Một câu chuyện (Đặng Anh Thạch sb64)

Một câu chuyện

Út Đen trưởng thành nơi vùng cao nguyên tỉnh lỵ Kon-Tum. Ba mẹ và dòng họ Út Đen là người công giáo toàn tòng, gốc Huế. Năm 1978 Út Đen cư trú tại SG, duyên số lọt vào mắt xanh của một cô gái ngoại đạo, tên là Phương. Đôi thanh niên yêu nhau và xây dựng cuộc sống hôn nhân.

Một yêu cầu quan trọng có tính truyến thống của các gia đình công giáo là con dâu phải học giáo lý, chịu rửa tội mới cho cưới hỏi. Phía nhà gái không chấp nhận, vì ngoài yếu tố khác đạo, họ còn là cơ sở của VC trước 1975, họ đang hưởng bổng lộc của chế độ này!. Út Đen trình bày thuyết phục ba mẹ họ hàng mình, xin để cô Phương tự nguyện theo đạo bằng gương mẫu đời sống của Út Đen sau này! Khó chấp nhận, nhưng cuối cùng ba mẹ Út Đen cũng xuôi lòng vì tình thương và tin tưởng vào Út Đen. Họ cho phép đôi trẻ cưới nhau theo nghi thức đạo ai nấy giữ. Cũng từ đó, Út Đen và gia đình phải chịu đựng sự phán xét gay gắt của dòng họ; xứ đạo; bạn bè!

Vượt qua mọi phán xét, Út Đen cùng vợ mình xây dựng cuộc sống riêng biệt và gương mẫu. Bản thân Út Đen đi lễ hằng ngày và siêng năng cầu nguyện cùng Thiên Chúa, bạn ấy cho rằng cầu nguyện thường xuyên để “nạp năng lượng” cho mình. Có năng lượng sẽ chống lại Luxiphe.  Kể chuyện một thầy dòng ở Kom tum dạy, Út Đen nói,“Luxiphe cám dỗ ta bằng sợi chỉ mỏng manh cột vào ngón tay út, kéo ta phạm những tội nhẹ nhàng rồi dụ ta phạm những tội tầy đình”. Tín lý đơn giản này thấm nhuần từ tâm hồn Út Đen, lan tỏa ra đời sống vợ chồng, con cái và cả gia đình vợ của bạn ấy.

Mọi người xung quanh Út Đen ngày càng quý mến Út Đen vì cuộc sống đơn sơ của bạn ấy. Vợ chồng Út Đen thuộc lớp nghèo thành thị, buôn bán tảo tần, họ đùm bọc nhau vượt qua nhiều chông gai, trở ngại để mái ấm gia đình luôn hạnh phúc và yêu thương.

 

Niềm Tin của ÚT ĐEN, cứu chữa cho ÚT ĐEN.

 

Năm 1984, Út Đen được gởi gấm vào làm nhân viên của Báo Tuổi Trẻ nhờ quan hệ phía bố mẹ vợ. Công việc của Út đen tạm thời ổn định hơn trước đây. Nặm 1985, Út Đen bị bệnh phổi, thổ huyết liên tục. Mỗi ngày Út Đen bị thổ huyết mấy bận, mỗi bận là một tô máu tươi. Út Đen được đưa vào bệnh viện Pham Ngọc Thạch chữa trị trong tình trạng cấp cứu. Sau thời gian dài trị bệnh, với một xấp dày những bản chụp phim mà bệnh tình không thuyên giảm, bác sĩ  tên là Ý xin hội chẩn nhiều lần rồi ghi kết luận K. Út Đen được chuyển đến bệnh viện Ung Bướu kèm theo lời dặn dò riêng với vợ Út Đen “tối đa 6 tháng”. Vợ của Út Đen nén nỗi lòng, lặng thinh theo chồng.

