Müller: “Những lý thuyết này sai hoàn toàn”

Müller: “Những lý thuyết này sai hoàn toàn”

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350851?eng=y

 

Bộ trưởng bộ giáo lý đức tin phản bác ý kiến của những người muốn cho phép cuộc hôn nhân thứ hai trong khi người phối ngẫu đầu tiên vẫn còn sống. Ngài được hồng y Sebastián ủng hộ. Sebastián là người bất đồng ý kiến với hồng y Kasper. Còn đức giáo hoàng Phanxicô đứng về bên nào?

 

ROMA – Ngày 29 tháng Bẩy năm 2014 – Trong một cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn dài mới được công bố đồng thời tại Ý, Tây Ban Nha, và Mỹ, hồng y Gerhard Ludwig Müller, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin duyệt xét lại và khai triển điều ngài đã nhắc lại mùa Thu vừa rồi trong một bài báo đăng trên tờ “L’Osservatore Romano” từng dấy lên sóng gió:

> Divorced and Remarried. Müller Writes, Francis Dictates (23.10.2013)

 

Trong bài này, gần như Müller chỉ nhắm vào vấn đề việc rước lễ của người ly dị và tái hôn, nhắc lại những lý do cấm đoán việc này.

Quả vậy, vào lúc ấy, thậm chí trong hàng giáo phẩm cao cấp nhất, cũng có vài vị kiên định với ý kiến cho rằng Giáo hội cần bỏ luật cấm này.

Và trong cuộc mật nghị vào tháng Hai năm nay, sự thay đổi này được một vị ủng hộ. Vị này được đức Phanxicô giao cho trọng trách dẫn nhập cuộc tranh luận. Đó là hồng y Walter Kasper

> Kasper Changes the Paradigm, Bergoglio Applauds (1.3.2014)

>Kasper thay đổi lề lối suy nghĩ, đức Bergoglio tán đồng

 

Những tháng sau đó, ý kiến của Kasper đặc biệt dấy lên những phản ứng dữ dội trong công luận, từ phía các đức hồng y Carlo Caffarra, Velasio De Paolis, Walter Brandmüller, và Thomas Collins.

Và bây giờ, lại chính bộ trưởng bộ giáo lý đức tin mạnh mẽ can thiệp vào để bảo vệ giáo lý truyền thống.

Cuộc phỏng vấn được Carlos Granados, giám đốc Thư viện các Tác giả Kytô giáo – Biblioteca de Autores Cristianos, thực hiện tại Madrid vào tháng Sáu vừa rồi. Bài phỏng vấn được đức hồng y duyệt lại, và coi đó là cái nền cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới, dành riêng cho chủ đề gia đình.

Trong lời dẫn nhập, một hồng y khác, Fernando Sebastián Aguilar, nguyên tổng giám mục Pamplona, viết :

Vấn đề chính hiện có trong Giáo hội liên quan đến gia đình không phải là nhóm nhỏ các người ly dị và tái hôn muốn Rước Lễ. Vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta là một số lớn những người được rửa tội, đã lập gia đình bên dân sự, và những người đã lấy nhau qua bí tích hôn phối, lại không sống bí tích hôn phối, hay sống đời hôn nhân trong hài hoà với đời sống Kytô hữu và với các giáo huấn của Giáo hội. Giáo hội vốn coi họ như những hình ảnh sống động của Tình Yêu Chúa Kytô dành cho Giáo hội của Ngài đang hiện diện và làm việc trong thế giới.”

Hồng y Sebastián nhận mũ đỏ từ đức giáo hoàng Phanxicô. Đức Phanxicô rất quý trọng ngài. Nhưng chắc chắn, ngài không thể được kể vào số những người ủng hộ cho quan điểm của Kasper.

Trong cuộc phỏng vấn, hồng y Müller cũng chỉ trích những người dựa vào một vài phát biểu của đức giáo hoàng Phanxicô, bẻ cong chúng để hậu thuẫn cho một thay đổi trong đường lối “mục vụ” hôn nhân.

