Ăn Tết ở Nhật (Thế Hy 71)

Ăn Tết ở Nhật

 

“Tôi sống ở Nhật đã khá lâu, tính cũng cả hơn nửa đời người. Giá mà có ai đó đặt câu hỏi: Tết Nhật ra làm sao và ông đón tết thế nào? thì chắc tôi sẽ tìm cách trả lời cho qua chuyện: trước tết thì đi mua sắm, ngay đêm giao thừa thì đi đền-chùa, về nhà thì làm vài ly “sake” tống biệt năm cũ, sau tết thì “ta lại kéo cày”. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đi tìm một câu trả lời tương đối là coi được, là dễ hiểu, là tới nơi tới chốn về ngày Tết là vì…
– Tôi đến Nhật vào ngày cuối năm 30/12 của mấy chục năm về trước, được đưa về nhà một người bạn ở Daikanyama (ga Ebisu) gần ngay trung tâm thành phố, bây giờ đã trở thành một địa điểm qui tụ những fashion nhất nhì Tokyo. Khi bước vào nhà, thì thấy trước cửa chăng đầy những gì “rất” Nhật, tôi hỏi ông bạn, ông cũng chả biết. Đêm giao thừa năm đó, ông dẫn tôi đi viếng đền “Meiji Jingu” nằm ở Harajuku, chỉ cách nhà khoảng 10 phút xe điện, nói là “cho tôi biết người Nhật đón giao thừa?”, nhưng tôi chỉ thấy toàn người là người, họ xếp thành hàng ngang nhích từng bước một, đến trước “chính điện” lạy lạy vài cái, rồi quay lại theo thứ tự đi ra. Đang là dịp nghỉ, mấy hôm sau ông lại dẫn tôi đi vài nơi mà ông nói có “bóng dáng” ngày Tết, tôi cũng đi nhưng không hào hứng lắm, vì thú thật tôi cảm thấy lạnh, cái lạnh đầu tiên như xé da cắt thịt khiến tôi chẳng buồn để ý những chuyện xung quanh, chỉ mong chóng về nhà ôm cái lò sưởi và nghĩ rằng trước sau gì cũng biết.
– Vài năm sau, thời còn đi học, Tết lại là dịp có thể kiếm tiền gấp đôi, gấp ba, nên tôi thường “xung phong” đi làm thêm ngày tết.
– Ra trường rồi đi làm, đúng ngay lúc Việt Nam đổi chủ, “có nhà không được ở, có nước không được về”, tụi tôi trơ thân cụ. Vào những ngày này thì dăm ba đứa thường tụ lại rủ nhau “tới bến”.
”..sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
Ta làm gì cho hết nửa đời sau.”

(thơ Cao Tần)
– Thời gian cứ trôi và người Việt có mặt tại Nhật mỗi lúc một đông, nhu cầu họp mặt nảy sinh, các hội đoàn ở đây như Hiệp Hội Người Việt tại Nhật, Cộng Đoàn Công Giáo, Hội Phật Giáo…. ở đây hợp nhau tổ chức mừng Tết, là người đi trước, ham vui, tôi được “điều động” vào “khâu” văn nghệ. Muốn ngon lành để ra mắt công chúng thì phải chuẩn bị, tập dượt, và…. thế là coi như “tiêu tùng” mấy ngày nghỉ tết.
Nhưng vài ngày nay, thấy đứa con gái cứ nhắc “bố, mua nengajo cho con chưa?” , và cháu còn xin đi ngắm mặt trời mọc sáng sớm mùng 1, cậu con trai thì thông báo: giao thừa năm nay tụi con sẽ “count down” tại…..  thì đầu óc tôi miên man nghĩ nhiều về ngày tết, đang là dịp nghỉ đông, tôi… quyết định: cố gắng nhớ và ghi lại những câu chuyện đã thấy, đã đọc, đã cảm nghiệm của chính mình về ngày Tết. Xin hiểu đây chỉ là những ghi nhận hoàn toàn chủ quan chứ không phải là một bài có tính cách…. “khảo luận”.
Tết người
Ngày xưa người Nhật ăn tết âm lịch, gọi “tết” là  “Shogatsu” (正月-tháng giêng âm lịch) nhưng có lẽ để tiện việc….sổ sách, phù hợp với những liên lạc với nước ngoài họ đã đổi sang dùng dương lịch từ năm Minh Trị thứ 5 (năm 1873), nhưng vẫn sử dụng từ “Shogatsu” cho ngày tết dương lịch, tuy thế cũng còn một vài nơi trong tỉnh Okinawa, Kagoshima, đảo Amamigun vẫn còn đón tết âm lịch.

