Tản mạn về Đạo Da Tô (Nguyễn Văn Nghệ sb74)

Tản mạn

 VỀ ĐẠO DA TÔ

 

Đại đa số nhiều người sẽ nghĩ rằng người viết bài này viết hai chữ “ DA TÔ” là sai chính tả, phải viết “GIA TÔ” mới đúng. Vậy chúng ta cùng xem lại cách viết nào là đúng nhất. Hai chữ “Da tô” được phiên âm từ chữ Hán mà ra. Chữ “DA” theo nét viết chữ Hán thuộc “bộ Nhĩ”, bên trái là chữ Nhĩ, bên phải là chữ Ấp. Trong chữ Hán ,chữ được ghép bởi chữ Nhĩ và chữ Ấp được phiên âm ra tiếng Việt là “DA”, không từ điển nào phiên âm thành “GIA” cả! Do lúc ban đầu người phiên âm , phiên âm sai và chẳng có ai nhận xét đúng sai, sau đó nhiều người lặp lại điều sai ấy rồi thành thói quen và khó có thể sửa chữa được. Chữ “TÔ” theo nét viết chữ Hán thuộc “bộ Hòa”, bên trái là chữ Ngư, bên phải là chữ Hòa. Chữ Tô có nghĩa là sống lại, đã chết rồi lại hồi lại gọi là Tô. Theo Thiều Chửu hai chữ DA TÔ là dịch “dịch âm chữ Jésus, ông Chúa sáng tạo ra đạo Thiên Chúa”. Nếu ta không gọi Đức Jésus mà gọi Đức Da tô cũng không sao. Khi viết về đạo Thiên Chúa ,cụ Trần Trọng Kim đã viết: “…mà đạo Do Thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia tô  ra đời, nhân đạo Do Thái mà lập ra đạo mới dạy người lấy sự yêu mến và tôn kính Thiên Chúa làm gốc, lấy bụng từ bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt”. Cuối trang sách cụ Trần chú thích: “Đạo của ông Gia tô lập ra cho nên ta thường gọi là đạo Gia tô; lại vì đạo ấy chỉ thờ Thiên Chúa mà thôi, cho nên lại gọi là đạo Thiên Chúa . Có phái gọi là đạo Cơ Đốc bởi chữ Christ là bậc cứu thế”.

Trong bài viết này, chỗ nào có trích dẫn vẫn giữ nguyên văn từ “GIA TÔ” như của các tác giả hoặc dịch giả.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: “Năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Trang Tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I nê khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Chân(tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”

 

Đạo Da tô thời Trịnh- Nguyễn phân tranh và thời nhà Tây Sơn

 

    Ngày 27/01/1614 chính quyền Nhật Bản ra lệnh trục xuất các thừa sai người nước ngoài và cấm người Nhật theo đạo Công Giáo. Chỉ còn lại 18 thừa sai lén lút ở lại nhưng rồi cũng lần lượt bị phát hiện , bị tra tấn và giết hại một cách thảm thương. Không hy vọng trở lại truyền giáo ở Nhật Bản, các thừa sai dòng Tên đã phải đi tìm những vùng đất mới. Ngày 18/01/1615 xuất phát từ Macao, một đoàn truyền giáo do Linh mục Francesco Buzomi dẫn đầu đã đặt chân lên cảng Đà Nẵng thuộc xứ Đàng Trong, sau đó nhiều nhà truyền giáo thuộc dòng Tên tiếp tục vào Đàng Trong truyền giáo. Trong số các tu sĩ dòng Tên hoạt động ở Đàng Trong , nổi bật hơn cả là hai linh mục Francesco Buzomi và Alexandre de Rhodes.Ở Đàng Ngoài mãi đến năm 1626 các tu sĩ dòng Tên mới bắt đầu hoạt động. Công việc truyền giáo đạt nhiều kết quả.

Thời Trịnh- Nguyễn người Việt ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài chỉ mới tiếp xúc với người Bồ Đào Nha và người Hà Lan (Hà Lan hay Hòa Lan trong sử cũ được gọi là Ô Lan).

Thời ấy đạo Công Giáo được gọi là ĐẠO HOA  LAN chứ chưa gọi là ĐẠO DA TÔ.                                                                                                                                                                               Thời ấy  người Việt Nam chưa phân biệt người Bồ Đào Nha, người Hòa Lan, hễ người phương Tây đều gọi chung là người Hoa Lan. Đạo Da tô có những lúc bị cấm cách trong thời kỳ này, các thừa sai bị trục xuất. Lệnh cấm đạo năm 1632, 1643, 1649, 1663,1712…Sách Đại Việt sử kí toàn thư viết về lệnh cấm người trong nước học đạo Hoa Lan vào tháng 10 năm Quí Mão (1663),Cảnh Trị năm thứ nhất: “Trước đây có người Hoa Lan vào ở nước ta,lập ra đạo lạ, lừa phỉnh dân ngu, đàn ông đàn bà ngu dốt nhiều người tin theo, chỗ giảng đường người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đây đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách và nơi giảng vẫn còn, tật xấu chưa thay đổi. Nay phải nghiêm cấm”.

Năm Nhâm Thìn (1712) đời vua lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương bắt những người theo đạo Da tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ “học Hoa Lan đạo”.

Thời Tây Sơn cũng có chiếu chỉ cấm đạo năm 1795. Nhìn chung sự bách hại vã truy nã Công giáo ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài từ thế kỷ 17-18 chỉ xảy ra gay gắt từng nơi, từng thời kỳ, chứ chưa bao giờ là đồng loạt và toàn diện.

 

         Đạo Da tô thời vua Gia Long

 

Trong lúc bôn tẩu tìm cách khôi phục lại đế nghiệp, Nguyễn Phúc Ánh gặp được Giám mục Bá Đa Lộc và nhờ Giám mục Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Công việc cầu viện không thành công: nước Pháp không thi hành hiệp ước đã được ký kết ở Versailles ngày 28/11/1787. Tuy vậy Giám mục Bá Đa Lộc đã không trở về với Nguyễn Phúc Ánh với hai bàn tay không: nhờ phương tiện riêng và uy tín lớn, Giám mục đã huy động được tiền bạc mua sắm vũ khí và kêu gọi được một số sĩ quan, binh lính và thủy thủ người nước ngoài đến phục vụ trong quân đội của Nguyễn Phúc Ánh

 

Mong muốn của Giám mục Bá Đa Lộc là giúp đõ Nguyễn Phúc Ánh khôi phục lại đế nghiệp để rồi đạo Da tô được truyền bá một cách tự do. Sau khi thống nhất đất nước ,Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long. Tháng giêng năm Giáp Tí, Gia Long năm thứ 3 (1804) định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà gồm 5 mục và mục thứ năm nói về việc thờ Thần Phật : “…huống chi những bọn bất trung bất hiếu, không biết quân vương là Phật hiện thời, bỏ cả cha mẹ là Phật sinh thành mà đi cầu Phật vô hình xa ngoài muôn dặm, để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng? Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay ,chạy đàn, mở hội , tốn phí về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viễn vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lí trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số. Lại đời sống của dân đều có định mệnh, tai không thể giải được, phúc không thể cầu được, cái thuật cầu đảo giải trừ đều vô ích cả. từ xưa đồng cốt cũng nhảm (…) từ nay dân gian như có đau ốm, chỉ nên cầu thuốc để trị, cẩn thận sự đi đứng, nhất thiết chớ nên tin nghe bọn yêu tà ma cầu cúng xằng xiên. Những bọn thầy pháp cô đồng cũng không được sùng phụng hương lửa để nhương tai trừ họa. Nếu quen thói cũ, ắt bị nghiêm trị. Lại như đạo Gia tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa ra thuyết thiên đường địa ngục, khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân cac tổng xã nào có nhà thờ Gia tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới đều cấm” (Đại Nam thực lục (ĐNTL) tập 1, Nxb Giáo dục ,trang586-587).

 

Như vậy vua Gia Long cũng không ghét gì đạo Da tô và cũng không yêu gì đạo Phật. Nhà vua chỉ tôn sùng Nho học và thờ cúng tổ tiên mà thôi. Thư của Giám mục Bá Đa Lộc gởi cho thừa sai Letondal đề ngày 18/08/1789, kể chuyện Hoàng tử Cảnh sau khi theo Giám mục sang Pháp cầu viện trở về đã né tránh không chịu bái lạy trước bàn thờ tổ tiên khiến cho Nguyễn Phúc Ánh (khi ấy chưa lên ngôi vua) tức giận: “… ngạc nhiên vì sao tôn giáo này có thể dung túng cho tín đồ quên hết ông bà tổ tiên làm vậy”. Sự kiện Hoàng tử cảnh không chịu bái lạy trước bàn thờ tổ tiên được vua Minh Mạng nhắc lại vào tháng 10 năm Mậu Tuất( 1838): “…Vả lại phong tục nước ấy, giả dối nham hiểm bất thường, đạo giáo Gia tô, ngày thường trẫm càng ghét lắm, bọn khanh há không nhớ việc Thái tử Anh Duệ ư ? Hoàng khảo ta lúc mới mở nước, bị Xiêm khống chế, gửi Thái tử Anh Duệ cho người Tây đem về nuôi dạy, để mưu tính giữ gìn. Đến khi lấy lại được Gia Định, nước ấy trả về, Thái tử không chịu bái yết tôn miếu, nói rằng áo quần theo cách thức nước ấy, Hoàng khảo ta đến bấy giờ mới hối, may có Cao hoàng hậu khéo dạy dỗ, vài tháng sau Thái tử mới thay lòng đổi dạ, không thế hầu làm người Tây rồi’ (ĐNTL tập 5, Nxb Giáo dục, trang 402)

 

Ngày 20/06/1793, Thừa sai Grillet viết : “Hoàng tử ngày xưa đi theo Đức cha Adran sang Pháp làm cho mọi người trầm trồ về tất cả những đức tính tốt đẹp, đã làm cho mọi người đặt biết bao hy vọng lớn lao, nay đã hoàn toàn thay đổi; hoàng tử này chỉ nghĩ tới chơi bời trác táng và làm những điều kỳ quặc nhất…”(Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents histoiriques, Paris 1925, tập 3 ,trang 285. Dẫn theo Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập 1, Nxb Tôn giáo Hà Nội, 2008,trg 365). Ngày 31/07/1793, Thừa sai Lavoué nhận định rằng: “ Không có dấu hiệu nào cho thấy là hoàng tử Cảnh có thể một ngày nào đó theo đạo.” (Launay, sđd , tập 3, trang 285. Dẫn theo Trương Bá Cần tập 1, Sđd ,trg 365).

 

Việc sửa chữa nhà thờ và xây cất nhà thờ mới bị điều lệ hương đảng năm 1804 hạn chế và cấm đoán nhưng các nhà thờ vẫn được xây dựng mà không hề gặp trở ngại. Có thể nói dưới thời vua Gia Long, đạo Da tô thực sự được tự do: các thừa sai muốn đi đâu thì đi, được tự do tập hợp, hành đạo mà không hề bị ai ngăn cấm.

 

Ngày 22/05/1811 Giám mục Labartette viết: “ Nhờ ơn Chúa, từ mấy năm nay, chúng tôi khá được yên ổn. Các giáo hữu của chúng tôi được hoàn toàn tự do giữ đạo mà không hề bị ai ngăn cản (…). Tôi nghĩ là bao lâu nhà vua hiện tại còn sống, chúng tôi vẫn được bằng an. Nhưng một khi ngài không còn nữa, tôi rất sợ là sẽ có những thay đổi. Nhà vua hiện tại vẫn còn nhớ tới những ân huệ mà cố Giám mục Adran đã làm cho ngài…” (Launay, sđd, tập 3 trg 432. Dẫn theo Trương Bá Cần , tập 2, trg23).

