Tường thuật Lễ An táng cha Benoit qua ảnh (Kim Ngân sb59)

Tường thuật

Lễ An táng cha Benoit qua ảnh

 

Trước hết, thành thật cám ơn phóng viên ảnh Đức Thắng 72 rất nhiều đã bỏ công sức ghi lại những bức ảnh thắm đậm tình nghĩa của các linh mục, giáo dân, thân nhân huyết tộc và linh tộc cũng như  anh em CSB đối với cha giáo Benoit Nguyễn Công Phú, nhân dịp ngài trở về với Đấng mà ngài đã suốt đời trung thành. Với tư cách là thành viên trong dòng tộc của ngài, tôi xin phép được san sẻ với anh em những dòng sau để tưởng nhớ đến ngài.

 

Mở đầu cho trên 103 tấm ảnh của Đức Thắng, đó là nhà thờ Cây Vông, nơi mà cha Benoit sẽ cùng tham dự Thánh Lễ cuối cùng ở trần gian này  cùng với thân nhân, bạn hữu linh mục, các con cháu, các học trò Sao Biển,  giáo dân Cây Vông  cũng như giáo dân  những nơi cha từng phục vụ. Ngài đã hiện diện tại giáo xứ này từ năm 1982 cho đến năm 2006, tổng cộng là 24 năm trời. Nhưng 8 năm đầu tiên (1982-1990), ngài chỉ là một linh mục đang bị quản thúc, hàng tuần phải ra trình diện, đi lao động cuốc đất cắt tranh theo yêu cầu. Lúc đó, ngài phải sống  một mình trong căn phòng ọp ẹp chật chội nằm phía sau nhà vuông, nơi tác giả quyển sách Đường Hy Vọng từng ở  và viết quyển sách này trong thời gian không lâu trước đó. Trong khi cha quản xứ thì ở nhà vuông bề thế hơn. Ngài tự nấu ăn một mình. Có lần tôi đến thăm ngài, ngài tự mình ra lấy thêm một quả trứng gà ngài nuôi rồi tự tay chiên trứng mời tôi ở lại ăn cơm với ngài. Từ 1990, cha được giữ chức quản xứ Cây Vông cho đến năm 2006, năm cha phải về nhà nghỉ dưỡng do bệnh diabète. Với 16 năm trên cương vị linh mục quản xứ, giáo xứ Cây Vông hầu như hoàn toàn thay da đổi thịt. Bộ mặt khuôn viên giáo xứ dần dần thay đổi. Một nhà thờ nhỏ cũ kỹ chứa được chừng một trăm người, một nhà vuông đang xuống cấp dần dần nhường chỗ cho ngôi thánh đường mới nguy nga bề thế hơn cộng với nhà xứ mới, nhà dạy giáo lý mới, đài Đức Mẹ mới…v.v.. Khi bắt tay vào việc xây dựng các công trình này, giống như cha đã từng làm trước năm 1975 tại Võ Đắt,  trong túi cha chẳng có đồng xu teng nào. Cha kêu gọi các gia đình trong giáo xứ tiết kiệm bỏ bủng bỉnh, và một phần cha trổ tài ngoại giao đến các nơi trong cũng như ngoài nước. Thế là mọi công trình cứ thế mà xuất hiện trong thời gian ngắn.

 

