Những suy tư từ World Cup (CT. sb59)

Những suy tư từ World Cup

 

**Biết nói lời cám ơn

Chỉ có lòng biết ơn mới giúp cho con người biết nhận ra giá trị và “công trạng” của mọi người đang sống xung quanh mình. Lòng biết ơn sẽ mách bảo ta rằng dù có nghèo hèn đến đâu, bất cứ ai cũng có thể là “ân nhân” của ta. Lòng biết ơn lại càng mời gọi ta phải “thức tỉnh” để nhận ra những “ơn nghĩa” của những người gần gũi với ta nhứt.

Tôi đặc biệt nhớ lại bài học biết ơn vỡ lòng mà đức Gioan Phaolô đệ Nhứt, người chỉ lãnh đạo Giáo hội công giáo hoàn vũ trong đúng 33 ngày, đã để lại cùng với nụ cười không bao giờ tắt của ngài. Trong một cuộc gặp gỡ chung với khách hành hương, ngài kể lại câu chuyện với nội dung như sau: như mọi buổi sáng Chúa Nhựt, cha con của một gia đình nọ dắt nhau đi đá bóng. Người mẹ phải ở nhà làm đủ mọi việc. Đến trưa, người cha và các con về nhà; họ ngạc nhiên vô cùng vì trái với mọi khi, thay cho cơm bánh, họ chỉ thấy trên bàn ăn một đống rơm. Bụng đói, cha con người đàn ông bắt đầu càu nhàu trách móc người mẹ. Chờ cho những người đàn ông trút hết cơn giận, người mẹ mới ôn tồn nói: bao nhiêu năm tôi đã đầu tắt mặt tối hầu hạ các người, các người chưa hề nói một lời “cám ơn” với tôi. Vậy mà chỉ có một bữa tôi không dọn bữa, các người lại trách móc đủ điều.

 

Câu chuyện đơn sơ chỉ có thế. Nhưng vị giáo hoàng này muốn nhắc nhở các tín hữu về một bài học cơ bản nhứt trong Đạo, vốn cũng là đạo làm người. Bài học đó là lòng biết ơn đối với những người gần gũi và những người vô danh, xa lạ nhứt trong cuộc sống.

 

Tuy muộn màng, nhưng tôi cũng muốn nói “cám ơn” tất cả các cầu thủ và đội tuyển đã tham gia World Cup vừa qua. Họ không chỉ làm cho tôi “vui vài trống canh” trong những đêm thức trắng. Họ còn gợi lên cho tôi tâm tình biết ơn, để sau mùa World Cup này, tôi cũng thấy mình đạt được một chiến thắng vì thấy mình lớn thêm một chút trong nhân cách. Và cũng nhờ sự biết ơn này, tôi tin rằng, các cầu thủ của tất cả các mùa World Cup đã “đi qua đời tôi” sẽ không bao giờ bị quên lãng. Dù họ không bao giờ biết tôi là ai, nhưng tôi vẫn hân hạnh dành một chỗ trong tâm hồn tôi cho họ.

 

Tình huynh đệ đại đồng

 

Tình huynh đệ đại đồng của con người, được các cầu thủ nêu cao, hẳn nhiên phải đặt nền tảng trên chính sự bình đẳng phát xuất từ chính phẩm giá của con người. Đây hẳn phải là giá trị nền tảng được nêu cao trong các vận động trường. Làm sao không nghĩ đến giá trị này khi nhìn thấy khẩu hiệu “No to Racism” (Hãy nói không với chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc) cứ chốc chốc lại hiện lên trong các bảng quảng cáo trong các sân vận động. Khẩu hiệu này nhắc nhở tôi rằng bên kia mầu cờ sắc áo của quốc gia dân tộc, bên kia mầu da của chủng tộc, mỗi người đều có một giá trị bình đẳng như nhau. Nói như thế không có nghĩa là “đánh đồng” hay san bằng mọi khác biệt và khoảng cách giữa người với người. Tài năng của các cầu thủ được phô diễn trên sân cỏ cũng như mầu da của họ là một bằng chứng rõ ràng nhứt về sự khác biệt giữa người với người. Thượng Đế dường như muốn thách thức con người khi tạo dựng họ chẳng ai giống ai. Có người thông minh, có người đần độn. Có người khỏe mạnh, có người ốm yếu. Có người xinh đẹp, có người xấu xí. Có người tài ba, có người vụng về…Nhưng cái giá trị tiềm ẩn bên trong mỗi người thì lại như nhau. Đó là thứ giá trị không thể đo lường được bằng bất cứ thước đo nào trên trần gian này. Câu thơ được thi sĩ Bùi Giáng cảm tác để ca tụng cái vẻ đẹp bên trong của người phụ nữ “Em ơi, em đẹp vô cùng, vì em có cái lạ lùng bên trong”, có lẽ cũng nên được áp dụng cho chính cái phẩm giá bất di nhượng và bất khả xâm phạm của mỗi một con người.