 

Trong bài điều trần của Linh mục Đặng Đức Tuấn dâng lên vua Tự Đức đã ca ngợi sự tự do giảng đạo thời vua Gia Long: “Thị dĩ ngã Thế tổ Cao hoàng đế tại ngự chi niên, chuẩn kỳ giáo chi thịnh hành, tùng vô cấm chỉ chi lệ. Phàm chư địa phương thôn xã, hữu Thiên Chúa giáo nhân, quân đắc kiến đường minh giảng, lịch dĩ đa niên. Thử cái Thiên Chúa thánh minh, dịch loạn vi trị”(Vì thế , đời đức Thế tổ Cao hoàng ta còn trị vì, ngài chuẩn cho đạo ấy được thịnh hành, không bao giờ cấm đoán. Phàm các địa phương có người theo đạo đều được phép cất nhà thờ rao giảng công khai. Việc ấy kể đã lâu năm. Chính vì đạo Thiên Chúa là đạo thánh minh, đổi biến loạn làm bình- Bản dịch của Lam Giang Nguyễn Quang Trứ).

 

Thời Gia Long là thời đạo thánh được mở mang: “ Đô kỳ định cuộc Phú Xuân/Vững an đế nghiệp mở tuần thái lai/Từ đây dân đặng nghỉ vai/Vỗ trong một nước sửa ngoài bốn phương/Vua cám lượng công ơn tái tạo/Chỉ truyền cho giảng đạo mọi nơi/ Rằng sao Nam, Bắc hai trời/Một lòng hòa hảo không lời cấm ngăn/Thìn lòng hai chữ chiến căng/ Các thầy qua lại đạo hằng giảng khuyên/ Trải qua Giám mục tiếp quyền/ Dưới thời Linh mục chức truyền phân tư/ Khắp miền lạc nghiệp an cư/ Dưới tuân vương pháp, trên thờ Chúa Cha/ Thái bình một khúc âu ca/ Nhơn dân huyền quản nước nhà âu ca”.

       Thời kỳ bắt đạo (Minh Mạng, Thiệu Trị , Tự Đức)

 

Trong 13 năm đầu của triều vua Minh Mạng (đầu 1820 đến cuối 1832) đạo Da tô vẫn hoạt động như dưới thời vua Gia Long.Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) việc bắt đạo bắt đầu khởi sự. Trong bản điều trần dâng lên vua Tự Đức, Linh mục Đặng Đức Tuấn đã nói nguyên do bắt đạo thời vua Minh Mạng: “ Chí Minh Mạng thập tam niên, nhân hữu thù tật đạo giáo trung nhân, kỳ thủy giả đồ mưu vu hại, dĩ khoái kỷ tư thù, kỳ chung dã toại trí la hình nhi nhương thành đại họa. Tự thị, thủy hữu cấm chỉ chi lệnh. Ty âm nhất giáng, thiên hạ chi nhân đô mục chi vi vô quân vô phụ chi đồ, nhi phàm tạ đoan tư sự giả, mỗi mỗi chấp thử lệ, dĩ vi sấu nhân phì kỷ chi tư! Sử tuân phụng Thiên Chúa giả, hình ngục tương kế, bị lụy vô cùng, động nhiếp hiệt sưu, vô sở khống tố. Trí an phận thử pháp chi lương dân, thụ hàm oan ư quang thiên hóa nhật chi hạ” (Kịp đến năm Minh Mạng thứ 13, nhân có người thù hiềm với giáo dân, lúc đầu chỉ là việc vu cáo, hãm hại để trả thù riêng mà về sau oan ngục liên miên, gây thành họa lớn. Từ đó mới bắt đầu có chỉ dụ cấm đạo. Tiếng ty ngôn đưa xuống, sợi tơ vụt lớn như bánh xe, người trong nước đều coi giáo dân là phường không vua không cha, rồi những kẻ hiếu sự, bất cứ việc gì cũng vin theo lệ ấy để cho thỏa lòng tham bạo, lấy của người làm giàu cho nhà mình. Thành ra những người theo đạo Gia tô kế tiếp nhau vào nhà tù, bị lụy vô cùng, xiềng xích gông cùm không mở miệng kêu oan vào đâu được. Đến nỗi dưới ánh mặt trời sáng sủa, trong vòng giáo hóa nhân ái của nhà vua mà một lũ dân tuân giữ phép nước, phụng sự hoàng triều lại chịu hàm oan thảm thiết- Lam Giang dịch).

 

Sự kiện mở đầu việc bắt hại đạo Da tô được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: “ Năm Nhâm Thân(1832) Minh Mạng thứ 13, tháng 5…Ở Thừa Thiên có xã Dương Sơn (thuộc huyện Hương Trà), dân xã bị mê hoặc theo tà giáo Gia tô đã lâu, cất nhà thờ thờ Thiên Chúa, tôn người Tây là Phan Văn Kính (Linh mục Jaccard) làm đạo trưởng, hội họp nhau giảng đạo, đọc kinh. Việc bị phát giác, quan phủ gọi tất cả lên công đường hiểu thị hai ba lần, nhưng rốt cuộc không một người nào xin xuất giáo cả. Vua giao xuống bộ Hình nghị xử. Bộ xin xử thủ phạm là cựu lí trưởng Phan Văn Khoa án giảo giam hậu…”(Đại Nam thực lục (ĐNTL) tập 3 ,Nxb Giáo dục, trg 317 )

 

Quốc sử quán thì ghi như vậy chứ nguyên nhân là hai làng Dương Sơn và Cổ Lão tranh nhau đất đai: “ Máy thiêng Tạo Hóa xoay vần/ Khôn lường í nhiệm, khôn thông lẽ màu/Dương Sơn ,Cổ Lão cơ cầu/Kiện nhau giới hạn tranh nhau đất làng/ Dương Sơn có đạo vẹn toàn/ Cổ Lão không đạo quyết tâm gây thù/ Trước vô phủ huyện sau vô pháp đường/ Rằng: Đạo ỷ thế Tây dương/ Phan Kính đạo trưởng mối giường đôi co!/ Cao minh chậu úp khôn dò/ Việc đầu thời nhỏ sau to bằng trời/Chỉ truyền cấm  đạo nơi nơi/ Minh Mạng trị đời năm thứ mười ba/Bắc Nam khắp chốn xa gần/ Đạo đường triệt hạ, các cha tử hình/ Giáo nhơn ai chẳng thuận tình/Trảm giảo lập tức, lôi đình oan gia/Ai mà thập tự bước qua/ Ấy là thiên thiện chỉ tha về nhà”

 

Trên đường từ thành phố Huế ra đến gần ga Văn Xá  nhìn về phía tay phải ở xa xa thấy tháp chuông nhà thờ giáo xứ Dương Sơn. Gần đó có ngôi đình làng Cổ Lão. Năm 1997 người viết bài viết này đã đạp xe đạp đến thăm nhà thờ Dương Sơn và đình Cổ Lão . Tại đình Cổ Lão người viết bài viết này có hỏi thăm một người lớn tuổi về vụ tranh chấp đất đai giữa hai làng và họ trả lời là có sự việc ấy.

 

Cho tới cuối năm 1832, vua Minh Mạng chỉ mới ban hành những biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế hoạt động của các thừa sai nước ngoài (gom các thừa sai về kinh đô gọi là để dịch sách)chứ chưa ban hành một biện pháp chung nào chống lại đạo Da tô.

 

Cuối năm 1832 vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm giảng đạo Da tô. Nhà vua cho rằng: “ Đạo Gia tô vốn do người Tây dương đem vào lan tràn đã lâu, phần nhiều những tiểu dân ngu muội bị lừa gạt mê mà tin theo, ví như thuyết thiên đường đều là hoang đường quái đản không có bằng cứ. Huống chi là không kính thần linh, không thờ tổ tiên, tất trái với chính đạo, thậm chí còn lập nhà giảng tụ tập nhiều người, dụ dỗ làm nhơ nhuốc phụ nữ, lừa gạt lấy tròng mắt người bệnh. Những sự thương luân bại lí như vậy đã can phạm vào pháp luật rất nhiều” (ĐNTL tập 3,  ,trg 415-416) .Hoặc khi biết trong vệ binh có người theo đạo Da tô, nhà vua bảo: “Đạo Gia tô, Trẫm cho là chỉ có dân ngu mới bị mê hoặc mà thôi, không dè ở sát bên tả hữu của Trẫm cũng có người tin theo” rồi nhà vua sai bộ Hình nã bắt trị tội (ĐNTL tập 3 ,trg 415)

 

Triều đình ra sức xuyên tạc đạo Da tô và những điều xuyên tạc ấy còn di lụy cho tới ngày nay: “Tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho 1 trai, 1 gái, ở chung một nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động tình dục, nhân đấy rập cho chết bẹp, lấy nước xác chết đó hòa làm bánh thánh, mỗi khi giảng đạo, cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo, khi trai, gái lấy vợ chồng, thì đạo trưởng đem con gái vào nhà kín, với danh nghĩa giảng đạo, thực là để dâm ô. Như vậy thật không thể mạnh bạo trừ tuyệt và nghiêm khắc trừng trị” (ĐNTL tập 4 ,trg 837).

Đạo Da tô là “tả đạo” cần phải nghiêm cấm để không làm ảnh hưởng đến phong hóa trong nước: “Kính xét trong thiên “Vương chế”, Kinh Lễ  có nói: “Theo tả đạo làm loạn chính sự thì phải giết”. Điều luật nước ta có nói: “ Những thuật tả đạo, xúi giục mê hoặc nhân dân, kể đứng đầu thì bị giảo giam hậu”. Thế thì tà giáo thực là theo đạo mà “Vương chế” không bao dung, mà xưa nay phải trừ bỏ hẳn. Nay xin tham bác châm chước theo Lễ và Luật, định rõ điều cấm, khiến cho người ta biết sự răn chừa, ngõ hầu mới dập tắt được dị đoan, giúp cho chính đạo lưu hành, mà thiên hạ cùng theo thói tốt” (ĐNTL tập 4 ,trg 838).

 

Nhà vua cho đạo Da tô là tà đạo : “Bọn trưởng giáo Gia tô kia vốn người xứ khác, không phải nòi giống ta. Nếu đạo của nó quả là dạy về trung với vua, hiếu với cha, thuận với anh ,hòa với em, thì cứ học, nào có ai cấm. Nay đạo của nó lại dạy Chi thu ( Giê su), thập ác, nhiều cái không chính đáng, hoàn toàn không dùng được, sao lại bỏ mất lương tâm vốn có mà đi theo cái tà đạo, không căn cứ vào đâu. Nếu bảo là học đạo Gia tô, sau khi chết được lên thiên đường, thì ngay như tên đạo trưởng người Tây dương là Mã Song (Marchand Du) … muôn dao băm chém, thân thể chia lìa. Đó là việc trước mắt, họa hay phúc, thực đã rõ ràng, còn mong gì sau khi chết được lên thiên đường nữa” (ĐNTL tập 5 trg 554)

 

Thiên đường – Hỏa ngục đối với Nho gia là chuyện hoang đường. Người xưa có nói : “ Vị văn khách tự thiên đường đáo/ Bất kiến nhân tòng địa ngục lai” (Chưa nghe khách tự thiên đường đến/ Nào thấy ai theo địa ngục về). Thời vua Tự Đức thấy sát hại người theo đạo Da tô không có kết quả nên cụ Ngụy Khắc Đản đang giữ chức Án sát tỉnh Quảng Nam làm bài “Hoán mê khúc” để kêu gọi người theo đạo Da tô bỏ đạo quay về với đạo thờ cúng tổ tiên. Bài “Hoán mê khúc” có đoạn: “Mê chi những sự hoang đường/Biết đâu hỏa ngục ,thiên đường là đâu!/Dẫu rằng muốn sửa thân sau/Chi qua trung tín lẽ mầu thánh nhơn?/ Ấy là tánh đạo thiện chơn/ Có thiên đường cũng ắt phần đến ta/ Tin chi Tây giáo truyền qua/ Can vào quốc pháp, can ra tội người”. Đến cuối bài “ Hoán mê khúc” lại ngầm có lời răn đe những người theo đạo Da tô: “ Hãy nghe dặn bảo một hai/Có thân phải giữ chớ sai mựa lầm/Khám đường đó, khá xa xăm/Thiên đường chưa dễ ta nhầm đến đâu/ Đạo ta, ta học với nhau/Trung thờ nhà nước, hiếu hầu ông cha/ Vương thần, vương thổ một nhà/Xa gần dõi tiếng âu ca thái bình”.

