Niềm tin – Đức tin Kitô giáo (Hoàng Châu sb60)

 NIỀM TIN – ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

 

Sống trên đời ai ai cũng có niềm tin. Nếu không có niềm tin, con người chúng ta dễ rơi vào tình trạng lập dị và có khi đi đến chỗ tuyệt vọng, không còn tin tưởng vào việc gì và người nào. Là người KTG, chúng ta lại còn có Đức Tin, tin vào một Thượng Đế, một Thiên Chúa cao siêu và quyền năng.

Nhưng nhiều khi chúng ta lẫn lộn giữa hai từ ‘Niềm Tin’ (La Confiance – Confidence ) và ‘Đức Tin’ ( La Foi – Belief ). Xin mạo muội chia sẻ những cảm nghĩ cá nhân về những phạm trù này .

 

I/-  NIỀM TIN (La Confiance – Confidence)

 Ở đây, niềm tin, theo ngu ý, là lòng tin, sự tin tưởng vào một người, một sự việc nào đó. Mất niềm tin là mất hết sư tin tưởng, không còn tín nhiệm gì nữa. ‘ Một lần bất tín, ngàn lần bất tin; con người lỡ một lần không trung thực hay bội tín sẽ dễ làm cho người khác không còn tin mình nữa .

Tôi hồi tục vì tôi đã mất niềm tin, niềm tin mà tôi đã trải nghiệm và có được trong những năm tháng ‘dùi mài kinh sử’; niềm tin vào lý tưởng mà tôi đã, đang và sẽ sống theo Đấng hoặc theo con đường mà tôi đã chọn. Nhưng qua mục vụ, cảm thấy bất bình và những trái nghịch với niềm tin ban đầu nên tôi phải ngậm ngùi rẽ ngang và tất nhiên còn những lý do khác nữa…Vào lúc này bạn ít thân thiện với tôi bởi vì bạn không còn lòng tin ở nơi tôi nữa vì tôi đã hành động không đúng với ước mong của bạn .. Khi giao hoặc nhờ ai làm hay thực hiện công việc gì, ta luôn đặt miềm tin hoàn toàn vào con người đó. Đã không tin thì không dùng. Nhưng nếu đã tin thì biết chắc công việc ta nhờ hoặc giao sẽ thành công mỹ mãn. Vợ chồng luôn tin tưởng nhau, hạnh phúc vững bền. Bạn bè tin nhau, tình bạn mới bền vững. Ngược lại sẽ bị tan rã và sẽ không còn sự mật thiết như xưa.

Sống trong niềm tin là sống hoàn toàn tin tưởng vào Đấng mà mình tôn thờ .

Biết và yêu mến, bởi vì ‘vô tri’ thì ‘bất mộ’. Một khi mất lòng tin, thì không còn gì để nói với nhau hoặc sống thân thiện với nhau…

 

II/- ĐỨC TIN ( La Foi – Belief ) 

Đức tin là niềm tin vào một tôn giáo, vào một Đấng Siêu Việt và Toàn Năng. Phạm trù ‘Đức tin’, theo ngu ý, liên quan đến lòng tin vào Thượng Đế Duy Nhất, vào Đức Phật, vào một hay nhiều Vị Thần…đối với người duy tâm hay hữu thần. Họ sống và luôn trung thành với lòng tin của mình, thậm chí còn dám hy sinh mạng sống vì Đức Tin, vì Đấng mà họ yêu mến, vì tôn giáo mà họ theo. Hoặc thảng, nếu có ai phỉ báng hay phê phán tôn giáo họ đang theo, họ lên tiếng phản biện và đôi khi hơi cực đoan bảo vệ niềm tin của mình. Hầu như đất nước nào cũng có Thánh Tử vì đạo. Các Ngài đã can đảm chịu mọi khổ hình cho đến chết và đã chết một cái chết vinh quang trước sự ngạc nhiên của quan quân và của người hành hình. Đó là đức tin; đó là niềm tin vào một Đức` Kytô, vào một cuộc sống vĩnh cửu ngày sau …

Ngày xưa, anh em nào học ở Collège d’Adran với Frère Camille, trong lớp Première và Terminale,  chắc hẳn vẫn còn nhớ câu nói thường ngày của ông : Après la mort, vous verrez …Có đức tin, chúng ta dễ dàng chấp nhận câu nói của ông…chứ đối với những anh em vô thần chắc là sẽ cười bĩu môi.

 

III/- ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO 

Đức tin Ki-Tô giáo là một đức tin được mặc khải (Une Foi révélée – Revealed Belief ). Một đức tin được Thiên Chúa mặc khải qua nhiều cách :

  • Do truyền thống : có người gọi là Đức tin kế thừa khi

được rửa tội từ nhỏ như đại đa số trong chúng ta . Được sinh ra trong một gia đình công giáo truyền thống, chúng ta được cha mẹ và người đỡ đầu đưa đến nhà thờ sau khi sinh được vài ngày (xưa) hoặc một tháng (nay) đễ lãnh nhận bí tích` Rửa Tội. Và chúng ta được mệnh danh là người ‘đạo dòng’, có đức tin ‘vững mạnh’ theo truyền thống của gia đình.

