TÊN GỌI CỦA MỘT VÀI GIÁO XỨ
Ở KHÁNH HÒA
_____________________
Trước đây dưới thời linh mục Benedicto Nguyễn Công Phú làm linh mục quản xứ giáo xứ Cây Vông, linh mục vẫn duy trì cách gọi và phân chia khu vực trong giáo xứ đã có từ thời linh mục Gioan Phùng Văn Như và linh mục Vincente Lê Công Khương : giáo xứ chia thành bốn khu vực, gọi tắt là “Khu”. Đó là khu Phê rô; khu Phao lô; khu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; khu Fatima.
Đến thời linh mục Augustino Mai Hứa bỏ cái từ “Khu” vì theo linh mục cái từ “Khu” nghe không được thanh nhã cho lắm ( Ví dụ có người hỏi: Anh ở khu nào? Thay vì trả lời: Tôi ở khu Phê rô hoặc khu Phao lô thì họ lại nói tắt: Tôi ở trong khu ông A hoặc trong khu ông B [do ông A hoặc ông B làm trưởng khu])nên đổi “Khu” thành “Giáo họ”. Ở giáo xứ Đồng Hộ không gọi là “Khu” cũng không gọi “Giáo họ” mà gọi là “Khu giáo A; Khu giáo B…”
Cái từ “Khu giáo” nghe hơi khiên cưỡng, bởi vì trong từ ngữ giáo hội Việt Nam sử dụng thì từ “giáo” được đặt lên phía trước như: giáo tỉnh, giáo khu, giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, giáo họ, giáo điểm… Giáo họ là cách gọi nửa Hán, nửa nôm, tức là họ đạo. Chẳng lẽ trong giáo xứ Cây Vông có bốn “Họ đạo”( Giáo họ). Giáo xứ là gọi theo âm Hán – Việt. Gọi theo cách nôm na là “ Xứ đạo”, “Họ đạo”. Thế hệ của cha mẹ tôi không sử dụng từ “Giáo xứ” mà chỉ gọi là “ họ Cây Vông” hoặc “xứ Cây Vông” mà thôi. Nếu gọi đúng theo văn bản của Giáo hội trước đây là “Địa sở Cây Vông” (Hiện nay cổng vào nhà thờ Trà Kiệu vẫn còn bốn chữ “Địa sở Trà Kiệu”). Họ thì có “Họ chánh” và “Họ lẻ” (còn gọi là “Họ nhánh”). Họ chánh có nhiều họ nhánh. Trước năm 1943 họ Hà Dừa có nhiều họ nhánh như : Cây Vông, Đồng Dưa (Đại Điền), Đồng Dài, Cư Thạnh… Cha phó của họ chánh tới ở luôn tại một họ nhánh gọi là “Cha phó biệt lập”. Đầu năm 1943 họ nhánh Cây Vông được tách ra khỏi họ chánh Hà Dừa để trở thành họ chánh với linh mục tiên khởi là linh mục Antôn Phạm Cảnh Chẩm quê Trà Kiệu. Họ Đồng Dưa (Đại Điền) trở thành họ nhánh của họ Cây Vông.
Hiện nay là thời đại thông tin toàn cầu, tại sao chúng ta không quy định thống nhất tên gọi các khu vực trong giáo xứ. Cũng cùng một giáo phận nơi thì gọi là “Giáo họ”, nơi thì gọi là “Khu giáo”!
Giáo xứ Hòa Thanh (Đá Bàn)
Vào lúc 16 giờ ngày 19/07/2015 anh Nguyễn Xuân Nhị lớp Sao Biển 1958 tổ chức lễ tạ ơn mừng thọ thất tuần (70) tại nhà thờ giáo xứ Hòa Thanh, tôi cùng một số anh Sao Biển lớp lớn ra tham dự. Lâu nay tôi đến nhà anh Nhị nhiều lần nhưng chưa bao giờ đến nhà thờ Hòa Thanh. Lần đầu tiên đến nhà thờ Hòa Thanh nhưng đến trong dịp “cửu hạn phùng cam võ”(xe ra đến Phú Hữu thì trời mưa rỉ rả kéo dài cho đến khi anh em dự tiệc xong về đến Nha Trang trời vẫn còn mưa). Từ tiền đường nhà thờ tôi nhìn bao quát và nói với anh em là trong địa phận Nha Trang không có nhà thờ nào có thế đất đẹp như nhà thờ Hòa Thanh: lưng tựa vào núi nhìn ra cánh đồng bao la. Nếu giáo xứ đồi dào ngân quỹ thì nên mua ngọn đồi kế sau lưng nhà thờ để sau này có thể làm đồi Đức Mẹ hoặc đồi Thánh Giá thì rất đẹp.