 

Cánh thiệp đầu xuân
Người Nhật không có thói quen dùng thiệp bỏ vào phong bì như chúng ta, ngày Tết họ dùng một loại bưu thiếp có cái tên dài ngoằng “Otoshidama Tsuki Hagaki” (お年玉付郵便はがき gọi tắt là “Nengajo” hay “Nengahagaki”, là loại bưu thiếp có in sẵn tem và cũng là một tờ vé số, bắt đầu bán vào khoảng đầu tháng 11 tại bưu điện, trước các nhà ga, các tiệm 24/24 (conveniene store) v.v… Cho đến năm 2007 thì ngày xổ loại bưu thiếp này là vào ngày lễ thành nhân, nhưng từ năm 2008, thì đổi thành ngày cuối tháng 1 của năm sau, giải thưởng là một hình thức mừng tuổi (toshidama-年玉), thường thường thì là vài bộ tem kỷ niệm, đồ dùng trong nhà v.v… Có loại bưu thiếp in sẵn hình ảnh con giáp của năm đó kèm những lời cảm ơn năm cũ, lời chúc cho năm mới, có loại trống trơn để người mua tự trang trí. Muốn đối tượng nhận được ngay ngày mồng một tết thì phải gửi trước ngày 15/12. Vì thế cứ khoảng thời gian này, nhất là tại các công sở, công ty thường có một bộ phận chuyên biệt để lo chuyện viết và gửi.
Các dịch vụ làm nenga-hagaki nở rộ, chỉ cần một tấm hình và nội dung, sẽ có ngay một nengajo theo ý muốn với giá tương đối rẻ. Cũng có người tự “sáng tạo”, vì chỉ cần một máy tính có cài software làm nenga-hagaki và một máy in màu là có thể làm được “cánh thiệp đầu xuân”, tuy nhiên “bắt mắt” hay “rối mắt” thì lại còn…. tùy người đối diện. Nhưng cũng có nhiều người thích “làm bằng tay” chẳng hạn con gái tôi, nó rất nhiều bạn, bạn cùng lớp, bạn cùng nhóm thể thao, bạn học thêm, bạn học cũ….  Mỗi lần tết về là thấy hí ha hí hoáy suốt ngày với đủ thứ bút màu vẽ đầy hoa lá cành trên từng bưu thiếp một. Con gái tôi lý luận: “người nhận sẽ thấy “kimochi” (thích thú) hơn vì “tiềm tàng” tấm lòng người gửi qua nét chữ, nội dung”. Tôi thì thấy phiền và mất thì giờ quá nhưng hoàn toàn “lý giải” được điều đó.
Sau ngày tết, nếu “lỡ” có nhận được nenga-hagaki của ai mà mình quên hay đã không gửi, thì có cái màn đáp lễ, vì thế việc gửi cánh thiệp đầu xuân còn kéo dài mãi cho đến sau ngày tết cả nửa tháng. Nếu mua quá “độ” không dùng, có thể đến bưu điện để đổi tem với lệ phí 5 % giá bưu thiếp (bây giờ là 50 yen, lệ phí đổi là 5 yen). Năm ngoái số nenga-hagaki được bán ra là 366 triệu 577 ngàn tấm.

