Cha già và cờ tướng (Nguyễn Văn Độ sb61)

Cha già và cờ tướng

____________________________

 

Thời ấy thú vui thanh tao của các cha già là đánh cờ tướng. Thường vào trưa Chúa nhật, cha già sai chú tiểu đồng ̣đi mời một kỳ thủ vào nhà xứ đọ tài với cha già. Nếu tay cờ này tuần trước “hạ đo ván” cha già, thì cha già lại càng nôn nóng hơn nữa. Bởi suốt một tuần qua, cha già bồn chồn mong sao cho mau đến Chúa Nhật. Luôn luôn, cùng đi với kỳ thủ là một nhóm khá đông các “quân sư quạt mo” giáo dân. Phía “đối thủ” là một mình cha già vì không ai dám “mách nước” cho cha già cả. Trái lại khi phe giáo dân thắng cha già thì mọi người mừng rỡ ra mặt. Đúng là cờ tướng không chấp nhận phẩm trật. Xin mời nghe trộm cuộc “đấu võ mồm” sau đây:

-Quân sư 1: Ta mà đi con mã này xuống thì HẮN khốn đốn.

-Cha già: Có mô dễ rứa! CHOA cho chõng con sĩ ni thì BÂY mần được chi CHOA.

-QS2: HẮN mà chõng sĩ thì pháo ta đập ngựa HẮN.

-Cha già: Đập ngựa CHOA thì xe CHOA húc bể pháo. Có mô dễ rứa, nói như “thánh phán” không bằng.

-QS3: Ta đưa con mã qua phía ni chiếu bí HẮN hay hơn nè.

-Cha già bĩu môi: Bí hả, Bí mô được. Xin phép đi tiểu chút đã.

Cha già đứng dậy, căn bệnh tiểu đường làm cho bước chân của ngài càng ngày càng nặng nề trông thật tội nghiệp.

 

Thuở ấy, tôi mới là chú bé giúp lễ 11 tuổi, rất thích xem đánh cờ ở nhà xứ dù chỉ biết lõm bõm vài nước. Xớ rớ quanh đó, tôi thường lắng nghe và nhìn gương mặt của hai phe hơn là nhìn vào bàn cờ. Một cái thú khác của tôi là gom những con cờ “chết” của cả hai phe để xếp thành hàng hoặc xây tháp, cũng là lúc tôi mân mê, ngắm nghía những con cờ đen bóng. Có khi  hai đối thủ đập cờ lên nhau chan chát, dồn dập, có lúc chờ mãi chẳng có con cờ nào “chết” để lượm.

 

Sau hai lễ sáng, là thời gian rãnh rỗi để cha già chơi cờ tướng thư giản. Vì thời ấy chưa có các cách giải trí khác. Giáo dân cũng thường chọn ngày Chúa nhật để vào gặp cha xứ, trình xin các việc mà trong tuần, vì lo việc đồng áng, họ không thể vào được. Chiến trận cờ tướng lại diễn ra ngay chính phòng khách nhà xứ, nên đôi khi xãy ra những sự cố cho cả khách và chủ:

 

Một ông lão mặc áo dài đen quần trắng tươm tất, xách một cái giỏ mây rón rén bước vào nhà xứ để xin lễ. Gặp lúc cha già đang đánh cờ cùng một nhóm giáo dân. Chiến trận đang hồi gây cấn, vì hai phe đang suy nghĩ căng thẳng. Cha già sau khi cất tiếng chào:”À ông Sáu, lâu nay có khoẻ không?” thì cha già lại cúi xuống bàn cờ, nghiên cứu chiến thuật cứu nguy, vì cha già chỉ còn lại mấy quân cờ lác đác, trong lúc quân địch thì kéo cả xe tăng đại pháo uy hiếp cung đình của cha già. Bẵng đi hơn 15 phút, ông Sáu sốt ruột, thấp thỏm đứng ngồi liên tục, mà cha già dường như đã quên mất sự hiện diện của ông. May sao, từ trong chiếc giỏ mây nằm yên nãy giờ trên nền nhà, vang  lên tiếng gáy ó,ò,o của con gà trống tơ. Ông Sáu nghĩ là nhờ ơn ông thánh Phêrô, vì Ngài rất biết ơn và thương con gà trống!

 

Tội nghiệp cha già giựt mình, vội vàng đứng dậy xin lỗi ông Sáu và hỏi: “Sao, lâu nay thằng Thế có về thăm ông bà không?” Rồi ngài nhanh chóng đi tìm cuốn sổ lễ, vừa miên man suy nghĩ có nên “đầu hàng” ván cờ này không.