Trong lúc tiệc tùng , tôi có đề nghị với linh mục Phê rô Trần Anh Phú, quản xứ Hòa Thanh: Sao cha không xin đổi tên giáo xứ thành Hòa Huỳnh để nhiều người biết đến hơn là Hòa Thanh? Tên Hòa Thanh : “Rằng hay thì thật là hay/ Nghe qua chẳng biết xứ này ở đâu?”.Đúng y như vậy, nhiều người trong Giáo phận Nha Trang khi nói đến giáo xứ Hòa Thanh thì họ ngơ ngác không định vị được giáo xứ Hòa Thanh ở đâu! Tên Hòa Huỳnh phát âm theo tiếng địa phương là “Quà Quỳnh”. Còn khi phiên âm từ Hán sang Việt nếu không hiểu ngôn ngữ vùng miền sẽ phiên âm là Hòa Hoàng (người dân Đàng Trong cử tên Hoàng và đọc là Huỳnh)
Địa danh Hòa Huỳnh đã có trên 209 năm. Hòa Huỳnh là một trong chín dịch trạm trên đất Khánh Hòa dưới thời nhà Nguyễn. Ngày xưa trên đường thiên lý Bắc Nam cứ cách nhau khoảng hơn 20 cây số thì đặt một Dịch trạm. Dịch trạm là để chuyển công văn hoặc đón rước các quan đi công cán từ dịch trạm này qua dịch trạm nọ. Tháng 2 năm Canh Thân(1800) đặt phu trạm ở dinh Bình Khang (dinh Bình Khang, năm 1803 đổi thành dinh Bình Hòa, năm 1808 đổi làm trấn Bình Hòa, năm 1832 đổi thành tỉnh Khánh Hòa) . Dinh Bình Khang có 9 dịch trạm tính từ Nam ra Bắc là Du Quân, Da Khê, Đại An, Phú Mỹ, Sa Quán, Toàn Thạnh, Tự Quán, Tô Hà , Chử Châu ( Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, trg 407).
Trước năm 1806 vua Gia Long quy định lại tên các dịch trạm, dinh Bình Định thì có chữ Bình đứng trước, dinh Phú Yên thì có chữ Phú đứng trước, dinh Bình Thuận thì có chữ Thuận đứng trước, dinh Bình Hòa có chữ Hòa đứng trước. Chín trạm của dinh Bình Hòa được đổi tên (tính từ Nam ra Bắc): Hòa Quân, Hòa Do, Hòa Tân, Hòa Thạnh, Hòa Cát, Hòa Mỹ, Hòa Huỳnh, Hòa Lãng, Hòa Mã. Trạm nằm giữa ranh giới của hai dinh thì lấy tên của hai dinh ghép lại. Giữa Bình Định và Phú Yên là dịch trạm Bình Phú, giữa Bình Hòa và Bình Thuận (thời ấy Ninh Thuận chỉ là một phủ của Bình Thuận) gọi là Hòa Thuận, giữa Phú Yên và Bình Hòa gọi là Phú Hòa. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí viết về trạm Phú Hòa: “ Phú Hòa dịch, kiến tại Đèo Cả đỉnh trung, thử vi Phú Yên, Bình Hòa nhị dinh giáp giới chi sở. Cố danh Phú Hòa dịch. Kim phụng thiết dịch binh lục thập suất, Phú Yên dinh bán phần tam thập suất. Bình Hòa dinh bán phần tam thập suất. Hợp phân vi tam phiên, mỗi phiên nhị thập suất, thường nhật trực hậu tại trạm. Phàm hậu dịch trạm tại giáp giới chi sở. Giai phỏng thử lệ”( Trạm Phú Hòa, đóng ngay giữa đỉnh Đèo Cả, nơi địa giới của hai dinh Phú Yên và Bình Hòa, vậy nên đặt tên trạm là Phú Hòa. Nay đặt ở trạm 60 suất lính, dinh Phú Yên một nửa là 30 suất, Bình Hòa một nửa là 30 suất, hợp lại thành 3 phiên, mỗi phiên 20 suất thường trực ở trạm, lo việc trạm nơi vùng giáp giới, hai dinh đều tuân theo lệ ấy)( Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí [Phan Đăng dịch]Nxb Thuận Hóa.Phần chữ Hán trang 1698-1697, phần dịch nghĩa trang 47)
