Marie- Joseph-Francisque AUGER – Cố Đoài (Kim Ngân sb59)

Marie- Joseph-Francisque AUGER (Cố Đoài)

(1854-1891)

Nhân ngày lễ bổn mạng của giáo xứ Hà Dừa, lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su (27/6), mời anh em đọc tiểu sử của cha  Auger, cha quản xứ Hà Dừa (1878-1889). Cha là linh mục quản xứ trong thời kỳ Văn Thân bách hại đạo Công giáo năm 1885. Sự kiện này được cha  Vuillaume nhắc đến trong tập sách “Un souvenir de la persécution dans la mission de Cochinchine Orientale”

Năm 1878 Cố Đoài (Auger) thay cố Bình. Ngài khai khẩn ruộng cầu Lùng (Phước Trạch), ruộng Sình (Cống Vồng). Ngân khoản do ông Đốc phủ Nghiêm ở Sài Gòn dâng cúng. Ngài còn mua ruộng Cư Thịnh, cất nhà thờ Cư Thịnh, mua ruộng Nghiệp Thánh và Lương Phước. Ngài cử ông trùm Xuân và ông Câu Đậu đứng bộ. Ít lâu cố Đoài hồi hương (Kỷ yếu GPNT)

 

Cha Marie-Joseph-Francisque Auger (Cố Đoài) sinh ra tại Billom (Puy-de-Dôme), ngày 10 tháng Giêng 1854. Vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại ngày 27 tháng mười một 1875, cha được thụ phong linh mục ngày 15 tháng sáu 1878, và lên đường đến Đông Đàng Trong ngày 4 tháng chín sau đó.

« Cha Auger là vị linh mục dễ mến, khi cha đến với giáo đoàn truyền giáo vào tháng mười 1878. Cha có trí thông minh tuyệt vời và uyển chuyển, tài khéo léo sâu sắc len lõi dần dần vào trong tâm trí của mọi người, và đưa các cuộc thương lượng tinh tế nhất đến kết quả tốt đẹp ; một tâm hồn cởi mở, luôn sẵn sàng hy sinh tận tụy, một năng khiếu dí dỏm đầy trí tuệ và đơn sơ ; một khả năng đối đáp nhanh nhạy, độc đáo, cay độc cho dù lòng bác ái luôn kìm giữ ngài; một lối ăn nói dễ dàng, trong sáng, và đúng đắn ; cha luôn có một lời tốt đẹp để thốt ra, hoặc một câu chuyện vui để thuật lại. Cha tạo nên sức lôi cuốn trong các cuộc họp và, điều hiếm có, người ta không hề nhàm chán khi lắng nghe cha, mặc dù cha biết xen vào những lời nói của cha sự đúng mực và tính cách đa dạng. Điều còn giá trị hơn tất cả những tài năng bẩm sinh, cha nổi bật bởi lòng đạo đức trung thực cũng như sáng suốt và kín đáo, một sự hiểu biết xuất chúng về thần học, và một lòng nhiệt tình thanh thản cũng như lòng đạo đức, nguồn gốc của nó. Tóm lại, bản tính và sự duyên dáng hình như phối hợp nhịp nhàng để làm phong phú đứa con hạnh phúc này của xứ Auvergne và biến cha thành một trong số các vị thừa sai, những người đang đánh dấu cuộc sống đã qua của họ bằng nhiều công trình bền vững. Nếu trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, cha đã không cống hiến tất cả những gì cha hứa hẹn, đó không phải là lỗi của cha. Vô số hoàn cảnh đôi khi rất phức tạp trong đó diễn ra cuộc sống của các vị tông đồ, chỉ làm tê liệt quá thường xuyên những đức tính, các nhân đức và những cố gắng của họ, cũng như những biến đổi của nhiệt độ làm rơi rụng nhiều đóa hoa mùa xuân và làm hư hỏng nhiều hoa trái của mùa hè.

