Cha Benoit Nguyễn Công Phú (Hoàng Châu BR sb60)

CHA BENOIT NGUYỄN CÔNG PHÚ

 

Niên khóa 1964-1965, Cha Giuse Nguyễn công Nghị được ĐGM  Marcel Piquet bổ nhiệm làm Bề Trên TCV Sao Biển thay thế Cố Pierre Jeanningros, bắt đầu thời kỳ ‘Việt nam hóa’ nền giáo dục và tu đức trong Chủng viện.

Cha Benoit vừa đi du học từ Pháp về cũng được sai về làm Quản Lý kiêm Giám Luật TCV Sao Biển.

 

Năm nay, chúng tôi bước vào lớp Quatrième, lớp cuối cùng của Chi đoàn Trung (còn gọi là Chú Trung) và vẫn học theo chương trình Pháp. Chính vì thế các cố Tây vẫn phụ trách các môn học cho lớp, ngoại trừ môn Việt Văn do Cha JB. Lê Xuân Hoa ( Nhà Thơ Xuân Ly Băng ) đảm nhận.

 

Cha Benoit không dạy chúng tôi môn học nào, ngoài giờ tập hát cho các Thánh Lễ Chủ Nhật và lễ lớn trong tuần. Tôi còn nhớ, Ngài đặc biệt tập những bài hát của Cha Hoàng Kim, rất khó và rất mới mẽ đối với chúng tôi. Cá nhân tôi, tôi sẽ chẳng có kỷ niệm gì về Ngài nếu Ngài không phụ trách hai lớp 60 và 61 niên khóa 1967-1968 tại Trường Providence, Huế và nếu tôi không đi Probation tại Giáo Xứ Võ Đắt niên khóa 1971-1972, giáo xứ mà Ngài đã phụ trách năm đó.

 

Hôm nay ngày 17 tháng 6 năm 2014, Ngài đã ra đi. Ngài giã từ cuộc sống sau mấy ngày nhập viện. Tôi nghĩ chắc Ngài rất bình thản vì với số tuổi 84 này, chắc Ngài cũng đã toại nguyện và sẵn sàng đón nhận một cuộc sống mới. Những ngày tháng nghỉ dưỡng, ngài luôn nở nụ cười trên môi khi nhìn thấy anh em đến chào và hỏi thăm mặc dù hai tai ngài bị điếc, không còn nghe được câu gì. Tôi xin viết lên đây những tâm tình mà tôi đang có về Ngài.

 

I/- MỘT CON NGƯỜI CÓ ÓC CÁCH MẠNG

 

  Khi Ngài về TCV làm Quản Lý kiêm Giám Luật niên khóa 1964-1965, tinh thần cách mạng nơi Ngài được nổi bật qua việc thay đổi bộ áo dài đen quần trắng của các chú bằng bộ âu phục màu trắng. Giữa lục cá nguyệt năm 1964, chính Ngài đã hô hào và kêu thợ may từ bên Nha Trang qua Thanh Hải, đo từng chú một, từ lớp Huitième đến lớp Première để cho anh em có được một bộ âu phục màu trắng tươm tất, lịch sự mặc trong những ngày lễ Chủ Nhật và lễ trọng. Và rồi từng lớp, từng lớp chụp ảnh với bộ đồng phục này. Nhờ ơn của Ngài mà ngày nay anh em có những tư liệu cho Tâm Tư Sao Biển, cuộc Hội Ngộ 50 năm, năm 2008 và Dấu Chân Sao Biển mặc dù chỉ là những tấm ảnh trắng đen.

 

Phong trào thể thao cũng được đổi mới: Bộ áo sọc xanh trắng bóng đá và bộ áo bóng rổ của TCV là do Ngài mua cho các chú khi đi thi đấu với các trường dòng bạn. Cùng với Ban Giám Đốc, Ngài cổ vũ chương trình thể dục thể thao học đường như diễn hành và những động tác rèn luyện thân thể, tổ chức những giải thể thao cho từng chi đoàn. Tôi nhớ, năm đó chúng tôi thuộc chi đoàn trung; nhưng các môn thể thao lớp chúng tôi rất có khiếu, trừ lớp Seconde (Lớp 58 của anh Tý Cali, Trực..) nên chúng tôi xin đăng ký thi đáu với các lớp thuộc chi đoàn lớn. Bóng rổ chúng tôi vào chung kết với lớp 58. Bóng đà và bóng chuyền, vì muốn để san sẻ cho đồng đều, Ngài đề nghị đấu liên quân : Lớp 58 và 59 thi đấu với lớp 57 và 60. Chung cuộc, lớp 58 đoạt giải quán quân. Dĩ nhiên, Chi đoàn Trung và Nhỏ cũng có những giải riêng cho họ.

