Ra đảo Lý Sơn (Củ Nghệ sb74)

RA ĐẢO LÝ SƠN

DỰ LỄ KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG GIÁO XỨ LÝ SƠN

 

Trong thời gian học ở Huế, Củ quen biết nhiều em sinh viên Công giáo quê Lý Sơn đang theo học tại các Trường Đại học ở Huế và được các em kể về đảo Lý Sơn nên Củ ấp ủ trong lòng là khi gặp dịp sẽ đi Lý Sơn mà không phải chần chừ suy nghĩ. Hơn 15 năm sau ao ước ấy mới thành hiện thực.

 

Ngày 20/07/2012 có một số giáo dân thuộc giáo xứ Bắc Thành – Nha Trang ra đảo Lý Sơn dự lễ khởi công xây dựng nhà thờ mới của giáo xứ Lý Sơn. Sau khi xây dựng hoàn tất , cha sở giáo xứ Lý Sơn có thư mời những người ấy ra dự lễ Khánh thành và Cung hiến thánh đường vào ngày 13/08/2014. Một trong những người đã ra dự lễ khởi công đã mời Củ đi Lý Sơn và Củ đã nhận lời ngay.

 

Đoàn đi Lý Sơn có tất cả 28 người (8 nam, trong đó có Linh mục Dũng- DCCT, cha sở giáo xứ Tùng Lâm Đà Lạt). Những ai muốn ra tham dự lễ Khánh thành và Cung hiến nhà thờ Lý Sơn phải photocopy chứng minh thư nhân dân trước đó 20 ngày gởi ra cho cha sở Lý Sơn để cha lên danh sách trình cho chính quyền. Việc làm  ấy đã minh chứng cho sự tự do đi lại, tự do tôn giáo “trong khuôn khổ”. Đoàn đi Lý Sơn đã  khởi hành lúc 3 giờ 8 phút thứ bảy ngày 9/8/2014 tại trước cổng nhà thờ Bắc Thành nhưng không trực chỉ Lí Sơn mà lại đi “vòng vo” ra La Vang. Tuy chưa đến ngày khai mạc Đại hội La Vang 2014 nhưng đã có nhiều khách hành hương trong Nam,ngoài Bắc đến viếng Linh địa La Vang. Đúng 5 giờ ngày 10/08, Linh mục Dũng dâng thánh lễ tại Linh đài Đức Mẹ La Vang. Lễ xong, Củ tham quan Linh địa La Vang một vòng. Trước mặt Vương cung thánh đường cũ đang thiết kế lễ đài cho Đại hội và đây đó là lều trại được dựng sẳn để đón tiếp khách hành hương về tham dự Đại Hội. Phía sau Vương cung thánh đường cũ, nơi có tượng đài Thánh Tâm Chúa Giê su trước đây đang là công trình xây dựng Vương cung thánh đường mới.

Điểm tâm sáng xong, đoàn Nha Trang “ vòng vo “ ra tham quan động Phong Nha. Đoàn đã ăn trưa tại nhà nghỉ Phương Hà do các soeur Mến Thánh Giá Vinh đảm trách. Nhà nghỉ các soeur chỉ cách nhà thờ Giáo xứ Hà Lời khoảng 20 mét. Nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, gần sát bên sông và cũng gần bến để tham quan động Phong Nha. Quí vị nào muốn tham quan động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn thì không thể tham quan hết trong một ngày mà cần phải nghỉ đêm và hôm sau mới tham quan hết được thì nên nghỉ lại đây, giá một phòng chỉ có 200 ngàn mà thôi  (coi chừng cò mồi. Ở đây cũng có lắm cò!), các soeur còn phục vụ ăn uống nếu có yêu cầu , Củ xin cung cấp số điện thoại: ĐT: 0523.677.166  –  DĐ: 01698.090.323

 

Trước đây  giáo xứ Hà Lời thuộc Tổng giáo phận Huế, ngoài giáo xứ Hà Lời ở bờ nam sông Gianh, gần cửa biển có giáo xứ Bồ Khê cũng thuộc Tổng Giáo phận Huế. Sông Gianh có 3 nguồn chính và các nhà nghiên cứu lịch sử không biết thời Trịnh – Nguyễn phân tranh lấy nguồn sông nào làm ranh giới. May nhờ có các giáo xứ hai bên sông Son còn gọi là nguồn Son, nơi nước từ động Phong Nha chảy ra, mới xác định được ranh giới thời Trịnh – Nguyễn. Bên bờ Bắc sông Son , gần cầu Xuân Sơn có giáo xứ Gia Hưng, ngược lên phía tây có nhà thờ họ Na, họ Chày trước đây thuộc địa phận Đàng Ngoài. Ở bờ nam sông Son có giáo xứ Hà Lời thuộc địa phận Đàng Trong và cho tới những năm gần đây giáo xứ Hà Lời, Bồ Khê vẫn thuộc Tổng Giáo phận Huế. Cách nay vài năm Tổng giám mục  Têphanô Nguyễn Như Thể đã ký giao khu vực bờ nam sông Gianh cho đến ranh giới Quảng Bình và Quảng Trị cho Giám mục Phao lô Cao Đình Thuyên của địa phận Vinh cai quản (  giáo xứ Tam Tòa ở Đồng Hới hiện nay thuộc địa phận Vinh . Trước đây Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận từng là cha phó giáo xứ Tam Tòa ).