« Việc học tiếng Annam đối với cha Auger chỉ là trò tiêu khiển, mặc dù  việc đó rất khó đối với những đầu óc chậm hiểu và có trí nhớ cằn cỗi. Với thời gian và việc sử dụng ngôn ngữ thường xuyên, cha nắm bắt được tất cả những tinh cách tinh tế của ngôn ngữ này. Nhờ đó, cha nói tiếng Annam rất thành thạo. Sau này cha còn học thêm chữ Trung Hoa thậm chí có thể đọc được những vở kịch chính thức thông thường. Cha thi hành mục vụ trong những cộng đoàn Ki tô hữu khác nhau ở Bình Định. Đức cha Galibert gửi cha đến Khánh Hòa (Hà Dừa) để làm việc dưới quyền của cha Geffroy, nhà thừa sai duy nhất trong tỉnh này. Nói đúng hơn, tại đây cha Auger có thể học về mục vụ, điều rất quan trọng và quyết định đối với tương lai của vị thừa sai trẻ. Cha đã tìm được một người thầy kinh nghiệm : nhu cầu vừa cấp bách vừa bất ngờ buộc ĐC phải sử dụng những tài năng của cha Geoffroy. Tiếp theo sự thuyên chuyển này, chỉ hai tháng sau khi đến Khánh Hòa, cha Auger được giao nhiệm vụ săn sóc toàn tỉnh với một linh mục bản xứ luống tuổi làm phụ tá.

« Trách nhiệm gánh vác thật nặng nề đối với đôi vai non trẻ của cha, trong những hoàn cảnh mà cha buộc phải làm.  Giáo dân ở tỉnh Khánh Hòa (Hà Dừa) gồm đa số là những tân tòng đến với đức tin nhờ sự nhiệt tình và tài năng khéo léo của cha Geffroy. Vì vậy, tục ngữ Annam có câu : « những con vịt mới nở khó nhận ra con gà mái là mẹ của chúng, cho dù gà mái “có kêu gọi chúng sau khi ấp cho chúng nở.» Thực ra tư cách làm cha tinh thần cũng như tư cách làm cha từ bản tính bẩm sinh từ bên này cũng như bên kia những tình cảm không được lan truyền. Người tân tòng sẽ không bao giờ có cảm tình, dễ bảo và tận tụy đối với bất cứ linh mục nào khác ngoài linh mục đã cải đạo cho họ và  được sinh ra trong Đức Giêsu Kitô qua phép rửa tội. Cha Auger đã phải chịu đựng những hậu quả đau đớn từ quy luật này của trái tim của con người. Dần dần, sự nhiệt tình của các tân Ki tô hữu trở nên nguội lạnh ; một vài người cải đạo giả dối có được cơ hội thích hợp để vứt bỏ cái mặt nạ và trở về với đa thần giáo mà họ chỉ từ bỏ bằng môi miệng. Về phía các quan lại và tất cả những người ngoại giáo thù địch, mặc dù vẫn còn giữ sự kính trọng cho đến lúc đó, nhưng đã vội vàng gây ồn ào rùm beng, bằng cách đe dọa những người này, làm tổn thương những người khác, đâm đơn kiện cáo này nọ, trong đó luật pháp chính đáng không được tính đến từ khi nó bị liên kết với danh nghĩa ki-tô hữu hoặc dự tòng. Những sự phật ý đa dạng và kéo dài thật lâu mà không có bất cứ sự trấn áp nào, nhanh chóng ngăn chặn sự hăm hở của dân chúng hướng về đạo Công giáo, tôn giáo không lâu trước đó có vẻ như chinh phục toàn tỉnh. Vì thiếu kinh nghiệm và vì sức mạnh của những kẻ thù địch, bất lực trước cơn bão khủng khiếp này, nhà thừa sai đáng thương đành phải hơn một lần than thở trước mặt Thiên Chúa, khi sự bình yên trở lại, trước khi khai hoang ở nơi khác, nhà thừa sai chỉ biết sửa sai những tổn thất trong những cánh đồng đã được gieo giống. Trong hai hoặc ba năm, thử thách này rất nặng nề đối với bất cứ con tim nào nhạy bén với bất cứ tình cảm cao thượng nào và nhất là tình cảm đối với những lợi ích của Chúa và của các linh hồn.

