Những người mẹ của đời tôi (Nguyễn Văn Độ sb61)

Những người mẹ

của đời tôi

Cũng như hầu hết các bạn đồng môn, tôi từ giã làng quê của tuổi thơ để vào “Nhà Đức Chúa Trời” khi mới lên 11 tuổi ! Nếu có ai hỏi tôi về “lý tưởng dâng mình cho Chúa” lúc đó, chắc chắn tôi chẳng biết nói gì, ngoài chuyện rưng rưng nước mắt và than : “Nhớ mẹ quá!”.

 

Ngày 24 tháng 7 năm 1961 là ngày tựu trường của lớp 61 chúng tôi. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi phải xa mái ấm gia đình, xa người thân yêu và nhất là xa mẹ. Ṃe tôi là một người phụ nữ giản dị như bao nhiêu người khác, có điều là mẹ tôi rất đạo hạnh, không bao giờ bỏ lễ ngày thường, trừ khi không thể. Mẹ tôi càng thương tôi hơn khi tôi được vào TCV. Mẹ đưa tôi đi nhập học bằng xe lửa từ ga Mương Mán tới ga Nha trang. Chiều hôm đó, mẹ dẫn tôi đến TCV, hai mẹ con đều lạ lẫm, ngơ ngác. Sau khi dẫn tôi đến chào cha Bề trên và đóng tiền “học phí” 1000 đồng. Tôi được chỉ dẫn lên nhà ngủ tìm giường của mình. Loay hoay một lát, tôi chạy xuống tìm mẹ, thì mẹ tôi đã “kín đáo” ra về. Nước mắt tôi chực trào ra, nhưng sợ bị các bạn mới “chọc quê” nên tôi lặng lẽ quay trở lại. Một chú gà non vừa tách mẹ!

 

Tôi không chủ ý viết về mẹ ruột của tôi ở đây, nhưng mượn “tình mẫu tử” để nhắc đến, trong niềm tri ân và kính trọng đối với những “người mẹ thứ hai”: Các Dì phục vụ Nhà Bếp. Những “người mẹ áo đen” ấy đã âm thầm đồng hành cùng chúng tôi nhiều năm trong cuộc sống, chia sẻ  biết bao vui, buồn, gian lao, lo âu, sợ hãi…cho đến ngày “bị” tách lìa nhau: Hạ tuần tháng 5 năm 1979. Và nay, các Dì đều đã an nghỉ trong Chúa. Chúng tôi mỗi người mỗi ngã, trôi dạt theo dòng đời xô đẩy. Vào những dịp họp mặt CSB, ngoài các cha giáo, thầy giáo được nhắc nhở tri ân, kẻ ít người nhiều, không ai có thể quên được những “người mẹ áo đen” ấy. Những “kẻ bé mọn của Phúc âm” đúng nghĩa, dù không tránh khỏi những sai lỗi trong đời sống chung, khi hoàn tất cuộc hành trình dương thế, thật xứng đáng để được ban cho phần thưởng mà Đức Kitô đã hứa trong Phúc âm Matthêu: ” Ai đón tiếp (=phục vụ) một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ”. (Mt 10,41).

Như thế, thật an ủi khi chúng ta tin chắc rằng Chúa đã ban cho các Dì, bù vào sự thiếu sót của chúng ta, những phần thưởng được san sẻ từ nhiều thế hệ chủng sinh Sao Biển, trong đó có cả Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và nhiều giáo dân cựu SB.

 

Các dì đã sống một cuộc đời thật âm thầm, giản dị. Nhớ những năm đầu thập niên 60, Cha Clause (Cố Hồng) soạn lịch PV cho Giáo phận Nha trang, ở phần thống kê cuối sách, ngài ghi vắn tắt: Dòng Mến Thánh giá Gò thị, TCV Sao Biển, Bà nhất Cần, số nữ tu 10. Hiện nay có lẽ không còn nhiều người biết về nguồn gốc, lịch sử của nhóm nữ tu mang danh “Mến Thánh giá Gò Thị” này. Phần chắc là các dì đã di dời nhiều nơi, từ Gò Thị, Làng Sông Quy Nhơn, Tấn Tài, Toà Giám Mục v. v. và các dì đã được Đức cha Marcel Piquet nâng đỡ, dìu dắt trong giai đoạn khai sinh Địa phận, cho tới khi ổn định tại TCV Sao Biển từ năm 1958.

