Linh mục, ngài là ai? (Hoàng Châu BR sb60)

Linh mục, ngài là ai?

Khi được tin Cha Giuse Nguyễn Chí Linh được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Địa phận Thanh Hóa, tôi đã mail cho Nguyễn Long Định cùng học ở Giáo Hoàng Học Viện với ngài và có nói giờ đây trong Tám mối phúc thật – Hiến Chương Nước Trời hay Bài giảng trên núi ( Mt. 5, l-l0 ) có lẽ nên thêm mối thứ 9: “Phúc cho ai có lòng kiên nhẫn, vì Nước Trời là của họ”. Rồi hai anh em Cựu Sao Biển Hoàng Minh Hùng (64) và Nguyễn văn Hiên (67), có lẽ là những người cuối cùng của TCV Sao Biển được cất nhắc lên hàng tư tế, tôi lại càng nghĩ điều đó thật là đúng. Họ đã kiên trì và họ đã được Thiên Chúa chọn. TC gọi thì nhiều nhưng lại chọn thì ít, thậm chí có người đã được chọn, nhưng rồi ‘cầm cày còn ngoái lại sau lưng’ như một vài anh em đã làm, trong số đó có tôi.

Nhưng Giám mục và Linh mục, các ngài là ai? Xin chia sẻ một vài ngu ý gọi là một chút gì đó để suy ngắm trong Mùa Chay này.

 

1. LINH MỤC LÀ HIỆN THÂN ĐỨC KYTÔ, LÀ ALTER 

“Truyền chức là Bí Tích qua đó Sứ mạng Chúa Kytô ủy thác cho các Tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế “ (GLHTCG, Nhiều Tác giả, số 1536). LM là người được thánh hiến thay mặt Đức Kytô tiếp tục trong mầu nhiệm cứu chuộc của Đấng Cứu Thế. Là hiện thân Đức Kytô, là một Alter Christus, các ngài không nhiều thì ít cũng phải giống Đấng mà mình đại diện. Ngày xưa, chức tư tế trong Giao Ước cũ đại diện loài người trong các mối tương quan với TC, dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội (Dt. 5, 1). Tư tế được đặt lên để loan báo Lời TC và để tái lập sự hiệp thông với TC bằng hy lễ và cầu nguyện (Ml. 2, 7-9). Chức tư tế trong Giao Ước cũ được hoàn tất trong Đức Giêsu Kytô, “Trung Gian duy nhất giữa TC và loài người” (1Tm. 2, 5), Vị Vua Menkixêđê, Tư Tế của Đấng Tối Cao (St. 14, 18). Vì thế, chức tư tế được thiết lập để phục vụ cộng đoàn dân Chúa (LG. 24). LM được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kytô, Thầy Cả thượng phẩm để rao giảng Tin Mừng, chăm sóc tín hữu và cử hành phụng tự TC với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước (GLHTCG, số 1564). Giáo hội Công Giáo Rôma thường chỉ truyền chức LM cho các ứng viên tự nguyện sống độc thân và công khai biểu lộ ý muốn này vì yêu mến Nước Trời và tha nhân (GLHTCG Số 1599). Chính vì thế LM phải là người biết bỏ mình và hy sinh cho đoàn chiên của mình. Còn những việc khác, kể cả sự thông thái hoặc tài ba lỗi lạc theo phương diện này hay phưong diện kia đều là phụ thuộc. Mỗi khi nghe một số anh em ca ngợi LM này giảng hay, LM kia kiếm tiền giỏi để xây nhà thờ, tôi chỉ mỉm cười và thật sự cảm thấy sao sao đó, chưa phục cho lắm. Làm LM, ngài cần phải hoá thân thành Đức Kytô, giảng như Đức Kytô, hành động như Đức Kytô và làm những gì Đức Kytô đã giao phó. Sống khiêm nhường, đạo đức, bao dung, tha thứ và bình dân, “vui với kẻ vui, buồn với người buồn” như Thầy của mình đã sống. Đành rằng LM cũng là con người trần gian xác thịt và bất toàn, nhưng thiết nghĩ LM phải là người biết thánh hoá chính mình để rồi thánh hoá lại kẻ khác, cộng đồng dân Chúa mà mình phụ trách. Không có ít LM đang sống hưởng thụ, kinh doanh theo kiểu trần thế và làm những việc ngày xưa Đức Kytô đã không làm. Khi đọc cuốn JOSHUA của Cha Joseph Girzone mà một anh em CSB dịch sang Việt ngữ tặng đầu năm nay, tôi cảm thấy bàng hoàng và nghĩ có lẽ Đức Kytô phải nhập thế một lần nữa để canh tân và hoàn thiện những gì mà hàng tư tế của chúng ta đang thực hiện.