Khi thực dân Pháp qua xâm lược và cai trị nước ta thì hệ thống dịch trạm của triều đình cũng dần bị mai một. Ngôi nhà dịch trạm Hòa Thạnh (trước có tên là Phú Mỹ ,do dịch trạm đóng tại địa bàn thôn Phú Mỹ, sau Phú Mỹ đổi thành Phú Khánh, nay thuộc xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) tọa lạc tại ngã ba Mả Xá (Quốc lộ I đi lên nhà thờ Hà Dừa) mới bị phá bỏ cách nay khoảng vài thập niên. Hiện nay địa danh của 6 trong tổng số 9 dịch trạm trên đất Khánh Hòa đã bị mai một chỉ còn lại 3 nơi còn duy trì địa danh: Hòa Do, Hòa Tân và Hòa Huỳnh. Về phía Giáo hội Công giáo thì có hai nơi còn duy trì địa danh dịch trạm, đó là giáo xứ Hòa Do ở Cam Ranh, giáo xứ Hòa Tân ở Cam Lâm
Năm 1935 linh mục Nguyễn Đức Kính lập họ đạo Hòa Huỳnh thuộc thôn Ngọc Sơn. Linh mục xin trưng khẩn đất chung quanh nhà thờ Hòa Huỳnh để bổn đạo canh tác lấy huê lợi sử dụng cho họ đạo. Diện tích khu đất rộng 22 ha: đông giáp Quốc lộ I; tây giáp đường sắt; nam giáp hương lộ Ngọc Sơn (nay là Tỉnh lộ 7); bắc giáp suối nước.
Sau 1975, giáo dân về lại quê lập nghiệp và chính quyền không cho giáo dân tái thiết nhà thờ tại địa điểm cũ mà phải dời lên phía Tây cách địa điểm cũ khoảng 3 cây số, tại thôn Gia Mỹ. Nhà thờ mới khởi công xây dựng vào ngày 15/06/1995 và khánh thành ngày 05/01/1997 và lấy tên là Hòa Thanh (ghép tên Giám mục Phao lô Nguyễn Văn Hòa và tên linh mục Tađêô Lê Văn Thanh- Linh mục quản xứ họ chánh Gò Muồng).
Hiện nay trên trang web Giáo phận Nha Trang, mỗi khi đề cập đến giáo xứ Hòa Thanh, thì kế sau hai chữ Hòa Thanh thường chua thêm hai chữ Đá Bàn. Đá Bàn là một địa danh cách nhà thờ Hòa Thanh khoảng gần 10 cây số. Vả lại địa danh Đá Bàn chỉ có người trong tỉnh biết mà thôi, còn địa danh Hòa Huỳnh thì rất nhiều người trong cả nước biết đến. Nếu sau này giáo xứ Hòa Thanh có đổi tên thì nên phục hồi lại tên Hòa Huỳnh.
Đồng Trăng hay Đồng Trăn?
Trước năm 1975 có tuyến xe lam chạy trên Tỉnh lộ 2 (chạy ngang hông nhà thờ Hà Dừa), hai bên hông xe ghi: Thành- Đồng Trăng và Đồng Trăng- Thành. Tuy nói đi Đồng Trăng nhưng xe lên ngày cầu Ồ-Ồ, thôn Lễ Thạnh xã Diên Thọ là dừng. Hai chữ Đồng Trăng đã ăn sâu vào tâm trí của tôi, và theo tôi suy nghĩ là nơi đây ngày xưa lúc đoàn người đầu tiên đến đây khai khẩn vào những đêm trăng nhìn trăng chiếu xuống ruộng đồng rất là thơ mộng nên mới chọn cái tên Đồng Trăng để đặt cho vùng đất vừa khai phá!
