Mẹ và tuổi thơ (CT. sb59)

Mẹ và tuổi thơ

Cũng như mọi người, Ngày của Mẹ, tôi nhớ mẹ. Mẹ tôi qua đời ngày cuối năm âm lịch 1975.Thời đó, mẹ tôi đã là một bà già trầu hom hem. Hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.

Nhưng nay chính mình cũng đã bước vào tuổi già, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ hơn. Thành ra, mỗi lần quay lại cuốn phim của tuổi thơ tôi đều nhớ đến mẹ của những ngày tôi còn bé.

Khi sinh ra tôi, mẹ tôi cũng đã tròm trèm 40. Vậy mà sau đứa con thứ 10 là tôi, “quen dạ đẻ cách năm đôi”, bà cũng ráng nặn thêm cho tôi được hai đứa em nữa, mà đứa nào cũng mạnh khù chớ không “đao” (down syndrome) điếc hay đui mù sứt mẻ gì hết. Gia đình đông con mà lại nghèo cho nên mẹ tôi không những chia sẻ đồng đều cảnh nghèo cho mọi đứa con, bà cũng tỏ ra rất công bằng trong tình thương dành cho con cái. Cũng như mọi đứa trẻ, có lẽ tôi cũng đã từng được mẹ tôi cho bú mớm, mớm cơm, ru ngủ và âu yếm. Nhưng có điều lạ là tôi vẫn không bao giờ nhớ được bất cứ hình ảnh nào về những cử chỉ âu yếm đặc biệt mà mẹ tôi đã dành cho tôi. Tôi cũng không nhớ có lần nào chính tôi hay bất cứ anh chị em nào của tôi đã tỏ ra bất cứ một cử chỉ ganh tỵ nào về tình thương của mẹ tôi. Có lẽ do văn hóa chăng mẹ tôi chưa bao giờ nói với bất cứ đứa con nào câu nói quen thuộc trên đầu môi chót lưỡi của người mẹ Tây Phương: “Mẹ thương con lắm”. Có thương thì cũng để trong lòng. Có thương thì cũng chỉ thể hiện tình thương bằng những cử chỉ cụ thể như chăm sóc, vỗ về và nhất là “cho roi cho vọt” mà thôi.

Mẹ tôi thương anh chị em chúng tôi bằng một tình thương mặn mà, sâu lắng hơn là bằng lời nói hay những  cử chỉ âu yếm. Suốt một đời, tôi vẫn gọi mẹ là mẹ chớ không thể gọi là “má” được. Lúc nhỏ tôi vẫn nghĩ rằng “ba má” là cách gọi dành cho những đứa trẻ mới bập bẹ biết nói hay những đứa con lớn rồi mà cứ “nhõng nhẽo”, riu ríu bên gấu quần của mẹ.

Mẹ tôi không thể hiện tình thương bằng những cử chỉ âu yếm, nhưng bà không phải là một người mẹ nghiêm nghị, khó tính hoặc cau có. Trong ký ức thơ dại của tôi, ở tuổi ngoài 40, mẹ tôi vẫn còn là một người đàn bà đẹp. Do chủ quan tôi thấy mẹ tôi đẹp là chuyện bình thường. Nhưng những người hàng xóm nhà tôi cũng đều nhìn nhận rằng mẹ tôi đã từng nổi tiếng là một người đẹp. Một tấm hình chụp năm mẹ tôi còn là một thiếu nữ đôi mươi đã xác nhận điều đó. Với sóng mũi không đến nỗi “tẹt” như đa số dân làng tôi, với mái tóc hơi chút gợn sóng, nhiều người nói rằng mẹ tôi có chút “máu lai”. Có người còn đùa rằng có lẽ thời Tây mới qua đô hộ Việt Nam, một bà nẫm, bà sơ hay bà cố nào đó của tôi “chạy không kịp” khi bị lính lê dương “rượt” mỗi khi đi càn quét trong các làng mạc. Chuyện đó thì tôi tin là có thật, bởi vì khi tôi có trí khôn, tôi vẫn còn thấy cảnh các phụ nữ, mỗi lần đi ngang qua Thành Diên Khánh là nơi có lính lê dương trú đóng, đều phải vác giò lên cổ mà chạy, không thì bị họ rượt theo bắt lôi vào trong cái “bọt đền” (Bordel: nhà thổ dành cho lính lê dương thời Tây) để mà làm chuyện đồi bại. Bên cạnh nhà tôi có một anh chàng lai đen. Nghe đâu, mẹ anh ta, vừa mới về nhà chồng, một hôm đi ngang qua Thành đã bị một anh “ma rốc cốc ken” nào đó rượt; bà “chạy không kịp” cho nên mới có anh.

