Chia sẻ vài suy tư cá nhân (Nguyễn Văn Độ sb61)

Chia sẻ vài suy tư cá nhân

Trong một xã hội mà ngự trị não trạng” mạnh được yếu thua, tiền là Tiên là Phật…,khôn sống mống chết…” thì tìm loại người như Gedelian không dễ! HCM dạy các “đầy tớ nhân dân”: cái kim sợi chỉ của dân cũng không được đụng đến. Họ đang làm thật: kim chỉ không màng, chỉ chơi tiền tỉ!. Phải xây lại từ đầu bằng giáo dục thôi. Nhớ hồi nhỏ các thầy giáo làng dạy chúng tôi: lượm được tiền lớn thì giao nộp cho thầy giáo, vài ba đồng thì đem cho người nghèo hoặc bỏ thau nhà thờ, không dám mua kẹo hay ca rem vì cảm thấy “đắng”. Ngày nay, ra đường dừng lại nơi đèn đỏ dù không có ai cả, hay cúi xuống lượm cọng rác bỏ vào thùng cũng phải can đảm lắm vì không sợ bị chê “quê mùa, ông cụ non…”.

Lời Chúa dạy “con cái sự sáng” làm những điều ngược với “con cái thế gian” cũng như Thánh Phaolô rao giảng “sự điên rồ của Thập giá Chúa Kitô” (Ref: ICor1,22). Tác phẩm “Quo vadis” của Heryk Sienkiewick (1895) cho chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Chúa Kitô “đi ngược chiều” đoàn người chạy trốn Nero, có cả Phêrô.

Nhân khi dịch bài này, tôi nhớ đến bài thánh ca tuyệt vời của người anh SB: NS Mi Trầm. Đó là bài “Tin vào Tình Chúa”. Xin gửi AE bài hát file mp3 trong Attach. Lời và nhạc  giúp chúng ta can đảm sống theo Lời Chúa. Câu cuối cùng của ĐK: “mà đánh liều đời con” (risquer sa vie) quá hay, nhưng có lẽ cũng cần giải thích thêm cho nhiều người. Làm linh mục là một sự “đánh liều” cao trọng và lớn lao. Hãy cầu nguyện và yêu mến các LM.

Chốn khách đày

 

Nhân đọc bài thơ “Vui sống muôn đời” của Fr Vinh, và lời cảm tạ của anh Trần ngọc Ân SB62, tôi mạo muội góp cùng AE vài suy tư riêng, trong tinh thần Mùa Vọng: chờ đợi Chúa ĐẾN.

Trước đây, mỗi lần tổ chức đọc kinh “cầu lễ” cho người quá cố, già hoặc trẻ tôi cảm thấy ngại ngùng khi bắt hát bài “Khi Chúa thương gọi tôi về…hồn tôi hân hoan….miệng tôi nức vui tiếng cười..” (TV 125). Lý do vì sao, AE quá rõ.

Thật ra, Giáo hội muốn đặt lời kinh thánh vịnh này lên “môi miệng” của chính người quá cố, để chúng ta cầu nguyện cho họ và cũng cho chúng ta  là những người, sớm hoặc muộn, rồi cũng ra đi như thế. Tâm trạng hân hoan đó nói lên một cách mãnh liệt, niềm tin Kitô giáo vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau:

  “Thác về cõi thọ: quê hằng sống;

    Sống ở dương gian: chốn khách đày”

(Lm Nguyễn quang Vinh).

Từ đó, tôi thiết nghĩ, có nhiều tâm trạng, thái độ, cách biểu đạt của người sống, không tương thích (suitable) lắm với niềm tin đó. Tất nhiên chúng ta phải kính trọng, đề cao, thông cảm, chia sẻ những tình cảm rất “người” trước sự mất mát, chia ly, hụt hẫng, và những khó khăn đột phát do cái chết mang lại. Tôi muốn nói đến những tiếng khóc la não nề, ai oán, những gương mặt bơ phờ, mệt lã, những bộ tang phục tả tơi v.v…của tang gia và những lời phân ưu bằng lời nói hoặc chữ viết, đề cao sự đau khổ nhiều hơn là mang lại niềm an ủi bằng Đức Cậy vững bền. Nếu suy nghĩ thêm cho thấu đáo, ta sẽ thấy những biểu hiện bên ngoài có tính cách “thái quá” đó, trừ đi những nỗi đau khổ thật sự, thì một phần không nhỏ là “vì người sống” mà thôi. Tôi biết có nhiều vùng quê, cha, mẹ chồng chết, mà cô con dâu không la khóc thì không yên thân rồi!

Ngoài ra, có những quy định rất chặt chẽ của “tập tục, tập quán” hoặc ” văn hóa vùng miền” mà tôi không dám “lạm bàn” ở đây, cho dù không tán đồng, nếu chúng đi trệch ra khỏi niềm tin KTG. Thiết nghĩ, nếu người công giáo VN chúng ta có được những ứng xử sát với Đức tin trong tang chế, thì chúng ta truyền giáo được nhiều lắm. Vì đối với loài người, từ nguyên thủy cho tới đời đời, sự chết vẫn là một “câu hỏi” mà con người cố tình làm ngơ.