« Tuy nhiên, nhờ kiên nhẫn và tài khéo léo bền bỉ, cha đã chiếm được chỗ đứng, và có thể tự tin ngay trước khi thu hoạch trong vui mừng sau khi đã gieo trong nước mắt khá lâu. Những niềm hy vọng an ủi còn bị hủy hoại bởi thảm họa đẵm máu, trong gần hai tháng, nó đã đẩy lùi Đông Đàng Trong thịnh vượng vào cơn hấp hối, và kìm giữ nó giữa cuộc sống và cái chết trong vòng hai năm. Âm mưu thảm sát khủng khiếp đã nổ ra ở tỉnh  Khánh-Hoà cũng như ở các nơi khác. Những hoàn cảnh địa phương, trong số đó phải kể đến nỗi sợ hãi mà nghị lực vô song của cha Auger gây ra cho các quan lại và các văn thân.Những hoàn cảnh đó chỉ ngăn cản âm mưu nổ ra sớm hơn tại phía Bắc. Mặc dù không nhận được tin tức từ hơn ba tuần, mặc dù các con đường đều bị canh gác, Cha vẫn hy vọng và bình tĩnh cho dù những lời hăm dọa, và những người ngoại đạo không dám khởi sự công việc mở cửa hỏa ngục. Cuối cùng khi hiểu được tính cách nghiêm trọng và tình trạng nguy hiểm sắp diễn ra, cũng như sự chống cự vô ích, trước lời khẩn cầu của chính các giáo dân khuyên cha đi tìm kiếm sự giúp đỡ trong khi họ chạy trốn lên miền núi, cha leo lên một chiếc thuyền vào ban đêm cùng với người bạn trẻ đồng hành của cha, cha Guitton, và ra ngoài biển khơi mà không ai chú ý. Cả hai nhà thừa sai ẩn núp trên một hòn đảo nhỏ hầu như không có người ở, hy vọng nhìn thấy và cầu cứu con tàu đầu tiên chạy ngang qua đó. Trong khi chờ đợi, các ngài nhắn cho một chiếc ghe đầy thiện chí hai câu nói gửi cho Đức Cha Van Camelbeke ở Qui-Nhơn : « Auger và Guitton trốn trong một hòn đảo gần Nha-trang ; giáo dân « chạy trốn trên núi ; đến cứu ngay tức khắc, nếu không tất cả đều chết hết. » Nhờ sự bảo vệ của các thiên thần tốt lành, lời kêu cứu này đã đến đúng địa chỉ. Một buổi sáng, ngày 24 tháng tám, những người chạy trốn không còn cảm thấy an toàn trên núi đá và thiếu lương thực, họ liền mạo hiểm trên sóng nước, họ nhìn thấy gần bờ biển một chiếc tàu lớn đang bỏ neo. Họ nhanh chóng leo lên tàu và thấy mình đang ở giữa nhóm thủy thủ người Đức. Đó là một tàu hơi nước mang quốc tịch Đức, được những người Trung Hoa thuê mướn, sau những lời năn nĩ vô ích bên cạnh thuyền trưởng chiếc pháo thuyền của Pháp, chiếc tàu Le Lion, Đức cha đã thuê và gửi đi tìm các nhà thừa sai và giáo dân Khánh Hòa, cha Geffroy cũng có mặt trên tàu.

« Được cứu thoát một cách quan phòng, cả hai cha hướng dẫn con tàu hướng đến các cộng đoàn giáo dân đông đảo nhất. Theo kế hoạch ban đầu, các giáo dân đã chạy trốn lên miền núi. Người ta đã thông báo cho họ, nhưng chỉ có một số nhỏ có thể lên tàu. Những người khác nhận được lệnh tập hợp tại một nơi được chỉ định, nơi con tàu sẽ quay lại đón họ, trong tám ngày tới, và chiếc tàu Le Gerda, theo sự chỉ dẫn, lướt nhanh về Saïgon, nhưng không thể đón được bất cứ ai, khi đi qua trên bờ biển Bình-Thuận. Cha Auger quay trở lại ít ngày sau đó và lần này may mắn hơn  cha đón được 5 đến 6 trăm giáo dân của cha, và đưa họ về Qui-Nhơn.

