Những lọn tuyết rơi cuối mùa (truyện ngắn của Thế Hy sb71)

Những lọn tuyết rơi cuối mùa

Trong một bản nhạc nổi tiếng của Nhật vào thập niên 70, Nagori Yuki, tạm dịch là ‘’Những lọn tuyết rơi cuối mùa’’có câu:

Trời Đông kinh lần cuối

Nhìn những lọn tuyết rơi

Ngả nghiêng về muôn lối

Tả tơi trên thân người

……

Khi biết em rất đẹp

Thì nàng đã đi xa

Chỉ còn chăng sót lại

Bông tuyết rơi cuối mùa…

 

Đầu thập niên 80, Tôi là một thằng con trai mới lớn, đến Nhật với hai bàn tay trắng và một tâm trạng nát tương. Cái thứ tiếng Kanji đã làm cản trở mọi ước mơ tương lai… đi tu cũng như đi học và người tình bỏ ta đi vừa khi biết nàng rất đẹp… đã khiến tôi chọn một ngôi chùa nương thân. Tại sao là chùa mà không phải là nhà thờ trong khi tôi là một tín đồ Công giáo thuần thành? Sự thật thì chẳng có một nhà thờ nào có thể cho một thằng tứ cố vô thân như mình vô trú ngụ. Xin vào dòng thì phải biết tiếng Nhật và phải có tiếng Chúa mời gọi… Trái tim đã bị mù và trở nên vô thức nên chỉ còn cách gõ cánh cửa nào mở… Một câu chuyện mới bắt đầu.

 (Câu chuyện này đã có lần đưa lên meo đàn cho một số anh em xem và qua yêu cầu của Bác Biên tập nội san DCSB , xin gởi lại)

 

 

Góc tối đỉnh Băng sơn

 

 

Gã cầm bình tưới nước, vẩy nhẹ trên gốc mai dại. Cây mai trông không giống bất cứ một loại mai nào mà gã từng thấy ở Việt Nam. Nó thấp lè tè, cành chĩa tứ tung. Thế là đỡ lắm rồi, chứ lúc gã mới tới đây, nó giống như một bụi cây rừng hoang dại. Bấy giờ, gã không hiểu tại sao nhà sư trụ trì ngôi chùa này không chịu bứng nó đi để trồng một thứ cây kiểng nào khác trông đẹp mắt hơn. Sau này ông mới cho biết, sở dĩ ông để bụi cây đó vì vào khoảng dịp đầu năm, trong khi mấy cây hoa khác co ro, khô héo theo cái lạnh mùa đông thì chỉ có nó cho một thứ hoa vàng nhỏ nhắn, sặc sỡ. Cũng theo ông, cả vùng Quan Tây, hay có thể cả nước Nhật, chỉ có khu Gia cổ Xuyên, kéo dài từ ngoại ô thành phố Thần Hộ đến thị trấn Cơ Lộ, mới có loại cây này.

 

Nở vào trong khoảng tết, gã đoán nó là một loại mai nào đó. Nhà sư thì gọi nó là một thứ Ume rừng. Gã dự tính đợi khi bụi cây trổ hoa, gã sẽ đặt cho nó một cái tên thật kêu. Ngày còn ở quê nhà, gã đã từng giúp việc cho ông bố bên cạnh những gốc mai. Những cây mai mà khi gã vừa mở mắt chào đời và lúc bắt đầu có sự hiểu biết… là đã thấy cao hơn gã. Hàng trăm gốc mai, như cả trăm cô gái xuân thì mỗi dịp xuân sang. Ngoài những loại mai mang cái tên có vẻ rất kiêu kỳ như Bạch diệp mai, Kim hoàng mai… gã còn tinh nghịch đặt riêng cho những gốc cây gã thích như Tiểu Mai, Diệu Mai, Hồng Mai, Thanh Mai… tùy theo cái vẻ đặc biệt của nó. Bố của gã thì chăm chút nhất cho loại mai nhiều cánh; loại này nghe nói đâu gốc tận miền Tây, được một nghệ nhân trồng mai ở Sài Gòn đem về gây giống. Cầy cục mãi và nể chỗ quen biết nhau lâu năm, ông mới nhường ít gốc cho bố gã. Còn nhớ cái xuân đầu tiên khi loại mai này ra hoa, bố gã đứng ngồi không yên. Từ trước tới giờ vườn mai nhà ông chỉ ra hoa 8 cánh; cây mai mới cho ông những 12 cánh và ông mừng run khi thấy một cây ra tới 24 cánh. Do đó, có nhiều người khi tới thăm vườn mai, đã bằng lòng trả giá thật cao để mua luôn cây mai đó, nhưng ông dứt khoát không bán, chỉ nhượng cành.