 

Không chấp nhận có Thiên đường nhưng Nho gia lại cho rằng “ sanh kí, tử quy” (sống gởi, thác về) nên tác giả bài “Hồi đáp yết thị ca” (Trả lời lại bài ca được đem yết thị- Hoán mê khúc) đã khẳng định chuyện Thiên đường không có hoang đường : “ Người đời sanh kí, tử quy/Dữ-lành ắt có chốn đi đã rồi/ Vậy ta suy lại mà coi/ Hoang đường đâu có, nực cười điều chi”.

 

.        Triều đình gọi những người theo đạo Da tô là “ TẢ ĐẠO” là “ DỬU DÂN”(dân xấu).

Theo  Hán Việt tự điển của Thiều Chửu , DỬU : “cỏ vực, hay mọc trong ruộng lúa làm hại lúa, cho nên cái gì ác hại cúng gọi là DỬU. Tục dân tốt gọi là LƯƠNG, tục dân xấu gọi là DỬU”. Trong bài thơ “Thanh minh trước công luận” có câu: “Xưa những việc chẳng ngay chẳng thảo/Đổ Gia tô, vu Tả đạo với dậu dân/ Rày những án vô phụ vô quân/ Giết quan kinh, cướp của vua là ai đó?”. Chữ “ DẬU DÂN” được chú thích : “chữ rất khinh bỉ do các nhà Nho ở nông thôn dùng để chỉ giáo dân. DẬU là phương Tây, dùng chữ DẬU DÂN là có ý cho rằng giáo dân đứng về phe người Tây mà hại nước. Chữ DẬU còn có một nghĩa nôm na, thô tục, dùng để chỉ dương vật đàn ông” (Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, trg 504).Do tam sao thất bổn nên mới giải thích như vậy. Nếu đúng sẽ là: “Đổ Gia tô, vu Tả đạo với dửu dân”.

 

Linh mục Đặng Đức Tuấn khi bị bắt tại Quảng Ngãi, nhờ trong người có những chương điều trần nên được đưa ra bộ Binh ở kinh đô Huế tra hỏi. Trước mặt Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và các quan lớn nhỏ , Linh mục có dịp trình bày căn nguyên về đạo Da tô và phá bỏ quan niệm cho rằng trong đạo Da tô có “ nhiều điều nghinh ngang”: “Rằng: Vua có chỉ phán truyền/ Cho đòi đạo trưởng xét riêng hai điều/Một là hỏi đạo Chúa Dêu/ Nghe trong đạo ấy nhiều điều nghinh ngang/ Hai là hỏi giặc Tây dương /Qua đây khuấy rối làm ngang cớ gì?/ Biết sao nói thật đừng khi/ Mặc lượng Hoàng đế rộng suy thẩm tình”.Linh mục Đặng Đức Tuấn đã từ tốn trả lời: “Tuấn rằng: nhờ lượng Triều đình/Phận tôi ty tiểu một mình đến đây/Ông lớn cho phép nói ngay/ Thì tôi mới dám tỏ bày đạo nguyên/Đạo dạy thờ Chúa thiêng liêng/Dựng nên trời đất ,cầm quyền tử sinh/Hễ người thì có tánh linh/ Giữ noi đàng chánh, trường sinh cõi trời/ Đạo dạy thờ vua dưới đời/ Vì vua thay mặt Chúa Trời trị dân/ Đạo dạy thảo kính song thân/Cù lao báo bổ ân cần đền ơn/Ấy là ba đấng trọng hơn/ Gọi là Tam Phụ có quờn khác nhau/Đạo hằng giảng tập dồi trau/Đời nay vâng giữ ,đời sau hưởng nhờ/Thánh kinh, Thánh giáo , Chư thơ/ Đinh ninh lẽ thật,sờ sờ đàng ngay/ Dễ đâu tôi dám vẽ bày/Đâu đó một lẽ, xưa nay một đàng/Rô ma có một Giáo hoàng/ Gốc đầu Hội thánh, mối mang đạo Trời/ Tuy rằng đạo ở khắp nơi/ Giáo hữu chốn chốn vâng lời Pha Pha” (Nhân đây cũng xin nói thêm về “ đạo Chúa Dêu”.Chúa Dêu là phiên âm từ DEOS hoặc DEUS. Một số Thừa sai không chấp nhận dịch từ Deos hoặc Deus sang ngôn ngữ địa phương mà phải gọi bằng cụm từ “Chúa Dêu”.Cụm từ “Chúa Dêu” được dùng cho đến cuối thế kỷ 19. Trong bài vãn dâng hoa có câu: “Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu chúng tôi trông cậy cùng kêu van bà”)

 

Cách thức triều đình bắt người theo đạo Da tô bỏ đạo là giẫm lên thập  tự : “ Truyền dụ cho các quan trực tỉnh thông sức cho quân dân trong hạt biết, ai trót theo đạo Gia tô, đã từng được quan cho nhảy qua thập ác xin bỏ đạo thì nay nên hối cải, hẳn không được mặt thuận lòng trái, lại theo tà giáo; ai chưa bỏ đạo thì đều đến tỉnh thành trình bày thú thật, liền cho nhảy qua thập ác, giày đạp lên 2,3 lần, xét là do ở chân thành thì lập tức cho về” (ĐNTL tập 5, trg 502).Chỉ cần bước qua thập tự là được tha: “ Tới quan truyền bảo một khi / Hễ bay xuất giáo, tao thời tha cho/ Đứa nào cứng cổ cượng co/ Dây roi có đó, nọc vồ có đây/Bây đừng quen thói dại ngây/ Đạo ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ/Khá tua cải quá bây giờ/ Bước qua thập tự ngõ nhờ ơn tha/Chẳng nghe tao cũng xẻ da/ Phước đâu chẳng thấy tội ra hằng hà”.  Nếu những ai không chịu bước qua thập tự thì khi ấy mới gia hình. Linh mục Đặng Đức Tuấn khi bị bắt giải lên tỉnh đường Quảng Ngãi đã đối đáp khi quan bắt bước qua ảnh tượng: “ Đến nơi án sát tả dinh/Truyền gông thiết diệp bình minh đem vào/Sáng ngày Bố, Án ngồi cao/Đòi Tuấn vào đó lẽ nào phải khai/Dạy đem sách lễ ra ngoài/Giở nơi có ảnh hình hài Chúa ta/Quan rằng: “Tuấn phải bước qua/ Chẳng làm thì phải tấn tra bây giờ”/ “ Bẩm ông xuống phước tôi nhờ/Ảnh này hình Chúa tôi thờ xưa nay/Thờ vua còn phải hết ngay/Thờ Chúa đâu dám đạp giày thế ni?/ Ngày xưa lòng đã kính vì/Ngày nay trở mặt đạp đi sao đành?/Ông lớn rộng lượng thẩm tình/ Vốn tôi chẳng dám mạn khinh triều đình”/ Bố rằng: “Hắn nói cũng minh”/ Dạy đem sách lễ ngoài dinh trở vào”.

 

Cũng có kẻ nhát gan : “Những người đạo đức linh chinh/Lo sợ xác đất ,u minh phước trời/Vào quan chưa hỏi một lời/Đã lo xuất giáo ở đời cho an/Nghĩ rằng: Liều mạng bước ngang/ Mai sau thỉnh thoảng sẽ toan lo liều” Có người dù dọa voi giầy, gươm chém cũng nhất quyết không bỏ đạo : “ Như ở Kinh năm trước, người xã Dương Xuân, theo đạo Gia tô, án xử phải tội thắt cổ ngay, mà người cùng đạo có một bà già muốn đem mình chết theo, tuy dọa bằng oai voi giầy và gươm chém, cũng cam xin chết, đủ biết đạo Thiên Chúa sao mê hoặc quá đến thế” (ĐNTL tập 5 trg172). Cũng có vài Linh mục bước qua thập giá : “Còn  như Phạm Văn Duyệt, Mai Văn Hiền là người nước nhà học đạo trở thành đạo trưởng, một khi chịu đạp phá thập giá mà bỏ tà đạo về chính giáo thì triều đình lập tức tha tội, nay chúng hiện ở nhà an dưỡng, hưởng trọn tuổi trời, sung sướng biết dường nào”( ĐNTL tập 5 trg554). Gioan Phạm Văn Duyệt thuộc Địa phận Tây Đàng Ngoài, Vincent Mai Đạo Hiền thuộc Địa phận Đông Đàng Ngoài . Theo báo cáo của các Thừa sai là hai vị này  đã được hòa giải nhưng không cho thi hành chức vụ (Trương Bá Cần, tập2 sđd, trg 89). Và theo Louvet: “ Đó là 2 linh mục bản xứ duy nhất chối đạo”. Nhưng theo Đại Nam thực lục còn có Linh mục Nguyễn Văn Thiều tuy bước qua thập tự mà vẫn bị xử chém: “ Tỉnh Nam Định bắt được các tên đạo trưởng Gia tô là Đinh Viết Dụ, Nguyễn Văn Xuyên(đều người bản quốc), sai nhảy qua thập tự chúng đều không chịu. Quan tỉnh đem việc ấy tâu lên. Vua sai giết chết và thưởng cho kẻ tố giác 600 quan tiền. Lại có tên đạo trưởng là Nguyễn Văn Thiều lẩn trốn ở nhà dân, đào hầm ẩn thân, làm vách hai lần để giấu kinh đạo, lại làm bài “ Thán đạo ngâm” (Thở than cho đạo Gia tô)dụ dỗ những kẻ  theo đạo kiên tâm giữ đạo. Tỉnh phái thám bắt được, Thiều xin nhảy qua thập tự cầu tha cho tội chết. Quan tỉnh cho là tình tội của y tương đối nặng, điều mà y thỉnh cầu không phải xuất phát tự chân tâm, xin khép vào tội trảm quyết. Vua theo lời”( ĐNTL tập 5, trg 583).