 

Từ bến thuyền đi ngược dòng sông Son để đến động Phong Nha hơn 4 cây số. Chỉ khoảng 2 năm nay thôi, thuyền tham quan động Phong Nha được vào sâu bên trong nhiều hơn  so với trước đây. Ra khỏi cửa động Phong Nha (động Nước) là trèo lên khoảng vài trăm bậc cấp là đến động Tiên Sơn (còn gọi là Động Khô, do không có nước bên trong động). Đoàn Nha Trang đã tham quan động Thiên Đường trong đợt trước nên lần này không tham quan nữa. Khi tham quan các động chúng ta mới thán phục kỳ công của Thượng Đế : “ Trần hoàn ơi ca lên đi!”.

 

Giá vé vào động Phong Nha là 80 ngàn đồng, động Tiên Sơn là 40 ngàn đồng  tiền ghe đò là 350 ngàn một chiếc, mỗi chiếc chở 15 người trở lại (chia ra gần 25 ngàn đồng cho một đầu người). Vị chi mỗi người vào động Nước, động Khô và tiền ghe đò khoảng 150 ngàn đồng. Tại bến thuyền vào động Phong Nha có rất nhiều thợ chụp ảnh. Tiếp xúc với một cô chụp ảnh, Củ mới biết là có hơn 400 thợ chụp ảnh đang hoạt động. Mỗi thợ chụp ảnh được hoạt động mỗi tuần một lần. Khi phân công lên thuyền nào là chụp ảnh cho những người trên thuyền ấy mà thôi. Nếu khách tham quan chụp nhiều ảnh thì nhờ, ít thì ráng mà chịu. Với vẻ đẹp tuyệt vời ở bên trong các động nên khách tham quan dễ bị sa chước cám dỗ trước lời mời mọc của các thợ chụp ảnh. Tham quan xong lên đến bến là giao ảnh liền. Ảnh gốc 20 ngàn đồng, ảnh rửa thêm là 15 ngàn đồng.

 

Rời Phong Nha, đoàn Nha Trang về viếng lăng các vị tử đạo ở giáo xứ Trí Bưu. Lăng này an táng hơn 600 hài cốt các vị bị phong trào “ Bình Tây, sát Tả” sát thiêu sau khi kinh thành Huế thất thủ năm Ất Dậu (1885). Viếng xong đoàn về lại Nhà nghỉ La Vang nghỉ đêm. Sáng thức dậy, ăn điểm tâm và đến Linh đài từ giã Đức Mẹ để đi chợ Cửa khẩu Lao Bảo. Lên đến Khe Sanh về bên tay trái sát Quốc lộ 9 có một nhà thờ Tin Lành, cũng tại địa điểm ấy nhìn xa xa về bên tay phải có một ngôi thánh đường Công giáo mới cất trên ngọn đồi cao . Đoàn lên đến Cửa khẩu rồi quay lại dừng chân ở Trung tâm Thương mại Lao Bảo để mua sắm. Trung tâm này chỉ nhộn nhịp vào buổi chiều, buổi sáng thì nhộn nhịp ở chợ cũ cách đó không xa. Kế bên Trung tâm có Siêu thị miễn thuế Mukdahan Thailand. Siêu thị này quảng cáo : “ hàng Thái xịn mới là chỗ này”, “ Chúng tôi cam kết đảm bảo chất lượng trên từng sản phẩm”. Trong siêu thị này có bán đủ mặt hàng từ xe máy cho đến hàng gia dụng, cả gạo Thái Lan đựng trong túi 5 kí cũng có! Đặc biệt nhà vệ sinh nam của siêu thị này có 4 nhà cầu với 4 bồn cầu sản xuất ở Thái Lan nhưng không nhà vệ sinh nào còn nắp bàn cầu để ngồi cả! Chắc là người dân địa phương ở đó leo lên nắp bàn cầu ngồi nên bể hết chăng? Không biết bên phía nhà vệ sinh nữ có như vậy không?

 

Tạm biệt Lao Bảo, đoàn Nha Trang trực chỉ chợ Đông Ba để ăn uống, mua sắm. Giã từ chợ Đông Ba, xe tiến thẳng lên Đan viện Thiên An. Nhiều người trong đoàn hỏi Củ: Sao không ghi Tu viện Thiên An mà lại ghi Đan viện Thiên An?”. Củ liền trả lời theo những hiểu biết của Củ : Đan có nghĩa là đơn, đối lại với chữ “phức” (kép), một cái gọi là “ Đan”; Viện là phòng. Dòng Thiên An là Dòng Biển Đức, thuộc Dòng chiêm niệm. Những dòng chiêm niệm như dòng Xi tô, Dòng kín …mỗi tu sĩ ở mỗi phòng .