 

Nhận ra được giá trị và phẩm giá nội tại ấy của mỗi một con người có khi đòi hỏi nơi tôi một sự can đảm phi thường. Tôi không biết mình có đủ can đảm như ông thánh Phanxicô Assisi, vị thánh nổi tiếng của Kitô giáo vào thời Trung cổ tại Ý không. Một ngày kia, vị thánh được thế giới ngày nay mệnh danh là “sứ giả của hòa bình” này gặp một người phung cùi. Trước đó, với thánh nhân, chỉ cần nhìn thấy một người phung cùi thôi cũng đủ đã tởm rồi. Vậy mà hôm đó, với cái nhìn xuyên suốt để nhận ra phẩm giá của người phung cùi, ngài đã bước xuống ngựa, ôm lấy anh và hôn anh. Kể từ sau cử chỉ ấy, ngày ngày thánh nhân đều tìm đến nhà của những người bị đẩy ra bên lề xã hội ấy để được gần gũi với họ, trở thành một người bạn của họ và ngay cả phục vụ họ như một đày tớ.

 

Tôi cũng tin rằng chính với niềm xác tín sâu xa về phẩm giá nội tại cao cả của mỗi một con người mà dạo tháng 11 năm vừa qua Đức giáo hoàng Phanxicô đã làm một cử chỉ thật cảm động: ngài đã ôm hôn một người đàn ông mắc chứng bệnh mà y học gọi là “neurofibromatosis” loại một. Người mắc chứng bệnh này trông chẳng khác nào một người phung cùi, với khuôn mặt dị dạng và lớp da sần sù khiến không một ai muốn chạm đến hoặc đến gần. Ngay cả người cha ruột của ông, hiện đang sống trong một viện dưỡng lão, dù được ông đến chăm sóc mỗi ngày, cũng không muốn chạm đến người ông. Vậy mà Đức Phanxicô đã vượt qua được mọi thứ rào cản để ôm hôn ông. Với cử chỉ này, nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo muốn cho thế giới thấy được giá trị thâm sâu của mỗi một con người và nhắn gởi rằng chúng ta chẳng có gì để sợ hãi trước những dị biệt của người khác.

 

Trên thế giới ngày nay, vẫn còn triệu triệu con người mà phẩm giá đang bị chà đạp và chối bỏ. Họ là những phụ nữ bị mang đi bán làm nô lệ tình dục. Họ là các công nhân, vì kế sinh nhai, phải bị  đày đọa trong những điều kiện làm việc vô nhân đạo. Họ là những người tỵ nạn ngay trên chính quê hương của mình hoặc bị trôi dạt vào một bến bờ vô định. Họ là những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ, không có cơ hội cắp sách đến trường và ngay cả phần lương thực mỗi ngày. Họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Họ là những bệnh nhân đang quằn quại từng ngày trong giường bệnh, trong các viện dưỡng lão…Và ngay trong cái xứ sở “may mắn” này, họ là vô số những người tôi gặp gỡ mỗi ngày, mỗi người với một gánh nặng và nỗi khổ  riêng. Tôi tin rằng lòng “tự trọng” của tôi chỉ lớn thêm nếu tôi biết nhìn họ không xuyên  qua mầu da hay ngoại diện, mà qua chính cái vẻ đẹp “lạ lùng” bên trong mỗi người.

 

Hạnh phúc nằm ở đâu?

