‘Vị thánh’ của thế kỷ thứ 21 (Kim Ngân chuyển ngữ)

‘Vị thánh’ của thế kỷ thứ 21

 mà bạn không bao giờ biết

 

Đã có lần cha John Lee Tae-Sock rất sợ những người phong mà cha không cho họ biết, nhưng cha đã trở thành một chiến sĩ bênh vực họ.

Tháng Giêng 2010, cha John Lee Tae-seok, một linh mục Nam Hàn được mệnh danh là “Schweitzer của Sudan”, sắp chết vì căn bệnh ung thư. Các tu sĩ bạn thuộc dòng Salesians bao quanh cha trong giờ phút hấp hối của cha và cố gắng chấp nhận cái chết sớm xảy đến cho vị linh mục thánh thiện chỉ mới ở vào độ tuổi 40. Cha John đã lao động không biết mệt mõi trong 9 năm trời với tư cách là thành viên của Hội truyền giáo dòng Salesian tại miền Nam Sudan đang bị chiến tranh tàn phá. Cha đã cống hiến cho hội truyền giáo ơn phúc tràn trề tài năng của cha: với tư cách là một bác sĩ tận tụy đối với các nạn nhân bệnh phong, với tư cách một thầy giáo và một nhạc sĩ.

Một vài giờ trước khi từ trần, cha John đã hồi tĩnh và nói: “Anh em đừng lo lắng. Mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp thôi.” Cha đang liên hệ đến Sudan. Có lẽ cha đã nhận thức rằng miền nam đã ở ngưỡng cửa của bước ngoặt lịch sử. Tháng Giêng năm nay, chính xác là một năm sau cái chết của cha John, những người dân Nam Sudan đã biểu quyết cho nền độc lập của họ. Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, vị nguyên thủy quốc gia luôn bị buộc tội chính thức bởi Tòa Án Hình sự quốc tế, đã chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Một số người tin rằng cha John có thể giữ một vai trò cầu bàu trong vấn đề này. Tại Thánh lễ an táng cha John, Cha Farrington Ryan, đại diện cho dòng Salesian ở Sudan, đã đọc một bài diễn văn cầu xin cha John  “khẩn cầu Thiên Chúa nhân lành ban hòa bình cho chúng con tại nước Sudan”.

Cha John Lee Tae-seok chào đời vào năm 1962, cha là người con thứ mười trong gia đình. Cha mẹ ngài, những  tín hữu Công giáo khiêm tốn và tận tụy, sinh sống tại thành phố Busan Nam Hàn. Cha John mồ côi cha vào lúc lên chín và mẹ ngài một thân một mình gánh vác gia đình bằng việc tằn tiện kiếm sống với nghề thợ may trong chợ. Cha John là học sinh xuất sắc ở trường. Cha rất ấn tượng bởi tiểu sử của bác sĩ Albert Schweitzer và mong mỏi trở thành một bác sĩ.

Nhưng khi nhìn thấy người anh trai của cha trở thành một tu huynh dòng Franciscan, cha cảm nhận được những sức hấp dẫn của ơn gọi tu sĩ. Tuy nhiên, mẹ của cha mong muốn cha học ngành y trước đã. Một phần vì vâng lời mẹ, cha đã trở thành một bác sĩ. Trước tiên, cha làm việc với tư cách bác sĩ giải phẫu trong quân đội Nam Hàn. Nhưng, khi mặc bộ đồng phục, một lần nữa, cha cảm thấy ơn gọi trở thành linh mục. Nhìn thấy cha vẫn còn muốn theo đuổi ơn gọi tu trì, mẹ cha đã chúc phúc cho cha. “Nếu như đó là điều con lựa chọn, con cứ tiến tới” là lời nói của bà.

Cha John gia nhập dòng Salesians. Nhiều lần cha được hỏi tại sao cha không trở thành một tu sĩ Capuchin như anh trai của cha, nhưng cha cảm thấy rằng lối sống của họ đối với cha là quá “hạn chế”. Điều gì đã lôi cuốn cha đến với dòng Salesians? Cha nói cha bị “thôi miên bởi âm nhạc và thể thao của họ cũng như tình yêu của họ, tự phát, phóng khoáng và theo kiểu quan hệ gia đình”.