Ngày xưa, Đức Kytô sống thân mật gần gũi những người thấp cổ bé miệng, những người hèn mọn nhất trong xã hội, thậm chí những phường tội lỗi. Ngài ăn uống với họ, thông cảm và tha thứ những gì mà họ đã làm. Sống thân mật và gần gũi với họ để lôi kéo họ trở về cùng TC. Ngày nay LM lại sống và gần gũi với người giàu có, người có chức có quyền, ăn uống cùng họ. Khi tôi còn là LM, giáo dân của tôi là những người đơn sơ nghèo nàn. Một hôm có gia đình trét (trát) nhà và họ đã nhờ một số anh em chung quanh khác trợ giúp. Họ mời tôi đến dự bữa cơm trưa họ tổ chức để đáp lại thịnh tình của các anh em đến giúp. Vì ít khi có dịp để có một bữa ăn gọi là thịnh soạn, mặc dù họ chỉ thịt một con chó hay hai ba con gà gì đó để đãi khách, và đó cũng là dịp họ có thể mời vị LM đến dùng bữa với họ, nên tôi đã nhận lời. Hôm ấy lại có một anh LM bạn đến thăm tôi vào giữa trưa. Thế là chúng tôi cùng đi đến nhà của gia đình đó để dùng bữa, vì hôm đó tôi tắt bếp. Khi chúng tôi đến nơi, họ đã dọn sẵn thức ăn giữa nhà, chung quanh toàn đất với đất và rạ. Chúng tôi tự nhiên ngồi xuống, “an tọa” trên chiếc chiếu cũ được trải trên nền đất còn ẩm ướt và thoang thoảng mùi rạ ẩm. Vị LM bạn đã buột miệng nói với tôi: “Mình thấy anh bình dân quá”. Tôi không nghĩ đó là một câu phê bình chỉ trích hay là một lời khen ngợi. Tôi chỉ biết trả lời rằng ở đây chúng tôi sống thân mật như thế là bởi vì chúng tôi biết rõ hoàn cảnh của nhau, hoàn cảnh của những con người lao động chân chất và bình dị. Tôi muốn bắt chước gương Đức Giêsu, không khách sáo, không câu nệ và giả hình, nhưng đồng cảm với nhau…

Dường như ngày nay, LM sợ tiếng xấu, không muốn đến nhà những người nghèo khổ và tội lỗi, mặc dù trên tòa giảng, ngài luôn luôn nói về lòng bác ái và kêu gọi sự ăn năn thống hối để trở về giao hòa cùng TC. Tôi nghĩ sống gần gũi để giúp họ trở về chính là bài giảng sống động và hữu hiệu nhất. Nếu không tin, các vị cứ thử xem. Giáo dân nghèo nàn và tội lỗi lúc nào cũng mặc cảm và không bao giờ dám mơ ước đến gần LM, bởi vì họ cảm thấy mình không xứng đáng. Tại sao LM không đi bước trước? Trong nghi thức Rửa Chân chiều Thứ Năm Tuần Thánh, có LM đã chọn những anh em nguội lạnh khô đạo để mình thực hiện cử chỉ mà Đức Kytô đã làm trong Bữa Tiệc Ly năm xưa. Kết quả họ phải đi xưng tội để có thể rước Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ chiều hôm đó… Có Giám mục, khi đến thêm sức cho các em trong xứ đạo, rất muốn Ban Hành Giáo làm những bữa cơm đạm bạc bằng thịt chó, một đĩa rau muống luộc hay một tô cà pháo chấm mắm tôm, nhưng rồi mấy ai dám thực hiện?

 

2. LINH MỤC LÀ NGƯỜI RAO GIẢNG TIN MỪNG

“Người sai các ông đi rao giảng Nước TC và chữa lành bệnh nhân” (Lc. 9, 2). LM là người được sai đi để rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng đó là gì? Trong thời Đức Giêsu, dân chúng phải giữ hết luật này đến luật khác. Ngoài những luật lệ đàn áp của người La mã cầm quyền áp đặt, còn có môt bộ luật Do Thái cả về mặt dân sự lẫn tôn giáo. Đức Giêsu thường quan tâm đến những người bị lề luật đàn áp. Ở Hội đường Nazarét, Đức Kytô cầm cuốn Kinh Thánh người ta trao và đọc lớn tiếng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố: người bị giam cầm sẽ được giải phóng, người mù sẽ được thấy, người bị áp bức sẽ được tự do và công bố Năm Hồng ân của TC” (A Portrait of Jesus, Lm. Girzone, bản dịch của Diên Sơn và Đan Hồ). Loan báo Tin Mừng là loan báo những Lời Đức Kytô đã nói và cách sống của Ngài, bởi vì chính Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Jn. 14, 6). Tin Mừng về Nước TC, bao gồm cả Hiến Chương Nước Trời (Mt. 5, 1-12), lòng nhân hậu của TC, tình thương của Ngài đối với mọi dân, mọi nước.

Rao giảng ơn Cứu độ mà Đức Kytô đã một lần hy sinh trên thập tự để cứu lấy nhân loại và nối lại giao ước đã bị Adong, Evà cắt đứt. Rao giảng để nhân loại tin vào TC trong ân sủng, tự do, lề luật của TC. “Ta đến không phải để phá bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn” (Mt. 5, 17-18). Chúa Giêsu đến không phải để phá bỏ những gì mà Lề luật Do Thái đòi hỏi từ lâu đời, nhưng Ngài đưa ra luật Yêu thương, lề luật chi phối toàn bộ Giáo lý Kitô giáo của chúng ta. Mười Điều răn của Môisen ngày xưa, Ngài tóm về lại hai khoản: Kính mến TC và yêu thương người. Đó là hai điều răn trọng nhất (Mc. 12, 29-31). LM rao giảng về Đức Kytô, cả con người và hành động của Ngài. Chúng ta có thể thuộc làu Kinh thánh, chúng ta biết rõ Đức Kytô từ lúc sinh ra đến khi bị treo trên thập giá, rồi phục sinh lên trời vinh hiển trong môn Kytô học khi còn ngồi ở ghế ĐCV, nhưng để nói về Giêsu, theo Cha Jos. Girzone thì dường như chúng ta chưa được ai dạy về Con người Giêsu (Portrait of Jesus, Jos. Girzone, bản dịch của Diên Sơn và Đan Hồ). Có nghĩa là môn “Giêsu học” có thể nói như vậy “Vô tri bất mộ”, không biết làm sao mến được. Phải biết đã, rồi mới mến được. Và đã mến rồi thì sống và làm việc vì người mình yêu mến thì không một trở ngại nào có thể ngăn cản được. Có thể nói được rằng vì đã yêu mến nên họ sẽ luôn luôn lúc nào cũng nói về người mình yêu mến. Rao giảng về Đức Giêsu chính là rao giảng về Tin Mừng, về Phúc Âm. Giêsu chính là Tin Mừng, là Phúc Âm. Thánh Gioan đã không đồng hoá Giêsu với Lời của TC đó sao? (Jn. 1, 1-3). Đến nhà thờ tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật, tưởng là được nghe rao giảng về Tin Mừng, được nghe nói về Đức Kytô thì lại được nghe LM nói về những luật lệ mà TC và GH truyền dạy. Có khi các vị chưởi khéo, la mắng, vì giáo dân tham dự tiệc cưới của những đôi tân hôn không được hành lễ trong nhà thờ. Các vị đưa ra những bản án “dứt phép thông công” làm cho người giáo dân trở nên mặc cảm, bối rối vì đã không giữ nghiêm nhặt Luật của GH địa phương. Đức tin được mạc khải và ban tặng một cách nhưng không trong tự do chứ không do áp đặt hoặc ép buộc. Dĩ nhiên cần có những biện pháp chế tài, làm gương cho kẻ khác nhưng tại sao không thể có sự khoan dung thông cảm để dần dần giúp họ nhận thức quy về một hướng.