 

Tối 12/08/2014 đoàn Nha Trang có mặt tại Linh Địa Trà Kiệu, do đã đăng kí trước với các soeur Mến Thánh Giá Qui Nhơn  nên đoàn được bố trí chỗ nghỉ cạnh nhà nguyện Phước Viện của các bà Mến Thánh Giá cũ. Nhà Nguyện Phước Viện được Giám mục Phao lô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh quyết định là nơi Chầu Thánh Thể 24/24 và đến chiều thứ năm hàng tuần thánh lễ được dâng tại đây. Tối hôm ấy Linh mục Dũng dâng thánh lễ tại Nhà nguyện Phước Viện. Tại Linh địa Trà Kiệu có rất nhiều đoàn hành hương ra La Vang ghé lại viếng Đức Mẹ. Trong những đoàn ấy có một đoàn giáo dân người K’ho ở Đức Trọng – Lâm Đồng. Củ trò chuyện với họ và hỏi thăm chi phí đi ra La Vang là bao nhiêu? Họ trả lời : tiền xe là 1 triệu đồng, tiền ăn tự túc ( Trước khi đến Linh địa Trà Kiệu đoàn của họ đã ghé và ở lại Tượng đài Đức Mẹ Măng Đen một đêm).

 

Sáng 13 , Linh mục Dũng dâng thánh lễ tại Linh đài Đức Mẹ Trà Kiệu. Tạm biệt Trà Kiệu, đoàn Nha Trang tiến thẳng vào cảng Sa Kỳ để đúng 14 giờ, tàu chở ra Lý Sơn. Tại bến cảng có dựng rạp và bàn ghế đàng hoàng để khách ngồi đợi tàu. Họ phát cho mỗi người một dây đeo cổ và  có ghi “ Mừng lễ khánh thành nhà thờ Lý Sơn, 13/08/2014” và mỗi người một chai nước và một khăn giấy ướp lạnh.

 

Cảng Sa Kỳ thuộc xã Bình Châu , huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ cảng Sa Kỳ nhìn ra khơi thấy đảo Lý Sơn. Đảo cách bờ khoảng 30 cây số và tàu cao tốc chở khoảng 200 hành khách chạy mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Gọi là đảo Lý Sơn nhưng trên thực tế có tất cả 3 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Lý Sơn hoặc Cù lao Ré), Trên đảo có hai xã là An Vĩnh và An Hải. Trung tâm huyện đảo Lý Sơn nằm ở phần đất xã An Vĩnh; Đảo Bé (còn gọi là Cù lao Bờ Bãi), nằm phía Bắc đảo Lớn. Trên đáo Bé có xã An Bình; Hòn Mù Cu, nằm phía đông đảo Lớn. Củ đã đặt chân đến quần thể Mù Cu, và thấy đang đổ đất để nối liền đảo Lớn và hòn Mù Cu. Tại đây trên đảo Lớn gần quần thể Mù Cu đang xây Trung tâm Cảnh sát biển. Diện tích toàn huyện đảo Lý Sơn là 9,97 cây số vuông. Đảo Lý Sơn được hình thành từ dung nham núi lửa, nền đất ở đây có màu đỏ cho nên thích hợp với cây tỏi. Trên nền đất đỏ ấy sau khi rải phân hữu cơ, người dân Lý Sơn gánh cát (nay thì mướn xe cơ giới chở) từ bãi biển vào trải lên một lớp cát rồi mới trồng tỏi. Đến mùa sau phải cào lớp cát ấy ra và trải lớp cát mới lên.Trên đỉnh núi Thới Lới có một cái hồ nước chảy xuống suối Chình, hồ nước ấy khi xưa là miệng núi lửa . Dân Lý Sơn đã xây chận miệng hổ lại để chứa nước tưới tỏi trên đảo.

 

Vì sao đảo Lý Sơn còn gọi là cù lao Ré? Trên đảo Lý Sơn có nhiều loại cây rừng có trái ăn được. Trước đây trên đảo có rất nhiều cây Ré, cây Ré  thân và lá gần giống như cây nghệ, trái chín ăn được nên mới có tên như vậy. Trên đảo Lý Sơn có 5 hòn núi, dân gọi là Ngũ Hành sơn. Đó là Hòn Tai,  núi Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, núi Thới Lới.

 

Trước khi thành lập huyện đảo Lý Sơn vào năm 1992, đảo Lý Sơn thuộc huyện Bình Sơn và xã An Hải hiện nay có tên là xã Bình Yến, xã An Vĩnh hiện nay có tên là xã Bình Vĩnh. Sau khi thành lập huyện đảo Lý Sơn thì xã Bình Yến đổi thành xã Lý Hải, xã Bình Vĩnh đổi thành xã Lý Vĩnh. Trong thời gian diễn ra tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa nên đổi tên Lý Hải thành An Hải, Lý Vĩnh thành An Vĩnh. Sự thật là xã An Hải và An Vĩnh ở trong đất liền, nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh. Nơi đây mới là quê gốc của lớp cư dân đầu tiên trong đất liền ra khai khẩn trên đảo Lý Sơn vào thế kỷ 17.