Mẹ tôi có máu lai hay không và tôi có mang trong người một phần trăm nào của máu Tây không, tôi không biết. Tôi cũng mong một ngày nào đó, trước khi qua đời, được đi thử DNA để tìm cho ra sự thật. Nhưng cho dẫu trong số tổ tiên của tôi có ai bị Tây “rượt chạy không kịp” đi nữa, tôi vẫn hãnh diện về nhan sắc của mẹ tôi. Có lẽ mẹ tôi cũng hãnh diện về điều đó mỗi lần bà nhắc lại tuổi thanh xuân của bà. Tôi còn nhớ mang máng một hôm mấy anh chị em tôi bu lại xung quanh mẹ vì thấy mẹ đang ngồi rầu rĩ một mình. Về sau, khi tôi có trí khôn, mẹ tôi mới giải thích rằng hôm đó bà bị cha tôi “đánh ghen”. Số là lúc còn là thiếu nữ, bà được một ông “phán” (thẩm phán thời Tây) trong làng để ý và muốn cưới làm vợ. Nhưng vì bên đàng trai nói ra nói vô rằng hai bên không môn đăng hộ đối do nhà mẹ tôi nghèo, ông ngoại tôi tự ái cho nên không chịu gả con. Vậy mà cả đến 20 năm sau, trong một lần về  làng, ông “phán” lại tạt ngang qua nhà tôi và ghé thăm mẹ tôi, nhằm lúc cha tôi đi vắng. Nghe đâu, lúc từ giã, ông “phán” có để quên một chiếc khăn tay. Cha tôi về thấy có một tang chứng khả nghi liền tra gạn mẹ tôi. Tôi không biết mẹ tôi có u đầu sứt trán không, nhưng cầm chắc là bà đã bị “hành hung”, bởi vì cha tôi vốn là một anh nông dân cục mịch lại nóng tính.

Nhưng còn chuyện “động trời” hơn nữa mà mẹ tôi đã dấu kín trong lòng, mãi khi tôi sắp bước vào tuổi trưởng thành, bà mới tiết lộ. Mẹ tôi kể rằng năm bà độ “mười sáu trăng tròn”, một hôm được một ông “cửu” trong làng mời đến nhà để nhận một lá thư của cậu tôi từ một tỉnh khác gởi về. Thời đó, trong làng tôi cũng có đến 5, 7 ông “cửu”, hầu hết đều đã bỏ tiền ra để mua tước vị này. Ông “cửu” mà mẹ tôi nhắc đến cũng thuộc loại này. Nghe nói có thư của ông anh từ xa gởi về, giữa trưa nắng, mẹ tôi đã hăm hở đến nhà ông “cửu”. Ngờ đâu, lợi dụng lúc trong nhà không có ai, mẹ tôi vừa vào nhà liền bị ông giở trò. May quá, bà đã kịp thoát thân. Có lẽ do một lần bị ông “cửu” nổi tiếng trăng hoa này định hãm hại đời con gái mà mẹ tôi lúc nào cũng giữ khoảng cách với gia đình của ông.

Không gả con cho nhà giàu được, cuối cùng ông ngoại tôi cũng tìm được chỗ môn đăng hộ đối là gia đình cha tôi. Ngoài năm ba chữ quốc ngữ lận lưng ra, cha tôi suốt đời chỉ biết “dí thá” và cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau. Vậy mà khi về làm dâu, không hiểu sao mẹ tôi lại không phải chân lấm tay bùn. Có ra ruộng thì bà cũng đứng trên bờ để “chỉ huy” đám thợ cấy thợ gặt. Trình độ của mẹ tôi cũng thuộc loại vừa tốt nghiệp “bình dân học vụ”. Nhưng dưới con mắt thơ dại của tôi, chuyện gì bà cũng biết. Cứ đêm đến, trước hoặc sau giờ kinh tối trong gia đình, bà kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện Kinh Thánh đến chuyện bên Tây bên Tàu, từ chuyện cổ tích đến chuyện ma. Năm ba câu chữ Nho không biết học lóm được ở đâu, bà cũng “xổ” liên tục đến độ anh chị em tôi đều nhập tâm. Cha tôi “cù lần” bao nhiêu thì mẹ tôi lại thông minh và lanh lợi bấy nhiêu.

Vào thời đó, tức đầu thập niên 1950, mẹ tôi đã được xem là người “văn minh” nhứt làng, bởi vì chỉ có mỗi một mình bà dám “mạo hiểm” vào Sài Gòn buôn bán. Cứ mỗi hai tuần một lần, bà thu mua cau từ các làng và buôn thượng, chất vào cần xế rồi chở xuống ga xe lửa Nha Trang để chuyển vào Sài Gòn bán sỉ cho các bà buôn ở vựa Chợ Cầu Ông Lãnh. Có một lần, vào dịp cuối năm âm lịch, mẹ tôi cho tôi và ông anh kề được tháp tùng bà trong một chuyến đi như thế. Vào thời đó, đối với  một thằng bé nhà quê  suốt ngày chỉ biết lẩn quẩn bên bờ ruộng và con sông Con cạnh nhà, ngay cả Thành (mà người Pháp gọi là citadelle) đã là một thành phố lớn rồi. Nói gì đến Nha Trang và nhất là Sài Gòn. Thế là sau một đêm ngủ vùi trên một toa chở hàng hóa, tôi và ông anh thức dậy khi mặt trời vừa lên để nghe những tiếng rao hàng inh ỏi ở ga Biên Hòa. Thấy cảnh buôn bán tập nập ở Biên Hòa tôi đã choáng ngợp rồi. Đến khi vào đến ga Hòa Hưng rồi được ngồi lên chiếc xe xích lô máy nổ bình bịch để về Cầu Ông Lãnh, tôi thấy như mình đang ở một nước khác, lòng cứ nhủ thầm: thế nào phen này cũng phải kể chuyện cho mấy thằng bạn “quê mùa” của tôi nghe cho chúng lác mắt chơi!

