Giống nhau và khác nhau (Hoàng Châu sb60)

GIỐNG NHAU & KHÁC NHAU

         

Ở  trên đời có những cái giống nhau đến nỗi chúng ta không thể nào phân biệt đâu là một và đâu là hai được. Tôi có những đứa cháu ruột, cháu họ sinh đôi giống nhau và cho mãi đến bây giờ, tôi cũng vẫn chẳng biết được ai là anh, ai là em và ai là chị, ai là em. Và cái định luật “ LE SEMBLABLE  ATTIRE  LE SEMBLABLE”  (Cái giống nhau lôi hút cái giống nhau) xem ra lúc nào cũng ‘bất di bất dịch’, không thay đổi. Nhưng trong cái giống nhau liệu có điều gì khác nhau hay không ? Xin mạn phép đưa ra một vài ý kiến.

I/ CÁI  GIỐNG  NHAU 

  Như trên đã nói, điều giống nhau trong cuôc sống, chúng ta nhận thấy có rất nhiều: giống nhau như ‘hai giọt nước lã’, giống nhau như đúc. Xét về ngoại diện thì như thế và xét về mặt tinh thần thì cũng vậy . Trong nhóm anh em, ai có cùng sở thích, ai có cùng chí hướng thường đi với nhau; ai thích nhậu thường hú nhau đến nhậu, ai thích uống cà phê buổi sáng, hẹn nhau ra quán nhâm nhi giọt cà phê tán gẫu. Đó là chuyện bình thường. Ai thích làm một công việc xã hội nào đó, cùng nhau dấn thân giúp ích cho tha nhân, giúp ích cho xã hội, cũng là chuyện bình thường; và khi họ hoàn thành công việc, họ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ vì mình đã làm một việc mà mọi người nên làm. Hai kẻ sinh đôi, không những giống nhau về hình thể, khuôn mặt mà còn khi đau ốm cũng kéo người kia ốm theo. Người này buồn, kẻ kia cũng chẳng mấy vui. Đó là nói về những kẻ sinh đôi, cùng một dòng máu,cùng một cha, một mẹ. Trong xã hội, cũng có những người có những khuôn mặt gần giống nhau, chẳng hạn như anh chàng giống Hồ Chí Minh và luôn đóng vai cụ Hồ đến thăm các trường học hoặc đóng trong các phim tài liệu. Rồi những kẻ học chung cùng một trường, được giáo dục trong một môi trường nào dó, cũng chịu ảnh hưởng phần nào về cách giáo dục của môi trường đó.

Anh em La Salle Taberd có trang Web riêng, anh em Làng Sông cũng vậy. Riêng anh em CSB chúng ta cũng có cuusaobiengroup quy tụ tất cả anh em rải rác khắp năm châu bốn bể. Họ giống nhau vì có cùng một mái trường chung khi còn thiếu thời. Họ là đồng môn, họ là schoolmates, là classmates với nhau và tất nhiên họ luôn đồng cảm với nhau. ‘Le semblable attire le semblable’ là ở chỗ đó. Tình cờ gặp một người xa lạ, và được biết họ đã học tại TCV Sao Biển NhaTrang hoặc tại Providence Huế, hoặc Adran Đà Lạt hay một ngôi trường nào đó; tự nhiên họ sẽ hỏi thăm nhau về ngôi trường mình đã học, về những giáo sư mà mình đã từng tòng học…Rồi họ cũng tự nhiên liên lạc, đến với nhau và giới thiệu những anh em khác…