Sau năm 1975 Đồng Trăng trở thành khu kinh tế mới, muốn qua Đồng Trăng phải đi đò. Đò không chống, không chèo mà người lái đò chỉ vịn sợi dây cáp cột từ gốc cây cổ thụ bên này sông và gốc cây cổ thụ bên bờ bên kia mà lần đi tới, do nơi đó nước chảy lờ đờ. Sau này nhà nước mới làm cầu tràn (cầu chìm) để dân qua lại cho tiện, nhưng khổ nỗi là mỗi khi có mưa lớn trên nguồn là nước tràn ngập cầu và không thể qua lại được, lại phải đi đò. Cách nay khoảng một năm nhà nước cho xây một cây cầu kiên cố nối liền hai bờ sông. Hai đầu cầu có biển hiệu ghi: “cầu Đồng Trăn”. Nhiều người không hiểu nguồn gốc địa danh cho là người chủ trương viết biển hiệu là viết sai. Kẻ thì đùa với nhau: Trăng qua cầu mất “gờ” biến thành “Trăn”. Nhiều người lý luận: địa danh Đồng Trăng không có nghĩa. Mặt trăng soi chung nên đồng nào chẳng là Đồng Trăng đâu riêng xã Diên Đồng mới có Đồng Trăng! Có người lại bảo: Ngày xưa những người đầu tiên đến đây khai khẩn thấy trăn bò lổn ngổn nên mới đặt là Đồng Trăn.
Nhân đọc quyển Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn bằng chữ Hán và được Cao Tự Thanh dịch ra quốc ngữ nơi trang 540 ghi vào tháng 12 năm Đinh Mùi (dương lịch sang năm 1909): “Bộ Hộ tâu nói quan tỉnh Khánh Hòa Phạm Ngọc Quát khám việc Lê Bá Cử làm đơn nói khai khẩn xứ Đồng Trăng trong hạt hiện đã thành ruộng đất 400 mẫu, xin sáp nhập vào xã Khánh Xuân (nay là thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm- TG) bên cạnh, lập sổ chịu thuế, Bá Cử khai khẩn có công sẽ nghĩ thưởng riêng, theo như lời tâu”.Ngoài ra ông Lê Bá Cử “lại đắp một con đường từ xứ Đồng Trăng tới tỉnh thành khoảng 12.000 thước tây, khiến nhân dân đi lại buôn bán được tiện lợi”(Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục đệ lục kỷ[Cao Tự Thanh dịch], Nxb Văn hóa- Văn nghệ, trang 540; 565). Tuy dịch giả ghi là “ xứ Đồng Trăng” nhưng bên dưới cuối trang có dòng chú thích: Nguyên bản viết là “ Đồng Trăn”.
Con đường dài khoảng 12.000 thước tây ấy chính là Tỉnh lộ 2 nối dài từ thành Diên Khánh lên Đồng Trăng (trước năm 1945, thành Diên Khánh là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa nên gọi là “tỉnh thành”. Sau năm 1945 tỉnh lỵ Khánh Hòa dời xuống Nha Trang và địa điểm tỉnh lỵ cũ trở thành quận lỵ quận Diên Khánh. Tuy thành Diên Khánh đã trở thành quận lỵ nhưng thế hệ cha mẹ tôi mỗi khi có việc gì qua quận lỵ vẫn gọi là : Qua bên tỉnh) Trong âm Hán Việt không có âm “trăng”. Tôi cố tìm cho được nguyên văn hai chữ Đồng Trăn bằng chữ Hán. Và trong địa bạ (sổ khai đất ruộng)của xã Đồng Trăng khai năm 1811 ( Gia Long năm thứ 10) và thấy chữ “Trăn” thuộc bộ “mộc”. Giở Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích chữ “Trăn” thuộc bộ “mộc” tìm được 3 giải đáp: 1- cây trăn. 2- bụi cây. 3- bùm tum, vướng vít. Như vậy ta có thể kết luận là vùng đất này ngày xưa có nhiều cây trăn. Năm 1811 xã Đồng Trăn thuộc tổng Thượng, huyện Hoa Châu. Địa bạ xã Đồng Trăn được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tóm gọn: Đồng Trăn xã (xứ An Lâm)
. Đông giáp sông và rừng. Tây giáp rừng.