 

Vườn mai nuôi sống nhà gã cho tới năm 78 thì đời sống chung quanh bắt đầu khó khăn, theo một chỉ thị từ đâu đó trên phường đề nghị nhà gã trồng cây lương thực chứ nếu không thì phải đi KTM . Ngày bố gã cùng mấy anh em bứng từng gốc mai, mọi người có cảm tưởng đang chôn sống từng người thân. Bố gã như người mất hồn, từ đó vườn mai cũ biến thành vườn khoai mì vô tri vô giác.

 

Mấy ngày hôm nay, gã ra thăm bụi cây “Lâm Mai” nhiều hơn thường lệ, gã gọi là mai rừng vì chẳng còn nghĩ được cái tên nào khác. Mục đích của gã, không hẳn chỉ để chăm sóc cho nó ra hoa kịp ngày tết. Tết đối với gã chẳng còn ý nghĩa gì từ khi bước xuống chiếc thuyền bé con đi vượt biên. Vả lại những năm trước đây, khi gã chưa tới ngôi chùa này, không cần gã chăm sóc, nó vẫn ra hoa theo như lời kể của sư trụ trì. Gã ra vườn vì  ở đó gã thường xuyên bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ trẻ tuổi từ ngôi nhà cất riêng cho gia đình nhà sư cư ngụ. Ánh mắt lạnh băng trên khuôn mặt trắng nuốt làm gã rùng mình. Gã biết đó là bà vợ trẻ của nhà sư. Gã không dám nghĩ là hình ảnh người phụ nữ này đã đi cả vào trong giấc ngủ của gã; gầy guộc, khi ẩn khi hiện nhưng không kém phần quyến rũ và thanh cao như một cành mai nở hoa.

 

*****

 

Từ ngày vào sống trong chùa, Khang Tử có thói quen đứng từ thư phòng riêng phóng tầm mắt qua làn cửa kính nhìn ra ngoài khu vườn. Nàng muốn tìm sự bình yên nơi mỗi bụi hoa, vì nàng biết… nàng không thể nào tìm được sự bình yên đó nơi thiền viện hay trước tòa sen. Cho đến bây giờ, Khang Tử vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể chôn vùi cuộc đời son trẻ ở một nơi u tịch như cảnh chùa này. Chắc chắn không phải là vì tình yêu của nàng dành cho nhà sư; nàng chưa biết yêu, phải khẳng định là như thế!

Ngay trong thời gian 4 năm ở đại học, Khang Tử chưa một lần rung động trước vẻ hào hoa của những người bạn trai, đến nỗi họ phải tặng cho nàng cái biệt danh “Băng Sơn”, nhiều người ác miệng thì thầm rằng nàng mắc bệnh lạnh cảm.. Thế nhưng họ đâu biết, Khang Tử đang chờ một cái gì đó vượt trên thứ tình yêu bình thường trong xã hội xô bồ đầy bụi bặm này. Nàng muốn có một tình yêu như đám mây xanh vờn quanh đỉnh Phú Sĩ sơn đầy tuyết trắng… Nhưng thứ tình đó chưa kịp đến thì mẹ nàng báo lại lời cầu hôn của nhà sư Thảo Trúc với một vẻ vui mừng hiếm thấy, nàng dửng dưng, rồi… nhận lời.

 

