Sống tinh thần Hiệp nhất: Thách đố và Hy vọng (Nguyễn Văn Độ sb61)

Sống tinh thần Hiệp nhất:

Thách đố và Hy vọng

 

Xin bắt đầu bằng vài sự kiện cá nhân cụ thể:

 

-Vào khoảng năm 2000-2001 khi tôi đang sống tại Hoà Yên CR, anh Nguyễn công Khải CSB62-xin dừng lại để xin phép AE lớp 62- từ Ba ngòi, bất ngờ đến thăm tôi. Tôi nhận ra anh ngay. Vẫn là người AE với vẻ bề ngoài đen đen và khắc khổ ấy, mà hồi xưa các bạn gán cho biệt danh là “Tề Thiên”. Khi ở TCV, trong phòng Etude tôi ngồi khá gần anh. Từ ngày anh rời CV, tôi không hề gặp, chỉ nghe biết thời gian sau này anh là tín đồ nhiệt thành của Giáo phái Nhân chứng Yêhôva.

 

Hôm đó, sau vài phút xã giao thân tình, anh đi vào mục đích chính của cuộc viếng thăm: Diễn tả cùng tôi niềm say mê khi tìm ra “con đường mới”, trưng dẫn Thánh Kinh nhiều, khuyến dụ tôi một cách “nhiệt thành” và tặng tôi một số sách vở, tài liệu. Trong câu chuyện, anh cũng thoáng buồn khi tâm sự rằng anh bị Ba mẹ và gia đình bỏ rơi và cuộc sống khá khó khăn. Nhưng anh trích dẫn ngay Tin mừng Máthiơ 5,11:”Phước cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống mọi điều xấu xa”.

 

Tôi ngồi nghe nhiều hơn nói, nhìn vào cặp mắt anh và cảm thấy thương anh. Cuối cùng tôi cám ơn anh đã tới thăm và nói:”Những điều Khải chia sẻ, tôi cũng đã được học qua và không muốn tranh luận ở đây. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và cho chính mình”. Anh hẹn sẽ trở lại. Tôi nhìn theo dáng anh đi xa mà suy nghĩ miên man về một người anh em đã từng sống với nhau trong Tình thương của Mẹ Sao Biển.

 

Và khoảng một tháng sau, anh trở lại thăm tôi thật. Khi anh tới, tôi đang bận dạy một lớp Anh văn tại nhà, nhưng anh vẫn chờ. Một thứ kiên trì của người Tin lành truyền đạo mà tôi đã từng kinh nghiệm. Lần này tôi tự bảo mình phải cố  thuyết phục anh quay trở lại. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, anh cho biết anh vừa ghé nhà anh Đậu Trung Sự cùng lớp 62. Trao cho tôi thêm vài cuốn sách, anh bắt đầu rao giảng. Để anh nói khoảng 10 phút, tôi xin phép được góp ý của mình, tôi hỏi:

 

-Khải còn nhớ những năm đầu ở TCV.SB, cha BT Jeanningros tập hát cho chúng mình bộ lễ latinh trong cuốn Chant Grégorien không?

-Còn nhớ chứ, anh đáp.

-Thế sau Credo in Unum Deum….gần cuối là “et unam sanctam, catholicam et apostolicam Ecclesiam…” Khải nhớ tiếng Việt dịch thế nào không?

Anh hơi ngập ngừng, tôi tiếp luôn:

-Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

Anh có vẻ lắng nghe, nên tôi giải thích thêm:

 

-Khải à, có thể anh đang say sưa với những “cảm nghiệm” (feelings) mới mẻ giữa một cộng đoàn “huynh đệ” nào đó. Tôi không dám đánh giá. Nhưng theo tôi, Chúa Giêsu nói rõ Ngài là “Đầu của Hội thánh”, Ngài cũng trao quyền chăn dắt và tháo, buộc cho Thánh Phêrô, và Ngài tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha cho “tất cả nên Một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…”. Tôi thấy rõ mình thua về trích dẫn Kinh Thánh. Vì anh có vẻ chăm chú nghe, nên tôi tiếp luôn:

-GH là thánh thiện vì có Đầu là Chúa Kitô, được kêu gọi để nên thánh và đang trên con đường nên thánh. Dù các chi thể “loài người nhân thế” không ngừng sa ngã yếu đuối…GH công giáo là phổ quát, quy tụ tất cả mọi người không phân biệt ngôn ngữ, sắc tộc…mọi thời và mọi nơi…kể cả những người thiện chí đang khao khát tìm kiếm Chân lý. GH tông truyền (apostolicam) là sự “kế thừa” liên tục từ các Tông Đồ. Một trong các gãy đổ, phân rẽ xảy ra vào TK 16, lý do thế nào có lẽ Khải biết. Khi đã phân rẽ (séparation) thì làm sao hút được sự sống từ đầu, từ gốc nữa.

