Phép lạ của thế kỷ 21 (Lê Hồng Bảo sb72)

Tản mạn

PHÉP LẠ CỦA THẾ KỶ 21

__________________________

Cổ nhân có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” (người ta coi miếng ăn bằng trời). Thực vậy, con người không thể sống mà không ăn. Mỗi phút sống của con người đều cần năng lượng cho dù là lao động cật lực hay nằm ngủ khì. Cần phải nạp năng lượng để bù vào khoảng tiêu hao để tiếp tục sinh tồn. Đó là lẽ tự nhiên! Cũng không phải vô cớ mà người ta hay nói: “Con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là con đường thông qua bao tử”. Ai đã trải qua cái đói chắc hẳn có thể cảm nghiệm được điều này. Nhớ thời bao cấp, anh bạn tôi một đêm đói quá không ngủ được, lồm cồm bò dậy làm… thơ:

– Em ơi anh nhớ em nì

Cho anh một củ khoai mì được không?

– Khoai em mới bới ngoài vồng

Thương anh thương thật, đừng hòng chia khoai

– Nhớ em anh gọi em hoài

Thương anh thì để cho vài bắp ngô

– Thương anh như nước Biển Hồ

– Muốn gì cũng được nhưng ngô thì… đừng!

– Cơm khoai rắc tí muối vừng

Thương nhau thì để cho chừng bát con

– Mẹ em mới mượn ngoài hòn

Được lưng chén gạo có còn nữa đâu!

– Thôi đành hẹn lại kiếp sau

Yêu nhau không nỡ chưởi nhau kiếp này

– Khốn thay cho cái dạ dày

Không cơm không gạo tình quay mòng mòng…

Thế mới biết cái đói chi phối con người ta đến mức nào! Cũng chả trách nhiều người luôn miệng: “Có thực mới vực được đạo”. Chúa Giêsu biết hết mọi nhu cầu của con người. Ngoài việc rao giảng Lời Hằng Sống, chữa lành bệnh tật, Người còn cho họ “ăn”. Với quyền năng của Người, mọi sơn hào hải vị chỉ là “chuyện nhỏ”! Vậy mà không, chỉ đơn giản là bánh và cá xuất phát từ bữa ăn đơn giản của một cậu bé nghèo. Nhưng, “ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”! Chúa Giêsu còn tâm lý hơn, Người hóa ra dư dả để mọi người được no nê, không phải làm khách, mặc dù Người không thích phí phạm: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi” (Ga. 6, 12). Còn mong chờ gì hơn, mơ ước gì hơn? Không, tôi đã lầm! Ham muốn của con người là không giới hạn:
– Tôi vẫn chưa được ăn tô phở bò Kobe giá 35 đô.

– Tôi vẫn chưa có Ipad, Iphone…

– Tôi vẫn chưa sắm được Innova.

– Tôi vẫn chưa lo được cho con tôi vào trường quốc tế.
– Tôi vẫn chưa sắm đủ thiết bị nội thất ưng ý cho tổ ấm của mình.
Và thế là, tôi khư khư nắm chặt tay lại, tính toán, cân nhắc… Tôi quên mất rằng tôi đang hiện diện đây chính là nhờ: “Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê.” (Tv 144, 16). Tôi quên mất rằng mọi việc Chúa làm là để nêu gương cho tôi. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15) Chính vì thế, tôi cứ bo bo giữ chặt “năm cái bánh và hai con cá” khẩu phần của mình. Và, phép lạ đã không xảy ra! Trong nạn đói năm xưa, khi tiên tri Êlia đến với bà góa thành Sarepta, nếu bà góa ấy không mạnh dạn trút hũ bột và lọ dầu ra thì chắc hẳn phép lạ cũng đã không xảy ra. Hũ bột và lọ dầu ấy có dè xẻn lắm cũng chỉ được 2 ngày cho hai mẹ con. Giữa thế kỷ 21 này, có lẽ chẳng còn mấy ai tin vào phép lạ, đó cũng chính là nguyên do để phép lạ… không xảy ra! Tôi vẫn nghe đâu đó những câu đại loại như:
– Vụ tai biến vừa rồi, không có tiền là tôi chết rồi!

