Canh tân ngôi giáo hoàng, một công việc đang tiến hành.

Canh tân ngôi giáo hoàng, một công việc đang tiến hành.

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350857?eng=y

 

Enzo Bianchi, tu viện trưởng ở Bose, và John R. Quinn, giám mục đã về hưu của San Francisco, đã nói về việc canh tân ngôi giáo hoàng như một sự kiện đã rồi, rằng đức Phanxicô sẽ thay đổi toàn bộ vai trò của đức giáo hoàng. Nhưng một vài hành vi của triều giáo hoàng này xem ra đi ngược lại với những mong đợi của hai vị.

 

VATICAN CITY – ngày mồng Bẩy tháng Tám 2014 – Có những người cho rằng, thậm chí họ còn nói họ chắc chắn rằng đức giáo hoàng Phanxicô muốn canh tân ngôi giáo hoàng đến độ “huỷ bỏ” vai trò của đức giáo chủ Roma, như đã từng phát triển trong suốt thiên niên kỷ thứ hai của thời đại Kytô giáo, bắt đầu với cuộc canh tân của đức giáo hoàng Grêgorianô, và liên tục tiếp nối qua huấn quyền công đồng chung Trentô và Vaticanô đệ Nhất.

Dường như đây là ý chính của hai tuyên bố quan trọng được phát biểu trong mấy tuần vừa qua

 

*

 

Tác giả của một trong các phát biểu này là giáo dân, tu sĩ Enzo Bianchi ( trong hình), người sáng lập và là tu viện trưởng của tu viện ở Bose.

Vào ngày 23 tháng Bẩy, sau khi đức giáo hoàng Phanxicô cử vị này làm cố vấn cho hội đồng giáo hoàng cổ vũ hợp nhất Kytô hữu, Bianchi đã đưa ra những nhận định gây chấn động trên trang Vatican Insider

> “Francesco vuole raggiungere l’unità anche riformando il papato”

Tự nó, chức vụ vị tu viện trưởng ở Bose vừa mới nhận không có gì đáng kể. Nhưng ông được giới truyền thông hân hoan loan tin, vì tầm ảnh hưởng khá lớn của những lời Bianchi nói ra trong thế giới Công giáo – mà không chỉ trong giới cấp tiến – và những đóng góp của ông trên trang đầu của những tờ báo quan trọng của giới thế tục Ý như tờ “la Repubblica” và tờ “La Stampa.”

Nhưng– trong bộ phụ trách về việc đối thoại đại kết ở Vatican – đã có một ít nhận xét phê bình về việc đề cử này dành cho vị lập ra cái tu viện thử nghiệm, tự nó đã mang vẻ liên tôn, với một vị thuộc phái Tin lành Lutherô là thành viên kỳ cựu, rất cởi mở và thân thiện với phía Tin Lành và Chính thống, nhưng lại khắc khe và đầy khinh miệt dành cho nhóm duy truyền thống Lefebvre. Nhóm này là nhóm duy nhất được tu viện Bose dành cho cái mác “ly giáo.

Đặc biệt gay gắt là phê bình của giám mục Antonio Livi, cựu viện trưởng phân khoa Triết của giáo hoàng học viện Lateranô. Ngài đã đi xa hơn, kết án Bianchi đã gán ý tưởng của riêng mình cho đức giáo hoàng.

> Bianchi come Scalfari: usa il papa per i suoi fini
Nhưng Bianchi đã khẳng định điều gì mà gây chấn động như thế?

Tu viện trưởng ở Bose cho tờ Vatican Insider biết ông nghĩ “đức giáo hoàng muốn hoàn thành việc hiệp nhất bằng cách canh tân ngôi giáo hoàng, một ngôi giáo hoàng người ta không còn sợ, theo như kiểu nói của đức thượng phụ đại kết Barthôlômêô, người mà đức Phanxicô có mối thâm giao.”