 

Đúng 14 giờ xe chở Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đức Giám mục Mattheu Nguyễn Văn Khôi – Giám mục địa phận Quy Nhơn và các linh mục đến cảng. Sau khi nghỉ ngơi vài phút, đoàn người tham dự lễ khánh thành xuống tàu (buổi sáng đã có một chuyến rồi). Trên tàu có máy điều hòa, Sau hơn một tiếng đồng hồ, tàu cập bến. Trên bờ giáo dân Lý Sơn cầm cờ “  Vatican đuôi nheo” đón đoàn. Củ gọi cờ “ Vatican đuôi nheo” bởi vì cờ hình tam giác cũng có màu vàng màu trắng và trên nền trắng có huy hiệu mũ ba tầng nữa! Không chỉ người Công giáo đảo Lý Sơn  hân hoan chào đón mà ngay cả những người lương họ cũng vui mừng vì đảo được tiếp đón đoàn người với số lượng đông như thế.

 

Từ bến cảng vào đến nhà thờ độ 4 cây số. Đoàn người gần 200 người được xe con lần lượt đón vào đến tận nhà thờ Lý Sơn mà không một ai phải đi bộ cả. Trên đảo có đủ Nhà nghỉ, nhà hàng, xe du lịch, xe chuyên chở vật liệu xây dựng… Chuông trên tháp nhà thờ ngân vang đón chào quan khách. Sau nghi thức chào đón tại nhà thờ (đã chào đón ngoài bến cảng rồi!), quan khách ngồi uống nước nghỉ xả hơi. Riêng Đức TGM, GM và các Linh mục, tu sĩ nam nữ về Nhà nghỉ , còn giáo dân thì nghỉ tại khu vực nhà xứ. Tất cả quan khách ăn tối tại khuôn viên nhà thờ và có diễn văn nghệ chào mừng quan khách.

 

Biết là cơ hội ngàn năm có một và chỉ lưu lại đảo trong 24 tiếng đồng hồ nên sau khi nhận chỗ nghỉ đêm, Củ đã đi bộ tham quan đảo. Điểm đến đầu tiên là dinh Thiên Y Thánh mẫu (dân ở đây gọi là dinh Bà Trời). Bức án phong của dinh này có một con kỳ lân nguyên khối bằng đá. Những người kể với Củ là con kỳ lân ở dinh này là con kỳ lân đực và còn một con kỳ lân cái cũng bằng đá nguyên khối nằm ở chùa Vĩnh Ân ( gần đình An Vĩnh) cách dinh gần 4 cây số. Củ liền đi bộ để đến xem con kỳ lân cái ở chùa Vĩnh Ân. Trên đường Củ ghé vào thăm tượng đài “ Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” mà chúng ta thường thấy trên màn ảnh mỗi khi nói đến lễ Khao lề thế lính. Mặt sau của tượng đài là những dòng chữ vừa Hán vừa Việt. Hai dòng chữ lớn chính giữa gồm 11 chữ Hán nằm bên phải và 11 chữ quốc ngữ phiên âm những chữ Hán ấy nằm bên trái: “BẢN QUỐC HẢI CƯƠNG HOÀNG SA XỨ TỐI THỊ HIỂM YẾU”. Dòng lạc khoản bên phải  ghi 8 chữ Hán, xin được phiên âm : “ Minh Mạng thứ thập thất, Bính Thân niên”, lạc khoản bên trái ghi chữ quốc ngữ: “ Minh Mạng thứ 17 năm Bính Thân 1836”. Câu “ Bản quốc hải cương Hoàng sa xứ tối thị hiểm yếu” (Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa là rất hiểm yếu) là câu nói của Bộ Công tâu lên vua Minh Mạng năm thứ 17 (1836).  Sau khi thăm nhà trưng bày  Đội Hoàng Sa nằm sau tượng đài, Củ đã góp ý với  người trông coi nhà trưng bày là nên báo cho ngành là sửa lại dòng văn hóa sửa lại lạc khoản bằng chữ Hán: “Minh Mạng thứ thập thất, Bính Thân niên”, nếu ghi như vậy là sai văn phạm chữ Hán. Câu ấy nếu hoàn chỉnh là : “ Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân”. Ra khỏi khu vực tượng đài, Củ tiếp tục đi về hướng tây của đảo Lớn, Củ ghé vào Dinh Đụn ( tên chữ là Linh Bảo điện) vì đóng cửa nên không biết bên trong thờ ai. Trong khu vực Dinh Đụn có cây Sộp cổ thụ trên 100 tuổi, tháng 7 vừa qua cây Sộp ấy được công nhận là ‘Cây Di Sản Việt Nam”. Trước cổng vào dinh Đụn vẫn còn băng rôn mang dòng chữ: “Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự lễ công nhận cây di sản Việt Nam”. Tại Dinh Thiên Y cũng có cây Sộp nhỏ hơn cây Sộp ở Dinh Đụn một ít.

 

Đến được chùa Vĩnh Ân thì trời đã tối. Ở đảo Lý Sơn từ 18 giờ đến 22 giờ  mới có điện, ngoài ra muốn có điện phải dùng máy phát điện riêng. Ngoài bờ biển trước mặt chùa Vĩnh Ân lợi dụng nước biển rút, xe múc đang hối hả đào đất để đặt dây điện ngầm từ đất liền ra. Trên đảo trụ điện đã trồng xong chỉ chờ kéo dây điện mà thôi. Nghe nói ngày 10/10/2014 việc nối điện từ đất liền ra đảo Lý Sơn sẽ được hoàn tất. Một khi đã có điện lưới quốc gia rồi thì bộ mặt đảo Lý Sơn sẽ đổi khác!