. Nam giáp địa phận xã Triều Sơn (nay là Cẩm Sơn- TG)
. Bắc giáp sông và rừng
– Toàn diện tích 10 mẫu 04 sào:
. Tư điền 07 mẫu.
.Tư thổ châu 02 mẫu 04 sào
. Đất hoang 01 mẫu (1 khoảnh)
Khê cừ 1 dải 20 tầm ( Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Khánh Hòa, Nxb TP.HCM, trang 205)
Đây có thể xem là tư liệu xưa nhất của xứ Đồng Trăn. Hiện ở xã Diên Đồng có giáo xứ mang tên Đồng Trăng. Rất mong giáo quyền nên sửa lại tên giáo xứ cho đúng với tên gốc của nó!
Giáo xứ Cây Vông
Nhiều người khi chưa đặt chân đến giáo xứ Cây Vông thường hình dung ở giáo xứ Cây Vông có rất nhiều cây vông nhưng khi đến thì chẳng thấy cây vông nào cả! Vâng, ngày xưa vùng đất này lắm cây vông. Phía đông của giáo xứ Cây Vông có một vùng đất tục danh là Vườn Vông và nay con đường đi qua vùng đất ấy được gắn biển tên là đường Gò Cây Vông. Vông có hai loại: vông nem (ngày xưa hay dùng đậy ú mắm nêm cho khỏi sinh giòi, nay dùng lá cho thỏ ăn) và vông đồng (vông đồng gai to và nhiều hơn vông nem thường mọc ở ven sông, ven bàu nước và hoa vông đồng đỏ tươi nên dân gian hay nói : “đỏ như bông dông [vông]”).
Trước năm 1975 mỗi làng ở Diên Khánh có một tên riêng dành cho người chết.Ví dụ làng Đại Điền Tây có tên là Hoành Sơn, do phía tây của làng có dãy núi Hòn Ngang; làng Đại Điền Nam và Đại Điền Trung có tên là Qua Sơn, do gắn liền với sự tích bà Thiên Y A Na với sự tích Núi Dưa; làng Đại Điền Đông có tên Đông Khê, do phía đông làng có một khe nước lớn từ núi chảy ra. Riêng làng của tôi là làng Phú Lộc giáp ranh với làng Đại Điền Tây nơi có nhà thờ Cây Vông , có tên là Đồng Xuyên, do có nhiều cây vông mọc bên bờ sông. Cái tên Đồng Xuyên được dùng để viết vào tờ minh tinh (có nơi phát âm là “minh sinh”) . Khi quan tài được hạ xuống huyệt xong xuôi thì có hai người giăng dọc tờ minh tinh màu đỏ viết chữ Hán trên huyệt . Thầy lễ đọc ba lần, sau mỗi lần đọc thì hai người cầm hai đầu tờ minh tinh úp lại rồi lật ngửa lên để thầy lễ đọc lần thứ hai. Tờ minh tinh là tờ giấy thông hành cho người chết sang bên kia thế giới. Trên tờ minh tinh ghi quê quán, tên tuổi , chức tước của người chết. Tờ minh tinh của làng tôi mở đầu : “ Việt Nam Đồng Xuyên Thượng ấp…” ấy vậy mà dưới âm phủ biết là người chết ấy là dân ở ấp Thượng, làng Phú Lộc, mà chẳng cần phải đọc “Việt Nam quốc, Khánh Hòa tỉnh, Diên Khánh quận, Phú Lộc xã, Thượng ấp…” gì cả! Sau khi đọc xong, người ta đem tờ minh tinh ấy “hóa” (đốt) đi để cho dưới âm phủ nhận.