Tôi phục mẹ tôi sát đất: chưa bao giờ sống ở Sài Gòn, vậy mà bà dắt hai anh em tôi đi khắp nơi, khi thì Chợ Lớn mới, Chợ Lớn cũ, lúc thì Lái Thiêu khi thì Thủ Dầu Một…

Chuyến về mẹ tôi chở về Nha Trang đủ thứ hàng: nào là những thứ trái cây mà miền Trung chưa có như Sa bô chê, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, quít đường, nào là tôm sấy chất đầy mấy cái giỏ cần xế, nào là các thứ cây chiết. Suốt mấy ngày chuẩn bị Tết, thiên hạ đổ xô đến nhà tôi để mua sắm.

Không rõ do “cụt vốn” hoặc vì công việc làm ăn của cha tôi bị phá sản, mẹ tôi ngưng chuyện đi buôn. Bà xoay qua làm bánh. Cho tới giờ này, tôi vẫn chưa thấy ai có thể làm được những đòn bánh tét hay những cái bánh ú ngon như mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một “dân nhậu” chính hiệu. Trong khi cha tôi chỉ biết phá mồi thì mỗi ngày mẹ tôi lại chơi hết một chai bia BGI con cọp (Brasseries et Glacieres Internationales) của Pháp. Món nhậu nào bà làm cũng ngon. Ngon đến độ anh em tôi phải bị lừa. Hồi đó, ông anh thứ sáu của tôi thường kể rằng cá nhám là một loài cá chuyên ăn thịt người. Nhất là trong thời Đệ nhị Thế chiến, bao nhiêu xác binh sĩ bị chết trên biển đều được chúng xơi tái hết. Thật ra, không cần phải nghĩ đến hình ảnh những con cá nhám ăn thịt người, chỉ cần ngửi cái mùi tanh ngái của chúng là anh em chúng tôi bỏ chạy. Cho nên thỉnh thoảng có mua loại cá rẻ tiền này về, chỉ có mấy bà chị của tôi là phải cắn rắng để ăn thôi. Dù có dỗ ngon dỗ ngọt cách mấy, anh em trai chúng tôi cũng thà ăn mắm còn hơn  động đũa đến thứ cá gớm ghiếc này. Vậy mà có lần mẹ tôi đã lừa được anh em chúng tôi. Bà đâm quết thịt cá nhám cho thật nhuyễn, ướp với đủ thứ gia vị cho báng mùi, rồi lấy lá chuối cuốn lại như những cuốn chả lụa mà anh em chúng tôi lúc nào cũng thèm chảy nước miếng nhưng thỉnh thoảng mới được thưởng thức. Sau khi hấp cho thật chín, mẹ tôi giới thiệu đây là món chả lụa “hảo hạng”. Thế là anh em chúng tôi tranh nhau đớp sạch. Chờ cho xong bữa ăn, mẹ tôi mới trịnh trọng tuyên bố: “Cá nhám đó bay!” Anh em chúng tôi “mắc nghẹn”, muốn nôn mửa chẳng khác nào mấy ông Tây ăn phải thịt chó.

Làm nông, đi buôn, làm bánh, nuôi gia súc, chế biến các món ăn…nghề nào mẹ tôi cũng xoay xở được. Nhờ tài xoay xở và vun vén của mẹ tôi mà anh em chúng tôi không đến nỗi thất học. Nhưng với tôi, quan trọng hơn chút vốn liếng văn hóa mà tôi đã học được ở nhà trường, mẹ tôi đã dạy cho tôi biết làm người. Và bà dạy tôi bằng chính tấm gương tần tảo hy sinh, những giọt mồ hôi từ những xoay xở, biến báo trong cuộc sống. Có lẽ những câu thơ viết về mẹ của nhà thơ Phùng Cung (1928-1997) của thời Nhân văn Giai phẩm đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi mỗi khi nghĩ về mẹ của thời tuổi thơ của tôi:

“Mồ hôi mẹ

Tháng ngày đăm dăm

Nhỏ giọt

Con níu giọt mồ hôi

Đứng dậy làm người”

Suốt đời, mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi luôn tự hỏi: mẹ tôi mong điều gì nơi tôi nếu không phải là luôn biết nghĩ đến những hy sinh của mẹ để “đứng dậy làm người”.

 CT. Sb 59

 Mothers’ Day 2014

17/5/2014