 

Vào chùa Vĩnh Ân, Củ xin phép thầy trụ trì cho xem tượng kỳ lân, thầy trụ trì dẫn Củ đến bậc cấp trước chùa về bên tay phải và chỉ cho xem con kỳ lân. Và quả thật con kỳ lân này là con kỳ lân cái vì chân trái trước của nó ôm con lân con. Hình tượng ấy gọi là “ lân mẫu xuất lân nhi”. Con lân con mới được đắp lại vì con lân con nguyên gốc bị  kẻ vô ý thức đập bể. Ngoài ra chùa cho tạc một con lân khác để phía tay trái cho đối xứng trước chùa. Còn con lân ở dinh Thiên Y là lân đực, chân phải trước của nó đang ôm trái cầu. Hình tượng này gọi là “ lân hí cầu”(lân đùa giỡn trái cầu). Hai con lân này được vớt ngoài biển từ rất lâu rồi . Chắc là hai con lân này của người Trung Quốc chở đi  ra nước ngoài để đặt trước một Hội quán nào đó  và bị đắm gần đảo Lý Sơn chăng? Gọi là “ kỳ lân” là gộp lại, chứ con đực gọi là “kỳ, con cái gọi là “lân”. Khi học ở Huế, có một cô bé dân Quảng Ngãi tên là Nguyễn Thị Phụng Uyên, học Khoa ngoại ngữ tiếng Anh, Củ đùa với em đó: Tên của em toàn là giống đực không hà! Củ mới giải thích: chim Phụng hoàng là gọi chung, chớ con đực là “Phụng, con cái là “Hoàng”, cũng như Uyên ương thì con Uyên là con đực, con Ương là con cái.

 

Quan sát xong, Củ xin phép chộp con lân ấy vài pô hình. Từ giã sư trụ trì , Củ đến thăm đình An Vĩnh. Đình An Vĩnh  được Nhà nước cấp kinh phí và mới được trùng tu lại. Trời quá tối nên Củ đi theo đường bờ kè về lại nhà thờ Lý Sơn. Con đường này chạy men theo bờ biển và bao vòng đảo Lớn.

 

Về đến nhà thờ Lý Sơn thì mọi người đã ăn tối xong và đang xem diễn văn nghệ. Tắm rửa xong, Củ ngủ một giấc để có sức sáng mai lại tham quan tiếp.

 

Năm 1959, người đi tiên phong trong việc truyền giáo trên đảo Lý Sơn là ông Dương Minh Giáng. Năm 1961 nhà nguyện được đặt tại nhà ông Bùi Đài. Năm 1962 Tổng thống Ngô Đình Diệm có ghé thăm nhà nguyện Lý Sơn. Đầu năm 1963 khởi công xây dựng nhà thờ Lý Sơn. Mặt bằng nhà thờ do chính quyền xã và Đại diện khu hành chánh Lý Sơn cấp cho. Theo lời kể của những người mà Củ đã tiếp xúc cho biết là ông Bùi Đài làm Đại Diện xã Bình Yến (nay là xã An Hải) đã thuyết phục ông “Cả” (người đứng đầu của 7 tộc họ tiền hiền xã Bình Yến) di dời lăng Ông Nam Hải (cá Voi) đi nơi khác và nhường khu vực ấy để cất nhà thờ. Chắc là khi ấy lăng Ông Nam Hải cũng đã xuống cấp rồi. Vả lại chắc là có tiếng nói của Ngô Tổng thống, nên ông “Cả” đồng ý. Sau vụ đảo chánh 1/11/1963 việc xây dựng nhà thờ bị đình lại. Năm 1964 khu vực nhà thờ bị chính quyền dùng làm trại định cư nhưng đã bị họ đạo đấu tranh ngăn chặn. Năm 1965, Linh mục Tô ma Phạm Hữu Thiện, DCCT được sai đến coi sóc họ đạo. Linh mục lo tái thiết nhà thờ. Thời điểm này có khoảng 500 giáo dân tòng giáo.

 

Năm 1966 Linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp, DCCT đến thay Linh mục Tô ma Thiện. Linh mục Phêrô Diệp  thành lập trường Tiểu học Tư thục Thăng Tiến. Tháng 6/1966 Giám mục Đa minh Hoàng Văn Đoàn đến thăm họ đạo. Năm 1970 xây dựng nhà xứ. Năm 1972 Linh mục Phêrô Diệp xây dựng Nhà nguyện, trường học cho họ Bình Vĩnh ( nay là An Vĩnh). Lúc Củ lên xe con từ bến cảng để vào nhà thờ Lý Sơn, có một anh người lương đến bên xe chỉ về hướng Bình Vĩnh và nói: Trước năm 1975 ở hướng này có “nhà độ” (đạo) lớn lắm, sau năm 1975 chính quyền phá bỏ “nhà độ” đi! Năm 1974 Linh mục Micae Trương Văn Hành đến thay Linh mục Phêrô Diệp. Ngày 31/3/1975 Cộng sản tiếp quản đảo Lý Sơn , nhà nguyện, trường học của họ Bình Vĩnh “ được chính quyền mượn” làm kho làm trường học. Ngày 18/09/1978 chính quyền buộc linh mục Micae Hành rời khỏi đảo Lý Sơn, nhiều gia đình giáo dân buộc phải đi kinh tế mới. Nhà thờ Lý Sơn “được mượn” làm kho chứa lương thực, sau lại cho tư nhân thuê để chiếu phim. Tháng 6/1992 một số giáo dân bắt đầu tụ tập đọc kinh tại nhà ông Bùi Giới và cùng nhau ký vào thỉnh nguyện yêu cầu chính quyền trả lại nhà thờ để giáo dân có nơi hành đạo. Ngày 16/12/1993 chính quyền giao trả lại cho giáo dân nhà thờ Lý Sơn. Ngày mồng 1 Tết năm Giáp Tuất (1994), Linh mục Micae Hành được chính quyền cho phép ra nhà thờ Lý Sơn dâng thánh lễ minh niên.