Người dân bên lương hay cải tên địa danh Cây Vông thành Hoa Vông. Ngay cả thống kê năm 1843 của Hội Thừa sai Ba Lê cũng ghi là Hoa Vông: Tỉnh Khánh Hòa có 11 họ đạo: Bình Cang (212 giáo dân), Hoa Vông (147 giáo dân), Hà Dừa (328 giáo dân), Mà Gai (51 giáo dân), Đồng Dài (37 giáo dân), Lâm Toàn (201 giáo dân), Xóm Cồn (67 giáo dân), Cầu Kè (45 giáo dân), Dinh Bình Hòa (207 giáo dân), Quán Đồng Nai (35 giáo dân) .Cộng 1498 giáo dân (Nguyễn Đình Đầu,Kỷ niệm 350 năm Địa phận địa danh tỉnh Khánh Hòa với Giáo phận Nha Trang.Đăng trên tuần báo Công giáo & Dân tộc số 1370 Tuần lễ từ 16/08= 21/08/2002, trang 25)
Tại Phú Yên trước đây có giáo xứ Hoa Vông rất là đông giáo dân, sau này do mất an ninh nên sinh hoạt của giáo xứ chuyển dần vào địa điểm mới là Tuy Hòa và tên giáo xứ Hoa Vông bị xóa sổ. Hiện nay tại thôn Chánh Nghĩa, xã An Phú, huyện Tuy An vẫn còn nền nhà thờ Hoa Vông. Ở Bình Định trên đoạn đường từ Quảng Nghiệp đi về Gò Bồi có giáo xứ Vườn Vông.
Trước nhà thờ Cây Vông nên trồng hai đầu sân hai cây vông (một cây vông nem và một cây vông đồng để kỷ niệm và để thế hệ trẻ có dịp học hỏi quan sát tường tận về cây vông.
Bắt đầu trong năm 2014, chính quyền kêu gọi “ Xây dựng nông thôn mới”. Để xây dựng nông thôn mới cần phải có 18 hoặc 19 tiêu chí gì đó, trong đó có tiêu chí là đường, ngõ có tên, nhà có số . Xã Diên Sơn cũng đang phấn đấu trở thành xã xây dựng nông thôn mới, cho nên con đường chạy ngang trước mặt nhà thờ dài khoảng 1,5 km được gắn tên là đường Cây Vông.
Giáo xứ Đồng Dưa – Đại Điền
Những người bên lương ở vùng đất Diên Khánh họ không gọi Nhà thờ Đại Điền mà gọi bằng Nhà thờ Đồng Dưa. Trước đây giáo xứ Đại Điền thuộc hạt Diên Khánh có tên là Đồng Dưa. Đồng Dưa là gọi theo cách nôm na. Gọi theo âm Hán Việt là Qua Điền ( Ruộng Dưa, Đồng Dưa). Địa danh Đồng Dưa đã có từ xa xưa, có liên quan đến truyền thuyết bà Thiên Y A Na trên núi Đại An( dãy núi sau lưng nhà thờ Cây Vông và nhà thờ Đại Điền). Những giấy tờ đất đai bằng chữ Hán của dân chúng trong khu vực chung quanh nhà thờ Đại Điền đều ghi “ Đồng Dưa xứ”.
Các làng Đại Điền Đông, Đại Điền Trung (xã Diên Điền) và Đại Điền Nam, Đại Điền Tây (xã Diên Sơn) dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị cùng chung một xã là xã Đại An (cho nên dãy núi phía bắc của hai xã Diên Điền và Diên Sơn gọi là dãy Đại An). Khoảng sau năm 1860 mới đổi tên từ Đại An xã thành Đại Điền xã ( Bia đá khắc năm 1858 dựng tại sân Văn miếu Diên Khánh vẫn còn tên Đại An xã). Vào thời vua Thành Thái (1889-1906) mới phân chia xã Đại Điền thành tứ thôn: Đại Điền Đông, Đại Điền Trung, Đại Điền Nam, Đại Điền Tây.
Địa danh Đại Điền mới có khoảng trên 150 năm, còn địa danh Đồng Dưa xứ đã có từ rất xa xưa và gắn liền với truyền thuyết bà Thiên Y A Na.