Trong vùng Gia cổ Xuyên này, không ai là không biết đến ngôi chùa Trúc Sơn Tự của dòng họ Thảo Trúc. Và khi người con trai duy nhất của Sư Cụ tốt nghiệp xong Đại học Phật giáo Kinh Đô trở về thay cha lo chuyện tụng niệm ở bên ngoài, thì các nhà có con gái ôm mộng gả con cho nhà sư trẻ đẹp trai. Không còn gì bảo đảm hơn khi về làm dâu cho một ngôi chùa nổi tiếng. Đã có chùa là phải có tiền cúng và người chết lúc nào cũng sẵn sàng giúp cho nhà sư có công ăn việc làm quanh năm, chưa kể đất đai của giòng họ để lại… Nhưng sư Thảo Trúc cũng rất kén. Mặc dù bị sư cụ thúc giục lấy vợ sớm để thấy được đời thứ ba trước khi Sư về cực lạc, ông vẫn cứ nấn ná chờ một người thích hợp. Tới lúc gặp được Khang Tử trong dịp ông tụng niệm tang cho thân phụ nàng thì nhà sư mới thấy xao xuyến bởi sự tinh khiết toát ra từ làn da trắng trong, từ đôi mắt khuấy động, từ gương mặt thoảng nét buồn cô tử… Dường như nàng sinh ra không phải để sống ở thời đại này. Gần nàng, sư Thảo Trúc có cảm giác thời gian chạy ngược, đôi lúc sư thấy nàng lộng lẫy, kiêu sa và bí ẩn… như kiến trúc của những ngôi chùa cổ tại Kinh Đô.

Chờ nàng để tang xong ba năm, Sư Thảo Trúc ngõ lời cầu hôn, lúc đó ông đã vào tứ tuần!

 

Cũng giống như một số chùa, dùng một phần tiền Phật tử cúng vào việc thiện; hàng năm sư Thảo Trúc nhận nuôi vài học sinh ngoại quốc không đủ điều kiện tài chánh theo học ở Nhật, trong đó có một thanh niên Việt Nam do hội Hồng thập tự giới thiệu. Ông có tình cảm đặc biệt với hắn ta vì hoàn cảnh lạ lùng của hắn; ngoài ra hắn có những suy nghĩ thật khác với các thanh niên bình thường. Những suy nghĩ đó, theo ông, mang ít nhiều tính Thiền nhưng hắn thì cho rằng, chẳng có gì đáng gọi cao xa. Nó chỉ phát sinh do những đụng chạm trong một xã hội cùng khổ, thương tâm mà hắn đã trải qua. Khi không biết cách nào để thoát khỏi cảnh khổ đó thì con người phải tưởng tượng, mơ ước để được sống còn. “Còn như sư…”, hắn từng nói đùa với sư, …”Sư sướng từ nhỏ nên sư muốn thuyết pháp về cái khổ thì sư phải học, mà cái khổ thì không nằm trong kinh điển…”.

 

Tên Việt Nam tị nạn đó chẳng bao giờ nói rõ cho sư Thảo Trúc biết tôn giáo của hắn. Tuy nhiên, mỗi sáng hắn vẫn dậy sớm lúc 5 giờ để tham dự buổi ngồi thiền với sư. Trong phòng hắn, sư Thảo Trúc thấy có cuốn Lịch sử Phật Giáo cả cuốn kinh thánh Thiên chúa giáo. Trong một lần đàm luận, hắn nói suy nghĩ của hắn về số phận con người như sau:

-Chắc sư có biết về khoa tử vi của Trung Quốc. Nhiều người không tin vì theo họ, nếu mỗi người có một ngôi sao chiếu mạng thì giải thích làm sao hiện tượng hai người cùng sinh ra trong một thời điểm mà hai số phận lại khác nhau. Theo tôi, thì tôi tin có sự ảnh hưởng của các vì sao đối với đời sống con người nhưng không nghĩ là có sự an bài nào đã định trước. Con người sinh ra đã có dòng điện, tôi quan niệm đó là linh hồn. Từng phút, từng giây có hàng triệu, hàng tỉ tia bức xạ của các ngôi sao xa lạ đến trái đất. Dòng điện con người vô tình hấp thụ bức xạ của ngôi sao nào là sẽ bị ảnh hưởng bởi bức xạ đó, không chỉ một mà là rất nhiều. Những làn sóng điện từ đến từ các tinh tú xa xôi và lạ lùng kia khiến cho tâm tính và khả năng con người trở nên không giống nhau; tài năng và thời vận của họ sau này cũng từ ảnh hưởng đó… Vì thế mới có người rụt rè, chậm chạp; người mạnh bạo, nhanh nhẹn, có kẻ bao dung nhưng cũng có thứ tàn ác; có thiên tài và có sự bình thường. Chứ có lý nào thượng đế lại bất công sinh ra một kẻ khù khờ chịu nhiều khổ đau trong khi kẻ khác chỉ gặp toàn những hạnh phúc thành công. Do đó, tôi nghĩ những nhà sáng lập tôn giáo đã hấp thụ rất nhiều sóng điện từ đặc biệt để trở thành một con người xuất chúng về tư tưởng hơn những con người bình thường; và nếu họ có cho mình là con thượng đế thì cũng chẳng có gì là ngoa vì trong họ đã được tập trung những quyền năng vũ trụ…

Nghe xong, sư Thảo Trúc có cảm giác mấy chục năm kinh kệ của mình trở thành vô nghĩa! Nhà sư hỏi hắn:

 

-Anh có tin ở thuyết luân hồi?

