Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy (Nguyễn Đức Khang sb63)

 Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy 

 

“Hãy đi, và hãy làm như vậy” (Lc 10:37)

 

Ngoài dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, thường được gọi là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng (Lc 15:11-32 ) nổi tiếng, thánh sử Luca còn ghi lại cho chúng ta một thuật trình tuyệt vời khác, được gọi là dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu (Lc 10:25-37).

Chủ đề “nhân hậu” đã được khai thác khá nhiều qua dụ ngôn này, và vì bài đọc đã quá quen thuộc, nên người đọc dễ dàng tưởng mình đã hiểu rõ ý nghĩa của thuật trình.

Nhưng nếu nhẩn nha đọc kỹ, đào sâu các chi tiết, nhất là các chi tiết kỹ thuật về ngôn ngữ trong nguyên bản Hy Lạp, hay Latinh, hoặc chịu khó đọc giữa hai hàng chữ, không khéo chúng ta có thể khám phá ra nhiều chi tiết thú vị khác, trước giờ chưa “ngộ” ra. Thậm chí, biết đâu chúng ta lại có thể hiểu dụ ngôn này dưới một khía cạnh hoàn toàn mới.

Với mục đích ấy trong đầu, chúng ta có thể đặt tên cho vài hàng này là những tản mạn về mấy chữ “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” – Πορεύου καὶ σὺ ποίει ὁμοίως. – Vade, et tu fac similiter.” ( Lc 10:37)  trong dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu.

Trong ngữ cảnh với đoạn trước …

Trước hết chúng ta hãy đặt thuật trình này vào trong ngữ cảnh.

Thuật trình này được ghi lại sau lời kinh Chúa Giêsu cảm tạ Thiên Chúa Cha vì đã “che dấu những điều ấy” khỏi “những người thông thái và khôn ngoan” (Lc 10:21).

Sau đó một người “thông thạo luật” đến để “thử thách Chúa – tentans illum – κπειρζων ατν”.

Người thông thạo luật ấy có nhìn ra được “những điều ấy”, hay bị “che giấu”?

Ngay trước khi người thông thạo luật đến, Chúa Giêsu đã khen các môn đệ vì đã “thấy” được điều họ thấy và “nghe” được điều họ đã nghe. Trong dụ ngôn, những nhà lãnh đạo tôn giáo và người Samaritanô đã “thấy” được nạn nhân trên đường (c. 31: “trông thấy nạn nhân” , c. 32: “cũng thấy”, c. 33: “cũng thấy”). Nhưng ai trong ba người ấy mới thực sự “thấy” nạn nhân?

Như thế, chỉ cần đặt hai đoạn văn trong ngữ cảnh đoạn trước đoạn sau, chúng ta có thể làm nổi bật ý nghĩa tương phản của động từ “thấy”: Quả có “nhìn” mà không “thấy”. Hoặc có “thấy”, lại cũng chẳng “thấy” như nhau. Hay có “thấy” mà lại không “thấy ra“.

…với đoạn sau

Đoạn tiếp sau thuật trình ghi lại những gì xảy ra trong nhà hai chị em Martha và Maria (Lc 10:38-42).

Có một tương phản rõ rệt giữa hai thuật trình. Nhà thông thạo luật hỏi: “Tôi phải làm gì?” (c. 25) Và ông được Chúa Giêsu trả lời hai lần: “Hãy làm như vậy!”. Cả hai câu 28 và 37 đều dùng động từ ποίει = làm, ở thì hiện tại.

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hành động “làm” như thế, khiến chúng ta nghĩ đến sự tất bật – lẽ ra phải được khen thưởng – của Martha. Nhộn nhịp việc phục vụ bàn ăn, giúp đỡ người khác (hai từ “διακονίανcông việc” và “διακονέωlàm việc” dùng trong câu 40).

Nhưng từ hai thuật trình chúng ta gặp hai kết quả khác biệt: Người Samaritanô lo toan chăm sóc nạn nhân được khen tụng. Còn Maria lại được nêu gương vì … không làm gì cả. Một người nên gương biểu lộ tình yêu dành cho nạn nhân, còn một người nên gương biểu lộ tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Câu hỏi đầu tiên – và câu trả lời của Chúa Giêsu

Bây giờ chúng ta đi ngay vào bản văn với câu hỏi đầu tiên của nhân vật khai mào câu chuyện, nhà thông luật .

Thánh Luca dùng một danh từ chuyên môn để gọi nhân vậy này: νομικοὶ (nomikos) – legisperitus. Danh từ Latinh này ghép bởi hai từ “lex, legis – lề luật”, và tính từ “peritus, a, umthông thạo, rành rẽ, chuyên) để chỉ một người học chuyên về luật, thông thạo về luật. Tên gọi này khác biệt với ký lục “γραμματεύς – scriba”, có nghĩa là thư ký, người ghi chép, còn được gọi là các tiến sĩ luật, cũng là những người thông thái về Luật Do thái.

Trong Tân Ước, có tất cả chín lần nhắc đến nhà thông luật, mà sáu lần nhắc là do ngòi viết của Thánh Luca. Trước khi được nhắc đến ở đây, nhà thông luật đã được nhắc đến ở câu 7:30: “Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông (Gioan Tẩy giả).”

Như thế hình ảnh về nhà thông luật không được sáng sủa cho lắm trong câu này, cả ở các nơi khác trong sách Tin Mừng Luca (11:45, 46, 52; 14:3).

Vì thế chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên khi bỗng dưng nhà thông luật tới hỏi Chúa Giêsu. Ông có đến, hẳn là để “kiếm chuyện”, chứ không phải để học hỏi hay lắng nghe Chúa giảng. Quả vậy, ông ta đến để “thử thách Chúa – tentans illum – ἐκπειράζων αὐτὸν” (Lc 10:25).

À há! “thử thách Chúa” ? Mấy chữ này nghe “quen quen” !

Đúng vậy, động từ “thử thách” đã được Chúa dùng để đáp trả việc ma quỷ thử thách Chúa: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4:12) .

Nhà thông luật làm gì để thử thách Chúa ?

Ông hỏi Chúa về việc thừa kế sự sống vĩnh cửu : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” ( Lc 10:25).