Đây là ngôi thánh đường quy mô, hoành tráng nhất nhì của giáo phận Nha Trang. Đó là công lao của cha và toàn bộ giáo dân Cây Vông. Cũng phải nhắc đến sự hỗ trợ lớn lao của tác giả Đường Hy Vọng, Năm chiếc bánh và hai con cá…v.v.. Cây vông hiện nay nổi tiếng trên toàn thế giới, bởi vì tác phẩm Đường Hy vọng sau này được in và dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Mặt tiền và hai bên thánh đường, chúng ta thấy những cây cột trông không khác gì những cây cột theo kiến trúc Hy Lạp, nơi mà cha từng đến thăm trong thời gian du học tại Paris. Bên trong, ngoài bức tranh đắp nổi trên tường Chúa sống lại, các tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse, còn có hơn 20 bức tranh vẽ lại những biến cố trong Tin Mừng. Đó là công lao của một họa sĩ ngoại đạo vẽ theo tranh trong một quyển sách  ảnh mà cha đem từ Pháp về. Dù không phải là kiến trúc sư, nhưng chúng ta thấy rõ cha đã vận dụng rất nhiều mỹ thuật trong kiến trúc của ngôi Thánh Đường Cây Vông. Thánh đường mới toát lên niềm vui mừng và hy vọng này, như trong bài giảng Đức Cha đã nhắc đến, được khánh thành vào ngày 17 tháng 2 năm 2000. Chi phí xây dựng thánh đường nguy nga này vào thời kỳ đó chừng trên hai tỷ rưỡi đồng VN.

 

Một số ảnh tiếp theo là những hình ảnh làm tím cả khuôn viên nhà thờ Cây Vông của các linh mục trong và ngoài giáo phận. Có 110 linh mục đồng tế cùng với Đức giám mục giáo phận, trong đó có 2 Đức ông, Đức ông  Nguyễn Quang Sách, nguyên giáo sư TCV Sao Biển Nha Trang và  Đ.Ô. Nguyễn Thế Thoại,  nguyên giáo đốc chủng viện Lâm Bích. Sáng ngày 19/6, khi đến kính viếng thi hài cha Benoit tại Tòa giám mục, Đức Ông Sách đã khóc, còn Đức Cha Hòa nghẹn ngào không nói nên lời trước khi bắt đầu Thánh Lễ. Trong các linh mục Sao Biển, có cha Hồ Sĩ Hữu 62 lặn lội từ Phan Thiết  ra Cây Vông  để tiễn biệt cha lần cuối cùng. Cha Benoit còn có 4 con tinh thần làm linh mục, hiện diện trong Thánh Lễ  có cha Linh, cha Hòa (Vĩnh An) một cha ở Bảo lộc không xuống được vì phải ngồi xe lăn. Con tinh thần Hoàng Ngọc Quang 62 của ngài cũng đến tận Cây Vông để tiễn biệt ngài, khi đi phải có người dìu một bên. Thật là tình nghĩa đậm đà khó quên.

 

Trong Thánh Lễ an táng, người đầu tiên mang khăn tang là  nữ ca sĩ của ca đoàn Cây Vông hát đáp ca, Xơ dòng Khiết Tâm đọc sách thánh là con tinh thần của cha ở Dục Mỹ. Thầy đọc sách Thánh là Nguyễn Ngọc Duy Linh, con của Phong 63, hiện học triết năm 2 tại ĐCV Sao Biển Nha Trang, sponsor của thầy  là một người anh em CSB lớp 72 hiện ở Arlington. Người đọc sách Phúc Âm  là thầy phó tế Nguyễn Công Viên luôn ở bên cạnh Đức cha trong các hình chụp, thầy là con của Nguyễn Thưởng 62, chuẩn bị lên chức linh mục nay mai. ĐC giáo phận giảng lễ nhắc lại nhiều kỷ niệm về cha Benoit hết sức xúc động. Khi cha làm quản xứ Võ Đắc và Cây Vông, cha đã giới thiệu nhiều thanh niên nam nữ dâng mình cho Chúa, chẳng hạn như người viết bài này biết rõ, giáo xứ Võ Đắc, hiện nay có 3 Xơ dòng Khiết Tâm, 2 Xơ Mến Thánh Giá, 3 Cựu Sao Biển.