Tôi tuy bạn không ít, nhưng chả bao giờ tôi nghĩ là sẽ gửi cho ai, và lẽ dĩ nhiên là cũng chẳng có ai gửi cho mình, ngoại trừ bưu thiếp của các ông các bà Chủ tịch, Giám Đốc, trưởng phòng các hãng bảo hiểm, công ty điện thoại, hãng sửa nhà, hãng sửa ống nước, hãng sửa xe hơi v.v…. mà năm nào tôi cũng nhận.

Tổng vệ sinh (Osoji)
Nói chung thì ở đâu cũng vậy, ai cũng muốn “sạch sẽ” mà đón tết, chỉ tùy theo cách giải thích và cách “tổng vệ sinh” của từng nước mà thôi. Người Nhật cũng vậy, cuối năm, họ “phát động chiến dịch Osoji” nhà cửa gọi là để xóa những điều xui xẻo của năm cũ rồi đón may mắn trong năm mới, còn gọi là “susuharai” (quét sạch bồ hóng, bụi bặm bám trong nhà). Dịp này, mọi người xúm lại lau chùi thật kỹ từng… xăng ti mét, len cả vào những xó xỉnh, ngóc ngách mà bình thường không ai để mắt tới. Nhà của người nào thì dĩ nhiên người đó….. lo. Còn các hãng xưởng thì ai ai cũng phải…. lo. Ngày cuối cùng thường là 29/12, chỉ làm nửa buổi hay hơn một chút tùy theo tình hình hãng, sau đó thì toàn thể “nhân viên” lớn bé đều phải “Osoji” theo sự phân công đã được chỉ định trong phiên họp đầu tuần. Trong lúc mọi người đang tay khăn tay chổi, thì có một nhóm nhỏ, thường là phái nữ âm thầm chuẩn bị chuyện “hậu osoji”. Vì tất cả cùng “lo” nên osoji chỉ mất tối đa là 2 tiếng, và “Thời gian còn lại ta cho tất cả cho ta”. Và nhóm “hậu osoji” bắt đầu vào việc.
Còn bao nhiêu “mồi” và bao nhiêu “miếng”
Hãy một lần mang ra “làm” hết
Hãy một lần khôi phục lại, niềm vui
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên…. chế)

Không linh đình như tiệc tất niên (bonnenkai), chỉ cần vài bao đậu phộng, khô mực, sembei …. vài phần sushi, vài chai rượu Nhật và vài … thùng bia là đủ. Sau lời mở đầu của xếp, tất cả lòng như mở hội, chuyện cả năm cứ thế là tuôn ra không ngừng nghỉ.
Đúng giờ kẻng xong việc, họ chào nhau ra về hẹn gặp lại sang năm.
Chia tay xong, giống như mọi nhà, thế nào trước cửa nhà, cửa hãng, sẽ có ai đó dựng một chậu cây thông và 3 thanh tre gọi là kadomatsu.. Ngoài ra, có nhiều nhà còn trưng bày nhiều thứ khác như Shimenawa là một dây thừng có buộc những dây rơm thòng xuống và Kagami mochi là hai bánh mochi để chồng lên nhau, bánh trên nhỏ hơn bánh dưới và trên 2 bánh có một quả quít v.v….. . Tất cả đều mang ý nghĩa riêng, giải thích thì hơi dài nhưng theo truyền thuyết thì họ tin vào một vị thần nào đó để được gìn giữ, với hy vọng các ông thần này sẽ đem đến sự thịnh vượng, may mắn, trường thọ và hạnh phúc trong năm mới.

 

Không biết các ông thần này có đem đến may mắn như mọi người mong đợi không, nhưng tôi nghĩ là không đến tôi, vì có bao giờ…. tôi chưng những thứ này!

