Huyền thoại và thực tế của các vụ hôn nhân thứ hai bên Chính Thống giáo.

Huyền thoại và thực tế của các vụ hôn nhân thứ hai bên Chính Thống giáo.

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350806?eng=y

 

Có một quan niệm được lưu truyền rộng rãi cho rằng các Giáo hội Đông Phương cho phép cuộc hôn nhân thứ hai sau khi ly dị và cho phép người tái hôn được Rước Lễ. Nhưng Nicola Bux giải thích sự thể không phái thế. Chỉ cuộc hôn nhân đầu tiên mới được cử hành như một bí tích đích thực.

 

ROMA – Ngày 30 tháng Năm năm 2014- Trên chuyến bay từ Đất Thánh trở về, người ta hỏi đức giáo hoàng Phanxicô rằng phải chẳng “Giáo hội Công giáo có thể học hỏi đôi điều từ các Giáo Hội Chính thống” liên quan đến việc các linh mục lập gia đình và chấp nhận các cuộc tái hôn của người ly dị.

Đức giáo hoàng chỉ có câu trả lời tránh né cho cả hai điểm này. Nhưng ai cũng còn nhớ điều ngài đã nói về các cuộc hôn nhân thứ hai trong cuộc phỏng vấn trước đây trên chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro:

Nhưng – xin mở một dấu ngoặc – người Chính Thống có một tập tính khác. Họ theo một nền thần học mà họ gọi là ‘oikonomia- nhiệm cục Cứu rỗi’, và họ cho một cơ hội thứ hai [để kết hôn]. Nhưng tôi tin rằng vấn đề này – và đến đây tôi đóng dấu ngoặc – phải được tìm hiểu trong bối cảnh của mục vụ hôn nhân.”

Hồng y Walter Kasper cũng nhắc đến tập tục này của các Giáo hội Đông Phương trong bài nhận xét khai mạc cuộc mật nghị hồi tháng Hai vừa qua. Trong bài này, ngài hướng cuộc tranh luận nhắm vào tiêu điểm là việc rước lễ cho người ly dị và tái hôn trong viễn cảnh của thượng hội đồng về gia đình.

Dòng suy nghĩ hiện thời cho là trong các Giáo hôi Đông phương có việc cử hành cuộc hôn nhân thứ hai, thậm chí thứ ba, mang tính bí tích dành cho người ly dị rồi tái hôn.

Nhưng thật ra, sự thể hoàn toàn không phải như vậy. Chính thống giáo luôn luôn phân biệt cuộc hôn nhân đầu tiên với các cuộc hôn nhân sau đó, không chỉ trong nghi thức nhưng còn trong bản chất của chúng, như đã được minh chứng rõ ràng qua cung giọng mang nặng tính thống hối của các kinh nguyên đọc trong nghi thức hôn phối thứ hai.

Về khía cạnh này, chỉ cần đọc cuốn tổng quan về lịch sử cha Basilio Petrà đã xuất bản hai tháng trước đây. Ngài là linh mục thuộc nghi lễ Latinh, nhưng sinh quán Hy lạp và là chuyên gia trong lãnh vực này. Ngài là giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Đông Phương .

B. Petrà, “Divorzio e seconde nozze nella tradizione greca. Un’altra via”, Cittadella Editrice, Assisi, 2014, pp. 212, euro 15,90.

Sau đây là bài viết minh định bản chất cuộc hôn nhân thứ hai trong thần học và tập tục các Giáo hội Chính Thống.

Tác giả, Nicola Bux, là chuyên gia phụng vụ và giáo sư tại phân khoa thần học Bari, một cố vấn của bộ phượng tự và phong thánh. Ngài từng tham dự thượng hội đồng năm 2005 về Thánh Thể, một giai đoạn thú vị mà ngài nhắc đến trong bài dưới đây.

 

___________

 

 

GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG VÀ CÁC CUỘC TÁI HÔN

Bài của Nicola Bux

 

Mới đây hồng y Walter Kasper có đề cập đến tập tục tái hôn bên Chính Thống để khăng khăng cho rằng cũng nên cho phép các người Công giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.

Tuy nhiên, có lẽ ngài không để ý đến sự kiện là người Chính Thống không rước lễ trong nghi thức hôn phối lần thứ hai, vì nghi thức hôn nhân trong nghi lễ Byzantin không có nghi thức Rước Lễ, mà chỉ có việc trao đổi uống chung một chén rượu không được truyền phép.

Hơn nữa, giữa những người Công giáo với nhau, người ta thường nói rằng bên Chính Thống cho phép tái hôn, và như thế tha thứ cho việc ly dị với người phối ngẫu đầu tiên.

