Dẫu cho thời gian (Trần Thế Huy sb72)

  DẪU CHO THỜI GIAN 

Năm 1966, theo gia đình lánh xa vùng chiến tranh, khởi đi từ Thị xã Tuy Hòa, điểm dừng chân cuối cùng mà gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác định cư, đó là mảnh đất mà ngày hôm nay, dẫu bao thăng trầm của cuộc sống, cùng với bao đổi thay của thời cuộc…Nó vẫn hiền hòa và yên bình như cái tên nó vẫn đang mang: Giáo xứ Hòa Yên.

Vị Linh Mục đầu tiên có công lớn trong việc thành lập ra xứ đạo này không ai khác, chính là Cha Gb. Nguyễn quang Minh, bác ruột của mẹ tôi…

Rời bỏ ngôi trường Đặng đức Tuấn (Tuy Hòa) khi đang theo học dở dang chương trình lớp hai, do đó vào đến trong này tôi phải học lại từ đầu, nhưng vì là trại định cư mới thành lập, nên chưa có trường, cạy cục mãi, ba tôi mới xin cho tôi theo học tại một ngôi trường nhỏ ở khu Bãi Giếng, cách nhà tôi khoảng ba cây số, thời ấy làm gì có sẵn xe máy như bây giờ, nên việc cuốc bộ vài ba cây số đi học là chuyện nhỏ…kể ra lũ trẻ bây giờ học hành sướng thật, xe đưa xe đón tận ngõ, tận trường.

Tuổi thơ ở Hòa Yên là quãng đời đẹp và đã để lại nhiều kỷ niệm nhất trong tôi, và nó cũng là nơi mang đến cho tôi một sự kiện hết sức đau lòng, đó là sự ra đi của mẹ tôi vào mùa hè năm 1970, khi ấy tôi đang chuẩn bị thi cuối cấp tiểu học.

Đã có một lần tôi đề cập với anh em về những kỷ niệm của tôi ở giáo xứ Hòa Yên trên TTSB trong bài viết ‘Thương về Hòa-Yên…nhớ Sao Biển’. Hôm nay, tôi cũng muốn kể lại cho anh em nghe vài kỷ niệm nho nhỏ, của những ngày đầu xa rời quê hương Hòa Yên, để bước chân vào Tiểu Chủng Viện Sao Biển.

…Năm 1970, sau cái chết của Mẹ, tuy có buồn chán, nhưng ba tôi vẫn bắt tôi phải tiếp tục đi học (Chị cả tôi phải nghỉ học để trông đàn em 5 đứa). Vừa xong chương trình đệ thất tại trường trung học tư thục của Cha Nhã ở giáo xứ Hòa Nghĩa. Cậu tôi là Nguyễn Ngọc Điều Csb67, nhân chuyến về nghỉ hè đã khuyên tôi nên đi tu…thực tình lúc ấy tôi chả nghĩ gì tới đi tu cả. Vâng lời Cậu, tôi cũng khăn gói quả mướp sánh vai cùng một số bạn trong xứ đi thi. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, sau khi rao lịch phụng vụ trong tuần xong, thì Cha xứ công bố danh sách hai em đã đậu vào Tiểu Chủng Viện Sao Biển gồm có tôi và Đậu La Lam (cháu của Đậu Hiệu Csb65), nghĩ cũng buồn cười, mấy thằng bị rớt cứ ganh tị với tôi: chỉ có cháu của Cha mới đậu được! Đúng là suy nghĩ…như trẻ nhỏ hihi.

Rồi cũng đến cái ngày phải gĩa từ những trò nghịch ngợm của tuổi thơ, để bước chân vào sống ở cái môi trường nghiêm khắc, ăn nói thì luôn luôn có người để ý, đi đâu cũng có người nhìn (Xin Hương Hồn Cha Giám Đốc Phanxicô Assisi thứ lỗi cho con), và cái nhìn mà bọn tôi sợ nhất là qua tấm kính cửa sổ: đôi mắt với gọng kiếng trắng của Cha bề trên Sùng lúc ẩn lúc hiện, không thấy thì thôi, chứ nếu bất chợt nhìn lên cánh cửa sổ gần tấm bảng đen mà trông thấy, không biết anh em thì sao chứ riêng tôi sởn gai ốc lạnh hết người, nhất là vào những giờ học tối trước lúc đi ngủ. Rồi đến giờ Pháp văn của Ngài vào chiều thứ bảy hàng tuần, bọn tôi sợ đến nỗi cứ cúi mặt xuống, tì sát cằm vào mặt bàn học, và lấy quyển sách dựng lên phía trên để che, nhưng càng che thì càng bị …chiếu tướng. Và rồi cũng đến lượt tôi bị chiếu, không những bị chiếu một lần mà bị chiếu liên tiếp hai lần, bí quá đành phải chép phạt…mấy trăm câu, giờ học với Ngài căng thẳng đến nỗi bọn tôi chỉ mong sao mau chóng có tiếng chuông điện reo báo hết giờ! Hôm nay ngồi viết bài này, nghĩ lại tôi vẫn…thấy sợ! đúng là xăm mình.