 

Thế rồi cũng đến ngày cha già xin về hưu. Giã biệt những “con chiên” yêu kính cha già và được cha già yêu thương hết lòng. Mười năm trước, như một “Gioduê mới” cha già đã cùng đàn chiên rời bỏ xứ Bắc xa xôi, tiến vào vùng “Đất hứa” bên con sông trong xanh này. Từ cảnh hoang vu của núi rừng, cha con đã tạo nên kỳ tích khi xây dựng nên một giáo xứ êm đềm, nề nếp. Cuộc sống vươn lên từng ngày, hiền hoà, đạo hạnh chung quanh ngôi thánh đường khang trang.

 

Sức khoẻ ngày càng kém do tuổi cao và bệnh tật khiến cha già phải ra đi, dù bao nước mắt thương mến tuôn trào. Trong thân phận “hạt lúa miến mục nát cho đời” cha già không mang theo gì cho mình, ngoài những vật dụng cá nhân, một cây gậy gỗ lim bóng mượt véc ni do một nghệ nhân giáo dân biếu tặng, và trên hết, không thể nào quên được, là một bộ cờ tướng bằng gỗ mun đen lánh, chạm khắc tinh vi, nét chữ sơn hai màu trắng đỏ, đựng trong một cái hộp bánh biscuits “Petit Beurre” của Pháp, với ô bàn cờ bằng gỗ trắc, đã lên nước bóng loáng theo thời gian, và kêu rất dòn mỗi khi đập vào “đầu đối thủ”.

 

Được một cha già bạn chia cho miếng đất, và với tiền tiết kiệm, cha già cất được một ngôi nhà ngói đơn sơ trong một giáo xứ vùng ngoại ô thành phố làm nơi hưu dưỡng, tương đối bình yên cho dù chiến sự ngày một gia tăng khắp vùng.̣ Vào mỗi ngày thứ Tư, cha già đã lên lịch hẹn với một cha già khác, hưu cách đó 10 cây số để tỉ thí cờ tướng. Do đó, ngày thứ Tư là ngày vui của cha già, khi được tiếp bạn già tri kỷ, đấu cờ và ăn trưa cùng nhau, ôn lại vô vàn chuyện xưa từ Bắc chí Nam. Hôm nào thắng vẻ vang thì niềm vui của cha già còn tăng thêm bội phần.

Một bà goá già trong xứ giúp cha già việc nấu nướng-quê tôi gọi một cách kính trọng là bà Bọ.

Hôm nay có người giáo dân kính cha già một con cá mú tươi xanh vừa đánh bắt được. Bà Bọ vui mừng nấu cho hai cha già món cá hấp, có mộc nhĩ, miến tàu và hành hương, gia vị đúng điệu. Tới giờ cơm trưa, bà đã dọn xong, nhưng hai cha già đang “chiến đấu” bất phân thắng bại, quên cả đói. Bà Bọ vừa phe phẩy chiếc quạt đuổi ruồi vừa chép miệng tiếc rẽ vì con cá hấp đã lạnh tanh mất rồi !

Bẵng một hồi, bà Bọ cảm thấy lâu lắm, cha già bị chiếu bí ván cuối, vô phương cứu chữa, bèn tuyên bố đầu hàng, rồi uể oải đứng lên mời cha bạn vào bàn. Đúng là hôm nay cha già không “cao thủ” lắm, nhưng để tự an ủi, cha già nói cùng cha bạn:”Tuần sau “mình” phải hạ “ung” mới được.

 

Tuy nói thế, nhưng cha già cũng không hoan hỉ lắm để đến nỗi quên bẵng, hoặc cố tình quên hai chai bia con cọp (Bierre La Rue) mà cha già rất ưa dùng và đãi khách quý, nhất là những khi có món đặc biệt như hôm nay.

Thời gian thắm thoát trôi nhanh, mãi hai mươi năm sau tôi mới gặp lại cha già kính yêu, người đã in vào tuổi thơ của tôi những ký ức, những cảm nghiệm đạo đức không phai nhoà. Một người cha mà khi còn nhỏ, tôi vừa kính vừa sợ, thì khi gặp lại ngài, sức khoẻ đã tàn tạ, tôi nắm lấy bàn tay thô ráp của ngài mà ứa nước mắt thương mến. Cả một trời kỷ niệm tuổi thơ hiện về làm tôi bồi hồi như chính mình vẫn là cậu bé giúp lễ nhỏ bé của ngài ngày xưa. Có lẽ ngài cũng sống lại quá khứ đó, khi ngài thành thật thổ lộ :”Cha vẫn cứ ngỡ con còn bé như ngày xưa”. Lúc đó tôi đã ngoài ba mươi.

Có lẽ cũng đã ba mươi năm cha già được Chúa gọi về. Tôi viết lại những mẫu chuyện vui vui của cha già, để thấy ngài gần gũi, thân thương, sống động mỗi khi nhớ đến ngài trong niềm tri ân và trong lời cầu nguyện.

 

N.V.Độ 61