 

Tài liệu, hình ảnh về các Dì không nhiều và nếu có thì cũng khó tìm. Nhưng ký ức của một thời tuổi trẻ của tôi cũng như của các bậc đàn anh, đàn em SB có thể giúp “khắc họa” lại một phần nào những sinh hoạt của cộng đoàn nhỏ bé này cũng như chân dung, cá tính, đặc điểm của mỗi Dì, mà tôi mạo muội ghi lại nơi đây, dù rất thiếu sót và hời hợt để chúng ta nhớ tới các Dì, cầu nguyện cho các Dì trong tinh thần tri ân và thương mến. Có thể gọi đó là “tư liệu của con tim và kỷ niệm”.

Sau khi lớp 61 chúng tôi nhập học được vài tháng thì Dì Tiềm qua đời. Chúng tôi đoán là Dì bị bệnh đã lâu năm. Dì được người thân đón về an nghỉ tại quê nhà.

 

Khu “nội cấm” của các Dì, chúng tôi không được phép vào, trừ trường hợp cần thiết có phép riêng. Trong việc nấu nướng bếp núc hằng ngày, các Dì còn được sự trợ giúp của một vài phụ nữ khác như vợ của Bác Qúy, Bác Thiện…Những chiếc chảo to đùng để nấu cơm với cái vá to như mái chèo thuyền, mà chúng tôi chưa hề trông thấy bao giờ, cho chúng tôi hiểu là các Dì, phần đông đã già yếu, rất cần sự đỡ đần.

 

Khi làm việc, các Dì không ngừng đọc kinh và lần chuỗi. Bầu khí đạo đức đó chính là một thứ “Linh đạo” (Spiritualité) riêng, không cao siêu, trong đời tu trì của các Dì: “Mến Thánh Giá” (Les Aimantes de la Croix). Các Dì bước theo Vị Sáng lập là ĐGM Lambert de Lamotte để dâng mình phục vụ Chúa và GH góp phần vào việc đào tạo Linh mục. Công việc và đời sống cộng đoàn không thiế́u “Thánh giá” để các Dì “yêu mến” hằng ngày. Có một nét đặc thù của cộng đoàn này: nhiều lứa tuổi, từ nhiều vùng miền khác nhau: Bắc, Trung (Quảng ngãi, Bình Định) và cả Nam (Khánh hoà trở vào), không có ơn gọi mới, không thay đổi tu phục và đang trên đường mai một.

 

Các Dì còn phụ trách trồng rau lặt vặt quanh nhà, đặc biệt là mấy luống hoa huệ trắng do Dì Khiết chăm sóc, cung cấp cho Nhà nguyện lớn và Nhà nguyện riêng của các Dì, nhìn ra con đường Nam Thông (nay là đường Bắc Sơn). Tại nhà nguyện riêng này, cha Quản Lý dâng lễ cho các Dì mỗi sáng. Khi có lễ trọng, Lễ Đại Trào, các Dì lên Nhà nguyện lớn dự lễ, mỗi Dì cầm theo một cái quạt giấy và ngồi phía cuối. Dì Khiết nói giọng Bắc, rất hiền, còn phụ trách đúc in bánh lễ. Thỉnh thoảng Dì cho chú nào đó mà Dì gặp, một ít “thèo lèo” để nuôi quy.

Dì Nhàn nuôi heo chuyên nghiệp, tận dụng thức ăn thừa từ nhà bếp và chủ yếu để bán. Dì Khanh, Dì Hiển nuôi thỏ rất khéo và CV thỉnh thoảng được ăn thịt thỏ nấu ragu.

 

Thật thương khi nhìn thấy các Dì kéo từng tàu dừa khô về nhà bếp để làm củi đốt, hoặc cắt lá, cắt cỏ cho thỏ. Các Dì thương các chú như con. Khi có quần áo rách cần vá, chúng tôi gói lại, đề tên, mang để ở cuối nhà cơm, các Dì sẽ chằm vá chu đáo và với tất cả lòng yêu thương. Đôi khi tình cờ gặp các Dì, chúng tôi còn được dúi cho trái chuối hoặc viên kẹo, làm chúng tôi nhớ đến những ngày tuổi thơ tại quê nhà, khi “đón mẹ đi chợ về”. Mỗi sáng, sau giờ cơm, chúng tôi thấy Bác Hiển đã sẵn sàng lái chiếc Peugeot chở vài ba Dì đi chợ Nha trang, luôn luôn có Dì Nữ trên đó vì Dì là người tháo vát nhất. Về sau, dì Nữ chuyển sang dòng Khiết Tâm. Nghe ĐC Nho kể lại: Dì Nhàn cũng xin về dòng Khiết Tâm, nhưng cha đỡ đầu của Dì bảo rằng: Con ở đây nuôi heo, có sang bên đó cũng nuôi heo, thôi con sang làm gì, và Dì vâng lời. Niên khóa 1968-1969 khi hai lớp 60, 61 không thể ra Huế sau biến cố Mậu thân, dưới thời cha Bề trên GB Hoàng kim Đạt, Dì Khanh được chuyển lên phục vụ tại KTX Viện ĐH Đalat cho CV Chúa chiên lành.