Rồi đến Cha Láng nhạc sỹ, bọn tôi sợ nhất là ‘bàn tay của Chúa’ của Cha, sao mà có những cái véo ngắt ở vùng da bụng đau đến…khờ người (hèn chi mà lũ trẻ ở trong xứ, cứ hễ gặp tôi ở ngoài đường, trong khuôn viên nhà thờ là kéo nhau chạy thật xa, miệng la lối om sòm: ông Huy kìa, ông ấy véo bụng đau lắm làm các bà, các cô đứng cầu khấn cùng Đức Mẹ, các Thánh có vẻ khó chịu vì miệng thì đọc nhưng lòng phải suy tới cái sự nghịch ngợm của lũ trẻ, trong đó tôi là người bị ném nhiều cái nhìn mang hình viên đạn nhất) …. Tuy thế, nhưng tôi vẫn thích Cha Láng hơn là bề trên Sùng, vì Cha rất vui, tôi nhớ lúc ấy đám chú tiểu Hòa Yên tụi tôi đi tựu trường rất sớm, lên thăm Cha trước tiên, bao giờ Cha cũng kêu đi mua mực nướng gói sẵn trong các bịch nhỏ, sau đó Cha lấy chai bia con cọp ra và bọn tôi cũng được nhậu ké vài hớp. Năm 1974, tôi trở lại trường quá sớm, vội nhảy lên thăm Cha, Cha bảo tôi về phòng cất đồ, nghỉ ngơi tí xíu rồi Cha dẫn ra Nha Trang coi bộ phim ‘Tora’, nhưng sau đó thấy tôi nằm ngáy khò khò ngon quá, Cha không nỡ gọi đành phải đi xem một mình, tiếc quá!

Năm 1972 Dòng Kín có mừng lễ Kim Khánh của Mẹ bề trên, tôi may mắn được lọt vào trong tốp ca của tiểu chủng viện qua hát mừng lễ, và sau đó các Dì lại quả cho rất nhiều bánh kẹo và nước ngọt, ở chủng viện lúc ấy được cái dzụ này hơi bị hiếm.

Phải nói là Cha Láng có đôi tai rất thính, thời gian đầu mới tập bài ‘trăng mờ Đà Lat’ có lẽ tôi còn là chú chim họa mi mới ra ràng, và khi sắp đến ngày tổng diễn văn nghệ, chỉ cần lướt sơ qua, Cha đã nghe thấy có giọng của ‘ngan đực’ khàn khàn đục đục đâu đây, hú hồn, làm thằng nhỏ tui phải cố hát bằng giọng mũi mới trụ lại được trong nhóm văn nghệ của Cha.

Trong các môn học thì ngoài môn Việt Văn, tôi rất thích học chương trình Anh Văn do Cha Láng phụ trách, vì Ngài thường ‘chế biến’ các cú pháp thành những câu thơ hoặc bài hát rất là dễ thuộc. Không biết tôi nhớ có chính xác không…hình như là vào kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt năm lớp 7, tôi được anh Đậu Quang Khánh 71, hồi đó nghe đâu rằng anh Khánh là con đỡ đầu của Cha Láng. Anh ấy có cho tôi một tờ đề thi tiếng Anh mà khi trước lớp của anh đã thi, cầm tờ đề thi này, tôi không chắc là nó sẽ được lặp lại, nên không để ý lắm…Nhưng rồi có một hôm, tình cờ tôi vào phòng quay ronéo ở lầu một ngay trên phòng Cha Ngọc quản lý, nhìn vào đống giấy bị loại bỏ do in sai, do mực nhòe (hồi ấy làm gì có máy in hiện đại như bây giờ), táy máy tôi lấy vài tờ ra xem thử, mừng như bắt được vàng…ô hô! Đề thi tiếng Anh đây rồi. Thế là cả lớp tôi chuyền nhau ‘học tủ’. Không rõ làm sao mà Cha biết được và thế là Cha đã âm thầm đổi đề thi vào giờ phút chót làm bọn tôi trở tay không kịp, mặt đứa nào đứa nấy buồn xo vì: ‘bể tủ’ hihi.