Sau 3 ngày tết thì đời sống trở lại bình thường và khoảng giữa tháng người Nhật còn có ngày.

 

Lễ thành nhân

 

Ở Nhật Bản, “成人式” (âm Hán Việt là “thành nhân thức”), tiếng Việt tạm dịch là lễ thành nhân là một ngày lễ dành cho những người đã tròn 20 tuổi. Trước đây là ngày 15/1 mỗi năm, nhưng từ năm 1998, ngày này đã được qui định vào thứ hai của tuần lễ thứ hai tháng giêng mỗi năm (năm nay nhằm ngày 11/1) và được tổ chức tại khắp nơi trên nước Nhật tùy theo…. tình hình tài chính địa phương. Có nơi chính phủ đứng ra tổ chức, có nơi thì tự các thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành lập kế hoạch tổ chức.

 

“成人式(seijinshiki)” bắt nguồn từ một nghi thức có từ xưa là “元服(genpuku)” dành cho con trai và “髪上げ (Kamiage)” dành cho con gái. Đó là một buổi lễ mà những người trẻ được coi là trưởng thành sẽ cởi bỏ trang phục trẻ con rồi khoác vào mình những bộ trang phục của người lớn, phần tóc ở phía trước trán sẽ được cắt đi và từ đó bắt đầu được đối xử như một người trưởng thành. Được biết độ tuổi trưởng thành là từ 13 đến 15 tuổi được qui định từ triều đại Nara (710-794) cho tới triều đại Heian (794-1192). Sau đó, độ tuổi trưởng thành cứ tăng từ từ cho đến hiện nay là 20 tuổi. Khoảng thế kỷ 16, thì tên ngày lễ này là “元服式“(genpukushiki) và được coi là nguồn gốc của “成人式seijinshiki” ngày nay.

Xuống tóc để trưởng thành

 

Từ năm 1948, với mục đích tạo cho người trẻ có một niềm tin mạnh mẽ hơn sau ngày Nhật Bản bại trận, ngày thành nhân (成人の日) được chính phủ Nhật chính thức coi là một ngày lễ (ngày lịch đỏ) trong ý hướng: “Khuyến khích chúc mừng những người đã trở thành người lớn trong tinh thần tự giác và tự lập”, theo luật pháp Nhật Bản thì “những người vừa lớn này” có quyền bầu cử, có thể hút thuốc, có thể uống rượu thoải mái mà .. mà không sợ bị “người đã lớn” dũa hay cảnh sát cảnh cáo.

 

Lễ thành nhân được các tòa hành chánh địa phương tổ chức rất đình đám tại các hội trường của chính phủ hay tư nhân, dịp này các thiếu nữ Nhật Bản đua nhau khoe tóc và khoe áo, họ sẽ được các tay thời trang chuyên nghiệp trang điểm những kiểu tóc lạ-đẹp, chỉ dẫn cách mặc những bộ kimono lộng lẫy nhất (còn được gọi là 振袖 “furisode” chỉ dành cho phụ nữ chưa chồng) chưa từng có vì “đời người chỉ có một lần”, còn trang phục của nam giới thì thoải mái hơn, có thể là vest hay bộ kimono truyền thống dành cho nam nhưng cách mặc của nam thì đơn giản hơn nhiều chứ không lỉnh kỉnh như kinono nữ. Ngày thành nhân cũng là dịp duy nhất trong năm để khách du lịch rửa mắt vì “kimono…. chạy đầy đường”.

 

Sau buổi lễ, các “người trưởng thành” thường trủ nhau đi đến các quán ăn gần đó để tiếp tục vui chơi hay đi …. chùa cầu nguyện. Nói chung thì buổi lễ nào cũng được ghi nhận là …. thành công tốt đẹp trong.. quyết tâm “tạo dựng một cuộc sống có ý nghĩa” theo đúng như lời nhắn gửi của các cô các bác……,
Theo một thống kê của chính phủ Nhật thì năm 2012, Nhật Bản có 1.220.000 người (1,03% dân số) tròn 20 tuổi, tức sinh vào niên hiệu Heisei (平成Bình Thành), giảm 20.000 so với năm trước. Dân số Nhật hiện có khoảng 128 triệu.