Khi giải thích rằng canh tân ngôi giáo hoàng có nghĩa là “một cân bằng mới giữa thể chế thượng hội đồng và tối thượng quyền.”  Bianchi thêm:

Giáo hội Chính thống thể hiện thể chế thượng hội đồng chứ không tối thượng quyền, còn người Công giáo chúng ta lại có tối thượng quyền của giáo hoàng mà thiếu thể chế thượng hội đồng. Không thể có thể chế thượng hội đồng mà không có tối thượng quyền, và cũng không có tối thượng quyền mà không có thể chế thượng hội đồng. Điều này giúp tạo ra một kiểu tối thượng quyền mới của giáo hoàng và thể chế giám mục đoàn.

Rồi vị tu sĩ xứ Piedmont nêu lên một điều mới mẻ có thể chuyển biến thành thực tế. Ông nói rằng thượng hội đồng giám mục “đã xuất hiện từ sau công đồng Vatican,” rằng hội đồng chín vị hồng y trợ giúp đức Phanxicô trong việc canh tân giáo triều “là ý kiến của đức giáo hoàng,” nhưng ông thêm rằng đấy là một khả thể trong tương lai “trở thành một tổ chức các giám mục trợ giúp đức giáo hoàng trong việc điều hành Giáo hội mà không nại đến tối thượng quyền của giáo hoàng.”

 

*

Bây giờ chúng ta đề cập đến một lời chứng khác về ý định của đức Jorge Mario Bergoglio liên quan đến việc canh tân ngôi giáo hoàng.

Nhân vật chính ở đây là đức John R. Quinn, 85 tuổi, tổng giám mục người Mỹ, điều hành địa phận San Francisco từ năm 1977 đến năm 1995 – ngài muốn rời chức vụ này lúc tuổi mới 67, một phần vì sắp xảy ra vụ bê bối tình dục dính líu đến một vài vị cộng tác với ngài trong hội đồng giáo phận – Và ngài cũng là chủ tịch hội đồng giám mục Hoa kỳ từ năm 1977 đến 1980.

Hôm mồng Bẩy tháng Bẩy, tổng giám mục Quinn đã nói với tờ báo Mỹ National Catholic Reporter, rằng đức Bergoglio đã cho ngài biết, vài ngày trước cuộc mật nghị bầu ngài lên ngai toà Thánh Phêrô:

Tôi đã đọc cuốn sách của ngài và tôi hy vọng nó sẽ được bổ sung.”

Cuốn sách tổng giám mục Quinn viết, mà hồng y Bergoglio đọc và đồng thuận, là cuốn đã in vào năm 1999, mang đề tựa “The Reform of the Papacy: The Costly Call to Christian Unity. – Cuộc canh tân ngôi giáo hoàng: Lời kêu gọi đắt giá cho sự hiệp nhất Kytô hữu.”

Cuốn sách tự trình bày như là môt suy tư về thông điệp “Ut Unum Sint” đức Gioan Phaolô đệ Nhị viết năm 1995. Theo tác giả cuốn sách, đấy là một thông điệp “rõ ràng đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, và có tính cách mạng xét theo nhiều khiá cạnh,” cuốn sách “tán dương mẫu thức Giáo hội theo thể chế thượng hội đồng trong thiên niên kỷ thứ nhất, và nhấn mạnh đến sự thể đức giáo hoàng là một thành viên trong hội đồng các giám mục, và tối thượng quyền được sử dụng một cách tập thể.”

Tắt một lời, theo đức tổng giám mục Quinn, “Ut Unum Sint xác nhận sự kiện là chấp nhận công đồng Vatican đệ Nhất và các giáo huấn của công đồng về quyền thẩm tối thượng, không loại trừ một cách hiểu rộng rãi hơn về tối thượng quyền” và “minh xác rõ ràng rằng, công đồng Vatican đệ Nhất không phài là ý kiến cuối cùng.”

