Hồi Ký của cha Đắc Lộ (Trần Thế Miên sb63)

Hồi Ký của cha Đắc Lộ

(trích đoạn)

Voyages et Missions du Père Alexandre de Rhodes ” hồi ký viết về các công việc truyền giáo của ngài và các giáo sĩ Tây Phương trong các giai đoạn phôi thai của các thời kỳ sơ khai của lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam . Trích chương 16 do Trần Thế Miên 63 dịch.

Cha Đắc Lộ ( Father = Père Alexandre de Rhodes ) sinh tại tỉnh Avignon , nước Pháp . Ngài gia nhập Dòng Tên năm ngài được 18 tuổi và rất ước ao đi truyền giáo ở Nhật Bản. Sau những năm học tập, ngài được thụ phong Linh Mục tại Rôma năm 1618. Các Bề Trên của ngài đã chấp thuận cho ngài đi truyền giáo như ngài mong muốn.

Trước khi lên đường, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô V ( Đệ Ngũ ) ban phép lành đặc biệt và ban nhiều ơn rộng để Cha làm việc cho có kết quả mỹ mãn nơi truyền giáo .  Rời Rôma trong tháng 10 năm 1618, ngài đi viếng thăm nhà thánh Đức Mẹ tại Loretto, nước Ý để xin Đức Mẹ chúc phúc cho các công việc truyền giáo vất vả nơi đất Nhật Bản đang trong thời kỳ cấm đạo rất gắt gao.

Tháng Tư năm 1619, Cha Đắc Lộ rời Lisbon, thủ đô nước Bồ Đào Nha cùng với hai Linh Mục bạn và họ đã lên đoàn tàu 3 chiếc trực chỉ đi tới Ấn Độ. Đoàn tàu rời bến được it ngày thì bị gặp cơn bão tố hãi hùng đến nỗi phải quay trở lại bến. Lợi dụng những lúc rảnh rỗi, ngài mở lớp giáo lý, biến con tàu thành tu viện nổi trên mặt nước, ngăn chặn các sự cãi cọ và các lời thô lỗ tục tằn, giúp đỡ và ban các phép Bí Tích cho các người trên tàu.

Sau ba tháng rưỡi lênh đênh trên biển và vất vả với sóng gió, cuối cùng đoàn tàu đã tới đất Ấn Độ. Tại đây ngài bị bệnh, ốm đau nặng nên phải ở lại thành Goa hai năm rưỡi trong nhà Dòng của ngài …  Tháng 5 năm 1623, ngài tới Macao ( phía nam Trung Hoa, gần với Hương Cảng  Hong Kong ).  Tính từ ngày ngài khởi hành rời Lisbon cho đến lúc bấy giờ là 4 năm trời …. Ngài lưu ngụ ở Macao một năm để học tiếng Nhật với mục đích sẽ sang truyền giáo ở Nhật theo như ý định từ ban đầu. Nhưng Thiên Chúa đã thay đổi chương trình và đã đưa ngài sang xây dựng cánh đồng truyền giáo Việt Nam như sẽ được tường thuật trong cuốn hồi ký của ngài, nhan đề : “Divers”.

Lời Tựa ( của Cha Đắc Lộ ):  Thiên Chúa đã thay đổi mục đích nguyên thủy của tôi thật nhiều, một mục đích đã hối thúc tôi vội vã rời Âu Châu để đi Nhật Bản, và đã truyền bảo tôi phải làm việc năm bảy năm trong hai vương quốc kế cận Trung Hoa ( Bắc Hà và Nam Hà của Việt Nam )  mà ở đó Ngài đã thiết lập hai Giáo Hội khai hoa như bất cứ những quốc gia thân hữu nào của chúng ta đã từng nhìn thấy chúng trong các tân thế giới nầy, và là những nơi mà các vĩ nhân đã làm việc một cách thật hăng say. Tôi sẽ nói một cách  vắn gọn trong phần thứ hai nầy về những điều mà Thiên Chúa đã ban ơn cho tôi được xem thấy trong các vương quốc nầy mà hết cả tâm hồn tôi gởi trọn vẹn nơi họ. Tôi hằng mong mỏi suốt ngày đêm được trở lại một lần nữa để nhìn xem các đoàn Kitô hữu tốt lành mà tôi đã để lại ở các nơi đó,  họ là những người đã có lòng thiện hảo nhớ đến tôi bằng các dấu tỏ thân tình mà tôi thật không xứng đáng nhận lãnh, và tôi vẫn hằng mong được đối đáp lại với họ như vậy thật nhiều chừng nào mà tôi có thể làm được.

***  CHƯƠNG 16  :

VƯƠNG QUỐC NAM HÀ ( ĐÀNG TRONG ) NGÀY NAY  .