Người viết có mặt tại TCVSB từ 1961 đến 1967, nên không biết rõ những thay đổi trong TCV nói chung và của các Dì nói riêng trong những năm sau đó. Có điều chắc chắn là vào ngày 19 tháng 3 năm 1975 (Lễ Thánh Giuse) khi lịch sử đất nước sắp sang trang, TCV phải tự giải tán, các Dì là những người lo, buồn và đau khổ nhất. Vì các Dì phải tận mắt nhìn những “đứa con” tan tác ra đi, và không biết số phận của chính mình như thế nào.

 

May thay, vào những ngày đầu tháng 5 năm 1975, các Dì hết sức vui mừng khi được tin ĐC Phanxicô Xavie trước khi rời ĐP Nha trang, đã gọi các thầy mãn Triết, còn ở lại, tựu về CVSB để tiếp tục học Thần học. Ban GĐ thường trú gồm Cha BT Nho, cha Ngọc QL, cha Phong, cha Phi và 24 thầy từ nhiều ĐP và dòng tu khác nhau. Các cha, các thầy và các Dì sống gắn bó cùng nhau như một cộng đoàn huynh đệ: học và lao động mưu sinh: chăn nuôi, trồng rau, làm ruộng rau muống.v.v, chia sẻ mọi công việc trong nhà kể cả rửa chén bát, tắm heo, chở hèm, chở rau sang chợ Đầm để bán từ sáng sớm.v.v. Dòng Khiết tâm gửi Dì Nữ và Sơ Chí Linh (Đại Điền) sang giúp ĐCV vì các Dì trong CV đã già yếu. Mọi người chia sẻ cùng nhau mọi công việc, kể cả những niềm vui và lo lắng trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vào tháng 10 năm 1975, Dì Cần qua đời. Dì được an tá́ng tại Nghĩa trang cũ của xứ Thanh Hải (trên đường ra Rù Rì, nay không còn nữa), và Dì được cải táng, tro cốt bảo quản tại Nghĩa đường GX Thanh hải.

 

Cuộc sống tưởng chừng êm đềm trôi dưới sự che chở của Mẹ Sao Biển, và lòng “vâng theo ý Chúa” của mỗi người, thì vào tháng 6 năm 1979, Các cha, các thầy mỗi người mỗi ngã đi về nơi “phục vụ” mới,. Thế là một lần nữa, các Dì lại “bơ vơ”. Dòng Khiết tâm đã yêu thương đón nhận các Dì, để các Dì có thể đi nốt những ngày còn lại của cuộc đời dâng hiến.

 

Những hy sinh của các Dì trong bốn năm tồn tại của TCV/SBNT, tiền thân của ĐCVSB hiện nay, đã góp công vào kết quả là thêm cho ĐP và GH toàn cầu 19 linh mục (4 LM đã qua đời). Những hy sinh của các Dì, thật sự nhỏ bé trước mắt con người, chẳng hạn như Dì Mười cả ngày lần chuỗi, ngồi ở góc nhà cơm, bên cạnh con chó cưng của Dì, để trông giữ nhà và cầu nguyện. Hoặc Dì Trinh, tuổi cao và chân yếu, lo cho chúng tôi từng cây tăm cồi dừa, khăn ăn v.v.

 

Nhưng trước mặt Chúa, và trong lòng những người con Sao Biển, thuộc nhiều thế hệ, đó là những hy sinh quý giá từ trái tim, của những “người mẹ” đã sống và ra đi trong âm thầm, với mong ước duy nhất là có “những đứa con” ra đi mở mang Nước Chúa.

 

Kẻ trước người sau, các Dì tuần tự được Chúa gọi về. Chôn cất tại Hà Dừa có Dì Mười, Dì Hiển, Dì Khiết. Tại Bình Cang có Dì Trinh, Dì Nhàn, Dì Biết và Dì Nữ. Riêng Dì Khanh xin về lại quê nhà tại Quãng Ngãi. Một số AECSB đã đóng góp để lo cho mộ của các Dì tại Nghĩa trang Hà Dừa.

 

Những dòng cuối này được viết vào Chúa Nhật XX thường niên Năm A với đoạn Tin mừng Mt 15:21-28 về người phụ nữ Canaan, nhắc ta nhớ đến các Dì như những “người mẹ thứ hai” khiêm hạ và vững tin. Xin Chúa trả công cho các Dì vì các Dì không chỉ cho chúng con “một bát nước lã” mà các Dì đã cho chúng con cả “một cuộc đời”.

* RIP.*

 

 Nguyễn văn Độ SB61

Sacramento, California- Tháng 8/2014