 

Triều đình nghi ngại người theo đạo Da tô là theo Tây dương, sẽ làm nội ứng cho Tây dương nên cần phải giam giữ giết chóc.Thực dân Pháp thì mượn danh nghĩa tự do truyền đạo để xâm lược. Đầu năm 1859 thực dân Pháp kéo quân từ Đà Nẵng vào xâm chiếm Gia Định: “Khéo làm tội báo oan gia/Tính bề trục lợi , khéo pha việc lành!/ Mượn câu giảng đạo làm danh/ Làm cho giáo hữu tan tành phen ni/Làm cho Nhà nước sinh nghi/Giam cầm đầu mục khinh khi đạo Trời/ Làm cho xao xác trong đời /Rúng động đất nước, đổi dời gió trăng”. Thật là oan ức: “ Kẻ ở Tây dương qua bắn súng/ Người bên Nam Việt lại mang gông/Trời cao cổ vắn kêu không thấu/Lẽ vậy tình ngay phải xét cùng/ Đồng đạo nào hề đồng chước móc/ Khác trời, khác biển, khác tây đông”

Cũng là “ xích tử” (con đỏ) của triều đình, cũng có bổn phận và nghĩa vụ như mọi công dân nhưng những người theo đạo Da tô bị đối xử tồi tệ: “ Cũng thời xích tử triều đình/Thuế xâu cũng đủ, binh đinh cũng đồng/ Thế mà mang tiếng bất trung/ Mặc tình nghi ngại không lòng oán vưu/Cam lòng sáp quản giam lưu/Phải sao chịu vậy chẳng cưu lòng phiền”

 

Mặc cho ai nghi ngại , người theo đạo Chúa vẫn chu toàn bổn phẩn người công dân: “ Có kẻ trách theo tàu làm giặc/ có người chê mê hoặc Tây dương? Gẫm coi oan khuất nhiều bề/ Xưa nay ai biết tàu bè là ai?/Tàu vốn ở phương ngoài chạy đến/Ta là dân trung tín quân vương/ Phụng công,thủ pháp mọi đường/ Nào ai tị trọng tìm đường tựu khinh”.Trong bản điều trần dâng lên vua Tự Đức, Linh mục Đặng Đức Tuấn cũng thanh minh vấn đề này: “Thả, cai đạo nhân chi binh đinh tô thuế, thủ pháp phụng công, dữ bình dân vô dị, nãi nhược thị xử trí chi, năng vô thương triều đình nhất thị chi nhân, nhi lâm tổng quần cư chi hạ, an hữu thỏa dân dữ tề dân chi nghĩa” (Huống nữa, lũ người theo đạo ấy, về các việc dân việc lính, chịu xâu chịu thuế cũng y như các hạng bình dân khác, sao lại đối xử riêng với họ theo cách ấy, làm sao khỏi tổn thương đến cái lòng nhân ái công bình của nhà vua xem muôn dân như con đỏ, không phân biệt chút nào?- Lam Giang dịch)

 

Với cách nhìn thiển cận, triều đình đã đánh đồng: ĐẠO là THỰC DÂN hoặc THỰC DÂN là ĐẠO: “ Đạo Tây bảo khiêm nhường một mối/Chớ ngạo kiêu, bỏ thói cậy mình/ Cớ sao dấy động binh đao/ Cớ sao kéo đến chiến tranh nước người?/ Ở phương ấy chân trời góc biển/ Gió ngựa trâu can hệ chi nhau? Nào ngờ qua lại bấy lâu/ Lẽ trời phép nước có đâu trễ tràng/ Hay đâu thuộc lối quen đàng/ Khát thèm mối lợi bèn quên nhân tình/ Phải mà muốn dạy đạo lành/ Khiêm nhượng mối ấy cất dành nơi nao?” hoặc “Lại Thập Giới phân phân đó nữa/ một nói rằng thấy của chớ tham/Cớ sao non biển nước Nam/Mắt vừa xem thấy, miệng thèm, lòng quên/ Cũng không mua, cũng không xin? /Liều toan tự đoạt không nhìn mặt ai/ Chẳng qua cậy sức cậy tài/ Cậy già thuốc súng, cậy hay máy tàu/ Nào can, nào gió ở đâu?/Đạo nào giảng dạy mà cầu Nhà Chung?/Đạo nào miệng chẳng nhủ lòng/ Mà anh em cũng cậy trông nỗi gì?”(Ngụy Khắc Đản, Hoán mê khúc).

Trước mặt các quan ở bộ Binh, Linh mục Đặng Đức Tuấn đã phân tích rõ bản chất của người theo đạo Da tô và bọn thực dân để triều đình không lọt vào kế ly gián của địch và gây ra cảnh nồi da xáo thịt: “ Như giặc bởi nước Rô ma / Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy/Vốn nay chẳng phải làm vầy/ Lang Sa nước khác đến gây chiến trường/Giặc này tôi chẳng biết tường/Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh/ Vậy nên gây cuộc chiến tranh/Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?/Xin suy lấy việc năm trên/ Đạo mà nội ứng với tàu Lang Sa/Thì khi tàu ấy mới qua/Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây/Bởi đạo không có lòng này/Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường/ Phụng công, thủ pháp mọi đường/ Binh thuế như chúng ,kiều lương như người/Không lòng mạn phép dể ngươi/ Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/ Đạo chẳng dám xuất,bỏ đi/Là trọng Thiên Chúa đâu vì Lang Sa!/ Triều đình là lượng mẹ cha/ bắt bớ thời chịu, thứ tha thời nhờ”

 

Bởi nghi ngại theo đạo là theo Tây nên người theo đạo Da tô không có dịp biểu lộ lòng ái quốc khi quân Pháp xâm lược nước ta: “Phải mà trên xuống chiếu ban/Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/ Cam lòng liều thác bỏ thây/Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/Kẻo rằng: Trở mặt , sấp lưng/ Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương”. Linh mục Đặng Đức Tuấn cũng đã đề nghị với triều đình: “ Chí nhược Phú Lãng Sa tứ bạo xâm lăng, tức sắc lệnh cai đạo nhân vị quốc lập hiệu. Hữu công giả thưởng, hữu dị tâm giả tru kỳ tộc, cai đạo nhân tuy phấn cốt toái thân, diệc đồ báo nhi bất nhị kỳ tâm. Năng giả hiếu kỳ năng, dũng giả hiếu kỳ lực, tất trí bình Dương tặc nhi hậu dĩ” (Đến như việc giặc Pháp xâm lấn bờ cõi thì nhà vua sắc lệnh cho lũ người theo đạo Gia tô phải vì nước lập công. Ai có công thì thưởng, đứa nào có lòng bất trung thì giết cả họ nó đi. Lũ theo đạo kia dầu xương nát thịt tan, quyết cũng giữ tấm lòng trung kiên báo đền ơn nước. Kẻ có tài năng thì hiến dâng tài năng, kẻ có sức mạnh thì hiến dâng sức mạnh, tất phải cố gắng đến chừng nào đánh tan bọn giặc Biển mới thôi – Lam Giang dịch)

 

Dưới thời vua Thiệu Trị việc bắt đạo bớt gắt gao hơn nhưng đến ngày 15/04/1847 hai tàu chiến của Pháp bắn chìm 5 tàu đồng của triều đình tại cảng Đà Nẵng thì vua Thiệu Trị mới ban hành lệnh bắt đạo gắt gao. Sau vụ này nhà vua đã tỏ thái độ không khoan nhượng với đạo Da tô. Trong cuộc họp với Viện Cơ mật tìm cách đối phó ,nhà vua đã hỏi các đại thần: “Thuyền Tây dương đến đây chỉ có hai việc là xin bỏ cấm đạo Gia tô và xin thông thương mà thôi. Thông thương thì được, cấm đạo thì có thể bỏ được không? Trương Đăng Quế trả lời: “Không thể bỏ cấm được!”. Vua lại nói tiếp: “… Nhung địch là giống sài lang, không thể thỏa mãn nó được. Vả lại đạo Gia tô là tà giáo, cái hại rồi đến bởi chuyện ngoài biên, mở đường chinh chiến” (ĐNTL tập 6, trg 985)

 

Năm 1858 Pháp nổ súng tấn công cảng Đà Nẵng, triều đình tích cực truy nã các thừa sai nước ngoài và các linh mục bản quốc, ngoài ra còn đề ra  những biện pháp đề phòng, ngăn chận để người Công giáo không thể liên lạc hoặc tiếp tay với Pháp. Đối với người theo đạo Da tô nói chung, triều đình chỉ ra lệnh là phải canh chừng, chớ không truy nã. Ngày 05/02 năm Tự Đức thứ 12 (09/03/1859) Cơ mật viện đã mật tư cho các tỉnh như sau: “Nay vâng châu phê: Dân tả đạo tâm địa khó lường, nên phải đề phòng ngăn chặn trước, cũng phải trấn an chúng, không quá khích cũng không buông lỏng…”(Châu bản Tự Đức quyển 104, Cơ mật trg49-50. Dẫn lại Trương Bá Cần, tập 2 , trg220)

 

Ở các cửa khẩu, các trục lộ chính quyền cho đặt thập tự giá, ai muốn đi thì phải bước qua thập tự giá hai ba lần rồi mới cho đi. Ngày 24/09 năm Tự Đức thứ 11 (30/10/1858) Mật tư của bộ Binh cho tỉnh Quảng Bình và phủ Thừa Thiên: “ Lâu nay Dương di gây sự ở tấn Đà Nẵng, gian dân tả đạo các nơi không khỏi ngóng trông ngầm thông tin tức, cần phải xét hỏi nghiêm ngặt để dứt tuyệt mầm mống. Xét ra ở quí hạt có hai cửa quan là Quảng Bình và Hoành Sơn là hai nơi quan yếu và xa cách, vậy xin chuyển sức cho các viên biền trấn thủ hai cửa quan ấy hãy chế tạo ảnh tượng Gia tô và thập tự giá đặt tại cửa quan, tất cả những ai ra vào, dù nam phụ lão ấu, đều bắt bước qua lại hai, ba lần, rồi mới cho đi. Nếu ai tránh né, có vẻ không bằng lòng, không chịu bước qua, tức đúng là người gian, cho phép cứ vặn hỏi do lai, lục soát khắp thân thể, nếu gặp có sách Tây dương, đồ vật Tây dương thì giải tỉnh cứu xét trị tội không để cho bọn gian qua lại mưu đồ gây chuyện mới được(…). Nay tư cho tỉnh Quảng Bình tuân hành. Lại nữa (châu điểm) tư di cho phủ Thừa Thiên chuyển sức cho cửa quan Hải Vân đồng thấu” (Châu bản triều Tự Đức,Q 94, Binh Bộ, trg 33-34. Dẫn lại Trương Bá Cần, tập 2, trg220-221). Ngày 07/04 Tự Đức năm thứ 12 (1859) “ dụ của Tự Đức ra lệnh dùng các biện pháp để ngăn ngừa dân theo đạo Thiên Chúa ở Nam Kỳ, làm cho họ đừng đi theo giặc Pháp, đừng buôn bán với Pháp, liên lạc với Pháp. Ra lệnh làm hình Chúa Giê su và cây thập tự đặt trên đường đi đến đồn giặc, để giáo dân không dám đi qua” (Châu bản triều Tự Đức(1848-1883),Nxb Văn học ,trg 67). Việc chính quyền cho đặt cây thập tự trên các trục lộ, được Giám mục Sohier viết trong thư 23/08/1859 : “Tất cả mọi người qua đường, đều phải xúc phạm đến biểu tượng cao quí của đạo chúng ta; đến độ các giáo hữu đáng thương của chúng ta không thể ra khỏi nhà mà không liều mình chối bỏ đạo, vì thế phải từ bỏ việc đi đánh cá hoặc đi buôn bán” ( Annales de la Propagation de la Foi (APF) tập 32 trg 331. Dẫn lại Trương bá Cần, tập 2 , trg 220)

 

Không những canh chừng và ngăn chận, mà tích cực hơn, triều đình còn ra lệnh tập trung những người gọi là đầu mục, trai tráng trong các làng Công giáo. Cho tới tháng 10/1859, các biện pháp này chỉ được triển khai ở các vùng trọng điểm như Quảng Nam, Gia Định, Nam Định.