Hằng năm mươi năm ròng rã miền Nam Hà đã trở thành một vương quốc biệt lập khỏi Bắc Hà mà xưa kia nó đã là một tỉnh của Bắc Hà trong bảy năm . Người đầu tiên lật đổ ách thống trị ấy là ông nội của người đang cầm quyền cai trị. Ông đã là Tổng Đốc của Thuận Hóa do vua Bắc Hà sai phái vào, và ông là em rể của vua Bắc Hà . Sau khi sống ở đó một thời gian,  ông nghĩ rằng tước vị Đức Vua lớn hơn tước vị Tổng Đốc, và cái hàm vị , cái phẩm trật là Đức vua, Vương chúa thì cao hơn một công hầu .

Ông khởi binh chống lại hoàng vương của ông và tự phong cho mình là vương chủ của vương quốc Nam Hà. Sau đó ông giữ vững sự cai trị, điều hành vương quốc của mình bằng quân lực và vũ lực, và đã để lại cho các con cái của ông một tài sản, một cơ nghiệp từng làm cho họ đôi khi phải tranh chấp, cãi cọ, xung đột nhau. Người Bắc Hà rất bực mình với họ vì những cuộc tấn công thường xuyên của họ. Và đến hiện thời không thấy có một dấu hiệu nào cho thấy vương quyền của Bắc Hà có thể được khôi phục. ……  Nam Hà là một vùng nhiệt đới phía nam Trung Hoa, nằm giữa vĩ tuyến thứ mười hai và mười tám. Tôi ước lượng chiều dài của nó khoảng chừng 100 ngàn bộ ( trượng ), nhưng bề rộng, chiều ngang của nó lại it hơn nhiều. Nó có biển Trung Hoa ( Nam Hải ) ở bờ phía đông; bên phía tây có vương quốc Ai Lao, phía nam có vương quốc Chàm và phía bắc thì có Bắc Hà. Nó được chia thành sáu tỉnh, mỗi tỉnh có một tuần phủ ( tổng trấn ) riêng và cơ chế luật lệ riêng. Thành phố nơi đức vua cư ngụ có tên là Huế.

Triều đình của ông rất lớn và số các vị chúa, các vị công thần rất nhiều. Họ lộng lẫy trong các y phục của họ, nhưng các dinh thự của họ thiếu sự tráng lệ bởi vì chúng đã chỉ được xây dựng bằng gỗ. Tuy nhiên chúng cũng hẳn là thoải mái và khá xinh đẹp nhờ những cây cột chống đỡ được chạm trổ rất công phu và tỉ mỉ …

Số dân chúng rất nhiều và đông đúc. Tâm tính tự nhiên của họ rất dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng họ cũng là những chiến sĩ tài ba . Họ tôn kính đức vua một cách diệu vợi, lúc nào ông cũng duy trì, bảo toàn 150 chiến thuyền mà ông giữ trong ba hải cảng khác nhau. Các người Hòa Lan ( Hà Lan ) đã bị đau đớn, nhức nhối biết bao nhiêu khi các chiến thuyền của An Nam đã thành công trong việc tấn công các chiếc tầu to lớn chắc chắn của họ mà họ cho rằng những chiếc tầu đó là những đại sư pháo thủ của họ trên biển cả …..

Các tín ngưỡng và tôn – giáo của người Nam Hà cũng giống như của người Trung Hoa, và vào một thời cũng đã trở thành đồng liêu hòa hợp với tôn giáo và tín ngưỡng của người Bắc Hà. Họ có những luật lệ như nhau và các tập tục giống như nhau cách thực sự. Họ có các vị tiến sĩ, cácvị y sĩ như người Trung Hoa, và các quan lại có uy quyền lớn lao trong các tầng lớp dân chúng, nhưng tôi nhận thấy họ it kiêu ngạo và it phách lối hơn các người Trung Hoa, dễ dạy bảo, dễ khuyên bảo hơn và là những chiến sĩ tài ba, giỏi giang hơn ………

Vương Quốc Nam Hà ( Đàng Trong ) Ngày Nay  : …. Họ rất giàu có, phú túc vì đất đai rất mầu mỡ. Hai mươi bốn dòng sông xinh đẹp tắm nước nó, làm nước lưu chuyển một cách thoải mái thật tuyệt vời, làm cho nền thương mại và sự giao thông trở nên dễ dàng hơn. Những dòng sông nầy thường chảy tràn ngập hàng năm trong các tháng Mười Một và Mười Hai, và thỉnh thoảng chảy tràn trong cả ba tháng, tăng chất béo bổ cho đất đai và làm cho nó thêm mầu mỡ. Vào thời gian ấy, miền quê chỉ có thể di chuyển bằng ghe thuyền mà thôi. Nhà cửa của họ được xây cất một cách hữu lý và thận trọng, trống trải ở bên dưới để nước có thể chảy ngang qua, và vì lý do nầy chúng đã luôn luôn được xây dựng trên các cây cột to lớn … Ở Nam Hà có các mỏ vàng, thật nhiều tiêu ớt đến nỗi người Trung Hoa đã phải tìm đến đó vì chúng, nhiều tơ lụa thường được dùng ngay cả vào việc làm lưới đánh cá và làm các đường viền trên các chiến thuyền. Họ có rất nhiều đường cát ngọt đến nỗi không bao giờ bán quá hai đồng xu một cân .