Xin đan cử một câu truyện tình cờ tìm gặp được người anh em SB 73 tại Đất Đỏ BRVT : Số là tôi có quen một người bạn Hoàng Ngọc Anh ngày xưa học TCV Hoan Thiện Huế rồi lên ĐCV Xuân Bích Huế học Triết và Thần. Anh ta là giáo viên cấp 1 tại Phước Tỉnh. Trong những lần sinh hoạt, các giáo viên trong huyện với nhau, các giáo viên khác có đề cập đến một giáo viên dạy Anh Văn cấp 2 và nói với anh ta là giáo viên này có cách hành xử giống như một kẻ ‘Ta ru’ như anh ta. Thế là anh ta mới tìm hiểu và được biết người giáo viên đó có học ở TCV Sao Biển NhaTrang. Hoàng Ngọc Anh đã nói với tôi và chính tôi cùng Hoàng Thanh 61 đã tìm đến nhà, đã gặp và đã’ thấy’. Phạm Như Văn vào Sao Biển năm 1973, năm tôi và Rev.Phan Đình Tạc phụ trách tuyển Chủng Sinh vào…Cái Style ‘ta ru’ dường như có một dấu ấn nào đó làm cho chúng ta giống nhau một cách này hay cách khác, khác với những người khác trong xã hội. Cũng như, nếu như chúng ta cỡi xe Honda trên đường phố, gặp một hai người nữ ăn mặc đồ ‘civil’, quần đen dài áo xanh lơ, chắc chắn chúng ta sẽ xác định họ thuộc cộng đoàn nữ tu nào đó, khó mà chối cãi được. Đó mới chỉ là từ xa nhìn và nhận chắc như thế chứ chưa nói đến khi trò chuyện thì cái đuôi lại càng lộ ra ‘nhãn tiền’…

II/  CÁI  KHÁC NHAU

Cuộc đời cũng có những điều khác nhau. Điều này chúng ta không ai đặt nghi vấn bởi vì những điểu khác nhau còn có nhiều hơn là những cái giống nhau. Trong gia đình, anh em tuy cùng một nhà, một dòng máu, nhưng mỗi người một tánh ý khác nhau. ‘Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính’, mỗi người mỗi vẻ. Người có tính này; người có tính kia; không ai chối cãi được. Trong xã hội, anh là anh, tôi là tôi. Anh không thể là tôi và tôi cũng không thể là anh được. Đàn ông là đàn ông, phụ nữ là phụ nữ .Đàn ông không thể là phụ nữ và đàn bà không thể là đàn ông được. Tạo Hóa đã đặt ra như thế. Ngày nay có sự hoán chuyển giới tính; nam được giải phẩu thành nữ.Tuy nhiên tôi nghĩ cái gốc ‘con trai’ vẫn còn nằm trong cá tính của con người đó. Cũng như trong một số gia đình không sinh được con trai, cha mẹ cho con gái của mình cắt tóc cao, mặc áo quần con trai. Mặc dù tính tình của nó có vẻ nam tính hơn một chút, nhưng nó vẫn là con gái ; lớn lên cơ thể của nó vẫn phát triển như một đưá gái bình thường. Mỗi người đều khác nhau đến nỗi ở các nước tân tiến, ngành công an cảnh sát dễ dàng nhận dạng một kẻ đáng nghi nào đó nếu họ có đăng ký nhân danh và có thẻ căn cước được ngành này cấp. Sự khác biệt đó giúp cho con người có những đặc thù riêng của mình. Trong giáo dục, khi học về câu điều kiện, chúng ta vẫn có những điều kiện : có thật, không có thật trong hiện tại và quá khứ. Ngày xưa khi học tiếng Pháp với cố Hirigoyen, Ngài đã giảng dạy rất rõ về ba trường hợp điều kiện này- (réelles conditions và irréelles conditions). Ngày nay khi dạy tiếng Anh cho các em, chúng tôi cũng đã giảng dạy rõ ba điều kiện này cho các em nắm vững (real conditions và unreal conditions). Những câu ‘Nếu tôi là….’ Toàn là những câu trong giả thuyết vì trong thực tế ‘tôi đâu phải là…’.

Trong thế giới này, đàn ông khác với đàn bà về phái tính; người nước này khác với người nước kia về dân tộc; người da vàng khác với người da trắng, da đen, da đỏ về chủng tộc. Về trình độ, anh nông dân khác với ông bác sĩ hay kỹ sư. Về tuổi tác, ông già khác với chàng thanh niên. Về tập tục văn hóa, người nước này khác với người nước kia; người dân tộc này khác với người dân tộc kia. Về chính kiến cũng như về sở thích, mỗi người đều có chính kiến và sở thích riêng. Không ai giống  ai. Và còn biết bao diều khác nhau nữa. Vân vân và vân vân…