Trông thấy anh có vẻ đăm chiêu, tôi quay trở lại khía cạnh thực tế hơn:

-Khải à, có thể Khải thấy những người công giáo sống đạo không tốt, kể cả người trong gia đình, nên khi gặp những người “tốt hơn” thì cho rằng họ đi đúng. Nhớ rằng “người tội lỗi” không bao giờ thiếu quanh ta và Đức tin đơn sơ của “người đàn bà mù” chạm vạt áo Chúa Giêsu không hề nhỏ trước mặt Chúa. Khía cạnh khác: ví dụ Gia tộc Nguyễn công… của Khải từ bao đời nay tồn tại với những thành công, thất bại, gương lành, gương xấu. Vì lý do nào đó Khải không hài lòng và tách ra, thậm chí đổi sang họ mới, ví dụ Trần xuân…gì đó. Thì đâu còn tư cách gì để “thừa hưởng” di sản của dòng họ Nguyễn công… nữa. Khi đã tách lìa, thì bao nhiêu tách lìa kế tiếp xảy ra dễ dàng. Vì thế không phải chỉ có “Nhân chứng Giêhova” của Khải, mà có hàng trăm giáo phái khác hiện nay. Bổn phận của mỗi người là phải làm cho mình và người chung quanh, cùng xã hội ngày càng tốt hơn. Có ngã thì cứ đứng lên mà đi tiếp.

 

Điều quan trọng là cứ ở lại trong “đàn chiên duy nhất” để bước theo Vị mục tử đã được Chúa Kitô giao sứ vụ “chăn dắt chiên mẹ và chiên con” của Ngài (ý nhắc đến ĐGH, các GM và Hội thánh CG). Dù trong đàn chiên đó có nhiều chiên ngỗ nghịch và đường đi thì không thiếu gian truân, chẳng khác gì Dân TC lê lết 40 năm trong Samạc trước khi vào được Đất hứa.

 

Thấy anh có vẻ trầm tư, tôi chia sẻ thêm một so sánh thực tế hơn: Từ CR vào SG, thay vì đi theo con đường “độc đạo” là QL1, có thể ta thích băng rừng lội suối, bắt bướm, hái hoa rừng, nhưng nguy cơ lạc đường không về tới đích thật là lớn.

 

Thỉnh thoảng chúng tôi đổi đề tài cho bớt căng thẳng. Cuối cùng anh kiếu từ ra về, nét mặt không vui cũng không buồn. Tôi không đoán được dòng suy tư của anh. Nhưng tôi quyết định rằng đó là lần đầu tiên (vì Khải là CSB) và cũng là lần cuối cùng tôi cất công “tranh luận” với một người Tin lành. Khải có lẽ hơi buồn nếu biết rằng tôi không hề đọc mấy tài liệu, sách vở mà Khải tặng tôi hai lần.

Từ đó, tôi không còn có dịp gặp Khải nữa và cũng không biết tình trạng hiện nay của anh thế nào. Đầu tháng 9 năm 2002 tôi đưa gia đình đi định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, chung quanh tôi có  nhiều người Tin lành Mỹ, họ rất tốt và rất dễ mến. Tôi vẫn “cảm thấy” không thoải mái khi được họ, vì thiện chí truyền giáo chiếu cố viếng thăm. Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ ra một cách “né tránh” khá tế nhị mà tôi kể sau đây.

 

Gia đình tôi vào Mỹ năm 2002. Sau 3 lần dời chỗ ở qua các Apartments,  tháng 5/2009 chúng tôi may mắn mua được căn nhà khá ưng ý, khi giá nhà xuống thấp. Nhà tôi tọa lạc trong một khu dân cư trung bình, có một nhà thờ Tin lành. Chúng tôi hội nhập khá nhanh với hàng xóm chung quanh, chủ yếu qua những lời chào hỏi. Vào những ngày cuối tuần, nhất là Chủ nhật, từng nhóm 2,3 người tín đồ Tin lành nam, nữ ăn mặc rất chỉnh tề, có lẽ sau khi dự lễ thờ phượng tại nhà thờ đến thăm viếng một số gia đình lân cận với mục đích tốt lành là truyền đạo: Nói cho họ nghe về Đức Chúa Trời, Đấng Christ, linh hồn, đời sống bất tử.v.v hoặc mời tham dự những buổi giảng thuyết theo chương trình. Họ luôn luôn có sẵn sách vở, tài liệu để phân phát.