Ví dụ, ngài nói :

Hình ảnh “bệnh viện dã chiến” rất đẹp. Tuy nhiên, chúng ta không thể bóp méo ý đức giáo hoàng bằng cách giản lược toàn bộ thực tại của Giáo Hội vào trong hình ảnh này. Tự bản thân, Giáo hội không phải là một bệnh viện. Giáo hôi cũng còn là Nhà của Cha.”

Và:

Việc đơn giản “thích nghi” thực tại hôn nhân cho phù hợp với mong đợi của thế giới không mang lại hoa trái nào, mà rốt cuộc trở thành phản tác dụng: Giáo hội không thể đáp ứng với những thách thức của thế giới hiện đại qua việc thích nghi cách thực tiễn. Đối lại với việc thích nghi thực tiễn cách dễ dàng, chúng ta được kêu gọi để chọn lựa lòng quả cảm mang tính tiên tri của việc chứng- tá-tử-đạo. Nhờ việc này, chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng của sự thánh thiện trong hôn nhân. Một tiên tri hững hờ, qua chuyện thích nghi với tinh thần của thời đại, hẳn chỉ tìm kiếm sự cứu rỗi của chính mình, chứ không phải sự cứu rỗi chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho.”

 

Bài sau đây là phần trích dẫn các đoạn từ bài phỏng vấn dành cho vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn, trong đó Müller cũng phản bác một khẩu hiệu khác liên kết với đức giáo hoàng Phanxicô, khẩu hiệu “lòng thương xót”:

 

 

__________

 

 

CHIỀU KÍCH ĐÍCH THỰC CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Cuộc phỏng vấn đức hồng y Gerhard Ludwig Müller

 

Hỏi: Mới đây, công luận lại chú ý tới vấn đề người ly dị và tái hôn. Dựa trên một vài lối cắt nghĩa Kinh Thánh, dựa trên truyền thống các giáo phụ, và dựa trên các bản văn của huấn quyền, các giải pháp được đưa ra đề nghị có canh tân. Có phải giáo lý đang thay đổi?

Đáp: Thậm chí một công đồng chung cũng không thể thay đổi giáo lý của Giáo Hội, vì Đấng lập ra Giáo hội, Chúa Giêsu Kytô, đã tin tưởng trao phó việc trung thành gìn giữ các giáo huấn và giáo lý của Ngài cho các tông đồ và những người kế vị các ngài. Chúng ta đã có một giáo lý hôn nhân được khai triển đầy đủ và kết cấu chặt chẽ, dựa vào Lời Chúa Giêsu đã nói. Lời này được lưu truyền lại nguyên vẹn. Tính bất khả phân ly tuyệt đối của một cuộc hôn nhân thành sự không chỉ đơn thuần là một giáo lý, nhưng đúng hơn, đó là một tín điều của Chúa được Giáo hội định nghĩa. Đối diện với một cuộc hôn nhân thành sự bị đỗ vỡ thực sự, không thể chấp nhận một cuộc “hôn nhân” dân sự khác nữa. Vì nếu thế, chúng ta đối diện với một mâu thuẫn, vì nếu cuộc kết hợp thứ nhất, cuộc hôn nhân “đầu tiên” , hay đúng hơn hôn nhân – đã là một cuộc hôn nhân đích thực, thì một cuộc kết hợp khác, sau đó, không còn phải là “hôn nhân.” Chỉ là một cách chơi chữ khi người ta nói đến cuộc “hôn nhân” thứ nhất và thứ hai. Một cuộc hôn nhân thứ hai chỉ có thể được khi người phối ngẫu hợp pháp đã qua đời, hay khi cuộc hôn nhân đã được phán định là vô hiệu, vì trong những trường hợp này, mối giây ràng buộc đầu tiên đã được tháo gỡ. Nếu sự thể không phải thế, chúng ta gặp phải trường hợp gọi là “ngăn trở do ràng buộc hôn phối” [“ngăn trở hôn hệ”]

Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng đức Joseph Ratzinger, hồi ấy còn là hồng y, bộ trưởng thánh bộ mà bây giờ tôi được hân hạnh điều hành, với sự đồng thuận của đức giáo hoàng lúc đó, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị, đã phải can thiệp chỉ để phản bác một giả thiết tương tự như câu hỏi của ông.