 

Một bức hình mà tôi cho là đẹp và mang ý nghĩa nhất, đó là một số bà con giáo dân đang đứng bên ngoài phía trước nhà thờ dưới ánh nắng chiều mùa hạ để dự Thánh Lễ. Điều đó cho chúng ta thấy được tấm lòng của giáo dân Cây Vông đối với cha quản xứ ngày xưa sâu đậm như thế nào. Mặc dù nhà thờ rộng, nhưng số giáo dân tham dự phải ngồi bên ngoài nhà thờ.Cha Benoit sống bình dị, gần gũi, hòa đồng với bà con giáo dân,  thường xuyên thăm viếng các gia đình trong giáo xứ, rất chú trọng đến việc giáo dục thanh thiếu niên, cha tạo điều kiện thuận lợi để thanh thiếu niên tham gia vào các môn thể thao, chẳng hạn như đóng bàn ping-pong, xây dựng sân volley, sân bóng đá, lập đội bóng đá và tổ chức những trận thi đấu thể thao giữa các giáo khu trong xứ. Mọi người già trẻ lớn bé đều có thể tiếp xúc với cha hết sức dễ dàng. Tên gọi thân thương mà giáo dân Cây Vông  dành cho cha với biết bao trìu mến là “Ông Ngoại”. Nhiều giáo dân không thuộc linh tộc hay huyết tộc nhưng đã tự nguyện để tang cho cha. Đây mà một tục lệ rất hay của các giáo xứ di cư từ miền Bắc. Toàn thể giáo dân của một giáo xứ dưới quyền của một linh mục đã từng phục vụ cho họ nhiều năm trời không phải là các con thiêng liêng hay sao? Việc để tang của giáo dân cho cha quản xứ qua đời là điều phải lẽ công bằng và chính đáng.

 

Vì không có nhiều thời gian, nên những tấm hình  anh em CSB chỉ được ghi lại  trong thời gian ngắn, nhưng mang đầy ý nghĩa của tấm lòng của anh em CSB đối với cha giáo. Do lực hút của Sao Biển lúc nào cũng cực mạnh, nhiều anh em CSB vội vàng đến với nhau, nói chuyện năm ba câu trước khi đi tiễn cha Benoit ra nghĩa trang cách đó 3 cây số. Ngoài anh em CSB Nha Trang, Ninh Hòa, còn có anh em CSB Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang. Có một số anh em CSB để tang cha Benoit: Thưởng 62, Nguộc 66, Thiên 71 là cháu ngoại ông thứ Hai, Hải kèn 68 là cháu nội ông thứ Ba (Ba Thâm), Kim Ngân 59 là cháu ngoại bà thứ Sáu, Phong 63 và Hoan 74 là cháu nội bà thứ bảy, mẹ của cha Benoit. Trong hình bác Tôn ngồi hút thuốc bên cạnh một cô bé, đó là con gái của Đức Thắng 72 đang học cấp ba, và đã từng nhận học bổng của quỹ khuyến học Sao Biển năm đầu tiên.

 

Số người đưa tiễn cha Benoit ra nghĩa trang rất đông, đường vào nghĩa trang bị nghẽn do người và xe hai bánh khá đông, vì vậy Củ Nghệ phải đi xe máy trên bờ ruộng để vào nghĩa trang bằng ngã khác. Sau khi ĐC giáo phận thực hiện đầy đủ các nghi thức hạ huyệt, một cơn mưa thật to trút xuống. Rất đông giáo dân phải trú mưa tại nhà nguyện ở nghĩa trang. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã đứng trong một nghĩa trang dưới cơn mưa. Có ai đó lên tiếng, cơn mưa sau khi hạ huyệt là một điềm lành. Tôi liên tưởng đến điệp khúc bài hát có lời ca ngọt ngào: “Hồng ân Chúa  như mưa, như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man”… . Mộ cha nằm bên cạnh mộ cha Nguyễn Lộc Huệ, phía bên kia là mộ cha Hoàng Kim, phía trước mặt nhà tang lễ nghĩa trang là mộ cha Mai Hứa, và mộ cha Khương. Một con số 17 lạ lùng: Nhà thờ Cây Vông khánh thành ngày 17/2/2000. Cha Mai Hứa mất ngày 17/2/2013; cha Benoit mất ngày 17/6/2014

 

Một lần nữa, thay mặt tang quyến, xin cám ơn tất cả các anh em CSB đã không ngại đường sá xa xôi, dành nhiều thời gian quý báu để đến tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho cha Benoit.

 

Kim Ngân 59