 

Xét cho cùng, trong thâm cung sâu thẳm của cõi lòng, dường như ai cũng có thể cười trên nước mắt, nỗi đau của người đồng loại. Đừng nói đến những con người mà ông tổ của chủ nghĩa Marxit đã xếp vào hàng “súc vật quay mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người đồng loại để chỉ biết chăm sóc cho bộ da của mình”, trong mỗi người chúng ta vẫn luôn tồn tại cái khuynh hướng muốn lấy tiếng khóc và nỗi đau của người khác làm niềm vui và hạnh phúc của mình. Chỉ cần một chút hồi tâm và thành tâm, có lẽ ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra con người “thật” của mình. Đó là con người chỉ cảm thấy hạnh phúc không phải vì giàu có mà vì giàu có hơn người khác, không phải vì có cái nhà, mà vì có cái nhà rộng lớn, đẹp đẽ và sang trọng hơn người khác, không phải vì có một cái xe để làm phương tiện di chuyển, mà vì có một cái xe đắt tiền hơn cái xe của người hàng xóm, không phải vì có một mảnh bằng, mà vì có một học vị cao hơn người khác, ngay cả  không phải vì một cái áo để “ăn chắc mặc bền”, mà chỉ vì cái hiệu nổi tiếng mà người khác không có…Tựu trung,  xem ra niềm hạnh phúc của chúng ta thường tỷ lệ thuận với sự thua kém hay  bất hạnh của người khác.

 

Ai cũng muốn sống hạnh phúc. Ai cũng đi tìm hạnh phúc. Nhưng thế nào là “hạnh phúc”?  Bàn đến vấn đề “hạnh phúc”, nhà văn Lâm Ngữ Đường của Trung Hoa luận như sau: “Trên thế giới này, hạnh phúc rất thường có tính tiêu cực: không đau khổ, không bị sỉ nhục, khổ hạnh, không có bệnh tật. Nhưng nhiều khi nó tích cực và lúc đó ta gọi nó là hoan lạc. Chẳng hạn, đối với tôi, những lúc như vầy là những lúc thật sung sướng: ngủ một đêm thẳng giấc, sáng dậy hít không khí đầy phổi và muốn hít vô cho thật sâu; lúc đó tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như có cái gì lưu thông ở ngoài da và bắp thịt nơi ngực và tôi khoan khoái muốn làm việc; hoặc chân gác lên một chiếc ghế, thuốc cháy từ từ trong ống điếu; hoặc một ngày hè đi chơi, khát khô cả cổ, bỗng gặp một dòng suối trong mà chỉ nghe tiếng nước róc rách cũng đủ thấy khoái rồi, chạy lại, cởi giày ra, dầm chân trong dòng nước mát, thú tuyệt; hoặc sau một bữa ăn thật ngon, tôi ngả mình trong chiếc ghế bành, chung quanh không có một người nào mà tôi ghét cả, cùng nhau mạn đàm bâng quơ, vô mục đích.” (Lâm Ngữ Đường, Một Quan Niệm về Sống Đẹp, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, trg 117-118)

 

Trên đây là một trong rất nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Riêng tôi, là một tín hữu Kitô, tôi luôn cố gắng sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu về hạnh phúc. Dường như trong bài giảng đầu tiên của Ngài, Chúa Giêsu đã đưa ra một bí quyết về hạnh phúc. Ngài nói: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những người hiền lành, phúc cho những người xây dựng hòa bình, phúc cho những người bị bách hại vì công lý v.v…Dường như bí quyết sống hạnh phúc nào cuối cùng cũng đều gắn liền với quan hệ với người khác. Xét cho cùng, không thể có hạnh phúc thực sự nếu chối bỏ quan hệ với người khác. Cái bí quyết sống hạnh phúc ấy cuối cùng được Chúa Giêsu tóm gọn trong khuôn vàng thước ngọc là “Cho thì hạnh phúc hơn nhận lãnh”.

 

Ngạn ngữ Latinh có nói: “Không ai cho cái mình không có.” Cần phải “có” mới có thể “cho”. Nhưng tiền bạc, của cải vật chất không phải là điều duy nhứt chúng ta “có”. Nếu không có ai giàu có đến độ không có gì để lãnh nhận từ người khác và cũng không ai nghèo đến độ không có gì để trao tặng, thì quả thật ai trong chúng ta cũng có nhiều kho tàng để chia sẻ cho người khác. Không cứ phải có của cải vật chất mới có thể trao tặng. Chúng ta có vô số điều quý giá hơn của cải vật chất. Chúng ta có thể trao ban một nụ cười. Chúng ta có thể trao tặng một chút thời gian hay một chút không gian. Chúng ta có thể chia sẻ một cử chỉ khích lệ, một sự hiện diện, một lời nói ủi an. Chúng ta có thể san sớt một gánh nặng…Bao nhiêu quan tâm đến người khác là bấy nhiêu món quà dành cho họ. Thánh Phaolô, một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của Kitô giáo, đã gói trọn cái bí quyết sống hạnh phúc ấy trong công thức: “vui với người vui, khóc với kẻ khóc.”