Có một điều gì đó vô lý trong câu hỏi. Nếu suy nghĩ cho thấu đáo, chuyện được thừa kế của cải đâu có phải vì làm một công việc gì? Chẳng lẽ chúng ta lại suy nghĩ tìm tòi phải làm một công việc gì để được thừa hưởng gia sản của một phú hộ nào đó? Chuyện được thừa kế là do người cho, chứ không do người nhận!

Câu hỏi đã lạ, câu trả lời của Chúa lại còn lạ hơn. Ngài trả lời bằng hai câu hỏi liên tiếp nhau: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” [1]

Không có gì khó hiểu trong câu hỏi đầu tiên: “Trong luật đã viết gì?”.

Nhưng câu hỏi thứ hai có hai nghĩa khác nhau rõ rệt, tuỳ vào cách giải thích: “Ông đọc thế nào?”

Từ gốc Hy lạp “ἀναγινώσκεις – anaginosko”  có nghĩa là “đọc lên to tiếng trước công chúng”, “công bố cho người khác nghe”. Như khi Chúa Giêsu đọc sách Luật to tiếng cho cả hội đường ở Nagiaréth nghe (Lc 4:16).

Câu này còn có nghĩa “Ông đọc nó thế nào?” hay “Ông hiểu nó như thế nào?”. Thậm chí chúng ta phải hiểu ra hàm ý: “Ông cắt nghĩa nó cho người khác như thế nào?”

Nhà thông luật trả lời Chúa Giêsu bằng cách lập lại câu Đệ nhị Luật 6:5. Đây là một câu mọi người Do thái ngoan đạo mỗi ngày phải nhắc lại hai lần: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.

Chi tiết đáng chú ý là câu Đệ nhị luật chỉ là: “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết dạ, hết sức ngươi.” (Đnl 6:5). Nhưng ông đã thêm: “và hết trí khôn ngươi.” Ông lại còn thêm vào một câu trích từ sách Lêvi 19:18, khuyên yêu người thân cận như yêu chính mình: “Và yêu mến người thân cận như chính mình.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, trong thời Tân Ước, hai câu này được ghép chung thành một. Phải kể đây là một điểm độc đáo của nhà thông luật này.

Ghép hai câu luật vào với nhau như thế khiến chúng ta nhớ đến các đoạn Tin Mừng nói về Lề Luật quan trọng nhất ở Mc 12:28-34 và Mt 22:34-40. Trong đoạn Tin Mừng Matthêu này, cũng lại là một nhà thông luật (νομικοὶ – legisperitus)  lên tiếng hỏi về lề luật quan trọng nhất.

Trước tiên Chúa Giêsu đáp lời bằng một câu khen rất … chính thống (orthodox!): “Ông trả lời đúng lắm.-  Ὀρθῶς ἀπεκρίθης!” [2]

Nhà thông luật biết đúng câu trả lời. Nghĩa là ông đã “đọc” sách Luật cách đúng đắn.

Nhưng rồi Chúa Giêsu tiếp thêm một câu …không chính thống chút nào: “Cứ làm như vậy là sẽ được sống τοῦτο ποίει καὶ ζήσῃ.” [3]

Nếu quả vậy, hàm nghĩa rằng người ta cứ “làm – thi hành- ” lề luật như vậy – yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận – sẽ thừa kế được sự sống vĩnh cửu? Như vậy, chẳng lẽ việc làm – như Martha đã từng tất bật ở đoạn trước đó – cũng quan trọng sao?

Câu hỏi thứ hai

Xem chừng nhà thông luật đồng ý với câu trả lời của Chúa Giêsu, rằng, công việc làm cũng cần thiết để được “thừa kế sự sống đời đời”, chứ không chỉ là “đọc luật” , “công bố luật”, “hiểu đúng luật” và “dạy người ta đúng về luật,” là xong.

Nên ông “muốn chứng minh mình có lý” bằng cách hỏi tiếp câu thứ hai: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10:29)

Chúng ta có thể khai triển câu hỏi trên như sau: “Tôi muốn yêu người thân cận của tôi lắm chứ, Nhưng không muốn dây mình với người không đúng là thân cận với tôi.” Hỏi như thế có nghĩa: Đâu là tiêu chuẩn để nhận ra người thân cận của tôi? Ai là người tôi phải giúp? Và ai là người tôi không cần giúp?

Trong thuật trình được các nhà chú giải gọi là Bài Giảng Ở Đồng Bằng (Lc 6:20-49), Chúa Giêsu đã xoá tan ranh giới giữa bạn và thù. Nhưng ở đây nhà thông luật muốn xác định ranh giới bạn-thù ấy trở lại: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?“.

Có lẽ ông không muốn biết rõ ai là người tôi phải bày tỏ, dành tình thương cho.

Hay đúng hơn, ông muốn xác định ai là người ông không cần phải bày tỏ tình thương !

Chúng ta sẽ thấy sau này, ngã ngũ câu chuyện, Chúa Giêsu đã thay đổi mục tiêu của câu hỏi. Phần trả lời của Ngài, qua câu chuyện, rõ ràng muốn nói: tình yêu dành cho người thân cận không có giới hạn.

Nói cách khác, câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Hãy nghĩ đến người lâm nạn. Hãy đặt mình trong tình trạng của nạn nhân đang cần đến đến sự giúp đỡ của ông. Khi đó ông sẽ biết rằng tình thương không hề có giới hạn.”

Nếu chỉ thoạt nghĩ đến như thế, chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra một khiếm khuyết của nhà thông luật. Ông chỉ nghĩ đến chính mình. Ông muốn phải làm sao để nổi nang về phương diện đạo đức. Thái độ hàm ngụ này đi ngược với lối hành xử của người Samaritanô trong câu chuyện.

Ai xa ai gần?

Một chi tiết cần lưu tâm, khiến cho độc giả Việt Nam khi đọc dụ ngôn này nắm được điều vị trong từ ngữ Chúa Giêsu sử dụng để kể chuyện. Nhà thông luật hỏi: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?“. [4]

Chúng ta tạm chuyển dịch câu hỏi thành: “Nhưng ai là người lân cận của tôi?” để ngụ ý được rộng nghĩa, hầu thêm phần thú vị, và để chúng ta nhận ra được cái tinh tế của Chúa Giêsu khi ngài dùng hai động từ kế tiếp.