 

Tôi đã từng nghe nói Ngài đã nhiều lần ‘ mũi đối mũi’ với Đức Cha Marcel Piquet về những cải cách trong giáo phận. Điều này tôi đã nhận thấy rõ khi Ngài được sai về TCV năm 1964. Mỗi lần ĐGM qua thăm TCV nhân những ngày lễ lớn, hình ảnh Ngài và ĐGM đối mặt nhau vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi. Ban giám đốc được chuyển giao cho các Linh mục bản xứ trong năm này là một điển hình.

 

II/- MỘT CON NGƯỜI ĐƠN SƠ CHẤT PHÁC

 

  Mặc dù được đi du học từ bên Tây về, nhưng Ngài ăn mặc một cách rất bình dị đơn sơ, với chiếc áo chùng thâm gài nút xéo như kiểu áo dài đen cổ truyền Việt Nam; khác với áo chùng thâm kiểu Tây có hàng nút giữa từ trên xuống dưới như ĐÔ Nguyễn quang Sách và cha cố Nguyễn hữu Ban thường mặc. Vì đã được đi du học khi còn là Thầy Đại Chủng Viện, nên khi mới về nước, tiếng Việt của Ngài chưa được ‘chải chuốt’ cho lắm và đậm nét địa phương Khánh Hòa. Ngài sử dụng nhiều từ bình dân làm cho chúng tôi nhiều khi phải phì cười. Giọng nói này khi tập hát cho chúng tôi, nhất là khi cùng chúng tôi sinh hoạt ngoài trời tại Huế, làm cho chúng tôi không bao giờ quên được. Chính ĐC Nguyễn chí Linh và Nguyễn văn Độ lớp 61 thường hay bắt chước giọng mũi của Ngài hát lại cho chúng tôi nghe. Và thế là chúng tôi cười xòa với nhau ( có phải thế không ĐC Linh và bạn Độ ?).

Niên khóa 1966-1967, Cố René Gantier Thể phụ trách lớp 59 và 60 tại Trường Providence Huế với những câu chuyện ‘mày, tao’ thường xảy ra và những ca khúc mà Cha Duval biểu diễn với cây đàn guitar của Ngài thờì niên khóa này, Ngài phụ trách hai lớp 60 và 61 với những hoạt động hướng đạo và những bài hát sinh hoạt với giọng mũi của Ngài. Rất tiếc, chúng tôi chỉ sống với Ngài trong vài tháng vì sau biến cố Mậu Thân, chúng tôi phải di chuyển về Đà Lạt học chung cùng với lớp đàn anh 59 tại Collège d’Adran. Mặc dù thế, chúng tôi vẫn có những kỷ niệm êm đềm khó quên.

 

Tết Mậu Thân, Ngài và một số anh em vùng NhaTrang về quê ăn Tết; còn lại 10 người ở lại Huế ăn Tết tha phương. Ngài đã ân cần dặn dò và động viên anh em và khi biết xảy ra biến cố, tôi tin chắc Ngài đã rất lo âu, thấp thỏm chờ mong tin tức mười người chúng tôi. Khi 8 trong 10 người chúng tôi về đến Nhatrang sau gần một tháng sống trong vùng ‘dầu sôi lửa bỏng’, Ngài đã hấp tấp vội vàng chạy đến TGM gặp gỡ và chuyện vãn với chúng tôi. Thật ấm cúng biết chừng nào!

