Dặm đường gió bụi (Long Paul sb63)

Dặm đường gió bụi 

 

Đây là lần đầu tiên hai anh em Long Sb63 và Tài Sb67 thực hiện chuyến đi du lịch xa nhất cả ngàn cây số về hướng Bắc của đất nước, bên kia cầu Hiền Lương nối liền hai bờ sông Bến Hải. Vậy mà cũng đã 38 năm rồi, không thể sớm hơn để đi hết mọi nẽo đường của đất nước, hiểu về con người và cuộc sống tiềm ẩn những đặc tính riêng biệt, nhưng tất cả đều muốn vượt lên trên khó nghèo, vươn tới giá trị cuộc sống cao nhất.

 

Sau khi dự lễ cầu cho những anh em CSB đã tạ thế diễn ra vào lúc 05g00′ chiều chúa nhật, ngày 27/10 tại nhà thờ Phước Hải Nha Trang, do cha Jos.Nguyễn Bình An chủ tế, hai anh em vội vã lên đường cho kịp chuyến xe khách đường dài, không còn thời gian gặp gỡ, vui vẻ với nhau sau thánh lễ này. Trời đã tối, chiếc xe Hạnh Cafe từ đường Hùng Vương cũng đã lăn bánh chở chúng tôi đi và lúc này đã 07g00 đêm. Ngồi trong xe lạnh, mọi cửa đều đóng kín không còn nghe những tiếng động của đường phố hay những âm thanh trên đường đã đi qua, chỉ còn thấy ánh sáng và những cận cảnh trong đêm. Hầu hết các xe đi đường dài đều xuất phát từ đầu hôm, làm mất đi cơ hội để anh em ngắm nhìn cảnh vật diễn ra trước mắt.

 

Mỗi người một giường nằm trên xe, không ai nói ai, chỉ nghe tiếng nhạc réo rắc từ các loa của xe phát ra. Sau 3 giờ chạy chỉ có bóng đêm, hầu như mọi người càng yên lặng chìm vào giấc ngủ, mặc cho tài xế chạy đến đâu và mặc cho tiếng nhạc vui buồn như thế nào. Mở mắt ra, mọi người đã đến bến xe phố cổ Hội An, lúc này đã 05g00′ sáng. Phố cổ đã vừa trải qua những cơn lụt liên tiếp, nhưng cũng đã yên bình trở lại, sạch sẽ như trước, chỉ để lại vài dấu vết hoang tàn, như lúc nào cũng sẵn sàng đón chờ khách du lịch từ khắp nơi về, nhất là khách nước ngoài luôn đến nơi đây.

 

Đến phố cổ Hội An, hai anh em có dịp thưởng thức món mì Quảng khô, đặc sản của Quảng Nam, sau đó uống cà-phê và quan sát cảnh vật chung quanh. Nơi đây khách du lịch nước ngoài đến rồi đi rất đông, hết nhóm này đến đoàn khác, đa số nam hay nữ đều mang theo những ba-lô lớn và nặng: mang sau lưng, mang trước ngực. Họ từ Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Úc, Trung Quốc…Vì còn sáng tinh sương nên phố phường vẫn còn yên tĩnh, người qua kẻ lại thưa thớt, xe cộ chưa chạy nhiều và công việc trong ngày như chưa bắt đầu. Sau hơn nửa giờ, cuộc sống bắt đầu sôi động lên: Hội An hiện nay là nơi gặp gỡ của nhiều du khách thuộc nhiều quốc gia, nơi đây mang nhiều nét đẹp cổ kính của nhiều nền văn hóa khác nhau từ thế kỷ 17&18 như Nhật Bản, Trung Hoa, Phương Tây và cả Champa, vì quá khứ Hội An là một thị cảng thuận lợi mua bán, thông thương nằm ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, thông ra cửa biển. Điều hấp dẫn nhất cho du khách là các kiến trúc cổ từ nhà cửa, đền, chùa, đường phố được bảo tồn tối đa nét đẹp xưa, không ai tự ý phá bỏ để xây dựng mới theo các kiểu kiến trúc hiện đại, ngoại trừ những nơi nào trước đây chưa có một công trình xây dựng.

