Những bức thư của Cha cựu Bề trên Jeanningros (Kim Ngân sb59)

Những bức thư của cha Jeanningros,

 cựu Bề trên TCV Sao Biển 

Nouméa ngày 12 tháng ba 1987

(1)           M. quý mến

Cha nhận được thư con hôm nay và cha mới vừa đọc với tâm trạng hết sức xúc động, cha sung sướng vì biết con và gia đình đã trải qua nỗi gian truân. Cám ơn con đã cho cha biết những tin tức về việc con lên đường đến Hoa kỳ. Và giờ đây, con sẽ phải tiếp tục học nhằm khẳng định lại  giá trị các bằng cấp. Hãy cố gắng lên.

Chắc chắn việc thay đổi xứ sở và cuộc sống là điều gì đó có vẻ phấn khích; cho dù nơi này hoặc nơi kia vẫn có một vài sự thất vọng, việc có mặt tại một xứ sở tự do là điều quý giá đối với mọi người.

Về phần cha mọi sự đang có chiều hướng tốt đẹp hơn, cha vẫn đang thi hành sứ vụ truyền giáo tại Nouvelle Calédonie, vậy là cả hai chúng ta đều sống bên cùng bờ đại dương, đó là Thái Bình Dương, nhưng thật ra cả hai vẫn nghìn trùng xa cách.

Sau kỳ nghỉ hai tháng năm 1983, cha đã trở lại giáo xứ Thio, một trung tâm nơi những người dân Melanesien chủ trương đòi độc lập tỏ ra rất hiếu chiến trong những năm 84 và 85. Thanh bình mới vừa được tái lập. Vả lại, cha cũng không bao giờ lo lắng và cha có thể chu toàn sứ vụ mà không gặp khó khăn cho lắm. Nhưng lúc này cha đã ở tuổi 75 . Vì vậy, cha đã cầu xin Đức giám mục sở tại cho cha thôi phụ trách giáo xứ Thio để nhận một nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn. Nguyện vọng này mới được thực hiện. Đã mười ngày nay, cha bận đi chào tạm biệt giáo dân của cha; chính cha Jean Kamarrec (trước kia phục vụ ở Trung Tâm người Thượng tại Cam-Ly ở Đà Lạt) là người thay thế cha tại Thio. Lúc này cha đang ở xa hơn 120 km về phía nam, trong thủ đô của đảo Nouméa: đây là một thành phố đẹp gồm 60 000 dân cư  nằm trải dài dọc theo bờ biển có khí hậu thật dễ chịu.

Cha phụ trách cộng đồng giáo dân Việt Nam; từ một tuần nay, cha đã phải ôn lại ngôn ngữ sau 12 năm để dâng lễ và chuyện trò với những cụ ông cụ bà của giáo xứ cha coi sóc, họ nói ít hoặc không nói chút tiếng Pháp nào. Nguồn gốc của cộng đoàn này thuộc thành phần đông đảo những người dân phu Bắc Việt được tuyển mộ vào những năm 1934-1935 và lao động trong các mỏ nickel. Một số nhất định không quay về miền Bắc vào năm 1954 và đã an cư lập nghiệp trên đảo; những người khác đã đến đảo sau này. Có lẽ đó là cả một câu chuyện dài để kể lại.

Hiện nay họ gồm chừng 2500 người ở Calédonie, và người Công giáo khoảng 5 đến 600; những người luống tuổi vẫn còn gắn bó với ngôn ngữ và phong tục tập quán của họ. Họ thâm nhập gắn bó với nhà thờ, nhà vuông và hội trường giáo xứ. Cha trở thành người dâng Thánh lễ cho họ. Trong nhiều năm dài, có một linh mục người Việt chăm sóc cho họ; người cuối cùng đã rời khỏi Calédonie cách đây hai năm. Vì vậy, giáo dân rất vui mừng đón tiếp cha. Sau lễ Phục Sinh, ngày 28 tháng tư, cha sẽ lên đường về Pháp để đi nghỉ và mừng ngày kỷ niệm 50 năm chịu chức linh mục của cha tại gia đình; cha sẽ trở lại ngày 9 tháng tám. Cha đã lấy vé máy bay khứ hồi bay thẳng Noumea-Paris-Noumea.