Tôi biết có rất nhiều người, vì lý do này hay lý do kia không được xưng tội rước lễ, nhưng họ vẫn ước ao được rước Mình Thánh Chúa. Họ luôn luôn ưu tư và mong ước có được một giải pháp nào đó để họ có thể kết hợp với TC một cách thiết thực hơn. Đành rằng khi ước ao như thế, họ cũng được rước lễ cách thiêng liêng, nhưng thực ra chưa được trọn vẹn cho lắm…

Ở Hạt chúng tôi sống, mấy năm gần đây, nhất là sau Năm Thánh 2000, anh em đang bị mắc ngăn trở được xưng tội rước lễ trong mùa Phục Sinh. Đây là một điều an ủi rất lớn đối với họ. Nhưng nghe đâu HĐGMVN sẽ rút lại đặc ân đó??? Thật đáng tiếc nếu có chuyện như thế. Đa số giáo dân VN nhận được một đức tin kế thừa (đạo dòng), như lời một anh bạn CSB vẫn thường nói. Đức tin nhận được, dù trước hay sau đều tốt cả bởi vì TC mạc khải cho mỗi người trong chúng ta, mỗi người mỗi khác. Điều quan trọng là chúng ta có giữ được và thi hành niềm tin đó có hữu hiệu và hợp ý Chúa hay không. Chúng ta theo “đạo hùa, đạo gạo”, đạo vợ hoặc chồng, lấy được vợ hoặc chồng rồi thì thôi đạo. Cũng có những người biết tin đạo nhưng lại không biết “hành đạo” một cách đúng đắn. Họ sẵn sàng phản kháng, thậm chí còn đánh nhau nếu có ai xúc phạm đến tôn giáo mà họ đang theo. Đức Kytô đâu có phải là con người tiêu cực, thụ động. Ngài biến hận thù thành yêu thương và toàn dân khắp thế giới đều ca ngợi, khâm phục sự chịu đựng và khiêm nhượng của Ngài, cho dù Ngài là Vị Vua có đủ quyền hành, có thể tự ái và trả thù. Nỗi khổ nhục trên đường đến đồi Golgotha đã chứng minh điều đó. Và cả cuộc đời của Ngài, 3 năm đi rao giảng, bị các kinh sư và biệt phái chỉ trích tấn công và lên án, Ngài chỉ biết trả lời bằng các dụ ngôn hoặc yên lặng vâng theo Thánh ý của TC Cha. Tại sao các LM lại không sống và rao giảng theo tinh thần đó? Phải chăng các ngài chỉ nói mà không làm (Mt. 23, 3). Các Ngài quá đặt nặng về giáo luật, cứng nhắc trong lễ nghi, trong khi giáo dân càng mong muốn được vươn lên để kết hợp với TC bởi vì đức tin của họ là tin vào lòng nhân từ và yêu thương của Ngài. Họ muốn bám víu vào Ngài để tìm chỗ nương náu và dung thân. Ngài chính là thành trì, là chiến luỹ mà họ nương náu (Tv. 90, 2).

Rao giảng bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh, bằng sự yêu thương tha thứ và bằng gương sống khiêm nhường, đó là sứ mạng mà Đức Kytô đã trao phó cho các LM của Ngài. Các ngài sẽ là những chứng nhân sống động của Đức Kytô: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Jn. 14, 35). Đặc điểm của Kytô Giáo là lòng bác ái và tình yêu thương phát xuất từ TC, tại sao chúng ta không rao giảng tình yêu đó mà lại đưa ra những trói buộc? Trong trường hợp người phụ nữ vốn là người tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc lau chân và đổ dầu thơm trên chân mình, Chúa Giêsu đã nói: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu rất nhiều” (Lc. 7, 47). Còn chúng ta, có ai dám vỗ ngực tuyên xưng mình đã yêu mến Chúa đến thế chưa kể cả các LM? Nói tóm lại, rao giảng bằng lời chưa đủ, mà còn phải rao giảng bằng cuộc sống và hành động của chính mình mới đúng là hiện thân của Đức Kytô.
3. LINH MỤC LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ

 “Con người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt. 20, 28). Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Kytô nói: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt. 28, 19). Sứ mạng chỉ có thế, nhưng thi hành sứ mạng đó cần có những bổn phận kèm theo. Sống khiêm nhường và thật sự phải có tinh thần phục vụ, “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt. 20, 26-27). Rõ ràng làm LM, đại diện Đức Kytô, công việc mục vụ chính là sự phục vụ anh em, phục vụ cộng đoàn mà mình phụ trách. Đã là phục vụ thì không giới hạn và vô điều kiện. Phục vụ để được trả công thì mất đi ý nghĩa của sự hy sinh. Như thế há chẳng phải để mình được phục vụ hoặc để phục vụ mình hay sao? Làm LM, ban phát các Bí tích, giáo huấn dân chúng chính là phục vụ. Các LM vẫn thường làm như thế. Nhưng tính cách phục vụ mới là cần thiết. Phục vụ với tư cách là đầy tớ của mọi người, là “dâu trăm họ” mới thực sự có ý nghĩa. Dùng quyền hành lãnh chúa để phục vụ thì chỉ mới nói đến bổn phận chứ chưa thể hiện được tinh thần xả thân phục vụ như Đức Kytô mong muốn. Phục vụ đi đôi với sự hy sinh vì người khác chứ không phải vì mình.

Một lần, tôi, Hoàng Trung và một số anh em khác đi họp mặt CCS Xuân Bích, được gặp Cha Trần Thanh Lộc đang thuộc Hội Xuân Bích. Ngài kể một câu chuyện mục vụ tại một nhà thờ bên Pháp mà ngài đang phụ trách. Hôm đó có một ông cụ già bước vào cửa nhà thờ và xin gặp vị LM. Ngài bước ra, nhã nhặn lễ phép hỏi: “Xin lỗi, cụ đến có việc chi ạ?” Người đàn ông phùng mang trợn mắt hỏi lại: “Tại sao ông lại hỏi câu đó? Chắc ông đã biết tôi đến đây để làm gì rồi mà”. Ở VN, nếu được nghe câu nói đó, chắc ông sẽ bị coi là phạm thượng và bị đuổi về từ lâu. Cha Lộc nói ở bên Pháp, giáo dân ít khi đến nhà thờ trừ những dịp lễ quan trọng. Khi họ đến tức là họ có chuyện cần phải nhờ vả LM. Trường hợp của ông cụ này là một điển hình. Thấy tuổi già của mình có lẽ sắp kết thúc, ông muốn tìm một sự thanh thoát để có thể ra đi trong bình an của TC và muốn LM giúp đỡ mình sám hối lãnh nhận ơn tha thứ của Cha nhân lành. Cha Lộc còn nói ngài đã phải vất vả rất nhiều vì ông cụ chẳng còn nhớ điều gì cả. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, Cha Lộc cứ tự xưng mình là con đối với chúng tôi. Cả Hoàng Trung lẫn tôi và các anh em khác đều phải bỡ ngỡ. Ngài khiêm nhượng đến thế là cùng! Và chúng tôi thấy ái ngại làm sao! (Đúng thế chứ, có phải vậy không Hoàng Trung?)

LM phục vụ là điều tất yếu bởi vì chính ngài đã tự nguyện. Trong lễ truyền chức, khi Giám mục, Linh mục đoàn và cộng đoàn đọc Kinh cầu các Thánh, LM nằm sấp dưới đất, chắc ngài đã suy gẫm những gì mình sẽ được giao phó. Có người đã đổ mồ hôi hột khi tất cả đều hướng tâm hồn để cầu nguyện cho ngài. Thiên chức LM quả cao đẹp làm sao! Viết đến đây, tôi nhớ lại trong giờ đọc sách thiêng liêng khi còn ngồi ở ghế TCV Sao Biển, chúng tôi đã có thời được nghe đọc quyển “Cao đẹp thay thiên chức LM”, do Cha Nguyễn Quốc Bửu (Bẩm) dịch sang Việt ngữ, chúng tôi cảm thấy cuộc sống LM thật cao quý và chúng tôi sẵn sàng mơ về phía trước… Tôi thật sự khâm phục và ca ngợi các LM đã không nhận Stipentium (bổng lễ) đối với những thánh lễ cho linh hồn vừa mới qua đời và hôn phối. Đó không phải là những gì mà các ngài muốn chia sẻ nỗi đau và niềm vui mà các gia đình tín hữu của các ngài gặp phải hoặc có được hay sao? Một chút gì đó để an ủi và chia vui với họ. Đó cũng là cách biểu lộ lòng bác ái và trách nhiệm đối với những người mà mình chăm sóc. Giá như các LM VN có qui chế như các LM ở hải ngoại: hưởng bổng lộc qua trung gian TGM!!! Có như thế, LM không còn phải lo toan về vấn đề vật chất mà chuyên tâm vào việc phục vụ nhiều hơn và cũng không còn tình trạng LM này giàu, LM kia nghèo nữa.