Có lẽ cũng khó và hiếm để có được bầu khí bình an, tâm trạng thanh thản như trường hợp đặc biệt của ông Cố Phêrô Đạt và ông Thomas Lê Kiển Gioan, nhưng thiết nghĩ là nên dần dần bỏ bớt, sửa chữa những điều thái quá hoặc sai lệch. Nhất là trông nhờ vào nhận thức, quyết tâm của các cha sở trước tiên. Tôi biết một Cha xứ ở Đalat đã không cho phép la khóc trong đám tang và sau ngày chôn cất, tang gia không được mặc bộ đồ trắng thê lương ấy vào nhà thờ (chỉ mang dấu hiệu tang). Ban đầu nhiều người khó chịu, về sau thấy tốt đẹp thì lại khen hay.

Ở các nước Tây phương, người ta dùng màu đen, đẹp, thanh lịch trong tang chế. Thi hài do “nhà quàn” phụ trách hết mọi dịch vụ từ A đến Z- Điều này, tuy còn “ít khả thi” đối với nhiều vùng ở VN, nhưng không phải là không thể.  Như thế tránh được những “phiền toái, khổ cực” cho tang gia trong nhiều ngày, nhất là v/đ ăn uống! Tang lễ được tổ chức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, có cả những giọt nước mắt và những tiếng cười. Bên cạnh nỗi buồn chia ly, lòng hy vọng vẫn bao trùm tất cả. Tôi không có ý đề cao mọi khía cạnh của xã hội Tây phương, nhưng những gì hay, đẹp và nhất là thích hợp Niềm Tin CG thì đáng học hỏi. Có lẽ sự bình tĩnh của Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, hay niềm vui thầm kín trong Đức tin của tang lễ cụ Phêrô Đạt cũng làm cho chúng ta suy nghĩ nhiều. Các LM quản xứ có điều kiện thuận lợi hơn để có thể khởi xướng những thay đổi mà các ngài tâm đắc.

Xin thêm một chút suy tư vụn “thần học”: Trong một lần chia sẻ giáo lý Năm Đức Tin trước một cử tọa khoảng vài trăm người, tôi có đưa ra suy nghĩ này: Trong số những người từ VN sang Mỹ định cư, thì có lẽ khoảng 3 đến 5% muốn về lại VN sống, trong tương lai có thể cao hơn. Nhưng trong số những người đã từ biệt thế gian thì chắc chắn không ai muốn trở lại sống “chốn khách đày” cả. Vì Đức tin dạy ta thế và nếu, dù 1% người quá cố còn luyến tiếc trần gian thì chắc chắn, chốn ấy không thể được gọi là Thiên Đàng. Các cụ già nghe, gật gù đắc ý!

Như thế, chết thực sự là một “giải thoát” dưới con mắt Đức tin. Nhưng sự chết và “đời sau” luôn luôn là một thách đố của Đức tin (challenge of Faith). Những người có Đức tin “bằng hạt cải” như ông Cố Phêrô Đạt đã có được Niềm Vui và Hy vọng để bước đi “Như thấy Đấng Vô Hình” (“Comme s’il voyait L’Invisible” của Jacques Loew).

Để kết thúc, xin nhắc đến một bài ca phụng vụ của NS Mi Trầm: Bài “Xin vĩnh biệt” mà từ khi sáng tác, vào khoảng năm 1980- chúng tôi cùng chia sẻ ý tưởng với nhau, cho đến hiện nay, giáo dân Hoà Yên vẫn hát sau khi hạ huyệt,

xin xem: http://mitram.saobiennhatrang.net/   Bài cuối mục Cầu Hồn số 326.

Trên đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, có thể chủ quan, thiếu sót, bất cập…và khác với quan điểm (points of view) của nhiều người khác. Thành thật trao đổi cùng AE Tăng tục SB. Mong được sự góp ý, sửa chữa, bổ túc…để chúng ta và người quanh ta luôn sống trong bình an, vui tươi, hạnh phúc với niềm xác tín (conviction) mãnh liệt.

   Cuối cùng, xin anh em cho phép và giúp đỡ tôi, chuyển đến hai người bạn cùng lớp SB61: anh Nguyễn ngọc Phượng và anh Trần văn Bồng, đang trên giường bệnh, những suy nghĩ giản đơn trên đây, như lời an ủi, động viên, thăm hỏi sâu kín nhất. Vì quả thực, không biết dùng ngôn từ nào để nói với hai anh, ngoài ước mong và cầu nguyện cho hai anh được sự bình an của Đức Tin và Đức Cậy, trong “Mùa Vọng” rất riêng của mình.

 Nguyễn Văn Độ 61

Chúa Nhật Nến Hồng, Mùa Vọng 2013