Những im lặng lạ lùng của vị giáo hoàng rất hay nói

Những im lặng lạ lùng của vị giáo hoàng rất hay nói

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350853?eng=y

 

Không một lời thốt ra về việc các học sinh xứ Nigeria bị bắt cóc, cũng không có lấy một tiếng nói cho bà Asia Bibi, người Pakistan, bị lên án tử vì đã xúc phạm đến Hồi giáo. Và rồi từ chối những lần xin diện kiến của Gotti Tedeschi, cựu giám đốc IOR, bị sa thải vì đã muốn dọn dẹp cho nhà trong cửa sạch.

 

ROMA – ngày mồng Một tháng Tám 2014 – Vào ngày lễ kính thánh Anna, bổn mạng của Caserta, giáo hoàng Phanxicô đã đi thăm thành phố này. Mọi chuyện đều bình thường? Không. Bởi vì hai ngày sau, đức Jorge Mario Bergoglio trở lại Caserta, trong môt cuộc gặp gỡ riêng tư, thăm Giovanni Traettino, người bạn Ý ngài từng quen biết tại Buenos Aires, mục sư tại nhà thờ Tin Lành địa phương.

Ban đầu, ý định của đức Phanxicô là chỉ đi thăm bạn mình thôi. Đức giám mục Caserta hoàn toàn không hề biết chuyện. Cần có nhiều vận động mới thuyết phục đức giáo hoàng mở rộng lịch trình của mình để khỏi bỏ sót đàn chiên của mình.

Nơi đức Phanxicô, chuyện điều hành theo cộng đoàn tính chỉ có trong lời nói nhiều hơn trong thực hành. Cách thức này là cách của một bề trên tổng quyền dòng Tên, người chung cuộc quyết định mọi việc. Sự thể này có thể nhận thấy qua các hành vi, lời nói và cả những im lặng của ngài.

Ví dụ, đức Bergoglio đã dành ra hàng tuần lễ sau hậu trường để bồi đắp liên hệ với những ngườì lãnh đạo các cộng đoàn “Tin Lành” đầy quyền thế tại Mỹ. Ngài dành ra hằng giờ hằng giờ tiếp họ tại chổ ở trong cư xá Santa Marta, Ngài đã mời họ dùng bữa. Ngài đã biến một trong những giây phút đồng bàn vui vẻ này thành thiên thu bằng cách giơ cao vỗ vào tay nhau (*), giữa những tiếng cười ròn rã, với mục sư James Robinson, một nhà truyền giáo qua truyền hình thành công nhất của Mỹ.

Trong khi chưa hề có ai biết chút gì, chính đức Phanxicô đã báo cho họ biết ngài định đi thăm một vị đồng nghiệp của họ tại Caserta, và giải thích lý do: “Để nói lên lời xin lỗi của Giáo hội Công giáo về thiệt hại đã gây ra cho họ khi ngăn cản sự bành trướng của công đoàn họ.

Vì là người Achentina, đức Bergoglio đã có kinh nghiệm trực tiếp về sự phát triển lấn lướt của các cộng đồng Tin Lành và Ngũ Tuần tại Châu Mỹ LaTinh. Họ đã liên tục cướp đi mất hàng đám đông tín hữu từ Giáo hội Công giáo. Dẫu vậy, ngài vẫn chọn quyết định này: không đối đầu với các vị lãnh đạo của họ, nhưng chọn làm bạn với họ.

Đấy cũng là cách tiếp cận Ngài chọn để tiếp xúc với thế giới Hồi giáo: cầu nguyện, kêu gọi hoà bình, lên án chung chung về điều ác đã xảy ra, nhưng lại cẩn thận giữ khoảng cách trong những trường hợp cá biệt liên quan đến những cá nhân đặc biệt, dù là nạn nhân hay đồ tể.

Thậm chí cả khi toàn thế giới vận động để bảo vệ cho một vài nạn nhân, và người ta ai nấy đều chờ đợi một phát biểu của ngài, đức Phanxicô cũng không phá đi sự dè dặt cố hữu của mình.