Khi nhìn thấy nạn nhân bên vệ đường, nguyên bản Hy lạp mô tả cách tránh né của hai vị đầu tiên, thầy Tư tế và thầy Lêvi, bằng một động từ: “ἀντιπαρῆλθεν – antiparelthen”. [5]

Bản Vulgata Latinh dùng hai động từ riêng biệt, cho hai người khác nhau.

Câu miêu tả thầy tư tế: “sacerdos  et viso illo praeterivit.- Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.” [6]

Còn thầy Levi: “et videret eum, pertransiit.- cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.” [7]

Nghĩa là cả hai vị cùng đi đến, cùng trông thấy, cùng xem xét kỹ lưỡng nạn nhân. Sau đó, thầy tư tế tránh xa hơn, sang tận phía bên kia đường, càng xa càng tốt, như “không muốn dây mình với hủi”. Còn thầy Lêvi chỉ lách sang một bên, để kiếm đủ chỗ mà đi.[8]

Bản văn không hề miêu tả một xúc cảm nào của hai đấng vị vọng trong dân này ! Họ dửng dưng như gặp một cục đá to nằm ngáng bên vệ đường. Xem xét xong, rồi né sang bên mà đi [9].

Ngược lại, người Samaritanô thì sao?  “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.”( Lc 10:33)

Lối miêu tả trong bản Vulgata linh động hơn: “Samaritanus autem quidam iter faciens, venit secus eum: et videns eum, misericordia motus est”. Chúng ta thử dịch lại cho sát nghĩa để thấy ra được những chi tiết lý thú trong biệt tài kể chuyện của Chúa Giêsu.

Một người Samaritanô nào đó (quidam)”-  Ông không có tên, cũng chẳng được nêu rõ địa vị trong xã hội. Nghĩa là một người bình thường, rất bình thường-  “iter faciens – cũng đi đường” , “venit secus eum – đi đến bên cạnh nạn nhân” – không tránh sang bên, cũng chẳng tránh xa sang bên kia đường, mà đi đến bên cạnh -, “et  videns eum – nom thấy ông ta”, “misericordia motus est – mủi lòng thương.”

Ôi chao ôi, thật “đáng đồng tiền bát gạo” dòng chữ “misericordia motus est – mủi lòng thương” ở đây.

Ai là thân cận của ai ?

Thông thường chúng ta rút ra từ câu chuyện này kết luận là chúng ta phải hành xử như người Samaritanô, chứ đừng bắt chước hai vị kia.

Ai ai cũng đều rõ nằm lòng mọi chuyện xảy ra sau đó như thế nào: Người Samaritanô săn sóc băng bó cho nạn nhân, nhường chỗ ngồi của mình trên lưng lừa cho nạn nhân, đi bộ theo sau, đưa vào quán trọ và dặn dò chủ quán mọi điều cần thiết, lại không quên đưa trước một ít chi phí cho việc săn sóc y tế.

Như thế, câu trả lời cho câu hỏi “Nhưng ai là người lân cận của tôi?” hẳn phải là người thứ ba này. Chỉ ông ta mới đến lân cận với nạn nhân

Nhưng Chúa Giêsu lại dành cho chúng ta một ngạc nhiên nữa.

Nhà thông luật, đặt mình làm trung tâm quy chiếu, hỏi Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người lân cận của tôi?” Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi, tráo đổi vị trí quy chiếu: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10:36)

Không còn phải là ai xứng đáng làm người thân cận với tôi, mà tôi phải cố gắng để xứng đáng làm người thân cận với những ai cần đến lòng thương xót .

Một chuỗi những động từ người Samaritanô dành cho nạn nhân, đáng nêu lên để làm gương: đến gần xem xét người khác, chăm sóc họ, tỏ lòng thương xót họ, thậm chí, nếu cần, nhờ đến người khác chăm sóc cho họ nữa.

Chính nhà thông luật cũng đồng ý người Samaritanô đã “bày tỏ lòng thương xót – poieo to eleo”.

Nghĩa là không chỉ biết rõ luật đã ghi như thế nào,  và được đọc lên như thế nào. Mà phải làm, phải thi hành điều luật dạy như thế nào.

Có một chi tiết chúng ta cần lưu tâm: nạn nhân trong câu chuyện, không có màu da, không có căn cước, không rõ quốc tịch: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêri-hô [10], dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Lc 10:30).  Đã thế bọn cướp lại trấn lột ông, “lột sạch” nghĩa là không còn cả đến áo quần, lại còn đánh ông nhừ tử, thừa sống thiếu chết. Thế thì, chỉ nhìn vào cái “đống bầy nhầy”  nằm bên đường, không ai có thể biết nạn nhân là người nước nào, thuộc tôn giáo nào ! Chẳng thể nói ông ta là người Do thái hay người Samaritanô.

Vậy, nhà thông luật, cũng như người Samaritanô tốt bụng, chẳng thể nào biết nạn nhân là người thân cận của mình hay không? Trong tình huống như thế, chính nạn nhân mới cần đến một người thân cận để giúp đỡ mình. Ai là người đáp lời? Ai là người đến cứu giúp ông ?

Mà người Samaritanô cũng chẳng giúp đỡ nạn nhân vì để “chứng minh mình có lý”, như nhà thông luật (Lc 10:29). Ông chỉ giúp đỡ nạn nhân vì “động lòng trắc ẩn – σπλαγχνίζομαι  – splagchnizomai”.

Tại sao lại là một người Samaritanô?

Bây giờ đến lúc chúng ta đặt câu hỏi này: Nhưng tại sao lại là một người Samaritanô?

Nếu Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta bài học cần phải tỏ lòng thương xót đối với những ai cần giúp đỡ, Ngài chỉ cần kể người thứ nhất rồi người thứ hai tránh sang bên để đi tiếp, còn người thứ ba dừng lại và chăm sóc nạn nhân nằm bên vệ đường, là đủ. Chuyện nêu danh phận thầy Tư tế, thầy Lêvi, và người Samaritanô là việc không cần thiết.