Trở lại với chuyện của mấy thằng tui ở xứ Hòa Yên… thì sau khi đã nhập học được một thời gian, Cha bề trên có gọi tôi lên và nói là xứ của con còn thiếu một người, sao không thấy nhập học? Sau đó Cha cho tôi về trình báo lại với Cha xứ, và người bị lọt sổ đó chính là Định mập. Trước khi vào chủng viện thì tôi và Định mập không chơi với nhau vì Định mập học ở lớp dưới.

Sau khi Định mập tựu trường muộn, ba đứa thuộc giáo xứ Hòa Yên chúng tôi bắt đầu trở nên thân thuộc với nhau. Nhưng trong ba thằng Hòa Yên theo học ở chủng viện Sao Biển, phải nói là Định mập biết khá rành rẽ nhiều món ăn chơi hơn tôi và Đậu đèn (La Lam), thi thoảng Định mập rủ tôi tối đến, ra ngay phía sau nhà Thầy Nhạc tập hút thuốc lá, hôm khác lại rủ đi ăn cắp dừa khô. Những lúc về nhà nghỉ hè hoặc nghỉ lễ, Định mập lại rủ tôi đi tập đánh Bi-Da, phải nói là tôi rất vụng trong trò chơi này, banh không rơi xuống đất thì cũng thụt trật lất và ngay cả đến hôm nay dzợ con đề huề rồi mà lâu lâu vẫn…thụt trật lất hề hề. Rồi đến khi bước vào năm học thứ ba, thì Định mập không thèm tu nữa chia tay tụi tôi dzìa nhà với mẹ.

Năm bảy nhăm, Vì thời cuộc ‘ở hổng nỗi ’ngoài nớ, tôi theo gia đình trôi dạt vào tận tỉnh Đồng Nai…Và mãi cho đến gần cuối thập niên 90, tôi mới có dịp trở về Hòa Yên, để bốc mộ thân mẫu về an táng trong huyện Nhơn Trạch, hầu mẹ con được ở gần nhau. Sau khi dò hỏi kỹ càng, tôi có nhờ thằng em con bà Dì ruột dẫn lên nhà Định mập, thằng em cho biết lúc này ‘gã mập của lớp tôi’ đang chăn heo; trong vai người đi mua heo con, tôi cố gắng nhập vai lái heo cho đúng bài bản, và tôi phải giả vờ sao cho Định mập khó lòng nhận ra mình.

Tới nhà  Định mập thấy gã đang say giấc nồng…sợ rằng không còn thời gian, vì tối nay tôi phải quay trở về Đồng Nai, tôi bèn giục thằng em cứ gọi Định mập dậy. Không biết Định mập có còn nhận ra tôi không? mà tôi và Định mập ngồi ngã giá heo ngon lành, chẳng hiểu có phải vì bị phá giấc ngủ trưa? hay vì gặp người khách mua heo khó tính cứ kèo nèo giá cả khắt khe! Nên nét mặt Định mập có vẻ lạnh lùng, ít cười và không vồn vã, cuối cùng vì thời gian có hạn, tôi đành phải thổ lộ: Định ơi, mày không nhận ra tao hả? Huy đây, Philatô của lớp đây…Có lẽ vì thời gian xa cách đã quá lâu, nên khi gặp lại chắc có lẽ gã mập cứ nghĩ tôi là dân lái heo thứ thiệt haha. Vì thời gian quá ít ỏi và kế hoạch sẽ ghé thăm những đứa bạn hồi tiểu học, trung học của tôi ở Hòa Yên ngày trước, đành phải gác lại.

Tiếng hát của cô ca sỹ Thanh Tuyền được phát ra từ chiếc loa trên xe, gợi lại những dòng nhạc cũ mang lại cho tôi nhiều nhớ nhung tiếc nuối:…Dù bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm của hai chúng mình, tôi cũng không bao giờ, không bao giờ quên… đâu!

Thời gian vẫn thế thôi…sáng, trưa, chiều, tối. Ngày hôm qua sẽ không bao giờ trở lại…nhưng nếu chúng ta đừng đánh mất thời gian tươi đẹp của quá khứ, thì tôi nghĩ rằng mọi chuyện về: Mẹ Sao Biển, ngôi trường Sao Biển, Các Cha, Thầy Sao Biển, anh em bạn bè Sao Biển sẽ không bao giờ bị ‘chìm xuồng’ theo năm tháng.