Thực tế hoàn toàn không đúng như thế, vì đây không phải là vấn đề của cơ chế luật lệ hiện đại. Giáo Hội Chính Thống có thể dung thứ cho các cuộc tái hôn của những người có mối liên kết hôn nhân đã được Giáo hội tháo gỡ, chứ không phải do chính quyền, dựa trên căn bản của năng quyền Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội được “cột hay tháo gỡ,” để ban cho một vài trường hợp có được cơ hội thứ hai, (tiêu biểu là những trường hợp như ngoại tình, nhưng cũng mở rộng ra đến các trường hợp mối liên kết hôn nhân trở thành giả vờ). Một cuộc hôn nhân thứ ba cũng có thể được, mặc dù sẽ được hết sức khuyên cản. Hơn nữa, khả năng có được hôn nhân thứ hai trong trường hợp cuộc hôn nhân đầu được tháo gỡ, chỉ ban cho người phối ngẫu nào vô tội.

Khác với cuộc hôn nhân đầu tiên, các cuộc hôn nhân thứ hai và thứ ba bên Chính Thống được cử hành theo một nghi thức đặc biệt, được gọi tên là “thống hối.” Ngày từ thời xa xưa, nghi thức các cuộc hôn nhân thứ hai đã bỏ việc đeo vương miện cho đôi phu thê – mà thần học Chính Thống coi là giây phút trọng yếu nhất của hôn phối – nên các cuộc hôn nhân thứ hai không phải là một bí tích đúng nghĩa, nhưng nếu dùng các kiểu nói bên Latinh, đó là các “á bí tích,” cho phép đôi tân hôn coi cuộc kết hợp của họ được cộng đoàn giáo hội chấp nhận hoàn toàn. Nghi thức kết hôn lần thứ hai cũng được áp dụng cho trường hợp các người goá.

Bản chất không-phải-bí-tích của các cuộc hôn nhân thứ hai cũng được xác nhận qua sự việc không có nghi thức Hiệp Lễ trong nghi lễ hôn phối Byzantin, được thay thế bằng một chén rượu được hiểu như là biểu tượng của việc chung sống. Sự kiện này xem ra là một cố gắng để “de-sacramentalize, giải-bí tích” cuộc hôn nhân, có lẽ vì sự lúng túng do các cuộc hôn nhân thứ hai rồi thứ ba gây ra. Vì đó là một điều miễn trừ khỏi nguyên tắc bất khả phân ly của mối giây hôn nhân, trực tiếp tương ứng với bí tích hiệp nhất là bí tích ThánhThể.

Trong khía cạnh này, Alexander Schememan, nhà thần học Chính Thống, đã viết rằng, chính chén rượu, được nâng lên thành biểu tượng cho việc chung sống, đã “chứng tỏ việc giải-bí tích cho hôn nhân, trở thành chỉ còn là một hình thức hạnh phúc tự nhiên. Trong quá khứ, điều này đạt được nhờ việc rước lễ, chia sẻ bí tích Thánh Thể, dấu ấn tột cùng của hôn nhân thành toàn trong Đức Kytô. Đức Kytô phải là yếu tính đích thực cho cuộc sống chung.” Làm thế nào giữ được cái “yếu tính” này ?

Vậy đó chính là sự thể của sự “hồ đồ” về phía Công giáo, có thể gán cho nguyên do là vì ít hay thiếu hiểu biết về giáo lý. Theo giáo lý này, dần dần có quan điểm, hay đúng hơn có lạc giáo, cho rằng Thánh Lễ không có rước lễ thì không thành sự. Toàn bộ chuyện lắng lo đến việc rước lễ của người ly dị và tái hôn, vốn chẳng là gì dưới nhãn quan và tập tục Đông phương, đều là hậu quả từ đó mà ra.

Chừng mười năm về trước, trong lúc cộng tác để chuẩn bị cho thượng hội đồng về Thánh Thể, và sau đó vào năm 2005 tham dự trong tư cách chuyên viên, “quan điểm” này được đức hồng y Cláudio Hummes, một thành viên của ủy ban thư ký thượng hội đồng, đưa ra. Theo lời mời của hồng y Jan Peter Schotte, lúc ấy là tổng thư ký, tôi phải nhắc lại cho hồng y Hummes nhớ rằng người tân tòng và hối nhân – gồm cả những người tái giá – tùy theo mức độ nặng nhẹ của việc thống hối, được tham dự toàn phần hay chỉ một phần Thánh Lễ, mà không được chịu lễ.