 

Tất nhiên tôi cũng được hân hạnh. Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì kể từ đợt di tản năm 1975 và những năm kế tiếp, Giáo hội Tin lành Mỹ (gồm nhiều giáo phái) đã truyền giáo được cho nhiều người từ Đông nam Á như Việt nam, và một tỷ lệ khá cao, người Lào, Hmong.v.v.

 

Bản thân tôi, cũng như nhiều người quen, hoặc cùng làm việc với nhau, chẳng mấy quan tâm về “niềm tin” của người khác. Được gọi chung nhau danh xưng Christians là vui rồi. Việc người Tin lành truyền đạo cho người Công giáo, trong thực tế, đã có những thành công như trường hợp của vài người tôi quen biết tại Mỹ.

 

Lần đầu tiên, một nhóm ba người dừng xe trước nhà tôi, trong khi tôi cũng đang chuẩn bị đi công việc. Sau vài câu chào hỏi vui vẻ, thân tình, họ muốn nói chuyện nhiều  hơn. Tôi phân vân không biết nói thế nào, chẳng lẽ nói ngay: tôi là người công giáo đạo gốc. Đứa con gái út của tôi bước ra, họ hiểu ngay là tôi đang bận nên lịch sự kiếu từ, sau khi tặng tôi vài cuốn sách. Tôi nghĩ, khi đã đi vào vấn đề thì khó cho cả hai phía để có thể ngưng lại một cách tế nhị.

Vài tuần sau, cũng sáng Chúa nhật, hai người bấm chuông cửa nhà tôi. Tôi không dám mở cửa, vì thú thật, tôi không biết trao đổi thế nào.

Xin kể thêm: Ở vườn sau (backyard) nhà tôi có một tượng Đức mẹ Tapao trắng, cao 85 cm, mua từ VN. Hồi đó tôi rất muốn mua tượng “Mẹ SB” có góc cạnh, nhưng không tìm ra. Thế mới biết là mẫu thiết kế đó quả là đặc trưng (specific). Không có ý khoe khoang, nhưng kể ra đây là để chứng thực rằng: mấy người hàng xóm, it́ là các nhà giáp ranh đều biết tôi là CG.

 

Tôi tự nghĩ tại sao mình không “tuyên xưng” (profession) điều đó ở phía trước. Thế là tôi mua một tấm phù điêu (bas-relief) Đức mẹ ẵm Hài nhi Giêsu (Madonna and Child) gắn trên cửa chính ra vào. Tôi thích bức hình cả về phương diện nghệ thuật và tâm linh: tôi thấy nhiều nhà người Việt hoặc Trung quốc treo gương Bát quái ngay trên cửa, nên tự nghĩ tại sao tôi không đặt gia đình tôi dưới sự che chở của Mẹ.  Kết quả thật tuyệt vời. Tôi vẫn xác tín rằng đó là một ơn huệ “dễ thấy” của Mẹ Maria.

 

Bà xã tôi làm trong một tiệm tóc (khách nam và nữ). Chủ là người CG, nhưng đồng nghiệp thứ ba là người CG cải sang Tin lành. Tiệm nails/Tóc vốn có “nhiều chuyện”-xin lỗi không có ý đánh đồng tất cả- nên chẳng lạ gì khi vắng khách, vấn đề tín ngưỡng cũng được đưa ra bàn. Cuộc tranh luận đôi khi “khá căng” và “bất phân thắng bại”. Phải công nhận là phe CG hầu như luôn thua về “mảng  Kinh thánh!” Tôi nghe kể lại mà cười thầm trong bụng: Cả hai phe đều bại, vì làm cho bầu khí trong tiệm thêm căng thẳng, vô ích. Tôi bèn an ủi vợ tôi: “Em đừng bao giờ đưa chuyện đó ra tranh luận, chẳng ̣đi tới đâu cả. Muốn làm chứng cho Đạo Chúa, thì cố gắng giữ làm sao cho chị em hài hoà, yêu thương nhau là tuyệt rồi. Nhưng nhớ là khó đấy!”.