 

– Tin chớ, nhưng chỉ một phần. Vì thường thường, ai sống qua một kiếp người, chắc chắn sẽ không còn muốn quay trở lại. Kiếp người chán quá! Chỉ có những người chưa thực hiện xong sứ mạng của họ, ví dụ như trường hợp của các thiên tài, mà phải chết sớm; thì mới muốn đầu thai sang kiếp khác để làm cho xong việc mà thôi!

 

*****

 

Sư Thảo Trúc đem những suy nghĩ của tên học sinh ngoại quốc kia nói với vợ trong những buổi cơm của hai người. Đám học sinh ăn riêng và thường thường ăn trước. Vì thế mà Khang Tử tự nhiên có những chú ý khác thường đến hắn ta. Nàng muốn tìm hiểu những suy nghĩ thật của hắn hơn là những gì mà nhà sư đã biết về hắn. Dần dần, cảm giác chờ đợi bóng dáng gã ra gốc cây mai mỗi chiều xâm chiếm tâm hồn nàng lúc nào không hay. Hôm nào hắn về học trễ, tự nhiên Kháng Tử cảm thấy bức rức. nàng bực mình về những chuyện không đâu. Đêm nằm cạnh sư Thảo Trúc mà nàng chỉ thấy gương mắt của hắn, vuông vức trầm tĩnh, thoáng chút kiêu hãnh nhưng không dấu được nét hằn khổ đau. Đôi lúc gương mặt đó biến thành dãy núi trong giấc mơ nửa vời; Khang Tử thấy hắn một tay cắp lưng nàng, một tay cầm bó đuốc chạy châm lửa từng góc nhà của Trúc Sơn Tự. Chao ơi, chẳng khác gì tên tiểu tăng đốt chùa Kim Các Tự ngày xưa. Gương mặt của hắn bất chợt trở nên dữ tợn… :”Rồi tất cả các biểu tượng sẽ trở nên vô nghĩa, chỉ mình em… ta sẽ ôm em ra biển cho dù em chỉ là một ngọn băng sơn…”

 

Nhiều khi Khang Tử muốn mở miệng nói chuyện thân mật với hắn như nhà sư chồng nàng vẫn làm, ngoài những câu chào hỏi lạnh lùng. Nhưng cứ đối diện với hắn là dường như có một bức màn vô hình ngăn chận. Vả lại không gian thường nhật giữa hai người chỉ là chiếc hành lang từ phòng ăn dẫn lên chánh điện ngang qua phòng sách chung.

 

Cho đến một buổi chiều cuối năm, Sư Thảo Trúc và đệ tử phải đi tụng niệm cho gia đình một phật tử mới qua đời; người đàn bà giúp việc đã xin về quê ăn tết; mấy học sinh ngoại quốc chắc đã lên phố Thần Hộ vui chơi với những người đồng hương của họ; chỉ còn hắn và nàng trong khuôn viên ngôi chùa rộng bao la. Khang Tử đã chăm chú theo dõi hắn ngồi cả giờ bên gốc mai. Cuối cùng nàng lấy hết can đảm với tay chiếc áo khoác mặc hờ vào người rồi ra vườn hoa.

 

Khác với những lần gặp nhau trao đổi bằng tiếng chào lịch sự. Khang Tử và hắn tự nhiên cùng im lặng. Cảnh u tịch dường như đồng lõa với hai người, chỉ có tiếng xào xạc nhẹ nhẹ của gió vườn mơn trớn trên những chiếc lá khô.

 

Khang Tử là người lên tiếng trước, nàng kéo vạt áo sát vào người, hai tay co ro ôm trước bụng rồi ngồi xuống cạnh hắn ta:

 

-Tôi thấy anh ngồi bên gốc cây này khá lâu, nó có gì đặc biệt  khiến anh phải bỏ nhiều thì giờ cho nó quá vậy?