 

Ngày 12/11 năm Tự Đức thứ 12(1859) trong Châu bản ghi: “Viện Cơ mật báo cáo về việc viên Bố chánh Khánh Hòa Đỗ Thúc Tĩnh đem hành hình tên đầu mục dân theo đạo Gia tô, để làm gương cho kẻ khác”(Châu bản triều Tự Đức(1848-1883), Sđd, trg 85). Sự kiện giết vị đầu mục dân theo đạo Gia tô ở vùng đất Khánh Hòa không thấy tài liệu của Địa phận Nha Trang nhắc đến cả! Riêng chỉ có trong tác phẩm “ Đặng Đức Tuấn tinh hoa ái quốc Công giáo Việt Nam” ở trang 92 có nhắc đến tên các Linh mục Việt Nam tử đạo sau  khi Pháp tấn công Đà Nẵng và Gia Định: “ ở Gia Định có cha Đỗng, cha Minh; ở Phú Yên cha Chung; ở Khánh Hòa cha Lợi; ở Quảng Nam cha Cát; ở Bình Thuận cha Cảnh; ở Quảng Bình cha Trung; ở Thừa Thiên cha Sĩ” và không ghi một chú thích nào cả! Như vậy viên đầu mục ở Khánh hòa bị hành hình có phải là cha Lợi không?

 

Lệnh phân sáp

 

    Có  một số sách ghi là “ PHÂN THÁP”. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có tất cả 9 chữ Hán cùng đọc âm “ THÁP” và không có chữ nào có nghĩa là trồng, cấy, ghép vào cả! PHÂN có nghĩa là chia; tách ghẽ ra; chia rẽ , như “phân thủ” là chia tay mỗi người đi mỗi ngã. SÁP thuộc bộ “Thủ”có nghĩa là cắm vào, lách vào; trồng, cấy. PHÂN SÁP có nghĩa là chia ra và ghép vào nơi khác.

 

    Từ khoảng giữa tháng 10 năm 1859, lệnh tập trung các đầu mục và phân sáp các trai tráng công giáo mới được bắt đầu áp dụng trong cả nước (APF tập 32 trang 350-351: Thư của Giám mục Sohier 10/01/1860. Dẫn lại Trương Bá Cần ,tập 2, trg222).

 

Ngày 13/09 năm Tự Đức thứ 12 (1859) : “ Nay truyền dụ cho các quan địa phương suốt Nam Bắc hãy lập tức chiếu theo danh sách các cường hào đầu mục dữu dân trong hạt và những câu biện cầm đầu bọn ấy , tùy cách lập biện pháp hoặc nhân việc gì gọi bọn ấy đến tỉnh. Phải gọi cho hết tất cả bọn kiệt hiệt không sót một tên nào, trước tiên dùng lời phải hiểu dụ cho biết lẽ thuận nghịch, rồi sức chúng ở lại tỉnh ngầm giữ chúng lại không cho tự do.

 

“ Nếu số đông thì giao cho các binh xã giam giữ chặt chẽ không cho chúng quây quần một chỗ mà sanh điều trở ngại. Trừ người già, trẻ con, phụ nữ không cần phải nói; còn những tên cường tráng nào an phận không dám xuẩn động thì thôi, nếu tên nào bồn chồn trông ngóng, ngoài thuận trong nghịch thì đem PHÂN SÁP ngay ở các xã thôn không theo tả đạo để tiện quản thúc. Trong đó kẻ nào ngầm mưu thông đồng với giặc và hống hách quấy nhiễu dân xét thấy có ‎ đồ gì khác thì lập tức yết thị rõ ràng cho phép BÌNH DÂN chung quanh ra sức bắt đem nộp. Nếu kẻ nào dám chống cự cứ giết ngay không phải bàn. Tài sản của phạm nhân cho phép phân chia. Ai bắt được đạo trưởng hay kiệt hiệt đầu mục thì chiếu theo sự trạng phân biệt tâu rõ đợi chỉ tưởng thưởng hoặc ban cho quan chức để khuyến khích, để cho mọi người hăng hái làm việc . Xem như nước Miến Điện là nước man di khi đánh nhau với Dương di còn làm được việc bắt hết dửu dân đem bắn giết để tuyệt mối họa bên trong, huống chi ta là nước có văn hiến từ trước đến nay gìn giữ kỷ cương mà không làm được việc dùng phương ngăn chận dửu dân hay sao?” (Châu bản triều Tự Đức, Q 111, Thượng dụ ,trg 205-208. Dẫn lại Trương Bá Cần, tập 2, trg224)

 

Giữa năm 1861, sau khi quân xâm lược Pháp phá vỡ được tuyến phòng thủ Chí Hòa và mở rộng vùng chiếm đóng, đặt nhiều điều kiện nặng nề cho việc kí kết hòa ước, triều đình nhà Nguyễn lo sợ và ra lệnh phân sáp , lần này bắt tất cả mọi giáo hữu, nam ,phụ ,lão , ấu đem đến công đường thích vào bên má trái hai chữ “TẢ ĐẠO” và bên má phải tên tổng, huyện nơi họ được chỉ định cư trú để khỏi trốn thoát, sau đó đem phân tán giao cho các làng không Công giáo quản thúc. Năm Tân Dậu(1861) Tự Đức thứ 14, tháng 6 : “…Sức rõ lại cho các địa phương phải phân sáp dửu dân cho nghiêm ngặt. Trước đây việc phân sáp dửu dân có nhiều sót lọt. Nay các địa phương phủ huyện phải thi hành nghiêm chỉnh, phàm tất cả dữu dân nam phụ lão ấu, bất kể đã xuất giáo hay chưa xuất giáo, đều thích chữ vào mặt đem phân sáp vào các xã thôn không theo đạo, kiểm thúc chặt chẽ. Còn những tên đầu mục kiệt hiệt thì vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu Tây đến thì đem bọn này ra giết hết. Nếu nơi nào còn chấp chứa kẻ gian để đến nỗi xảy chuyện gì thì cứ theo quân pháp trị tội” (ĐNTL tập 7 ,trg 725).

 

Lệnh phân sáp được ban ra, giáo dân bắt buộc phải lìa xa nguyên quán , đến ở trong làng ngoại đạo như thể ở tù. Gia đình phải chia lìa: “ Phân cha làng nọ, sáp con làng này”. Những người chòm xóm trước đây  thừa cơ giáo dân bị phân sáp, đến quơ đồ, mua đồ của giáo dân bằng giá rẻ. Lại còn có người mưu chiếm ruộng đất của dân lâm nạn nữa: “ Trát ra cho các xã làng/ Tựu nha lập tức cho quan mật truyền/Đạo rày phân sáp các miền/Làm vi canh nhặt giữ gìn chớ tha/Làng nào để nó trốn ra/ Tội tình chẳng nhỏ,oan gia chẳng vừa/Giáo dân lớn nhỏ bắt bừa/Bắt ra thích tự chẳng chừa gái trai/Tội chi nào biết hỏi ai/Xẻ mày, xẻ mặt, chịu chai, chịu lỳ/ Cực cho các ả, các dì/Kẻ thì xin lãnh, người thì đòi mua/Rút lại rồi cũng giơ cua/ Lá rụng về cội, xôi chùa khó ăn/Thích rồi quan lại dạy răn/ Làm tờ giao lãnh, vi bằng một khi/ Các làng cứ số lãnh đi/Dỡ nhà lập tức dẫn tùy theo tay/ Nghẹn ngào trăm nỗi đắng cay/Mưa sa hàng lụy, gió day ngọn sầu/Sóng ngã lướt dập thuyền câu/Ta đà lâm lụy, người đâu yêu vì/ Xóm làng bợm bãi thiếu chi/ Miệng thăm cô, bác, lòng thì tham ô/Hỏi han nệm, chiếu, kỷ, vò/Ngựa, phản, ghế, tủ gởi mô cho rồi?/Thôi thôi để lại cho tôi/ Của đáng hai chục giao thời ít quan!/Thảo nào mèo lại ăn than/Kẻ khiêng cái nọ, người mang cái này/ Tới lui thăm viếng đông dày/ Ngoài miệng mếu máo trong tay quơ đồ/Thảm thương anh chị, cậu cô/ Ra thân bỏ xứ , thuở mô tái hồi?/ Ruộng đất để lại cho tôi/ Mai sau về đặng sẽ hồi lại cho/ Ra đi thân xiết nỗi lo/ Lúa thóc gởi lại, đói no mặc trời/Lang thang gánh xách tả tơi/Giã từ quê quán, tới nơi giam cầm”.

 

Triều đình cho rằng người giáo dân vẫn giữ vững niềm tin vì họ quy tụ với nhau thành xóm, thành ấp. Vậy thì phân tách họ ra ,sáp nhập họ vào làng khác, không cho ở lại nguyên quán thì họ sẽ nhớ nhà, nhớ cửa và sẽ xin xuất giáo để yên nghiệp làm ăn.

 

Tình cảnh những người bị phân sáp rất là khốn khổ: “ Mịt mù mấy dặm nước non/Phân cha làng nọ, sáp con làng này/Chông gai hào lũy phủ vây/Gông cùm ngang dọc/ vồ dây chật đàng”. Đi đâu một chút là có người canh giữ: “Xin đi một phút một giây/ Có người vác gậy, cầm cây theo hầu”. Còn chuyện kinh sách thì không dám công khai: “ Băng xăng mọi nỗi lo âu/ Kinh đọc thầm thĩ, dám đâu chàng ràng/Kẻ khóc lóc, người than van/Lạ lùng xứ sở, ngỡ ngàng bà con”

 

Trong thời kỳ phân sáp mạng người giáo dân bị xem rẻ.Trong Châu bản ghi ngày 22/10 năm Tự Đức thứ 14 (1861) cho chúng ta hình dung : “ Nội các xét duyệt các quy định để xử trí với giáo dân đạo Gia tô do bộ Hình soạn thảo theo sự thẩm định của triều đình. Đề nghị sửa đổi một số điều khoản:

“ – Tín đồ bị đày đi lính, đầu mục bị bắt giam, những người được huấn dụ nhiều lần nhưng vẫn không bỏ đạo đều bị chém.

 

“  –  Tín đồ bỏ trốn đến nơi khác sẽ bị phạt nặng nhẹ tùy theo nơi trốn xa hay gần. Quá 3 lần trốn sẽ bị xử chém.

 

“ –   Giáo dân , đầu mục bị giam mà vượt ngục hai lần cũng bị xử chém” (Châu bản triều Tự Đức( !8.48-1883),Sđd,trg112)

 

Sau khi triều đình tiếp nhận các chương điều trần của Linh mục Đặng Đức Tuấn và trong đó có khoản minh oan cho người theo đạo Da tô, nên triều đình đã cử Linh mục Đặng Đức Tuấn tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản- Lâm Duy Hiệp vào Gia Định nghị hòa. Ngày nghị hòa diễn ra vào ngày mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất(06/06/1862). Ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Tuất 19/06/1862) phái đoàn đi nghị hòa về đến Huế. Ngày 19 tháng 5 năm Nhâm Tuất (24/06/1862) nhà vua ban chiếu chỉ tha tất cả nam phụ lão ấu theo đạo Da tô được về lại quê quán. Riêng nam tráng, đầu mục vẫn còn giam. Ngày 17 tháng 6 năm Nhâm Tuất( 00/07/1862) tất cả nam tráng đầu mục đều được tha về quê: “ Tàu vua về Huế đến nơi/Chính đêm mười bốn nước trời sáng trăng”, “ Mười chín tháng năm chỉ ra/Phụ nữ, lão ấu đều tha cho về/ Dọn dẹp gánh xách về quê/ Nam tráng, đầu mục còn giam một bề”, “ Mười bảy tháng sáu chỉ ra/Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi”.