 

«  Vừa mới phục hồi lại sau tất cả những cảm xúc vừa qua, cha được biết trên cao nguyên Tây-Gia hoặc Phú Yên, tám hoặc chín trăm giáo dân bị bỏ rơi sau cái chết của cha Chatelet, họ đang giãy giụa chống cự lại những kẻ sát nhân và cũng kêu gọi cầu cứu. Cứu thoát họ không phải là công việc dễ dàng gì. Tây-Gia nằm cách Qui Nhơn ba ngày đường, và vùng nổi loạn đầy dãy những dãy núi và hẻm vực. Việc trở về cũng rất nguy hiểm đối với đám đông bao gồm phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người già cả và bệnh tật. Không hề gì, người ta quyết định làm điều đội đá vá trời. Sự can đảm và tận tụy của cha Auger chỉ định cha lãnh đạo cuộc di tản theo sự lựa chọn của Đức giám mục. Ngài sẵn lòng chấp nhận và tự mình thành lập một đoàn người gồm một trăm người có vũ trang được chăng hay chớ. Một trăm người khác tháp tùng để mang thực phẩm khi ra đi và khiêng bệnh nhân lúc quay trở về. Chiều ngày tám tháng chín, tất cả mọi người lên tàu dưới sự che chở của Đức Mẹ Maria, trên pháo thuyền le Chasseur của Pháp; thuyền trưởng tài ba Le Gorrec (bác ái hơn người đồng nghiệp của ông trên con tàu Lion) đã bằng lòng chở họ đến tận bờ biển Phú-Yên, cách Qui Nhơn chừng 25 dặm. Từ đó, họ vượt qua hai hoặc ba thung lũng thông thương với những con đèo dễ đi, đoàn quân cứu nạn đến với những người tù sau hai đêm và một ngày đi bộ liên tục. Bị tấn công bất ngờ, quân địch chỉ còn thời gian báo động và chạy trốn.

« Sau hai ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, Cha Auger hạ lệnh khởi hành lên đường trở về. Không phải nghĩ đến việc quay lại con đường cũ, ở khắp nơi, các con đường đều được canh gác cẩn mật. Người ta chọn con đường men theo triền núi, dài hơn nhưng an toàn hơn trong hoàn cảnh này. Các văn thân sớm nhận thấy điều này và vội vàng chạy đến canh gác tại nhiều địa điểm để bắt lại con mồi đã thoát khỏi tay họ. Sự bình tĩnh của vị tướng lãnh biết quan tâm săn sóc mọi thứ và trả giá cho tính mạng của mình; mệnh lệnh và kỹ luật mà ngài thiết lập giữa những giáo dân của mình và sự tin tưởng mà ngài gây cảm hứng đã khiến cho số đông người và đại bác của địch trở nên bất lực.

« Sau năm hoặc sáu ngày đi bộ, những người bị bao vây và được giải thoát về đến Qui nhơn an toàn. Họ đi ngang qua trước mặt Đức Cha và các vị thừa sai, nhiều người trong số họ thì thầm: « Có lẽ tôi sẽ không dám làm như thế đâu. »

« Trong giai đoạn lưu đày ở Quinhon, cha Auger cư ngụ chủ yếu tại Nam Kỳ thuộc Pháp. Ở đây, phối hợp cùng với cha Villaume, cha toàn tâm toàn lực vào công tác xoa dịu về tinh thần và thể xác cho từ hai đến ba ngàn giáo dân được bố trí tạm trú ở Gò-Sam, một vùng đất rộng và màu mỡ, nhưng  khí hậu không mấy trong lành.

« Thời gian lưu đày của cha ngắn ngũi. Từ cuối năm 1886, các tỉnh Khánh-Hoà và Bình Thuận dần dần được ổn định,. Cha Auger vội vàng đưa các giáo dân của cha từng được chuyển vào Sài gòn và vài trăm người tị nạn khác ở nơi này nơi nọ trở về quê quán. Tổng cộng lên đến gần một ngàn người. Cũng như ở khắp các nơi khác, Khánh Hòa chỉ còn lại những cảnh hoang tàn đổ nát. Vị thừa sai can trường liền khởi sự bắt tay vào việc làm hồi sinh giáo điểm của cha. Nhiều công tác phục vụ và nhất là tài ngoại giao hòa giải khéo léo của cha đã giúp cha nhận được một số tiền bồi thường là 10 ngàn đồng do những những kẻ sát nhân giáo dân chi trả, chưa tính đến nhiều sự giúp đỡ và thuận lợi khác mà Hội Truyền giáo không thể nhận được ở bất cứ nơi nào khác.