Rao giảng Tin Mừng và phục vụ cộng đoàn không phải cho lợi ích của mình nhưng vì và cho lợi ích của tha nhân, dám hy sinh quên mình để lo cho người khác cho dù thậm chí bị phản đối, tù đày hoặc bách hại vì “lẽ công chính”. Mình vì mọi người chứ không phải mọi người vì mình. Chúng ra thường đánh giá cao tinh thần phục vụ này và luôn ở trên môi miệng chúng ta khi chúng ta xử lý một tình huống nào đó. Tham vọng ai cũng có, nhưng tham vọng theo kiểu trần gian chắc chắn không theo đúng cách Đức Kytô rao giảng. Ai không có đều ước ao điều mình không có, còn ai có lại muốn được có thêm. Đó là lẽ thường tình nhưng mấy ai cảm nghiệm được rằng “mọi sợi tóc trên đầu rơi rụng đều không ngoài ý định của TC” (Mt. 10, 30). Trong TTSB 2004, chị T.B. có đặt ra những vấn nạn như “Giáo hội có tông truyền hay không? Có thực sự “Tôi tớ của các tôi tớ” hay “ông chủ của mọi ông chủ”(trang 204). Thực ra GH chắc chắn là tông truyền rồi bởi vì trong kinh Tin Kính mỗi Chúa nhật chúng ta đều tuyên xưng: “Tôi tin có Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Lời tuyên xưng dứt khoát như vậy, làm sao chúng ta lại dám hồ nghi. Đó là đức tin của GH . Đó là đức tin của chúng ta. Còn việc ông LM ở Phan Rang biết luật GH hơn ông LM ở Sài Gòn, cái đó tùy thuộc vào “giáo luật của địa phương” thôi. Cách thức phục vụ của ông LM ở Phan Rang khác với cách thức phục vụ của ông LM ở Sài Gòn, cũng như đi xưng tội với cha dòng Chúa Cứu Thế thì thoải mái hơn là với một cha Triều. Điều cần là phải có một cái nhìn thực tế hơn, thoáng hơn, khoan dung hơn, thông cảm hơn để đưa ra một đường lối phục vụ chung và hữu hiệu. Cụm từ “dứt phép thông công” đối với những ai đi tham dự tiệc cưới của đôi tân hôn không làm phép tại nhà thờ, tôi không thấy trong giáo luật của HT, hay ít ra tôi chưa học đến. Chẳng qua là một biện pháp chế tài để răn đe, tránh gương mù gương xấu. Còn đối với những người trực tiếp lấy nhau ngoài giáo luật, tự khắc họ biết mình rơi vào hoàn cảnh gì rồi (Ipso facto). Chính họ không dám đi xưng tội rước lễ chứ đâu cần phải tuyên bố “vạ tuyệt thông”. Thế đó, ngày xưa Đức Kytô khoan dung tha thứ bao nhiêu thì giờ đây hàng giáo sĩ chúng ta lại cầm buộc bấy nhiêu. Tin vào Đức Kytô trong tự do và thong dong kết hợp với Ngài mới làm cho con người tìm đến Ngài cách dễ dàng hơn. Một Gandhi đó, một Luther King đó: những kinh nghiệm quá chua chát cho các vị thừa sai của Đức Kytô. Dường như thánh đường là một pháo đài kiên cố, muốn vào gặp LM phải qua nhiều hàng rào kẽm gai. LM có giờ giấc, có thời khóa biểu: đó là lịch phục vụ của ngài, nhưng cũng có lúc có luật trừ chứ! Chẳng đặng đừng người ta mới làm phiền đến ngài và số người làm phiền đó tôi nghĩ chắc chẳng bao nhiêu. Họ vì hoàn cảnh, vì công việc nên không thể tuân theo giờ giấc của vị lãnh đạo tinh thần được. Nhưng không phải vì thế mà từ khước họ. Tất nhiên, nếu ai cũng ỷ lại như thế mà làm phiền đến LM thì không được. Chắc hẳn ngài sẽ không thể nào đáp ứng được. Ví dụ, trước giờ hành lễ mà ngài phải thỏa mãn cho một số anh em chưa có dịp đi xưng tội thì không thể nào chấp nhận được. Còn số đông người đang chờ dâng lễ thì sao đây? Đức Kytô ngày xưa đã chữa bệnh trong ngày Sabát (Mc. 2, 3-5) và dân chúng rất dễ gặp Ngài, thậm chí còn có người dám chạm đến gấu áo của Ngài nữa (Mc. 5, 25). Ngày nay, nếu có người hành động như thế, tôi nghĩ chúng ta có thể tưởng tượng ra cục diện sẽ diễn ra như thế nào rồi. Với đà tiến của khoa học kỹ thuật ngày nay, trình độ của giáo dân ngày càng trỗi vượt hơn; có những lãnh vực người giáo dân thấu hiểu và nắm rõ hơn các LM. Để phục vụ có hiệu quả, tại sao LM không trau giồi cho mình một kiến thức phổ quát, đọc sách tìm tòi để thăng tiến mình, cũng như để có thể trao đổi, đối thoại với những tâm hồn mình phụ trách? Không thể coi thường giáo dân như hồi ở thế kỷ 19 hoặc 20, hay là còn muốn một chính sách ngu dân để có thể bảo đâu làm đó và bắt ai cũng phải phục tùng mình. Như thế thật trái với tinh thần phục vụ của Đức Kytô. Chẳng lẽ óc Biệt phái và chủ nghĩa Pharisiêu vẫn còn tồn tại và chế ngự nơi con người LM?