  • Qua trung gian một tác nhân hay một sự kiện tác

động : Do tình yêu lứa đôi mà một trong hai người là Công giáo. Vì yêu người phối ngẫu, sẵn sàng hy sinh học đạo và lấy người mình yêu mến . Họ đã được rửa tội và thêm sức trước khi làm phép hôn phối với nhau trước mặt TC và Hội Thánh Người (Cộng đoàn Ki-Tô giáo sở tại) . Qua sự kiện ngã ngựa trên đường đi Damas mà  Thánh Cả Phao lô đã trở nên một vị Tông Đồ rất nhiệt thành cho sứ mạng Truyền giáo..Qua sự liên lạc, tiếp xúc với một hay nhiều tác nhân mà một số anh em đã tòng đạo trong trại cải tạo, cải huấn…và nhiều trường hợp khác nữa…

  • Qua sự tìm hiểu cá nhân và với tác động của Thánh

Linh, một số anh em đã cải đạo (Conversion) với một đức tin sâu sắc và trưởng thành. Họ đã nghiên cứu kỹ càng và quyết định cho đức tin của mình. Phải nói họ là những người đã dùng lý trí suy luận của mình để tìm hiểu và cuối cùng quyết chí theo Đấng mà họ chọn.

  • Trong Nước TC, ai cũng như ai. Người đi làm từ

sáng sớm, kẻ tham gia vào lúc ba giờ chiều, đều chỉ lãnh được một đồng như nhau. Không có gì phải tranh cãi vì đã có hợp đồng.

 

IV/- NHỮNG THĂNG TRẦM CỦA ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG 

Đức tin của phần lớn trong số chúng ta vẫn phẳng lặng êm đềm như dòng sông êm ả. Chúng ta tin và chúng ta lớn lên, trưởng thành trong đức tin của chúng ta. Nhưng đối với một số ít anh em, đức tin không tĩnh lặng im lìm, nhưng có lúc bị dậy sóng, đôi khi bị phong ba bão táp vùi dập …Xin đề cập đến một vài yếu tố :

  • Yếu Đức tin ( Faiblesse de la Foi – The Weakness of Belief )

Không ai trong chúng ta dám khẳng định mình có đức tin vững mạnh bởi vì, như Đức Ki Tô đã nói, nếu chúng ta có đức tin mạnh mẽ, chúng ta có thể dời được núi, lấp được sông. Cho dù Phê Rô đã được Chúa chọn làm viên đá xây dựng Giáo Hội, nhưng cũng có lần chối Chúa ba lần. Một Phao Lô Bột cũng đã một lần phản bội…Nhưng rồi các Ngài sau đó đã biết ăn năn. Giu đa yếu lòng tin, một phút lỡ lầm, đã bán Thầy mình vì tin theo Biệt Phái và say mê ba mươi đồng để rồi phải tủi hổ treo cổ mình tự sát. Trước bão táp trong chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển hồ, mặc dù đã theo Chúa lâu ngày, mặc dù có sự hiện diện của Thầy mình trên thuyền, các môn đệ vẫn sợ hãi đến nỗi Chúa phải khiển trách là thiếu niềm tin … Khi Ngài sống lại và hiện ra, các ông cũng kém tin và tưởng Ngài là ma. Trong cuộc sống, chúng ta đôi khi nghi ngờ về sự quan phòng khi chúng ta gặp thử thách hay bị tai họa cách này hay cách khác …

  • Khủng hoảng Đức tin ( Crise de la Foi – The Crisis of Belief )

Khi còn ngồi trên ghế ở ĐCV, được nghe Cha Giám Đốc – ĐC Bart. Nguyễn Sơn Lâm thường nhắc đến sự khủng hoảng này. Một số Lm  sở dĩ hồi tục cũng chỉ vì bị khủng hoảng Đức Tin…do thiếu đời sống nội tâm, lơ là việc cầu nguyện. Bản thân  cảm thấy điều này thật chính xác. Nhiều anh em trong chúng ta cũng có lần rơi vào tình trạng này, vì lý do này nọ, xem ra không còn tin tưởng, nghi ngờ và lơ là không chu toàn bổn phận của người Ki Tô giáo . Một số anh em không thường xuyên đến nhà thờ vào những ngày Chủ Nhật chỉ vì một số lý do bất mãn, không cảm thấy hứng thú khi nghe những vị chủ chăn mắng chưởi giáo dân, kín cổng cao tường và xa cách, hành xử khác với Đức Ky Tô.

  • Mất Đức Tin (Perte de la Foi – The loss of Belief )

Từ khủng hoảng đến việc mất Đức tin là một bước rất gần. Phần lớn chúng ta bị khủng hoảng; nhưng chúng ta không bị mất Đức tin. Nói như thế không phải không có người bị mất Đức tin, tuy chỉ một thiểu số nào đó. Trong anh em chúng ta, cũng có người đó sao ! Khi họ nhìn thấy một sự kiện nào đó không được đẹp trong lòng Giáo Hội, nơi một vài vị Chủ chăn, họ đã mất niềm tin, bị khủng hoảng và cuối cùng không còn tin tưởng gì nữa. Hơn nữa, trong thế giới vật chất hữu hình này, cái gì thực tế và duy lý dễ làm cho chúng ta lung lạc .

Để kết, xin mở một dấu ngoặc, đây là những cảm nghĩ cá nhân có tích cách chủ quan, không có ý phê phán hoặc bảo vệ lòng tin của mình. Bản thân luôn tôn trọng niềm tin hay Đức tin của mỗi người. Một cách khách quan, con người có quyền tự chọn cho mình con đường ( đạo giáo ) để đi.

Luôn sẵn sàng yêu thương, thông cảm, bao dung, cầu nguyện và gần gũi …                                         

Sài Gòn 11/8/2015

HOÀNG CHÂU 60