Từ định đề này, ngài Quinn rút ra một loạt những đề nghị cụ thể liên quan đến việc điều hành Giáo hội.

Vi dụ như liên quan đến các hội đồng giám mục, bất chấp những quy tắc hạn chế chứa trong tự sắc năm 1998 nói về bản chất thần học và pháp lý của các hội đồng ấy, đức tổng giám mục Quinn giữ vững lập trường cho rằng các hội đồng giám mục phải được coi như những thể hiện đích thực của giám mục đoàn, và phải có vai trò trong huấn quyền thực sự, thậm chí có cả vai trò trong lãnh vực tín lý.

Liên quan đến thượng hội đồng giám mục, ngài cho rằng phải tách biệt thượng hội đồng ra khỏi giáo triều Roma, như thế là đương nhiên loại trừ không cho các vị đứng đầu các bộ có mặt trong thượng hội đồng.

Liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục, tổng giám mục Quinn hy vọng rằng, theo đúng với “giáo hội học đích thực” của công đồng Vaticanô đệ Nhị, vai trò của các khâm sứ trong việc chọn lựa các ứng viên sẽ giảm đi rất nhiều, nhường phần trội hơn cho các giám mục thuộc các giáo tỉnh liên quan và lệ thuộc vào các vị chủ tịch các hội đồng giám mục.

Vì thế, trong thực tế, “danh sách các tên được các giám mục chọn sẽ được vị tổng giám mục của địa phận trực tiếp gửi thẳng về Roma, với chỉ dẫn có sự đồng thuận của vị chủ tịch hội đồng giám mục,” và “không có bàn cãi về danh sách giữa các giám mục giáo tỉnh và Roma” lại càng không hề có vai trò gì của vị khâm sứ trong đó. Và nếu Roma không đồng thuận với danh sách, “danh sách sẽ được gửi trả về lại giáo tỉnh để xem xét kỹ lưỡng hơn và bổ túc.” Còn phải thêm vào tất cả chuyện này những can thiệp sâu đậm của các linh mục và giáo dân, và không có chút chính trị hóa nào, bè phái nào, hay mất đi tính cách bí mật.

Và vẫn theo tổng giám mục Quinn, những cách thức mới trong việc chọn lựa giám mục này nhằm giúp ngăn ngừa “những vấn đề trầm trọng” phát sinh do cách thức chọn lựa hiện hành. Và ngài nêu lên sự trễ nãi trong việc điền vào toà giám mục trống toà, “nhấn mạnh” quá đáng đến việc chọn lựa các ứng sinh có một kiến thức tín lý đáng tin cậy, việc thuyên chuyển các giám mục từ toà này sang toà khác, việc gia tăng các giám mục phụ tá.

Tổng giám mục Quinn cũng cho rằng đừng để cho cộng đoàn các hồng y độc quyền trong việc bầu giáo hoàng. Ngài gợi ý nên cho các đức thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương tham dự vào cuộc mật nghị, và không cần phải phong các ngài làm hồng y, rồi cho phép ít ra một vài vị chủ tịch hội đồng giám mục tham dự vào việc đầu phiếu, và cho phép các tổ chức giáo dân sáng giá được đưa ra cho các vị đầu phiếu những tiêu chuẩn họ muốn thấy nơi vị tân giáo hoàng.

Cuối cùng, theo tổng giám mục Quinn, một vấn đề quan yếu trong việc canh tân ngôi giáo hoành nhắm vào sự hiệp nhất Kytô giáo, không phải là chuyện trung ương tập quyền, mà là việc canh tân giáo triều Roma.

Trước hết, một giáo triều Roma nên có ít giám mục hơn và ít linh mục hơn. Và về điểm này, tổng giám mục Quinn nêu lên sự kiện các vị thư ký các bộ tại Vatican đương nhiên được nâng lên hàng giám mục, như là “một lạm dụng bí tích truyền chức thánh, và chức vụ giám mục”.