 

Hội An có đường nối liền ra Đà Nẵng 30km dọc bờ biển về hướng Non Nước hay còn gọi Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh, nơi đây có một làng nghề chuyên làm tượng đá bày bán khắp nơi, rất nổi tiếng. Lâu lắm chưa có dịp thăm lại Đà Nẵng, nhưng những đoạn đường đã đi qua, chúng ta thấy thành phố Đà Nẵng có tiềm năng và sức sống mạnh mẽ từ đường phố, nhà cửa, các công trình kiến trúc, nhiều cầu rất đẹp nối liền những bờ sông, nhiều xe lớn, xe nhỏ và con người cũng đẹp ra. Thành phố vươn rộng ra đến chân đèo Hải Vân, nối liền các làng mạc nên có phạm vi rộng lớn và nơi nào cũng sạch sẽ. Hàng chục năm trước đây, tôi có đọc một bài viết”…Đà Nẵng không tìm thấy bóng người ăn xin…” Đúng vậy, ở thời gian trên tôi và một người bạn ngồi uống cà-phê trong 3 giờ liền bên đường Nguyễn Văn Linh, trong khi chờ một công việc: hai anh em đều nhận xét, sao không thấy một ai xin ăn, kể cả người bán vé số. Nếu như ở Nha Trang, ngay hiện giờ bạn sẽ bực mình vì có nhiều hành khất, và nhất là có quá nhiều người bán vé số, bực mình vì bạn phải lắc đầu từ chối liên tục và phải nghe sự nài nỉ của họ.

Không biết xe chạy đến đâu rồi? Xe sắp vào hầm đèo Hải Vân ranh giới giữa Đà Nẵng và Huế, hầm này đã rút ngắn đường đèo nguy hiểm, theo lời tài xế, từ 32km còn 6km. Lần đầu tiên hai anh em đi xa mới cảm nhận được quang cảnh xe vào hầm, ánh sáng vừa đủ, xe im lìm nối đuôi nhau và không được vượt ẩu. Thoáng khoảng 10 phút đã ra miệng hầm, xe đổ dốc một đoạn và dừng chân nơi một quán cơm bên đường thuộc thị trấn Lăng Cô, Huế. Tại đây, điều dễ thấy nhất là người ta bày bán các chai dầu tràm màu vàng nhạt, dọc hai bên đường, nối liền nhau rất dài.

 

Mảnh đất Thừa Thiên, Huế có nét đẹp riêng ngay khi mới đặt chân đến bên kia đèo Hải Vân: Lăng Cô, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng. Quang cảnh không thua kém những hình ảnh đẹp ở châu Âu hay châu Mỹ. Nơi đây, cuộc sống vào buổi sáng chưa thấy sôi động như các thành phố khác, vì là một vùng quê, nhưng cũng thể hiện sự trù phú, yên bình, hài hòa giữa trời và đất, có trời mây, có biển cả, có núi đồi và ngôi nhà thờ như trung tâm của khu dân cư. Không biết sinh hoạt những người công giáo tại Lăng Cô ra sao? Có những anh em CSB biết tên  cha xứ này, học cùng lớp với Long Paul, đó là cha nhạc sỹ Trọng Nhân có tên là Nguyễn Trọng Khôi, xuất thân từ ĐCV Hòa Bình, Đà Nẵng, qua ca khúc “Chúa là tình yêu”. Dọc đường nhiều hàng quán bày bán rất nhiều chai dầu tràm, màu vàng nhạt. Không biết công dụng của dầu tràm vào công việc gì mà bày bán nhiều như thế? Ngoài ra, người dân nơi đây bán dạo nhiều món ăn hải sản, nhất là mực khô, giá rẻ nhưng không biết có ngon không? Và du khách cũng ít mua vì ngại xông mùi trên xe đang mở máy lạnh.

 