Với tư cách một trợ tế, cha John đi thăm hội truyền giáo Salesian tại Nam Sudan. Thoạt nhìn, cha cảm thấy bị sốc trước nhóm bệnh nhân phong. Cha đã từng quen thuộc với việc thực hành nghề y trong những điều kiện sạch sẽ và ngăn nắp tại các phòng bệnh của quân đội Đại Hàn.

Vị bác sĩ bình thường lạc quan hết sức choáng váng vì nhìn thấy những bệnh nhân mắc bệnh Hansen với chân tay  đang thối rữa mà cha đã lánh xa khi nhìn thấy họ và chạy vào bụi rậm. Một lần, cha lấy lại bình tĩnh và cha hứa với các bạn tu sĩ Salesians là cha sẽ “làm quen với việc đó”, nhưng họ đã không mong đợi cha quay lại.

Trước sự kinh ngạc của họ, Cha John đã viết thư cho họ sau khi thụ phong linh mục vào tháng Giêng năm 2001 để nói rằng cha sẽ đến thật sớm. Cha giải thích công việc ở giữa các bệnh nhân phong sẽ là “con đường tốt nhất để trở thành một bác sĩ, linh mục và tu sĩ Salesian”.

Trước khi bắt đầu công việc, cha John đã đến một bệnh viện tại Kenya để ôn lại kiến thức y học của cha về các căn bệnh nhiệt đới và thực hiện một vài nghiên cứu chuyên biệt về các trường hợp của bệnh sốt rét ngã nước. Vị linh mục trẻ trung anh dũng tin chắc ngài sẽ “là một vị thừa sai tốt giữa những bệnh nhân phong hơn bất cứ nơi nào khác”.

Tại làng Tonj, cha đã tự tay xây dựng một bệnh viện chuyên khoa. Cha chữa trị cho 300 bệnh nhân mỗi ngày ở đó. Cha có một chiếc xe Jeep để có thể đích thân đi thăm bệnh nhân, những người không bao giờ có thể đến với cha. Đặc biệt, cha đã đi tìm và kiếm được các nạn nhân của bệnh Hansen.

Cha John đã lớn lên trong cảnh nghèo nàn cùng cực và không bao giờ lánh xa người nghèo của làng Tonj. Cha có thể sống một cuộc sống sung túc của một bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Nhưng thay vào đó, ngày qua ngày, cha vừa là y tá vừa là bác sĩ cho một số người nghèo nhất trên thế giới. Không còn chán nản bởi cảnh tượng của các bệnh nhân phong, cha John đã trải qua nhiều giờ để rửa sạch và băng bó các vết thương của họ. Cha đã ghi lại kinh nghiệm của cha trong việc giúp đỡ họ trong hai quyển sách, The Rays of the Sun in Africa are Still Sad (Tia sáng mặt trời ở Phi Châu vẫn còn u buồn) và Will You Be My Friend? (Bạn có thể là bạn của tôi hay không?)

Câu chuyện của cha John có thể nhắc nhở những người Công giáo nói tiếng Anh câu chuyện của John Bradburne. Bradburne, một gentleman người Anh đã từng chiến đấu như một Gurkha trong Thế chiến II, đã nổi tiếng về sự tận tụy của ông dành cho các bệnh nhân phong tại Rhodesia vào thập niên 1970. Ông giúp xây dựng tiểu thánh đường của họ và ông đã từng dạy tiếng la tinh cho bệnh nhân phong đến mức họ có thể hát bài hát Gregorian. Bradburne đã từng xua đuổi những con chuột gặm nhắm các bệnh nhân phong và mang đến cho họ những khẩu phần bánh mì.

Đức giám mục Paul Choi Duk-ki, giám mục của giáo phận nơi cha John xuất thân,  đã xúc động đến rơi lệ sau khi xem đoạn phim về vị linh mục săn sóc cho những bệnh nhân phong trên truyền hình Đại Hàn. Đức cha Choi Duk-ki đã quyết định đi đến làng Tonj để thăm cha John bằng xương bằng thịt. Đức cha đã hết sức ấn tượng bởi điều ngài đã thấy và ngài nói cha John thật “giống như một vị thánh” . Đức cha nói kinh nghiệm của cha giống như đang “đồng hành với cha Damian của Molokai, đồng hành với Chúa Giê-su”. Cha John đã để cho tình yêu của Chúa Ki-tô trở thành ánh sáng dẫn dắt trong tất cả những nỗ lực của cha đối với các bệnh nhân phong và minh chứng một cách rõ ràng rằng “chúng ta phải đối xử với họ như Chúa Giê-su”.