4. LINH MỤC LÀ NGƯỜI CAI QUẢN

Cai quản ở đây không có nghĩa là cai trị. Nó có nghĩa là phụ trách và chăm sóc thì đúng hơn. “Thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt. 20, 25-26). Cai quản trong tinh thần phục vụ, cai quản với sự khiêm tốn, đó chính là ý muốn mà Đức Kytô mong mỏi để những vị thừa sai và môn đệ của Ngài thực hiện. Ngài rất muốn các LM của Ngài là những mục tử nhân lành thực sự: Vị mục tử biết từng con chiên một, gọi tên chúng và chúng nghe biết tiếng của Ngài. Vị mục tử đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Jn. 3, 10). Làm lãnh đạo tinh thần không thể nào dùng quyền lực để trấn áp và răn đe. Khác với lãnh đạo chính quyền, LM cần phải biết thông cảm, khoan dung, nhân từ và độ lượng trong khi chăm sóc phần hồn của giáo dân, tạo cho tín hữu luôn giữ vững niềm tin vào TC và giúp họ mỗi ngày mỗi thăng tiến hơn. Giáo dân thường có thái độ kính trọng, có khi còn lý tưởng, sùng bái các LM nên họ “kính nhi viễn chi” và không dám đến gần. Điều này khác hẳn với vẻ tự nhiên mà ngày xưa Đức Kytô đã sống. Giám mục, Linh mục đi đâu cũng “tiền hô hậu ủng”, ít cho ai đến gần. Não trạng này không hẳn do phía các GM, LM nhưng phần lớn do tính vị nễ và tôn kính của anh em giáo dân chúng ta nhất là các cụ già. Họ coi trọng, sùng bái, thậm chí còn cho rằng các ngài lớn hơn ông Tỉnh, ông Huyện vì ngày trước 1975, họ thường thấy các vị hay đi lại với những ông này và được các ông nể vì. Các LM rất có thế lực lúc bấy giờ, đụng đến các vị có khi mất chức như chơi. Dường như địa vị các LM thời bấy giờ được xếp cao hơn các cấp chính quyền địa phương. Và thế là các vị muốn ra oai dựa thế lực này hoặc thế lực kia để trị vì giáo dân. Ngày nay cũng còn một số vị được ca ngợi là những con người giao tiếp rộng rãi, những người thân quen với chủ tịch này chủ tịch nọ. Quen thân, giao tiếp rộng để được một số ưu tiên và dễ dãi nào có quan trọng gì. TC chỉ xét đoán vị này hay vị kia có hoàn thành được sứ mạng mà Ngài đã giao phó là Rao giảng Tin Mừng và Phục vụ Dân Chúa mà thôi. Các vị có gìn giữ, bảo quản đoàn chiên mà ngài phụ trách hay là các ngài làm lung lạc hoặc để chiên của mình chạy tán loạn theo tiếng gọi của phù du giả trá. Người cai quản ở đây chính là chủ chăn. Mà là chủ chăn thì phải biết con nào no, con nào đói, con nào khỏe, con nào ốm và đặc biệt chăm sóc, để ý đến những con nào bị thương, bị ốm hoặc thiếu ăn. Đức Kytô ngày xưa bị mang tiếng là hay đi cùng với phường tội lỗi, ăn uống với họ và tha thứ cho họ, thì ngày nay dường như hạng người này ít được quan tâm tới. Vì lý do gì? Chẳng lẽ LM sợ mang tiếng đi lại và ăn uống với người tội lỗi? Các vị thường đến những con chiên no, có tiếng là đạo đức, xưng tội rước lễ hằng ngày và có chút tiền của. Còn người tội lỗi thấp kém, nghèo nàn, mấy LM nghĩ đến? Không đến vì sợ phải bị mang tiếng, sợ phải giúp họ trở lại, sợ phải giúp đỡ tài chánh cho họ và còn sợ phải làm những điều khác nữa. Làm LM mà có nhiều cái sợ như thế, thử hỏi có phải làm LM để “vinh thân phì gia”, hoặc để có một địa vị cao trong “chính phủ lâm thời trần gian” tạm bợ này không? Hay là chủ yếu để được ngồi “bên hữu bên tả” trong Nước TC?(Mt. 20, 21)

Một ông bạn thường nói với tôi, nhà thờ này nhà thờ nọ tổ chức ăn tiệc linh đình, mừng bổn mạng, mừng kỷ niệm chu niên để làm gì trong khi hàng ngàn giáo dân khổ sở, phải hàng ngày đong gạo ký để nuôi sống gia đình, có khi bữa cháo bữa rau và hàng trăm trẻ em thất học phải vất va vất vưởng đi ăn xin, bán vé số cho gia đình sống qua ngày. Những cụ già gần đất xa trời chống gậy lê chân rảo bước từ thôn này sang thôn khác, từ thành phố này đến thành phố khác để kiếm chén cơm manh áo và đêm đêm lạnh lẽo cô đơn trên manh chiếu rách bên vỉa hè hay dưới một chung cư nào đó để qua đêm, an phận cái tuổi già bị người thân ruồng bỏ. Và còn biết bao cảnh đau thương khác cần đến sự an ủi vỗ về và giúp đỡ của LM. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến sự an ủi tinh thần chứ không dám nói đến những vấn đề từ thiện vật chất, bởi vì LM đâu phải là những thương gia, những nhà kinh doanh tỷ phú, triệu phú giàu có, của cải kếch sù. Cai quản ở đây chính là “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (Kinh của thánh Phanxicô). Và đó không phải là sứ mạng của LM sao? Chúng ta vịn đủ lý do để từ khước: Không tài chánh, không thời gian, không khả năng, vân vân và vân vân… Nhưng vẫn có người làm được: Một Cha Thánh Gioan Vianney, một ĐGM Cassaigne, một Mẹ Têrêxa Calcutta… và còn những vị âm thầm làm việc vô danh khác. Cai quản chính là quan tâm đến những hoàn cảnh như thế chứ không phải dùng quyền lực để “trị” tín đồ.