Điều này không ngăn cản người ta bàn đến vấn đề hiệu lực của nhiều cuộc hôn nhân trong ngữ cảnh thế tục hóa hiện nay. Tất cả chúng ta đang chứng kiến các cuộc hôn nhân trong đó không thấy rõ ràng hai bên phối ngẫu thực sự có ý định “làm điều Giáo hội thực hiện” trong nghi thức hôn phối hay không. Đức Biển Đức XVI đã liên tục kêu gọi suy tư về những thách đố lớn lao nơi những người được rửa tội nhưng không tin, Kết quả là, bộ giáo lý đức tin ghi nhận sự quan ngại của đức giáo hoàng và đã yêu cầu một số lớn các thần học gia và các cộng tác viên khác phải làm việc để giải quyết vấn đề tương quan giữa đức tin minh nhiên và mặc nhiên.

Điều gì xảy ra khi cả đến đức tin mặc nhiên cũng không có trong hôn nhân? Dĩ nhiên, khi thiếu vắng đức tin, dù cho cuộc hôn nhân có được cử hành “libere et recte – trong tự do và đúng đắn.” hôn nhân ấy có thể không thành sự. Việc này dẫn chúng ta đến chủ trương rằng, thêm vào tiêu chuẩn cổ điển để tuyên bố tính vô hiệu của hôn nhân, cần phải suy tư nhiều hơn nữa về trường hợp các người phối ngẫu loại bỏ bản chất bí tích của hôn nhân. Hiện giờ chúng ta đang trong giai đoạn tìm hiểu, giai đoạn suy tư trầm tĩnh nhưng kiên trì về điểm này. Tôi không nghĩ việc đi ngay đến kết luận là chuyện thích đáng, bởi lẽ chúng ta chưa tìm ra được giải pháp, nhưng sự thể này không ngăn cản tôi nói ra rằng tại bộ giáo lý đức tin, chúng tôi nỗ lực hết sức để đưa ra một giải pháp đúng đắng cho vấn đề đức tin mặc nhiên của các người phối ngẫu đặt ra.

H: Vậy nếu chủ thể, khi lấy nhau, mà loại bỏ bản chất bí tích của hôn phối, y như những người khi lấy nhau, lại loại bỏ ý định sinh con đẻ cái, sự kiện này có khiến cho cuộc hôn nhân vừa thực hiện trở thành vô hiệu?

Đ: Đức tin thuộc về bản chất của bí tích. Dĩ nhiên, phải minh định cho rành mạch vấn nạn thuộc khía cạnh luật lệ, được tính vô hiệu của bí tích khơi dậy, vì thiếu vắng đức tin hiển nhiên. Một nhà giáo luật nổi tiếng, Eugenio Corecco, nói rằng vấn nạn phát sinh khi người ta phải ấn định mức độ đức tin cần có để bản chất bí tích được hiện thực. Giáo lý cổ điển đã chấp nhận một thái độ tối thiểu, khi đòi hỏi chỉ cần có một ý hướng mặc nhiên: “Thi hành điều Giáo hội đã làm.” Corecco đã thêm rằng trong thế giới được toàn cầu hóa, đa văn hóa và thế tục, trong đó đức tin không phải là một điều gì đương nhiên được ban cho, để được giả thiết là đã có sẵn, việc đòi hỏi phải có một đức tin minh nhiên hơn trở thành cần thiết, nếu chúng ta muốn bảo tồn hôn nhân Kytô giáo.

