếm, có khi là “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” giữa bên này và bên kia, ngay trong nơi thánh, cần kêu gọi đến cảnh sát Israel xung vào để dẹp tan cuộc lộn xộn.
Chính sự kiện đức giáo hoàng của Roma và đức thượng phụ của Constantinople đã được đón vào vương cung thánh đường trong an bình và đã cùng cử hành phụng vụ tại đây, trong một biệt lệ bất chấp luật lệ “status quo – giữ nguyên hiện trạng”, chắc chắn là một dấu chỉ quan trọng.
Tuy nhiên, đồng thời, chính đức Theophilos đệ Tam, thượng phụ của Chính Thống Hy Lạp tại Giêrusalem, nhân vật vào chiều tối ngày Chúa Nhật 25 tháng Năm đã đích thân đón tiếp hai vị thượng khách từ Roma và Constantinople đi vào vương cung thánh đường Mộ Thánh này, lại là một nhân chứng sống của sự chia rẽ đang phân cách không chỉ Giáo hội Latinh ra khỏi Chính thống, mà còn phân cách các Giáo hội Đông Phương với nhau.
Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp tại Giêrusalem, theo Nghi Lễ Byzantine, bắt nguồn từ thời các Tông đồ, là cộng đồng Kytô giáo hiện diện đông đảo nhất tại Đất Thánh.
Nhưng vào hôm 29 tháng Tư vừa qua, thượng phụ của giáo hội này, đức Theophilos đệ Tam, đã bị đức Gioan đệ Thập, một thượng phụ của Giáo hội Chính thống Hy Lạp khác, của Antioch và toàn Đông Phương, đặt ra ngoài vòng pháp luật về phương diện phụng vụ.
Từ đó trở đi, khi cử hành phụng vụ thánh, đức Gioan không còn nêu tên Theophilos trong số những Giáo hội Chính thống hiệp thông với nhau.
Lý do có việc chia rẽ này, do hội đồng Giáo hội Chính thống Hy Lạp tại Antioch đơn phương tuyên bố, là vì một năm trước đây, đức Theophilos đã thành lập một giáo phận mới tại Qatar, trong vùng lãnh địa mà thượng phụ tại Antioch cho là thuộc về riêng mình.
Nhưng các hậu quả trực tiếp ảnh hưởng xa hơn cuộc va chạm giữa hai toà thượng phụ. Và đã lan sang toàn thể chính thống giáo.
Vào ngày 9 tháng Ba, đức Barthôlômêô, thượng phụ đại kết Constantinople, đã triệu tập các vị đứng đầu các Giáo hội Chính Thống đến Istanbul, để, cùng với sự đồng thuận của họ, công bố việc triệu tập một công đồng toàn-Chính thống vào năm 2016, một công đồng mong đợi từ lâu, nhưng chưa hề bao giờ có được sự đồng thuận.
Trong lịch phụng vụ Byzantine, ngày mồng 9 tháng Ba còn được gọi là Chúa Nhật “Chính thống.” Cả đức Gioan đệ Thập và đức Theophilos đệ Tam đều hiện diện tại Istanbul. Nhưng đức Gioan đã không ký vào tuyên bố ấn định cuộc triệu tập công đồng toàn-Chính Thống vào năm 2016. Mà ngài cũng chẳng tham dự buổi phụng vụ thánh.
*
Một dấu hiệu chia rẽ khác là tại cuộc gặp gỡ tại Giêrusalem giữa đức Phanxicô và đức Barthôlômêô đã không hề có mặt của bất cứ đại diện nào của Giáo hội Chính thống Nga, là giáo hội lớn nhất trong khối Chính Thống.