 

Là người xem nước Úc là quê hương thứ hai, tôi chia sẻ và thấu hiểu tâm tình của người Úc khi chứng kiến đội Socceroo bị “tàn sát”. Mỗi giây phút còn lại của trận đấu sau trái thứ tư lọt lưới đối với tôi chẳng khác gì những giây phút phải chứng kiến người thân của mình bị…tra tấn sống mà trói tay không làm gì được. Tôi cũng hiểu và thông cảm tâm trạng của người dân Nam Phi chán nản bỏ ra về trước tiếng còi kết thúc khi đội nhà bị “cùng chung cảnh ngộ” trong trận Nam Phi-Uruguay. Dù biết Socceroo không thể nào thay đổi thế trận, nhưng tôi vẫn muốn theo dõi đến phút chót. Bởi tôi tin rằng, “chia vui” thì không bao giờ tốt hơn “xẻ buồn”. Đó cũng chỉ là một sự khích lệ quá nhỏ giữa người với người mà tôi có thể thực hiện được trong mùa World Cup 2010 này với những đội banh “dưới cơ” vậy.

 

Muốn đi đến thành công

 

Hình như đề đốc McRaven muốn nói đến điều đó khi ông khuyên nhủ các bạn sinh viên Mỹ mới ra trường: “Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đo lường một con người bằng kích cỡ trái tim của người ấy, chứ không  bằng số đo bàn chân của họ”. Ông cho biết: để trở thành một “người nhái” thực thụ, phải trải qua một thời gian huấn luyện rất cam go. Khai mạc khóa có tất cả 150 khóa sinh, nhưng rơi rụng từ từ chỉ còn 35 người. Ông được xếp vào một nhóm 7 người gồm toàn những người “thiếu chiều cao” so với các khóa sinh khác. Vậy mà lúc thi đua chèo xuồng và bơi, nhóm của ông luôn về nhứt. Đề đốc McRaven nói rằng trong cuộc sống điều quan trọng không phải là màu da, chủng tộc, trình độ học vấn và địa vị xã hội mà là ý chí muốn thành công. “Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đo lường một con người bằng kích cỡ trái tim của người ấy, chứ không bằng số đo bàn chân của họ”.

 

Bài học này gợi lên cho tôi sự thành công của một số cầu thủ túc cầu thế giới mà cứ mỗi độ Giải Túc Cầu Thế Giới về, tôi đều tưởng nghĩ đến. Tôi say mê lối chơi của người vừa được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhứt thế giới: cầu thủ Cristiano Ronaldo,  Bồ Đào Nha, người đã nhiều lần mang cúp vô địch về cho Câu lạc bộ Real Madrid. Nhưng tôi lại dành sự ngưỡng mộ cho danh thủ Lionel Messi của Argentina, bàn chân vàng của Câu lạc bộ Barcelona. Nếu so với các danh thủ quốc tế khác, Messi là người chỉ có một chiều cao khiêm tốn. Nhưng cũng như với người đồng hương đã từng là siêu sao huyền thoại một thời là Maradona, chiều cao khiêm tốn của Messi đã không ngăn cản anh trổi vượt trong lối dẫn banh và các cú sút thần tốc.

 

Chiều cao của thân thể, số đo của bàn chân hay ngay cả thể lực hơn người không hẳn là điều quan trọng trên sân cỏ, mà chính  là tài năng và là nội lực. Tài năng và nội lực là thứ mà  chẳng có thứ thước đó nào trên trần gian này có thể đo lường được. Nhưng trong con người không chỉ có tài năng hay nội lực, mà còn có “trái tim” là thứ mà không những các loại thước đó, mà mắt thường cũng chẳng nhìn thấy được. Đó là điều mà văn hào Antoine de St Exupéry đã nói đến khi ông viết rằng “có những điều mà người ta chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim”. Chỉ có trái tim mới cảm nhận được những tình cảm sâu xa trong con người và dĩ nhiên cũng chỉ với trái tim, người ta mới có thể thấy được giá trị và phẩm giá đích thực của một con người.