 

Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi sự kiện tha bắt đạo như sau: Vào tháng 5 năm Nhâm Tuất : “Chuẩn cho phủ Thừa Thiên và các trực tỉnh, xét xem những bọn dân xấu (dửu dân) theo đạo, hiện bị giam và an trí, cả người già và trẻ em, đàn bà con gái không kể là đã hay chưa bỏ đạo và những trai tráng đã bỏ đạo, hết thảy đều tha về, ruộng vườn, gia sản cấp trả lại và miễn cho ra lính, tạp dịch một năm. Vì là kính gặp ngày khánh tiết thánh thọ, cho nên chước lượng ban ơn này” (ĐNTL tập 7, trg777)

 

Kế đến vào tháng 6 năm Nhâm Tuất(1862): “ Lại tha tội cho những dân xấu (dửu dân) chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là nghị hòa đã xong, nên bỏ lệ cấm đó (trừ những người đích danh thông đồng với giặc do quan địa phương xét rõ trị tội thì không kể, còn những người bị giam hay an trí, những người đầu sỏ và trai tráng đều cho tha hết, ruộng vườn, gia sản, ra lính, tạp dịch và các khoản tuân theo dụ trước mà làm)”(ĐNTL tập 7,trg 780-781).

 

Điều đặc biệt là Quốc sử quán triều Nguyễn thường  dùng cụm từ

“AN TRÍ” thay cho “PHÂN SÁP”.

 

Ở nhà thờ giáo xứ An Vân ở Huế có một cái hồng chung đúc năm 1876 có khắc chìm dòng chữ  vừa Hán vừa Nôm vào thân hồng chung ghi lại sự kiện vua Tự Đức tha bắt đạo. Phiên âm: Khi Hoàng đế giáng dụ tha đạo được sáu tháng thì chúng tôi lo đúc cái chuông này mà dâng cho Đức Chúa Bà Môi Khôi, là bổn mạng nhà thờ An Vân mà tỏ lòng mừng cùng cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Mẹ đã đoái thương. Tự Đức nhị thập cửu niên, tam nguyệt, nhị thập nhật tạo” (Ngày 20, tháng 03 Tự Đức năm thứ 29 – 1876) (Nguyễn Văn Nghệ, Những nét đẹp văn hóa Á đông trong kiến trúc nhà thờ An Vân , Tạp chí Huế Xưa&Nay số 100(7-8/2010), trg 96-100).

 

Sau năm 1862 không còn chỉ dụ nào cấm đạo nữa. Niên đại ghi lại sự kiện tha đạo trên hồng chung nhà thờ An Vân là chưa đúng vì từ năm 1866-1867 triều đình bắt đầu tin dùng người Công giáo như Linh mục Nguyễn Hoằng, Linh mục Nguyễn Hữu Thơ, nhất là Nguyễn Trường Tộ, kể cả Giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu), Giám mục Sohier (Bình). Riêng Linh mục Đặng Đức Tuấn sau khi tháp tùng phái đoàn nghi hòa xong, Linh mục về lại Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục công việc truyền giáo và được triều đình vời ra Huế hai lần : “Chỉ đòi ra Huế hai lần/Việc dân, việc nước điều trần căn nguyên”

 

Thừa sai Louvet đã nhận định về cuộc bách hại đạo Công giáo sau  quân xâm lược Pháp bắt đầu nổ súng xâm chiếm Việt Nam: “ Sự hiện diện của đồng bào chúng ta (tức quân đội Pháp) đã làm thay đổi tính chất của cuộc bách hại, từ tôn giáo cuộc bách hại trở thành chính trị; người Công giáo không chỉ là tín đồ của một tôn giáo đáng ghét, tự tách mình ra khỏi đời sống xã hội và gia đình bằng cách từ chối thờ kính tổ tiên, mà là bạn của ngoại bang, là kẻ phản bội và phản loạn, là kẻ mời gọi người ta xâm lược xứ sở của mình (…)Từ đó, tính chất tàn bạo, không khoan nhượng của cuộc bách hại này; trở thành Công giáo không còn là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề quốc tịch, nghĩa là cũng như trở thành người Pháp. Do đó ta có thể hiểu được sự xa lánh của giới trí thức và nho sĩ chống lại đạo của ngoại bang…”. Và Thừa sai Louvet đã : “ Kết luận: không nên bao giờ, dẫu với ý định trong sáng nhất và ngay thẳng nhất, đem chung lộn tôn giáo vào chính trị, bởi vì chính trị làm hại tôn giáo” ( Louvet, la Cochinchine Religieuse,tập 2, trg 247-248;249.Dẫn lại Trương Bá Cần ,tập 2, trg 234)

 

Công giáo Việt Nam từ 1862-1884

 

Tháng giêng năm Tự Đức 18 (1865) vua Tự Đức ban ân dụ 15 điều, trong đó có một điều (điều 14) liên quan đến người Công giáo: “Dân theo giáo đều là con đỏ của triều thần, trừ những người nào có vật lực để nộp thuế khóa, tạp dịch, thì cứ theo lệ mà làm thì không kể; còn ai bần cùng, do quan địa phương xét thực, tư vào bộ, chuẩn cho hoãn việc binh dao một năm; người nào trước kia nhân quan lại xử việc không đúng hoặc giả có thi hài nào còn lại bị bộc lộ không có người thân thuộc chôn cất, cũng chuẩn cho như khoản bình dân bị chết, do sở tại chi của kho ra chôn cất cho họ” (ĐNTL tập 7, trg 000)

 

Trước năm 1875 , triều đình cấm người theo đạo Da tô đi thi. Khoa thi Hương năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) tại trường thi Nam Định lấy đậu 20 cử nhân, người xếp vị thứ thứ 2 là Phạm Trạch Thiện, quê xã Cốc thành, huyện Đại An. Can án theo đạo Gia tô, bị cách học vị cử nhân (Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM-1993,trg 318-319). Tháng 8 năm Tự Đức 28 (1875): “ Định lệ cho giáo dân được đi thi và ra làm quan: Đình thần đem khoản trong Hòa ước tâu xin cho từ nay nếu có giáo dân tình nguyện đi thi, không kể văn hay võ, xin cho sở tại chiếu lệ dự thi, sức cho lí dịch khai nhận đúng sự thật thì nên cho vào thi. Và nếu có điền thế vào binh đinh hoặc đưa vào làm thư lại thì ở bên cạnh tên ghi chú hai chữ “giáo nhân”. Người nào thi đỗ mà muốn ra làm quan thì tất cả mọi việc quan đều phải tuân theo thể lệ nước ta, như triều bái,tế tự chẳng hạn, không được vi phạm; nếu đến quan phạm tội, đều cứ chiếu lệnh xử tử, không được viện cớ chúng là giáo dân mà biện bác cách này hay cách khác” (ĐNTL tập 7, trg 000). Những việc triều bái, tế tự Khổng tử, thần Thành hoàng, anh hùng dân tộc… đã bị Tòa thánh Rô ma cấm người Công giáo không được tham dự từ năm 1745-1939, vì lúc đó bị coi là mê tín dị đoan. Do đó, có thể nói là người Công giáo, để tuân thủ lệnh của Tòa thánh Rô ma, đã tự cấm mìn đi thi và ra làm quan

 

Từ sau Hòa ước Giáp Tuất (1874) đạo Công giáo được gọi là “ Thiên Chúa  giáo” hay là “ Đạo Thiên Chúa” và theo điều ước những từ ngữ nhục mạ đạo Thiên Chúa không được dùng trong ngôn ngữ cũng như trong giấy tờ. Hai cụm từ được coi là nhục mạ đối với Công giáo là “tả đạo” và “ dửu dân”

 

Tháng chạp năm Mậu Thìn (sách ĐNTL ghi dương lịch là năm 1868 nhưng sự thực ngày mồng 01 tháng chạp năm Mậu Thìn là thứ tư 13/01/1869): ‘ Giám mục Đông (nguyên ở Hà Nội giảng đạo), Giám mục Hậu, Giám mục Bình đệ đơn đến bộ Lễ đổi 4 chữ “tả đao”, “dửu dân”. Bộ Lễ cho là triều đình thương dân như một, vốn không có phân biệt, phàm kính làm sổ sách, hoặc khi có giấy tờ, cho đổi viết là dân đạo , dùng để cho nhớ mà thôi. Vua y cho” (ĐNTL tập 7, trg 1149). Bên dưới trang sách có 2 chú thích: (1) Tả đạo: đạo bất chính, tà đạo, trái với đạo chính; (2) Dửu dân: chữ “dửu” nghĩa đen là cây cỏ lồng vực, giống cây mọc xen trong khóm lúa làm hại lúa. Nghĩa bóng là xấu; tập nhiễm thói xấu, thói ác gọi là “dửu”; dân tục thiện gọi là “lương”, ác gọi là “dửu”. Thời Tự Đức dùng chữ “dửu” này chỉ bên giáo.

 

Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874) “ Chuẩn cho dân đi đạo gọi là “giáo dân”, dân đi lương gọi là “bình dân”.(Từ trước đến nay dân theo đạo, hoặc gọi là “dửu dân”, hoặc gọi là “tả đạo”, từ khi bỏ cấm, bỏ các chữ “dửu” chữ “tả” chỉ gọi đơn giản bằng chữ  đạo. Gần đây cứ lời Khâm sứ đóng ở Kinh nói rằng: Lương, Đạo đều gọi, chưa khỏi sỉ nhục giáo ấy. Đã chuẩn cho quan ở Nha Thương bạc đem nghĩa hai chữ ấy trả lời, nói: LƯƠNG là an thường thủ phận, không làm gian ác; ĐẠO là khuyên người làm lành, không làm bất chính. Hai chữ đói nhau, văn nghĩa giống nhau, lại tốt xấu gì, ĐẠO gọi là ĐẠO, mà LƯƠNG không gọi là LƯƠNG thì gọi là gì?Rồi sứ ấy đã biết chữ LƯƠNG không để bỏ được, lại yêu cầu phàm những người theo giáo ấy gọi là NGHĨA DÂN, ĐỨC DÂN, quan ở Nha Thương bạc cho là sứ ấy đã nói nhiều như thế, xin gọi là GIÁO DÂN. Vua y cho, nhân chuẩn cho dân LƯƠNG cũng đổi gọi là BÌNH DÂN”(ĐNTL tập 8 ,trg 75).

 

Từ đó trong các văn bản triều Nguyễn gọi là GIÁO DÂN và BÌNH DÂN. Tuy nhiên những cụm từ “ đạo dân, giáo dân” để chỉ người Công giáo và “ lương dân,bình dân” để chỉ người không Công giáo, đều không chuẩn. Bởi vì ngay ở Việt Nam không những có đạo Công giáo, đạo Phật, đạo Lão…Do đó khi nói đạo dân, giáo dân thì phải nói đạo nào, giáo nào. Hơn nữa, lương dân là dân tốt, bình dân là dân thường thì bên nào cũng có. Tuy nhiên từ ngữ chỉ là một quy ước . Theo một quy ước bất thành văn nào đó, ngày nay người ta vẫn gọi người công giáo và không Công giáo bằng hai từ GIÁO và LƯƠNG: bên GIÁO, bên LƯƠNG, đoàn kết LƯƠNG GIÁO.