Nếu Chúa Giêsu muốn chế nhạo giới tư tế, Ngài chỉ cần nêu lên người thứ ba là một giáo dân thường – một người Do thái bình thường – để đối chọi với giới tư tế. Hẳn đám thính giả Do thái đủ thích thú và hả hê khi gương mẫu của họ là một người Do thái bình thường.

Nếu Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tình yêu dành cho kẻ thù ta, Ngài chỉ cần cho nạn nhân là một người … Samaritanô, còn người bộ hành thứ ba đầy lòng nhân hậu là một người … Do thái bình thường. Nếu câu chuyện được bố cục như thế, tha hồ đám thính giả Do thái tự mãn.

Trả lời và những kết luận áp dụng

Chúng ta sẽ có nhiều kết luận hay nhiều bài học khác nhau tuỳ theo cách trả lời cho câu hỏi : Tại sao lại là người Samaritanô ?

Câu trả trả lời có thể là: Chúng ta, các Kytô hữu, có thể học hỏi việc bày tỏ lòng nhân hậu từ những người không có niềm tin vào Chúa Giêsu. Thiếu gì những gương nhân hậu học được nơi các nhà thương, viện dưỡng lão, viện mồ côi, trung tâm phục hồi nhân phẩm hay cai nghiện, hơn là trong khuôn viên cộng đồng giáo xứ !

Đó là một bài học nhắm vào sự tự mãn.

Hoặc có thể Chúa Giêsu nhắm vào những đánh giá sai lầm thông thường dựa trên địa vị xã hội. Hễ cứ là Tư tế hay Lêvi, hẳn sẽ nhân hậu hơn người ! Hoặc phải xem coi nạn nhân là ai trước khi ra tay giúp đỡ.

Không, lòng nhân hậu thật sự phải tỏ ra qua việc làm cụ thể, bất kể người đó là ai.

Các chi tiết cụ thể trong thuật trình của Luca, dường như hỗ trợ cho câu trả lời này. Nạn nhân bị trấn lột đến không còn dấu chỉ nào cho biết về thân phận, về địa vị xã hội, kể cả quốc tịch anh ta.  Không chắc anh ta có phải là người Do thái hay không nữa !

Nạn nhân được cứu giúp, chỉ vì anh ta cần đến sự cứu giúp. Không hề có phân biệt loại nạn nhân.  Hơn nữa, khi cứu người, cần dùng đến hết tài lực, vật lực của mình.
Một câu trả lời khác nữa. Chọn người Samaritanô là người ra tay tỏ lòng thương xót, là để thính giả đừng đồng hóa mình với người Samaritanô ! Bằng vào lòng đố kỵ có sẵn giữa hai sắc tộc, hẳn một người Do thái sẽ chẳng hề thèm đồng hóa mình với người giàu lòng nhân hậu trong chuyện. Nếu thính giả Do thái không thích mình giống như thầy Tư tế, hay thầy Lêvi trong chuyện, hẳn họ sẽ còn một cách duy nhất là đồng hoá mình với … nạn nhân !

Nếu hiểu như thế, câu nhắn nhủ “Hãy cứ làm như vậy” của Chúa Giêsu có nghĩa là: “Hãy làm như nạn nhân!”

Scott trong cuốn “Jesus, Symbol-Maker for the Kingdom” (Nxb Fortress Press, trang 29), trình bày cách hiểu này khi kết luận như sau: “Dụ ngôn này có thể tóm gọn như sau: để vào được Nước Trời, phải chịu nẳm liệt bên vệ đường, và được kẻ đại thù của ta săn sóc giúp đỡ“.

Ông khai triển tiếp: “Ân sủng đến với những ai không còn có thể cưỡng lại được, không còn cách nào khác hơn là phải đón nhận. Để vào được thế giới các dụ ngôn, nằm liệt bên vệ đường có nghĩa là rơi vào tình trạng thấp bé nhất đến độ chỉ còn ân sủng là phương cách duy nhất. hay diễn tả cách đơn sơ ngắn gọn: Chỉ những ai cần đến ân sủng mới đón nhận được ân sủng.” (sđd, trang 31)

Chúng ta có thể còn nói mạnh hơn như sau:

Người Do thái nào quá hãnh diện vì dòng máu Do thái của mình, hoặc có tinh thần hống hách vì truyền thống quốc gia mình, sẽ không bao giờ cho phép một người xứ Samari đụng chạm đến mình, lại càng không cho họ giúp đỡ mình. Nếu muốn đi từ Galilê xuống Giuđêa , họ thà băng qua sông Giodan, sang bên vùng Pêrêa để đi, rồi lội qua sông về lại Giêricho, để tránh khỏi phải đi ngang xứ Samari.

Như thế, theo dòng suy nghĩ này, chúng ta có thể nói dụ ngôn đặt cho thính giả Do thái, và nhà thông luật, một vấn nạn: Ai trong các ông dám để cho một người Samaritanô săn sóc mình?

Nói chung, chỉ có những ai không còn gì để mất, mới để cho người Samaritanô săn sóc mình. Trong trường hợp nạn nhân trong câu chuyện này, ông rơi vào tình trạng thụ động, nghĩa là ông phải nhận sự giúp đỡ. Có muốn từ chối cũng không được!

Nói cách khác, tất cả những ai thực sự là nạn nhân, thực sự là bất hạnh, chẳng còn chọn lựa nào khác hơn là phải đành chấp nhận lòng thương xót. Người viễn khách thứ ba mang dòng máu tạp chủng đáng khinh kia trở thành công cụ mang lại ân sủng.

Đám thính giả Do thái hẳn khó mà nuốt cho trôi cái mỉa mai nầy.” (Funk ,”Parables and Presence“, Fortress Press,1982, trang 33)

Và Funk kết luận: “dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu có thể tóm gọn trong hai câu :

  • Trong Nước Thiên Chúa, lòng thương xót chỉ đến với những ai không có quyền gì để đáng hưởng nó, và cũng không thể từ khước nó khi nó đến với mình.
  • Lòng thương xót luôn luôn đến từ những người mình không ngờ và không thể ngờ”.