Giáo xứ Lâm Tuyền- Chợ Mới
Giáo xứ Chợ Mới ngày xưa có tên là giáo xứ Lâm Tuyền, có tài liệu ghi là giáo xứ Làm Thuyền và chú thích là khu vực này có xóm đóng thuyền bè. Làm Thuyền có thể là “tam sao thất bổn” của Lâm Tuyền. Lâm Tuyền lại là cách gọi trại của Lâm Toản. Địa bạ Gia Long năm 1811 ghi là Lâm Toản thôn. Thôn Lâm Toản gồm có xứ Gò Gốm, Gò Dê, Gò Gạch, Cây Me, Biên Sơn. Như vậy vùng đất Gò Dê (giáo xứ Ngọc Thủy) trước đây thuộc thôn Lâm Toản. Chữ “Toản” còn có thể đọc là “ Toàn” . Trong sách Luận ngữ có câu tán dương Khổng tử : “ Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên” và cũng có sách phiên âm là “ Toàn chi di kiên”. Lâm Toản và Lâm Toàn y như nhau chỉ khác cách phát âm một tí. Và chữ “Toàn” có thể đọc là “Tuyền”. Sách Khổng học đăng do cụ Phan Bội Châu soạn khi gặp chữ “toàn” cụ viết là “tuyền”.Một trong những tiêu chí chọn con vật để tế thần thánh là con vật phải toàn sắc (một sắc lông) còn gọi là “tuyền sắc”. Từ Lâm Toản đọc thành Lâm Toàn rồi lại Lâm Tuyền. Theo thống kê năm 1843 của Hội Thừa sai Ba Lê thì giáo xứ Lâm Toàn có 201 giáo dân. Thôn Lâm Toản sau đổi thành Ngọc Toản rồi đổi thành Ngọc Hội.
Địa danh Chợ Mới mới có khoảng hơn 150 năm mà thôi. Năm 1843 vẫn còn tên giáo xứ Lâm Toàn. Theo như văn bia bằng chữ Hán khắc năm 1860 dựng tại miếu Tiền Hiền làng Ngọc Hội cho biết là bà Nguyễn Thị Hiếu đã tự bỏ tiền của xây cầu xây chợ trong thôn Ngọc Toản. Do vậy địa danh Chợ Mới xuất hiện sau năm 1860.
Giáo họ Vĩnh Hòa – Phường Dầu
Trước năm 1975, mẹ tôi thường buôn bán ở vùng Cam Hòa, Cam Hải ,Cam Đức, Cam Thành và mẹ tôi gọi vùng đất xã Cam Hải hiện nay bằng cái tên Phường Dầu. Sau năm 1975 tôi không hề nghe cái tên Phường Dầu nữa. Đầu tháng 8/2015 tôi đọc trang web Giáo phận Nha Trang mới biết vào lúc 8h15’ ngày 30/07/2015 Giám mục Giuse Võ Đức Minh đến giáo họ Vĩnh Hòa chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Vĩnh Hòa. Trong bài viết cho biết trước năm 1960 Vĩnh Hòa được gọi là Phường Dầu. Lúc đầu giáo họ Vĩnh Hòa thuộc giáo xứ Tân Bình, sau đó được nhập vào giáo xứ Bắc Vĩnh. Đầu tháng giêng năm 1972 bắt đầu xây nhà nguyện, đến tháng 5 năm 1972 thì hoàn tất và linh mục Phê rô Nguyễn Đăng Khoa – quản xứ Bắc Vĩnh, đặt tên cho giáo họ lẻ là Vĩnh Hòa (Vĩnh là giáo xứ Bắc Vĩnh, Hòa là dân ở xã Suối Hòa).
Địa danh Phường Dầu đã có trước năm 1811. Theo Địa bạ Gia Long năm 1811 Phường Dầu phụ lũy thôn thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Xương. Phường Dầu phụ lũy thôn gồm các xứ An Du, Cây Ké, An Phụ . Đông, Tây , Nam, Bắc đều giáp rừng. Diện tích toàn thôn là 17 mẫu 7 sào 10 thước, trong đó tư thổ là 2 mẫu 7 sào, đất hoang là 15 mẫu ( 2 khoảnh). Đường thiên lý đi ngang qua thôn 1 đoạn dài 4521 tầm ( 1 tầm = 2,12m)( Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Khánh Hòa, Nxb TP.HCM, trang 239)
Những địa danh Gò Muồng, Gò Dê, Đồng Dưa, Đồng Lác, Cà Đú, Láng Mun, Rừng Lai …tuy nó dân dã, hơi thô kệch nhưng nó đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ và được nhiều người không kể lương – giáo biết đến.
Nguyễn Văn Nghệ – SB 74