 

*

 

Đó là những canh tân đức tổng giám mục Quinn hy vọng có được vào cuối thiên niên kỷ trước, những thay đổi mà đức Bergoglio, hồi đó còn là hồng y, vào những ngày trước cuộc mật nghị, đã từng nói – theo chính lời đức tổng giám mục Quinn đã kể – rằng ngài muốn thực hiện.

Và câu hỏi đương nhiên nảy sinh. Bây giờ đức Bergoglio đã trở thành giáo hoàng, và có quyền để thực hiện, vậy ngài có ý định nào để đề bạt, cổ vũ, thậm chí để bắt thực hiện các thay đổi này ?

Cho đến nay đức Phanxicô đã có một vài quyết định dường như đi theo chiều hướng, như việc thành lập hội đồng chín vị và củng cố thượng hội đồng các giám mục.

Nhưng có những bước đi theo hướng ngược lại, như việc tiếp tục nâng lên hàng giám mục các vị thư ký, không chỉ trong các văn phòng tại giáo triều, mà còn tại giáo phủ và văn phòng của chính thượng hội đồng.

Liên quan đến vấn đề tế nhị là việc bổ nhiệm giám mục trong các giáo phận – một đề tài đã từng được cuộc họp vừa qua của “Nhóm C9” bàn đến – người ta không biết cái thể thức được đức tổng giám mục Quinn đề ra đã có từng được áp dụng tại Achentina hay chưa. Điều chắc chắn là không một đề nghị nào trong vô số các đề nghị của nhiều hội đồng giám mục xứ này từ tháng Ba năm 2013 đến nay đã được các thành viên trong bộ giám mục tại Vatican duyệt xét tỉ mỉ. Y hệt như việc bổ nhiệm tại các giáo phận Isernia và Locri tại Ý cũng không được duyệt xét.

Tại Achentina, thêm vào vị kế nhiệm mình tại Buenos Aires, đức giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm chừng 20 vị giám mục khác, tuy nhiên tám vị trong số này (đúng ra là bẩy, sau khi một vị đã từ chức cách khó hiểu sau khi việc bổ nhiệm được công bố) lại là giám mục phụ tá. Vì thế trong lãnh vực này cũng vậy, vị giáo hoàng người Áchentina dường như không muốn đi theo những chỉ dẫn trong cuốn sách được tán dương của Quinn.

Nhưng chúng ta chưa trải qua hết được một năm rưỡi tính từ lúc khởi đầu triều giáo hoàng. Còn quá sớm để hiểu được đức Phanxicô sẽ đẩy cuộc canh tân triều giáo hoàng này xa đến mức nào.

 

 

___________

 

 

Bài báo trong tờ “National Catholic Reporter” có nhận đinh của đức tổng giám mục Quinn liên quan đến đức Bergoglio:

> Quinn to priest group: Church poised at a moment of far-reaching consequences

 

__________

 

 

Vài ngày sau khi bổ nhiệm ông làm cố vấn cho hội đồng giáo hoàng về hiệp nhất Kytô hữu và lập tức ngay sau bài giảng dài lê thê về lòng thương xót và tha thứ hôm mồng Một tháng Tám tại Assisi, vị tu viện trưởng ở Bose, Enzo Bianchi, qua vị luật sư của mình, đã nói với trang mạng Công giáo La Nuova Bussola Quotidiana, buộc họ phải lấy xuống tất cả những bài phê bình ông “trong vòng tám ngày”, ba bài trong số đó viết trong vòng ba năm, bài cuối cùng đề cập đến trường hợp của đức giám mục Antonio Livi đã nhắc đến ở trên – với hậu quả là – nếu từ chối không chịu lấy bài xuống, “sẽ cậy đến thẩm quyền của luật pháp.”

> Enzo Bianchi vuole ridurci al silenzio

 

__________