Khi cha từ Pháp đến Calédonie lần đầu tiên, đó là vào tháng tám năm 1978, cha đã quá cảnh ở châu Mỹ, với 3 ngày dừng chân ở thành phố Los Angeles (nơi nhà một người bạn, nguyên là một bác sĩ ở Ban mê Thuột xưa kia) và sáu ngày ở San Francisco (nơi nhà Tổng quyền của các Cha Hội Thừa Sai hải ngoại). Cha rất thích San Francisco. Dĩ nhiên, có thể là điều hết sức thú vị nếu gặp lại con trong xứ sở mới này của con; nhưng như con biết đó, cha lúc này đã là một cụ già rồi và cha sớm đi đến cuối cuộc hành trình rồi.

Đó là một vài tin tức cho phép nối lại những mối quan hệ thân hữu thuở xưa. Cha cầu chúc con và toàn thể gia đình con thành công mỹ mãn, sức khỏe dồi dào và nguyện xin Chúa che chở cho con. Cha đặc biệt nhớ đến con trong lời cầu nguyện.

Vô cùng trìu mến

Địa chỉ của cha: Tại Calédonie: Tòa giám mục H.T 3 Nouméa, Nouvelle Caledonie.

Tại Pháp: ở Longechaux, 25690 Avoudrey, France.

 Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ

 

(2)

Lauris, Ngày 30 tháng 8 năm 2004

          Anh bạn thân mến,

Nhận được lá thư dài của anh, tôi thích thú đọc đi đọc lại và cố gắng trả lời được chừng nào hay chừng ấy.

Lúc ấy tôi là một giáo sư trẻ ở Tiểu chủng viện Làng Sông từ năm 1942 đến 1945; và chính ở đấy có một lần tôi đến thăm làng Đại An. Tôi nhìn thấy những hoang tàn của Đại chủng viện cũ, nơi mà ông bác của tôi là Đức Cha Constant Jeanningros đã làm bề trên cho đến năm 1912 và sau đó làm Giám mục phó cho Đức Cha Grangeon mãi cho đến khi ông mất vào năm 1921.

Tôi không thể nói gì hơn nữa về Đại An vì cuối năm 1945 tôi phải rời Qui Nhơn đi Huế sáu tháng; sau đó về Tourane, Đà Nẵng, rồi Trà Kiệu. Vào năm 1956, tôi trở về địa phận Nha Trang, làm bề trên Tiểu chủng viện Sao Biển, cha sở Hà Dừa, và cuối cùng vào những năm từ 1972 đến 1975 tôi làm tuyên uý cho Trại phong Qui Hoà. Sau 3 năm ở Paris, tôi đã đi Nouvelle Calédonie từ năm 1978 đến 1989. Sau vài năm làm việc cho địa phận Besançon của mình, từ sáu năm nay tôi lưu trú tại Nhà hưu dưỡng của các cựu thừa sai Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. 92 tuổi, sức khoẻ kém dần đi thế nhưng tôi vẫn còn có thể sống trong cộng đoàn (chúng tôi gồm khoảng 25 đến 27 người). Trong số các cựu thừa sai ở Qui Nhơn, chẳng còn mấy ai nữa chỉ còn cha Mollard (cố Lễ) và cha Lagrangre (cố Quang). Cha Gauthier (cố Báu) đã mất cách đây 3 năm.

Tôi vẫn còn đi đứng dễ dàng và dâng lễ hằng ngày. Tôi dùng nhiều thời gian để đọc sách và ngày tháng trôi qua trong kinh nguyện, tạ ơn và lễ dâng cho Thiên Chúa. Có biết bao ý cầu nguyện, tôi thường hay nhớ đến những năm tháng  thật đẹp  tại Việt Nam trong 38 năm.

Đấy là những tin tức hy vọng làm anh khuây khoả. Xin cầu nguyện nhiều cho nhau. Chúc anh sức khoẻ, bình an và hạnh phúc trong Chúa Giêsu Kitô.

                        Jeanningros

          Tái bút: Lúc còn ở Nouvelle Calédonie, có đôi ba lần tôi quá cảnh tại phi trường Sydney.