Lần nữa, tôi nhấn mạnh phải lập lại rằng vấn đề hiện còn đang trong giai đoạn tìm hiểu. Ấn định một tiêu chuẩn vững chắc và mang tính hoàn vũ về vấn đề này hoàn toàn không phải là một vấn đề phù phiếm. Trước tiên là vì các cá nhân liên tục biến chuyển., cả trong lãnh vực kiến thức người ta liên tục sở đắc qua năm tháng, và cả trong phương diện đời sống đức tin của họ. Việc học tập và đức tin không phải là những dữ liệu thống kê! Đôi khi, vào lúc giao kết hôn nhân, một phối ngẫu không phải là tín nữu: nhưng cũng có thể một tiến trình hoán cải đã bắt đầu trong cuộc đời họ, và người ấy đã sống một kình nghiệm về việc “sanatio ex posteriori – chữa lành hậu thiên” cho cái thiếu sót thuận tình trầm trọng vào lúc kết hôn.

Tôi muốn lập lại rằng, trong mọi trường hợp, khi chúng ta gặp một cuộc hôn nhân hợp lệ, không có cách nào hủy diệt được mối giây liên kết ấy được nữa: Cả đức giáo hoàng hay bất cứ giám mục nào khác, không ai có thẩm quyền làm việc ấy, vì đó là một thực tại tùy thuộc vào Thiên Chúa, chứ không tuỳ thuộc vào các ngài.

 

H: Đang có bàn cãi về khả năng cho phép người phối ngẫu “làm lại cuộc đời.” Người ta cũng hói rằng tình yêu giữa vợ chồng Kytô hữu có thể “tắt lịm.” Một Kytô hữu có thế nào thực sự sử dụng công thức ấy không ? Có thể nào tình yêu giữa hai người được phối hợp bằng bí tích hôn nhân lại có thể chết được?

Đ: Những lý thuyết này hoàn toàn sai. Người ta không thể nào tuyên bố một cuộc hôn nhân đã chết dựa trên cái cớ là tình yêu giữa hai người phối ngẫu “đã chết.” Tính cách bất khả phân ly của hôn phối không tùy thuộc vào tình cảm nhân loại, dù là bền vững hay chóng qua. Đặc tính của hôn nhân được chính Thiên Chúa ấn định. Thiên Chúa can dự vào trong hôn nhân giữa người nam và người nữ, chính vì thế mà mối liên kết hiện hữu và bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đó là sự khác biệt.

Trong thực tại thâm sâu và siêu nhiên, hôn nhân bao gồm ba điều thiện ích: thiện ích do lòng trung thành hỗ tương và độc quyền giữa hai cá nhân phối ngẫu (“bonum fidei – thiện ích của lòng trung thành”), thiện ích trong việc đón nhận con cái và nuôi dưỡng chúng trong sự hiểu biết Thiên Chúa (“bonum prolis – thiện ích có con có cái”) và thiện ích cúa tính bất khả phân ly và tính bất diệt của mối hôn hệ, đặt nền tảng trên liên kết bất khả phân ly giữa Chúa Kytô và Giáo hội được đôi hôn phối đại diện một cách bí tích (“bonum sacramenti- thiện ích của bí tích”). Vậy cho dù có thể ngưng hiệp thông với nhau trong cuộc sống và tình yêu, điều người ta thường gọi là “ly thân,” Kytô hữu vẫn không được phép có một giao ước hôn nhân thứ hai, bao lâu người phối ngẫu thứ nhất của mình vẫn còn sống, vì mối hôn hệ, khi được thực hiện cách hợp lệ, là vĩnh viễn. Một cách nào đó mối liên kết hôn nhân vĩnh viễn tương ứng với tính chất (“res et sacramentum- thực thể và dấu chỉ”) do các bí tích rửa tội, thêm sức và truyền chức thánh ban ra.

 

H: Về vấn đề này, ngưòi ta cũng đề cập nhiều đến tầm quan trọng của “lòng thương xót.” Có thể coi lòng xót thương như là được “miễn trừ” khỏi giữ luật luân lý ?

Đ: Nếu chúng ta mở sách Phúc Âm, trong cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề ly dị với những người thuộc nhóm Pharisêu, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng bóng gió nói đến cặp từ “ly dị” và “thương xót” (xem Mt 19:3-12). Ngài kết án những người thuộc nhóm Pharisêu không nhân từ, vì theo lối giải thích chi li về Lề Luật của mình, họ đã đi đến kết luận rằng họ giả định Môse đã cho phép ly dị vợ. Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta nhớ Thiên Chúa xót dạ thương ta là để nâng đỡ sự yếu kém của chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn huệ là để chúng ta có thể sống tín trung.

