Một chút tâm sự của SBC 74 (Bảo Trâm)

Một chút tâm sự của SBC 74

Ba tôi là một người nghiện rượu. Có lẽ rượu làm cho con người ta nhớ. Tuổi thơ, tôi thường theo ba, theo ba ngay cả khi ba ngồi uống rượu một mình mà không có “chiến hữu”. Khi đó, tôi lại là cái ‘nơi’ để ba trút bầu tâm sự ‘nhớ’ của chính ba. Câu chuyện nhớ của ba cứ luẩn quẩn về miền đất Ban Mê Thuột, nơi không phải là quê hương, nhưng nhau rốn của ba đã bị bỏ lại trong lòng đất đỏ bazan này. Và câu chuyện nhớ về Tiểu Chủng Viện Sao Biển ngày xưa nữa. Ba đã kể tôi nghe ngày ba được bà nội dắt đi đo may áo dài và âu phục trắng cùng các vật dụng cần thiết khác để đi tu làm chú. Ông bà nội đã khóc như mưa vì ba là đứa con trai mà ông nội đi tận La Vang để cầu xin Đức Mẹ (ông bà sinh toàn con gái). Nỗi nhớ của người đàn ông ngoài ba  bốn mươi về cái thuở mười hai tuổi cộng thêm chút men say chỉ vỏn vẹn là những buổi học Pháp Văn “xì xồ” và những buổi chiều chạy ra biển, lặn ngụp xuống biển xanh cùng các bạn, các anh lớn. Và nỗi nhớ ngụp lặn trong đôi mắt ướt đỏ, ngụp lặn trong ký ức về một thời quá xa xưa. Hay là ba nhớ nhiều nhưng chỉ kể tôi nghe bấy nhiêu thôi ? Ngày ấy, tôi đã nhận ra nỗi khát khao của ba là được một lần trở về miền đất Ban Mê, để tìm về ngôi nhà xưa, tìm kho báu tuổi thơ là thật nhiều viên bi ba đã chôn giấu trước khi nhà bị tịch thu, tìm mộ con chó Salem ngày nào. Khát khao của ba còn là, tìm gặp lại những người bạn năm cũ,  những người bạn mà ba đã gắn bó, luôn bên ba trong những ngày đầu biết xa gia đình là gì. Giữa những khát khao và tình yêu hạnh phúc, đó là đàn con đang tuổi lớn tuổi học quấn quýt bên ba. Và tôi biết rằng tình yêu của ba cũng vô cùng, nhưng ba đã ra đi…

Năm 2008,  Sao Biển Nhatrang tổ chức hội ngộ  Kim Khánh 50 năm (1958 – 2008 ), có thật nhiều gia đình dắt díu về sum họp, gặp lại bạn học cũ cùng chung mái trường sau bao năm xa cách, có dịp gặp lại nhau, giới thiệu gia đình của mỗi người, kể nhau nghe cuộc sống. Tôi đã nghe kể về sự kiện hội ngộ lớn lao này. Khi bài hát “Sao Biển Người Mẹ yêu”  vang lên rộn rã và thiết tha làm tôi xao động  nấc lên không thành tiếng. Lúc ấy, đứa trẻ chưa kịp lớn lên với bao tủi buồn,  nếu còn ba, tôi sẽ được mặc chiếc áo đẹp xúng xính cùng cả nhà đi dự cuộc hội ngộ. Khi đó, tôi cũng được chia sẻ những niềm vui chung trong ngày hội lớn chứ không phải chỉ nhìn và nghe kể lại.

Tết Âm Lịch 2008, nhà tôi hiu quạnh vì năm đó là cái Tết đầu tiên vắng ba. Các em họ nội tụ tập ở nhà tôi, cùng nhau ráp ba sòng bài (người thua bị phạt quỳ hay bị bôi lọ). ‘Có còn cậu Minh nữa đâu mà chúng nó sợ bị mắng’, nhà tôi lại yên tĩnh thế này. Đang “chặt chém” khí thế thì có một toán người đàn ông đứng ở trước nhà, mẹ tôi hoảng sợ cứ nghĩ  mấy ông công an đến khám xét nhà ( vì anh Hai tôi đang trong tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự dù nhiều lần xin hoãn vì đang học, gia đình khó khăn sau khi ba mất mà không được phê duyệt, đã nhiều lần người ta đến khám xét bất ngờ ). Mẹ liền hốt tất cả những lá bài quăng ra cửa sổ sau hè, tụi em tôi chạy sang nhà nội hết, anh Hai cũng được lệnh “rút”. Thật hoàn hồn vì toán người ấy không phải như mẹ tôi nghĩ mà là những người tự xưng là bạn học Sao Biển ngày xưa của ba, anh Hai tôi được chỉ thị “trở về”. Tôi thoáng nhớ lần ấy có bác Hải, bác Trung, bác Nhậm, bác Tuấn Anh và một vài người nữa. Nén hương năm ấy được thắp lên trong niềm thương tiếc của các bác khi tìm thêm được một người bạn cũ nhưng bạn đã đi xa. Nén hương năm ấy được thắp lên cho niềm an ủi của mẹ vì các bác hứa giúp đỡ mẹ con chúng tôi trong lúc khó khăn nhất này. Và đằng sau nén hương ấy còn là ánh mắt đượm nét vui cười của ba trong di ảnh. Trong khoảnh khắc, tôi vội ngước mắt lên nhấp nháy để ngăn giọt nước mắt chực trào: ” Ba ơi, nếu ba cố gắng một chút nữa thôi thì ba sẽ hoàn thành ước nguyện được gặp bạn cũ của ba rồi! ” Chính giây phút ấy, tôi đã thầm nói với ba như vậy. Và tôi vui vì ước nguyện của ba, tình yêu của ba đã không còn bị bỏ rơi vào quên lãng.

Dù không còn ba nhưng năm nào bác Hải cũng gọi điện mời mẹ và bảo anh em chúng tôi dự cuộc gặp gỡ hàng năm của lớp Sao Biển 74 này. Có khi bác Hải gọi điện trước vài ba tuần. Tôi lại là đứa hay quan sát nhưng giữ lời khi gặp người lớn. Cứ ậm ừ khẽ gật đầu, khẽ cười chào các bác, các bác hỏi gì thì đáp nấy, không trả lời được thì lại nhẹ cười thôi. Các bác cũng thương tôi lắm, tôi cảm nhận được như vậy. Bác Hà, bác Hải, bác Trung, bác Thoa  vợ bác Hà, … là những người thương tôi nhất !

Hay quá nhỉ, tuổi thơ của các bác không gắn bó với nhau nhiều, không cùng đi hết quãng tuổi thơ,  chỉ có 10 tháng dưới mái trường Sao Biển, không cùng là đồng nghiệp, không cùng xứ, mỗi người mỗi nơi, cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau … Vậy mà tôi cảm nhận được tình yêu trong mỗi người dành cho nhau quá lớn. Chắc chắn rằng tình yêu này cũng lớn bằng nỗi khắc khoải nhớ mong bạn cũ của ba tôi vậy. Hay thật đấy, những bà vợ, những bà mẹ cũng xúm xít với nhau như chị em bạn dâu ruột thịt, những Sao Biển  con cũng quây quần bên nhau. Các bác vui đùa như tuổi thơ ngày nào, gọi nhau bằng “cái thằng” và có những nick name hài hước, cùng bá vai nhau, cùng ôm đàn, cùng giành mic, cùng hát. Đó có phải tình yêu của những người Sao Biển tuyệt vời lắm sao?

Tôi nhìn, tôi nghe và tôi hiểu.

Bảo Trâm SBC 74