Người Mỹ khi trò chuyện cùng nhau, thường tránh đề cập, trừ khi chính họ muốn tỏ lộ các quan điểm tôn giáo, chính trị cũng như những khía cạnh riêng tư (privacy): tài chánh, hôn nhân, xu hướng cá nhân v.v. Tôi nghĩ đó cũng là điều hay nên học.

 

Bởi vậy, trong hơn mười năm làm trong hãng, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến tôn giáo của ai. Cho đến một hôm tôi hơi ngỡ ngàng khi gặp lại một anh bạn quen, vốn là tân tòng CG, nói chuyện say mê về: ơn phước Đức Chúa Trời, Đấng Yêhôva, sách Giăng, con chiên v.v.. Quả thật anh đã cải sang Tin lành. Tôi thán phục những hy sinh và lòng nhiệt thành truyền giáo của anh cũng như của các tín đồ TL nói chung. Nhưng chúng tôi không bao giờ “tranh luận”.

 

Thời gian gần đây, khi tôi có cơ hội tham gia dạy giáo lý tân tòng, tôi buộc phải suy nghĩ nhiều  hơn về những “điểm thần học”, tạm gọi một cách sơ đẳng như thế mà mình đã được truyền lại, dạy dỗ và xác tín trong lòng, để chia sẻ cho những người muốn nhập đạo, trong số đó có những người đã đi qua hoặc nghe biết về các giáo phái khác. Tôi nghĩ đó chính là Niềm vui và là Bổn phận của tôi: Nói cho người muốn nghe điều mình tin, tại sao tin, và không phê phán niềm tin của người khác.

 

Tôi không có ý “tranh luận” hoặc “hộ giáo” (apologist), chỉ ghi lại vài nét sơ đẳng trong niềm tin của tôi, mà các anh chị em dự tòng thường thắc mắc khi thấy “khác” với một số giáo phái. Xin phép vắn tắt :

Định đề căn bản tạo ra sự khác nhau giữa Công giáo – Tin lành là Justification Sola Fide (Ref Thư Êphesô: Ep 2,8 và Rm 4,4-5). Tôi không có khả năng “đề cập” vấn đề này. Xin nhường lại cho những ai muốn nghiên cứu. Trong khi tìm tòi, tôi thấy có một ít bài tham luận của GS Thần học Công giáo và Tin Lành (bằng Anh ngữ):

– GS Christopher J.Malloy trên tạp chí Catholic Answers Magazines.

– TS Thần học Tin lành R.C Sproul trong cuốn “Are we together?”.

Tôi nhớ và thích hai câu sau đây::

*ĐGH Bênêđictô XVI trong buổi Triều yết ngày 19/11/2008 dạy:”Luther’s expression Sola Fide is true if faith is not opposed to charity, to love.” (xin tạm dịch: Biểu ngữ Sola Fide của Luther đúng nếu Đức tin không nghịch với đức ái, đức mến).

*Tiến sĩ R.C Sproul giảng thuyết: “We are justified by faith alone but not by a faith that is alone.” (tạm dịch: Chúng ta được công chính hóa bởi một mình đức tin nhưng không phải bởi một đức tin đơn độc).

Thư Thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,17). Và tôi thầm nghĩ: So với Công đồng Trentô (1545-1563) những người tin vào Chúa Kitô đang xích lại gần nhau hơn?

Định đề Sola Fide dẫn tới những điểm khác biệt, xin nêu sau đây một ít điểm “dễ thấy” một cách giản dị, bình dân:

 

1/Bí tích. GH dạy: Các Bí tích do Chúa Giêsu thiết lập, là Dấu bên ngoài để ban Ân sủng bên trong. Bí tích là “Mầu nhiệm Đức tin”. Không có Đức tin thì không có Bí tích. Con người là tổng hợp các yếu tố vật chất, tinh thần (ni ange ni bête -B.Pascal). Nhập thể là Bí tích Căn nguyên. Con người cần “dấu chỉ” để “biết và nhận” Ân sủng. Cũng như con người “biết” TC qua Chúa Giêsu làm người. Một so sánh cho BT Giải tội: Giả sử tôi có một lỗi nặng với mẹ tôi, tôi ăn năn hối hận vô cùng, quyết chừa bỏ. Tôi quỳ xuống xin lỗi và xin tha thứ. Mẹ tôi không nói lời nào và không động tĩnh gì cả. Tôi không có được sự “bình an” giống như khi tôi bước ra khỏi tòa giải tội. Mẹ chỉ vuốt đầu tôi, tôi bình an sung sướng.