« Sau này, cha vẫn tiếp tục duy trì với mọi người những mối quan hệ tuyệt vời đã hơn một lần đưa đến lợi ích chung. Cha khiến cho mọi người say mê đầu óc chính xác và nhạy bén của cha và hơn nữa qua sự tận tụy của cha, cha không màng đến nỗi vất vã cũng như nguy hiểm. Một ngày nọ, cha đã biểu lộ một chứng cứ can đảm đáng chú ý. Trong một chuyến thám hiểm nơi những người miền núi cùng với ông Bourrord, một viên kỷ sư; và ông Béguet, ủy viên của tòa công sứ. Ông này đã bất cẩn nổ súng bắn vào một con cọp, mà không đứng xa ngoài tầm với của con vật trước đó; ông liền cầu cứu gọi các bạn đồng hành đến giúp đỡ. Con thú bị thương nhảy bổ vào kẻ tấn công nó và và cả hai tham gia vào một trận đánh giáp lá cà, trận xô xát giữa người và thú này không thể kéo dài lâu. Khi nghe tiếng súng nổ, cha Auger đã nghi ngờ một thảm kịch khủng khiếp sắp xảy ra. Cha vội chạy lại, tay cầm vũ khí, tiến đến gần người và vật đang vật lộn nhau chừng vài bước chân, và trong vài phút, cha đã bắn hạ được con thú bằng một viên đạn trúng ngay tim. Người thợ săn bất hạnh bị thương nặng; ít ra anh ta cũng còn sống được năm hoặc sáu ngày trời, hồi tĩnh lại hoàn toàn và chuẩn bị đón nhận cái chết sau đó.

« Trước cuối năm 1890, hầu như tất cả các cộng đoàn giáo dân của Khánh ­Hoà đã được phục hồi trong tình trạng khiến cho mọi người hầu như quên đi sự thịnh vượng của quá khứ. Gần 300 tân tòng đã lấp đầy những khoảng trống do cuộc bách hại để lại. Những lương dân cảm thấy càng ngày càng bị lôi cuốn về phía nhà thừa sai và tôn giáo mà ông rao giảng. « Đó là lúc, cha Vuillaume viết, mà « theo bất cứ sự tiên liệu nhân loại nào, cha Auger sẽ gặt hái thật nhiều kết quả từ những ”việc làm” của cha.”

“Tình trạng không đủ thích ứng đối với những sự kiện trong cuộc sống thực tiễn, như người đời nói, là tình trạng tàn tật của những bản tính độc đoán. Qua khía cạnh này, cha Auger trông giống với các nhân vật vĩ đại. Tuy nhiên, chính ở nơi cha, giống như nơi một số đông người, tính vô tư và sức lôi cuốn của lòng nhiệt tình nổi trội hơn tình trạng không đủ khả năng căn bản rất nhiều. Với một thể lực dồi dào và dễ kích động, cha không bao giờ cảm thấy một vài tình trạng khó ở nho nhỏ và tin tưởng vào sức lực không thể suy kiệt của cha. Vì thế, đôi khi cha xử sự rất kém đối với « socius corporel » của cha. Cha tự dành cho mình những tuần lễ giong ruổi ngược xuôi qua những đồi núi và thung lũng, dưới trời nắng và trời mưa, chỉ ăn uống  hai hoặc ba lần trong hai mươi bốn giờ, cha còn chợp mắt ngủ rất ít và ngủ ở bất cứ đâu. Thật ra về phương diện sau cùng này, cha tự mình đền bù không mấy khó khăn bằng những giấc ngủ kéo dài từ mười đến mười lăm giờ liên tục; người ta nói cha có thể điều khiển giấc ngủ của cha, bằng cách xua đuổi nó hoặc mời gọi nó tùy ý. Tình trạng lạm dụng và thiếu chăm sóc sức khỏe, kết hợp với những cơn mệt mỏi thông thường của công tác mục vụ, đã làm xói mòn sức khỏe tráng kiện của cha một cách ngấm ngầm. Vào tháng năm, cha mang về từ một cuộc viếng thăm ở Làng-Sông chứng viêm phế quản giai đoạn đầu, nhưng tình trạng chểnh mảng lơ là của cha cũng như những tai nạn khác đã làm cho bệnh trạng của cha dần dần nặng thêm. Tháng mười hai, cha không cầm cự được nữa. Theo ý kiến của bác sĩ, cha vào bệnh viện Saïgon, tại đây người ta đã khẩn cấp chuyển cha về Pháp. Đó là vào đầu tháng ba năm 1891. Tuy nhiên, khí hậu của tổ quốc và không khí rất tốt tại nơi sinh quán của cha cũng không cải thiện bệnh tình của cha chút nào. Từ lần chẩn đoán đầu tiên, các bác sĩ nhận thấy bệnh lao phổi của cha đã ở vào giai đoạn cuối. Chỉ một mình cha có ảo tưởng hoàn toàn về sự nghiêm trọng của căn bệnh. Cha nghĩ đến việc chữa khỏi nay mai và hy vọng sớm quay về với các cha bạn và giáo dân mà cha luôn nhắc đến với biết bao yêu thương trìu mến.