 

Học làm người, xét cho cùng, có lẽ cũng chính là tập nhìn bằng trái tim của mình. Có nhìn bằng trái tim thì may ra mới có thể nhận ra những giá trị thầm kín của bất cứ một con người nào, bất luận khỏe mạnh hay ốm đau, lành lặn hay tàn tật, thông minh hay đần độn, giàu sang hay nghèo cùng. Có nhìn bằng trái tim thì may ra mới biết cảm thông với vô vàn khổ đau cũng như vấp ngã của người khác.

 

Đã gần cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, tai đã bắt đầu lùng bùng, mắt cũng đã nhìn gà hóa cuốc, tôi chỉ còn mong được mãi mãi sáng lòng để biết lắng nghe và nhìn thấy những gì mà tai mắt không còn nghe thấy.

 

 

 

 

Cầu nguyện và bóng đá

 

 

Tôi không biết trong mùa World Cup này, trên thiên triều có diễn ra trận thư hùng nào giữa các thần linh của lụa địa Phi Châu và các thánh, Đức Mẹ và Đức Chúa Trời của Châu Mỹ Latinh không. Rõ ràng là ai cũng tin tưởng chạy đến với thần thánh của mình. Nhưng cũng rất rõ ràng là dù tất cả các đội tuyển  có thành khẩn cách mấy, cuối cùng chỉ còn lại một đội vô địch mà thôi. Tưởng tượng Đức Chúa Trời và các thần thánh phải bị “lôi kéo” vào các cuộc thi đấu, tôi nghĩ các vị hẳn cũng phải “ điên cái đầu”.

 

Một Đức Chúa Trời mà bị lôi kéo vào cái vòng “hỉ nộ ái ố” của con người thì cũng phải “hành động” như cách suy nghĩ của con người thôi. Trong khi Đức Chúa Trời của người Do Thái đã chọn dân Do Thái làm “Dân Riêng” của Ngài cho nên cái đêm trước khi họ được ông Môisen lãnh đạo trốn ra khỏi Ai Cập, Ngài đã sai một vị thiên sứ đi “qua” nhà của người Ai cập và tàn sát tất cả những đứa con trai đầu lòng của họ. Vì đã ban “Đất Hứa” cho họ cho nên trên đường tiến về vùng đất ấy, Ngài cho họ được quyền tàn sát bất cứ dân tộc nào.

 

Là một tín hữu Kitô cho nên tôi chỉ biết có mỗi một Đức Chúa Trời mà Chúa Giêsu đã nói cho tôi biết. Ngài nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng cho mặt trời mọc lên trên người lương thiện cũng như kẻ gian ác chẳng chừa ai. Ngài nói rằng tất cả mọi người là con cái của Đức Chúa Trời chứ không chỉ có một dân tộc được tuyển chọn nào cả. Ngài cũng nói rằng Đức Chúa Trời quan phòng lo lắng cho mọi nhu cầu của từng người đến độ ngay cả có bao nhiêu sợi tóc trên đầu cũng được đếm cả. Suốt một đời, Chúa Giêsu sống theo Ý của Đức Chúa Trời, chứ không theo “như ý” mình. Và nhứt là, khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Ngài bảo phải xin: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

 

Thời nội chiến Nam Bắc Mỹ, khi thấy ông cầu nguyện, người ta hỏi tổng thống đầu tiên của Hoa kỳ George Washington cầu nguyện cho ai, ông trả lời rằng ông cầu nguyện để được “đứng về phía Thiên Chúa”.

 

Tôi cũng chỉ mong sao được luôn luôn “đứng về phía Thiên Chúa” vì biết rằng đời sống là một cuộc chiến trong đó, dù thắng hay thua, dù được hay mất, dù hạnh phúc hay khốn khổ, dù thành công hay thất bại và ngay cả khi tôi có “lầm đường lạc lối”…lúc nào cũng có một Đức Chúa Trời đã, đang và sẽ không ngừng ban mọi điều thiện hảo cho tôi, dìu dắt và hướng dẫn tôi, dĩ nhiên, một cách vô cùng mầu nhiệm theo Ý Ngài.
CT.sb 59

 World Cup 2010 và 2014