 

Tháng 7/1995 Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các nâng họ đạo Lý Sơn (trước đây là họ nhánh của Giáo xứ Châu Ổ) lên hàng giáo xứ.

 

Ngày 21/9/2010 Linh mục Nguyễn Quốc Việt, DCCT được nhà Dòng bổ nhiệm ra Lý Sơn làm công tác mục vụ. Ngày 8/7/2011, Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm linh mục Nguyễn Quốc Việt làm Linh mục quản xứ giáo xứ Lý Sơn. Mối ưu tư của Linh mục Nguyễn Quốc Việt là tái tạo lại thánh đường cho khang trang hơn, và nay đã thành hiện thực. Người thiết kế bản vẽ nhà thờ Lý Sơn là một thanh niên tuổi khoảng 30, quê thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Huế, Củ đã trò chuyện với anh ta. Kiến trúc nhà thờ rất đẹp nhưng rất tiếc là cất theo hướng nhà thờ cũ, nếu đổi hướng quay ra biển thì đẹp biết bao! Lưng nhà thờ quay ra đại dương bao la. Vách tường sau của nhà thờ chỉ cách con đường bờ kè sát biển khoảng 20 mét thôi. Và trong khoảng đó không có công trính nào che khuất cả. Ban đêm từ ngoài biển nhìn vào ánh điện gắn trên thánh giá đặt trên đỉnh tháp chuông nhà thờ giống như ngọn hải đăng!

 

Sáng ngủ dậy, ai muốn dùng cà phê thì đã có cà phê “tốc hành” và nước nóng trên bàn. Dùng cà phê xong thì tiếp đến mỗi người dùng một cái bánh bao. Đến 8 giờ mới bắt đầu lễ. Dự lễ ngoài Đức Tổng giám mục, Đức Giám mục địa phận Quy Nhơn và hơn 30 linh mục trong và ngoài địa phận Quy Nhơn và nhiều giáo dân giáo xứ Lý sơn cùng các giáo xứ khác . Vì đã dự lễ khánh thành và cung hiến nhiều nhà thờ rồi nên Củ quyết định là không tham dự nghi thức này ở nhà thờ Lý Sơn mà dành thời gian ấy để tiếp tục tham quan đảo Lý Sơn. Vì đây là cơ hội hiếm có. Khởi đầu chuyến tham quan sáng ngày 13/08 của Củ là đình An Hải. Ngôi đình này nằm kế góc đông nam của khu vực nhà thờ Lý Sơn. Kề vách tường rào phía nam của nhà thờ có một ngôi mộ cá Ông (cá voi) dài khoảng 14 thước. Con cá Ông này bị “lụy” vào mùa mưa bão năm 2013 , được ngư dân ở đây vớt lên an táng và khi mãn tang sẽ moi lên rửa sạch bộ xương và đem nhập vào lăng để thờ cúng. Xung quanh mộ cá Ông , ngư dân  cắm cọc tre và chăng dây rào lại. Trên đầu mộ có che một cái rạp nhỏ để cái bàn và trên bàn có hương đăng hoa quả và một cái bài vị ghi bằng chữ Hán, Củ xin phiên âm: “ Đại tướng Hoàng Long hải chi linh vị”.

 

Đình An Hải cổ kính. Đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 20/8/1997 do ông Nguyễn Khoa Điềm ký và khi ấy gọi là đình Lý Hải chớ chưa gọi là An Hải. Sẳn có ông từ đình đang bán nước giải khát ở trước đình, Củ nói với ông ta là Củ muốn vào bên trong để quan sát cách thờ tự, ông vui vẻ nhận lời và mở toang cửa để Củ quan sát. Sau khi quan sát thì thấy đình này cất lại vào năm Quí Mùi (1943) và lúc ấy  có tên là “ HẢI YẾN ĐÌNH”. Hải Yến được rút ra từ câu : “ Hải yến, hà thanh” (Biển lặng, sông trong). Hai cột ngoài cùng ở hàng hiên trước được xây trên lưng hai con kỳ lân đắp mảnh sành. Toàn bộ câu đối trong đình đều bằng chữ Hán, duy chỉ có cặp câu đối ở hai bên hàng cửa trước đình bằng chữ quốc ngữ: “Biển thẳm, vực thâm nguyên, muôn thuở trời Nam đưa lượng Thánh/ Non cao, cây tú mậu, nghìn thu gió bắc khẻ rung cành”.