Bệnh viện Ung Bướu tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả bệnh K phổi có rễ lan truyền. Út Đen không bất ngờ lắm về kết quả này nhưng không tránh khỏi sợ hãi và đau buồn. Vợ chồng Út Đen âm thầm chịu đựng! Tìm hiểu thực tế nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ, họ cắt mổ, xạ trị, hóa trị tốn nhiều tiền, rồi cũng chết, Út Đen quyết định trốn viện, về nhà. Sức khỏe Út Đen giảm sút nhanh chóng nên vợ Út Đen lo sợ, kể rõ thông tin ung thư giai đoạn cuối do Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Ung Bướu kết luận. Cả gia đình biết, ai cũng quan tâm, chia sẻ khó khăn sắp đến với Út Đen, nhưng không ít người khác cho rằng Út Đen bị phạt!!!

 

Xác định thử thách và Thánh giá Chúa trao ban, Út Đen lấy lại tinh thần, thuyết phục vợ mình rằng mình thuộc về Thiên Chúa, đừng lo lắng vì mọi chuyện là ý Chúa, kể cả “sợi tóc trên đầu rơi xuống đất”. Út Đen dặn vợ con hãy siêng năng đi Lễ nhà thờ và cầu nguyện, hãy gởi trọn niềm tin vào Thiên Chúa của Út Đen. Điều cần phải dạy vợ con, Út Đen làm xong, yên tâm và tin tưởng.

 

Út Đen lạc quan thưa chuyện với ba mẹ hai bên rằng, cơ quan không cho làm việc, ở nhà thì vợ con không đủ tiền nuôi bệnh, chờ chết thì quá thụ động! Út Đen tạm biệt mọi người, ra đi về miền biên giới với ước mong mua bán ít hàng hóa từ biên giới, kiếm ít tiền góp cho vợ con, hoặc cũng phải tự mình có cơm ăn ngày ba bữa và dành tiền mua bốn tấm ván ghép đủ cái hòm, lo cho hậu sự. Út  Đen vác ba lô lên đường bằng niềm tin mãnh liệt vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Sẵn có tấm giấy chứng nhận là nhân viên Báo Tuổi Trẻ, Út Đen về Hồng Ngự,  theo xe quân đội qua KPC mua các đầu Video đem về bán ở bên phía Đồng Tháp, có khi về tít SG…cứ thế, khi nào thổ huyết thì có sẵn cái bịch nilon, lúc dứt cơn ho,  làm việc nghỉ ngơi và cầu nguyện. Công việc mua bán của Út Đen cũng có chút kết quả như mong muốn.

 

Tại Hồng Ngự gần biên giới, có nhà bà cụ Ba cho ở trọ, Út Đen gọi là dì Ba. Khi chờ chuyến xe đi KPC, Út trú ngụ, cơm nước tại nhà dì Ba. Người Út Đen trước đây cao 1m74 nặng 72 kg nay chỉ còn lại 50kg, nên dần dần dì Ba cũng biết Út Đen bị thổ huyết, lao phổi. Có điều lạ, dì Ba không sợ lây nhiễm, ngược lại dì Ba tận tình giúp đỡ; chăm sóc, coi Út đen như con ruột của mình. Một ngày kia, dì Ba bảo sẽ làm thuốc cho Út uống. Út  Đen nghe nói như chuyện trên mây. BV đầy rẫy thuốc mà không chữa trị được, còn dì Ba quê mùa này!! Thế mà dì Ba làm thật.

 

Thuốc dì Ba làm rất độc đáo, nguyên con vịt Xiêm tơ hầm thuốc với lá cây. Thuốc nấu bốc mùi tanh không ngửi được, nhưng bởi nể nang tấm lòng của dì Ba, Út đen bấm bụng cố hết sức uống cho xong nước thuốc. Kinh hoàng! Tiếp đó dì Ba tách thịt vịt cho Út Đen, bắt phải ăn hết con vịt!. Út Đen miễn cưỡng nghe theo, thế là đủ một thang thuốc của dì Ba! Sau ba ngày uống thuốc, những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện như số lần thổ huyết giảm, lồng ngực bớt nặng trĩu!. Út Đen sực nhớ rằng mình lên đây là vì niềm tin vào Thiên Chúa, mọi chuyện xẩy ra là ý Chúa. Thế là, tiếp tục trong 3 tuần, Út Đen nghe lời dì Ba uống đủ 3 thang thuốc một cách nhẹ nhàng!