 

Khó khăn chủ yếu trong giai đoạn này (1862-1884) không do triều đình mà do một số sĩ phu  xuất sĩ cũng như xử sĩ, vốn coi người Công giáo như tai mắt tay chân của ngoại bang. Do đó mỗi khi thực dân Pháp tỏ thái độ hống hách xâm lược thì giáo dân Công giáo ở một số nơi bị tấn công. Người Công giáo phải ở trong một tình trạng bất ổn kéo dài, luôn luôn trong tư thế tự vệ cho tới khi Pháp đặt được nền cai trị trên toàn cõi Việt Nam

 

Tầng lớp nho sĩ thù ghét người Công giáo ngày một gia tăng và trầm trọng. bởi vì đất nước mỗi ngày một lâm nguy trước sức tấn công của thực dân Pháp và sự bạc nhược ngày càng rõ rệt của triều đình Huế. Phong trào Văn thân xuất hiện sớm nhất và mạnh nhất ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngay sau khi triều đình ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) cho Công giáo được tự do và nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Phong trào Văn thân, như một tổ chức tự phát của các nho sĩ yêu nước hầu như đã chấm dứt vào giữa năm 1874, sau khi triều đình Huế đem quân đi đánh dẹp và trừng phạt những người cầm đầu.

 

     Phong trào Cần vương

 

         Sau khi tấn công đồn Mang Cá thất bại, sáng ngày 05/07/1885 Tôn Thất Thuyết dêm vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở – Quảng Trị. ở Tân Sở không an toàn, Tôn Thất Thuyết lại đem vua hàm Nghi ra Hương Khê – Hà Tĩnh và xuống chiếu Cần vương. Nhân dịp này phong trào Văn thân được khởi động trở lại cùng với phong trào Cần vương. Cần vương là giúp vua đánh đuổi quân Pháp xâm lược. Nhưng trong con mắt của các sĩ phu thì người Công giáo đều là nội ứng cho quân Pháp: “Hồ mạo, hổ oai, dẫn chiên cừu vu quốc ấp/Kê thê phụng tập, nhập xú loại vu môn đình”… “ Phụ khuyển, mẫu phệ chi phong, tự khoa binh giáo/ Chúa Trời, Chi thu, chi thuyết, phục uế thính văn” (Cáo mượn oai hùm, dẫn thù nghịch tanh hôi giày đất nước/Gà leo nhánh phụng, dắt man di tàn ác hại quê nhà/ …Cắn càn, cắn bậy khoe khoang binh giáo viễn dương/ Tin nhảm tin xằng, bịa đặt Chúa Trời Tây vựct – Sát Tả bình Tây hịch– Lam Giang dịch).

 

Nơi nào tầng lớp sĩ phu cũng đều kết tội Công giáo là nội ứng: “Câu kiến nghĩa bất vi vô dõng/ Chữ tội nhơn giai đắc nhi tru/ Giận Tây di đem thói cừu Châu/ Ghét Tả đạo tìm mưu trợ Kiệt/Vả Tả đạo cưu nhờ tổ thước, ơn chưa đền, chấu lại chống xe/Mà Tây di cáo giả oai hùm, lớn chi lắm, rắn toan nuốt tượng” (Sát Tả bình Tây Quảng Nam tỉnh văn thân hịch)

 

Chung quy người Công giáo là một lũ không có đạo đức cương thường: “Thẩn tư Gia tô du nhập ngã quốc/Ngữ kỳ thuật tắc xưng thiên,xưng thánh, lung cổ ngu manh/Quan kỳ hành tắc vô phụ, vô quân, khuyển dương tộc loại/ Xả khúc trực nhi ngôn cường nhược, mạn khoa pháo khả oanh sơn/Phế trung nghĩa nhi thiệp ba đào, lãng thuyết thuyền năng nhập thủy” (Kể từ lúc đạo Gia tô lẻn vào đất Việt/Xét trí thuật xưng trời, xưng thánh, lừa bọn đui ngu/Xem hành vi bỏ nước, bỏ cha, cùng loài dê chó/Vứt chính nghĩa luận quân binh mạnh yếu, khoe rùm súng nổ tan non/Xóa cương thường lướt sóng xa khơi, láo tuốt thuyền chui giữa nước- Sát Tả bình Tây hịch. Lam Giang dịch) .

 

Phong trào Cần vương đều có một nhận định chính trị sai lạc và nguy hiểm cho đại cuộc: coi người theo đạo Công giáo là nội ứng cho quân Pháp. Đã có nhận định như vậy thì khi đất nước lâm nguy, phải cách đối phó, tiêu diệt thù trong, diệt hết vây cánh của kẻ đi xâm lược. Khẩu hiệu “ Tiên sát Tả, hậu bình Tây” được nêu lên. Phương lược sai lầm này đưa đến nội loạn, làm tổn thương hòa khí quốc gia, làm suy yếu lực lượng kháng chiến của dân tộc, xua đuổi một số tín đồ công giáo chạy về vùng quân Pháp chiếm đóng mới mong bảo toàn tính mạng.

 

Những lãnh tụ phong trào Cần vương đều anh dũng, khi thế cùng lực kiệt họ bình tĩnh đón nhận cái chết khiến cho kẻ thù phải kính phục. Chết trung liệt là hành động đáng khâm phục, nhưng cũng có một sự việc lạ kỳ đáng ân hận. Cho đến chết, nhiều lãnh tụ Cần vương vẫn không nhận ra nguyên nhân chính yếu  của sự thua trận của mình. Họ không chịu biết mình thua kẻ thù là vì mình thiếu quân lương, khí giới  mà cứ khăng khăng tin rằng minh thua là vì người Công giáo làm nội ứng cho quân Pháp. Câu 3 và 4 trong bài thơ tuyệt mệnh của lãnh tụ Cần vương tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu đã thể hiện suy nghĩ nông cạn ấy: “ Nhược sử gian phòng vô áo viện/Hà nan trung đính thát cường di!”. ( Giáo như không trở,tay giàn kín/Giặc khó gì hơn, gậy đuổi bừa – Huỳnh Thúc Kháng dịch. Với Lam Giang thì dịch hai câu ấy thành lục bát: Nếu trong không có phường gian/Gậy tre, ta đủ đánh tan quân thù).

 

Riêng Địa phận Đông Đàng Trong (từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận). Các ho đạo ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị bao vây tấn công . Giáo dân bị giết một cách dã man: “ Mở đầu giết đạo Văn Bân/ Trẻ già trai gái một lần sát thiêu/Đào hào chôn sống cũng nhiều/Trói vò trấn nước dập dìu thây trôi/ Đánh đâm sát mạng vô hồi/ Quá tay độc ác nghĩ thôi lạ lùng”, “Thảm thương trẻ nhỏ con con/ Đập đầu bỏ lửa cháy mòn tiêu tan/Những người dạ có cưu mang/Cũng đâm đổ ruột hàm oan muôn phần”, “Kẻ chôn , người đánh chết ngang/Kẻ đâm đổ ruột, người toàn đốt thiêu/Thả sông , thắt cổ cũng nhiều”, “Phừng phừng lửa cháy đông tây/ Dân đạo sợ khiếp chạy ngay, bỏ nhà/ Bao nhiêu kẻ chạy trốn ra/ Đón đầu đập chết chẳng tha mạng nào/ Kẻ thì chôn sống dưới hào/Người bị trấn nước xô nhào xuống sông/ Còn ai chạy thoát ra đồng/ Tuông bờ lướt bụi mà xông vào rừng/ Nó còn săn kiếm lẫy lừng/Gặp ai đâm nấy quá chừng bất nhơn”.

 

Hô hào “ Sát Tả” thì tự nhiên có một số côn đồ lợi dụng chiêu bài bảo quốc mà làm những việc thất nhơn ác đức: “Lần này hiếm đứa gian tà/ Hùn theo trận gió, dậy hùa bẻ măng”.Trong lúc tàn sát giáo dân thì: “ Đứa gian, đứa dữ vô hồi/Đứa khuân của cải, đứa lôi đồ thờ”, “ Đạo dân lớn nhỏ giết ào/ Hễ là xóm đạo nhà nào cũng thiêu/ Lửa cháy từ mai đến chiều/Khuân đồ, lấy của dập dìu người ta/ Khác chi đoàn lũ yêu ma/ Gặp ai giết nấy bất bà, bất con”, “ Quân bá xàm đều đội mũ mang râu/ Dân làng xóm thảy tàng đầu, xuất vĩ/ Khi trước giả đò như phủ ủy/Đến nayy đà bày mặt hung hoang/Lấy của người bất luận bạc vàng/Lúa gạo nồi mâm chi cũng tóm/Trở mặt lạ cũng trong làng xóm/Trâu bò hòm trắp thảy đều thâu!/Ngoài miệng rằng xướng nghĩa làm đầu/Chánh ý thiệt giết người lấy của”.

 

Cũng có vài họ đạo chống lại các cuộc tấn công của Văn thân như ở Trà Kiệu, Phú Thượng (Quảng Nam), Cây Da (Phú Yên)…và đã chiến thắng.

 

Riêng : “ Bình Thuận với Khánh Hòa hai tỉnh/Đăng mật tờ nhựt định sát thiêu/ Đạo dân bị giết cũng nhiều/ Còn ai trốn đặng đã liều tấm thân/ Đức Cha lo lắng ân cần/Mướn tàu vào rước hai lần đem ra/ Mười phần hết bảy còn ba/ Đem vào Gia Định ước là chín trăm”. Khoảng giữa năm 1885 Giám mục Van Camelbeke (Hân) mới cử Thừa sai Geoffroy, đã hoạt động 8 năm trước đó ở Khánh Hòa, cùng với một linh mục và một thầy giảng, theo tàu Gerda của Đức đang đậu ở Qui Nhơn lên đường đi Khánh Hòa để tìm tin tức hai thừa sai Pháp đang hoạt động ở Khánh Hòa và tìm kiếm các giáo hữu còn sống sót. Thừa sai Geoffroy kể lại: “Chúng tôi khởi hành từ Qui Nhơn sáng sớm ngày Chúa nhật 23/06/1885 và chiều hôm đó tàu Gerda thả neo trước đồn Nha Trang. Đức Cha cho chúng tôi một súng đại bác, vì trên tàu Gerda không có loại súng đó. Người ta bắt đầu bắn sáu phát súng, điều này làm cho người ngoại sợ hãi, có lợi cho chúng tôi. Còn các giáo hữu thì sao? Tối hôm đó và sáng hôm sau, tôi không thấy có một giáo hữu nào. Tôi nghĩ là họ chết hết cả rồi, không còn ai. Tôi cho hạ chiếc sà lúp xuống biển để đi lên bờ.

 

“ Chúng tôi chỉ gặp toàn những người ngoại: chúng tôi hỏi, họ chỉ trả lời qua loa. Cuối cùng một ông già cho chúng tôi biết là cuộc tàn sát Công giáo đã được dự định vào ngày mai hoặc ngày mốt; còn các thừa sai thì ông ta không biết là ở đâu…Tôi quyết định là đi đến nhà người Công giáo ở đầu làng gần bến cảng. Thật là nguy hiểm vì phải đi qua hai đồn canh. Nhưng chúng tôi có năm người được vũ trang cùng mình: hai người Pháp, hai người Đức và một linh mục Việt Nam. Tất cả mọi người trốn chạy khi thấy chúng tôi và chúng tôi đã tìm được ngôi nhà ấy không khó khăn gì. Chúng tôi được biết là các thừa sai đã lên thuyền đi trốn, còn các giáo hữu thì bắt đầu chạy lên rừng núi. Tôi liền báo tin cho tất cả các họ đạo ở Nha Trang tập trung trên bãi cát Đồng Đế…Sau đó chúng tôi vội vàng trở về sà lúp, cuộc hành trình của chúng tôi chỉ diễn ra trong ba tiếng đồng hồ.

 

“ Chiều hôm đó vào lúc 2 giờ, chúng tôi thấy một chiếc thuyền rời một hòn đảo và đi về hướng chúng tôi. Chiếc thuyền đi chậm rãi, có kẻ nghi ngờ. Thuyền đó tới làm gì. Tôi đã biết là trên hòn đảo đó, không có người Công giáo. Chiếc thuyền đó cứ đến gần, đầy người. Tôi ngả mũ chào. Và trong chiếc thuyền, hai chiếc nón Việt nam đưa lên. Tôi nhận ra hai đồng sự, Linh mục Auger và Guitton.