“Phận sự của các Tông đồ cũng như những người kế vị các ông là dẫn dắt đoàn chiên cách êm ái và dạy họ những gì Giêsu đã dạy. Các ông không được ép buộc dân chúng phải tin hoặc dọa dẫm họ phải tùng phục. Điều đó tước mất quyền tự do của con người. Các ông cũng không được đòi hỏi ở dân chúng nhiều hơn TC muốn. Tôn giáo chỉ tốt đẹp khi một cá nhân sống đời bình thường nhưng rất mực yêu mến TC. Những thói quen được tạo nên gọi là tôn giáo thì không làm cho người ta nên đạo đức hơn hay đẹp lòng TC. Đó là loại tôn giáo của những người Pharisiêu mà Giêsu đã cực lực tẩy chay” (Joshua, Lm Girzone, bản dịch của Diên sơn, chương 11, trang 126).

 

5. LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỘNG TÁC VIÊN CỦA GIÁM MỤC

Là cộng tác viên theo hàng dọc và hàng ngang, cộng tác với GM và với các anh em LM khác. “Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng GM, LM được kêu gọi để phục vụ dân TC… Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, LM là hiện thân của GM mà ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại” (GLHTCG 1567, trang 575). Chính LM đã hứa vâng phục khi chịu chức và cái hôn bình an của GM cuối nghi thức truyền chức cho thấy rằng GM nhận các LM như cộng sự viên, như con cái, như anh em, như bạn hữu. Vì thế LM phải đáp lại bằng lòng yêu mến và vâng phục.

Khi một GM được GH bổ nhiệm về cai quản một địa phận, hàng giáo sĩ kể cả phó tế có một nghi thức gọi là lễ nghi thần phục “Đấng nhân danh Chúa mà đến” để nói lên lòng vâng phục của mình. Đã là cộng sự viên của GM, LM còn phải giúp đỡ, đảm trách một số việc mà GM giao phó. Trong lãnh vực trần thế, thường những người người phụ tá là do các vị trưởng định chọn để cho dễ làm việc với nhau. Cùng một quan điểm, cùng một lập trường, cùng một cách thức làm việc bao giờ cũng tạo nên một sự cộng tác hữu hiệu. Có điều giữa hai chiều trên dưới cần có sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Trong tương quan giữa GM và LM cũng cần có không những sự thông cảm yêu thương mà còn sự tin tưởng và bao dung nữa. GM phải biết và hiểu rõ hoàn cảnh, khả năng của từng người mà ngài đã sai đi. Là người cha chung, GM sau khi hội ý LM đoàn, “hiệp thương” bàn thảo để đưa ra một phương án khả thi cho LM đại diện mình thực hiện ở nơi mà LM dược sai đến. Là anh em, là bạn hữu, GM phải là người hướng dẫn, dìu dắt và nếu có chút gì đó không ổn hoặc khuyết điểm này nọ, Ngài nên luôn bao dung, khuyên nhủ giúp đỡ để LM khỏi bị sốc hoặc rơi vào chỗ mềm lòng và tuyệt vọng. Thường các tân LM là những người có nhiều nhiệt huyết, sẵn sàng xông pha vào những nơi xa xôi hẻo lánh và hăng say làm việc Tông đồ. Nhưng đến khi đụng chuyện, các vị dễ nản lòng và lúc đó các ngài rất muốn có một sự an ủi tinh thần, một câu nói động viên, một sự thông cảm hoàn toàn từ phía GM và các anh em LM khác. Đối với những LM cựu trào hơn, dứt khoát hơn, thường “liều chết ta giữ thôn ấp”, không muốn tuân theo lệnh thuyên chuyển của GM vì lý do này hay lý do nọ. Tôi viết điều này vì trong quá khứ có nhiều đấng đã làm như thế. Ngày nay thật sự ít xảy ra hơn, nhưng cũng có một đôi trường hợp các vị xử lý không đúng tinh thần vâng phục của người được sai đi. Có một thời gian dài, vì vấn đề hộ khẩu nên các vị phải ở tại một xứ lâu năm. Có địa phận đưa ra quy chế LM áp dụng cho mỗi LM chỉ được ở tại một xứ lâu nhất là năm năm, nhưng rồi cũng chưa thực hiện được chỉ vì tương quan giữa hai bên không đồng nhất (xưa) và vì vấn đề hộ khẩu (nay). Tuy nhiên năm vừa rồi, ở một vài địa phận có nhiều sự chuyển đổi giữa các LM. Đó là một điều đáng mừng. Cần phải đổi mới, trẻ trung hóa xứ đạo. Cứ để một người, một bài giảng đó, một hoạt động đó cứ diễn đi diễn lại hoài, thế không nhàm chán sao? LM cũng là người hữu hạn, có thể ở chỗ này là cũ rích,là cổ lỗ, nhưng tại nơi khác lại là cái mới, cái hay. Thế tại sao chúng ta lại không san bằng chia sẻ để GH địa phương có một phong thái cởi mở hơn, tân tiến hơn? Đó cũng là một cách hợp tác với GM để rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu. Cộng tác để nói lên tính cách duy nhất và phổ quát của GH đồng thời để giảm bớt việc độc tôn cái tôi quá to tát trong bản tính nhân loại của con người LM. LM không phải là vị vua một cõi, muốn làm gì thì làm, muốn quyết đoán ra sao thì ra, nhưng phải hiệp thông với GH, đồng hành với GH để mưu cầu lợi ích thiêng liêng cho chính bản thân mình và cho tha nhân.