 

Hắn trả lời bằng một giọng run run; Khang Tử không ngờ là hắn cũng đang cố gắng đè nén xúc cảm lạ khi ở cạnh nàng:

 

-Cô không thấy nó đang chuẩn bị ra hoa. Ở nước tôi, cây mai là hình ảnh của người con gái; chỉ nở ít ngày  trong mùa xuân rồi tàn… nó như một cô gái đẹp nhưng chết vội. Sau khi chết cũng có hồn vất vưởng chờ đợi cả năm sau để nhập lại!

 

-Anh nghĩ cây mai rừng này cũng có hồn của một cô gái nào đó?

 

-Chắc là vậy, nếu không nó chẳng bao giờ ra hoa.

 

-Thảo Trúc nói anh hay có những suy nghĩ lạ lùng…

 

Lấy can đảm hắn đưa mắt nhìn sang Khang Tử. Cái lạnh lùng mà hắn thường gặp chung quanh nàng đã biến mất từ lúc nào, thay vào đó là một vẻ nhu mì đầy chịu đựng. Hắn thấy nàng rất đẹp nhưng là một nét đẹp hoàn toàn không tạo ra cảm giác thèm muốn. Hắn buột miệng khi tìm ra được một hình ảnh để so sánh:

 

-Trông cô như một nhánh hoa Anh Đào.

 

Nói xong hắn cảm thấy xấu hổ vì câu này mà đem khen một cô gái ở quê hương hắn thì… cải lương… vô cùng.

 

Nhưng Khang Tử không cho đó là một câu khách sáo. Nàng nhìn hắn:

 

-Anh Đào của Nhật cũng như cây Mai ở nước anh, đều tượng trưng cho người con gái; nhưng anh có biết cây Anh Đào này đang thật cô đơn lắm không?

 

Hắn cố giữ bình tĩnh nhưng từ đáy lòng những đợt sóng ngầm bắt đầu trào dâng:

 

-Cô sẽ trở về cuộc sống của cô cho dù phải cô đơn, tôi có thế giới của tôi. Được nói chuyện với cô như thế này là quá hạnh phúc, nó chỉ có trong giấc mơ của tôi.

 

…Tôi nghĩ đã tới lúc tôi phải ra đi. Ở lại đây, ngay trong những lúc ngồi thiền với sư Thảo Trúc mà lòng tôi mang đầy tạp niệm, toàn là những ý tưởng chinh phục cô. Sư Thảo Trúc đối với tôi quá tốt. Thà hồn tôi lang thang với một bóng hình còn hơn là phải ăn năn suốt đời ở thế giới bên kia vì đã không kìm chế được xác thân.

 

Khang Tử đã ngồi sát cạnh hắn ta từ lúc nào. Nàng đưa bàn tay giá buốt chụp lấy cánh tay rắn chắc của hắn kéo vào ngực mình. Hắn giật nảy mình vội ngã ra phía sau để thoát khỏi những ngón tay như chiếc vòi bạch tuột của người con gái. Khang Tử ngã theo hắn, thân hai người đè lên bụi mai; hắn cảm thấy lưng bị những cành mai cứa vào một cách đau đớn. Hắn ngửi mùi hương lạ, từa tựa mùi hương tỏa ra trong đêm ở vườn mai nhà hắn…đồng thời hắn có cảm giác đang trượt chân giữa lưng chừng dốc núi, phía trên là cả tảng băng sơn đang vỡ vụn ào ào như thác đổ… chôn kín!

 

Sáng mồng một, sư Thảo Trúc vẫn dậy sớm để ngồi thiền đầu năm. Sư hơi làm lạ vì gã thanh niên tị nạn không lên chánh điện ngồi với sư như mọi khi. Nghĩ hắn ta có lẽ thức đón giao thừa hơi khuya, không dậy nổi nên sư cũng chẳng bận tâm. Vả lại, sư còn phải lo các công việc tiếp khách thập phương đến viếng chùa. Tới chiều, vẫn không thấy bóng dáng gã, sư vội ghé qua phòng. Trên chiếc bàn nhỏ của hắn có một lá thư gởi cho sư. Trong thư ngoài những lời cám ơn là dòng chữ:

 

-Tôi sẽ trở về nơi đã bỏ đi!

 

Vô tình sư Thảo Trúc đưa mắt nhìn ra chỗ bụi mai. Những nhánh cây ngã nghiêng và bẹp dúm!

 

Thế Hy 71