Đấy mới chính là chiều kích đích thực của lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa thậm chí tha thứ cho một cái tội nặng tày đình như tội ngoại tình, nhưng Ngài không cho phép một cuộc hôn nhân khác có thể tạo nghi ngờ về bí tích hôn nhân đã có trước, một cuộc hôn nhân diễn tả lòng trung thành của Thiên Chúa. Om xòm nại đến lòng thương xót được cho là tuyệt đối của Thiên Chúa, cũng tương đương với một lối chơi chữ chẳng giúp chúng ta làm rõ thêm nghĩa các từ ngữ của vấn đề. Thực ra, đối với tôi, chuyện đó có vẻ như là một cách ngăn cản chúng ta cảm nghiệm được chiều kích sâu xa của lòng thương xót đích thực nơi Thiên Chúa.

Tôi chứng kiến với một chút ngỡ ngàng vì làm sao mà một vài nhà thần học sử dụng một lối lý luận tương tự về lòng thương xót để làm cái cớ cho phép người ly dị, đã tái hôn bên dân sự, được nhận lãnh các bí tích. Lý do đưa ra là, vì chính Chúa Giêsu đứng về phía những người chịu đau khổ, Ngài bày tỏ lòng thương yêu đầy xót thương dành cho họ, nên lòng thương xót là dấu hiệu đặc biệt của thân phận môn đệ chân chính. Điều này đúng một phần. Tuy nhiên, một viện dẫn sai lạc về lòng thương xót tạo ra một nguy cơ trầm trọng làm tầm thường hóa dung mạo Thiên Chúa, theo đó Thiên Chúa không còn có tự do mà bị bó buộc phải tha thứ. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi ban cho ta lòng xót thương: Vấn đề là chúng ta mệt mỏi không còn xin Ngài thương xót, không còn nhận ra tội lỗi của mình trong khiêm nhường, như đức giáo hoàng Phanxicô kiên trì nhắc đi nhắc lại trong một năm rưỡi đầu của triều giáo hoàng

Các sự kiện trong Kinh Thánh còn cho thấy rằng, ngoài lòng thương xót, sự thánh thiện và công chính cũng thuộc về mầu nhiệm Thiên Chúa. Nếu chúng ta che lấp các thuộc tính này của Thiên Chúa và coi nhẹ thực tại tội lỗi, việc nhân danh người ta nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ là điều vô nghĩa. Điều này khiến chúng ta hiểu được tại sao, sau khi đối xử đầy thương xót với người phụ nữ ngoại tình, đã nói thêm một câu diễn tả tình thương của mình: “Hãy đi, và đừng phạm tội nữa” (Gioan 8:11). Lòng Chúa thương xót không phải là việc miễn trừ không cần tuân giữ các giới răn Thiên Chúa, hay các giáo huấn của Giáo Hội. Hoàn toàn ngược lại: Qua lòng thương xót bao la của mình, Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh ân sủng để tuân thủ trọn vẹn mọi giới răn của Ngài, hầu tái lập trong chúng ta, sau cuộc sa ngã, hình ảnh toàn vẹn của Ngài là Cha trên Trời.

 

H: Rõ ràng chuyện này khơi lên mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và bí tích hôn phối. Chúng ta phải hiểu tương quan giữa hai bí tích này như thế nào?

Đ: Việc hiệp lễ là một cách diễn tả mối tương quan cá nhân và cộng đồng với Chúa Giêsu Kytô. Khác với anh em Tin Lành của chúng ta và đi theo đúng truyền thống của Giáo hội, đối với người Công giáo, việc rước lễ biểu hiện sự hiệp nhất tuyệt vời giữa Kytô học và Giáo hội học. Vậy tôi không thể nào có một tương quan cá nhân với Chúa Kytô và với Thân Thể thực của Ngài hiện diện nơi bí tích bàn thờ, mà đồng thời lại sống nghịch lại với chính Chúa Kytô ấy và với Nhiệm Thể của Ngài hiện diện nơi Giáo hội và trong viêc hiệp thông với Giáo hội. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định không sai lầm rằng, nếu ai thấy mình đang mang trọng tội, người đó không thể và không nên chịu lễ.