 

“Chiều đến , với một ống dòm, người ta thấy một số đông giáo hữu, trên bãi biển, nơi điểm hẹn và người ta thấy từng nhóm xuống từ một ngọn núi gần đó.Chúng tôi phải dùng thuyền của người bản xứ để cứu hộ. Trong suốt đêm sáu chiếc thuyền từ bãi biển đến tàu và từ tàu đến bãi biển để chuyên chở những kẻ khốn khổ ở đó và cho tới sáng thì không còn một ai…Chúng tôi cứu được 700 giáo hữu…để đem về sài Gòn” ( Archives de la Société dé Missions Étrangères de Paris (AMEP) vol.751,trg 165-167. Dẫn lạ Trương Bá Cần, tập 2 , trg 374)

Thừa sai Guitton còn đi theo tàu Gerda để ra Khánh Hòa lần thứ hai, nhưng chẳng thấy giáo hữu nào nữa. Theo bản tổng kết ngày 07/11/1885 của Giám mục Van Camelbeke, Khánh Hòa có 2848 giáo hữu và chỉ có 800 người sống sót( AMEP, Vol. 751 N0.80 .Dẫn lại Trương Bá Cần, tập 2, trg 374). Nhưng theo bản kiểm kê năm 1888, thì có 1318 giáo hữu trở về quê quán (Compte Rendu des Travaux du Séminaire des Missions Étrangères de Paris (CRTSMEP) 1888, trg 127. Dẫn lại Trương Bá Cần, tập 2, trg 374).

 

Trước năm 1885 nhà thờ của họ đạo Cây Vông tọa lạc tại khu vườn nhà của bà Nguyễn Thị Chúc hiện nay( kế bên vườn nhà anh Nguyễn Xuân Phần, Sao Biển 72). Phong trào Cần vương đã thiêu rụi ngôi nhà thờ. Cha Lão đã dẫn giáo dân chạy lên khu vực núi Hòn Ngang trốn tránh. Theo lời kể của các bậc cố lão : có vài nữ tu bi xô xuồng giếng rồi lấp lại. Sau đợt “ Sát Tả” cha Lão đã dẫn giáo dân về quê và xây cất lại nhà thờ nhưng không xây cất ở vị trí cũ mà xây cất ở vị trí chỗ nhà thờ Cây Vông hiện nay. Cha Lão chết được an táng trong thánh đường. Năm 1912 trận bão Nhâm Tý đã phá bình địa ngôi thánh đường và năm 1913 ngôi thánh đường được tái thiết trở lại.

 

Ở Ninh Thuận, Thừa sai Villaume ( cố Đề) trốn tránh Văn thân đã đi bộ từ Láng Mun (Tân Hội) lên vùng núi Lâm Đồng rồi theo sông La Ngà về Biên Hòa. Đến Sài Gòn, ngài đã gặp các tín hữu của mình. Trong lúc chạy tỵ nạn Thừa sai Villaume đã phát hiện ra bộ tộc người Chu ru.

 

Năm 1886 quân Pháp và quân của Tổng đốc Trần Bá Lộc tiến ra Thuận – Khánh – Phú – Bình để dẹp Phong trào cần vương: ‘ Ngày qua tháng lụn một năm/Phụng sai Đốc Lộc chỉ lăm tiễu bình/Dương quan phủ dụng Nam binh/ Thừa cơ tấn phát thủy trình thượng công/Dẹp trừ phỉ đảng hoang hung/Vừa đặng một tháng tịnh trung an bài/ Bao nhiêu đạo chở Đồng Nai/ Rày đà hồi phục trùng lai quê mình”

 

Nhận định người giáo dân sống sót sau thời ‘sát Tả”: “Giỏi bày sát Tả bình Tây/ Tây sao chẳng giết, giết bầy dân ta/Cũng là gà ở một nhà/ Bấy lâu bôi mặt, rày ra thể nào?/Làm cho thiên hạ hư hao/Khốn cùng cũng tại thân hào bày ra/ Đạo dân đã hết cửa nhà/ Bình dân nay cũng cháy ra tro tàn/Chết đàng, chết sá muôn ngàn/ Hễ là sanh sự lại hoàn sự sanh/Hay chi cái chuyện hoành hành/ Đáo đầu họa phúc rồi đành tan hoang/ Ấy câu thiên đạo hảo hoàn/ Hễ ai tác ác khôn toan thiện phùng/ Bây giờ theo lũ gian hung/Một mai đâu khỏi khốn cùng tan thây”.

 

Nếu các lãnh tụ phong trào Cần vương sáng suốt thì đâu đến nỗi để cho quân Pháp và tay sai càn quét giết chóc dân ta: “ Phải chi cứ giữ một lời/Nội trong bốn biển là người anh em/ Dừng hề ghen ghét chê gièm/Đạo là đàng chánh ,đừng thèm nghe ai/Chỉ lo tiến đức thành tài/ Tu thân vi bản đừng hai tấm lòng/Đừng thèm nhóm kiến chòm ong/Há đâu có chuyện khó lòng ngày nay/ Đánh Tây cứ đánh cho hay/ Đạo nào ngăn trở mà bày giết oan?/ Học chi sử sách nghinh ngang/Làm chi ngu muội mê man thế này?/Rày coi thử ai theo Tây/ Thằng bồi con đĩ cả bầy tranh ăn/ Cu li bắt cả hương lân/Đạp đầu đá đít bất phân thằng nào/ Ai làm cho nước hư hao?/Vua quan cũng phải khuất giao tùy thì? Ai làm cho tỉnh hư đi?Pháp quan đến chiếm ở lì hành cung/ Ai làm cho nó nổi khùng?/Đốt làng đót xóm đốt cùng mọi nơi/ Ai làm rói loạn trong đời?/Phá tan phủ huyện, tả tơi kho tàng/ Ai đà bắt giết kinh quan/ Đón ngăn dịch trạm dứt đàng ra vô/Kể ra ít chuyện thô thô/ Còn trăm điều dữ nói mô cho cùng”.

 

Sau khi phong trào “sát Tả” chấm dứt, một giáo dân thời ấy tổng kết thiệt hại của Địa phận Đông Đàng Trong: “ Đương khi ấy giáo nhơn/Cam liều chết đặng về cùng Thiên Chúa/ Tấm lòng vàng đá/Tân, Châu, Hoàng,  Minh, Sĩ, Chung, Thành/ Quyết xá sanh cho được tới Thiên đình/Thông, Mão, Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lí/ Các tỉnh giáo sư cùng giáo sĩ/ Cũng cam lòng vì đạo liều mình/ Mọi nơi phước viện chốn tu trinh/Đã nhiều kẻ quyên sanh trí mạng/Bằng thuật đủ tóc tơ quá ngán/ Hãy nói qua sơ lược ít tờ/ hai trăm mười bốn sở Nhà thờ/Tính lại mười phần đã ráo/ Bốn mươi bốn ngàn người bổn đạo/Sót lại còn muôn rưỡi là may”.

 

Theo bản kê khai của Giám mục Van Camelbeke đề ngày 07/11/1885 thì thiệt hại của Địa phận Đông Đàng trong do cuộc tàn phá của các Văn thân gây ra từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 như sau:

Về nhân mạng: 9 linh mục Pháp; 7 linh mục Việt; 60 thầy giảng; 270 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; từ 21 đến 24 ngàn tín hữu.

 

Về cơ sở vật chất: 200 xứ họ bị thiêu; 228 nhà thờ hay nhà nguyện bị thiêu hủy trong đó phần lớn được xây dựng kiên cố; 17 nhà mồ côi; 10 cộng đoàn nữ tu; 4 trang trại nông nghiệp; 2 chủng viện; 2 phòng thuốc; 1 nhà in Hán Nôm; 1 tòa giám mục mới xây.( AMEP vol. 751 No. 69. Dẫn lại Trương Bá Cần tập 2, trg 375-376).

 

Chín linh mục Pháp là Cố Tân ( tên Pháp là Poirier – Bàu Gốc, Quảng Ngãi);Cố Châu (Garin – Phường Chuối, Quảng Ngãi);Cố Hoàng ( Guégan- Phú Hòa, Quảng Ngãi); Cố Minh( Dupont, Hội Đức, Bình Định);Cố Sĩ (Macé – Nước Nhĩ, Bình Định); Cố Chung (Barrat- Thác Đá, Bình Định); Cố Thành (Iribourne – Quán Cau, Phú Yên); Cố Chatelet (Thuông – Cây Da  Phú Yên).  Bảy linh mục Việt là Thông, Mão , Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lý.

 

Giai đoạn “sát Tả” thật là kinh khủng: “ Bằng thuật đủ tóc tơ quá ngán/Hãy nói qua sơ lược ít tờ”. Giáo dân vẫn tin vào thánh ý Chúa nhiệm mầu: “ Vậy tuy giặc tại Văn thân/Chẳng qua ý Chúa định phân thể này/Thôi thôi chớ khá chau mày/Bền lòng cậy Chúa có ngày thới lai/Thôi thôi chớ khá trông ai/ Cậy trông Đức Mẹ một mai phục hườn/Thôi đừng trách giận phàn nàn/ Làm người có khó, khó càng thêm công”

 

Lịch sử là một sử tái diễn. Hình ảnh của một người Công giáo phi dân tộc, theo ngoại bang vẫn còn tồn tại trong tâm trí của nhiều người Việt Nam hiện nay. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Nhà xuất bản có cho xuất bản cuốn “ Tây dương Gia tô bí lục” được dịch từ văn bản Hán Nôm. Cuốn sách bị nhiều học giả lên tiếng phản đối và khẳng định cuốn sách này chỉ có những người thù ghét Công giáo sử dụng mà thôi. Sau đó Nhà xuất bản đã cho thu hồi sách đã xuất bản.

 

Xin mượn bài “ Da tô thánh đường” để kết thúc bài viết này; “ Ly ngã gia nhị thập lý, hữu Da tô thánh đường nhất tòa. Viễn quan chi, ngật nhiên hữu cao tuấn chi mạo. Ngô hữu Trương sanh vi Da tô giáo tín đồ. Mỗi chí tinh kỳ nhật, bĩ tất vãng thánh đường kính hành lễ bái. Mỗ thiếu niên bất tri Da tô giáo chi ư nhân hữu hà lợi ích, nãi dĩ vấn chi. Trương sanh viết: Da tô giáo chủ giáo nhân dĩ bác ái chi đạo, bất dĩ thân cừu nhi hữu ái tăng chi dị” (Cách nhà tôi 20 dặm, có một ngôi thánh đường Da tô. Ở xa trông đến, vòi vọi có vẻ cao ngất. Bạn tôi, chàng Trương là tín đồ đạo Da tô. Mỗi ngày Chúa nhật anh đều đến thánh đường cung kính dự lễ. một người thiếu niên nọ, chẳng rõ đạo Da tô đối với người ta có ích lợi gì, bèn đem hỏi anh. Anh Trương nói rằng: Đức Giáo chủ Da tô ( Jésus) dạy người ta lấy đạo bác ái, chẳng lấy (vì) chỗ thân, chỗ thù mà có sự thương ghét khác nhau –  Nguyễn Văn Ba, Hán văn tự học, Nxb Đồng Tháp, 1993, trg 102).

 

Phê rô Nguyễn Văn Nghệ (SB 74)

 (Tất cả thơ trong bài viết này đều trích từ tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa ái quốc Công giáo Việt Nam”)