Tản mạn 2015 – 07
…..>
Nói cho ngay, ảnh hưởng của đức Biển Đức rất lớn về phương diện thần học và tín lý, nên việc ngài từ nhiệm hẳn là một tiếng sấm động giữa trời thanh.
Biến cố bất ngờ, nên nhiều người không muốn cho đó là sự thật. Hoặc giả, nếu đành phải chấp nhận sự thật này, lại phải tìm cho ra lý do tiềm ẩn phía sau, chứ không đành chấp nhận cách đơn giản lý do sức khoẻ được đưa ra.
Nhìn lại khung cảnh Giáo hội bây giờ, thế giới trần tục tiếp tục thách thức không chỉ giáo lý và đức tin Kytô giáo mà còn thách thức chính bản thân Giáo hội. Thế giới kình chống ra mặt và gay gắt tấn công vào chính cốt lõi của Kytô giáo.
Và Giáo hội phải rút về vị trí thủ thế, vừa phải bảo vệ các chân lý của mình khỏi bị cắt nghĩa sai lạc, vừa phải công bố các sự thật ấy cho thế giới đang ra mặt chống lại.
Muốn thành công trong công tác ấy, Giáo hội phải hiệp nhất bên trong, và các quy luật phải được tuân giữ.
Nhưng Giáo hội lại thất bại trong cả hai mặt trận đó.
Trong nhiều quốc gia, tiếng nói, lời rao giảng của Giáo hội không còn được lắng nghe. Và khủng hoảng của Giáo hội lại hiện ra rõ nét qua vụ bê bối về tình dục của giới giáo sĩ.
Thảm trạng ấy của Giáo hội, có lẽ đã gây ra ức ép nặng nề lên trên bản thân đức Biển Đức XVI.
Ngài muốn Giáo hội là một ngọn hải đăng soi sáng cho nhân loại, đem cho nhân loại chân lý, một nhân loại đang bị nhiễm nặng bệnh ích kỷ và duy tương đối.
Ngài còn muốn Giáo hội là người bảo vệ cho nhân loại.
Nhưng ngài chỉ thấy một Giáo hội đang đánh mất lòng tín nhiệm của thế giới về phương diện luân lý, vì vụ bê bối của các giáo sĩ.
Ngoài gánh nặng của tuổi tác, ngài lại phải đối diện với một giáo triều mà ngài vô phương cải tổ. Chung quanh đã không có ai cộng tác vào việc này, lại còn có nhóm tranh dành quyền lực, những bê bối về đồng tính, và cả về tài chính.
Chúng ta thử mạo muội đặt mình vào vị trí của ngài.
Vào đầu thập niên 70’s, trong số tên tuổi các thần gia nổi bật của Giáo hội lúc bấy giờ . như Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac, Walter Kasper, Marc Ouellet, Louis Bouyer của tờ báo Communio, còn có Johann Baptist Metz, Anton van den Boogaard, Paul Brand, Marie-Dominique Chenu, Yves Congar, Karl Rahner, Edward Schillebeeckx, và Hans Küng của tờ báo Concilium, chúng ta đã gặp tên tuôi của đức Joseph Ratzinger.
Là một thần học gia lỗi lạc, rồi giám mục, bộ trưởng, và cuối cùng một giáo hoàng, ngài đã tạo được một ảnh hưởng rất lớn trên đường lối của Giáo hội trong lãnh vực đức tin và luân lý suốt gần 50 năm qua, cả về phương diện tổ chức và qua việc bổ nhiệm các giám mục.
Vào cuối thời giáo hoàng, hẳn ngài nhận ra mọi việc không ổn như ngài đã từng muốn thế. Hoài bão muốn cho Giáo hội xiển dương chân lý và nâng cao mức luân lý, để chấn chỉnh một thế giới quá ích kỷ và duy tương đối, chỉ mang đến kết quả là một Giáo hội sụp đổ từ bên trong về phương diện luân lý.
Giáo hội mất đi lòng tín nhiệm của thế giới. Thay vì là một cơ cấu thần thiêng, Giáo hội bây giờ chỉ mang vẻ một tổ chức trần tục, quá nhân loại. Khó mà biện minh rằng không phải Giáo hội tội lỗi, mà chỉ là các thành phần của Giáo hội mang tội mà thôi, khiến cho tình trạng Giáo hôi phải ra như bây giờ.
Đó hẳn là thách thức và cũng là chính cái thử thách của đức Biển Đức XVI.
…>