Điều này không chỉ áp dụng cho trường hợp người ly dị và tái hôn, nhưng đúng ra cho hết mọi trường hợp nào sống khác biệt cách khách quan với điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Theo định nghĩa, đó chính là mối giây liên kết thiết lập giữa các bí tích khác nhau. Vì thế, cá nhân chúng ta phải cảnh giác với quan điểm mang tính nội tại về bí tích Thánh Thể, đó là một cách hiểu dựa trên chủ quan cực kỳ cá nhân, cho rằng việc rước lễ hay tham dự vào việc hiệp lễ tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích cá nhân.

Đối với vài người, chìa khoá của vấn đề là lòng ao ước rước lễ thiêng liêng, làm như lòng ao ước chính là một cái quyền. Đối với nhiều người khác, việc rước lễ chỉ đơn giản là một cách biểu lộ tính cách thành viên của mình trong một cộng đoàn. Dĩ nhiên, bí tích Thánh Thể không thể được quan niệm theo một cách giản lược như là cách biểu hiện một cái quyền hay cái căn tính cộng đoàn: Bí tích Thánh Thể không thể là một “cảm thức xã hội!

Cũng có người thường gợi ý là nên dành cái quyết định Rước Lễ cho lương tâm cá nhân người ly dị và tái hôn. Lý luận này cũng biểu lộ một quan niệm gây bàn cãi về “lương tâm,” đã bị bộ giáo lý đức tin gạt bỏ vào năm 1994. Trước khi lên rước lễ, người tín hữu biết mình phải xét lương tâm mình. Đó là một việc buộc họ phải liên tục huấn luyện lương tâm mình và vì thế họ phải hăng say tìm kiếm sự thật.

Trong cái động lực độc nhất này, tuân theo giáo huấn của Giáo hội không phải là một gánh nặng, nhưng là một trợ giúp để khám phá ra sự thật rất đáng ao ước về điều thiện ích cho chính mình và cho người khác.

 

 

H: Đến lúc này, nảy sinh một thách thức lớn về tương quan giữa giáo lý và đời sống. Người ta có nói rằng, bây giờ không cần đụng đến giáo lý, mà chỉ cần thích nghi giáo lý vào “thực tại mục vụ.” Sự thích nghi này giả thiết rằng giáo lý và thực hành mục vụ đi theo hai ngã khác nhau.

Đ: Sự tách biệt giữa đời sống và giáo lý là đặc điểm của thuyết Ngộ đạo nhị nguyên, Cũng như tách biệt công lý và lòng thương xót, Thiên Chúa và Chúa Kytô, Chúa Kytô Thầy dạy và Chúa Kytô Mục tử, hay tách biêt Chúa Kytô ra khỏi Giáo hội. Chỉ có một Chúa Kytô. Chúa Kytô là bảo đảm cho sự thống nhất giữa Lời Thiên Chúa, giáo lý, và chứng tá bằng cuộc sống. Mọi Kytô hữu đều biết chỉ qua một giáo lý đứng đắn chúng ta mới có được sự sống đời đời.

Những lý thuyết mà ông nêu lên nhằm biến Giáo lý Công giáo thành một thứ bảo tàng viện các lý thuyết Kytô giáo: một thứ kho lưu trữ chỉ hữu ích đối với một ít chuyên gia. Còn về phần mình, cuộc sống chẳng có liên quan gì với chính bản thân Chúa Giêsu Kytô và với Ngài qua trình bày của Giáo hội. Kytô giáo thuần tuý biến dạng thành một tôn giáo dân sự mới, đúng đắn xét theo phương diện chính trị, và bị giản lược thành một mớ các giá trị được phần còn lại của xã hội chấp nhận. Điều này hẳn đạt được cái mục tiêu không nói ra của vài người: gạt bỏ Lời Thiên Chúa sang một bên, để kiểm soát phần ý thức hệ của toàn xã hội.