« Các bác sĩ Auvergne không hiểu gì về căn bệnh của tôi, cha nói một ngày nọ, tôi muốn đi đến Paris « để các bác sĩ chuyên môn hội chẩn, những người sẽ chữa lành cho tôi rất nhanh và giúp tôi lên đường trở lại « công cuộc truyền giáo » của tôi. Mặc dù còn suy yếu, người ta phải đưa cha đến nhà ga, lấy vé và đưa cha lên toa tàu. Chúa Quan Phòng vào lúc này đã cho phép cha ở trong tình trạng suy yếu. Cậu của cha, người cùng đi với cha, liền tận dụng cơ hội này để dễ dàng đưa cha xuống tàu lại và đưa cha lên giường bệnh lại. Cha đã kiệt sức. Vị quản xứ của giáo xứ cha phải thẳng thừng tuyên bố cha chỉ còn có thời gian để chuẩn bị cho cái chết. Bệnh nhân đáng yêu vẫn còn giữ tất cả những ảo tưởng cuối cùng, nhưng một khi đã hiểu ra sự việc, cha đành cam chịu tận đáy lòng mình, cha xưng tội và nhận lấy bí tích xức dầu một cách hết sức sốt sắng, việc làm có sức cảm hóa lớn lao tất cả những người có mặt  Người ta không thể mang của ăn đàng đến cho cha, vì cha không thể nuốt được bất cứ thứ gì. Ngày hôm sau, cha phó thác linh hồn trong tay Chúa, vào lúc bảy giờ sáng. Đó là ngày thứ ba 4 tháng tám. Ngày 5, mười lăm linh mục, các bạn bè đồng môn xưa kia của cha, đưa thi hài cha về phần mộ của gia đình trong nghĩa trang của thành phố nhỏ Billom, nơi mà cha chỉ mới chào đời từ 37 năm về trước.

« Chừng một tháng sau khi tin tức về việc từ trần của cha đến giáo phận Đông Đàng Trong, các cha Villaume, Garnier và Dauguet cử hành tại Hà Dừa, nơi ở thường xuyên của cha Auger, một thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho linh hồn cha. Toàn bộ nhân sự hành chính Pháp, đứng đầu là ông công sứ, các quan lại An-nam của tỉnh, tất cả các giáo dân xung quanh và một đám rất đông những người ngoại giáo đều đến tham dự với lòng kính trọng và trìu mến. Mỗi người đều cố gắng biểu lộ dấu chỉ biết ơn và kỷ niệm trìu mến đối với một người Pháp, một vị thừa sai, con người đã biết chiếm được sự kính trọng và thiện cảm của mọi người bằng cách hy sinh tận tụy cho mọi người. »

Nguồn: Mepasie

Chuyển ngữ: Nguyễn Kim Ngân

(Hà Dừa, Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su 2014)