Trong thời gian theo học chủng viện, nói chung mỗi người một hoàn cảnh, riêng tôi, ông già tôi lại có quan niệm là cứ để yên cho nó tu. Do đó tôi không thấy ông ghé thăm tôi vào mỗi sáng chủ nhật như bao nhiêu người khác, hay chí ít một năm một lần cũng được. Và thăm hay không tôi cũng đâu có quyền đòi hỏi vì đó chỉ là chuyện nhỏ, cái điều lớn lao và quan trọng là lo cho tôi được vào đây ăn học là quá đủ rồi…riết rồi tôi không còn thiết nghe tiếng loa gọi mời nữa, thôi đành phải chấp nhận như là một bức tranh của đời mình vậy, mẹ mất sớm, phải xa lìa chị em ruột, sống cô đơn một mình và cố tìm lấy niềm vui nơi anh em bè bạn cùng lớp, cùng trường. Cũng có đôi lúc nhìn những anh em bạn bè, cứ mỗi sáng chủ nhật nghe loa phát thanh gọi từng tên một ra nhà khách có người nhà cần gặp, mà cảm thấy tủi thân, lòng buồn vô hạn…Trong số các bạn với hoàn cảnh thuận lợi, là nhà ở gần quanh trường, có người nhà vào thăm hỏi thường xuyên, ngoài sự động viên an ủi của gia đình, gởi cho chút quà bồi dưỡng là bánh, là kẹo, là chút dăm-bông để thêm tí dinh dưỡng cho bữa ăn, thật là thú vị. Tuy không có người nhà ra thăm, nhưng thi thoảng tôi cũng được một vài người bạn chia sẻ cho chút quà ấy, nhưng người bạn mà tôi nhớ nhất, đó là Hưng, Nguyễn Phan Hưng, ở Qui Nhơn. Thú thật lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là bánh trung thu, nhấm nháp vị ngọt ngào của bánh và cắn vào miếng mỡ heo béo ngậy…tôi thầm cảm ơn bạn ấy đã hào phóng và cho tôi biết thế nào là bánh trung thu, mà xưa nay tôi chỉ được nhìn thấy trên sách vở, hình ảnh…Rồi có những anh em còn nghịch ngợm đến nỗi mang cả kẹo dừa, đậu phộng da cá vào nghiền ngẫm trong Nhà Nguyện, quỳ ngay bên cạnh nghe thoang thoảng mùi thơm, thèm muốn chết nhưng hổng dám xin, bụm hai tay che miệng lại làm như là đang khấn cầu, để giấu đi những giọt nước miếng chực tràn ra khỏi miệng. Nhắc đến Nhà Nguyện tôi sực nhớ đến câu đáp ca mà ngày hôm nay thỉnh thoảng vẫn được đọc, cứ nghe đến đó là tôi mỉm cười một mình. Tôi không nhớ chính xác câu ấy được xướng lên vào dịp lễ nào, nhưng đại ý của câu ấy là thế này: phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. Thế mà bọn trẻ chúng tôi cứ gào to lên rằng: Phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết sảy. Thiệt tình nếu Chúa mà biết lũ trẻ chúng tôi ngây thơ đến như vậy thì chắc có lẽ Người sẽ ‘không thể cho chúng đến với Ta’ đâu hihi!

Nhìn lại quãng đời tuổi thơ đã đi qua, với hoàn cảnh sớm mất mẹ, tôi là người trai trưởng trong gia đình chỉ sau bà chị cả, do đó phần nào trong suy nghĩ của tôi lúc nào cũng dành rất nhiều tình thương cho chị và các em. (tôi kể ra chuyện này có lẽ nhiều anh em sẽ cười…nhưng tôi nghĩ là anh em sẽ không cười lăn, mà là cười phục cái thằng nhóc này…):

Hồi ấy tôi còn nhớ rất rõ là vào những bữa điểm tâm sáng với bánh mì, chủng viện thường hay phát cho mỗi chú lúc thì hộp bơ đậu phộng, khi thì một hộp dâu Mỹ( có người gọi là hộp lam), thay vì ăn, nhưng nghĩ tới chị em ở nhà, tôi bèn giấu nó dưới gầm bàn và sau đó mang lên phòng ngủ và cứ thế…sau dăm bảy tháng đi học, khi được về nghỉ hè hoặc lễ, tết… tôi trở về nhà với va-ly nặng trĩu các hộp dâu Mỹ làm quà cho chị em. Nhìn các em tươi cười bên món quà nho nhỏ ấy, tôi thấy lòng mình chan chứa một niềm vui.