III/  KHÁC NHAU TRONG CÁI GIỐNG NHAU 

  Nói như thế có nghĩa là trong xã hội chúng ta sống mọi thứ đều khác nhau, ngay cả trong những cái giống nhau cũng có những điều khác nhau. Tôi và anh, tuy học cùng chung trường, cùng lớp, tôi và anh vẫn có những điều khác nhau: khác nhau về tâm tính, khác nhau về sở thích …Vậy thì chúng ta không thể nào đồng hóa với nhau được. Chúng ta có thể hòa đồng, tôn trọng lẫn nhau, chứ không thể đồng nhất được. Cách suy nghĩ của tôi là của tôi và cách suy nghĩ của anh là của anh. Đôi khi hai cách suy nghĩ có thể đồng nhất, giống nhau ; tuy nhiên vẫn có chút gì đó khác nhau . Vả lại chưa chắc ý kiến của tôi là đúng và ý kiến của anh lại không sai nếu xét một cách khách quan .Ý kiến của tôi có thể là đúng và ý kiến của anh không sai, xét theo chủ quan. Nhưng đối với người khác, họ lại cho là trái ngược. Chúng ta vẫn biết chúng ta là những con người ‘bất toàn’, không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Vì thế chúng ta không thể áp đặt mọi người phải theo ý mình. Có khi chúng ta chỉ mới nhận thức được một phần nào đó của sự việc và chúng ta cho đó là đúng. Cũng là cùng một con voi, nhưng năm anh mù khi sờ nó, lại đưa ra năm nhận xét khác nhau…Nếu chúng ta định nghĩa cho chiếc nón lá của người phụ nữ Việt Nam là một hình lồi, điều đó không sai. Tuy nhiên chưa đủ, còn mặt lõm của nó thì sao ?

Hai cô gài song sinh, giống nhau như đúc, giống nhau đến nỗi cha mẹ phải làm một dấu hiệu nào đó để phân biệt. Nhưng hai cô nàng vẫn có sự khác nhau; ít ra người này biết người kia không phải là mình và còn có những điều khác nhau khác nếu tinh ý mới nhận ra được.

Cùng một sự việc, có những cách giải quyết khác nhau. Cùng một sự việc, có những ý kiến khác nhau. Thế mới gọi là phong phú, đa dạng. Trong cuộc sống gia đình, chồng và vợ hợp nhất trong tình yêu; cha mẹ và con cái sống trong cảnh sum họp êm đềm. Nhưng trong cái đơn vị duy nhất này, chồng có những mưu tính riêng, vọ có những lo toan khác và con cái có những suy nghĩ và hành động thích thời phù hợp với thời đại. Chúng ta không thể bắt người vợ và con cái phải theo ý riêng của mình. Chế độ phu xướng phụ tùy, con cái  ‘mặc áo phải chui qua đầu’ trong thời phong kiến đã lui vào dĩ vãng quá khứ. Trong thời hiện đại này, mỗi cá nhân cần phải tôn trọng, chịu đựng lẫn nhau để giữ được hòa khí trong gia đình, ngoài xã hội. Đảnh rằng lúc nào cũng phải ‘ôn cố tri tân’; tuy nhiên những cái cổ hay, đẹp, truyền thống tốt, ta phải gìn giữ. Còn những điều hủ bại, ta nên loại bỏ để có thể theo kịp đà tiến của thời đại. Ngược lại, những cái tân mà mất phẩm chất đạo đức luân lý, không mấy giá trị đối với nhân phẩm con người, ta cũng nên dè chừng tránh chúng đi.

Để kết, xin mượn lời của Thánh Phao Lô gởi cho Giáo đoàn Corintô , ‘ Dù tôi có thể nói được mọi thứ tiếng của loài người và các thiên thần, nếu tôi không có Đức Bác ái, tôi cũng chỉ là tiếng phèn la não bạt ầm ngân ‘ ( 1 Cor. 13,1) và cho Giáo đoàn Colossê , ‘ Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau ‘ ( Col. 3,12 ). Nguyện chúc tất cả chúng ta suy ngẫm những lời trên để có cuộc sống thăng hoa hơn qua sự hòa đồng, thông cảm và chịu đựng lẫn nhau nhiều hơn.

HOÀNG CHÂU

(Sài Gòn – Mùa Phục Sinh 2014)