Trong bài diễn văn tại vương cung thánh đường Mộ Thánh, giáo hoàng Bergoglio “lập lại niềm hy vọng được đối thoại liên tục với tất cả anh chị em của chúng tôi trong Chúa Kitô, nhằm tìm ra một phương cách thực thi sứ vụ đặc biệt của Giám Mục Roma, phù hợp với sứ mạng của mình, sứ vụ này có thể mở ra một tình cảnh mới, và trong bối cảnh hiện nay, có thể là một việc phục vụ yêu thương và hiệp thông, được tất cả mọi người công nhận.”
Một cuộc gặp gỡ khác đã được dự trù vào tháng Chín tại Giêrusalem, dành cho nhóm liên hợp các giám mục và thần học gia, gọi là “ủy ban liên hợp quốc tế về việc đối thoại giữa Giáo Hội Công giáo Rôma và Giáo hội Chính thống.” Người ta mong đợi ủy ban này tiếp tục nghiên cứu về tối thượng quyền của đức giáo hoàng, theo khuôn mẫu của các tài liệu đã được tất cả các thành viên của ủy ban phê chuẩn tại Ravenna năm 2007.
Nhưng Giáo hội Nga vắng mặt tại Ravenna, và trong những năm sau đó, luôn luôn nhấn mạnh đến sự bất đồng ý kiến của mình về tài liệu này.
Không những thế. Trong một tài liệu được thượng hội đồng của mình công nhận vào mùa đông năm ngoái, đức thượng phụ Nga thẳng thừng chối bỏ mọi thứ “tối thượng quyền” – dù là tối thượng quyền của người đứng đầu Giáo Hội Roma, hay tối thượng quyền của vị thượng phụ đại kết tại Constantinople trong các Giáo hội Chính thống – tối thượng quyền này không phải chỉ là danh dự, hay giữa những người ngang hàng.
Toà thượng phụ tại Constantinople đã trả lời tài liệu này cũng quyết liệt không kém.
*
Nhưng còn nữa. Còn có nỗi lo ngại rằng, các tiến bộ đạt được lâu nay trong các cuộc đối thoại đại kết giữa Roma và các Giáo hội Đông Phương, chỉ thuộc về một thiểu số ưu tú thông thái, và không được đa số hàng giáo phẩm và giáo dân Chính thống chấp nhận.
Một dấu hiệu của việc e ngại này là bức thư ngỏ rất dài, viết bằng tiếng Anh và tiếng Ý, do hai giám mục của Giáo hội Chính thống Hy lạp, Seraphim ở Piraeus và Andrew ở Konitsa, gởi hôm mồng 10 tháng Tư vừa rồi, đến đức giáo hoàng – hay chính xác hơn, gửi đến “ngài Phanxicô rất nổi danh, đứng đầu quốc gia Vatican.”
Bức thư là một bản cáo trạng tổng hợp dài lê thê không chút ngượng ngùng, cao điểm là những lời cáo buộc lạc giáo và sùng bái ngẫu tượng, ủng hộ cho ý tưởng là “không thể có một hình thức thoả hiệp nào giữa Chính thống giáo và Công giáo.”
Hai tác giả là những vị đại diện nổi tiếng nhất cho cánh duy truyền thống trong Giáo hội Chính thống Hy Lạp. Nhưng theo giáo sư Enrico Morini, “họ tiêu biểu cho các thái độ của phần lớn hàng giáo phẩm Chính thống tại Hy lạp, và cả tại Nga và Romania, và xét rộng ra là của đa số các tín hữu Chính thống có ý thức và thành tâm nhất.”
Morini là giáo sư về lịch sử và về các tổ chức của Giáo hội Chính thống tại đại học quốc gia Bologna và tại phân khoa thần học vùng Emilia Romagna, và là giám đốc ủy ban đại kết của tổng giáo phận Bologna.
_________
Chương trình cuộc viếng thăm của đức giáo hoàng Phanxicô đến Amman, Bethlehem, và Jerusalem, và các bài diễn văn:
> Pope Francis’ Pilgrimage to the Holy Land, 24-26 May 2014
__________
Đọc thêm các chi tiết ở hậu trường:
> The Russian Veto Against Francis and Bartholomew
__________