 

2/Đọc Kinh thánh trong Giáo hội: Cha Trịnh Thiên Thu (Hội Xuân Bích, Nhóm PV giờ kinh) trong lớp KT nhập môn giải thích một cách ví von, dễ hiểu cho chúng tôi: “KT là một bức thư tình của TC gửi loài người. Khi ta đọc trộm một lá thư tình của ai đó, ta sẽ thấy “vô cảm và ngớ ngẩn” vì ta không phải là “người nhận” (addressee) chính thức. Hoặc ta xem lá thư hồi xưa Bố gửi cho Mẹ, dặn dò chuyện gia đình, nếu ta không “cảm” tình yêu của Bố dành cho Mẹ và không “hiểu” như Mẹ ta hiểu, thì dễ sai lạc. Do đó Kinh thánh và Thánh Truyền (Tradition) song hành.

 

3/Đức Bà Maria: GH không thờ phượng (worship chỉ dành cho TC) mà tôn kính Đức Maria như “Tạo vật Tuyệt Mỹ nhất”. Các Đặc ân (Vô nhiễm, Mẹ TC, Đồng trinh trọn đời, Hồn xác lên trời) của Đức Maria hoàn toàn xứng hợp với vai trò của “người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn” (ref St 3:15), “Đầy ân sủng…TC ở cùng Bà… Bà có phúc hơn mọi người nữ” (ref Lc1:28.42). “khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao…(ref Kh12:1). Hai mươi thế kỷ Thần học CG, Thánh Truyền, và niềm tin tín hữu cũng cố cho các Tín điều không thể lay chuyển về Đức Maria. Có thể thêm: Thiên Chúa không thể “ở chung” với tội lỗi, hư nát, tương tự như nước/lữa, bóng tối/ánh sáng.

 

4/Ảnh tượng: Kính ảnh tượng, không thờ ảnh tượng. Ảnh tượng giúp “con người”  hướng tới “siêu nhiên, vô hình”. TC có thể dùng ảnh tượng như “phương tiện” ban ân sủng, do đó GH làm phép và tôn kính ảnh tượng. Cựu ước cấm ảnh tượng vì thời sơ khai con người dễ sa vào “thờ ngẫu tượng”(ref STK35:2; Xh20:3) Hiểu biết khoa học chưa đủ để giải thích, ngay cả những hiện tượng đơn giản nhất: Sấm, sét v.v…Chúa Giêsu được “ảnh tượng hóa” vì Ngài “đã làm người”. Không ảnh tượng hóa Chúa Cha vô hình. Bức Creation của Michel Angelo là ngoại lệ của nghệ thuật.

5/Đức giáo hoàng:  Là đấng kế vị liên tục của Thánh Phêrô, Vị tông đồ được Chúa Giêsu chọn để cai quản Hội thánh,Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô và là “Dân TC mới”, là Đá tảng để xây GH được trao quyền chăn dắt chiên mẹ, chiên con, quyền tháo gỡ, cầm buộc , chìa khóa Nước Trời (ref Mt16:18-20) Như thế, quyền Giáo hoàng là “sợi chỉ xuyên suốt” không thể triệt tiêu, không thể phủ nhận, dệt nên tính Tông truyền (Apostilicité) của Giáo hội cho mãi đến Tận thế, khi Chúa Kitô “trở lại trong vinh quang”.

Để kết: Sắc lệnh về Hiệp Nhất của CĐ Vatican II ngày 21 tháng 11 năm 1964 vẫn là ngọn đèn soi cho người Kitô hữu trên con đường tiến về Hiệp nhất, mà GH cũng ý thức là “…vượt quá sức lực và khả năng loài người. Vì thế Thánh Công đồng đặt hết hy vọng vào lời Chúa Kitô nguyện cầu cho Giáo Hội, vào tình thương của Chúa Cha đối với chúng ta và vào quyền lực của Chúa Thánh Thần” (Đoạn kết, trang 374 Bản dịch GHHV PioX Dalat).

Nguyễn văn Độ SB61

California, Tháng 8/2014