 

Dấu hiệu bệnh lý của Út Đen chuyển biến rõ ràng, lồng ngực nhẹ dần, nhẹ dần và ngưng thổ huyết. Dì Ba bảo thuốc có tác dụng rồi, không cần uống tiếp. Út Đen trở lại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sỹ Ý kiểm tra, chụp hình tới lui nhiều lần, hội chẩn…đi đến kết luận: “Anh không còn căn bệnh như trước mà y học bó tay, chúng tôi không thể tìm ra nguyên nhân anh khỏi bệnh!” Đó là cuối năm 1986. Út Đen sung sướng thầm nghĩ ý Chúa đã làm cho mình những điều thế gian không bao giờ giải thích được. Út Đen trở lại Hồng Ngự báo tin kết quả, xin nhận dì Ba làm mẹ nuôi và tiếp tục cuộc mưu sinh tại vùng biên giới một thời gian. Dì Ba qua đời, Út Đen trở về nhà cùng vợ con tiếp tục cuộc sống bình thường đến hôm nay.

 

Ai khiển Út Đen không đến Mộc Bài, An Giang, Mộc Hóa… cũng là vùng biên giới với KPC mà lại đến Hồng Ngự? Có người sẽ cho rằng ngẫu nhiên! Nhưng Út Đen cảm tạ Mẹ Maria và Thiên Chúa đã chữa cho mình hết bệnh, dì Ba quê mùa là người Thiên Chúa mang đến cho Út Đen. Chính niềm tin của Út Đen: “ Niềm tin của con đã cứu con”.

 

 

 

NIỀM TIN Của Út Đen rửa tội cho vợ mình.

 

Lúc mới quen và lấy Út Đen không theo đạo của chồng, cô Phương không thể hiểu và cảm thông với chồng về chuyện này. Điều cần thiết đối với Phương là lấy được người mình yêu, thế thôi, nhưng lâu dần, Phương cũng hiểu chồng mình phải vượt qua những rào cản khó khăn!

 

Út Đen thường xuyên hướng dẫn cho vợ con rằng, phải yêu thương và tha thứ cho mọi người để Thiên Chúa tha thứ cho mình. Út Đen hằng đêm cầu nguyện cho mình, cho gia đình, cho đất nước, cho thế giới; khi đau bệnh, Út Đen nguyện cầu, gởi gấm toàn bộ đau khổ của mình đến Thiên Chúa và Mẹ Maria. Vợ Út Đen nghe, quen dần những từ ngữ thân thương “Mẹ Maria, Chúa Giê su, Thiên Chúa là tình yêu.” Tin chồng, yêu chồng Phương tin và yêu kính Thiên Chúa của chồng, nhất là khi cô chứng kiến Út Đen tưởng đã chết mà sống lại sau căn bệnh ác tính kia.

 

Những gì đến sẽ đến, Phương đi dự Lễ Misa chung với chồng thường xuyên tăng dần, khi Út Đen không có mặt ở nhà Phương vẫn âm thầm đến nhà thờ, cầu nguyện cho chồng. Sau khi Út đen khỏi bệnh vài năm, cô Phương xin đi học giáo lý tân tòng và chịu phép rửa tội tại nhà thờ Mông Triệu Bình Thạnh SG, đó là năm 1992. Cô Phương trở thành người công giáo qua ơn gọi của Thiên Chúa mà Út Đen chính là tấm gương chứng nhân. Vợ chồng Út Đen càng sống gần gủi và chân thật với mọi người quanh mình, họ càng cảm nhận hạnh phúc với tình yêu tăng dần theo năm tháng. Những cam kết năm xưa của Út Đen với ba me đã thành  hiện thực. Kể từ dạo ấy Út Đen mừng vui vì vợ mình là một Ki tô hữu đầu tiên trong cái gia đình ngoại đạo này.