Những hình ảnh về Huế gởi đến cho anh em được tổng hợp qua hai lần đi và về. Thời gian không được nhiều để tìm hiểu sâu xa về Huế. Nhân đây cũng cám ơn Củ Nghệ đã cho biết chính xác các địa danh của Huế, ngay cả người dân địa phương chạy xe “ôm”, xích lô hay tài xế xe khách cũng chưa rõ hơn. Trước khi vào đến Huế khoảng 5 hay 7 cây số, chúng ta ngang qua một làng quê tên Trùi, quê hương người bạn tên Trực của Long Paul, một giáo viên ngoại ngữ tại Ninh Hòa, đã về hưu từ lâu vì mắc chứng bệnh tai biến. Thoáng nhìn khu làng, chúng ta thấy nhà cửa lưa thưa, toàn ruộng đồng, cuối làng về phía đông là vùng đầm rộng không gợn sóng nối liền cửa biển. Xe đang từ từ chạy vào thành phố Huế, dọc đường ngang qua các khu dân cư ở trong nước, nơi nào cũng tựa như nhau về sinh hoạt kinh doanh, mua bán cá thể, nhỏ lẻ, các mặt tiền nhà mở ra những dịch vụ, hàng quán ăn uống, nhà nghỉ, lớn nhỏ tùy nơi nhưng chưa được quy mô lắm! “Trăm người bán, vạn người mua!” Và cái khổ tâm, khổ xác được chia đều cho nhau rất âm thầm! Và cái sướng có lẽ chỉ có một thiểu số nơi công quyền!

 

11g00′ trưa, xe chở chúng tôi đến số nhà 28 Chu Văn An, Huế là văn phòng của hãng xe Hạnh Cafe, để quay về lại Nha Trang vào lúc 01g00′ trưa cùng ngày. Lúc này hai anh em đi lang thang đó đây, chờ đến 07g00′ tối tiếp tục hành trình ra Nghệ An. Sau khi ăn trưa, uống cà-phê tại quán Huế Violet để cho qua thời gian, hai anh em dạo bộ xuống gần sông Hương. Gió sông Hương mát nhẹ, yên tĩnh, có lẽ con người nơi đây không thích khua động ồn ào như vài nơi thành phố khác như mở nhạc lớn, chạy xe tốc độ hay nói lớn tiếng, nơi đây thể hiện sự tôn trọng người khác đậm nét văn hóa riêng. Rất nhiều du khách nước ngoài qua lại nơi đây cũng ôn tồn nói chuyện hoặc im lặng đi trên đường phố. Công việc mua bán nơi khu phố Lê Lợi&Chu Văn An sao êm ả, không nổi bật lắm, không biết các khu phố khác ra sao? Buồn quá, hai anh em gọi một xe xích lô đi dạo phố vào lúc 02g00′ giữa trưa nắng. Đi hết đường Lê Lợi rồi vòng các đường của Thành Nội, dừng chân tại cửa thành có các súng thần công. Xe xích lô dừng trước tiệm Thông Hương, một cơ sở sản xuất mè xửng Huế, ngoài ra cũng có rất nhiều sản phẩm khác nữa. Theo lời người đạp xe, đây là cửa tiệm của một người cháu( nhiều đời) Vua Minh Mạng. Chủ tiệm giới thiệu các món mè xửng, các loại trà, các loại rượu, trong đó có rượu ” Ông uống, bà khen”, nguồn gốc Minh Mạng. Chủ tiệm mời hai anh em thưởng thức trà và rượu mỗi người một ly, cùng nhâm nhi mè xửng Huế, tất cả đều miễn phí. Có lẽ uống một ly nên chưa đủ vào đâu! Trên đường về, Tài Sb67 có mua một thang thuốc rượu Minh Mạng, chờ xem kết quả ra sao nhé! Cám ơn chủ tiệm, hai anh em tiếp tục đi xe xích lô mà lâu lắm mới có dịp ngồi dạo phố.

 

Trước khi về lại điểm xuất phát, chúng tôi đi trên cầu sắt Tràng Tiền, Cầu mới song song với cầu Bạch Hổ, ngắm lòng sông Hương êm đềm, êm đềm vì hiện nay không còn những con đò ngang, đò dọc như xưa, nhường chỗ cho những chiếc ghe lớn du lịch, diễn ra những khúc hát cung đình trên sông. Phải cần có thời gian và phương tiện riêng mới biết tận tường về một thành phố cổ kính, một cố đô có một lịch sử lâu đời trong quá khứ. Mới có 04g00′ chiều, biết làm gì đây? hai anh em vào một quán bình dân, gọi 1 con mực khô và 1 chai rượu Vodka Việt Nam để thưởng thức, cho quên đi thời gian. Tại sao phải uống rượu? Một kinh nghiệm cho thấy nếu đi xe đường dài mà uống bia, sẽ làm phiền cho những người cùng đi, khi nhờ tài xế dừng xe nhiều lần vì nhu cầu không ai muốn.