 

Con số không lấy gì làm lạc quan, biểu hiện sự mất cân bằng về mọi mặt trong một tương lai không lấy gì xa lắm của Nhật Bản.
“Tết mình”

 

Tôi được tham dự tết Nhật của… người Việt từ năm 1983. Ở các tỉnh có trại tạm cư thì đón tết ngay trong trại, không có tính cách qui mô. Còn ở Kanto, ở Kanagawa, “Hội Xuân” xuất hiện vào năm 1983 do sáng kiến của ông bạn tôi lúc đó đang là thông dịch cho trại tị nạn Misono, Fujisawa.

 

Misono là một trại tạm cư của cơ quan công giáo Caritas nằm cách trung tâm Tokyo khoảng 1 tiếng rưỡi xe điện. Trại có một gian gồm nhiều phòng để bà con tỵ nạn tạm trú và hội trường để bà con tụ họp, diện tích của toàn trại cũng khá rộng, nếu tính luôn “cái thung lũng” nằm kế bên. Tính cho dư dả, thoải mái thì có thể chứa được khoảng vài trăm người.
Khi “Hội Xuân” được bày ra, trại gồm những tay chiến của nấu nướng đã nghĩ ra nhiều món “quá” Việt Nam và đụng ngay khó khăn: nguyên vật liệu, gia vị lấy đâu ra? ở Nhật tìm không phải dễ.
Có một bác chuyên làm giò thủ, muốn ngon phải tìm cho bằng được đầu heo. Nhưng theo truyền thống “lục lọi” ngàn đời của dân tộc ta, không biết tìm thế nào mà một hôm lúc tôi ghé nhà bếp trại, tôi muốn…. xỉu vì cả chục cái đầu ông trư bát giới xếp hàng dài trước mặt. Hỏi ra thì có người cho biết là phải lên tận Ueno, nơi có chợ người Đại Hàn bán những thứ giống giống Việt Nam.
Có anh “chuyên trị phở” bên nhà tình nguyện trổ tài với điều kiện phải đủ “đồ nghề” cho anh nấu, nếu không thì …. mất tiếng; thịt thà, xương xẩu thì không đến nỗi, nhưng gia vị và bánh phở thì hoàn toàn không, phải đặt mua tận bên Thái, và tất cả gửi bằng máy bay
Có một chị chuyên làm bánh chưng giò chả, chị … vui lòng đóng góp nếu: các anh đi tìm cho tôi lá dong nếu không thì lá chuối và…. hàn the, không có thì bánh không có màu xanh của lá và giò thì bở không dính lại. Không biết ông bạn đi “liên hệ” với ai chở về trại nửa xe lá chuối, còn tôi lãnh nhiệm vụ tìm hàn the. Tôi tra tự điển từ tiếng Việt qua tiếng Anh rồi từ Anh qua Nhật biết được tên gọi hàn the là hosha. Tôi vào tiệm “vô tư” mua nửa ký, người bán ngạc nhiên: ông mua thuốc này dùng vào việc tẩy rửa, khử trùng phải không? Tôi giật mình nhưng ừ đại và phải mua, về nói lại với chị, chị bảo: Úi giời, người ta ăn cả mấy chục đời ở Việt Nam rồi mà có chết thằng Tây nào đâu.

 

Có một món không thể thiếu trong bàn nhậu là hột vịt lộn. Nhật ít ăn vịt chi có gà, thế thì hột gà lộn ở đâu có? Nghĩ đi nghĩ lại, phe ta “đột nhập” vào thẳng trại nuôi gà hỏi mua trứng gà ấp 10 ngày. Chủ trại gà hỏi mua đề làm gì và mấy ông lấy gì mà ấp? Nhanh trí, phe ta trả lời: chúng tôi mua về để… cúng ngày Tết.
Dài giòng để quí vị thấy “cái thuở ban đầu đầy khó khăn ấy”.