Niềm tin Thiên Chúa qua cuộc sống chân chất đơn sơ, Út Đen  truyền giáo tự nhiên và hiệu quả, xứng đáng là người công giáo trong đời thường. Con đường của Chúa Giê su dành cho từng người hoàn toàn khác với cách nghĩ của trần thế! Dư luận cứ phê phán, còn Út Đen chọn Chúa!

 

Người Ki tô hữu thứ hai trong gia đình vợ Út Đen.

 

Từ ngày Út Đen là rể quý trong cái gia đình đa phần là con gái này, hầu hết mọi người đều tin tưởng vào Út Đen như một “Khổng Minh” để xin ý kiến nhờ giúp đỡ…Qua con người của Út Đen, mọi người trong gia đình có ý thức thế nào là người Công giáo.

 

Gia đình bên vợ Út Đen được hưởng sự ưu ái của chính quyền đương thời nhưng dù vậy, họ là một gia đình sống chân chất; hiền lành; không ỷ lại; không dựa quyền thế. Đây là một gia đình sống bằng sức lao động của mình. Vợ Út Đen, cô Phương bán gạo ở khu phố này, em vợ Út Đen tên là Linh, đi Liên Xô lao động ba năm trở về VN cùng bán gạo với chị mình để kiếm sống. Nhiều người sống quanh khu xóm Ngô Tất Tố quận Bình Thạnh cũng quý mến gia đình này.

 

Một ngày nọ, khách đến mua hàng có nhờ vợ Út Đen giới thiệu ai đó cho em trai của họ, đang sống tại Úc muốn kiếm vợ VN. Không cần suy nghĩ nhiều, vợ Út đen chỉ ngay vào em gái mình và giới thiệu! Vài tháng sau người con trai bên Úc về VN đã làm quen được với cô gái bán gạo. Vừa gặp nhau, họ hút nhau như nam châm với kim loại! Trai tài gái sắc! Họ mời hai bên gia đình đi ăn uống nhiều lần trong thời gian tìm hiểu nhau, dĩ nhiên có Út Đen tháp tùng. Khu du lịch Bình Quới là địa điểm họ mời nhau ăn uống trước khi chàng trai về lại Úc Châu. Tại đây, chàng trai tên là Sơn, mạnh dạn nhờ anh Út Đen giúp đỡ xúc tiến chuyện cưới xin. Út Đen nhận ra sứ mệnh phải giúp Sơn, một thanh niên Công giáo chắc sẽ không gặp lại điều khó khăn như mình.

 

Sau một thời gian chờ đợi, Út Đen giúp các em làm xong thủ tục kết hôn theo quy định của hai nước. Cô dâu theo chồng về bên Úc, học đạo và tiếng Anh hơn sáu tháng mới chính thức làm phép cưới tại một nhà thờ vùng ADELAIDE. Vợ chồng Út Đen không có tiền để đi Úc dự lễ hôn phối của hai em Linh và Sơn nhưng thường xuyên liên lạc, tâm tình chia sẻ đời sống đức tin cho nhau. Chàng thanh niên Úc Châu ngày ấy đã trở thành cột chèo với Út Đen, họ quý mến nhau như đôi bạn. Sơn không ngần ngại tâm sự với anh Út Đen, “khi chưa làm phép hôn phối, em không đụng gì tới cô ấy”. Út Đen kể: “mình tin cậu ấy nói thật lòng”.

 

Em gái của vợ Út Đen, cô Linh là thành viên Kitô hữu thứ hai trong cái gia đình bé bỏng này. Ánh sáng Đức Kitô lan tỏa nhẹ nhàng và vững chắc mọi nơi và bất ngờ! Cánh đồng truyền giáo vẫn có thợ gặt nếu biết tin yêu và sống gương mẫu như Út Đen, không nhất thiết phải là tu sĩ?