 

Sau chuyến đi đêm phong trần ra Nghệ An, chúng tôi về lại cố đô Huế vào lúc nửa đêm của ngày hôm sau, vì sự bình yên, vì muốn xem quang cảnh hai bên đường trước khi trời tối và vì đã hoàn tất những nơi cần đến. Vội vàng từ giã khách sạn” Gia Đình” của Quán Hành, thuộc huyện Nghi lộc, Nghệ An, sáng sớm, hai anh em cùng uống cà-phê” vỉa hè” của khu phố Lê Lợi&Chu Văn An, chuẩn bị đi tham quan Lăng Vua Khải Định. Bằng xe”ôm” chúng tôi đến nơi này, vậy mà nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đã có mặt từ rất sớm. Lăng vua ngày xưa chiếm diện tích rất rộng, với nhiều tầng nền xây cao thấp, rất công phu. Chúng tôi cũng chưa biết chỗ yên nghỉ của vua trong không gian rộng lớn này.

 

Trời mưa lất phất, bầu trời xạm tối, chúng tôi muốn quay về chỗ cũ, trong lòng thầm mong ở cuối đời sẽ còn đi đó đây để biết mình còn quá nhỏ bé!

 

Được sự giới thiệu của một cô chủ cửa hàng vật liệu xây dựng bằng máy di động, chú xe”ôm” chạy đến chở hai anh em đi về Đền Thánh An-Tôn, trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên cách đây 12km, chú là giáo dân của Xã Đoài, điều này có trong dự định của chúng tôi để được thuận lợi về nhiều mặt khi đến nơi ” đất khách quê người”. Trên đường đi, chúng tôi có dịp tìm hiểu đôi điều về người giáo dân nơi đây.

 

Xe chạy hơn 3 cây số, nhiều đoạn đường đang được làm lại, rất khó khăn cho giao thông và hầu như năm nào cũng tái diễn công việc tu sửa. Hai bên đường không thấy bóng cây, toàn ruộng đồng đang bỏ hoang vì không có nước, rải rác có những cụm nhà dân lớn nhỏ, vài nơi gần đền thánh An-Tôn và nhà thờ Mỹ Yên mới có mô hình của xóm, làng, nhà cửa san sát và trù phú hơn, nhưng mang màu sắc nông thôn. Người giáo dân nơi đây chịu thương chịu khó cần cù lao động vất vã ngày ngày một nắng hai sương trên ruộng đồng, tiết kiệm từng đồng trong chi tiêu để mong thoát nghèo. Nếu ai chưa tìm hiểu cứ tưởng giáo dân ngoài Bắc đã bỏ đạo nhiều, nhất là vào những năm trước 75, ngược lại họ luôn vững tin mạnh mẽ, ví dụ riêng giáo phận Vinh có tới 485.000 người, theo thông tin của giáo phận Vinh. Rồi cũng đến Đền Thánh An-Tôn, trước mắt chúng tôi một bảng hướng dẫn với hàng chữ ĐỀN THÁNH AN-TÔN, LINH ĐỊA TRẠI GÁO CÁCH 1.200M. Hôm nay có thánh lễ vào buổi trưa khoảng 12g, ở đầu cổng các giáo dân rào chận xe ra vào và chỉ đi bộ khoảng 100m giữa hai hàng cây xanh để đến đền thánh. Trước đền thánh, bên phải lối đi người ta bày bán nhiều tượng ảnh, bông hoa, nhan, đèn, các vật lưu niệm… có lẽ thuộc của giáo xứ. Bước vào bên trong cổng đền, một quang cảnh sinh động thánh thiện, có rất nhiều người qua lại: người thì xưng tội, người thì cầu nguyện trước hang đá Mẹ luôn nghi ngút khói nhang và đầy hoa, một số người đến khấn cầu dưới tượng Thánh An-Tôn tay với chạm vào chân tượng đầy niềm tin, hầu hết là những người còn trẻ, người thì dâng hoa, người thì lâm râm cầu nguyện, một số chức sắc của giáo xứ đi lại rất căng thẳng. Những chức sắc này khi thấy hai anh em chúng tôi, họ tiếp cận và hỏi nhiều điều:

– Các anh từ đâu tới?

– Từ Nha Trang ra.

– Đến đây mục đích gì?