Cộng tác viên của GM đồng thời cũng là cộng tác viên của LM đoàn, với các LM đồng nghiệp khác. Trong giai đoạn canh tân và đổi mới này, phải làm sao cho câu nói “Sacerdos lupissimus” không bao giờ được tồn tại nữa. Giữa các LM, cần phải có sự tôn trọng, thông cảm và giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất đối với nhau. Những khiếm khuyết trong tương quan giữa LM chánh xứ và phó xứ, giữa LM Triều và LM Dòng cần được san bằng và lấp đầy bằng sự thông cảm yêu thương trong tình bác ái của Đức Kytô. Người nào việc nấy, không ai va chạm ai, tranh giành ảnh hưởng nhau, thế mới đích thực là Tông đồ, thừa tác viên của Đức Kytô. Hai ca sĩ có thể không nói tốt về nhau, nhưng hai LM thì không như thế. TC đã chọn mỗi người mỗi vẻ, tùy theo khả năng của từng người một. Ngài muốn người này làm công việc này, người kia làm công việc kia, nhưng tất cả cũng chỉ vì tinh thần dấn thân phục vụ, đem Đức Kytô đến cho mọi người. Trong quyển sách Joshua của Cha Girzone, Cha Phát tâm sự với Giôsê: “Giôsê, anh biết tôi uống nhiều lắm. Tôi muốn dừng uống nhưng tôi cảm thấy cô đơn, sống trong nhà xứ với vị chủ chăn không phải là một việc dễ. Thỉnh thoảng tôi có cảm tưởng rằng tôi sống không phải để làm LM, nhưng tôi lại nghĩ rằng tôi được gọi làm LM. Tôi thích công việc của tôi. Tôi yêu mến dân chúng..” Giôsê xích lại choàng tay ôm lấy vai LM và nói: “Cha là một LM tốt. TC đã chọn cha. Cha không nên từ khước điều đó… Hãy cố gắng hết mình . TC sẽ thông cảm, nếu cha cố gắng. Cả khi cha thất bại, TC vẫn thông cảm. Nhưng đừng làm ô danh chức LM của cha và làm hại đến đức tin của dân chúng… Đôi khi TC hoạt động chậm rãi và có thể muốn cha chịu đựng sự cô đơn bây giờ, để cha hiểu được cái cô đơn của người khác và trở nên một LM tốt hơn… Khi nào buồn, hãy đi ra đồng cỏ, và ở đó cha sẽ gặp Giêsu. Ngài sẽ gặp cha ở đó. Hãy nói với Ngài và Ngài sẽ hướng dẫn cha. Như cha biết, Ngài đã hứa, và tôi cũng hứa với cha nữa…” (Joshua, Lm Girzone, bản dịch của Diên Sơn, chương 9, trang 104).

Hãy rao giảng Đức Kytô, cuộc sống và lời của Ngài dạy. Đó là mẫu số chung và từ mẫu số chung này, chúng ta sẽ trở nên một trong Đức Kytô. “Con ở trong họ và Cha ở trong con để họ hoàn toàn nên một. Như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như Cha đã yêu thương con (Lời cầu nguyện của Đức Giêsu – Jn. 17, 23).

LM cũng có những cộng tác viên khác như Ban Hành Giáo, các trưởng ban đoàn thể và giáo lý viên. Tất cả đều thống nhất nên một và lấy tình thương làm kim chỉ nam hoạt động thì công việc phục vụ trong sứ mạng truyền giáo sẽ đẹp lòng Chúa biết bao!

Nói tóm lại, không phải tất cả các LM ngày nay đều là những Kinh sư và Biệt phái thời Đức Kytô, nhưng cũng không ít LM xử sự trong khi mục vụ cũng giống như họ thời xa xưa. Dùng quyền lực để cai quản, phục vụ như cha chú, đó chưa phải là tinh thần mà Đức Kytô muốn. Giôsê đã nói với cha Phát: “GH không nên dùng hình phạt ép buộc dân chúng trung thành với điều Giêsu dạy. Giêsu không bao giờ muốn như thế. Ngài muốn nhân loại tìm Ngài trong tự do và tiếp nhận Ngài cách vui vẻ và bộc phát” (Joshua, Lm.Girzone, bản dịch của Diên Sơn, chương 9, trang 105).

Tôi viết lên đây những tâm tình này, không phải tôi có óc anti-clergé, nhưng muốn gióng lên một tiếng nói hay ít ra ao ước các LM là những vị thừa sai đích thực của Đức Kytô. Tôi vẫn luôn xác tín niềm tin của tôi vào TC và GH, và qua GH tôi đã lãnh nhận ân sủng của Đức Kytô. Để kết, xin được trích một đoạn thư của một em gái đã gởi cho người anh họ mình: “Em không thần thánh hóa các LM. Em cũng nghe, cũng biết một vài vị LM như người cha kia, cứ lén lút đi đêm, say sưa với những điều không được phép và bất chấp những điều cấm kỵ để đến nỗi mang hoạ vào thân và làm ảnh hưởng đến con cái, xấu hổ lây cho con cái… Nhưng… có ai là thần thánh trong chúng ta đâu? Có ai là người biết sai, biết lỗi mà không được sự tha thứ của vợ con… Vì thế ở một giới hạn nào đó, không nên quá dễ dãi cho mình mà nặng lời, phê phán sự tất trách của vị LM khi vị đó không làm vừa lòng mình… Em thật sự không đồng ý với chị T.B. Tại sao chị ấy không nghĩ thêm một tý là mình phải có trách nhiệm góp một phần nhỏ cho nhiệm vụ của vị LM… Là cha mẹ với dăm ba đứa con mà ta không thấy mình chu toàn được thì hỏi làm sao vị LM nào đó, nhà có hàng ngàn đứa con có thể chu tất mọi chuyện cho vừa lòng tất cả được?..

(Kim Hoa – Bình Thạnh  -TPHCM)

Hoàng Châu BR sb60