Năm 1974, lớp tôi lúc này chỉ còn lại chưa tới ba mươi người, phải nói là cả một sự cố gắng để đứng vững được cho tới ngày này. Trong lớp vì tôi là người nhập học muộn so với lứa tuổi của mình và cùng với một vài anh em khác như Chí Maisen, Phùng Bá Lộc (có thể còn vài bạn khác), tuổi đời so với những anh em khác là đã hơn một, hai tuổi…do đó những thay đổi về tâm sinh lý, như nhà thơ Huy Cận đã viết: ‘Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn…đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ’ nó tuy ngấm ngầm nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học và những suy nghĩ về đời tu, lắm lúc tôi trộm nghĩ dậy thì cũng có nghĩa là dậy sóng…những con sóng lòng rộn lên làm tim mình thổn thức, mơ màng, tưởng tượng…cái chuyện này tôi đã nghe cậu tôi là Nguyễn Ngọc Điều csb67 ngâm nga, khi gặp Cậu sau một thời gian tôi xa chủng viện, lúc ấy Cậu đang học và giúp ở Hòa Yên, và quả là không sai khi tình yêu lên tiếng ở lứa tuổi học trò:

“…yêu em anh xé vở học trò

 đêm khuya cắn bút làm thơ anh tỏ tình…”

Thú thật với anh em, lúc còn ở chủng viện, tôi cũng khoái viết thư, như là một hình thái để trút bớt cái nhơ nhớ, mà mình vẫn không hiểu rõ là nhớ cái gì? tưởng cái gì?…Nhưng rồi thư đến thư đi đều phải nằm trong ‘vùng kiểm duyệt’, sợ rằng sau đó có lỡ văn ngu chữ xấu và lời thư bị ẩm ướt, thì phải khăn gói quả mướp mà ra đi theo tình mộng thì nguy to, chắc có lẽ nhiều anh em khi đã đến tuổi như tôi, cũng đã ra đi vì những cái trăn trở trên, nhưng rồi sợ thiên hạ cười: đi tu nhớ Bu lũ trẻ lại về. Thế là phải cúi đầu cố gắng tâm phục khẩu phục và lo dọn dẹp cơn sóng lòng đang âm âm ỉ ỉ…ôi cái thay đổi tâm sinh lý cũng ghê thiệt!

Thời gian này lớp tôi được bố trí học ở căn phòng cạnh nhà bệnh, không biết vì vô tình hay cố ý, mấy đứa lớp tôi gồm: Cường, Huy, Lam và Khôi(?) xin phép các Cha cho làm một cái bồn hoa ngay phía sau lớp học( nhìn ra sân banh cát nhỏ), loay hoay mãi mà mấy đứa tụi tôi vẫn chưa làm xong…Thế rồi một ngày nọ, bồn hoa kỷ niệm vẫn còn dang dở thì chúng tôi đã phải vĩnh viễn ly biệt khỏi ngôi trường yêu dấu. Những đôi dép Trường Sơn đã lạnh lùng, tàn nhẫn xóa tan đi những dấu chân Sao Biển. Ngày hội ngộ 2008, tôi đã có dịp vào trong sân trường, đi ngang qua nơi mà trước đây tụi tôi đã dự tính lưu lại một bồn hoa kỷ niệm của lớp, lòng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến, mẹ Việt Nam ơi, mẹ Sao Biển ơi, bao giờ con mới được trở lại. Lặng lẽ theo chân một người bạn tặng cho Thầy hiệu trưởng đang quản lý trường nghệ thuật cuốn sách: ‘nửa thế kỷ Sao Biển qua ảnh’ tôi chỉ biết nhìn thầy hiệu trưởng với ánh mắt như cầu cứu van xin:

  Thầy ơi, dù có xây dựng sửa sang gì…xin thầy cố gắng giữ lại dùm chúng tôi những hình ảnh về ngôi trường yêu dấu nhé.

Thầy hiệu trưởng mỉm cười nhìn tôi: vâng…Vâng để đó hay vâng để phá! Thời gian sẽ trả lời tất cả. Bài ca mà anh Đậu Hiệu 65, mỗi khi ôm đàn với khuôn mặt đỏ gay vì cung hát quá cao, và gân cổ thì nổi lên như những con giun đất làm tôi cứ phải mỉm cười mỗi khi nhớ tới, nhưng sao giờ đây nghe nó mằn mặn như muối xát trong tâm tư của những người con Sao Biển đang lầm lũi trên đường đời: “Mal! Au fond du coeur. Oui, j’ai mal…”

Trần thế Huy 72