– Đi du lịch và tham quan Linh Địa đền Thánh An-Tôn.

– Các anh chớp hình làm gì?

– Cho bạn bè thấy và biết, vì họ chưa đến đây?

– Sao thấy các anh lạ quá?

– Từ Nha Trang ra phải lạ rồi…

Chúng tôi mở hình mới chụp với Đức Cha Phao-Lô, giáo phận Vinh nên họ có phần tin tưởng, nhưng cũng đã dõi mắt theo từng bước di chuyển của chúng tôi. Sau 20 phút, chúng tôi ra về ngang qua cổng rào chắn phía trước và trong tay đã có nhiều tấm hình ghi lại nơi đây.

 

Trên đường về lại khách sạn, chú xe”ôm” kể chuyện về khoảng thời gian gần trước và sau năm 75, năm này chú được 10 tuổi nhưng chú vẫn còn nhớ. Chú kể rằng thời Mỹ thả bom ngoài Bắc, nơi đây người dân đào hầm bằng đất chứ không phải bê-tông, bên trên phủ cây, lá để ngụy trang, có khi ban đêm sau những tiếng nổ lớn là những cột khói cao, từ xa vẫn trông thấy được. Khi hỏi về người công giáo có làm quan chức nhiều chứ, chú trả lời những năm gần đây, những người trẻ có học, có bằng cấp cũng tham gia vào chính quyền, chứ những người lớn tuổi trước đây vì nghèo khổ, vì lý lịch nên học cũng không làm gì đành buông xuôi.

 

Về lại Quán Hành, hai anh em vào quán cơm nhưng không có gì ăn, thôi đành trở lại quán bún đã vào khi sáng may đâu có cơm vì nhiều ngày qua hai anh em chưa ăn được miếng cơm nào. May mắn chủ quán đang ăn cơm, nên khi hỏi, bà chủ vui vẻ nấu một bữa ăn trưa thay cho bún. Từ đó hai anh em quyết định về lại bến xe Vinh để sớm mua vé về lại Huế, cùng lúc ngắm nhìn quê hương xa lạ mà trên đường ra trong đêm chưa được thấy. Vất vả lắm chúng tôi mới có sớm được một chuyến xe chạy Bắc Nam để vào Huế, lúc này mới có dịp nhìn trên đường những phố phường cùng những ruộng đồng nối dài đến Hà Tĩnh và đã 6g30′ tối. Xe chạy dài đến Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thì dừng lại để hành khách ăn tối, ai cũng cố gắng ăn cho đỡ đói. Lúc này là 10g00′ đêm, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương chắc cũng đã ngủ yên, nên không có cơ hội ngắm nhìn những hình ảnh lịch sử nơi đây. Thiếp đi một hồi lâu, xe dừng lại trên đường thuộc ngoại ô Huế trước một khách sạn độc nhất tại đây, theo yêu cầu của hai anh em mong tìm chỗ ngủ để đợi sáng và đã 12g00′ đêm. Nửa đêm nhưng chủ khách sạn vẫn còn thức, nếu đóng cửa có lẽ hai anh em sẽ ngủ bên lề đường và chuyện gì đã xảy ra trong đêm? Lúc này không còn thấy xe”ôm” hay taxi nào, chỉ thấy các cửa nhà đóng kín, yên giấc và những ánh đèn đường thưa thớt nơi đất khách quê người!

 

5g00′ sáng, hai anh em rời khách sạn tìm xe taxi về Huế cách xa 17km, với tâm trạng thoải mái, nhẹ nhỏm hơn, rồi uống cà-phê và đi thăm lăng vua Khải Định, sau đó lang thang hè phố đến 01g00′ trưa, lên xe Hạnh Cafe về lại Nha Trang, làm bạn với rất nhiều khách du lịch trẻ từ Hoa Kỳ đến, có lẽ họ là những sinh viên?

 

Xin được riêng tặng bài viết đến những anh em CSB có quê hương xứ Nghệ và những anh em khác có quê hương mà chúng tôi đã đi qua.

Xin cám ơn bạn Miên Sb63 đã tài trợ cho chuyến đi dài, thăm lại quê hương của bạn.

 

Về  Nha Trang đang bình minh trên biển.

” Chưa đi chưa biết quê người,

                    Đi rồi mới biết quê nhà vẫn hơn…”

Long Paul 63