Chúa Giêsu không nhập thể nhằm phán ra một vài lý thuyết đơn giản để làm yên ổn lương tâm và rồi cuối cùng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Sứ điệp của Chúa Giêsu là một cuộc sống mới. Nếu có ai suy nghĩ và sống bằng cách tách biệt cuộc sống ra khỏi giáo lý, người ấy không chỉ bóp méo giáo lý của Giáo hội bằng cách biến nó thành một thứ nguỵ thuyết thuần tuý lý tưởng, mà người đó còn tự lừa dối chính mình. Sống làm người Kytô hữu có nghĩa là sống trên căn bản đức tin vào Thiên Chúa. Vi phạm vào lề lối này có nghĩa là người ta thoả hiệp cách nguy hiểm giữa Thiên Chúa và ma quỷ.

 

 

H: Để bào chữa cho khả thể một người phối ngẫu “bắt đầu lại cuộc đời” qua một cuộc hôn nhân thứ hai trong khi người bạn đời mình vẫn còn sống, người ta nại đến một vài chứng từ của các Giáo phụ. Các chứng từ này dường như nghiêng về một vài nhân nhượng nào đó cho phép các tác hợp như vậy.

Đ: Xét trong toàn bộ Giáo phụ học, chắc chắn người ta có thể gặp thấy các lối cắt nghĩa khác hay các thích nghi vào cuộc sống cụ thể, tuy nhiên, không có chứng cớ nào của các Giáo Phụ nhắm đến việc yên ổn chấp nhận một cuộc hôn nhân thứ hai khi người phối ngẫu đầu tiên vẫn còn sống.

Dĩ nhiên, bên Giáo hội Đông phương có một sự lẫn lộn nào đó xảy ra giữa lề luật dân sự của hoàng đế và lề luật của Giáo hội. Giáo luật tạo ra một tập tục khác. Trong vài trường hợp, tập tục này dẫn đến chuyện chấp nhận ly dị. Nhưng dưới sự điều hành của đức giáo hoàng, Giáo hội Công giáo qua các thế kỷ đã hình thành một truyền thống khác, kết tụ trong bộ giáo luật hiện hành, và trong các quy định khác của Giáo hội. Tất cả rõ ràng chống lại moi toan tính thế tục hóa hôn nhân. Tình hình tương tự cũng xảy ra trong các cộng đồng Kytô giáo khác ở Đông Phương.

Thỉnh thoảng tôi đã nêu lên cho thấy thế nào mà một vài trích dẫn chính xác nào đó từ các Giáo Phụ đã bị tách rời, lấy ra khỏi ngữ cảnh, nhằm ủng hộ cho khả thể ly dị và tái hôn. Xét về khía cạnh phương pháp luận, tôi không cho là đúng đắn khi tách rời một bản văn, lấy nó ra khỏi ngữ cảnh, biến nó thành một trích dẫn đứng riêng biệt, tách biệt khỏi khung cảnh toàn bộ của truyền thống. Toàn bộ truyền thống thần học và huấn quyền phải được giải thích dưới ánh sáng của Phúc Âm, và liên quan đến hôn nhân, chúng ta gặp được đôi câu nói tuyệt đối minh bạch của chính Chúa Giêsu. Tôi không tin chúng ta có thể đưa ra một lời giải thích khác với giải thích đã được thánh truyền và huấn quyền Giáo hội đưa ra, mà không trở thành bất trung với Lời được mạc khải.

 

___________

 

Cuốn sách:

Gerhard Ludwig Müller, “The Hope of the Family”, Ignatius Press, 2014, pp. 90, $ 10.95.

__________

 

Các giả thiết đức Joseph Ratzinger đã nêu lên và vẫn còn đang được bộ giáo lý đức tin tìm hiểu, mà hồng y Müller nhắc đến trong cuộc phỏng vấn, được trình bày tị mỉ trong bài này ở trang www.chiesa:

> No Communion for Outlaws. But the Pope Is Studying Two Exceptions (5.12.2011)

 

__________