Ngài không hề nói lên một tiếng khi Meriam, người mẹ trẻ gốc Sudan, ở tù cùng với đứa con nhỏ, bị kết án tử chỉ vì bà là Kytô hữu, mặc dù ngài đã gặp bà sau khi bà được trả tự do nhờ áp lực của cả thế giới.(**)

Ngài không hề lên tiếng nhân danh hàng trăm nữ sinh xứ Nigeria bị Boko Haram bắt cóc, bất kể chiến dịch được khơi lên, cả với bà Michelle Obama với khẩu hiệu “Cứu con gái chúng ta về.

Ngài giữ im lặng về số phận của Asia Bibi, người mẹ gốc Pakistan, bị bỏ tù năm năm chờ kháng án chống lại phán quyết tử hình cho bà với tội danh xúc phạm đến Hồi giáo.

Nhưng tuy chiến dịch đòi thả tự do cho Asia Bibi được cả thế giới Công giáo khắp nơi rất hăng say dấn thân cho bà, và vào đầu năm nay một bức thứ rất thiết tha cảm động được công bố sau khi bà gửi cho đức giáo hoàng, mà ngài không trả lời cho bà.

Đó là những im lặng, tất cả đều đập vào mắt nhất, vì là những im lặng của một vị giáo hoàng được tiếng là viết rất nhiều, gọi điện thoại rất nhiều, giúp đỡ rất nhiều, mở mọi cửa cho những ai gõ, dù họ nghèo hay giàu, tốt hay xấu.

Ví dụ, ngài đã từng bị chỉ trích vì đã chậm trễ gặp gỡ các nạn nhân bị các thành viên trong hàng giáo phẩm lạm dụng tình dục. Nhưng hôm mồng 7 tháng Bẩy vừa qua, ngài đã bù đắp lại việc này, dành trọn một ngày cho sáu nạn nhân được mang đến Roma từ ba quốc gia Âu Châu.

Cũng trong những ngày đó, ngài có những bước tiến trong việc tái cấu trúc lại nền tài chính của Vatican, với những thay đổi trong hàng lãnh đạo, và việc sa thải Ernst von Freyberg, người Đức, viên giám đốc không có gì đáng trách của IOR.

Mà thật khó hiểu, trong mười sáu tháng triều giáo hoàng, von Freyberg không hề bao giờ có được một lần diện kiến đức giáo hoàng.

Nhưng còn khó hiểu hơn nữa là việc “damnatio- lên án” nhắm vào vị tiền nhiệm của ông, Ettore Gotti Tedeschi, bị sa thải vào tháng Năm năm 2012, chỉ vì đã tiến hành việc dọn dẹp cho trong sạch nhà trong cửa ngoài, và bị sa thải do chính các kẻ thực hiện những hành vi phạm pháp.

Lời cầu xin ông gửi đến đức giáo hoàng Phanxicô mong được diện kiến và lắng nghe ông nói, không bao giờ có hồi âm.

 

__________

 

 

 

Bài phê bình này đã được đăng trên tờ “L’Espresso” số 31 năm 2014, xuất hiện trên quầy báo ngày mồng Một tháng Tám, trên trang ý kiến mang tên “Settimo cielo” của Sandro Magister.

Danh sách những bài phê bình cũ:

> “L’Espresso” in seventh heaven
__________

 

Trong hình, đức giáo hoàng Phanxicô trong thư phòng riêng tại cư xá Santa Marta.

 

 

 

__________

 

 

 

Ghi chú của người dịch

(*) Nguyên văn tiếng Ý: “cinque”, tiếng Anh: “high five”. Hai người xoè lòng bàn tay, giơ cao, vỗ vào nhau, bày tỏ đồng tình trong vui mừng.

(**) Ngày 31 tháng Bẩy năm 2014, bà này đã đến Mỹ định cư.