Còn nếu phải tóm gọn trong một câu, chúng ta có thể nói như sau: Trong nước Thiên Chúa, lòng thương xót luôn luôn là một bất ngờ.”( trang 34)

Thay lời kết

Một vài bài học chúng ta rút ra được từ dụ ngôn này.

Đầu tiên, chúng ta phải thú vị với việc Chúa Giêsu xoay chuyển trục quy chiếu. Không còn “Ai là thân cận của tôi ?” Mà phải là “Ai tỏ ra xứng đáng làm người thân cận với nạn nhân?” Nạn nhân mới là người quan trọng, và chúng ta phải cố làm sao để xứng đáng được làm người thân cận với nạn nhân. Một cái tát vào nhà-thông-luật -rốn-vũ-trụ.

Mà nạn nhân, trong câu truyện, lại là người không có căn cước, vô danh tính, không tên, không tuổi, không địa vị xã hội, không rõ màu da, càng không biết anh ta theo tôn giáo nào. Không thể biết chắc anh ta là người Do thái, cũng chẳng thể nói anh ta là người Samaria. Như thế anh ta có thể là bất cứ ai trong số hơn 7 tỉ người trên địa cầu này.

Chúng ta là những nạn nhân “nửa sống nửa chết” nằm liệt bên vệ đường, và Thiên Chúa là người Samaritanô nhân hậu – đối với ta,  Ngài vừa là kẻ thù vừa là ân nhân. Vì tội chúng ta phạm, chúng ta coi Ngài là kẻ thù. Thế mà vị “Kẻ thù” ấy lại đến chăm sóc, cứu sống chúng ta. Ngài dùng hết sức hết cách, để cứu cho chúng ta được sống lại.

Vấn đề của nhà thông luật là không thấy ra Thiên Chúa là “kẻ thù” của mình, do tội của ông. Ông không lường được mức trầm trọng của tội lỗi mình. Ông muốn chứng minh “mình có lý”. Từ dùng chỗ này (δικαιόω,v – justificare ) còn có nghĩa là “đúng đắng”, “biện minh cho mình là đúng”, là “cho mình công chính”. Và hẳn ông kiêu hãnh về điều ấy.

Ông khoẻ và mạnh, và tưởng mình có thể “làm” được việc gì đó để đủ sức “thừa hưởng sự sống vĩnh cửu”. Ông không cần đến hồng ân của Chúa. Và Chúa Giêsu nhắn với ông: “Hãy làm như vậy”  Nghĩa là hãy làm như nạn nhân: Nhận biết mình vốn chỉ là một nạn nhân thập tử nhất sinh, xuôi tay phó mặc, trông cậy vào lòng nhân hậu xót thương của kẻ khác, dẫu là kẻ thù mình. Trong thái độ hoàn toàn trao phó sinh mệnh vào tay người đến cứu giúp mình.

Nếu suy xét dụ ngôn theo khía cạnh này, chúng ta có thể mạnh miệng mà đổi tên dụ ngôn này thành dụ ngôn “Người Nạn Nhân Thập Tử Nhất Sinh” chăng ?

Phần tái bút

Trong câu chuyện được kể, có tất cả năm nhân vật. Nhiều bài giảng và nhiều bài chú giải đã đề cập đến thầy Tư tế, thầy Lê vi, người Samaritanô nhân hậu. Họ là những khuôn mặt nổi bật, những nhân vật chính, được đưa ra để làm diện và phản diện.

Phần kết luận trên đây của bài viết đã đưa ra thêm một cái nhìn mới về vai trò của người thứ tư: nạn nhân. Ông ta có thể là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của nhà thông luật: “Ai là thân cận của tôi?” – “Hãy đi và làm như vậy.  Làm như nạn nhân, chấp nhận lòng thương xót và giúp đỡ từ kẻ thù mình.”

Nhưng với riêng tôi, và riêng cho tập Dấu Chân Sao Biển này, kết luận của tôi lại nhắm đến một nhân vật thứ năm, ít được chú ý tới nhất.

Người chủ quán.

Chỉ với một số tiền bằng hai ngày lương công nhật [11], và một lời dặn, người Samaritanô được tiếng là nhân hậu kia, trao vào tay chủ quán đúng là một “của nợ”: một nạn nhân thương tích đầy mình thập tử nhất sinh, không tên không tuổi, nghĩa là không có đầy đủ lý lịch xác minh, nghĩa là có thể gây ra cho mình nhiều phiền nhiễu, nhiều vấn đề.

Có lẽ chủ quán trong câu chuyện này là người chủ quán duy nhất trên thế gian nhận khách trọ mà không cần những chi tiết đăng ký, và cũng chẳng lên tiếng phản bác theo khôn ngoan thông thường khi được giao một nhiệm vụ không thuộc phạm vi chuyên môn của mình: “Hãy chăm sóc ông ta”.

Ông ta là chủ quán, chứ có phải là bác sĩ đâu? Rõ ràng ông chủ quán này là một người “không giống ai” khi chỉ bằng vào một lời nói suông của một người khách không quen không biết, mà biến nhà trọ của mình thành một bệnh viện.
Nếu có tốn kém nhiều hơn, khi về, tôi sẽ thanh toán”. Chắc chắn tôi và các bạn chẳng ai dễ nghe lời người lạ như thế cả. Chẳng ai và chẳng có gì làm bằng để biết chắc ông khách dở hơi ấy, sau cuộc viễn du sẽ trở về ghé lại quán trọ của mình mà thanh toán khoản tiền còn thiếu. Khoản y phí chắc chắn không thể là nhỏ, vì nạn nhân bị đánh trọng thương gần chết. Mà nạn nhân lại không còn gì để trả y phí cho mình. Ông ta đã bị cướp. Còn ông khách tốt bụng kia thì chỉ để lại hai đồng tiền. Rồi ông ta đi đường ông ta. Cánh chim tăm cá biết đâu mà tìm?