“Hãy tỉnh thức” để đón nhận lấy việc Chúa giao phó!

 

Cháu trai của dượng Út Đen (cháu Đăng).

 

Một đứa em gái khác của vợ Út Đen tên là Loan, cũng làm việc tại Báo Tuổi Trẻ từ khá lâu. Loan lập gia đình, cuộc sống ảnh hưởng bởi người CS, sinh một con trai tên Đăng và một con gái tên Phụng. Các cháu gọi Út Đen là dượng. Cháu Đăng được dì dượng Sơn – Linh bảo lãnh  qua Úc học vào năm lớp 10 (năm 2004). Út Đen vui mừng vì, gần mực thì đen gần đèn thì sáng, ông bà mình nói thế.

Út Đen và vợ chồng dì dượng Sơn & Linh thường xuyên tâm tình việc học của cháu Đăng. Họ cùng nhau cầu nguyện cho cháu rất nhiều, chỉ biết vậy, còn cầu nguyện về chuyện gì thì Út Đen không kể. Cùng lúc nhận bằng tú tài Úc, cháu Đăng xin rửa tội,  tên Thánh là Gioan. Ba mẹ cháu Đăng tại VN biết tin, im lặng chấp nhận quyết định của con trai mình. Tháng 10 năm 2013, cháu Đăng xin phép ba mẹ tổ chức đám cưới cho cháu tại VN. Vợ cháu Đăng cũng sống tại Úc châu, là con một gia đình người công giáo. Gia đình hai bên tổ chức Lễ hôn phối trang trọng cho các cháu tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, quận 3.

 

Út Đen kể, lần đầu tiên trong gia đình chúng tôi có một đám cưới hoàn chỉnh của hai bên trai gái có cùng một tín ngưỡng, một niềm tin vào Thiên Chúa. Đó là điều Út Đen vui mừng nhất và nay mai cháu gái Phụng sẽ tiếp tục đi Úc du học, được dì dượng Sơn&Linh hứa bảo lãnh tiếp tục. Út Đen rất hạnh phúc khi kể lại những mẫu chuyện chứng kiến; có thật trong gia đình phía vợ mình. Một gia đình vừa đạo Phật vừa hưởng những ưu đãi của chính quyền đương thời. Họ đến với Thiên Chúa bằng niềm tin tự nhiên, chân chất nhất.

 

Những gì Thiên Chúa làm thì khác với loài người. Hãy yêu thương, hãy biết chịu đựng hãy biết tha thứ và nhất là hãy nguyện cầu thì niềm tin sẽ tăng lên và tỏa rộng xung quanh. Hãy sống xứng đáng là người công giao đúng nghĩa như Chúa Ki tô đã dạy và”Hãy sống như trẻ thơ thì nước Thiên đàng là của họ,” Út Đen rất thích Lời Tin Mừng này.

Niềm tin và đời sống chứng nhân đơn sơ chính là mang Chúa đến cho tất cả muôn dân, không phân biệt giàu nghèo, vô thần hay hữu thần. Không cần tích lũy đầy tràn tri thức và lý luận, vì lý luận không thể  làm chứng nhân cho tình yêu, nhất là Tình yêu trong Thiên Chúa. Một đời sống đơn sơ thánh thiện được thể hiện, chính là biết tỉnh thức và đón nhận“ Giờ Thầy đến”, là bước theo con đường Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

 

Hãy sống bằng đời sống đơn sơ, tín thác với niềm tin vào Chúa, Thiên Chúa sẽ làm cho ta những gì Ngài biết ta đang thỉnh cầu. Hãy“cùng bước dưới Ánh Sáng thành muối men cho muôn dân, làm chứng nhân reo vang muôn Hồng ân. Cho dù trời mưa gió, cho dù trời băng giá, cứ đi với Ngài trên đường xa…”./.

 

P. Đặng Anh Thạch 64