Họ gởi nó thật nhiều sang bán bên Nhật Bản, và dẫu rằng nó rất thơm ngon, nhưng tôi lại thấy rằng họ không biết cách làm thế nào để luyện lọc cho nó tốt và nhuyễn mịn hơn như chúng ta thường làm. Mía ở đó rất ngọt và thường được dân chúng ăn như là chúng ta ăn táo tây. Thật sự, nó không có giá cả, tốn kém tiền bạc gì …. Quả thực, đất đai nơi đây không sinh lúa mì, rượu hoặc dầu, nhưng không phải vì thế mà người ta nghĩ rằng cuộc sống ở đó bị khó khăn. Họ có những thứ mà chúng ta không có, làm cho sự an sinh của họ cũng tốt đẹp như ở Âu Châu. Thật sự, họ không dùng nhiều loại nước xốt ( sauce ) như chúng ta. Họ dùng các thứ ấy cách lành mạnh, khôn khéo hơn và tránh được nhiều bệnh hoạn mà chúng ta đã mắc phải.

Trong tất cả mọi quốc gia, mọi xứ sở trên thế giới thì chỉ ở Nam Hà mới có loại cây danh tiếng mọc gọi là Calambac ( aloe-wood : cây kỳ hương, gỗ già la ) mà thân và gỗ của nó rất thơm và được dùng vào trong rất nhiều loại y dược. Có ba loại kỳ hương, trầm hương. Loại có giá trị nhất được gọi là Calaba, mùi thơm của nó thật tuyệt vời; nó được dùng để kích thích tim và để chống lại tất cả các loại chất độc. Ngay cả trong xứ sở ấy, nó cũng đáng giá cân vàng. Hai loại kia là Aquilla và loại trầm hương thường (trong thuốc Bắc và Nam có ba loại : – giáng hương = hoắc hương, mộc hương và trầm hương ), chúng không mạnh bằng loại đầu, nhưng vẫn sinh những kết quả rất tốt …. Lại cũng chỉ ở Nam Hà mới có mấy loại tổ chim của những chim nhỏ nào đó được tìm kiếm để bỏ vào cháo, xúp  và các món thịt, ăn thật rất ngon; đó là một món tao nhã dành cho các vua chúa vĩ đại.

Trắng như tuyết, chúng được tìm thấy trong các khe đá gần biển, ở trên cao đối diện với những cánh đồng có các cây kỳ hương, trầm hương mọc, và không có tổ nào tìm thấy ngoài khu vực đó. Điều ấy đã khiến tôi tin rằng các chim làm những tổ đó đã đến hút những cây ấy và với chất sáp nầy chúng làm tổ của chúng và có lẽ đã được hòa trộn với bọt biển, thật trắng và thật ngon ngọt khi được nấu chung với cá hay thịt, chứ không nấu riêng nó một mình đơn lẻ ( ý của ngài muốn nói đến các tổ chim yến sào của miền Quy Nhơn, Bình Định và Khánh Hòa. – Miền Bình Định trồng nhiều cây kỳ hương) ….

Xứ sở nầy có nhiều cây mang những túi to lớn đầy hạt ( quả mít ), chỉ một trái mà thôi là cả một đống to lớn cho một người, và sự quan phòng của Thiên Chúa đã không định cho chúng mọc ở trên các cành không thể mang đỡ được chúng  nhưng chúng lại đâm trồi ra từ thân cây. Túi của trái có da bọc bên ngoài rất dày và phải được cắt xẻ ra, và ở bên trong thỉnh thoảng tìm thấy được 500 hạt to lớn hơn các hạt giẻ ( = dẻ ) của chúng ta rất nhiều; nhưng phần ngon nhất là lớp thịt bọc bên ngoài của cái hột, trắng và ngon ngọt và phải được bóc ra trước khi đem luộc cái hột …. Dứa thơm ( trái khóm ), rất được tán thưởng ở Pháp quốc, có rất nhiều và rất thường ở đây. Các trái nầy to lớn hơn các trái dứa thơm ở nước nhà chúng ta ……………

Trần Thế Miên chuyển ngữ