Càng suy nghĩ, càng thấy ông chủ quán trọ cũng cần thiết và nhân hậu không kém người Samaritanô. Vai trò của cả hai đều quan yếu cho minh hoạ của Chúa Giêsu. Chủ quán và người Samaritanô, cả hai đều tỏ ra xứng đáng là người thân cận của nạn nhân. Chủ quán, nhân vật thứ năm, chỉ được nhắc đến cuối cùng trong câu cuối của câu chuyện kể. Nhưng vai trò của ông cần thiết để nghĩa cử bác ái của ngườì Samaritanô được trọn vẹn.

 

Ông hoàn tất, trong âm thầm và thinh lặng, những gì ngươì Samaritanô đã khởi sự.
Chi tiết này khiến tôi nghĩ đến các phu nhân Sao Biển.
Thoạt đầu tôi cố gắng tìm ra những chi tiết nào cho phép mình kết luận chủ quán trọ là một phụ nữ. Thời Chúa Giêsu, những nghề nghiệp chính thấy được ngoài xã hội đều do cánh đàn ông phụ trách. Ông thu thuế như Lêvi Matthêu, như Giakêu, ngư phủ như các tông đồ, các Thầy Thượng Tế, các Thầy Lêvi. Ông thợ mộc như Giuse và Chúa Giêsu. Ông quan toà, Ông quản lý, kẻ chăn chiên ngoài đồng… Toàn là ông, không có nhắc đến môt bà nào. Ngoại trừ hai, ba bà goá. Một bà mất con trai khóc bù lu bù loa trên đường đưa đám, được Chúa mủi lòng cho con sống lại. Một bà già mồm, lãi nhãi cho đến khi ông quan toà điếc tai chịu không nổi, giải quyết vụ án cho. Và bà cuối cùng mất có mỗi một đồng bạc mà thắp đèn kiếm cho kỳ được, khi tìm được rồi lại còn mở tiệc ăn mừng. Phụ nữ Do Thái thời ấy khó có thể đảm trách công việc chủ quán trọ.
Nhưng nếu để hoàn tất trong âm thầm và trong thinh lặng những gì ngườì Samaritanô đã khởi sự thì có lẽ các phu nhân Sao Biển là những chủ quán trọ tuyệt vời.
Các ông Sao Biển, đã một thời theo đuổi lý tưởng dấn thân phục vụ tha nhân. “Đời chia muôn nhánh sông, đục nước chứ không đục lòng”, các ông vẫn ấp ủ hoài bão và hễ có dịp các ông lại là những Samaritanô. Thành hay bại, hoặc giúp được cho các ông SB chút nào thỏa mãn được hoài bão, tất thảy đều là do sự tiếp tay thầm lặng và đầy cảm thông của các chủ-quán-phu-nhân-Sao-Biển. Thông cảm cho ông và không phiền hà mỗi khi ông đi sớm về khuya lo việc giáo xứ. Mỗi khi Cha Xứ đặc biệt nhờ các ông SB đến giúp ngài trong những công tác mà ngài thường nói là không yên lòng khi giao cho người khác trong xứ, các bà chắc cũng có một chút tự hào, và không hề cho đó là một phiền nhiễu hay lạm dụng quá đáng.

 

Có khi lo việc Giáo xứ, Giáo họ quá hăng say, mà phần nào bê trễ công ăn việc làm hay việc chăm lo cho con cho cái, mọi sự giao phó vào tay một mình bà đảm đương, chắc hẳn đôi lần bà-chủ-quán-trọ cũng đâm ra bực dọc. Xin các bà hiểu cho rằng ông Samaritanô nhà ta có được tiếng là nhân hậu, cũng chỉ vì có bàn tay của bà đứng sau nâng đỡ, và có ánh mắt của bà trìu mến cảm thông và nhiều phần khuyến khích. Nếu các bà đôi khi có nặng nhẹ quá lời, hẳn rằng các ông Samaritanô SB kia sẽ nghĩ ngợi nhiều, áy náy cho rằng đời mình khổ sở như Socrate, người triết gia nổi tiếng có bà vợ dữ dằn, cũng chỉ vì “ai biểu tu ra làm chi!”.

Tu ra, các ông vụng về hơn quý vị đàn ông khác. Càng tu ra trễ, càng vụng về. Cái chất tu nó khiến các ông chậm hơn người ta. Chậm hơn, vì không thích bon chen chứ không phải khờ hơn. Đôi khi các bà thấy các ông SB nhà mình cù lần quá. Nói xin các bà bỏ quá, các ông ấy có vẻ cù lần vì hiền tính, vì lành tính. Chứ mà thủ đoạn gian manh thì các ông không quen có thói ấy đâu. Lấy cái thành đạt kinh tế mà đánh giá mấy ông cựu SB, thì không ổn chút nào. Các bà hãy nhìn vào cái quá khứ được giáo dục trong nhà Chúa. Không dễ mấy ai có được những ngày tháng như thế. Đàng sau một ông SB năng nổ lo toan chuyện Giáo hội, đều có bàn tay của một bà-chủ-quán.

Như thế, tôi thấy rõ ràng, mỗi phu nhân SB vào ngày cưới, được Chúa trao một anh Sao Biển vào tay, và nói: “Hãy chăm sóc anh ta cho tử tế. Và nếu có tốn kém nhiều hơn, khi trở lại, Tôi sẽ thanh toán.”[12]

Nguyễn đức Khang, SB63

Houston,10-8-2015.

 

***Chú thích:

[1] Câu này có hai bản dịch tiếng Việt hơi khác nhau:

“Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” (theo http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm, bản PVCGK) và “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” (theo https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/tinvui/tinvui165.htm)

Ἐν τῷ νόμῳ τί γέγραπται; πῶς ἀναγινώσκεις” (Hy Lạp) –

In lege quid scriptum est? quomodo legis?” (Vulgata)-

 ‘What is written in the Law? What is your reading of it?’  (tiếng Anh ) –

“Dans la Loi, qu’y a-t-il d’écrit ? Comment lis-tu ?” (BJ)

[2] Chúng ta có từ ρθς – orthos” có nghĩa là “đúng”, “chính xác”. Từ “orthos” này cho chúng ta từ “orthogonal – thẳng đứng”, và “orthodox – chinh thống” quen thuộc.