 

Ngoài đình An Hải là trung tâm của việc cúng kính thần linh, cả xã An Hải còn có 24 tòa dinh miễu (chưa kể chùa và nhà thờ tộc họ). Nếu cộng chung với xã An Vĩnh thì cả đảo Lý Sơn có khoảng 50 tòa dinh miễu. Như vậy là cứ đi một đoạn là gặp dinh, gặp miễu. Tối mùng 3 rạng mùng 4 Tết ở đình An Hải cúng lễ Động Thổ (có nơi gọi là lễ Khai Sơn, mở rừng ), sau đó 4 Lân (xóm) mới rước đuốc từ đình về lân của mình để cúng tế. Có tất cả 4 lân: Lân ghe Rồng (khu vực dinh Bà Chúa Vàng); Lân ghe Lân (khu vực dinh Bà Thủy); Lân ghe Quy(khu vực dinh Bà Trời – Thiên Y); Lân ghe Phụng ( khu vực dinh Thái Giám).

 

Từ mùng 4 Tết cho đến mùng 8 Tết giữa các lân tổ chức đua ghe với nhau. Đến ngày mùng 8 Tết chọn 4 ghe đứng đầu lên khu vực Tượng đài Hải đội Hoàng Sa để thi với 4 ghe của xã An Vĩnh. Tất cả 8 ghe cùng đua, rồi chọn lại 4 ghe để vào chung kết. Có năm giải nhất, nhì, ba đều thuộc về một xã mà thôi.

 

Trong mâm lễ vật để cúng tế của người dân Lý Sơn không thể thiếu bánh ít lá gai. Cũng vì bánh ít lá gai mà một vị tiền hiền trong làng An Hải bị “ khước” (từ giã) ra khỏi danh sách các vị tiền hiền. Lúc mới khai hoang lập ấp vùng đất An Hải hiện nay, có 8 họ là tiền hiền (Nguyễn, Nguyễn, Nguyễn, Trương, Dương, Trần, Võ, Lê.  Ba ông họ Nguyễn chỉ “đồng tánh” nhưng lại “bất đồng tông”). Ông họ Lê gốc người Huế vào. Đến ngày cúng đình, các tộc họ cùng làm bánh trái để cúng kính. Họ xúm nhau làm bánh ít. Sau khi quết bột nếp và lá gai xong thì đổ ra nia  rồi mới gói. Vợ ông họ Lê từ xưa giờ chưa thấy cách làm bánh ít lá gai bao giờ, nên khi thấy cục bột đen thui nằm trong nia nên buộc miệng nói: Bánh gì mà giống như bãi cứt trâu vậy! Bảy ông còn lại nghe như vậy cho là xúc phạm đến thần linh nên cùng nhau bán đất ra kinh đô kiện. Ra kinh đô bảy tộc họ kia thắng kiện, ông tộc Lê uất ức vì do một lời nói vô tình của vợ mà mình phải mang vạ nên ông tự tử tại Huế. Hiện nay mộ ông tộc Lê vẫn còn ở trong Đại nội Huế. Đó là lời kể của một hậu duệ họ Lê mà Củ đã tiếp xúc. Hiện nay trong miếu Tiền Hiền làng An Hải chỉ thờ 7 vị tiền hiền mà thôi. Cũng theo lời kể của hậu duệ họ Lê là sau khi chết ông họ Lê rất linh hiển. Đến mùa cá trích vào bờ rất nhiều nhưng không ai vớt được con nào cả! Sau có người “ phụ đồng” bảo là mỗi năm phải cúng cho ông tộc Lê một heo mới vớt được cá trích, và quả thật như vậy(?). Sau khi vớt xong cũng chia cho ông tộc Lê một phần (con cháu ông hưởng). Nay không còn cúng heo nguyên con nữa mà chỉ cúng “ thủ vỹ” mà thôi!

 

Muốn làm ông “Cả” (đứng đầu trong bảy tộc tiền hiền) đứng cúng ở vị trí chiếu giữa ở đình làng và miếu tiền hiền,  trước tiên phải được chọn vào đứng tế ở chiếu “ tây hiến” ( đứng cúng ở bàn thờ bên hữu của bàn thờ chính). Khi nào vị trí chiếu cúng của ông “Cả” khuyết thì ông “đông hiến”(đứng cúng ở bàn thờ bên tả của bàn thờ chính) lên nơi vị trí ông “ Cả” (chánh tế) và ông “tây hiến” sẽ sang vị trí “đông hiến”. Gần đây trong thất tộc làng An Hải cũng mời họ Lê vào đứng cúng tế nhưng họ chối từ vì sợ tổ tiên quở phạt!

 

Phía đông đảo Lý Sơn gần ngọn hải đăng Lý Sơn trước đây là phi trường dã chiến của Pháp, sau quân đội Việt Nam cộng hòa tiếp tục sử dụng. Hiện nay là vùng trồng tỏi, trồng hành. Từ nơi này nhìn lên sườn núi Thới Lới toàn là  đá nguyên khối. Trên sườn núi đá có Hòn đá Con Trâu (hình tượng giống con trâu đang gặm cỏ) rất to đứng cheo leo mà vẫn trụ được trước biết bao là cơn phong ba bão táp!