Lúc đó, cái nhà ga Zengyo gần trại tự nhiên nhộn nhịp lên vì vài trăm người Việt khắp nơi kéo về. Khai mạc lúc 9 giờ, nhưng khoảng 1 giờ chiều thì các món ăn, món nhậu hết sạch sành sanh. Ban tổ chức chỉ có nước cúi đầu xin lỗi, mọi người ra về trong tiếng lầu bầu hậm hực.
Sau đó 1 năm cũng tại Misono tưng bừng hơn, chu đáo hơn, còn có sự tham dự của nữ ca sĩ Nguyệt Ánh và còn tưng bừng…. hơn nữa vào những năm sau kinh qua bao nhiêu địa điểm. Từ trại Misono (Fujisawa), khuôn viên nhà thờ Ignatious (trung tâm thành phố Tokyo, khuôn viên nhà thờ Fujisawa và hiện tại là công viên Shonandai…..

Thời đó còn trẻ, còn khỏe, tôi đã gặp mấy “thằng” em toàn là dân chơi nhạc từ phương xa khá nổi tiếng như T. Huy, V. Khôi… Tụi tôi kết nhau văn gừng văn nghệ suốt bốn mùa lá đổ. Vừa hội xuân Kanto sáng mồng một xong là phải chuẩn bị cho hội xuân Kansai sáng mùng 3.
Nhà tôi trở thành điểm tập trung, cứ trước tết 1 ngày là bao nhân tài văn nghệ đều có mặt, bố tôi luôn miệng nhắc nhở mẹ tôi: “bà chuẩn bị cho mấy cậu mấy cô ở xa về”, mẹ tôi vất vả vì phải lo cho cả chục con người, nhưng ông bà vui lắm. Tụi tôi không đón giao thừa bằng món Nhật, mà bằng những món thuần túy Việt Nam mà mẹ tôi đã dày công nghiên cứu. Đêm giao thừa thì tụi tôi tập hát cho 2 chương trình: 1 là nhạc thánh ca cho buổi lễ đầu năm, và 2 là tập cho buổi văn nghệ mừng Xuân mới.
Mới đó mà đã vài chục năm, bố mẹ tôi đã ra đi cả, mấy thằng em thì mỗi người mỗi ngả, có thằng bỏ nghề, còn có thằng thì vẫn kiên trì góp mặt trong những sinh hoạt tết dưới vùng Kansai. Năm ngoái, tháng 4 tụi tôi gặp nhau tại Tokyo, Kobe lúc Thanh Lan-Lâm Thúy Vân sang Nhật tham dự “ngày người Việt tị nạn nhớ ơn chính phủ Nhật”, tôi bị… ra rìa, mấy thằng em này “không cho tôi đứng chung”, chỉ cho phép “nói nhăng nói cuội”. Tháng 12 năm ngoái, tháng 3 năm nay gặp lại mấy bạn cùng lứa tuổi đã trên 6 bó tại Nhật, tại Hoa Kỳ, tôi cũng “ra chiêu” nhưng chả còn được như xưa sau gần mấy tháng tập lại đàn muốn sưng cả tay.

 

Tết năm nay, ngồi trong lều nhìn ra ngoài sân khấu, thấy có nhóm nhạc trẻ lạ hoắc không biết từ đâu tới, chơi nghe cũng được lắm, tôi nhớ lại mấy chục năm trước, tại Hội Xuân bố tôi và mấy ông bạn bố tôi lúc đó cũng đứng trong lều nhìn ra xem tụi tôi “múa may” rồi cười tủm tỉm. Sao mà giống nhau thế?…

Thế Hy sb71