 

III/- MỘT CON NGƯỜI HOẠT ĐỘNG

 

Năm 1967, Đức cố Hồng Y  F.X Nguyễn văn Thuận cho phép chúng tôi tham gia sinh hoạt Hướng đạo sinh Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi cùng với một số anh em chủng sinh Hoan Thiện họp thành một tráng đoàn Hoan Thiện thuộc Đạo Huế. Chúng tôi rải rác nằm trong hai toán Tráng và sinh hoạt với nhau. Tất nhiên, vì là người phụ trách, Ngài đã hết sức ủng hộ, động viên và đôi khi cùng sinh hoạt với chúng tôi. Vào những ngày nghỉ, Ngài tổ chức cho chúng tôi đi cắm trại ở Bãi biển Thuận An, nơi có nhà nghỉ của Đức cố Hồng Y hoặc đi tham quan những danh lam thắng cảnh ở Huế. Ngài rất thích văn nghệ. Chính vì sở thích này mà tôi đã được Ngài chiếu cố xin đích danh về giúp xứ Võ Đắc năm 1971, giáo xứ Ngài đã đảm nhận phụ trách từ năm 1968, sau khi hoàn tất hai năm Triết học tại ĐCV Xuân Bích Huế. Trong đêm lửa trại tại Thuận An, khi xem vở hài kịch có tựa đề ‘ Chó, Lúa ‘do tôi và Nguyễn Thành Thống diễn, Ngài đã cười ngặt nghẽo và vì đó mà tôi đã được Ngài ngắm xin về xứ Ngài đang phụ trách. Tôi còn nhớ như in. Đường bộ lúc bấy giờ mất an ninh. Chính Ngài đích thân ra  Nhatrang đưa tôi về giúp xứ. Hai cha con, hai chiếc áo dòng quá giang đứng trên xe Poids lourd từ Ngã ba Gia ray đến Võ Đắc. Không kiểu cách, không xa cách, trái lại, Ngài ân cần chỉ cho tôi những địa danh đi qua: nào là ‘Cầu Nín Thở’, các thôn trong dinh điền, nào là sân bay , đồn điền cao su v..v..Thú thật lúc đó dễ chết như chơi, nhưng đứng bên Ngài, tôi chẳng thấy sợ sệt gì, hoàn toàn phó thác và tin tưởng nơi Ngài…

 

Về đến xứ, sau khi ra mắt cha phó Thế Phong Nguyễn Sơn Ngà vừa thay thế Cha Giuse Trần văn Láng và Cha Trần xuân Lai, chánh xứ Sung Nhơn, Nghị Đức, tôi được Ngài trao trách nhiệm Giám Thị kiêm Giám luật Trường Trung Tiểu Học Hùng Dũng. Thế là năm giúp xứ đầu tiên của tôi bắt đầu với các tiết dạy Toán và Anh văn các lớp Trung Học. Hàng tháng tôi thu tiền học phí các học sinh và phát lương cho các giáo sư được mời dạy tại trường, đi nạp hồ sơ học sinh tai khu Học Chánh tỉnh Bình Tuy (Lagi bây giờ ).

 

Tết năm đó tôi cũng không về quê ăn Tết vì Ngài có chương trinh xây thêm hai cánh nhà thờ và bảo tôi tổ chức 3 đêm văn nghệ gây thêm quỹ. Thế là tôi lên kế hoạch cho đoàn Hùng Dũng của xứ, chọn kịch và tập dợt. Các mục khác nhờ các anh em tu sinh trong xứ hỗ trợ. Rất ấn tượng !. Có đoàn cải lương về phục vụ ba ngày Tết, phải hoãn ngày biểu diễn cho đến khi chúng tôi diễn xong vì không có khách. Có điều trong đêm diễn vở ‘Le Cid ‘ đầu tiên, nhân vật chính không đến vì vợ lâm bồn. Tôi xin phép Ngài cho tôi đóng thế và còn xin mượn Ngài chiếc áo lễ màu đỏ cho người đóng vai vua mặc. Ngài vui vẻ cho phép và hoàn toàn ủng hộ. Đêm thứ hai, nhân vật chính cũng vắng mặt. Trớ trêu thay lần này phải đóng chung với một huynh trưởng Hùng Dũng nữ. Cũng may, có một huynh trưởng nam hiểu mối lo ngại của tôi, nên bằng lòng đóng thế miễn là tôi đứng nhắc lời thoại sau cánh gà. Mọi sự đều tốt đẹp thành công, góp phần một  ít vào việc trùng tu thánh đường…