 

Ra đến Lý Sơn mà không nhắc đến ĐỘI HOÀNG SA KIÊM QUẢN BẮC HẢI là một thiếu sót lớn, bởi vì đảo Lý Sơn đã cung cấp nhiều người con để ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc xác định chủ quyền của nước ta vào thời Chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Danh tính nhiều người trong đội Hoàng Sa còn lưu trong sử sách. Sách Đại Nam thực lục ghi vào tháng 7 năm Giáp Tuất (1754) “ Dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh Hậu cấp rồi cho đưa về . Chúa (Nguyễn Phúc Khoát  – TG) sai viết thư [cám ơn].( Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý trường sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v.v…Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ 3 đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản)” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (ĐNTL) tập 1, Nxb Giáo dục, trang 164).

 

Buổi quốc sơ có nghĩa là vào những năm đầu thế kỷ 17 thời các chúa Nguyễn. Tháng 2 năm Ất Hợi (1815) “ Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”(ĐNTL tập 1, trg 898). Củ có ghé vào thăm Phạm tộc từ đường gần dinh Đụn thuộc xã An Vĩnh.

 

Tháng 6 năm Ất Mùi (1835): “ Dựng đền thờ thần [ở đảo] Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ “ Vạn lý ba bình”(muôn dặm sóng êm) (Cồn Bạch Sa [cát trắng] chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều có đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát là Bàn Than thạch). Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám Thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu. (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước xây bình phong. Mươi ngày làm xong, rồi về” (ĐNTL tập 4 , trg 673).

Sau này Trung Quốc khi khảo cổ trên đảo Hoàng Sa cũng mô tả  : “ Các nhân viên khảo cổ Trung Quốc còn phát hiện được 14 ngôi miếu cô hồn và cho rằng chúng đã có từ thời Minh – Thanh. Trong các ngôi miếu cô hồn ấy lại có hai ngôi miếu ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm ( Ile Brisée) đã được nhóm Hàn Chấn Hoa biên chép lại từ bài báo “ Từ quần đảo Tây Sa trở về” trên Đại Công báo Hương Cảng, ngày 31.03.1957 ghi rõ: “ Trên đảo Vĩnh Hưng [Phú Lâm] hiện nay có hai ngôi miếu mà ngư dân tự xây dựng nên. Miếu mặt nam gọi là “ Cô hồn miếu”, miếu mặt bắc gọi là “ Hoàng Sa tự” ( Hàn Chấn Hoa, Ngô Phượng Chi, Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hội biên, thiên thứ 1, trg. 115. Dẫn lại Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Những bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế về sự xác lập& thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa – Trường Sa, Đăng trên Tạp chí Xưa&Nay số 449 tháng 7 năm 2014. Đặc khảo Hoàng Sa -Trường Sa).

 

Hoàng Sa tự chính là ngôi miếu mà vua Minh Mạng đã sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính thợ ra xây dựng vào năm 1835. Chứ  nếu của Trung Quốc thì phải ghi là “ Tây Sa tự” chứ không thể ghi “ Hoàng Sa tự”!

 

Trên đảo Lý Sơn có nhiều “ngôi mộ gió”để tưởng nhớ những người con của Lý Sơn đã ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ do triều đình giao nhưng không bao giờ trở về.

Sáng 13/08 trong lúc trò chuyện với một anh thương binh đang nằm trên võng gần đình An Hải, Củ đã mượn được chiếc xe đạp mini cà tàng (xe không có thắng!) của anh ta, nên mới tham quan được nhiều địa điểm phía đông của xã An Hải.

 

Khi Củ về lại nhà thờ Lý Sơn thì tiệc tùng đã gần xong. Tiệc xong cha sở Lý Sơn có lời cám ơn khách tham dự. Phải có lời khen ngợi cha sở Lý Sơn. Tuy xa cách đất liền nhưng cha sở Lý Sơn đã lo cho khách tham dự một cách chu tất từ khi khách đặt chân đến cảng Sa Kỳ cho đến khi rời đảo Lý Sơn. Đúng 14 giờ tàu sẽ rời bến. Cha sở Lý Sơn huy động tất cả xe máy trong giáo xứ chở toàn bộ khách tham dự ra bến tàu. Xe chở hai, chở ba, không cần đội mũ bảo hiểm mà chẳng ai thổi phạt cả! Đúng 14 giờ tàu rời bến để lại bao lưu luyến nhớ nhung cho kẻ ở cũng như người đi. Ngồi bên cạnh Củ trên tàu cao tốc có mấy anh dân tộc K’ho, Mạ ở Lâm Đồng ra dự. Chắc là mấy anh này có dây mơ rễ má với cha sở Lý Sơn đây?

 

Đoàn Nha Trang về đến cổng nhà thờ Bắc Thành vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 14/08/2014. Tạ ơn Chúa sau một chuyến đi bình an. Sau chuyến đi Lý Sơn này, Củ lại ấp ủ sẽ ra Lý Sơn lần nữa và lần ấy sẽ nhiều ngày hơn để nghiên cứu kỹ càng về đất nước và con người Lý Sơn.

  Phê rô Củ Nghệ (SB 74)