Cha John còn được biết đến như là người đã có một đường lối giáo dục đặc biệt với thế hệ trẻ của làng Tonj. Họ được hướng dẫn đến với nhân cách hấp dẫn và nụ cười rạng rỡ của cha. Những người dân địa phương biết đến cha giải tội hiền từ như là “Cha Jolly” – một tên gọi đã in vào tâm trí họ. Cha đã xây dựng ngôi trường sở tại với sự giúp đỡ của các sinh viên và cha phụ trách dạy toán và âm nhạc. Cha John cũng bắt đầu tham gia Nhóm Don Bosco Brass Band và cha đã nhận thấy âm nhạc đó nâng cao tinh thần giới trẻ, những con người đang sống trong những hoàn cảnh khốc liệt.

Nhưng một ngày nọ, cha John đã hưởng được một đợt nghỉ hiếm có ở Seoul. Cha đi kiểm tra sức khỏe theo thông lệ và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết và gan. Lúc đầu cha đáp ứng tốt với hóa liệu pháp, nhưng vào những tháng sau cùng của cuộc đời, tình trạng sức khỏe của cha trở nên tồi tệ nhanh chóng và cha đã qua đời vào ngày 14 tháng Giêng 2010, hưởng dương 47 tuổi.

Cha John thật vô cùng lanh lợi thông minh và tính tình cha rất vui vẻ. Cuộc đời  quá ngắn ngủi của cha cho thấy những niềm hứng thú lớn lao mà một vị thừa sai có thể thực hiện. Như là một kết quả của việc cha làm, hiện nay tại Nam Sudan đang có một chuẩn mực vô cùng cao cấp trong việc săn sóc cho các nạn nhân của bệnh Hansen. Cha John cũng truyền tình yêu âm nhạc của cha cho những thanh thiếu niên mà cha đã dạy và Ban nhạc Don Bosco Brass Band hiện nay là nhóm nhạc nổi tiếng nhất tại Nam Sudan.

Một cuốn phim tài liệu truyền hình của Đại Hàn về cuộc đời cha John tại làng Tonj đã được chuyển thể thành một cuốn phim có tác động mạnh, Don’t Cry For Me Sudan. Trong 10 phút xem phim, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Chỉ riêng tại Seoul, 120,000 người đã từng xem cuốn phim này. Các thành viên của Dòng tu Jogye của Phật giáo Đại Hàn, giáo phái Phật giáo lớn nhất tại Nam Hàn, đã vô cùng xúc động bởi những cảnh mô tả cha John đang chăm sóc những bệnh nhân phong. Nhà sư Jaseung đáng kính, người đứng đầu dòng tu, đã thừa nhận rằng ông không biết chắc chắn có nên để cho các tu sĩ Phật giáo và các công nhân thế tục xem phim này hay không, vì sợ họ sẽ trở lại đạo Công giáo sau khi xem phim.

“Cuốn phim mô tả đời sống tốt đẹp của một vị thừa sai Công giáo và tôi đã lo lắng một số người trong chúng tôi sẽ trở lại đạo Công giáo sau khi xúc động bởi cuốn phim,” ông nói.

Nhưng ông vẫn tiến hành không do dự bởi vì ông tin rằng cha John là một mẫu gương có vai trò tốt đẹp đối với những  tín đồ Phật giáo. “Nếu chúng tôi có thể có một Phật tử tu sĩ như cha, điều tốt hơn đó sẽ là vì Phật giáo,” ông nói.

Trong khi đó, những người Công giáo tận tụy với cha John đang tỏ vẻ không hài lòng với biệt danh “Bác sĩ Schweitzer của Sudan” của cha. Trong một vài niềm kính trọng, Cha John là một vị thừa sai thậm chí còn tốt lành hơn một vị bác sĩ và thần học người Pháp gốc Đức. Bác sĩ Schweitzer là một con người vĩ đại, nhưng ông thường bị buộc tội là từng giữ một thái độ kiêu kỳ, trịch thượng đối với những người Châu Phi. Điều này không bao giờ tồn tại nơi cha John, con người được những người dân Nam Sudan xem như một người chữa bệnh, người bạn và hiện nay là một người cầu bàu trên Thiên Đàng.

Tác giả: Mary O’Regan (CatholicHerald.co.uk)

Chuyển ngữ: Kim Ngân