 

IV/- MỘT NGƯỜI CHA NHÂN TỪ VÀ HÒA ĐỒNG

 

       Một đặc điểm khác mà tôi đã nhận thấy nơi Ngài là hòa đồng. Chính Ngài đã chủ trương từ cha xứ, cha phó đến người giúp việc đều ngồi ăn chung cùng một bàn, một mâm. Ở nhà xứ, tất cả mọi người đều giống như một gia đình thật sự. Đến giờ ăn, thầy xứ, các soeurs, người giúp việc và thân nhân, sau khi nghe tiếng kẻng, đều tập trung về phòng ăn nhà xứ, chờ các cha từ phòng mình đến và cùng dùng bữa với nhau. Mọi người vui vẻ nói truyện chia sẻ những việc xảy ra trong ngày không phân biệt giai cấp. Tất cả đều hòa đồng và thông cảm. Khi Ngài về Cây Vông, có dịp đi NhaTrang, tôi lên thăm Ngài, thấy Ngài vẫn giữ tập tục này. Tiếc vì thời gian không cho phép nên không được ở lại dự  bữa cơm tối nơi ‘gia đình nhà xứ’ của Ngài tại Cây Vông để ôn lại cảnh sum họp êm đềm ở nhà xứ Võ Đắc năm xưa…

 

Ở bât cứ nơi nào, lúc nào Ngài cũng điềm tỉnh, đi đi lại lại với khuôn mặt đăm chiêu, không một nụ cười trên môi trừ khi trong bàn ăn hoặc nghe những chuyện tiếu lâm kiểu ‘Ba Giai Tú Xuất’ và rất thích kể câu truyện thầy lang nọ chữa bệnh mẹo đôi tay bị đơ cứng không cử động được cho một cô gái…

 

Ngài cũng rất nhân từ và độ lượng. Khi còn làm Giám Luật tại TCV năm 1964, có sự kiện đáng tiếc xảy ra giữa Thầy Giám thị và một chú lớn. Ngài đã gọi anh chủng sinh đó đến phòng, ôn tồn bảo nhỏ với anh ta là rất tiếc không thể giúp gì được cho anh ta. Tất nhiên anh chủng sinh đó đã hoàn toàn chuẩn bị tất cả đồ đoàn rồi và không phải luyến tiếc gì..

 

Sau khi bị ngăn trở mục vụ một thời gian trở về, Ngai có ghé vào BRVT và đến thăm gia đình tôi do một giáo dân xứ Võ hỏi thăm. Hôm đó tôi không có ở nhà và đang ở Thủ Đức, chén thù chén tạc với anh Nguyễn Hữu Son tại Khiết Tâm Sóng Thần bằng vài xị rượu đế và tô canh cá thu nấu ngót. Sáng hôm sau, về nhà nghe tin, tôi lập tức lên Bình Giã hỏi thăm nhà anh Hoàng Văn Lý để thăm Ngài, nhưng Ngài đã lên đường về NhaTrang mất rồi, đành chịu ! hẹn với lòng có dịp đi Nhatrang sẽ đến thăm Ngài. Thế là cũng có dịp ghé thăm Ngài tại nhà xứ Cây Vông năm nào….và sau đó cũng gặp được Ngài trong những lúc hội ngộ hoặc đám tang ở Nhatrang…

 

Viết lên những dòng  này, xin tưởng nhớ đến một vị ân sư quý mến, một cha bề trên với thời gian ngắn ngủi, một cha xứ nhân từ, hòa đồng, thông cảm và là một vị đàn anh đang kính. Nguyện xin Chúa nhân từ tiếp đón linh hồn cha Benoit vào hàng ngũ các thánh trên trời. Xin vĩnh biệt cha Benoit, xin vĩnh biệt người mà tôi không bao giờ quên được. Ở trên cao, xin cha giúp lời bàu cử và phù hộ cho người khổ hèn này.

 

 REQUIESCAT  IN  PACE  !

Hoàng Châu BR sb60