Ngày nay quan điểm “sai lạc” này lan truyền rộng rãi trong giới giáo sĩ và các giáo dân, và chính đó là lý do mà đức Joseph Ratzinger đã lưu ý: “người ta cần phải ý thức rất minh bạch về sự kiện là việc cử hành Thánh Thể không hề mất đi chút giá trị nào đối với những ai không rước lễ.[…] Vì bí tích Thánh Thể không phải là một bữa tiệc nghi lễ, nhưng là một kinh nguyện cộng đồng của Giáo Hội, trong đó Chúa cầu nguyện với chúng ta và tham dự với chúng ta, nên bí tích Thánh Thể vẫn quý giá và cao cả, vẫn là một món quà đích thực, cả khi chúng ta không thể rước lễ. Nếu chúng ta hiểu rõ được sự kiện này, và như thế nhìn bí tích Thánh Thể một cách chính xác hơn, thì nhiều vấn đề mục vụ khác, như vị thế của người ly dị và tái hôn, sẽ tức khắc mất đi trọng lượng nặng nề của mình.”

Những gì được miêu tả trên đây là hậu quả của sự khác biệt, thậm chí đối nghịch giữa tín lý và phụng vụ. Tông đồ Phaolô đã hỏi những người muốn lên chịu lễ phải tự xét mình, để khỏi ăn vào uống vào sự kết án chính mình ( 1 Co 11:29). Điều này có nghĩa: “Ai muốn Kytô giáo chỉ là một lời tuyên bố vui vẻ, không hề có nguy cơ bị phán xét, là đã xuyên tạc nó.”

Người ta có thể tự hỏi tại sao sự thể lại ra nông nỗi này. Trong hạ bán thế kỷ trước, nhiều tác giả khác nhau đã ủng hộ cho lý thuyết – đức Ratzinger nhắc lại – cho rằng “ThánhThể thoát thai ít nhiều từ những bữa ăn Chúa Giêsu dùng với các tội nhân.[…] Nhưng những gì xảy ra sau đó không hề có chút liên quan nào đến tập tục của Giáo hội sơ khai. “Mặc dù Phalô dùng án tuyệt thông để bảo vệ việc rước lễ khỏi các lạm dụng (1 Co 16:22), lý thuyết đã nhắc đến trên đây cho rằng “theo bản chất của Thánh Thể, Thánh Thể phải được trao tặng cho mọi người không phân biệt, và không có điều kiện tiên quyết, […] cho cả tội nhân, và thậm chí, dĩ nhiên, cho cả kẻ không tin.”

Không, đức Ratzinger đã viết: ngay từ khởi thuỷ, bí tích Thánh Thể không hề được hiểu như bữa ăn dùng chung với các tội nhân, nhưng với người đã giao hoà lại với Thiên Chúa: “Ngay từ ban đầu, đã có những điều kiện được xác định rõ ràng để tham dự bí tích Thánh Thể […] và với cách đó,Thánh Thể đã xây dựng nên Giáo Hội.

Vậy bí tích Thánh Thể vẫn mãi là “bữa tiệc cho những người đã giao hoà lại với Chúa,” một điều phụng vụ Byzantine còn giữ được, vào lúc rước lễ, với lời mời “Sancta sanctis,- Mình Máu Thánh dành cho các thánh nhân”(*)

Nhưng dẫu vậy, lý thuyết cho rằng Thánh lễ vô hiệu nếu không có rước lễ vẫn tiếp tục ảnh hưởng lên nền phụng vụ ngày nay.

 

 

_________

 

Bản văn trên của Niocola Bux được trích từ lời bạt ông viết cho cuốn sách mới nhất của Antonio Livi., một nhà thần học và triết gia tại Giáo Hoàng Học Viện Lateran. Sách sắp được xuất bản và đề tặng cho các trước tác và diễn văn của hồng y Giuseppe Siri (1906-1989):

A. Livi, “Dogma e liturgia. Istruzioni dottrinali e norme pastorali sul culto eucaristico e sulla riforma liturgica promossa dal Vaticano II”, Casa Editrice Leonardo da Vinci, Roma, 2014.
__________

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch

(*) Trong nghi lễ Đông Phương, trước khi rước lễ, chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh và công bố công thức: “Sancta sanctis!” có nghĩa là “Quà Tặng Thánh Thiên Chúa ban cho dân thánh”. Tín hữu thánh (sancti) được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh của Đức Kytô (sancta) để trưởng thành trong hiệp thông với Chúa Thánh Thần (koinonia) và thông truyền cho thế giới.