Tản mạn về Yêu Thương (Văn Đại Điền sb60)

Tản mạn

 Về  YÊU THƯƠNG

Trong thư thứ I của Thánh Gioan Tông Đồ, Đoạn 3 chủ đề Nguồn mạch Đức Ái và Đức Tin : “ (7)” Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa “– Và (8) “ Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.”

Tình yêu được biểu lộ qua ánh mắt, và trái tim là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu là hạnh phúc vĩnh cửu nhất trong cuộc sống, thể hiện qua những hành động cụ thể, trong đó thực hành khiêm tốn về Đức Ái, sự tôn trọng và tha thứ, sự hy sinh và chịu đựng để yêu thương được thể hiện trọn vẹn.

Trên tất cả mọi sự, tình yêu chiếm lĩnh để chiến thắng tất cả mọi sự dữ, nhưng ngược lại nếu trong cuộc sống không có tình yêu sẽ dẫn đến tội lỗi không còn niềm hy vọng đến gần Thiên Chúa hoặc tha nhân.

Trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côlôxê cũng đã đề cập về tình yêu:

” Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”…

Nhưng yêu thương đòi hỏi sự chân thật và cụ thể bằng việc làm là chính yếu để Tình yêu bày tỏ sự cao cả của hạnh phúc đích thực.

Thánh Gioan tông đồ, trong thư thứ I, đoạn 3 câu 18 : “ Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”.

Đầu môi chót lưỡi là diễn tả về thế thái nhân tình, một hành động có tính cách qua loa, hời hợt, giả hình, dối trá, nói đưa đẩy để cho xong chuyện hoặc mưu ích cho mình một việc gì, hoặc để rêu rao cho mọi người biết là mình tốt lành trong sự yêu thương, nhưng trong trái tim trống rỗng không có chút tình cảm yêu thương nào, duy nhất không có hành động thiết thực. Chúa Giêsu không ngần ngại chỉ trích những kinh sư, những biệt phái là những kẻ giảng thuyết mặc áo thụng tua dài, tay rộng, ngôn ngữ bất nhất, nói một đường làm một nẻo ( Mt.23,2-7: Lc 11,43 -46: Mc 12. 38-40)

– Thánh Gioan khuyên chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu thương chân chân thật bằng việc làm :

Trong hôn nhân: Tình yêu trong hôn nhân chân thật, thể hiện bằng sự hy sinh, chung thủy với lời hứa ban đầu, quảng đại và tha thứ cho nhau, và nhất là phải biết cầu nguyện để vượt qua mọi thử thách để tránh đổ vỡ, ly hôn…

Trong gia đình : Vợ chồng trách nhiệm, con cái yêu thương nhau, nhường nhịn lẫn nhau, biết hy sinh tha thứ cho nhau. Tình yêu chân thật sẽ tạo cho gia đình hạnh phúc, Con cái được giáo dục tốt, luôn sống trong Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến. Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời.

Về Xã Hội – Yêu thương tha nhân một cách chân thật, chia sẻ yêu thương về niềm vui, vật chất:

-“ Nếu ai có của cải thế gian mà thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu , mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được”.(I Ga 3,17).

Mẹ Tê rê sa Calcutta có câu nói “ “Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và sự thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ.” và bà cũng lưu lại cho thế giới một cuộc đời, sống bằng trái tim đầy yêu thương và cụ thể bằng những việc làm :
“Về huyết thống, tôi là người Albania. Về quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Về tôn giáo, tôi là một nữ tu Công giáo. Nói về tiếng gọi của cuộc đời, tôi thuộc về thế giới. Về trái tim, tôi thuộc trọn vẹn về Giêsu”.

Và Mẹ Têrêsa đã hiến dâng cuộc đời mình cho tha nhân một cách trọn vẹn.

Tin Mừng Luca thuật lại :(10, 25-37) : Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng :” Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm gia nghiệp? 26- Người đáp : Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? Ông ấy thưa “ Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình. Đức Giêsu bảo ông ta : Ông trả lời đúng lắm, hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “ Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” Đức Giêsu đáp : “ Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc dường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ầy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy Tư Tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-Vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh  qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau. Ông lấy ra hai quan tiền , trao cho chủ quán và nói : “ Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ. Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta : “Ông hãy đi , và hãy làm như vậy”.

Thiên Chúa đã tỏ tình yêu thương chúng ta ra sao ?:

“ Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai con một đến thế gian để nhờ con Một của Người mà chúng ta được sống” (I GA 3, 9).

Và vì tình yêu thương, và để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã hy tế trên thập giá: Không một tình yêu nào cao cả hơn, không một việc làm nào cụ thể hơn.

Còn chúng ta thì sao ?:

“Nếu ai nói : Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình , người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” ( I GA 3-3,20)

Đối với cộng đoàn:

Là giáo dân trong cộng đoàn Giáo Xứ, chúng ta có thể nói rằng : Tôi yêu mến Giáo Xứ của tôi. Nhưng tôi có việc làm nào cụ thể đối với Giáo Xứ của mình không ? –Tôi có đóng góp công sức để xây dựng Giáo Xứ ngày càng phát triển không ?

“ Lạy Chúa, chúng con còn kém cỏi trong tình yêu thương mà Chúa đã dạy cho chúng con, chúng con còn yêu thương trên đầu môi chót lưỡi hơn là bằng việc làm.
Xin cho chúng con biết suy niệm tốt hơn, biết hành động đúng hơn, để Tình yêu của Thiên Chúa luôn ở lại trong chúng con hầu tình yêu thương của chúng con cũng được tốt lành “ .Amen.

Văn Đại Điền

2015