[3] Động từ “ποει – poieo” ớ quá khứ kéo dài, với nghĩa “cứ làm như thế mãi”, ông sẽ sống.

[4] Tiếng Việt có một từ khá hay để dịch từ “πλησον” (plesion – Hylạp) – proximus (Latinh) – prochain (Pháp) – neighbor (Anh) – “người thân cận”, “hàng xóm láng giềng”, “chỗ quen biết”. Nhưng chữ “thân” có hàm ngụ hạn chế vào những người thân quen mà thôi. Nếu có láng giềng ở gần mà không quen không biết thì sao?  Vậy có lẽ, xét chung, chúng ta nên dùng từ người “lân cận”, người “ở gần” thôi, không cứ phải vừa “thân” vừa “cận.”

[5] Động từ Hy Lạp này có ba phần. Phần chính là “ρχομαι – erchomai”  = đi; và hai tiếp đầu ngữ: “ντι” (anti) phía bên kia, và “παρ” (par) = sang bên. Toàn bộ có nghĩa “đi tránh sang một bên, sang tận phía (lề đường) bên kia”.

[6] Động từ “viso, si, sum, videre” có nghĩa là “nhìn chăm chú kỹ lưỡng”, “xem xét”. Còn động từ “preatereo,ivi, itum, ire”  có nghĩa “tránh sang tận bên kia mà đi.” (gồm tiếp đầu ngữ praeter – và động từ ire)

[7] Động từ “pertranseo, ire” có nghĩa “đi tránh qua, băng qua.” (gồm các tiếp đầu ngữ per – trans – và động từ ire).

Bản dịch tiếng Việt và bản Hy Lạp lại không tinh tế bằng bản Vulgata. Bản Việt ngữ, và bản Hy Lạp, chỉ cho thấy hai vị trọng vọng trong giới tư tế đều “tránh qua bên kia mà đi.”. Nhưng một người chỉ “tránh sang bên cạnh” để đi tiếp, còn vị kia lại “tránh sang tận mé đường phía bên kia” !

[8] Thuật trình này có một điểm đặc biệt. Câu chuyện liên quan đến hầu hết các giai cấp trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu.

Để giúp tìm hiểu thêm về dụ ngôn này, tưởng chúng ta nên dành vài hàng nói về các giai cấp ấy, như một bài học nho nhỏ, ôn lại Thánh kinh.

Người Israel hay người Do thái: Theo nhãn quan  người Do thái, nhân loại được thành hai thành phần, một bên là Dân Ngoại, bên kia là người Do thái (tên gọi chung cư dân sống ở xứ Judea, gọi theo địa dư) hay dân Israel (tên gọi con cháu của Israel=Jacob, tên gọi theo sắc dân). Nếu không nhấn mạnh đến hai khía cạnh trên, một người có thể tự nhận mình là người Do thái theo khía cạnh tôn giáo. Một người Dân Ngoại tòng đạo Do thái, hay ít ra có thiện cảm và giúp đỡ niềm tin Do thái, được gọi là “người kính sợ Chúa Trời.” (Xem TđCv 10:2, 22; 13:16, 26.)

Người Samaritanô: Người Samaritanô, gọi theo địa dư, là cư dân sống trong vùng Samaria. Đây là một vùng ở xứ Palestine, nằm giữa Judea và Galilêa. “Samaritanô” còn là tên gọi một sắc tộc và một tôn giáo. Người Samaritanô cho mình là dân Israel thật sự, thuộc bộ tộc Ephraim, Manasseh và Issachar ( xem Lc 17:11 Ga 4:4), Sách Talmud gọi xứ Samaria là “vùng đất của Cuthim,” và không coi vùng đất này là vùng đất thuộc Thánh Địa.

Thủ phủ vùng này là thành phố Sebaste. Ngày xưa, thành phố này mang tên Samaria, do vua Israel là Omri xây dựng lên vào khoảng năm 920 trước TC, đặt tên ban đầu là Shemer, tên người chủ đất ở hữu ngọn đồi (xem 1Vua 16-23:24). Nhiều đời vua thích ở tại đây hơn là Shechem và Thirzah. Vua Ahab đã xây một lây đài bằng ngà tại đây ( xem 1Vua 22:39). Ông cũng cho xây một ngôi đền thờ thần Baal (1 Vua 16:32,33, sau bị vua Jehu phá huỷ ( 2Vua 10:18-28). Nhiều đời tiên tri đã tố cáo Samaria vì đã thờ ngụy thần, như Isaia 9:9 , Ezekiel 16:46-63. Người Assyri bao vây thành này hai lần (xem 1 Vua 20:1-43;  2Vua 6:24; 7:1-20). Cuối cùng, vào năm 720 trước TC, Shalmanezer, vua xứ Assyria chiếm và phá huỷ thành, rồi phát lưu dân chúng sống trong miền Samaria (xem 2Vua 17:3-6;  Hôsê 10:5-7 Mikha 1:1-6.). Sau này tổng trấn Gabinius xây dựng lại thành Samaria. Rồi hoàng đế Augustus ban thành này cho vua Hêrod. Để tri ân, Hêrod đổi tên Samaria sang Sebaste, là tên Augustus bằng tiếng Hylạp.

Cần lưu ý rằng khoảng cách theo đường chim bay từ  Samaria đến Jerusalem chỉ chừng hơn 50 cây số. Nhưng cách biệt tôn giáo lại xa vời vợi.

 

http://www.bible-history.com/geography/ancient-israel/israel-first-century.html

Xem bản đồ điạ dư vùng Samaria, chúng ta mới thấy Samaria là vùng trái độn giữa miền Bắc và miền Nam, tương đối thấp và bằng phẳng hơn so với hai miền. Đó là vùng giao lưu quan trọng cho vùng TransJordan thông ra bờ biển, và đường thương mại từ Ai cập đi lên phía Bắc, hay Đông Bắc.

Vì là cửa ngỏ giao lưu, nên miền Samaria trở thành giao điểm các nền văn hóa, ngôn ngữ và cả tôn giáo. Ảnh hưởng tôn giáo của dân Ngoại đè nặng trên dân cư vùng này, nên họ mau chóng bị ảnh hưởng, mất dần niềm tin truyền thống (xem Jeremiah 23:13, Hôsê 7:1).

Khi quân Assyria tới xâm chiếm, họ được coi là sự trừng phạt của Thiên Chúa dành cho Samaria (xem 2Vua 17:5-23). Vua Shalmaneser bao vây thành. Sau ba năm bị bao vây, Samaria thất thủ, rơi vào tay vua Sargon II, người kế vị Shalmaneser. Khi thành Samaria mất, nước Samaria cũng mất theo. Đa số dân Samaria bị phát lưu. Người từ tứ xứ tới xâm chiếm và cư ngụ. Họ đến  từ “Babylon, từ Cuthah, Avva, từ Hamath và Sepharvaim,” là những thành đã quy phục Assyria (xem 2Vua 17:24). (Xem thêm tại http://biblehub.com/topical/s/samaria.htm )

Từ đó, xa cách, khinh miệt và đố kỵ  giữa người Do thái và người Samaria lớn dần theo ngày tháng,. Người Do thái tổ chức tế tự tại Giêrusalem, còn người Samaria lại cho rằng đền thờ ở núi Garizim mới là đền thờ đích thực (xem câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria trong Tin mừng Gioan 4:1-42, đặc biệt các câu 19-24). Đố kỵ và khinh miệt lẫn nhau lớn đến độ có câu tục ngữ Do thái nói rằng: “Ăn bánh người Samaria cho cũng dơ bẩn bằng ăn thịt heo.” ( m. Sheb. 8.10)

Flavius Josèphe có kể lại rằng vào tuần mừng lễ Vượt Qua năm 6, khoảng nửa đêm, một nhóm người Samarie đã lén ném xương vào đền thờ Giêrusalem, một hành vi gây ô uế Đền thờ mà người Do Thái không thể tha thứ (Flavius Josèphe, Antiquities of the Jews, 18.2.2)

Nhà thông luật: Một học giả thông thạo về luật, người đã khơi mào cho Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu. Ông nghiên cứu về Luật Môsê, rồi cắt nghĩa, và áp dụng vào đời sống. Có lẽ các nhà thông luật này và các ký lục thuộc chung một nhóm. Nhưng trong Tin Mừng theo Luca, các nhà thông luật thường được miêu tả một cách tiêu cực và được liệt chung vào nhóm các người Pharisiêu (xem Lc 5:17; 7:30; 11:45-54; 14:3.).

Người Pharisiêu là nhóm người đặc biệt tìm hiểu về bản Luật như đã được viết ra, và cách cắt nghĩa chúng. Họ không phải là các tư tế. Họ luôn luôn đối nghịch với nhóm người Sadducê.

Người Sadducê, là các tư tế, thuộc giới trưởng giả, chỉ chú trọng vào ĐềnThờ (xem TđCv 23:6-10).

Như vậy có thể nói các nhà thông luật là các giáo sư dạy luật và thuộc nhóm Pharisêu.

Các Tư Tế: Tư tế là các vị nam giới thuộc bộ tộc Lêvi, chuyên phụ trách việc tế tự tại ĐềnThờ Giêrusalem. Đứng đầu nhóm Tư tế là thầy Thượng tế.

Người Lêvi: Nam giới thuộc bộ tộc Lêvi, lo giúp đỡ các tư tế trong công việc tế tự, phụ trách ngân khố của Đền Thờ, lo Lễ nhạc, giữ cửa, lau chùi dọn vệ sinh Đền Thờ.

[9] Tại sao thầy Tư tế và thầy Lêvi lại không chịu giúp nạn nhân ? Có phải vì lý do đã nêu trong sách Lêvi  21:1-2, 10-11. “Tư tế lớn nhất trong hàng anh em nó, người đã được đổ dầu tấn phong lên đầu và được trao quyền khi mặc phẩm phục, thì không được xoã tóc và xé áo,11 không được đến gần người chết nào, và không được làm cho mình ra ô uế, dù vì cha hay vì mẹ mình.”

Đây hẳn phải là một lý do chính đáng? Thầy Tư tế ngỡ nạn nhân đã chết, không đám đụng vào vì sợ trở thành ô uế.

Các rabbi đã giải thích khoản luật này như sau: Thầy tư tế hay một người đã có lời thề đặc biệt không nên đụng đến sư ô uế vì một người bà con thân thuộc, nhưng họ có thể đụng đến sự ô uế của một xác chết bị mọi người bỏ bê. Nếu họ đang đi đường, và gặp một xác chết, rabbi Eliezer cho biết thầy thượng tế có thể đụng đến xác chết, nhưng người có lời thề đặc biệt thì không được. (Mishnah Nazir 7.1)  

[10]. Giêrusalem ở cao độ 850 thước trên mặt biển, Giêricô lại nằm dưới mặt biển 270 thước. Nên từ Giêrusalem phải đi xuống Giêricô. Đoạn đường này dốc, hiểm trở, nhiều đá. Chỉ dài chừng 17 dặm ( khoảng 25 cây số). Josephus, trước tác gia Do thái nổi tiếng vào thế kỷ thứ Nhất trước TC, miêu tả đoạn đường này là hoang dã và trần trụi . Theo Scott, “đoạn đường này nổi tiếng là hang ổ bọn trộm cướp.”  (B.B.Scott, Hear Then the Parable. A commentary on the Parables of Jesus,Minneapolis: Fortress Press. 1989, trang 194). Flavius Josèphe kể lại tướng Pompé đã từng triệt hạ một bọn cướp trên đoạn đường này Đọc trong Josèphe, Guerre des Juifs 4:474, Strabo 16:2:41 . Jeremias cũng nói đến cả một làng làm nghề ăn cướp tại khu vực Giêricô. Xem Joachim Jérémias, Jerusalem in the Time of Jesus (Fortress Press/SCM Press, translation 1969), p.52 

[11]. Cuốn NIV Bible ghi chú: hai đồng bạc (silver coin) bằng tiền lương công nhật hai ngày làm việc và đủ để trả tiền thuê phòng cho hai tháng.

[12] Phần tái bút này đã được đăng trên trang Diễn Đàn Sao Biển.