– Thằng con tôi gây tai nạn giao thông, không có tiền là “ba bó” như chơi!

– Vợ tôi sinh khó, không có tiền là coi như tiêu.

– Con gái tôi bị bệnh mắt bẩm sinh, không có tiền thì chắc giờ này đui luôn rồi.

Không nghe ai nói: “Không có Chúa thì tôi chết rồi!” À, có. Nhưng chỉ nói nhỏ thôi vì những người nói câu này đều nghèo, không dám nói lớn, sợ nói lớn không ai nghe! Tôi đã chứng kiến chị “nói nhỏ” bị bác sĩ chê, chỉ uống dăm ba thứ lá thuốc vớ vẩn đã khỏe mạnh lại cả chục năm nay. Tôi cũng chứng kiến anh “nói lớn” qua tận Singapore điều trị hóa chất 5-7 đợt chỉ sống thêm được mấy tháng. Phép lạ vẫn hiển nhiên đó nhưng chỉ vì tôi còn đóng chặt cửa tâm hồn nên không nhận thấy.

Hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ người đang đói. Vậy mà, trên nhiều bàn tiệc bia bọt vẫn chảy tràn lan. Trong nhiều cuộc liên hoan, người ta đùa giỡn bằng cách ném bánh kem, trái cây, sôcôla vào nhau… “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi” (Ga. 6, 12), lời Chúa phán hóa nên lạc lõng!

Để biết sống yêu thương và chia sẻ quả thật không dễ! Trước tiên, tôi phải biết đồng cảm với người anh em. Vui với niềm vui của anh em, buồn với nỗi buồn của anh em, lo với nỗi lo của anh em, đói với cái đói của anh em… Tôi may mắn có một người thầy nay là mục tử của một giáo phận ngoài Bắc. Thuở hàn vi, thầy trò cùng làm ruộng sinh sống ở một vùng cao, việc lấy nước vào ruộng rất khó khăn. Chúng tôi thường phải chia thêm phiên nước đêm vì nước lấy ban ngày không đủ. Do đó, thường nảy sinh việc tháo nước trộm. Nhiều hôm, vất vả đi ngược mương cả hai, ba cây số dẫn nước về, chưa đến ruộng mình đã thấy người khác mở “trổ” cho chảy vào ruộng của họ. Tôi rất bực mình đối với hạng người này. Một hôm, “ông thầy” hỏi tôi: “Cậu nghĩ sao khi một người đã từng nói với cậu “Tôi thà chịu đói chớ không tháo nước trộm”, một hôm lại bị người ta đập vì tội tháo nước trộm?” Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời sao, “ông thầy” tiếp tục: “Có thể khi anh ta nói câu đó là hết sức thật lòng. Nhưng lúc bấy giờ anh chưa đối diện với thực trạng vợ anh đang sốt mê man, con anh chỉ húp cháo loãng cầm hơi, miếng ruộng lại vênh bánh tráng vì khô hạn…” “Ông thầy” đã dạy cho tôi bài học cảm thông thay cho bài học xét đoán. Tôi tin rằng hiện nay, ông đang lo lắng cho đàn chiên của mình bằng tình yêu xuất phát từ một niềm cảm thông thật sự.
Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã thông cảm với những đói khát rất con người của chúng con. Chúa đã thương ban cho chúng con những gì cần thiết để trở nên giống Chúa. Chúa đã cho nhiều người còn đói khát, thiếu thốn để tạo cơ hội cho chúng con bắt chước Chúa mở rộng bàn tay. Xin cho chúng con biết hy sinh những chiếc bánh, con cá riêng tư để phép lạ Chúa được diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Đó chính là cách thế để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và Ý Cha thể hiện”. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo